Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Vạn Lý Trường Chinh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 27084 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vạn Lý Trường Chinh
Nguyễn Vạn Lý

Ðường Về Sông Dương Tử

Tình hình quân sự của cuộc Trường Chinh thay đổi rất nhiều sau Tuân Nghĩa. Thứ nhất vì quân số suy giảm đi rất nhiều so với quân số lúc khởi đầu. Bây giờ mục tiêu của Mao Trạch Ðông là tiến vào Tứ Xuyên và thiết lập một khu vực sô viết mới, để liên kết hỗ trợ cho khu vực của Trương Quốc Ðào. Bản quyết nghị tại đại hội Tuân Nghĩa nhấn mạnh đến sự thành lập một khu vực cộng sản trong vùng biên giới của ba tỉnh Tứ Xuyên, Quí Châu và Vân Nam.
Quyết nghị này có vẻ hợp lý lắm. Ba tỉnh kể trên không thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của chính phủ Quốc dân đảng tại Nam Kinh, vì thế kẻ thù quyết liệt nhất của cộng sản là Tưởng Giới Thạch không thể đương đầu với cộng sản hữu hiệu như tại Giang Tây. Sứ quân của Quí Châu rất độc lập với Nam Kinh, cũng như các sứ quân khác tại Tứ Xuyên. Các sứ quân Tứ Xuyên lại thường gây hấn với nhau. Kể từ cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, có tất cả 478 trận đánh giữa các sứ quân Tứ Xuyên. Trong một bối cảnh chính trị bất ổn như thế, cộng với quần chúng lầm than vì bị đánh thuế quá cao, khu vực này là một địa bàn lý tưởng để cộng sản có thể hoạt động rất có hiệu quả. Các sứ quân thù nghịch nhau sẽ không bao giờ có thể đoàn kết để chống lại cộng sản.
Sau khi rời Tuân Nghĩa, hồng quân đi vào một vùng núi non có những cấu thể lạ lùng và được mệnh danh là Thiên Môn. Ðây là một vùng đất kỳ bí, một vương quốc của thần thoại và thi ca. Tại đây có rất nhiều hang động lớn nhất thế giới. Có những động lớn chứa được vài chục ngàn người. Chính tại đây Trương Học Lương, người bắt cóc Tưởng Giới Thạch tại Tây An, được an trí như một tù nhân của Tưởng Giới Thạch. Viên thống chế bị cầm tù có dịp đi lang thang trong những hang động vô tận này. Sau đó Trương Học Lương bị giam lỏng trong một lâu đài nhỏ bên cạnh một cái hồ rất đẹp, được gọi là Tiểu Tây Hồ. Bên trong lâu đài, Trương Học Lương sống một mình cùng với một người nữ thư ký rất đẹp và tận tụy. Họ Trương lấp đầy những ngày trống rỗng của một tù nhân chính trị bằng cách hút thuốc phiện và nghiên cứu lịch sử đời nhà Minh bên cạnh một mỹ nhân. Rồi hai người yêu nhau và sống hết cuộc đời bên nhau. Khi Tưởng Giới Thạch thua cuộc, và phải bỏ lục địa chạy ra hải đảo Ðài Loan, Tưởng bắt hai người đi theo. Tại Ðài Loan, Trương Học Lương và người thư ký kết hôn năm 1964. Tưởng không muốn Trương Học Lương ở lại Hoa Lục để phe cộng trả ơn công trạng của Trương, đã bắt cóc Tưởng khiến Tưởng không thể tiếp tục công cuộc diệt cộng trong lúc phe cộng rất yếu kém sau cuộc Trường Chinh.
Mục tiêu bây giờ của Mao là tìm một con đường về phía bắc, để vượt qua con sông Dương Tử với mục đích kết hợp với lực lượng của Trương Quốc Ðào. Nhưng Tưởng Giới Thạch cũng đoán biết được con đường sống của hồng quân là phải qua sông Dương Tử để tiến về vùng núi non miền bắc. Vì thế Tưởng ra lệnh bố phòng cẩn mật mọi con đường dẫn tới sông Dương Tử. Tưởng sợ rằng một khi hồng quân thoát lên được miền bắc thì công cuộc diệt trừ sẽ vô cùng khó khăn. Ðối với Mao thì căn cứ của Trương Quốc Ðào tại vùng bắc Tứ Xuyên quả thực là một cái bến an toàn cho một con thuyền đang điêu đứng trong sóng gió không thương xót. Nhưng Trương Quốc Ðào có xứng đáng cho niềm hy vọng của Mao không?
