Khi ấy Thái Tôn thấy Thúc Bảo thổ huyết mà chết giấc, thì thất kinh, liền bước xuống long ngay mà kêu cứu. Các quan cũng đều xúm lại đỡ dậy. Huất Trì Cung thấy con mắt Thúc Bảo trợn trắng thì nói rằng:
- Ta cùng ngươi đều làm việc công, tranh giành chi cho khổ sở như vậy?
Tần Hoài Ngọc thấy cha mình ráng sức thổ huyết mà chết giấc nên nổi nóng, chạy lại đấm bụng Huất Trì Cung một thoi. Huất Trì Cung đương khi bất ý, nên bị đấm té nhào, lòm còm đứng dậy mắng rằng:
- Tao với mày vô can.
Hoài Ngọc lại đấm một cái nữa. Huất Trì nổi giận, bèn đánh Hoài Ngọc một thoi té nhào. Thái Tôn xem thấy nạt rằng:
- Không được ẩu đả như vậy.
Lúc đó Tần Thúc Bảo đã tỉnh lại, Huất Trì Cung bước tới trước nói:
- Ta thiệt là người có tội, đến xin lỗi cùng ngươi.
Thúc Bảo nói:
- Lão tướng sức còn mạnh mẽ, ráng nên giúp nước mà lập công, còn như ta ngày nay, thì thiệt là vô dụng.
Nói rồi vùng sa nước mắt, kêu vua mà tâu rằng:
- Bệ hạ ôi! Nay tôi thiệt vô lực, e chẳng sống đặng mấy ngày, xin bệ hạ hãy nán lại ít bữa, như tôi đi chinh đông chẳng đặng, sẽ có lời dặn dò và giao ấn soái lại cho Huất Trì. Nếu bệ hạ chẳng nhận lời, tôi xin thác tại trước Kim giai chớ chẳng chịu về phủ.
Thái Tôn nói:
- Soái ấn còn ở nơi vương huynh, vậy vương huynh cứ an lòng về dinh mà bảo dưỡng.
Thúc Bảo liền kêu Hoài Ngọc đỡ về phủ.
Lúc ấy quân sư Từ Mậu Công tâu rằng:
- Nay trong kho lương thảo còn ít, xin bệ hạ cho một người đi các tỉnh đốc lương, và sai người mẫn cán đến Sơn Đông làm 1000 chiếc chiến thuyền để dự kỳ chinh chiến.
Thái Tôn liền hạ chỉ cho Giảo Kim đi các tỉnh đốc lương, còn Vương Quân Khá đốc làm chiến thuyền. Hai người lãnh mệnh ra đi.
Nói về chuyện Tiết Nhơn Quí, đến năm mười lăm tuổi mà chưa biết nói. Đêm kia ngủ trong phòng, chiêm bao thấy cọp trắng thì thất kinh la lớn, từ ấy mới nói đặng. Rạng ngày nhằm lễ ngũ tuần hạ thọ của cha mẹ. Nhơn Quí ra lạy mừng, và chúc cho cha mẹ: "Phước như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn." Vợ chồng Tiết Anh thấy con nói đặng thì mừng rỡ mười phần. Kế được mấy ngày, vợ chồng Tiết Anh đều lâm bịnh chết hết. Nhơn Quí tống tán cho cha mẹ, rồi mới tụ tập anh em rước thầy về dạy học nghề văn nghiệp võ.
Nhơn Quí vốn có sức mạnh và thông minh lanh lợi, nên chẳng bao lâu mà văn võ đều làu thông, thao lược gồm đủ, song vì chi tiêu quá độ, và không có nghề chi, mà mỗi ngày ăn một đấu năm thăng gạo, nên gia sản chẳng bao lâu đã về tay kẻ khác, đến nổi không chốn gởi mình, phải đến ở một hang núi, gạo ăn không đủ, lại gặp tiết mùa đông đói rét rất khổ sở.
Một bữa Nhơn Quí trực nhớ ra mà nghĩ rằng: "Ta có một người bà con nhà giàu có lắm, chi bằng ta đến đó mà gởi mình." Nghĩ rồi bèn sửa soạn qua nhà Tiết Hùng. Khi đến nhà, thấy mấy tên gia đinh đứng trước cửa. Mấy người ấy thấy Nhơn Quí ăn bận rách rưới thì nạt mắng mà đuổi đi. Nhơn Quí nổi giận mà mắng rằng:
- Đồ cẩu trư không có mắt hay sao? Ta đây là cháu gia chủ bây, bây mau vào bẩm.
Mấy người ấy không đi. Nhơn Quí xô cửa bước vào, thấy Tiết Hùng đang ngồi ở sảnh đường. Nhơn Quí quì mà thưa rằng:
- Cháu đến ra mắt, kính chúc bác bình an.
Tiết Hùng làm lãng hỏi rằng:
- Mày là người nào, lại kêu ta bằng bác?
Nhơn Quí thưa:
- Cháu là Tiết Lễ đây.
Tiết Hùng mắng rằng:
- Đồ súc sanh. Khi cha mẹ mày chết, để lại gia tài hàng trăm vạn, mày không chịu mần ăn gì, chỉ phá tán cho hết, nay còn mặt mũi nào đến ra mắt ta?
Nhơn Quí nói:
- Cháu gặp cơn nghèo túng, đến thưa cùng bác, mượn ít đấu gạo về ăn cho đỡ đói.
Tiết Hùng lại mắng rằng:
- Trước mày chỉ lo bề cung mã, không tính toán mần ăn, bây giờ túng đói, sao chẳng theo nghề cung mã ấy mà nhờ?
Nhơn Quí nói:
- Bác đừng khinh nghề cung mã, bao nhiêu anh hùng hào kiệt trong thiên hạ đều do đó mà được hiển vinh, cháu nay tinh thông võ nghệ, bây giờ tuy nghèo túng, biết đâu có lúc làm nên.
Tiết Hùng nổi giận mắng rằng:
- Bộ mày chỉ có chết đói dọc đường, còn dám kể chuyện công hầu khanh tướng. Thôi mày đi đi, tao không nhận mày kêu tao bằng bác nữa.
Nói rồi sai gia đinh đuổi ra khỏi cửa. Nhơn Quí nổi giận mà than rằng:
- Tình nghĩa cháu bác với nhau, ai dè lại tệ bạc quá như vậy!
Nói rồi bỏ đi, vừa đi vừa nghĩ rằng: "Nay ta về Sơn huyệt, cũng bằng chết đói mà thôi, chi bằng thác tại đây cho rảnh." Đang suy nghĩ bỗng thấy dưới chân núi có một cây đại thọ, Nhơn Quí ngồi khóc một hồi, rồi lấy dây treo lên cây mà thắt cổ.