Kỷ luật trong các đơn vị hồng quân không cho vợ chồng được gần gũi nhau nhiều. Mỗi người phục vụ trong một đơn vị khác nhau, và chỉ được phép gặp nhau vào tối thứ bảy. Hạ Tử Trân, vợ Mao Trạch Ðông, cũng không đi bên cạnh chồng trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Trong lộ quân trung ương chỉ có 30 nữ cán bộ và một số ít ỏi nữ y tá và liên lạc viên. Nhưng đệ tứ quân đoàn có tới hai ngàn phụ nữ. Ðây là một trung đoàn nữ quân chiến đấu rất dữ dằn, đã từng đánh những trận đẫm máu.
Tuy nhiên cũng có một trường hợp ngoại lệ. Ðó là Chu Ðức và cô vợ trẻ 23 tuổi tên là Khang Khắc Thanh. Hai người này không hề xa nhau lấy một ngày trong suốt cuộc hành trình dài. Khang Khắc Thanh là một nữ chiến sĩ gan dạ và cũng là một tay thiện xạ, lúc nào cũng giắt hai khẩu súng bên lưng và trên vai còn đeo thêm vài khẩu súng trường nữa, đeo dùm cho những người lính quá mệt mỏi, và cũng là để nêu gương cho người khác noi theo.
Khang Khắc Thanh là một thôn nữ lực lưỡng khoẻ mạnh, con gái một người đánh cá. Nàng được coi là người khỏe mạnh nhất của hồng quân, và đi bộ suốt cuộc Trường Hành. Nàng kết hôn với Chu Ðức tại Tỉnh Cương Sơn năm 1929, ngay trước khi Chu Ðức cùng Mao Trạch Ðông tiến từ Tỉnh Cương Sơn xuống khu sô viết Giang Tây. Lúc đó Khang Khắc Thanh mới có 17 tuổi và Chu Ðức đã 43 tuổi rồi. Vợ lớn của Chu Ðức cũng là một đảng viên cộng sản và bị Quốc dân đảng xử tử năm 1928. Khang Khắc Thanh đã từng cầm súng chiến đấu trong núi từ năm 15 tuổi.
Cũng như các phụ nữ khác, Khang Khắc Thanh được phát cho một con ngựa, nhưng nàng rất ít khi dùng ngựa. Cô gái đang say men chiến đấu này thường đi bộ bên cạnh các binh sĩ khác, và mang dùm súng cho họ, nhường ngựa cho người khác cưỡi, những người ốm yếu bệnh hoạn hoặc bị thương. Nàng tuyên bố cuộc Vạn Lý Trường Chinh không có gì đáng kể, chỉ là một chuyến đi dạo mát. Năm 1984 khi về già, Khang Khắc Thanh cũng không thay đổi thái độ về cuộc Trường Chinh. Bà kể lại, "Tôi là một người cưỡi ngựa và đi bộ giỏi. Tôi luôn luôn dẫn đầu và đi trước nhóm của tôi một quãng. Tôi đi nhanh hơn cả bà Thái Xướng, một phụ nữ gương mẫu trong đoàn phụ nữ trường chinh, và cũng đi nhanh hơn cả những đảng viên khác đã từng được huấn luyện ở ngoại quốc. Những người này lúc nào cũng ca hát, cười đùa và nói chuyện về kinh nghiệm ngoại quốc của họ. Sự hiện diện của họ thúc đẩy chúng tôi thêm hăng hái."
Về sau Khang Khắc Thanh là một lãnh tụ nhiệt thành và đầy tin tưởng trong cộng đảng Trung Hoa. Trong nhiều năm trời, bà luôn luôn lãnh đạo các hoạt động của nữ giới, tham dự việc soạn thảo kế hoạch nhà nước, diễn thuyết trước quần chúng và là một chính khách tận tụy, không những cho các vấn đề quân sự, mà cả những vấn đề xã hội và chính trị quan trọng nữa. Tuy nhiên không có nhiều người chia xẻ quan niệm của Khang Khắc Thanh, cho rằng cuộc Vạn Lý Trường Chinh chỉ là một chuyến đi dạo mát. Ðối với hầu hết mọi người thì Vạn Lý Trường Chinh là một cuộc di tản khó khăn nguy hiểm, từ lúc khởi đầu cho đến lúc tới được bến an toàn.