Vào lúc cực thịnh tháng 1-1935, căn cứ của Trương Quốc Ðào có tới gần 100 ngàn quân, và chiếm một giải đất từ Bảo Ninh cho tới sông Chu Giang. Căn cứ của họ Trương liên lạc chặt chẽ với căn cứ của Hạ Long tại miền tây Hồ Nam. Tuy Hạ Long không thực sự kết hợp các chiến dịch với Trương Quốc Ðào, nhưng hai căn cứ này hỗ trợ cho nhau và là một hăm dọa thường xuyên cho Tứ Xuyên. Như vậy đối với Mao thì viễn tượng qua sông Dương Tử rồi lập căn cứ tại Tứ Xuyên có vẻ hấp dẫn hơn là tiếp tục cuộc Trường Chinh lên tận Thiểm Tây. Lúc đó lực lượng hồng quân tại Thiểm Tây của Cao Cương không có tới 10 ngàn quân, và đang phải đương đầu với tướng Dương Hổ Thành, một người đang thiên về Quốc dân đảng. Hơn nữa Thiểm Tây được coi là một khu vực đen tối chậm tiến nhất, dân chúng rất hủ lậu và khốn cùng. Chu Ân Lai kể lại khi dân chúng Giang Tây và Phúc Kiến đi theo hồng quân, họ mang theo quần áo và đồ dùng, trong khi dân chúng tại Thiểm Tây không có lấy một đôi đũa; họ quả thực sống ở mức tận cùng của nghèo khó. Trái lại vùng Tứ Xuyên thì giầu có, lương thực và khoáng sản rất nhiều. Hơn nữa hai tư lệnh cao cấp nhất của hồng quân là Chu Ðức và Lưu Bá Thừa, cũng như Ðặng Tiểu Bình, đều là người gốc Tứ Xuyên, và chắc chắn họ sẽ cổ võ quyết định chọn Tứ Xuyên làm căn cứ sô viết mới.
Nhưng vấn đề khó khăn của hồng quân là phải vượt qua con sông Dương Tử đang được quốc quân trấn giữ cẩn mật. Tưởng Giới Thạch đã tuyên bố: "Số phận quốc gia và Quốc dân đảng tùy thuộc vào việc ngăn chặn được quân cướp đỏ tại phía nam sông Dương Tử." Với quyết tâm quét sạch cộng sản và đạt được sự kiểm soát tại các tỉnh tây nam, Tưởng đã ra nghiêm lệnh cho quân đội và các sứ quân Tứ Xuyên phải nỗ lực tiêu diệt đám tàn quân cộng sản. Tháng 8-1934, Tưởng đã khuyến dụ được sứ quân Lưu Hoàng nhận 200 cố vấn quân sự Quốc dân đảng, cùng với sự trợ giúp tài chánh của Nam Kinh. Ngày 12-1-1935, trong lúc hồng quân còn đang ở trong thị trấn Tuân Nghĩa, tướng Quốc dân đảng Hồ Quốc Quang đã tới Trùng Khánh cùng một nhóm sĩ quan cao cấp để thi hành thỏa hiệp này; sau đó Hồ Quốc Quang bắt tay vào việc cải thiện và tổ chức lại quân đội tỉnh Tứ Xuyên, trong mục đích tiêu diệt cộng sản.
Trong khi đó quân đội Quốc dân đảng tại Thiểm Tây dưới quyền chỉ huy của tướng Hồ Tùng Nam bắt đầu tiến quân tấn công căn cứ của Trương Quốc Ðào tại vùng bắc Tứ Xuyên. Giữa tháng 1-1935, Trương Quốc Ðào đã phải chấm dứt các cuộc hành quân ở phía nam để củng cố hậu quân. Vì thế các sứ quân Tứ Xuyên, dưới sự chỉ huy chuyên nghiệp của các tướng và sĩ quan Quốc dân đảng có nhiều kinh nghiệm đánh cộng sản, đã bắt đầu là một đe dọa nghiêm trọng cho chương trình của Mao muốn vượt qua sông Dương Tử tại miền nam Tứ Xuyên.
Mao phải tách hồng quân thành ba cánh quân, và sai Lâm Bưu dẫn một cánh quân tiến tới Y Bình, cách Trùng Khánh chừng 100 dặm, với nhiệm vụ tìm cách mở đường qua sông Dương Tử. Lúc đó Tưởng Giới Thạch đang có mặt tại Trùng Khánh, và đích thân điều động chiến dịch bao vây hồng quân tại khu vực giữa Quí Châu - Tứ Xuyên - Vân Nam. Mao dẫn một cánh quân thứ hai tiến về sông Hồng Giang và chờ cơ hội quay ngược về hướng bắc để theo cánh quân của Lâm Bưu, một khi Lâm Bưu đã thành công phá vỡ được vòng vây. Bành Ðức Hoài dẫn một sư đoàn tiến về phía bắc của Mao. Quân số hồng quân còn ít, mà Mao phải phân chia làm ba cánh quân khác nhau là vì Mao muốn gây hoang mang cho Tưởng Giới Thạch, và cũng để tìm cách vượt qua sông Dương Tử tại một địa điểm thuận lợi nhất chưa được quốc quân bảo vệ.
Thoạt đầu Lâm Bưu chiến thắng dễ dàng tại thị trấn Tô Xương trên bờ sông Hồng Giang. Ðược đà Lâm Bưu tiến thẳng tới thị trấn Chí Hồi, cũng nằm trên sông Hồng Giang. Nhưng tại đây Lâm Bưu gặp phải một sự kháng cự mạnh mẽ. Nhiều đơn vị Quốc dân đảng tới tăng cường cho Chí Hồi. Cuối cùng sau một ngày một đêm chiến đấu ác liệt, Lâm Bưu phải lui quân và báo tin không may cho Mao. Về phần Mao cũng chẳng may mắn hơn. Suốt hai ngày, lực lượng của Mao bị quốc quân cầm chân, nhưng cuối cùng Mao cũng tiến tới được thị trấn Tô Xương và chờ đợi kết quả của Lâm Bưu. Ngay lập tức quân đội đông đảo của Tứ Xuyên quay trở lại bao vây lực lượng của Mao. Quân đội Tứ Xuyên bây giờ nằm dưới quyền điều khiển của các cấp chỉ huy Quốc dân đảng có nhiều kinh nghiệm chiến trường, đã chiến đấu rất hữu hiệu. Trận đánh dữ dằn bắt đầu xảy ra và Mao thiết lập bộ tư lệnh ngay tại làng Thanh Long Phố. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi chính Mao, Chu Ân Lai và Chu Ðức phải đích thân ra chỉ huy hồng quân.
