Khi ấy Nhơn Quí thưa với Hồng Hải rằng:
- Thưa nhạc phụ, lòng con chí quyết công danh lập nghiệp. Nay con xin từ giã đi đầu quân.
Hồng Hải nói:
- Nếu hiền tế lập đặng công danh rồi, chẳng nên trễ việc nghi gia nghi thất.
Nhơn Quí vâng lời, bốn anh em từ biệt ra đi. Khi đến huyện Long Môn đều tả văn trạng đầu quân. Tiết Nhơn Quí cải tên là Tiết Lễ.
Qua bữa sau, bốn người đồng nạp văn trạng, dâng đến án đường, Tương Hườn xem rồi đòi vào. Ba người đấu võ đều tinh thông. Trương Hườn mừng rỡ liền cho lãnh chức kỳ bài. Ba người đồng tạ ơn, đòi sắc phục kỳ bài đứng lại một bên. Trương Hương xem đến văn trạng của Tiết Lễ, truyền quân sĩ đòi vào. Tiết Lễ vào, Trương hườn trông thấy Tiết Nhơn Quí, nổi giận kêu tả hữu bắt đem chém. Tiết Lễ nói lớn rằng:
- Tôi có tội chi mà xử trảm?
Trương Hườn nói:
- Ta vâng chỉ chiêu binh là việc kiết, sao ngươi dám mặc đồ trắng mà đi đầu quân, sao lại không tội?
Lý Khánh Hồng, Khương Hưng Bá, Khương Hưng Bổn đồng tâu xin tha tội cho Tiết Lễ. Trương Hườn nói:
- Ta vì ba tên kỳ bài này mà tha thứ cho ngươi.
Nói rồi truyền kẻ tả hữu đuổi ra khỏi viên môn. Nhơn Quí bị đuổi ra, buồn bực vừa đi vừa than thở.
Khi ấy Lý Khánh Hồng, Khương Hưng Bá và Khương hưng Bổn chạy theo kêu rằng:
- Ca ca ôi! Nay bốn anh em ta xuống đầu quân, mà quan không dùng ca ca, thì mấy em còn ở lại làm gì? Chi bằng kéo nhau về núi Phong hỏa làm thảo khấu còn hơn.
Nhơn Quí nói:
- Ba em nghĩ vậy là lầm, lần này các em có chốn xuất thân, còn tính về núi làm gì? Vả anh đã đầu quân hai lượt, không đắc dụng, đó là số phận của anh, các em hãy ráng lập công, chừng nào có dịp sẽ tấn cử anh với thiên tử thì chẳng hay hơn sao?
Ba người vâng lời, cùng nhau từ giã. Khi Nhơn Quí ra về, đi chừng bảy tám dặm đến một chỗ núi non hiểm trở, cây cối rậm rì, dưới chân núi có tấm bia đá đề chữ như vầy: Đây là núi Kim Tuyền, có con cọp trắng dữ lắm ai đi ngang phải đề phòng. Nhơn Quí coi rồi cười mà rằng: "Súc nghiệt dám rối nhiễn nhơn dân hành khách, để ta chờ đây, coi xem mi ra thế nào!"