Những cuộc tấn công đầu tiên của Quốc dân đảng vào căn cứ sô viết Giang Tây bắt đầu vào cuối năm 1930, và thất bại vào đầu năm 1931. Vào mùa xuân 1931, Tưởng Giới Thạch nhận thức rằng cái nguy hiểm chính bắt nguồn từ Thượng Hải, nơi Trung ương đảng cộng sản hoạt động. Tưởng bắt đầu gia tăng hoạt động tình báo và mật vụ, nhằm truy lùng giới lãnh đạo cộng sản. Mật vụ của Tưởng Giới Thạch đã mau lẹ đạt được một thành tích đáng kể. Một đơn vị mật vụ của Tưởng đã bắt được Cố Thuận Chương, người chỉ huy một đơn vị đặc nhiệm tại Thượng Hải. Cố Thuận Chương không chịu nổi sự tra tấn, nên đã phải báo cho mật vụ tên và địa chỉ của giới lãnh đạo cộng sản tại Thượng Hải. Sau đó mật vụ của Tưởng bắt được Hướng Trung Phát, tổng bí thư của đảng. Hướng Trung Phát bị xử tử ngay. Nhưng phần lớn giới lãnh đạo cộng sản đã kịp thời trốn thoát.
Cố Thuận Chương hoạt động dưới quyền của Chu Ân Lai, nên chính Chu Ân Lai đứng ra xử tội phản bội của Cố Thuận Chương. Chu Ân Lai đích thân đứng giám sát việc hành quyết toàn gia Cố Thuận Chương. Chu Ân Lai có cái dáng vẻ bề ngoài ung dung, lúc nào cũng niềm nở tươi cười. Nhưng cái bề ngoài thiện cảm đó che dấu một con người cực kỳ tàn ác. Sau khi Hướng Trung Phát bị Quốc dân đảng giết, Vương Minh đảm nhiệm quyền lãnh đạo Trung ương đảng một thời gian. Khi Vương Minh được cử sang làm đại diện cho cộng đảng Trung hoa tại Quốc tế Cộng sản thì Tần Bang Hiến, tức Bác Cổ, lên thay thế. Trung ương Ðảng bây giờ hoạt động trong một tình trạng càng ngày càng nguy hiểm hơn. Cuối cùng Bác Cổ đi đến một quyết định mới: thu hẹp tổng hành dinh tại Thượng Hải thành một Trung ương cục, và giao cho Lưu Thiếu Kỳ phụ trách, còn Trung ương Ðảng thì di chuyển vào căn cứ Giang Tây của Mao. Trung ương Ðảng vào căn cứ đúng lúc có một cuộc hội nghị các sô viết toàn quốc Trung hoa. Hội nghị họp tại Thụy Kim ngày 7-11-1931. Tại hội nghị này, chính phủ Trung ương lâm thời của chế độ Cộng hòa Sô Viết Trung hoa được thành lập, và Mao Trạch Ðông được bầu làm chủ tịch chính phủ.
Ðược bầu làm chủ tịch chính phủ, Mao có vẻ đạt được một địa vị cao nhất, nhưng sự thực thì quyền hạn của Mao bị giảm đi rất nhiều, vì các sô viết phân tán về địa lý, mỗi sô viết là một căn cứ tự lập, và chính phủ trung ương tại Giang Tây không thể kiểm soát hoạt động của các sô viết khác. Hơn nữa, đảng đứng trên và có quyền quyết định chính sách của chính quyền dân sự cũng như của quân đội. Bây giờ đảng di chuyển vào khu sô viết Giang Tây thì mọi việc sẽ do đảng giải quyết, chứ không còn do một mình Mao quyết định như trước nữa.
Các căn cứ sô viết hoạt động thành công được, phần lớn không phải do sức lực của người cộng sản, mà do một yếu tố bên ngoài trợ giúp một phần lớn. Sở dĩ Tưởng Giới Thạch không thể tận diệt được phe cộng ngay là vì còn mải lo đối phó với sự gây hấn mỗi lúc một gia tăng của quân phiệt Nhật. Ðúng ra quân xâm lăng Nhật là cứu tinh của phe cộng sản Trung hoa. Trong lúc Tưởng mải mê đối phó với Quân đoàn Quan Ðông của Nhật tại Mãn Châu thì các khu vực cộng sản bị bỏ quên. Không phải Tưởng không nhớ tới mối hiểm họa cộng sản, nhưng Tưởng không thể làm hai việc cùng một lúc. Năm 1931, các đại biểu cộng sản đã có thể họp tại Thụy Kim mà không phải lo ngại một cuộc tấn công của Tưởng. Trong hai đợt tấn công căn cứ sô viết Giang Tây, Tưởng chỉ có thể tung vào cuộc chiến những lực lượng hỗn hợp, và cả hai lần, các lực lượng của Tưởng đều bị thảm bại.