Mao quyết định cầu cứu Lâm Bưu, và ra lệnh cho đệ nhất quân đoàn của Lâm Bưu phải quay về Thanh Long Phố tăng cường cho đệ tam quân đoàn, nhưng phải đến nửa đêm quân của Lâm Bưu mới có thể tới nơi. Khoảng 3 giờ chiều, trận chiến bùng nổ dữ dội, và hai bên đều tổn thất nặng nề. Khang Khắc Thanh, vợ của Chu Ðức, phải bỏ chạy trước một trận mưa đạn tưởng như không bao giờ dứt. Hồng quân có thể bị tiêu diệt tại đây. Một cuộc họp quân sự diễn ra tại chỗ và các cán bộ mọi cấp và các lực lượng trừ bị được ném vào trận chiến. Nếu hồng quân không phá vỡ được vòng vây ngay thì địch quân có đủ thì giờ đưa thêm viện binh tới nữa. Ðến gần tối thì hồng quân phá được vòng vây, nhưng chiến dịch tiến về phía bắc, nhằm tới được bờ sông Dương Tử phải hoãn lại. Bây giờ hồng quân bắt buộc phải lẩn trốn về Vân Nam.
Lâm Bưu tới nơi kịp thời và thiết lập những cầu nổi để qua sông Hồng Giang tại Tô Xương. Sáng sớm ngày 28-1, hồng quân vội vã qua sông Hồng Giang và khoảng 10 giờ sáng thì toàn thể hồng quân đã an toàn bên kia sông. Hồng quân kéo tất cả cầu nổi lên bờ và phá hủy, không để cho quốc quân xử dụng được. Hồng quân tiến về Vân Nam để tạm nghỉ một thời gian, và cũng để tuyển mộ thêm quân số và chờ cơ hội quay trở lại sông Dương Tử. Trong lúc hồng quân qua sông Hồng Giang thì Hạ Tử Trân lâm bồn. Lúc 9 giờ tối hôm đó, Hạ Tử Trân sinh đứa con thứ tư cho Mao Trạch Ðông, và là con gái. Lúc đó không có cách gì săn sóc được cho đứa trẻ sơ sinh, và cũng không thể mang đứa trẻ đi theo được. Vài giờ sau khi sinh ra, đứa bé được lấy khỏi vòng tay của Hạ Tử Trân, và giao cho vợ chồng một nông dân nhờ nuôi dùm. Cũng không có ai kịp đặt tên cho đứa bé. Người ta chỉ kịp quấn đứa bé bằng một mảnh vải đen rồi đưa vội cho người nông dân cùng với một số tiền. Vợ chồng người nông dân hứa sẽ chăm sóc cho đứa nhỏ. Sáng sớm hôm sau, Mao, Hạ Tử Trân và hồng quân lại phải lên đường gấp rút, vì quốc quân đang truy kích tới nơi. Nhưng về sau này không ai tìm lại được tung tích đứa nhỏ bỏ lại.
Thảm cảnh của Hạ Tử Trân cũng là thảm cảnh chung của các phụ nữ trong cuộc Trường Chinh. Họ không có điều kiện để nuôi con trên đường chạy trốn lúc nào cũng đầy hung hiểm. Họ bắt buộc phải đem con cho người khác hoặc gửi con lại sau khi sinh con. Tuy hành động bỏ con như thế giúp cho người mẹ nhẹ gánh, nhưng không phải là không đau xót. Nhưng họ không còn một lựa chọn nào khác, và hoàn cảnh nguy hiểm không cho phép họ nghĩ tới tình cảm cá nhân. Hạ Tử Trân cũng không phải là người đàn bà duy nhất trải qua cảnh thương tâm phải bỏ con như thế. Trương Qúy Phụ, chỉ huy trung đoàn phụ nữ và chồng là chính ủy, cũng sinh con và bỏ con lại dọc đường. Về sau Trương Quý Phụ làm bộ trưởng Vải Sợi và bị xử tử trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Liễu Vi Giang, vợ của lãnh tụ thanh niên cộng sản, cũng phải gửi con cho nông dân. Thoạt đầu người nông dân không chịu nhận, đến khi người ta phải vừa hăm dọa vừa năn nỉ mới chịu nhận. Riêng vợ của tư lệnh đệ tứ quân đoàn thì sanh con khi hồng quân đang vượt qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang gần Tây Tạng; nhưng chỉ hai ngày sau thì bà ta lại cưỡi ngựa được như thường. Hai mẹ con tới được Diên An an toàn. Ðây là trường hợp duy nhất không phải bỏ con sơ sinh lại dọc đường.