Vì có chửa nên Hạ Tử Trân được đi theo đoàn dưỡng nhân. Nàng và Mao chỉ gặp nhau vào những dịp cuối tuần, hoặc vào những lúc đoàn quân cắm trại nghỉ ngơi vài ngày. Tuy nhiên Hạ Tử Trân và Mao gặp nhau thường hơn những cặp vợ chồng khác. Luật "Tối Thứ Bẩy" được áp dụng khắt khe kể từ khi hồng quân còn ở Tỉnh Cương Sơn. Cũng có những trường hợp ngoại lệ khi người chồng bị đau ốm thì vợ được ở gần để săn sóc. Các cán bộ y tế kể lại không có nhiều rắc rối về vấn đề tình dục trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Binh sĩ không có nhiều liên lạc với phụ nữ. Tuy vậy Chu Ðức phàn nàn trong những ngày đầu, những vụ hiếp dâm xảy ra hơi nhiều, nhưng khi kỷ luật được cải tiến thì tệ nạn hiếp dâm giảm đi rõ rệt. Những người bị bắt về tội hiếp dâm thường bị đưa ra tòa án xét xử ngay, và bị xử tử để làm gương cho người khác. Nhưng khi hồng quân tới Thiểm Tây thì bệnh giang mai bành trướng một cách đáng sợ.
Trong quân đội cộng sản lúc đầu có một tinh thần thanh tịnh về tình dục, mặc dầu các lãnh tụ là những người hủ hoá, hay vi phạm luật lệ nhất. Chỉ thiệt thòi cho giai cấp binh sĩ và cán bộ cấp nhỏ. Họ không được phép cưới vợ nếu không được đảng cho phép. Ngay cả sau khi cuộc Vạn Lý Trường Chinh chấm dứt, nhiều binh sĩ cũng không được phép cưới vợ. Các sĩ quan và các cán bộ cao cấp thì được chấp thuận cho lấy vợ dễ dãi hơn, nhưng cũng không nhiều lắm. Nhiều năm sau, khi Mao Trạch Ðông xin đảng cho ly dị Hạ Tử Trân để lấy Giang Thanh, Mao cũng gặp khó khăn và cộng đảng đã phải họp nhiều lần trước khi thỏa mãn lời yêu cầu của Mao.
Phần nhiều binh sĩ hồng quân lúc đầu đều rất trẻ, chưa có kinh nghiệm về đàn bà. 54% binh sĩ dưới 24 tuổi và 90% chưa hề được nếm mùi vị tình dục. Một hôm khi lội qua một con sông nhỏ, một phụ nữ phải vén cao váy lên cho khỏi ướt, thì một binh sĩ trẻ tuổi đi sau hốt hoảng kêu lên, "Ðồng chí bị thương đấy à?" Anh chàng này không biết rằng đàn bà mỗi tháng phải có kinh nguyệt, và tưởng người phụ nữ đi trước mình bị thương. Nhiều bạn bè của anh ta cũng không biết gì như anh ta vậy. Chính sự khờ khạo ngây thơ này đã tạo ra một tinh thần đồng đội tốt đẹp giữa binh sĩ nam nữ. Lưu Ðính, một cô gái nhỏ bé trước khi kết hôn với Lạc Phủ, xác nhận đàn ông đàn bà hoạt động bên nhau mà không hề nghĩ tới tình dục. Lưu Ðính nói, "Ðôi khi chúng tôi sống cùng nhau và ngủ cùng với nhau trong suốt gần một năm trời. Chúng tôi không bao giờ cởi quần áo ra. Ðịch quân lúc nào cũng ở gần, và chúng tôi thì mệt nhoài. Chúng tôi mệt mỏi nhào xuống ổ rơm và ngủ ngay lập tức."
Chính vì tinh thần thanh tịnh về tình dục mà năm 1933 các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng rất khó nghĩ trước các đòi hỏi về đàn bà của Otto Braun, tức Lý Ðức, tư lệnh hồng quân Trung hoa. Lý Ðức tưởng rằng hồng quân Trung hoa cũng giống như các quân đội tây phương, và hy vọng được cung cấp gái hộ lý. Nhưng không có gái điếm trong các căn cứ sô viết đầu tiên, nên các nhà lãnh đạo Trung cộng đã phải nỗ lực lắm mới giải quyết được vấn đề sinh lý cho Lý Ðức. Tìm được một người bạn chăn gối cho Lý Ðức không phải là một việc dễ dàng. Các người đàn bà Trung Hoa được yêu cầu bầu bạn với Lý Ðức đều quyết liệt từ chối ngay lập tức. Họ đều cho biết lý do là Lý Ðức to con quá, có vẻ thô bạo. Họ sợ Lý Ðức sẽ làm họ đau đớn về thể xác.