Ðến lần tấn công thứ ba, Tưởng tung vào cuộc chiến một số sư đoàn thiện chiến của Quốc dân đảng, và đích thân Tưởng chỉ huy cuộc tấn công. Lực lượng của Tưởng lần này tiến mạnh như vũ bão, và phe cộng sản không thể ngăn chặn được quân của Tưởng, và thủ đô cộng sản Thụy Kim chắc chắn sẽ bị Quốc dân đảng chiếm đóng. Nhưng đúng lúc quân Quốc dân đảng gần đạt được chiến thắng thì đêm 18-9-1931, Quân đoàn Quan Ðông của Nhật gây hấn và chiếm Phụng Thiên. Phụng Thiên là thủ phủ và cũng là thành phố quan trọng nhất của Mãn châu. Trước tình thế đó, Tưởng đành phải chấm dứt chiến dịch tấn công Thụy Kim, để đối phó với tình hình nghiêm trọng tại vùng Ðông Bắc.
Thực tâm Tưởng muốn tránh né một cuộc chiến với quân phiệt Nhật, để thanh toán cho xong cái ung nhọt cộng sản bên trong. Tưởng ra lệnh cho thống chế Trương Học Lương, con trai và là người thừa kế của sứ quân Trương Tác Lâm, phải thi hành một chính sách không chống lại quân Nhật. Tưởng hy vọng rằng quân đội Nhật sẽ không xâm lấn thêm nữa. Nhưng hy vọng của Tưởng tỏ ra là một ảo vọng. Trương Học Lương tuân lệnh Tưởng không giao chiến với quân Nhật. Trương Học Lương đã bảo toàn được quân lực của mình, nhưng toàn thể Mãn Châu đã mau lẹ lọt vào vòng kiểm soát của Quân đoàn Quan Ðông của Nhật.
Tưởng vẫn duy trì chính sách không kháng cự, ngay cả vào đầu tháng giêng năm 1932, khi mà thủy quân lục chiến Nhật đổ bộ lên Thượng Hải. Tuy nhiên Lộ quân 19 dưới quyền chỉ huy của tướng Thái Ðình Khải đã bất tuân lệnh của Tưởng, đứng lên anh dũng chống lại quân xâm lăng Nhật. Hai sư đoàn ái quốc của Tưởng, bất phục tùng lệnh của Tưởng, kết hợp với Lộ quân của Thái Ðình Khải, và đương đầu mạnh mẽ với thủy quân lục chiến Nhật. Quân Trung hoa tại Thượng Hải bị tổn thất nặng nề, nhưng họ đã gây được một phong trào ái quốc kháng Nhật sôi nổi khắp Trung hoa, và cũng nhờ vậy quân Nhật bị chặn lại; hai phe Hoa Nhật đã ký một thỏa hiệp chấm dứt cuộc xung đột tại Thượng Hải.
Trong lúc các trận đánh dữ dội tiếp diễn tại Thượng Hải, thì Mãn Châu tuyên bố độc lập, tách khỏi Trung hoa, do sự giật dây của người Nhật. Phổ Nghi được người Nhật đưa ra làm quốc trưởng bù nhìn của cái gọi là Mãn châu quốc. Phổ Nghi lập một chính phủ, gồm có các bộ trưởng là người Mãn. Mỗi bộ trưởng người Mãn có một thứ trưởng người Nhật, và quyền hành thực sự nằm trong tay những thứ trưởng người Nhật. Chính sách tách Mãn Châu khỏi Trung hoa của người Nhật cho thấy người Nhật chưa có ý định mở rộng cuộc chiến vào lãnh thổ Trung hoa. Việc người Nhật sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến tại Thượng Hải đã xác quyết thêm điều đó. Như vậy Tưởng Giới Thạch bây giờ rảnh tay tấn công phe cộng sản. Ðối với Tưởng thì cái họa cộng sản mới là mối lo tâm phúc, vì Tưởng không nghĩ rằng quân Nhật có thể chinh phục được một nước Trung hoa mênh mông và hiểm trở và có một tiềm lực nhân sự khổng lồ.
Trong lúc quân phiệt Nhật và Quốc dân đảng quần thảo nhau tại Phụng Thiên và Thượng Hải, người cộng sản Trung hoa không bỏ lỡ cơ hội bành trướng các khu sô viết. Bây giờ khu vực của phe cộng bao gồm nhiều quận huyện và với một tổng số dân lên tới hai triệu rưỡi người. Các khu vực của Mao, Hạ Long, Từ Hướng Tiền và Trương Quốc Ðào chạy đua tăng cường quân lực, và cuối cùng hồng quân đã có một lực lượng đáng kể, gồm hai trăm ngàn tay súng.
