Những ngày sống ở quê nhà, Phan Châu Trinh mới có điều kiện chăm sóc gia đình. Ông đích thân làm tất cả những gì có thể làm được, từ việc đưa anh đi đây đó, thắp hương cho tổ tiên, cám ơn những sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của mọi người trong thời gian ông ăn học đến việc tắm rửa cho con, chẻ củi, sửa lại nền nhà… Những việc làm vụn vặt đã có người, nhưng ông vẫn thích tham gia.
Khi ông đang chăm sóc người anh bị bệnh thì ông được triều đình bổ làm Hậu bổ ở Huế. Nghe tin ấy, ai cũng mừng, kể cả người anh cả của ông đang thoi thóp trên giường bệnh. Lòng ông cũng vui, dù sao đã học cũng phải hành. Mặc dù các thánh nhân đều nói rằng: “Khả dữ cộng học, vị khả dữ thích đạo. Khả dữ thích đạo, vị khả dữ lập, vị khả dữ quyền”
(1), nhưng ông tin vào bản thân, tin vào sở học của mình. Hoạn lộ có nhiêu khê thật, song không vì thế mà đánh mất chính mình, đánh mất lòng tin của nhiều người, nhất là những người nông dân nghèo khó ở quê ông nói riêng, xứ sở này nói chung. Ít ra, ông cũng làm được như Tử Sản: "Kỳ hành kỷ dã cung; kỳ sự thượng dã kính; kỳ dưỡng dân dã huệ; kỳ sử dân dã nghĩa"
(2).
Gia đình chuẩn bị những thứ cần thiết cho ông về kinh nhậm chức, nhưng cứ thấy ông nấn ná và thường thở dài, mọi người đều hiểu ông đang lo lắng cho bệnh tình của người anh cả. Và buổi họp gia tộc được tổ chức.
Trọng tâm của buổi họp, mọi người khuyên ông nên xuất chính, những chuyện còn lại ở nhà, bà con sẽ góp mỗi người một tay không sao cả. Lòng hiếu thảo của ông, gia tộc chứng nhận, người anh cả của ông đang mê man trên giường bệnh cũng hiểu, nếu còn tỉnh táo thì cũng nghĩ như mọi người. Lệnh vua không nên cưỡng, vả lại phước bất trùng lai, hãy thuận theo lẽ tự nhiên.
Phan Châu Trinh ngồi trầm ngâm lắng nghe, nhưng trong lòng thì buồn rười rượi. Ông biết người anh cả của mình sống không được bao ngày nữa, bởi ông đã tham khảo một số danh y trong vùng và họ đều đồng ý với ông, mạch của anh cả của ông là mạch tử, sống nhiều lắm không quá nửa tuần trăng. Nếu ông đi thì khó mà vuốt mắt cho anh lần cuối cùng. Và một khi đã nhậm chức mới mấy ngày lại phải từ quan về thọ hiếu anh thì còn ra thể thống chi. Với người anh cả, ông không thể không làm vậy được. Anh cũng như cha và người anh của ông đã làm trọn vai trò người cha đối với ông: cho ông ăn học nên người, cầm trầu rượu đi hỏi vợ, cưới vợ cho ông… “Sinh sự chi dĩ lễ. Tử táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ"
(3). Những lời dạy của thánh hiền còn đó, sao ông lại vội quên chỉ vì chút danh chút phận ?
Dường như đọc được ý nghĩ của ông, người trưởng tộc lên tiếng:
- Các bác, các chú có mặt ở đây chữ nghĩa rõ ràng không bằng cháu, nhưng hiểu đời chắc có hơn cháu. Các bác, các chú ở đây không dám múa búa trước cửa Lỗ Bang, nhưng cũng võ vẽ biết ít nhiều điều thánh hiền dạy. Khổng tử dường như có dạy: "Phụ tại quan kỳ chí, phụ một quan kỳ hạnh, tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hỷ"
(4). Do vậy, cháu nên xem lại.
Phan Châu Trinh chỉ biết nói lời cám ơn, và cuộc họp gia tộc coi như chấm dứt. Ông trở lại giường bệnh chăm sóc cho anh. Thấy ông bước vào, vợ ông đứng dậy nhường chỗ và hỏi:
- Mấy chú, mấy bác khuyên mình nên đi phải không ?
Phan Châu Trinh gật đầu rồi ngước nhìn vợ, hỏi:
- Ý mình thế nào ?
- Em không biết. - Vợ ông cúi đầu vân vê tà áo. - Ra làm quan cũng tốt, nhưng bất hiếu thì người ta cũng cười. Dĩ nhiên, mình làm quan thì không ai dám cười ra mặt nhưng họ sẽ cười thầm. Hồi nhỏ, cha em thường dạy…
- Mình cứ nói, tôi không trách chi đâu
- Cha em thường dạy, con người mà bất trung bất hiếu thì… không còn là con người. - Nói xong, vợ ông biết mình lỡ lời, nên ấp úng: - Em… Em… xin lỗi mình.
Phan Châu Trinh mỉm cười, đứng lên ôm lấy bờ vai của vợ, nói:
- Mình nói đúng lắm. Cha dạy không sai đâu. Thôi mình đi lo công việc đi. Mọi chuyện của tôi, tôi biết sắp đặt.