Nơi cư ngụ đầu tiên của Lý Ðức rất gần với trụ sở của đoàn Thanh Niên Cộng sản. Một trong các lãnh tụ thanh niên có một người vợ rất đẹp. Lý Ðức rất mê người đàn bà ấy và muốn "gần gũi" bà ta. Lý Ðức bắt đầu tặng quà cho người đàn bà ấy và lân la làm quen. Nhưng Lý Ðức không được khéo léo nên người chồng tình nghi, theo dõi và biết được ý đồ của Lý Ðức. Một số trong tổ chức vội giảng hòa và tìm cho Lý Ðức một người đàn bà nhà quê rất lực lưỡng. Ðó là Xảo Yến Hoa, lúc đó đang làm việc dưới quyền của Hồ Diệu Bang.
Xảo Yến Hoa không có nhan sắc, nhưng rất vui tính và to con mạnh khỏe, rất thích hợp làm người bạn chăn gối với Lý Ðức. Hai người sống với nhau cho tới lúc khởi đầu cuộc Vạn Lý Trường Chinh thì Xảo Yến Hoa được chuyển vào đoàn dưỡng nhân. Chính từ đó rắc rối xảy ra. Cả hai không bận tâm tới hoàn cảnh đặc biệt của cuộc di tản, và cãi vã nhau khi không được thỏa mãn. Rồi Xảo Yến Hoa gây sự với các phụ nữ đồng hành. Ðặng Dĩnh Siêu và Khang Khắc Thanh đã phải dùng rất nhiều thời giờ để làm dịu hoàn cảnh cho Lý Ðức và Xảo Yến Hoa.
Năm mươi năm sau, Khang Khắc Thanh kể lại, "Làm thế nào cho hai người đó hợp với nhau được? Lý Ðức thì không biết một chữ Trung Hoa, trong khi Xảo Yộn Hoa chỉ biết nói tiếng Trung Hoa thôi. Chuyện riêng của họ thì ai mà nhảy vào thông dịch cho họ được. Tôi thực tình không biết được ý tứ của Xảo Yến Hoa ra sao thì làm sao người khác biết được, và làm sao Lý Ðức hiểu được. Hai người không có tiếng nói chung để thông cảm được nhau. Tuy vậy Xảo Yến Hoa vẫn cố gắng hòa hợp được với Lý Ðức phần nào. Người ta thường nói lấy chồng thì phải theo chồng."
Ðinh Linh, một nhà văn nữ nổi tiếng của Trung hoa, bênh vực Lý Ðức và chê trách Xảo Yến Hoa chỉ là một cô gái quê mộc mạc, đã từng làm người hầu cho bác sĩ Nelson Fu, và chẳng có một tài năng gì. Hồng quân phải có bổn phận săn sóc Lý Ðức. Nếu Lý Ðức cần một người đàn bà thì hồng quân phải tìm cho ông ta một người vừa ý. Xảo Yến Hoa cũng tới được Diên An với Lý Ðức, và sinh được một con trai cho Lý Ðức. Da đứa con trai này đen chứ không trắng trẻo như da Lý Ðức. Mao Trạch Ðông thường lấy việc này để nhạo báng chủ thuyết cho rằng giống da trắng mạnh hơn giống da vàng. Về sau Xảo Yến Hoa kiện Lý Ðức và được ly dị. Xảo Yến Hoa về làm việc tại Trường Sa mãi đến năm 1983 thì từ trần. Chính Hồ Diệu Bang ra lệnh phủ quan tài của Xảo Yến Hoa bằng quốc kỳ Trung cộng.
Phần lớn các bà vợ trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh không phải là những người nội trợ giỏi. Khang Khắc Thanh tuyên bố không bao giờ săn sóc cho Chu Ðức. Chu Ðức có vệ sĩ nấu ăn và may vá. Các vệ sĩ này nấu ăn cho cả Khang Khắc Thanh nữa. Thực ra Khang Khắc Thanh không có một tuổi trẻ tốt đẹp để có thể học tập được những bổn phận của một người nội trợ. Khang Khắc Thanh là con một người đánh cá nghèo nàn đến nỗi không nuôi nổi con, phải đem nàng cho người khác nuôi khi nàng mới có một tháng. Khang Khắc Thanh phải làm việc như một kẻ nô lệ cho đến năm 15 tuổi thì nàng trốn đi, gia nhập hồng quân. Chu Ðức cũng có một ngưồn gốc tương tự. Năm trẻ sơ sinh trong gia đình Chu Ðức đã bị dìm nước cho chết vì cha mẹ Chu Ðức không có gì để nuôi con. Riêng Chu Ðức thì được đem cho một người bà con không có con. Nhờ đó Chu Ðức được gửi đi học. Nếu Chu Ðức là con gái thì đã bị nhấn nước cho chết rồi. Có lẽ vì nguồn gốc giống nhau nên Chu Ðức và Khang Khắc Thanh thân cận và thương nhau.
