Tàu thủy kéo mấy hồi còi, đánh thức Phan Châu Trinh dậy. Nguyễn An Ninh mỉm cười báo:
- Tàu sắp cập cảng Sài Gòn rồi cậu à.
Phan Châu Trinh mệt mỏi trở mình ngồi dậy, nhìn ra ngoài cửa khoang, rồi bấm đốt ngón tay, thở dài:
- Mất đứt 14 năm.
Nguyễn An Ninh cười, động viên Phan Châu Trinh:
- Hôm nay tháng 6 năm 1925, cậu mới 54 tuổi còn thừa thời gian để để làm những việc cậu thích.
Tàu kéo thêm mấy hồi còi nữa và thông báo hành khách chuẩn bị rời tàu.
Nguyễn An Ninh sửa lại áo quần cho Phan Châu Trinh, thấy ông cũng suy yếu nhiều sau một tháng lênh đênh trên biển. Nhưng Nguyễn An Ninh không mấy lo lắng. Trước khi về, Nguyễn An Ninh đã báo cho gia đình và tin mọi việc đã chuẩn bị đâu vào đấy.
Nguyễn Anh Ninh dìu Phan Châu Trinh làm thủ tục cuối cùng. Viên thương chánh người Pháp nhìn Phan Châu Trinh, hỏi họ tên. Nguyễn An Ninh định trả lời hộ, thì Phan Châu Trinh đưa tay ngăn, nói:
- Đồ của tôi đó, ông hãy kiểm soát đi, không cần phải hỏi tên họ.
Viên thương chánh giận, nói xẳng:
- Tôi qua Annam đã mười năm, chưa thấy người Annam nào như ông.
Phan Châu Trinh cũng quắt mắt nhìn viên thương chánh, nói:
- Tôi ở Pháp mười bốn năm cũng không thấy người Pháp nào như ông.
Nói rồi, Phan Châu Trinh lấy thuốc hút.
Đã bực, viên thương chánh còn bực hơn, quát:
- Sao lại ở đây mà hút thuốc ?
Phan Châu Trinh bình tĩnh, chỉ lên bảng yết thị:
- Tôi xem cả tờ yết thị dán ở đó, không thấy cấm hút thuốc (1).
Nguyễn An Ninh mỉm cười lắc đầu trước cá tính của Phan Châu Trinh, và tiếp tục dìu ông đi ra sau khi xong mọi thủ tục.
Cả Nguyễn An Ninh lẫn Phan Châu Trinh đều ngỡ ngàng khi nghe những tiếng hoan hô náo nhiệt của hàng trăm người đứng sẵn ở bến tàu. Phan Châu Trinh ứa nước mắt, đưa tay lên vẫy chào đồng bào. Nguyễn An Ninh không dám để Phan Châu Trinh đứng một mình, nên một tay giữ chặt Phan Châu Trinh, một tay đưa ra bắt tay những người đang đứng gần nhất. Khi rẽ đám đông đi ra, Nguyễn An Ninh vừa bắt tay vừa dáo dát kiếm tìm người nhà thì có tiếng nói: "Tôi đây nè !", Nguyễn An Ninh sung sướng ra mặt, choàng tay ôm chặt bờ vai người phụ nữ đã chen tới đứng sát bên từ lúc nào.
Phan Châu Trinh không ngớt vẫy tay, nhưng cũng liếc nhìn người phụ nữ phúc hậu, da hơi bị rám nắng trong bộ áo vải đơn sơ. Quả đúng như điều ông nghĩ. Nguyễn An Ninh quay nhìn Phan Châu Trinh nói:
- Thưa cậu, đây là hiền nội của con.
- Cậu chào con. Nghe Ninh nói về con, cậu mừng lắm.
- Con đã chuẩn bị xe. Mình đưa cậu ra xe về Chiêu Nam Lầu cho cậu nghỉ.