Các chiến thắng của phe cộng đánh bại ba cuộc tấn công của Quốc dân đảng, cùng với sự phân tâm lo lắng của Tưởng trong hoàn cảnh lưỡng đầu thọ địch, và cuộc xâm lăng của quân Nhật đã khiến cho các nhà lãnh đạo cộng sản tin rằng thời kỳ đánh du kích của hồng quân đã qua rồi. Bây giờ hồng quân đủ mạnh để giao chiến trực diện với quân Quốc dân đảng. Các lãnh tụ cộng sản bắt đầu dự tính mở những cuộc tấn công chiếm những thị trấn và các trung tâm đông dân cư. Ngày 1-1-1932, các lãnh tụ cộng sản kêu gọi phải chiến thắng tại thành phố.
Các căn cứ sô viết khắp nơi bắt đầu một chiến pháp mới. Quân của Hạ Long tiến ra uy hiếp miền tây Hồ Bắc. Thành phố Vũ Hán bỗng dưng bị kẹt vào giữa gọng kìm của Hạ Long và lực lượng của Từ Hướng Tiền, trong khi Trương Quốc Ðào hoạt động mạnh tại khu vực giữa Hồ Bắc - Hà Nam - An Huy. Mao Trạch Ðông cực lực chống lại chiến lược tấn công các thành phố như thế, nhưng quan điểm của Mao bị gạt bỏ, và các cuộc tấn công vào thành phố vẫn tiếp diễn. Tháng 3-1932, Lâm Bưu được giao chỉ huy Phương diện quân miền Ðông, bao gồm lực lượng cơ bản của Lâm và quân đoàn 5. Mùa xuân năm 1932, Lâm Bưu mở một cuộc tấn công vào tỉnh Phúc Kiến. Lâm Bưu thành công dẫn quân cộng sản mau lẹ tiến thẳng tới Trường châu, và gần như tiến tới hải cảng Hạ Môn.
Tưởng Giới Thạch có phản ứng ngay. Tháng 6-1932, Tưởng mở chiến dịch tấn công vào các căn cứ sô viết lần thứ 4. Thoạt tiên Tưởng giải nguy cho Vũ Hán, một thành phố chiến lược quan trọng. Quân của Tưởng đã đánh bại quân của Hạ Long, khiến Hạ Long phải rút lui ra các vùng ngoại biên hẻo lánh. Ðạo quân của Từ Hướng Tiền và Trương Quốc Ðào cũng phải rút lui vào Tứ Xuyên. Giải quyết xong áp lực vào Vũ Hán, Tưởng bắt đầu chuyển sức mạnh vào căn cứ Giang Tây. Ðối với Tưởng, việc tiến chiếm Thụy Kim trong căn cứ sô viết Giang Tây không phải là việc làm cấp bách, nhưng lại là mục tiêu quan trọng nhất.
Trước cuộc đại tấn công sắp tới của Tưởng, các lãnh tụ Ðảng, quân đội và chính quyền của Giang Tây đã họp tại Ninh Ðô để bàn kế hoạch đối phó. Lúc đó Chu Ân Lai là chủ tịch Ủy ban quân sự, và Lưu Bá Thừa là tham mưu trưởng. Cả hai người đều chủ trương phải chặn đánh địch quân ngay từ bên ngoài khu vực sô viết. Trái lại Mao Trạch Ðông đề nghị nên theo chiến lược đã từng áp dụng và đã từng chiến thắng, là cứ lừa cho quân của Tưởng vào bên trong khu vực sô viết rồi mới tập kích. Mao Trạch Ðông luôn luôn nghĩ rằng phe cộng mặc dù thua kém quân địch về quân số, nhưng vẫn có thể chiến thắng bằng cách tập trung lực lượng cộng quân đông hơn để tấn công những đơn vị lẻ tẻ, ít quân hơn của Quốc dân đảng. Mao đã từng viết: "Chiến lược của địch là lấy một đánh mười trong khi chiến thuật của ta là lấy mười đánh một - đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của ta trong việc giành ưu thế với địch quân."
Mao Trạch Ðông lập luận rằng chiến lược và chiến thuật trên đây có thể áp dụng thành công, đặc biệt là tại những nơi mà quân cộng sản đã biết rõ địa hình địa vật, biết mọi ngõ ngách của chiến trường và được quần chúng hậu thuẫn, và bảo đảm sự di chuyển của hồng quân được hoàn toàn bí mật. Quần chúng cũng sẽ là tai mắt giúp cho hồng quân biết được mọi hoạt động của địch quân. Mao tin rằng khi chiến đấu ngay tại hậu phương của mình thì hồng quân sẽ có cái ưu thế của một con nhện trên màng lưới nhện, vì biết rõ được mọi mắt lưới và mau lẹ biết được nên hướng về phía nào để bắt con mồi đã sa vào cái bẫy đã giăng sẵn.