Lúc đầu Khang Khắc Thanh chỉ là một binh sĩ thường, nhưng kể từ khi kết hôn với Chu Ðức, tư lệnh phó hồng quân Trung hoa, thì Khang Khắc Thanh được nâng đỡ sang hoạt động về chính trị. Ngay trước khi cuộc Vạn Lý Trường Chinh bắt đầu, thì Khang Khắc Thanh tình cờ chiến đấu trong một tiểu đoàn có tám trăm binh sĩ. Viên tiểu đoàn trưởng bị tử trận trong một cuộc phục kích, nên các binh sĩ trong tiểu đoàn đề nghị nàng lên nắm quyền chỉ huy tiểu đoàn. Ngay sau đó tiểu đoàn dưới quyền của Khang Khắc Thanh may mắn thắng trận đánh, và Khang Khắc Thanh chính thức trở thành một nữ tiểu đoàn trưởng đầu tiên của hồng quân. Khang Khắc Thanh không có ý định buông súng để sinh con cái. Nàng tuyên bố, "Tôi rất thích con nít, nhưng tôi không muốn có con. Tôi muốn lúc nào cũng gọn gàng để phục vụ quân đội." Khi cuộc Vạn Lý Trường Chinh chấm dứt, Khang Khắc Thanh say mê học hỏi văn hóa, với hy vọng trở thành một sĩ quan cao cấp.
*
Hạ Tử Trân thì khác hẳn với Khang Khắc Thanh. Hạ Tử Trân ưa thích được săn sóc hầu hạ Mao Trạch Ðông. Vốn là một người khéo nấu ăn, nàng làm cho Mao những món ăn Hồ Nam mà Mao ưa thích. Mao rất thích ăn ớt thật cay và đặc biệt là món cháo ớt cay do Hạ Tử Trân nấu. Mao thường nói đùa với Lý Ðức rằng một người không thể là một nhà cách mạng tốt nếu không biết ăn cháo ớt, một món mà Lý Ðức rất sợ. Mỗi khi nghe Mao nói đùa như vậy thì Lý Ðức tức giận lắm.
Hạ Tử Trân là một người có nhan sắc mặn mà, tính tình rất thùy mị và cũng là một đảng viên cộng sản nhiệt thành. Nàng vốn là một cô giáo, rồi trở thành thư ký riêng cho Mao trước khi chính thức kết hôn với Mao năm 1930. Nhưng ngay từ năm 1928, Mao đã sống chung với Hạ Tử Trân như vợ chồng bán chính thức. Sở dĩ hai người chưa chính thức làm hôn lễ vì Dương Khai Tuệ, vợ cả của Mao, chưa bị Quốc dân đảng xử tử. Lúc khởi đầu cuộc Vạn Lý Trường Chinh thì nàng mới có 24 tuổi, và nàng kết hôn với Mao tại Tỉnh Cương Sơn lúc mới có 17 tuổi. Hạ Tử Trân không phải là người vợ đầu tiên của Mao. Hồi 14 tuổi, Mao bị thân phụ bắt ép phải lấy một cô gái quê lớn hơn Mao tới 6 tuổi. Mao cũng ngoan ngoãn tuân theo các lễ nghi cưới hỏi, nhưng không bao giờ đụng tới người con gái ấy. Hạ Tử Trân cũng không phải là người yêu đầu tiên của Mao. Người tình đầu tiên của Mao là Dương Khai Tuệ, con gái Dương Xương Tế, sư phụ của Mao. Tại Bắc Kinh Mao say mê chủ nghĩa Mắc-xít, và Dương Khai Tuệ trẻ tuổi hơn Mao và cũng đang dấn thân phục vụ cho một nước Trung hoa mới. Hai người ý hợp tâm đầu, cùng nắm tay nhau hoạt động cách mạng. Dương Khai Tuệ sinh được hai con trai: Mao Ngạn Anh sinh năm 1922, là một thanh niên đẹp trai, thông minh và có tài, và tử trận tại Cao Ly năm 1950. Người con trai thứ hai là Mao Ngạn Thanh sinh năm 1923 và hiện còn sống tại Bắc Kinh.