Nguyễn An Ninh vừa vạch đường đi ra xe, vừa chào bà con. Sự cuồng nhiệt của đồng bào và cả một tháng trời lênh đênh trên biển, Phan Châu Trinh có mệt thật, nhưng thấy ánh mắt loé sáng của ông, Nguyễn An Ninh không lo lắng mấy và rất mừng là uy tín của Phan Châu Trinh trong lòng mọi người vẫn không phai, trái lại có phần hơn.
Khi ngồi được vào xe, bà con vẫn vây quanh với những tiếng hoan hô, thậm chí về đến Chiêu Nam Lầu, bà con vẫn còn đứng bên dưới hoan hô không ngớt.
Nguyễn An Ninh bước ra chào bà con và thông báo về sức khoẻ của cụ phó bảng, mong bà con dành cho cụ ít ngày phục hồi sức khoẻ rồi cụ phó bảng sẽ có kế hoạch gặp gỡ, tiếp xúc bà con ngay.
Nghe Nguyễn An Ninh nói vậy, bà con mới lần lượt ra về và cũng không ít bà con lần lượt mang đủ thứ trái cây, thức ăn, đồ uống tới với “hi vọng chút quà nhỏ nhoi góp phần bồi dưỡng sức khoẻ cụ phó bảng".
*
* *
Sau khi uống chén sâm, Phan Châu Trinh ngủ một giấc an lành, không mộng mị.
Khi thức dậy, ngoài phố đã lên đèn, Phan Châu Trinh định bước ra khỏi phòng thì người hầu đã vào.
- Mời cụ rửa ráy cho khoẻ rồi dùng cơm.
- Ninh đâu rồi ?
Người hầu lễ phép thưa:
- Bẩm cụ phó bảng, cậu mợ nhà con đã về Hóc Môn chuẩn bị rước cụ về trển khi cụ khoẻ lại.
Làm vệ sinh xong, Phan Châu Trinh theo chân người hầu ra phòng ăn.
Mâm bát đã dọn sẵn và chỉ có một phụ nữ ăn mặc sang trọng và một ông đồ. Nhìn chiếc áo dài lương, khăn đóng và chiếc tay nải, Phan Châu Trinh nhớ lại một thời đã qua…
- Quan bác còn khoẻ thế này thì qúy hóa quá. – Ông đồ đứng dậy, bước lại đỡ Phan Châu Trinh ngồi vào ghế.
Phan Châu Trinh vẫn để yên tay trên bàn cho ông đồ xem mạch, mắt nhìn người phụ nữ một hồi, nói:
- Nếu trí nhớ tôi không tồi thì chắc đây là cô Xuyên, phải không ?
Người phụ nữ vừa xới cơm ra chén cho mỗi người, vừa cười.
- Tôi cũng muốn để yên cụ phó bảng còn nhớ không, ai ngờ trí nhớ của cụ tốt quá.
Ông đồ nhíu mày, rời mấy ngón tay ra khỏi mạch đập Phan Châu Trinh nhưng không giấu được tiếng thở dài, nói:
- Chúng ta cùng ăn cơm kẻo cô chủ trách. Sức khỏe của quan bác còn tốt lắm.
Nghe giọng nói và cách nói của ông đồ, Phan Châu Trinh cầm tay ông ta, lắc lắc mấy cái.
- Cụ phó bảng nhà ta đây phải không ?
- Cụ giỏi thật !
Phan Châu Trinh biết mình đoán đúng, nên cười vui, nói:
- Thú thật, nghe giọng nói, và nhìn mặt thấy cụ có nhiều nét giống anh Thành nên tôi mới nghĩ ra. Và không ngờ, ông đồ ngồi trước mặt mình là bạn đồng khoa Nguyễn Sinh Huy ngày nào.