Phần lớn những đứa trẻ bị bỏ lại gửi nông dân nuôi dùm đều chết hoặc mất tích. Một số bà mẹ tìm lại được con đem về nuôi, một số khác tìm được con nhưng con cái không chịu đi theo. Phần lớn phụ nữ Trường Chinh có chồng nhưng họ thường nói "con lừa quý hơn chồng", vì con lừa giúp họ được trong khi chồng không giúp được gì mà còn quấy nhiễu họ nữa. Ðối với các phụ nữ trường chinh thì có thai và sinh đẻ trong lúc chạy trốn thực là một tai họa lớn nhất. Ði bộ suốt ngày, hết ngày này sang ngày khác mà bụng chửa thì không có cảnh khổ nào bằng. Trường hợp có chửa mà cưỡi ngựa cũng rất khó khăn. Rồi đẻ xong thì mất con và lại tiếp tục công việc nặng nhọc hàng ngày.
Sau khi vượt qua sông Hồng Giang, hồng quân tiến về phía tây, và sẽ chờ cơ hội quay lại phía bắc tìm lối trở lại Tứ Xuyên. Nhưng khi được tin đại quân của Tưởng cũng tiến về phía tây, Mao đề nghị hồng quân quay trở lại Quí Châu, chiếm lại Tuân Nghĩa. Trong lúc đại quân cộng sản còn nghỉ ngơi tại Tuân Nghĩa, một toán quân tiền phương của hồng quân tiến về phía bắc, và chiếm được Lão Sơn Quan và Ðông Tử. Tại biên giới Quí Châu và Tứ Xuyên, hồng quân đánh bại quân đội của tỉnh Tứ Xuyên. Ðại quân của các sứ quân Hoàng Gia Liệt và Dư Quốc Thái lập tức bắc tiến về Tuân Nghĩa để trả thù và đuổi cộng quân ra khỏi Tuân Nghĩa. Quân của sứ quân Quảng Tây cũng quay trở lại hợp lực với quân của Tứ Xuyên, và chỉ cách Tuân Nghĩa 100 dậm. Một lần nữa, cuộc bao vây thành hình và thắt chặt lại.
Cũng như cuộc bao vây lần thứ năm tại Giang Tây có một mặt không đủ mạnh. Trong lần bao vây tại Tuân Nghĩa, đạo quân Tứ Xuyên tại phía tây rất yếu kém. Ngày 16-1, các công nhân tại thị trấn Chí Hồi thuộc Quí Châu khởi loạn. Với sự trợ giúp của dân chúng bị áp bức, các công nhân đã tấn công quân đội Quí Châu. Quân đội Quí Châu vốn bạc nhược không muốn chiến đấu nên quyết định rút khỏi thành phố. Khi đội tiền phương của cộng sản tiến tới Chí Hồi thì được công nhân và quần chúng căng biểu ngữ chào đón.
Các đơn vị hồng quân khác đã chiếm được Mao Ðài và xâm nhập biên giới Tứ Xuyên gần Dương Minh. Mao Ðài là nơi sản xuất rượu Mao Ðài nổi tiếng của Trung hoa. Người Trung hoa khắp nơi có thói quen dùng rượu Mao Ðài mời khách, cũng như người Anh dùng rượu Scotch và người Pháp dùng Sâm Banh vậy. Xưởng nấu rượu tại Mao Ðài có hàng trăm bể chứa đầy rượu. Khi toán quân cộng sản đầu tiên tới xưởng làm rượu, họ tưởng cái chất lỏng mầu trắng trong những bể rượu là nước để tắm rửa, và họ vội nhúng những bàn chân mệt mỏi vào để ngâm cho mát và sạch chân. Lý Ðức nghe nói tìm được rượu Mao Ðài lập tức mò đến xưởng rượu ngay và một số lớn hồng quân được một bữa say túy lúy vì thứ rượu nổi tiếng này. Vào lúc đơn vị hồng quân cuối cùng rời Mao Ðài thì cả thành phố không còn lấy một giọt rượu.
Quân của Mao vượt qua sông Hồng Giang vào Tứ Xuyên ngày 6-1. Lưu Hoàng, sứ quân nổi tiếng nhất của Tứ Xuyên, bây giờ có sự cố vấn của các sĩ quan Quốc dân đảng, phái hai trung đoàn dưới quyền chỉ huy của Trương An Bình để đuổi theo hồng quân tại Chí Hồi và Dương Minh. Một toán quân khác được lệnh tăng cường dọc theo bờ sông Dương Tử và phải giữ vững vùng phía nam sông Dương Tử. Một số đơn vị miền nam được gọi về tăng cường trấn giữ chiếc cầu chiến lược Quang Nghĩa. Trong khi đó, các gia đình phú hộ và các lãnh tụ nổi tiếng chống cộng tại Trùng Khánh phải bỏ chạy khỏi Trùng Khánh, vì sợ rằng hồng quân có thể tiến chiếm thành phố. Quân của Mao quả thực đã tiến vào khu vực sông Hồng Giang, và chiếm được một thành phố tại biên giới Vân Nam.