Chu Ân Lai và Lưu Bá Thừa dường như không tin vào các lập luận của Mao. Họ cho rằng chiến lược của Mao chỉ hiệu nghiệm khi phải chống lại những lực lượng hỗn hợp trong hai chiến dịch đầu tiên, nhưng đã tỏ ra bất lợi khi phải đương cự với những sư đoàn thiện chiến của Tưởng trong đợt tấn công lần thứ ba. Hơn nữa nếu cứ để chiến cuộc tiếp diễn trong khu vực sô viết thì căn cứ bị tàn phá, gây thiệt hại nhiều về nhân mạng và tài sản. Khi phe cộng cứ để cho quân Quốc dân đảng tiến vào khu vực sô viết mãi như thế thì có thể quần chúng sẽ mất tin tưởng vào sức mạnh của đảng và chính quyền cộng sản, không đủ khả năng bảo vệ nhân dân. Và một lý do mạnh mẽ nhất là các tư lệnh hồng quân cho biết đã nắm được các kế hoạch hành quân của Tưởng Giới Thạch. Vì thế các tư lệnh hồng quân tin rằng họ có thể đánh bại được quân của Tưởng ở bên ngoài căn cứ.
Phe cộng sản đã bắt được một số máy vô tuyến của Quốc dân đảng trong cuộc bao vây tấn công năm 1930. Năm 1931, Mao và Chu Ðức thành lập một đơn vị vô tuyến đặc biệt, với nhiệm vụ giải mã những điện tín của quân Quốc dân đảng. Ðơn vị vô tuyến đã có những tiến bộ đáng kể. Năm 1932, họ đã có thể giải mã những điện văn vô tuyến của Hội đồng quân sự trong chính quyền Nam Kinh. Từ đó các tư lệnh hồng quân biết được hành tung của địch, các kế hoạch của địch quân và quân số tại mỗi địa điểm chiến lược.
Chiến lược của Chu Ân Lai và Lưu Bá Thừa muốn đánh bại quân Quốc dân đảng ngay từ bên ngoài căn cứ, dựa trên nhiều lý do khác nữa, ngoài sự biết trước được những kế hoạch hành quân của địch. Chiến lược này cũng phù hợp với đường lối tiến công đã được nhóm lãnh đạo thân Nga chấp thuận. Khi Mao phản đối chiến lược này thì Trương Văn Thiên, một trong 28 lãnh tụ thân Nga, đã kịch liệt chỉ trích Mao và đòi khai trừ Mao ra khỏi đảng. Nhưng Mao được Chu Ân Lai và Chu Ðức bênh vực bảo vệ nên thoát cảnh bị khai trừ.
Sau hội nghị Ninh Ðô, Mao đi Trường Ðịnh thuộc Phúc Kiến. Mao bị bệnh và phải vào một bệnh viện Phúc Âm của Thiên chúa giáo. Mao được bác sĩ Nelson Fu chữa trị. Bệnh của Mao là do làm việc quá nhiều rồi bị kiệt sức, và cũng vì phải trải qua nhiều căng thẳng trong cuộc đấu tranh với nhóm lãnh đạo thân Nga vừa qua, và cũng do sự thất vọng và chán nản vì kết quả của hội nghị. Mao rất ưu tư về sự thất thế trong một đảng do những người thân Nga đang lãnh đạo. Mao phải nằm bệnh viện mất bốn tháng. Tuy nhiên Mao đã thành công khuyến dụ được bác sĩ Nelson Fu di chuyển bệnh viện tới Thụy Kim, và đổi tên là Bệnh Viện Ðỏ Trung Ương.
Cuộc tấn công lần thứ tư của Tưởng vào căn cứ sô viết Giang Tây cũng lại thất bại như các lần trước. Ngay từ lúc khởi đầu cuộc tiến công, toàn bộ hai sư đoàn Quốc dân đảng đã bị hồng quân phục kích tiêu diệt hoàn toàn trong một đêm. Một tháng sau, Tưởng mở một cuộc tấn công nữa, nhưng vẫn bị những tổn thất nặng nề. Cuối cùng Tưởng phải lui quân, chấm dứt đợt tấn công lần thứ tư.