- Ai có con mà không lo, nhưng sau này nghe được cháu có thời gian gần cụ, tôi mừng lắm. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Cháu được gần cụ, ít ra cũng ảnh hưởng chút ánh sáng từ cụ truyền sang. Nghe cụ về, tôi băng bộ từ miền Tây lên để đón nhưng không kịp. Gặp cụ đây, tôi mừng lắm và cám ơn cụ đã có lòng chỉ bảo cho cháu nhà tôi.
Phan Châu Trinh nhấp hớp rượu, nói:
- Chỗ anh em với nhau cả, cụ phó bảng nói vậy là chưa đúng. Tôi mừng cho cụ có được đứa con như anh Thành. Tuổi trẻ chúng nó bây giờ đã ăn đứt lớp bọn mình.
- Nói thật với cụ, tôi chẳng mong cháu làm nên vương tướng gì, chỉ mong sao nó có miếng ăn miếng mặc và đừng bán rẻ tổ tiên là mừng.
Phan ChâuTrinh vui vẻ nói:
- Cụ tin đi. Lớp trẻ như anh Thành sẽ gánh vác được tất cả những gì mà chúng ta chưa làm được. Tôi tin vào anh Thành và anh Ninh nhà này chẳng khác nào tin vào bản thân mình.
Sau bữa cơm, hai người bạn nói rất nhiều chuyện. Phan Châu Trinh kể cho bạn biết tường tận về hoạt động của Nguyễn Tất Thành trong những ngày ở xứ người. Giọng Phan Châu Trinh trầm xuống:
- Sức khoẻ của tôi sút giảm nhiều, nhưng bây giờ có chết, tôi cũng an tâm bởi đã đó lớp người kế tục xuất sắc.
- Quan bác đừng nói gở. Lớp hậu học vẫn còn trông nhờ vào bác lắm. Chỉ có tôi là vô dụng thôi.
- Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh cụ à. Không cộng tác với Nam triều, không sa vào vòng xoáy danh lợi làm hại dân lành như quan bác cũng là cách giúp cho quốc dân, giúp cho lớp trẻ rồi.
Phó bảng Nguyễn Sinh Huy ở lại Chiêu Nam Lầu chơi với Phan Châu Trinh vài ngày rồi chia tay để Phan Châu Trinh lên Hóc Môn điều trị bệnh.
Phan Châu Trinh cũng biết bệnh của mình là bệnh nan y, nên không đòi hỏi gì hơn ngoài việc tập trung bồi bổ cơ thể để sớm giúp chút gì đó cho lớp con cháu.
Anh em Nguyễn An Khương gặp lại Phan Châu Trinh mừng rỡ ra mặt. Nguyễn An Khương dành cho Phan Châu Trinh một căn phòng thoáng mát lấy được ánh nắng buổi ban mai, còn ánh nắng chiều thì bị vườn cây che khuất.
Phan Châu Trinh tấm tắc khen vườn cây thì Nguyễn An Khương không ngần ngại khoe cái tài của đứa con dâu. Gần mười mẫu vườn hoang phế, vậy mà về làm dâu bữa trước bữa sau, cô dâu chân yếu tay mềm tưởng chừng chỉ biết mỗi việc thêu thùa, may vá ấy đã tiến hành cải tạo để chưa đầy một năm thành vườn cây ăn quả, mầm xanh cứ nhú từng ngày. Nguyễn An Khương nói:
- Thưa thật cho anh mừng, có được con dâu như vầy, gia đình tôi không còn điều gì phải băn khoăn nữa.
Phan Châu Trinh cười tươi.
- Mừng cho gia đình anh, mừng cho thằng Ninh nhà mình. – Phan Châu Trinh nhìn trước nhìn sau, hỏi: - Vợ chồng thằng Ninh đi đâu mà nãy giờ, tôi không thấy ?
Nguyễn An Cư đỡ lời anh:
- Vợ chồng cháu nó có việc xuống phố, tí xíu về ra chào cụ phó bảng ngay.