Mao ra đi phát động cuộc Nổi dậy Mùa Thu năm 1927, và để Dương Khai Tuệ ở lại Trường Sa một mình với các con. Kể từ đó hai người không bao giờ gặp lại nhau nữa. Năm 1930, Quốc dân đảng bắt mẹ con Dương Khai Tuệ và Mao Trạch Oanh. Dương Khai Tuệ và Mao Trạch Oanh bị tra tấn hành hạ khi hai người không chịu từ bỏ Mao và đảng cộng sản. Ngày 14-11-1930, Dương Khai Tuệ và Mao Trạch Oanh bị xử tử bên ngoài nhà tù. Một người y tá đưa hai đứa con nhỏ của Dương Khai Tuệ về nuôi. Cái chết của Dương Khai Tuệ là hậu quả của cuộc nổi dậy bất thành do Lý Lập Tam chủ trương và Mao thi hành. Hai con trai của Mao lưu lạc từ tay người từ tâm này tới người từ tâm khác, và cuối cùng phải sống ngoài vỉa hè Thượng Hải bằng nghề ăn xin. Về sau Mao nhờ Chu Ân Lai tìm kiếm dùm hai đứa trẻ thất lạc và đưa về Diên An. Những năm cuối cùng trước khi xa nhau, Mao và Dương Khai Tuệ ít khi được gặp nhau, vì hai người công tác trong hai đơn vị khác nhau. Tuy nhiên tình yêu dành cho Dương Khai Tuệ không lúc nào nguôi trong lòng Mao. Mao đã làm một bài thơ để tưởng nhớ Dương Khai Tuệ, bài "Những Người Bất Tử" với những câu:
"Ta mất đi cây dương muôn vàn yêu quý
Nước mắt này tuôn tràn như mưa vì đâu"
Mao và Hạ Tử Trân gặp nhau tại Tỉnh Cương Sơn năm 1927. Hạ Tử Trân vừa tốt nghiệp một trường Tin Lành, và là một cán bộ cộng sản nhiệt thành. Người nữ sinh mảnh khảnh nhưng hăng say đó lao mình vào cuộc cách mạng. Nàng gia nhập đảng cộng sản lúc mới có 16 tuổi, và đã từng chiến đấu tại địa phương trước khi gia nhập đám tàn quân của Mao. Tất cả mọi người trong gia đình nàng đều đi theo cộng sản vì sự thúc đẩy của thân phụ nàng, một chủ tiệm trà. Khi hồng quân bỏ Giang Tây và bắt đầu cuộc Vạn Lý Trường Chinh thì thân phụ Hạ Tử Trân là người đầu tiên ở lại bị quốc quân xử tử. Bốn người anh của Hạ Tử Trân cũng tham gia hoạt động cộng sản. Hạ Diệp, em gái Hạ Tử Trân, cũng gia nhập đảng cộng sản năm 1927, và kết hôn với Mao Trạch Ðàm, em trai Mao Trạch Ðông. Năm 1950, Hạ Diệp chết vì tai nạn xe hơi trong lúc đi tìm kiếm những đứa con thất lạc của Hạ Tử Trân tại Phúc Kiến.
Cha mẹ Hạ Tử Trân đặt tên nàng là Hạ Long Nhãn, nhưng về sau nàng tự đổi tên lại là Hạ Tử Trân, vì nàng cho rằng cái tên Hạ Long Nhãn yếu quá. Hạ Tử Trân là một thiếu nữ đẹp, da trắng như tuyết, và đôi mắt trong sáng thông minh. Tuy rất say mê văn thơ cổ điển, nhưng Hạ Tử Trân là nữ sinh đầu tiên trong trường cổ võ cách mạng. Chính nàng kêu gọi các bạn gái cắt tóc ngắn và lật đổ tượng Phật trong chùa. Vì có giọng nói rất trong và ấm, Hạ Tử Trân là người hùng biện nhất trong vùng. Nàng là người đầu tiên trong quận bị ghi vào danh sách tầm nã của Quốc dân đảng. Nàng đã đích thân chỉ huy một cuộc tấn công quận lỵ để cứu 28 cán bộ cộng sản đang bị giam giữ, trong số đó có cả anh nàng.
Hạ Tử Trân phải lãnh nhiệm vụ nguy hiểm khi gia nhập lực lượng của Mao tại Tỉnh Cương Sơn. Có lần nàng phải giả vờ là một bệnh nhân sắp chết để tránh bị quốc quân bắt. Lần khác trong nhiệm vụ tình báo, Hạ Tử Trân đã cứu Mao và Chu Ðức thoát chết trong một trận phục kích. Từ chỗ ẩn nấp, Hạ Tử Trân liều lĩnh nhẩy lên ngựa, phóng ra và chạy thẳng về một hướng khác, để đánh lạc hướng quốc quân đang phục kích. Quốc quân vội đuổi theo Hạ Tử Trân, và nhờ đó Mao và Chu Ðức có đủ thời giờ để tẩu thoát. Vì những thành tích ấy, Hạ Tử Trân nổi tiếng trong hàng ngũ du kích.