Nhưng hồng quân thấy đường ra sông Dương Tử cực kỳ khó khăn nguy hiểm vì sự phòng thủ mạnh mẽ của quốc quân. Hồng quân đành phải quay trở lại, vượt qua sông Hồng Giang vào đầu tháng 2 và chiếm lại Lão Sơn Quan sau trận đánh thắng quân đội của sứ quân Hoàng Gia Liệt. Hồng quân chiếm lại Tuân Nghĩa ngày 27-2 sau khi cố gắng suốt năm tuần lễ mà không vượt qua được sông Dương Tử. Hồng quân cũng thành công đẩy lui hai sư đoàn của sứ quân Quảng Tây gần Tuân Nghĩa. Một phần quân đội Quảng Tây bị kẹt giữa hai quân đoàn của Bành Ðức Hoài và Lâm Bưu, và phải chạy thục mạng qua sông Ngô Giang.
Ðây là trận đánh đầu tiên của Mao trong cuộc Trường Chinh. Trận chiến rộng 100 cây số vuông trong một vùng núi non hiểm trở. Chiến đấu tại những địa hình núi non hiểm trở là sở trường của hồng quân. Tại một địa điểm, quân Quí Châu dưới quyền chỉ huy của tướng Ngô Quý Vệ quá yếu kém đã phải bỏ chạy đè lên nhau để thoát thân. Khi Ngô Quý Vệ thoát qua được bên kia sông bằng cầu nổi, hắn liền ra lệnh cắt giây phá vỡ cầu vì sợ hồng quân đuổi theo và dùng được cầu nổi. Ngô Quý Vệ không quan tâm đến mấy ngàn quân của mình vẫn còn bên kia sông. Hành động ích kỷ của Ngô Quý Vệ đã làm cho hàng ngàn quân Quí châu khác bị kẹt bên kia sông và bị hồng quân bắt làm tù binh. Một số lớn tù binh đã gia nhập hồng quân vì bị mua chuộc và hăm đọa. Tổng cộng trên mười trung đoàn quốc quân bị loại ra ngoài vòng chiến. Ðây là trận chiến thắng đầu tiên của hồng quân kể từ khi bỏ chạy từ Giang Tây. Từ đó hồng quân kiểm soát được khu vực bắc Quí Châu. Mao rất hứng khởi và làm một bài thơ ca ngợi chiến công chiếm lại được Lão Sơn Quan.
Chính tại trận chiến này, Bành Ðức Hoài có một chính ủy mới là Lưu Thiếu Kỳ. Lưu Thiếu Kỳ trẻ hơn Mao và cùng quê với Mao. Họ Lưu xuất thân từ một gia đình phú nông. Lúc còn trẻ, Lưu học tại trường sư phạm Trường Sa. Sau đó Lưu lên Bắc kinh và gặp Mao. Lúc đầu Lưu định xuất dương sang Pháp theo chương trình "học tập và làm việc", nhưng không có đủ tiền nên Lưu tìm đường sang Mạc tư khoa năm 1919, và trở thành đảng viên cộng sản năm 1921. Lưu là một người rất hăng say, có tinh thần kỷ luật và là một diễn giả rất hấp dẫn lôi cuốn quần chúng. Tuy vậy Lưu rất ít nói trong đời sống gia đình. Sau cuộc Trường Chinh, Lưu được phái đi làm những nhiệm vụ rất nguy hiểm trong khu vực Quốc dân đảng. Sau khi cộng sản chiếm được Hoa Lục, Lưu trở thành vị tổng thống đầu tiên. Nhưng vì uy tín của Lưu mỗi ngày một lớn nên Mao lo sợ và mở cuộc Cách mạng Văn hóa để hạ bệ Lưu. Lưu bị Hồng vệ binh bắt giữ, tra tấn và chết trong ngục.
Những hy vọng của Mao vượt sông Dương Tử bỗng tan ra mây khói khi căn cứ của Trương Quốc Ðào bị quân Quốc dân đảng tấn công nặng nề. Thoạt đầu Trương Quốc Ðào thành công đẩy lui những đạo quân Quốc dân đảng của Thiểm Tây. Nhưng về sau quân của Tứ Xuyên dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan Nam Kinh, mở những cuộc tấn công mãnh liệt và hữu hiệu và liên tục từ mặt nam, Trương Quốc Ðào đành phải rời bỏ căn cứ tại phía bắc Tứ Xuyên và chạy về miền tây hoang vu gần Tây Tạng. Ðây là một vùng núi non hoang dã ít người ở được, tuy an toàn hơn, vì quân đội Quốc dân đảng không muốn tiến vào một nơi hoang dã hiểm trở như thế, nhưng Trương Quốc Ðào sẽ không thể trợ giúp Mao trong mục tiêu vượt sông Dương Tử được nữa.
Chính Trương Quốc Ðào cũng không tự giúp nổi mình trước những đợt tấn công quyết liệt của Tưởng Giới Thạch. Mao và các đồng chí chán nản vô cùng. Cuộc bỏ chạy của Trương Quốc Ðào đã giúp Lưu Hoàng tập trung lực lượng quốc quân tiến tới biên giới Quí Châu, và lực lượng của Hồ Uyển thuộc tỉnh Hồ Nam kết hợp lại để mở những cuộc tấn công mới. Mao rất căm hận sự thất bại của Trương Quốc Ðào và gọi Trương là "tên đào tẩu". Thực ra số phận Mao thì cũng chẳng hơn gì số phận của Trương Quốc Ðào, cũng đang chạy thất điên bát đảo mà chưa thoát khỏi vòng vây hãm của Tưởng.