Vợ ông vặn mình ra khỏi vòng tay chồng, kéo tay áo chùi nước mắt. Phan Châu Trinh nhìn vợ bước xuống nhà ngang trong lòng cũng không biết được những giọt nước mắt ấy vui hay buồn.
*
* *
Phan Châu Trinh giật mình thức giấc, mồ hôi đổ đầm đìa khắp người. Bên ngoài mặt trời đã lên, rọi những tia nắng vàng ươm vào căn phòng, ông biết mình đã chợp mắt cũng đã hơn một canh giờ. Suốt ngày hôm qua cho tới khi vợ ông vào thay để ông ngả lưng một chút, thì người anh cả của ông đi ngoài suốt. Mấy lần phục thuốc cũng chẳng ăn thua gì. Trong giấc ngủ chập chờn, ông lại thấy thân phụ của ông đầu đội kim khôi, cưỡi con ngựa trắng về dẫn người anh cả của ông đi như ngày nào dẫn ông lên sơn phòng A Bá. Ông cố vươn người kéo anh lại nhưng bị cây trường thương trên tay thân phụ chặn đứng tầm vói của ông. Ông đành ứa nước mắt nhìn theo cho đến lúc bóng con ngựa trắng khuất sau khúc quẹo đường làng. Điềm lành hay dữ ? Oâng thật lòng không dám nghĩ tiếp, vội vã lên nhà thăm anh.
Phan Châu Trinh thấy lòng nhẹ hẳn. Người anh cả của ông vẫn còn nằm đó. Giấc mơ cũng chỉ là giấc mơ thôi. Ông định đưa tay thăm mạch anh, thì vợ ông bước vào với thau nước ấm.
- Mình coi lau thân thể anh hai.
Không chờ ông hỏi, vợ ông nói tiếp:
- Từ khi mình ngả lưng, anh hai đi thêm mấy lần nữa, em thấy cũng đã sạch rồi. Khi nãy, anh hai cũng nuốt được vài hớp nước cháo.
Phan Châu Trinh vừa nghe vợ nói, vừa sờ mạch cho anh, rồi lật hai mi mắt của anh lên coi. Ông cúi xuống sát người bệnh, nói:
- Anh có nghe em nói không ? Em tắm rửa cho anh nghe ?
Bờ môi ông Cừ hơi động đậy, Phan Châu Trinh cúi thấp hơn với hi vọng nghe được những gì người anh cả muốn nói, nhưng chẳng nghe được gì. Ông Cừ dường như cố hết sức còn lại nắm lấy bàn tay của người em út. Phan Châu Trinh sung sướng nắm chặt bàn tay lạnh giá của anh.
- Em tắm cho anh nghe. Anh ráng khoẻ lên rồi anh em mình đi ra kinh chơi. Em nhậm chức sẽ được đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng, đeo thẻ bài ngà trước ngực. Lúc đó, em sẽ mặc suốt ngày để anh hai coi cho sướng mắt.
Vừa nói, Phan Châu Trinh vừa lấy khăn nhúng nước ấm lau rửa khắp người ông Cừ.
Khi mặc đồ sạch cho anh, Phan Châu Trinh không cầm được nước mắt. Ao ước đơn giản của anh hai ông đến lúc chết cũng chưa được toại nguyện, dù việc đó chẳng có chi xa vời đối với ông.
Nước mắt ông Cừ cũng đổ xuống hai bên khóe. Phan Châu Trinh lau nước mắt cho anh.
- Em nói thiệt đó. Em đã được triều đình gọi ra làm quan. Em đang chờ anh mạnh rồi anh em mình cùng đi.
Cặp môi ông Cừ động đậy và dường như có phần hồng lên. Phan Châu Trinh ngước nhìn vợ, nói như ra lệnh:
- Mình ra gọi hết người nhà, bồng luôn thằng Dật, con Đậu vô đây. Nhanh lên.
Khi mọi người đến đông đủ, ông Cừ như hồi quang phản chiếu. Ông mở tròn mắt nhìn khắp mọi người một lúc khá lâu ra chiều vui lắm, rồi nhè nhẹ đưa cánh tay lên như muốn vẫy chào. Phan Châu Trinh hiểu ý liền đỡ cánh tay anh, nhưng ông thấy cánh tay người anh đã lạnh toát. Lúc đó là lúc người anh cả của ông trút hơi thở cuối cùng.
Chú thích: (1) Câu này là của Khổng tử nói trong Luận ngữ. Trình tử, Dương thị, Hồng thị… cùng nói ý ấy. "Có hạng người, có thể cùng học, chưa có thể cùng tiến đến chính đạo. Có hạng người có thể cùng tiến đến chính đạo, chưa có thể cùng giữ vững được chính đạo. Có hạng người có thể cùng giữ vững được chính đạo, chưa có thể cùng cân nhắc sự nặng nhẹ quyền biến".
(2) Luận ngữ: "Giữ mình thì khiêm cung; thờ người trên thì kính cẩn; nuôi dân thì có ân huệ; khiến dân thì hợp nghĩa".
(3) Khổng tử trả lời Phan Trì: "Cha mẹ sống, phụng sự cho hợp lễ. Cha mẹ mất, tống táng cho hợp lễ; tế lễ cho hợp lễ".
(4) Người cha còn sống thì xem chí hướng của người con; khi người cha mất thì xem việc làm của người con; nếu trong ba năm sau khi cha mất, người con không thay đổi đạo của người cha, mới có thể gọi là người con hiếu vậy.