Mao và Hạ Tử Trân bắt đầu sống chung với nhau tại Tỉnh Cương Sơn, ngay sau khi hai người gặp nhau năm 1927. Nhưng mãi đến năm 1930 hôn lễ của hai người mới chính thức cử hành sau khi Dương Khai Tuệ đã chết. Ðứa con gái đầu lòng của hai người sinh tại Phúc Kiến năm 1929 trong lúc Mao đang lui về núi để chữa bệnh sốt rét. Chiến khu của Mao tại biên giới Phúc Kiến và Giang Tây chưa đủ mạnh lắm, và khi hết bệnh sốt rét, Mao lại phải di chuyển đi nơi khác, nên đứa con gái phải đem gửi nông dân địa phương nuôi dùm. Năm 1932, Mao quay lại tìm đứa con gái nhưng không có kết quả. Một đứa con trai nữa sinh tại Thụy Kim năm 1932 và phải để lại khi cuộc Vạn Lý Trường Chinh bắt đầu. Năm 1933, Hạ Tử Trân sinh một đứa con trai nữa, nhưng đứa bé chết ngay.
Bây giờ khi bắt đầu cuộc di tản thì Hạ Tử Trân lại có thai gần đến ngày sinh. Mao đã cố gắng hết sức để giúp cho vợ tránh khỏi những cực nhọc của cuộc hành trình vất vả. Sau khi hồng quân phá vỡ vòng vây thứ hai, Mao phái hai vệ sĩ giỏi nhất của mình đi hộ vệ Hạ Tử Trân. Mao không được phép đi cùng với vợ, mặc dù hai người đi không cách xa nhau lắm, Mao trong đoàn cán bộ, và Hạ Tử Trân trong đoàn dưỡng nhân.
Ngay từ lúc là một sinh viên quá khích, Mao luôn luôn đòi hỏi quyền lợi và sự bình đẳng cho phụ nữ. Mao thường nói, "Ðàn bà chiếm một nửa chỗ trên thiên đàng." Tuy nhiên bây giờ Mao không có quyền hành gì trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, và đời sống của 30 cán bộ phụ nữ trong đoàn dưỡng nhân thật là tồi tệ. Người lãnh đạo toán phụ nữ đã làm cho hoàn cảnh khó khăn thêm. Lúc nào cũng có sự cãi vã giữa các phụ nữ và đàn ông. Mọi rắc rối đều bắt nguồn ở sự phân phối và chuyên chở lương thực, chẳng hạn như ai vác gạo, ai nấu ăn và nấu bao nhiêu. Phần lớn 30 phụ nữ này đều còn trẻ, nhưng không phải ai cũng mạnh mẽ như Khang Khắc Thanh. Ði bộ suốt ngày hoặc suốt đêm, lên cao một ngàn thước rồi lại đi xuống một ngàn thước, rồi lại xuyên qua những đường đèo chênh vênh đầy hầm hố chông gai, hết ngày này qua ngày khác, thì quả thực quá sức chịu đựng của phụ nữ vốn chân yếu tay mềm.
Lưu Chung Tiên, vợ của Bác Cổ, nghĩ rằng kinh nghiệm của mình thực là tiêu biểu cho số phận các phụ nữ trong đoàn dưỡng nhân. Năm đó nàng vừa đúng 27 tuổi, và vốn là một người thuộc giai cấp thợ thuyền, có ông bố làm nghề hốt phân để bán cho nông dân. Lúc còn bé nàng bị bán cho một kỹ sư. Ông kỹ sư muốn mua nàng để làm vợ cho con trai sau này. Nhưng lúc 14 tuổi thì nàng bỏ trốn khỏi nhà ông kỹ sư, và tìm được việc làm trong một xưởng thợ. Nàng phải làm việc sáu ngày một tuần và mỗi ngày làm 16 giờ. Nàng gia nhập đảng cộng sản trước cuộc tàn sát tại Thượng Hải, và được gửi sang Nga học tập bốn năm. Tại Nga sô nàng gặp và kết hôn với Bác Cổ.
Lưu Chung Tiên có hai con, một trai sinh tại Mạc tư khoa, và một gái sinh tại Thượng Hải. Khi nàng có thai đứa con thứ ba thì một mảnh đạn trúng đầu nàng trong một trận oanh kích của Quốc dân đảng, một tháng trước cuộc Vạn Lý Trường Chinh, và nàng bị xảy thai. Nàng chưa được bình phục hẳn thì đã phải bắt đầu cuộc di tản. Nàng kể lại, "Trong những ngày đầu thì chẳng có gì tốt đẹp cả. Ði bộ tại những nơi hoang dã thì thật là khó khăn. Chân tôi sưng lên và đau lắm. Tôi phải rửa chân bằng nước nóng mỗi ngày."
Vì không được tổ chức chặt chẽ nên các phụ nữ không có đủ lương thực. Họ lúc nào cũng đói. Trong khi đó thì đàn ông than phiền phụ nữ được ưu đãi, và không phải vác gạo nhiều như họ. Chính vì thế thường có sự cãi vã ganh tị giữa đàn ông và phụ nữ. Người ta phải tổ chức lại, và phụ nữ được tách ra thành một đơn vị riêng, do Lưu Chung Tiên lãnh đạo. Kỷ luật được thi hành gắt gao nên cũng có kết quả phần nào. Tuy vậy nhiều phụ nữ cũng than phiền, "Bây giờ phụ nữ cực khổ hơn trước. Ngày nào cũng gặp khó khăn."