Tháng 3, quân của Mao lại tiến vào Tứ Xuyên một lần nữa, vượt qua sông Hồng Giang lần thứ ba. Lần tiến quân này có mục đích đánh lừa Quốc dân đảng chuyển quân tới sông Dương Tử ở vùng Tứ Xuyên. Nhưng hồng quân lại rút lui ngay, quay trở lại qua sông Hồng Giang lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng, rồi tiến mạnh về hướng nam. Ngày 31-3-1935, hồng quân vượt qua sông Ngô Giang lần cuối cùng, ba tháng sau khi vượt qua lần đầu tiên và tiến về Quế Dương, thủ phủ tỉnh Quí Châu. Mao và Chu Ðức có ý định gì khi tiến quân như vậy? Có phải họ dự định lập một vùng sô viết tại Vân Nam, tại đó sức kháng cự của quốc quân rất yếu kém không? Có phải họ dự định tiến qua sông Dương Tử một lần nữa tại một địa điểm xa hơn về phía nam tại sông Kim Sa? Hoặc họ dự định tiến về Quảng Tây, hoặc ngay cả Quảng Ðông để tìm cơ hội may mắn của họ tại đó?
Không ai bên phía Quốc dân đảng đoán được ý định của hồng quân. Ngay đa số các lãnh tụ cao cấp của hồng quân cũng chỉ phỏng đoán mục tiêu của Mao mà thôi. Mao không bao giờ từ bỏ dự định vượt qua sông Dương Tử, con đường sống còn duy nhất của hồng quân. Nhưng Mao không thể vượt qua sông Dương Tử nếu không dụ cho lực lượng quốc quân đông đảo của Tưởng đi xa khỏi bờ sông. Tất cả những cuộc phối trí và chuyển quân của Mao trong những ngày kế tiếp chỉ là để đánh lạc hướng và bắt quốc quân phải đuổi theo hồng quân đi khắp nơi, rồi thừa lúc xuất kỳ bất ý hồng quân vượt qua sông. Nơi lý tưởng để vượt qua sông Dương Tử là sông Kim Sa, một chi nhánh của sông Dương Tử. Con sông Kim Sa là một chướng ngại thiên nhiên đáng kể. Con sông này có chỗ cao trên 8 ngàn phân bộ hơn mặt nước biển tại Tứ Xuyên và Tây Tạng, và cao khoảng 900 phân bộ tại Y Bình, nơi con sông Kim Sa nhập vào sông Dương Tử. Khoảng gần tới Y Bình, sông Kim Sa đổ xuống trung bình 18 phân bộ một dậm, khiến dòng sông chảy cuồn cuộn mãnh liệt và cực kỳ nguy hiểm cho thuyền bè trên sông. Ðối với quân của Mao, nếu vượt qua sông Kim Sa thì phải mất nhiều ngày và do đó dễ làm mồi cho những cuộc tấn công bằng phi cơ và vũ khí nặng của quốc quân.
Bến phà chỗ hai con sông Ða Long và Kim Sa gặp nhau là một bến lớn, từ hàng ngàn năm vốn là nơi dừng chân của khách thương. Khách thương thường qua sông Kim Sa tại bến này bằng những thuyền của thổ dân địa phương làm bằng da. Dòng nước chảy xiết sẽ đánh vỡ mọi thuyền bè làm bằng gỗ ra từng mảnh trước khi thuyền ra tới giữa sông. Bình thường khách qua sông mỗi ngày không có nhiều lắm nên không có vấn đề khan hiếm thuyền làm bằng da. Nhưng nếu trên 30 ngàn hồng quân mà qua sông thì phải dùng đến phà, nhưng vì thời giờ quá cấp bách nên tìm đủ phà cho hồng quân thực là một vấn đề nan giải.
Ðầu tháng 4, hồng quân tiến về phía nam để bao vây Quế Dương. Hồng quân bắt được một chiếc xe hơi trên đường tiến quân, trong chiếc xe hơi có đầy đủ các bản đồ của Vân Nam. Lúc đó Tưởng Giới Thạch đã bay tới Quế Dương để tự nắm quyền chỉ huy phòng vệ thành phố. Nhiều đơn vị hồng quân đã mở những trận tấn công thăm dò giả vờ vào thị trấn Hoàng Bình về phía đông Quế Dương. Mao phái một lực lượng bao vây Lũng Quận, ngay bên ngoài thủ đô Quế Dương. Lập tức Tưởng ra lệnh cho quân đội Vân Nam tới giải cứu. Khi quân đội Vân Nam tới, hồng quân bất thần chuyển hướng một lần nữa và nhắm hướng tây nam tiến về Vân Nam, mà không bị quốc quân ngăn cản, vì đại quân Vân Nam đang tiến về giải vây cho Lũng Quận.
Chính trong chiến dịch này báo chí đã đăng tin Chu Ðức bị tử trận. Theo tin báo chí thì Chu Ðức bị giết trong trận đánh tại Núi Ðầu Heo trong lúc Chu Ðức đang dẫn quân tới Quế Dương. Xác của Chu Ðức không có quan tài, và được quấn bằng lụa đỏ do các thuộc hạ thân tín khiêng đi. Chu đã bị thương nặng trước khi chết. Báo chí của Quốc dân đảng còn tiết lộ lực lượng hồng quân chỉ còn khoảng 10 ngàn người. Chính Chu Ðức cũng được đọc bài báo đăng về cái chết của mình một cách chi tiết như vậy. Chu Ðức từng được báo chí Quốc dân đảng tường thuật tử trận ít nhất mười lần.