Phan Châu Trinh nhìn anh em nhà ông Khương, cười cười, khoe:
- Thằng Ninh nhà mình còn trẻ mà có chí lớn, lại thông minh, giỏi tiếng Pháp…
Nguyễn An Cư cũng cười hóm hỉnh, nói chen vào:
- Có vậy nó mới dám đi làm phiên dịch cho cụ phó bảng và mới có cơ sở cho quốc dân biết rằng, ở Pháp cụ Phan được các chính khách lớn đón tiếp như một ông vua.
Phan Châu Trinh không chối cãi, nói tiếp:
- Nó có những cái mà bọn già mình thiếu. Tôi kỳ vọng rất nhiều ở nó cũng như ở con trai cụ phó bảng Nghệ An.
Nguyễn An Khương nhỏ nhẹ nói:
- Gia đình chúng tôi nghĩ, cháu có được như ngày hôm nay cũng nhờ anh dẫn dắt những năm ở xứ người. Mỗi lần cháu biên thư về, anh em tôi đây cảm kích lắm, nhất là khi anh nhận cháu làm con nuôi.
Phan Châu Trinh khoát tay.
- Anh đã biên thư gửi gắm cho tôi, thì tôi phải có trách nhiệm. Thậm chí, không có thư của anh, tôi cũng phải lo vì đấy là trách nhiệm của lớp cha anh đối với lớp trẻ. Những việc tôi đã làm đều chỉ vẽ lại cho Ninh, hi vọng Ninh theo đuổi những việc mà đời mình không đạt được. – Giọng Phan Châu Trinh chùng xuống. – Anh thật có phước, hổ phụ sinh hổ tử.
- Anh nói quá lời, tụi nhỏ nghe được nó lừng. Nó vẫn còn trẻ người non dạ, anh em chúng tôi đây vẫn thường nhắc nhở luôn.
Phan Châu Trinh hào hứng nói:
- Tới bây giờ mà các anh còn nghĩ thằng Ninh nhà mình trẻ người non dạ là coi thường lớp trẻ rồi. Những ngày ở đây dưỡng bệnh, tôi sẽ kể cho các anh nghe về tài năng của Ninh ở Pháp cho các anh nghe. Tôi hãnh diện về thằng Ninh của anh ở xứ người đó.
Ba người còn đang chuyện trò thì khách tới thăm. Và chỉ qua một ngày, anh em ông Khương bàn lại, dành riêng một phòng để Phan Châu Trinh tiếp khách. Nhưng ông Cư không đồng ý để Phan Châu Trinh tiếp khách nhiều. Lời thầy thuốc lúc này có giá trị nhất, nên hai cha con ông Nguyễn An Khương phải thay mặt Phan Châu trinh tiếp khách từ các nơi đến. Song để tạo điều kiện cho cha dịch cuốn Khang Hi tự điển, Nguyễn An Ninh dành lấy việc tiếp khách giúp cụ Phan.
Sau đó không lâu, hai người con gái của Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng từ Quảng Nam vào thăm. Nhìn thấy Phan Châu Trinh, ai cũng rơm rớm nước mắt.
Khách khứa cứ nườm nượp khiến Phan Châu Trinh cũng thấy ngại. Nguyễn An Ninh biết điều ấy nên nói:
- Khách tới thăm càng nhiều thì cậu phải càng mừng, càng lo uống thuốc, bồi bổ cho nhiều để có sức còn giúp con nhiều việc, chứ lo thì không hết bệnh đâu. Cậu yên tâm, gia đình con thừa sức tiếp khách của cậu những… hai chục năm.
Phan Châu Trinh biết đó là lời nói thật và ông cũng nói thật:
- Cậu thấy nhọc cho vợ con quá.
Nguyễn An Ninh cười hì hì:
- Cậu khéo lo. Vợ con chỉ lo ăn uống cho cậu, cha con và con thôi. Mọi việc còn lại là nhờ vào người nhà cả. Vợ con rất hãnh diện khi được hầu hạ cơm thuốc cho cậu. Con đã thử đề nghị nhờ người giúp việc chăm sóc cho cậu, thì vợ con cự nự quá trời. Do vậy, cậu đừng bận tâm.