Tuy nhiên tại các vùng khác, như tại Phúc Kiến và Quảng Ðông, hồng quân không tuân theo kế hoạch tấn công địch quân bên ngoài các căn cứ, mà vẫn theo chiến lược của Mao, dụ cho địch quân vào bên trong rồi mới tấn công. Tại Phúc Kiến, viên bí thư Lỗ Minh đã di tản dân tại một số thành phố để có thể áp dụng chiến thuật của Mao. Trung ương Ðảng nghiêm khắc trừng phạt Lỗ Minh. Lỗ Minh bị cách chức bí thư. Không những thế, trung ương còn phát động một cuộc đấu tranh nhằm phê phán cái gọi là "đường lối Lỗ Minh", và trừng trị những người ủng hộ đường lối này. Sau hội nghị Ninh Ðô, Mao không còn nắm quyền lãnh đạo quân sự nữa. Nhưng cuộc đấu tranh chống lại "đường lối Lỗ Minh" của các lãnh tụ thân Nga có mục đích tiêu diệt ảnh hưởng còn lại của Mao trong quân đội. Người bí thư riêng của Mao đã bị khai trừ khỏi đảng trong cuộc đấu tranh này. Người ta không bao giờ gặp lại viên bí thư ấy nữa, không hiểu ông ta đã bỏ trốn ra vùng "trắng" hay là đã bị thủ tiêu. Người bí thư ấy cũng đóng một vai trò quan trọng trong vụ "Sự kiện Phù Tiên", trong đó nhiều ngàn đảng viên cộng sản không thuộc phe Mao đã bị Mao ra lệnh tàn sát. Sự kiên Phù Tiên là một vết nhơ của đảng cộng sản Trung hoa mà nhiều lãnh tụ thân Nga không thể nào quên và tha thứ cho Mao được. Trong số những người bị chỉ trích trong cuộc đấu tranh này có em trai của Mao, là Mao Trạch Ðàm, và ba người nữa sau này trở thành những nhân vật quan trọng trong đảng, đó là Ðặng Tiểu Bình được coi là người cùng phe với Mao, Ðàm Chấn Lâm, tư lệnh tỉnh đội Phúc Kiến, và Tiêu Cảnh Quang, tư lệnh biên khu Phúc Kiến và Giang Tây. Sau cuộc đấu tranh chống lại "đường lối Lỗ Minh", Chu Ân Lai trở thành nhân vật quan trọng nhất, nắm chức vụ chính ủy hồng quân, một chức vị nhiều quyền lực trước kia vốn là của Mao.
Vào mùa thu năm 1933, phe cộng sản đã lỡ một cơ hội lợi dụng cuộc nổi dậy tại Phúc Kiến của Lộ quân 19, dưới quyền chỉ huy của Thái Ðình Khải. Trong tháng 2-1933, Quân đoàn Quan Ðông của Nhật mở rộng cuộc xâm lăng, chiếm tỉnh Nhiệt Hà ở Nội Mông. Ðến tháng 4 thì quân Nhật tràn qua Vạn Lý Trường Thành, tiến sâu vào lãnh thổ chính thống của Trung Hoa. Tưởng Giới Thạch vẫn chủ trương không kháng cự lại quân Nhật, và tháng 5-1933, Tưởng đồng ý ký một hiệp ước đình chiến tại Ðan Cố. Theo hiệp ước này thì một khu vực từ Bắc Kinh cho tới Vạn Lý Trường Thành trở thành vùng phi quân sự. Sự nhượng bộ mới của Tưởng trước áp lực của Nhật đã gây một làn sóng căm phẫn khắp Trung hoa. Những người ái quốc Trung Hoa đau lòng thấy rằng mỗi một cuộc xâm lấn của Nhật lại đưa tới một thỏa hiệp nhục nhã, và mỗi thỏa hiệp lại dẫn tới một cuộc xâm lấn khác của Nhật.
Làn sóng chống lại Tưởng ngày một lan rộng, và những đối thủ chính trị của Tưởng đã liên kết với tướng Thái Ðình Khải, tư lệnh Lộ quân anh hùng đã chiến đấu chống quân xâm lăng Nhật tại Thượng Hải. Khi cuộc chiến tại Thượng Hải chấm dứt, Lộ quân 19 của Thái Ðình Khải được lệnh của Tưởng, tiến về Phúc Kiến để tấn công quân cộng sản. Từ đầu năm 1933, những người chống lại Tưởng đã hợp tác với Thái Ðình Khải tìm cách liên lạc với phe cộng sản, và đến tháng 10 thì hai bên đạt được một thỏa hiệp đầu tiên về một liên minh, nhằm mục đích chống lại Tưởng và kêu gọi kháng chiến chống Nhật. Một tháng sau, các phe chống Tưởng thành lập một chính phủ cách mạng nhân dân tại Phúc Châu, nhưng ngay sau đó phe cộng sản ra tuyên cáo không công nhận chính phủ cách mạng nhân dân Phúc Châu. Khi Tưởng mở chiến dịch tấn công Lộ quân 19 tại Phúc Châu, phe cộng sản lúng túng không biết nên phản ứng thế nào, và cuối cùng quyết định án binh bất động, để mặc Tưởng đánh bại Lộ quân 19 trong vài tuần lễ. Ðây là một lỗi lầm quan trọng của phe cộng sản mà sau này các lãnh tụ Trung cộng tìm cách đổ lỗi cho nhau.
