Các quan hộ giá vua Thái Tôn, lên non xuống biển, gần hai tháng trời, về mới tới ải Đăng Châu. Rồi lại đi khỏi tỉnh Sơn Đông ba ngày mới tới địa phận Trường An. Điện hạ Lý Trị và Ngụy Trưng cùng bá quan cũng ra khỏi Tam quang nghinh tiếp. Về tới đền, vua Thái Tôn khiến mở tiệc ăn mừng, cùng khao thưởng bá quan và cho về quê quán. Qua ngày sau vua Thái Tôn lâm trào, giáng chỉ dạy làm bảy ngày trai đàn cho các quân tử trận và truyền dẫn cha con Sĩ Quí ra đặng đối chứng. Võ sư dẫn cha con Trương Hườn và sáu người đến đại điện. Thái Tôn xem thấy nạt lớn rằng:
- Ta làm vua thưởng phạt rất công bình, sao ngươi nỡ đem lòng phụ trẫm và khi hoặc triều đình?
Trương Hườn tâu rằng:
- Oan tôi lắm bệ hạ ôi! Công lao ấy đều là của cha con tôi mà nói của người khác thì rất ức.
Thái Tôn nổi giận nói rằng:
- Nếu ngươi nằng nặc quyết một là công cán của rể ngươi thì từ đầu tới cuối làm sao nói ta nghe thử?
Trương Hườn dấu đầu lòi đuôi, trận thì nhớ, trận thì quên, sai sót không nhằm vào sổ công lao ngày nọ. Thái Tôn lại càng cả giận. Từ Mậu Công lại mắng rằng:
- Ngươi thiệt lang tâm cẩu hạnh, nỡ nào bắt người vô tội mà giết đi. Phò mã Tiết Vạn Triệt mắc mớ chuyện gì mà đâm tên vào bụng người ta cho đến chết, rồi lại khiến quân thiêu hài cốt, đem đến khi hoặc thánh thượng.
Vua Thái Tôn nghe Từ Mậu Công nói tới đó, liền thộp án mắng rằng:
- Đồ gian tặc! Lại còn sanh lòng trở về Trường An cướp nước soán ngôi.
Nói rồi liền truyền võ sĩ dẫn cha con Trương Hườn đem ra trảm thủ. Khi đó Huất Trì ghé mắt xem qua phía đông thấy có một vị lão thần nháy nhó với quân sĩ thì sanh nghi, liền quì xuống tâu rằng:
- Việc này mà giao cho võ sĩ thì tôi e bất tiện, vậy xin bệ hạ cho ngu thần lãnh mệnh thì mới hết lo ngại.
Lúc đó Lý Đạo Tông túng thế, phải liều mạng quỳ xuống tâu rằng:
- Như nay tội cha con Trương Hườn làm phản, tội ấy đáng trảm khảo trừ căn, nhưng mà xét cho ra một đời có công mở mang xã tắc, vậy cũng nên để sống một con đặng ngày sau nối dòng Trương thị.
Thái Tôn thấy không mấy khi vương thúc bảo tắc nên nhận lời, liền giáng chỉ tha hai con thứ của Trương Hườn khỏi tội và đuổi ra khỏi biên thùy làm dân thứ, còn ba cha con và Tôn Hiến đều bị Huất Trì Cung chém chết.
Ngày nọ Tiết Nhơn Quí xin về quê nhà thăm viếng, Thái Tôn nhậm lời và phong chức Bình Liêu vương, một mình cai quản đất Sơn Tây, lại truyền cho Giảo Kim đến huyện Long Môn làm một cõi vương phủ.