- Cậu cám ơn vợ chồng con.
Nguyễn An Ninh biết ông buồn, nên cố động viên. Huỳnh Thúc Kháng cũng tiếp lời:
- Anh đừng lo nghĩ quá. Tôi tin gia đình này. Mấy ngày qua, bà con khắp nơi đến biếu đủ thứ, kể cả tiền bạc, nhưng gia đình cương quyết không nhận tiền bạc, tôi rất mừng. Tôi cũng đặt vấn đề với anh Khương, anh Cư và hai anh ấy thú thật là được giúp đỡ anh trong lúc này là điều vinh dự. Anh Khương còn khẳng định với tôi, tài sản hiện có của gia đình này có thể chăm sóc một lúc mười người như anh cho đến cuối đời. Riêng gà, vịt, lúa gạo, trái cây bà con lục tỉnh và các vùng lân cận mang tới thừa tiếp khách ngày ba bữa hẳn hòi, chẳng có chi anh phải lo lắng. Từ lâu, anh đã coi Ninh như thằng Dật thì anh cứ coi đang sống với vợ chồng thằng Dật là ổn cả.
Nguyễn An Ninh cười vui:
- Nói như cụ nghè Minh Viên không sai đâu cậu à. Nếu con nhận tiền của bà con đến ủng hộ cậu thì có thể mua mấy sở đất chứ chẳng phải chơi đâu.
Phan Châu Trinh nghe vậy trong lòng có nhẹ nhõm hơn và tin vợ chồng Nguyễn An Ninh thương mình như cha. Từ ngày về đây, Phan Châu Trinh thấy mọi việc chăm sóc sức khoẻ cho ông rất chu đáo. Sức khoẻ ông có được như hiện nay đều nhờ một tay vợ của Ninh cả. Mấy ngày đầu thấy ông ăn kém thì những bữa ăn phụ là những chén canh gà ác hầm thuốc bắc. Mười lần như một, vợ Ninh ngồi dỗ cho ông uống kỳ hết chén canh mới chịu. Thật lòng nhiều lúc không muốn uống, nhưng thấy nhiệt tâm ấy mà ông đành phải gắng. Không thể so sánh, song nếu con trai ông còn sống và có vợ thì đứa con dâu độc nhất của ông chăm sóc cha chồng đến thế là cùng. Ơn trời !
Phan Châu Trinh nhìn Huỳnh Thúc Kháng, hỏi:
- Ngày mai về lại quê nhà, anh định làm gì ?
- Lúc trước bắt được thư của anh, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Mấy ngày nay nghe anh và Ninh kể chuyện, tôi ngộ ra số điều, nhưng không thể giúp gì cho Ninh được cả. Làm báo tôi không rành, nhất là báo tiếng Pháp. Tôi nghĩ ra chuyện này bàn với anh và Ninh thử sao ?
Phan Châu Trinh lim dim đôi mắt như muốn tập trung trí lực để giải quyết những vấn đề mà bạn sắp đặt ra.
Huỳnh Thúc Kháng nói:
- Làm quan chắc chắn là tôi không làm. Bây giờ tôi định ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ đợt này. Với tên tuổi của tôi, tôi tin mình đậu là cái chắc. Và từ diễn đàn nghị viện, tôi đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền. Bên cạnh đó, tôi sẽ nghiên cứu ra một tờ báo để chuyển tải những suy nghĩ của anh em mình.
- Cách đó cũng hay. – Phan Châu Trinh nhìn sang Nguyễn An Ninh. – Con thấy kế hoạch của cụ Minh Viên thế nào ?