Sau khi giải trừ được Lộ quân 19, Tưởng lập tức bắt đầu cuộc tấn công lần thứ năm vào căn cứ sô viết Giang Tây vào đầu năm 1934. Trong lần tấn công thứ năm và cũng là lần tấn công cuối cùng, Tưởng được một danh tướng người Ðức là Hans von Seeckt làm cố vấn. Hans von Seeckt thi hành một chiến lược phong tỏa, được thực hiện với một lực lượng rất hùng mạnh, gồm khoảng 700 ngàn quân. Hàng ngàn công sự được thiết lập, và khoảng cách giữa những công sự được bảo vệ bằng súng máy. Nhiều công trình như vậy, cùng với đường xá cần thiết được xây dựng để tiến dần dần vào khu vực sô viết theo một vòng tròn đồng tâm. Cuộc bao vây quân sự này tiến từ từ nhưng rất chắc chắn, càng ngày càng xiết chặt thêm. Sự phong tỏa về kinh tế cũng gây khốn quẫn cho phe cộng sản. Ngay muối là món ăn rẻ tiền nhưng rất cần thiết cho dân chúng cũng trở nên cực kỳ khan hiếm.
Trước kia hồng quân dựa vào khả năng giải mã các mật hiệu của Quốc dân đảng, nhưng nay trước chiến dịch bao vây từ từ này, khả năng đó trở thành vô hiệu. Ngay cả chiến lược của Mao lừa cho quân địch tiến sâu vào nội địa để tấn công cũng tỏ ra thất bại. Bởi vì lực lượng của Tưởng lần này tiến quân không theo từng mũi quân, mà tiến vào đồng loạt trên một trận tuyến vòng tròn khắp nơi, khiến cho hồng quân bắt buộc phải chiến đấu theo kiểu trận địa chiến. Hồng quân không quen và không đủ sức đánh trực diện trận địa chiến với một địch quân quá đông đảo và có hỏa lực quá mạnh mẽ. Cứ như thế, quân của Tưởng cứ từ từ tiến vào, rất có kỷ luật và được pháo binh yểm trợ và hai bên sườn được bảo vệ tối đa. Trong hoàn cảnh đó, phe cộng sản chỉ còn hai lựa chọn: một là chịu thất bại bằng cách chiến đấu để bảo vệ căn cứ và nhân dân; hai là từ bỏ nhân dân và căn cứ với hy vọng sống sót bằng một cuộc rút lui bỏ chạy.
Năm 1936, khi bàn về thời kỳ này, Mao Trạch Ðông viết: "Vào thời gian của sự kiện Phúc Kiến, hai tháng sau khi chiến dịch phản công lần thứ 5 của ta bắt đầu, những lực lượng chủ yếu của hồng quân đáng lẽ phải thọc sâu vào vùng Giang Tô - Triết Giang - An Huy - Giang Tây, với Triết Giang là trung tâm, và quét sạch một vùng rộng lớn giữa Hàng Châu, Tô Châu, Nam Kinh, Ngũ Hồ, Nam Xương và Phúc Châu, biến thế phòng ngự chiến lược của ta thành thế tấn công chiến lược, uy hiếp những trung tâm trọng yếu của địch, và tìm những trận đánh tại những vùng rộng lớn không có các công sự của địch. Bằng cách như vậy, ta có thể buộc quân địch đang tiến công vào phía nam Giang Tây và phía tây Phúc Kiến, phải quay trở về bảo vệ những trung tâm trọng yếu của chúng. Chúng ta có thể phá vỡ cuộc tấn công của chúng vào căn cứ Giang Tây và trợ giúp được cho chính phủ cách mạng nhân dân tại Phúc Châu. Bởi vì kế hoạch này bị bác bỏ, cho nên Chiến dịch "bao vây và tiêu diệt" lần thứ 5 của địch đã không bị đánh bại, và chính phủ cách mạng nhân dân tại Phúc Kiến đã sụp đổ một cách không thể tránh khỏi."