Lưu Ðính được phái đi với ban 3, tức là ban quân nhu. Trong ban này có năm ngàn phu khuân vác những đồ nặng như máy in, dụng cụ in tiền và dụng cụ chế tạo súng đạn. Những người trong ban quân nhu thường là những người mới được tuyển mộ. Công việc của họ thực là nặng nhọc, mặc dầu nhiều máy móc đã được tháo gỡ ra làm nhiều mảnh do nhiều người khuân vác. Ðường đi nhiều chỗ chật hẹp, không đủ cho hai người đi, và thường là đi ban đêm. Mỗi khi mưa xuống thì đường trơn và bùn dính chặt chân. Ðêm tuy đen tối mà nhiều khi không dám đốt đuốc, vì sợ địch quân biết được vị trí. Nhiều phu khuân vác đã té xuống từ những mỏm đá cao hàng ngàn thước và chết mất xác.
Trong những ngày đầu, có nhiều phu khuân vác bỏ trốn quay trở lại quê nhà. Họ rất chán nản khi thấy càng ngày họ càng đi sâu vào những khu vực núi non xa lạ và nguy hiểm. Họ sợ rồi ra không tìm thấy đường trở về Giang Tây nữa. Vì thế khi màn đêm buông xuống, nhiều người lặng lẽ bỏ trốn. Ðó là một sự "xuất huyết" nguy hiểm mà Lưu Ðính và một số cán bộ khác cần phải tìm biện pháp chấm dứt. Nhưng các cán bộ đã tỏ ra bất lực, không ngăn cản được những người bỏ cuộc.
Ðồ khuân vác thì nặng mà đường đi lại quanh co khó khăn, đến nỗi mỗi đêm phu khuân vác chỉ đi được hai hoặc ba cây số. Vì thế ban quân nhu càng ngày càng thụt lùi lại. Các đơn vị tác chiến phải bảo vệ phu khuân vác trong khi quân của Tưởng mỗi lúc một đuổi gần tới hơn. Lưu Ðính có bổn phận phải khuyến khích và nâng cao tinh thần phu khuân vác. Nàng phải gieo sự hăng say của cách mạng vào những con người mệt nhoài, nhớ nhà, đói ăn và nhiều khi ngơ ngác hoảng sợ. Nàng kể lại, "Thật là khó tuyển mộ hoặc thuê được phu khuân vác. Chỉ sau một thời gian, nhiều người lại bị đau lưng đau vai, rồi bị mất sức và bệnh hoạn. Họ còn sợ rằng đi theo cộng sản thì gia đình họ ở lại sẽ bị quốc quân khủng bố." Sự cố gắng của Lưu Ðính dường như không đem lại kết quả mong muốn. Nhiều đồ đạc nặng đã phải bỏ lại.
*
Không một người nào trong số 30 phụ nữ chết trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Tuy nhiên không ai chia xẻ quan niệm của một số người cho rằng 30 phụ nữ này chẳng giúp ích gì cho cuộc di tản. Lý Bộ Giao, vợ của tướng Dương Thượng Côn, có sự đánh giá đúng mức hơn. Lý Bộ Giao cũng là một trong 30 phụ nữ trường chinh, và sau này lúc 73 tuổi, bà nói về những người phụ nữ khác trong cuộc di tản mà bà coi là những nữ anh hùng của cuộc cách mạng Trung cộng.
Lý Bộ Giao nói về Thái Xướng, con gái của một gia đình danh tiếng Trung hoa. Thái Xướng thuộc dòng dõi tướng Tăng Quốc Phiên, người đã đánh bại cuộc khởi loạn của Hồng Tú Toàn, và tàn sát 100 ngàn loạn quân tại Nam Kinh ngày 1-6-1864. Thân mẫu của Thái Xướng là một người phụ nữ đã làm một quyết định đặc biệt về nhân cách và chính trị. Lúc được 50 tuổi, bà ly dị chồng là một thương gia giầu có, và hoàn tất việc giáo dục của bà tại một trường tiểu học. Bà đã mạnh mẽ thúc đẩy con cái trở thành cộng sản. Trong suốt cuộc Vạn Lý Trường Chinh, lúc nào Thái Xướng cũng mang trong mình tấm ảnh cũ kỹ của thân mẫu.