- Thưa cậu, có tiếng nói ở nghị viện không phải là điều dở. Ý kiến này cũng giúp cho suy nghĩ về những ngày tháng tới cho mình. Riêng việc làm báo, thì con hoàn toàn ủng hộ cụ nghè. Nói như cậu, đông tay vỗ nên kêu. Con nghĩ, lập được tờ báo cũng là lập được một lực lượng ủng hộ mình. Uy tín của cụ nghè đây với quốc dân, con tin tờ báo ấy sẽ không bị chết yểu.
Phan Châu Trinh cười vui với gương mặt rạng rỡ, nói:
- Anh thấy lớp trẻ bây giờ sáng dạ chưa ? Tôi chỉ góp anh như thế này. Việc gì mình thấy có lợi cho dân cho nước thì mạnh dạn làm và phải luôn tỉnh táo, lắng nghe ý kiến của lớp trẻ. Lớp trẻ mà ủng hộ thì anh biết việc đó sẽ thành công.
Sáng hôm sau, Huỳnh Thúc Kháng chào từ biệt người bạn hiền đã nhiều năm xa cách và có những lời gửi gắm với gia đình ông Nguyễn An Khương.
Cuộc sống của Phan Châu Trinh lại tiếp tục như bao ngày qua, và ông lại không mấy bằng lòng. Khi màn đêm thực sự kéo về, tiếng côn trùng râm ran đây đó, Phan Châu Trinh nhờ người gọi Nguyễn An Ninh đến.
- Mấy ngày nay, cậu thấy khoẻ nhiều và muốn làm việc. Con coi lại kế hoạch rồi sắp xếp cho cậu làm việc, chứ kiểu này mãi thì cậu về Quảng Nam thôi.
Nguyễn An Ninh biết những lời ông nói là thật, nên nói:
- Cậu đã nói vậy, con đành chiều ý. Nhưng cậu phải hứa với con một điều là hễ thấy mệt thì nghỉ, không được ráng.
Phan Châu Trinh vui ra mặt, nói:
- Cậu biết sức cậu mà.
Kế hoạch của Nguyễn An Ninh gồm hai phần: phần công khai và phần bí mật.
Phần công khai, Nguyễn An Ninh dựa vào uy tín của Phan Châu Trinh, tổ chức cho ông nói chuyện với đồng bào Sài Gòn. Nguyễn An Ninh nói:
- Thưa cậu, thông qua những buổi nói chuyện này giúp bà con thấy được một tấm gương lớn của một nhà ái quốc, suốt đời chỉ lo hoạt động cho dân cho nước…
- Cậu nghĩ, đó là chuyện phụ. – Phan Châu Trinh ngắt lời.
Nguyễn An Ninh tủm tỉm cười.
- Không có gì giấu cậu được. Thông qua những buổi nói chuyện ấy, cậu sẽ tạo nên tiếng vang rồi sau đó, con sẽ tổ chức cuộc họp mặt với các nhà điền chủ lớn quen biết với gia đình con, cậu giúp con ra mặt vận động họ góp tiền để tục bản tờ La Cloche Fêlée. Việc làm này, con tin sẽ tập trung sự chú ý của quần chúng để con rảnh tay tiến hành phần bí mật. Và phần bí mật như đã thưa với cậu là thành lập tổ chức Thanh niên cao vọng.
- Con cứ sắp xếp thời gian, còn cậu lúc nào cũng sẵn sàng. Đề tài nói chuyện lần này, cậu đã chuẩn bị từ những ngày được anh em báo được phép về quê hương. Do vậy, cậu tin sẽ hấp dẫn người nghe.
Nguyễn An Ninh thấy Phan Châu Trinh vui nên cũng vui lây và khuyên ông ngủ sớm.
Nằm mãi mà đôi mắt vẫn thao láo, Phan Châu Trinh ngồi dậy bước ra sân hít thở khí trời. Phan Châu Trinh lần dò ra tận mí vườn thả hồn với tiếng dế nỉ non tìm giọt sương đêm.