Kế hoạch không được thực hiện trên đây của Mao Trạch Ðông chỉ là một cuộc mạo hiểm mà chính Mao đã phản đối năm 1930, vào lúc mà những hoàn cảnh còn tương đối thuận lợi hơn. Lúc đó Tưởng đang bị tấn công nhiều mặt cùng một lúc, và các lực lượng của Hạ Long và Từ Hướng Tiền vẫn còn ở Hoa Trung, và có thể tham gia cuộc tấn công của hồng quân. Năm 1934, hoàn cảnh của phe cộng yếu hơn nhiều, khi mà Hạ Long và Từ Hướng Tiền phải bỏ chạy xa vào các vùng hẻo lánh, không còn là những đe dọa cho Tưởng nữa, và cũng không thể tiếp sức cho lực lượng của Mao. Hơn nữa nếu tập trung toàn thể sức mạnh của hồng quân để tấn công các trung tâm lớn của Quốc dân đảng thì lại đi ngược với lời cảnh cáo trước kia của chính Mao, cho rằng làm như thế thì địch quân sẽ chiếm căn cứ ngay tức khắc.
Bây giờ khi ủng hộ một chiến dịch như vậy vào lúc có cuộc nổi dậy của Thái Ðình Khải tại Phúc Kiến, Mao ngầm ngụ ý rằng Mao thông hiểu những hậu quả nghiêm trọng nếu phe cộng sản không hỗ trợ quân sự cho chính phủ cách mạng nhân dân tại Phúc châu. Nhưng Mao có vẻ mâu thuẫn với những tài liệu đã được ghi nhận. Ngày 13-1-1934, khi chiều hướng có vẻ bất lợi cho Lộ quân 19 của Thái Ðình Khải, phe cộng sản đã gửi cho phe Thái Ðình Khải một điện văn thúc giục họ võ trang cho quần chúng để bảo vệ Phúc Châu, và cho đó là lựa chọn duy nhất của phe Thái Ðình Khải. Bề ngoài thì phe cộng sản có vẻ như hỗ trợ quân sự cho phe Thái Ðình Khải, nhưng trong bức điện còn có một đoạn viết: "Cần thông báo cho Lộ quân 19 biết rằng con đường duy nhất đánh bại Nhật và Tưởng là phải hợp tác toàn diện với chính phủ cộng sản và hồng quân sô viết, được hỗ trợ bằng một hành động quân sự phối hợp." Bức điện do chính phủ trung ương lâm thời của Cộng hòa Sô viết Trung hoa do Mao làm chủ tịch, và tên của Mao được ghi vào cuối bức điện văn. Ngoài ra trong một thời gian ngắn sau đó, Mao tuyên bố rằng chính quyền cách mạng nhân dân Phúc Châu chỉ đại diện cho một bộ phận của giai cấp cầm quyền phản động. Giai cấp đó coi người cộng sản là kẻ thù và coi Quốc dân đảng là một bè lũ thối nát. Ðể tự cứu, họ đã thành lập chính phủ cách mạng nhân dân Phúc châu, với mục đích đánh lừa, làm cho quần chúng tin rằng quần chúng còn có một con đường thứ ba, giữa con đường của Quốc dân đảng và chủ nghĩa cộng sản.
Lập luận của Mao vào năm 1936, sau khi đã đạt được địa vị lãnh đạo đảng, chỉ là một sự bào chữa cho những lỗi lầm của phe cộng sản, không khai thác được cuộc nổi dậy Phúc Kiến cho ích lợi của phe cộng sản. Bây giờ Mao chỉ trích phe Thái Ðình Khải đã thất bại vì đã "không vận động được quần chúng nổi dậy đấu tranh", và cho rằng Lộ quân 19 của Thái Ðình Khải đã đại diện cho những lợi ích giai cấp của những phần tử trong giai cấp tư sản và địa chủ.
Ðúng ra những người thuộc phe Thái Ðình Khải coi cộng sản là kẻ thù của họ, nhưng vì lòng ái quốc, họ đã không tấn công phe cộng sản khi mà quân Nhật còn xâm lăng Trung Hoa. Chắc chắn Lộ quân 19 và hồng quân không thể phối hợp để chống Tưởng một cách thành công được, vì cả hai bên đều không có thiện cảm với nhau. Phe cộng sản không bao giờ giao quân đội của mình cho chính phủ nổi dậy Phúc Kiến xử dụng. Không những thế, phe cộng còn muốn lôi cuốn Lộ quân 19 vào quyền kiểm soát của hồng quân nữa. Dẫu sao phe cộng sản cũng chịu hậu quả nặng nề sau khi Lộ quân 19 bị Tưởng đánh bại. Nếu còn Lộ quân 19, hoặc phe cộng sản hợp tác hoặc trợ giúp Lộ quân 19 thì hai lực lượng sẽ tựa vào nhau để chống lại kẻ thù chung là Tưởng Giới Thạch. Nếu còn Lộ quân 19, thì phe cộng sản sẽ được bảo vệ sườn phía tây, và có thể lui tới các hải cảng và thị trường của chính quyền Phúc Kiến. Người cộng sản vì ích kỷ không trợ giúp Thái Ðình Khải, nhưng khi Lộ quân 19 thiện chiến và có tinh thần cao bị loại ra khỏi vòng chiến rồi thì phe cộng sản bị bao vây tứ phía và bị quân của Tưởng phong tỏa, gây khốn quẫn, và cuối cùng bị đánh bại và phải bỏ căn cứ, làm một cuộc bỏ chạy gian nan nhất trong lịch sử.