Ðường tiến quân của hồng quân đưa Chu Ðức về qua sinh quán của mình, tại đó Chu Ðức có một người vợ bé và một đứa con trai. Một tờ báo Quốc dân đảng loan tin quân đội Quốc dân đảng tấn công nhà vợ bé Chu Ðức và tàn phá tất cả. Con trai Chu Ðức, một sinh viên 19 tuổi đã trốn thoát và có lẽ đang tìm đường về với hồng quân. Thực ra Chu Ðức không bao giờ hy vọng gặp lại vợ bé và đứa con trai vì Chu Ðức biết hai người đã bị Quốc dân đảng giết rồi.
Hồng quân tiến qua Chí Hồi và Tràng Sơn, và sau đó vượt qua sông Bất Bản để tới An Long. Tại đây hồng quân tiến vào địa phận tỉnh Vân Nam bằng cách vượt qua con sông Bất Bản, và chia làm hai cánh quân. Cả hai cánh quân đều tiến về phía bắc, hoặc tây bắc. Cánh quân chính tiến tới Mã Lung và Sùng Minh, có vẻ muốn tiến tới Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, cũng còn được gọi là Vân Nam Phủ. Tuy nhiên cánh quân thứ hai tiến về bến phà sông Kim Sa.
Một lần nữa hồng quân thành công lừa được quân Quốc dân đảng bằng những trận đánh giả, và lần này mục tiêu giả là Côn Minh. Các trận đánh giả này đã khiến quốc quân rời xa hẳn mục tiêu chính của hồng quân. Quốc quân tập trung tại phía bắc và phía đông Quí Châu. Quân Vân Nam cũng tiến về phía nam, bỏ ngỏ con đường tây tiến vào Vân Nam. Trước một lực lượng địch đông đảo và mạnh như vậy, hồng quân bỗng nhiên tiến về phía tây ngày 1-5, xuyên qua phía bắc của Vân Nam qua một khu vực núi non hiểm trở là nơi rất quen thuộc với Chu Ðức, để tiến quân vượt qua sông Kim Sa giữa biên giới Tứ Xuyên và Vân Nam, trước khi các phi cơ địch khám phá được. Lâm Bưu được lệnh dẫn một sư đoàn giả vờ tấn công thủ đô Côn Minh, và lôi cuốn lực lượng quốc quân cùng với phi cơ oanh tạc quốc quân đuổi theo Lâm Bưu.
Trên đường tới Côn Minh, sư đoàn của Lâm Bưu bắt được một đoàn công voa của quốc quân chở nhiều dụng cụ y tế và thuốc men đi Quí Châu. Khi sư đoàn của Lâm Bưu tới gần cổng thành Côn Minh thì các nhân vật quan trọng của Quốc dân đảng đang có mặt tại Côn Minh lật đật bỏ chạy. Trong lúc Lâm Bưu rầm rộ phô trương cuộc tấn công Côn Minh, và tướng Long Vân sẵn sàng sửa soạn một cuộc tấn công lại hồng quân thì vợ chồng Tưởng Giới Thạch hốt hoảng dùng xe lửa chạy trốn qua Việt nam. Trong lúc đó Lưu Bá Thừa thống lĩnh đại quân tiến về sông Kim Sa.
Không lực của quốc quân luôn luôn là một mối lo sợ cho hồng quân, nhất là hồng quân không có súng phòng không, và các phi cơ của Tưởng mặc sức hoành hành. Khi một bộ phận hồng quân tiến về Vân Nam trong âm mưu làm nghi binh, thì bị phi cơ quốc quân tiến tới oanh kích. Lúc đó Hạ Tử Trân đang đi theo một đơn vị thương binh. Hạ Tử Trân vội ra lệnh che dấu các thương binh còn nằm trên cáng. Nhưng ngay lúc đó các phi cơ quốc quân đã xà xuống và xả súng máy vào đám thương binh. Nhiều thương binh và phu khiêng cáng bị tử nạn ngay trong đợt đầu. Hạ Tử Trân trông thấy một thương binh cố ngồi nhỏm dậy khỏi chiếc cáng mà không được. Khi phi cơ quốc quân quay lại tấn công lần thứ hai thì Hạ Tử Trân nhảy lên cáng, lấy thân mình che cho người thương binh. Một trái bom nổ rất gần và Hạ Tử Trân bị thương nặng, trên người có ít nhất 16 vết thương. Nàng bất tỉnh luôn mấy ngày. Khi hồi tỉnh, Hạ Tử Trân dặn y tá đừng cho Mao biết tin, sợ Mao lo lắng vô ích. Người ta phải đặt nàng lên cáng và khiêng đi theo. Ðôi khi người ta phải cõng nàng khi đi qua những chỗ khó khăn.