Nghĩ tới buổi nói chuyện nay mai, Phan Châu Trinh bỗng nhớ đến bài thơ của Minh Viên đọc cho ông nghe cách đây không lâu. Bài thơ đã nhắc lại thời trai trẻ của bộ ba: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Qúy Cáp. Bây giờ kẻ còn người mất, kẻ Bắc người Nam, răng cũng đã long, đầu cũng đã bạc… Phan Châu Trinh thở dài rồi khe khẽ ngâm:
Vô quốc hà năng bội ?
Ngu dân khởi hữu quyền.
Hiệp thương thành họa sủy,
Giảng học bị châu liên.
Bàng quận danh sơn phú,
Cam Ranh ngoại quốc thuyền.
Viên thơ như phát bố,
Đương tác tiểu biên niên. (2) Tiếng vỗ tay không lớn kèm theo tiếng khen, Phan Châu Trinh quay lại nhận ra ông Nguyễn An Khương.
- Anh cũng chưa ngủ à ?
- Đang dịch cuốn tự điển Khang Hi thì anh em dẫn vào một thầy ký chuyên viết nhựt trình nói là học trò của anh, nên tôi "mời" ngồi trên nhà. Cũng may nhờ tiếng ngâm thơ của anh chớ không thì chẳng biết anh ở đâu mà tìm.
Phan Châu Trinh vừa theo chân Nguyễn An Khương vừa hỏi:
- Anh ta có nói tên gì không ?
- Anh ta xưng là Phan Khôi. Nếu đúng là người này thì tôi có đọc loạt bài chống cái học cũ của anh ta, hay lắm.
Phan Châu Trinh thấy vui vui. Từ ngày về đây có ý định chờ anh ta, nhưng không biết sao vẫn chưa thấy. Bây giờ, anh ta tìm đến mà tìm vào ban đêm bị anh em ở đây “điệu” về là phải. Theo Nguyễn An Ninh nói thì ở đất Bà Điểm – Hóc Môn, mật thám không dễ gì mò tới được, vì anh em rất cảnh giác.
Thấy hai người bước vào, Phan Khôi đứng bật dậy, vui mừng reo lên:
- Cúp hề ! Cúp hề !
Phan Châu Trinh ôm chặt Phan Khôi vào lòng và luôn miệng nói : "Mừng lắm ! Mừng lắm !".
Nguyễn An Ninh xác nhận được người, nên hất hàm ra hiệu cho anh em đi ra rồi mời hai người ngồi lại uống trà.
Phan Châu Trinh kể sơ về Phan Khôi cho Nguyễn An Khương nghe, nhất là chuyện "cúp tóc" gần hai mươi năm trước. Phan Khôi nói:
- Mật thám như ruồi, nên tôi mới lên đây vào ban đêm, không ngờ…
Nguyễn An Khương tủm tỉm cười, tiếp lời:
- Không ngờ tưởng vậy mà không phải vậy, phải hôn ?
Phan Khôi cười.
- Đúng vậy, cụ ạ.
- Thôi, khuya lắm rồi, chúng ta phải giữ gìn sức khoẻ cho cụ phó bảng. Anh ngủ tạm tại phòng khách này, sáng mai ăn uống xong, chúng ta nói chuyện tiếp.
Phan Châu Trinh cho là phải và động viên Phan Khôi nên nghỉ cho khoẻ.
Trời đổ mưa.
Giấc ngủ trở về với Phan Châu Trinh trong tiếng muôn trùng gọi bạn.
Chú thích:
(1) Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử.- Dẫn theo Phan Châu Trinh – Cuộc đời và tác phẩm, sđd, trg 60-61.
(2) Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Không nước sao rằng bội ?
Dân ngu há có quyền !
Hiệp thương gây mối họa,
Giảng học cũng can liên.
Bình Định cùng làm phú,
Cam Ranh muốn vượt thuyền.
Án văn như phát bố,
Truyện tớ có đời truyền.