Tháng 8 năm 1934, Mao bị bệnh sốt rét, và hầu như mất hết quyền hành chính trị. Mao dường như phải sống trong tình trạng quản thúc tại gia. Mao phải rời Thụy Kim về sống tại Vu Ðô, một thị trấn nhỏ của Giang Tây. Mao đã bị hạ tầng công tác vì lỗi lầm tại Phúc Kiến. Khi Tưởng tấn công Phúc Kiến, Chu Ân Lai, Bác Cổ và Trương Văn Thiên chủ trương điều động hai đạo quân tiến sang Phúc Kiến hỗ trợ cho Lộ quân 19, nhưng Mao cực lực phản đối, và nhấn mạnh chỉ trợ giúp Lộ quân 19 khi nào Lộ quân này chứng tỏ họ muốn chiến đấu thực sự. Nhưng Lộ quân 19 đã bị đánh bại quá nhanh đến nỗi hồng quân không còn cơ hội trợ giúp nữa. Và bây giờ Mao lãnh hậu quả của sự thất bại này.
Một tháng trước khi Mao di chuyển tới Vu Ðô, phe cộng đã ra lệnh cho quân đoàn do Phương Chí Mẫn và Túc Dụ chỉ huy phải chọc thủng vòng vây của quốc quân về phía Bắc, để làm một cuộc tấn công nghi binh. Quân đoàn này đã thành công chọc thủng được phòng tuyến của quốc quân, nhưng không giải tỏa được khu trung ương. Sau đó quân đoàn đã bị quốc quân đánh bại, Phương Chí Mẫn bị bắt, phần còn lại phải hoạt động du kích dưới quyền của Túc Dụ. Tháng 8, một quân đoàn khác, do Tiêu Khắc, Vương Chấn và Nhiệm Bật Thời chỉ huy, đã phá vỡ được vòng vây và tiến về phía tây, nhằm hướng biên giới của hai tỉnh Hồ Nam và Quí Châu. Cuộc tấn công của Tiêu Khắc đã thành công, và đến tháng 10, lực lượng của Tiêu Khắc đã liên lạc được với lực lượng của Hạ Long.
Tháng 10-1934, khu sô viết trung ương chỉ còn là một bộ phận nhỏ so với trước kia. Bây giờ phe cộng sản phải nhận chân rằng họ không thể bảo toàn được lực lượng nếu còn ở lại căn cứ Giang Tây. Kết luận này đưa họ tới những quyết định tàn nhẫn: trên hai mươi ngàn thương binh phải bỏ lại, binh sĩ không được mang theo vợ con, chỉ có 35 phụ nữ được di tản theo 85 ngàn binh sĩ. Nhiều người thuộc phe của Mao cũng không được đi theo, như em trai của Mao là Mao Trạch Ðàm. Ngay Cù Thu Bạch, cựu tổng bí thư, cũng bị bỏ lại vì mắc bệnh lao phổi nặng. Phe cộng sản còn làm một cuộc thanh trừng những sĩ quan và cán bộ bị nghi ngờ là giao động hoặc phản động. Tất cả bị đem đi quản thúc, và bị thủ tiêu trước khi cuộc Vạn Lý Trường Chinh bắt đầu.
Ðợt tấn công lần thứ 5 của Tưởng đã thành công, và người cộng sản phải làm một cuộc đào tẩu đắt giá. Sau khi chiếm Thụy Kim, quốc quân đã giết chết Mao Trạch Ðàm và Cù Thu Bạch, và tàn phá căn cứ sô viết. Dân chúng bắt buộc phải di chuyển tới các vùng khác. Trong khi đại quân cộng sản bỏ ra đi, du kích quân cộng sản do Trần Nghị và Hạng Anh lãnh đạo vẫn tiếp tục cuộc chiến một cách hữu hiệu, từ những nơi ẩn nấp bí mật trong rừng sâu và núi non hiểm trở.