Cuộc đời của Hạ Tử Trân chỉ là những thảm kịch. Vì bị thương nên khi tới Diên An sức khỏe của Hạ Tử Trân rất suy nhược, nhưng vẫn sinh được một con gái. Mao rất cần đàn bà. Trong lúc Hạ Tử Trân bệnh hoạn thì Mao bắt đầu tán tỉnh một cô đào Thượng Hải tên là Ngô Quảng Mỹ, còn có tên là Lily, nói rất giỏi tiếng Anh và là thông dịch viên cho nhà báo Mỹ Smedley tại Diên An. Lập tức Ngô Lily lọt vào cặp mắt thèm thuồng của Mao. Hạ Tử Trân thường hay cãi lộn với Mao mỗi khi Mao tán tỉnh Lily. Trong lúc lưu lại Diên An, Lily tham gia một ban kịch. Hạ Tử Trân giận dữ Smedley đến nỗi hăm dọa giết Smedley, vì Hạ Tử Trân nghĩ rằng Smedley mở đường cho Lily tán tỉnh Mao. Về sau để tránh rắc rối thêm, người ta phải gửi Ngô Lily đi khỏi Diên An theo một ban kịch lưu động, và Smedley cũng phải cắt ngắn thời gian làm việc tại Diên An.
Năm 1937 Hạ Tử Trân rời Diên An đi Tây An, hy vọng tìm đường về Thượng Hải để chữa những vết thương đang mang trên người, nhưng đúng lúc đó thì Nhật chiếm Thượng Hải. Mao và đảng gửi Hạ Tử Trân qua Mạc tư khoa chữa bệnh, tại đó Hạ Tử Trân sinh được một đứa con trai, đứa con thứ sáu của nàng với Mao và cũng là đứa con cuối cùng. Hạ Tử Trân vui vẻ trong chuyến đi chữa bệnh tại Nga sô. Mao rất cần vợ ra đi để có cơ hội tìm được một người bầu bạn mới, mạnh khỏe hơn, đẹp hơn và vừa ý hơn. Hạ Tử Trân lâm vào cảnh đen tối khi đứa con trai chết vì bệnh sưng phổi, trong lúc Nga sô chưa có thuốc trụ sinh để trị bệnh sưng phổi. Nàng bắt đầu mắc bệnh tâm thần, nhưng vẫn ở lại Mạc tư khoa. Mao gửi đứa con gái của Hạ Tử Trân sang với nàng để giúp nàng khuây khỏa bớt cô đơn.
Mãi đến năm 1948 Hạ Tử Trân mới trở về Trung hoa để được biết rằng Mao đã được đảng cho phép ly dị với mình từ lâu rồi. Mao đã có người vợ mới là Giang Thanh. Giang Thanh rất thù ghét Hạ Tử Trân. Giang Thanh là một cô đào hát Thượng Hải, đã biết tính ham đàn bà của Mao và đã lợi dụng cơ hội Hạ Tử Trân ra đi để chinh phục Mao. Hạ Tử Trân muốn trở về Bắc Kinh, nhưng Giang Thanh ra lệnh cấm không cho Hạ Tử Trân được vào Bắc Kinh. Năm 1950 Hạ Tử Trân gặp Mao một lần tại Thượng Hải và một lần nữa tại đại hội đảng Lư Sơn. Nhưng Mao rất lạnh lùng với Hạ Tử Trân, không nghĩ tới tình nghĩa xưa kia khi hai người còn chia xẻ những gian nan của chiến trường, và những công ơn của Hạ Tử Trân đã làm cho Mao.
Một thời sức khoẻ của Hạ Tử Trân không tệ lắm, mặc dầu vẫn có những cơn xúc động tâm thần vì bị chồng ruồng bỏ và mất hết con cái; ngay con đẻ của nàng cũng bị Giang Thanh cướp về nuôi. Ðôi khi nàng bị những chứng ảo tưởng và những cơn hoảng sợ. Tại Thượng Hải, Hạ Tử Trân sống trong một căn chung cư tầm thường. Lúc đó Trần Nghị làm thị trưởng Thượng Hải, và Trần Nghị đã tìm cách giúp đỡ Hạ Tử Trân. Khi rời Thượng Hải đi nhận chức vụ khác, Trần Nghị để lại cho Hạ Tử Trân căn nhà hai tầng lầu mà Trần Nghị đã ở, nhưng Hạ Tử Trân vẫn sống một cuộc đời ẩn dật. Hạ Tử Trân đang bị cái bóng lớn của Giang Thanh đè nặng lên đời sống. Ðã có thời Giang Thanh thành công tách rời hai mẹ con Hạ Tử Trân, và cấm các đồng chí cũ đến thăm Hạ Tử Trân.
Khi Mao chết năm 1976, Hạ Tử Trân được mời tới Bắc Kinh và được phép nhìn Mao trong quan tài bằng kiếng. Rồi Giang Thanh và nhóm Tứ Nhân Bang bị bắt. Từ đó các đồng chí cũ đến thăm Hạ Tử Trân trong bệnh viện quân đội. Hạ Tử Trân ngồi trên xe lăn, chảy nước mắt tiếp bạn cũ. Năm 1979, Hạ Tử Trân được bầu vào một chức vụ quan trọng và tên tuổi bắt đầu xuất hiện trên báo chí. Ngày 29-4-1984, Hạ Tử Trân mất tại Thượng Hải vì bị đứt gân máu. Hạ Tử Trân được các bạn trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh ca ngợi là một người đàn bà can đảm, và hết lòng với Mao. Nhưng tình yêu và lòng hy sinh của Hạ Tử Trân chỉ được đáp lại bằng một sự phản bội, một sự phụ tình cay đắng.

<< Cặp Bài Trùng Mao Trạch Ðông Và Chu Ân Lai | Qua Sông Kim Sa >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 726

Return to top