Không có gia đình nào dấn thân mạnh mẽ cho chủ nghĩa cộng sản tại Trung Hoa bằng gia đình Thái Xướng. Thái Xướng đã theo học trường nữ sư phạm được sự tài trợ của Chu Giang Phàm, một sứ quân giầu có. Vị sứ quân này rất cấp tiến và cúng nhiều nhà cửa và vườn đất cho nhà trường xử dụng. Con gái của Chu Giang Phàm là Chu Chung Ly sau này kết hôn với Vương Gia Tường và một người con gái khác của ông ta kết hôn với Tiêu Kính Quang, một trong những tướng tư lệnh đầu tiên của Trung cộng.
Tháng 3-1919, Thái Xướng và người em trai du học tại Ba Lê theo chương trình "Học Tập và Làm Việc" do Mao và Thái Hòa Sâm tổ chức. Thái Hòa Sâm là anh ruột của Thái Xướng. Chương trình này chủ trương "hăng say đọc và hăng say dịch thuật". Thân mẫu của Thái Xướng cũng đi theo các con. Bà kêu gọi được một người bà con giúp cho một số tiền 600 đô la, để dùng làm lộ phí. Thái Hòa Sâm chịu ảnh hưởng của đảng cộng sản Pháp. Chính Thái Hòa Sâm và Chu Ân Lai đã thành lập chi bộ cộng đảng Trung hoa tại Âu Châu. Thái Xướng gia nhập chi bộ này năm 1923. Thái Hòa Sâm rất có ảnh hưởng đối với Mao Trạch Ðông, vì hai người cùng quê Hồ Nam và cùng học một trường với nhau. Mao và Thái Hòa Sâm giữ liên lạc chặt chẽ với Thái Xướng tại Âu Châu. Thái Xướng và ông anh Thái Hòa Sâm là bạn rất thân của Mao. Cả ba người đã có lần thề sẽ không bao giờ lập gia đình, nhưng chẳng người nào giữ được lời thề này. Thái Xướng gặp và kết hôn với Lý Phú Xuân tại Pháp. Sau này Lý Phú Xuân là chủ tịch cộng đảng tại Cam Túc và Ninh Hạ.
Năm 1937, ba người trong gia đình Thái Xướng bị Quốc dân đảng hành quyết và hai người khác bị cầm tù. Thái Xướng phải nhận lãnh những nhiệm vụ tình báo trong khu vực Quốc dân đảng; hoàn cảnh của nàng rất nguy hiểm, vì nếu bị khám phá thì chắc chắn sẽ bị xử tử ngay. Nàng lúc nào cũng có vẻ tươi vui, và giọng nói mang ảnh hưởng tiếng Pháp, nhưng nếu nhìn kỹ vào mắt nàng thì người ta sẽ nhận ra một nỗi sầu buồn u uẩn. Thái Xướng, cũng như Mao Trạch Ðông, đã mất quá nhiều người thân cho công cuộc chiến đấu của cộng đảng Trung Hoa.
Trong suốt cuộc Vạn Lý Trường Chinh, Thái Xướng không hề than phiền một điều gì. Nàng có một ý chí thực mạnh mẽ. Nàng ít khi cưỡi ngựa cấp phát cho nàng, và nhường ngựa cho những người bị thương hoặc đau ốm mà nàng nghĩ là cần ngựa hơn nàng. Lúc đó Thái Xướng mới chỉ có 24 tuổi và dáng người mảnh khảnh, nhưng nàng lặng lẽ vượt qua những đoạn đường khó khăn, như phải trèo núi cao và dốc. Thái Xướng và Lưu Ðính luôn đi cạnh nhau và lúc nào cũng cố gắng nâng cao tinh thần các bạn đồng hành. Khang Khắc Thanh thường nhắc nhở đến tấm gương của Thái Xướng như là những "món ăn tinh thần" để khuyến khích binh sĩ. Thái Xướng đã tạo được sự kính trọng và lòng thương yêu của mọi người chung quanh. Nàng là một tấm gương đầy nghị lực cho cả nam và nữ trong cuộc Trường Chinh.
Những người phụ nữ trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, tuy ít ỏi, đã đóng góp rất nhiều cho sự thành công của cuộc di tản này. Sự hiện diện của họ đã khích lệ và thúc đẩy binh sĩ can đảm và cố gắng hơn. Theo văn hào Pháp Anatole France thì người nam sẽ can đảm và anh hùng hơn nếu có bóng dáng của phụ nữ. Những người phụ nữ Trường Chinh còn giúp cho cuộc đời của các lãnh tụ cao cấp một chút nắng ấm khi các lãnh tụ này cảm thấy cô đơn và có những khao khát về tình dục. Hầu hết 30 phụ nữ Trường Chinh đã là vợ hoặc sẽ là vợ của những lãnh tụ cộng sản cao cấp trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh.