Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Nho tướng công Nguyễn công Trứ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6923 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nho tướng công Nguyễn công Trứ
Vu gia

Chương 1

Trời đã vào khuya, Nguyễn Công Trứ ngồi đó với ngọn đèn và dòng châu phê còn tươi rói: Nay khanh đã suy nhược nhiều lắm rồi, trẫm không muốn lấy việc binh cách mà tần phiền kẻ lão thần. Đức Kim thượng đã hiểu ông; các quan ở Hà Tĩnh đã hiểu ông, thương ông... nhưng lại chẳng hiểu gì ông. Tang bồng là cái nợ, làm trai chi sợ áng công danh. Ông không còn trai trẻ nữa. Tuổi của ông, Đỗ Phủ còn chạy mặt (Đỗ Phủ có câu thơ: Nhân sinh thất thập cổ lai hy – Người sống 70 tuổi xưa nay hiếm), tử vi cũng phải loại ra hàng hai thập niên rồi chứ ít đâu. Song còn sống là ông còn nợ với núi sông. Quả là Trần ai, ai dễ biết ai.
- Khuya lắm rồi, tướng công vào nghỉ.
Người hầu thiếp trẻ khoác lên vai ông chiếc áo bông, đề phòng cảm lạnh.
Vẫn tư thế ngồi ấy, Nguyễn Công Trứ co tay lên cầm lấy bàn tay thon mềm của người vợ trẻ:
- Nàng cứ vào ngủ tiếp đi. Đêm nay, ta thấy khó ngủ quá.
Người hầu thiếp ôm chặt lấy ông, gục đầu lên vai ông, nói nhỏ:
- Thiếp sợ tiếng cú kêu đêm lắm. Không có tướng công bên cạnh, thiếp cũng chẳng tài nào ngủ được.
Nguyễn Công Trứ thở dài thật khẽ, đứng dậy cùng người hầu thiếp vào phòng nghỉ.
Nhanh thật ! Mới đó, mới đây mà đã gần mười năm hương lửa. Tân nhân dục vấn lang niên kỷ, Ngũ thập niên tiền nhị thập tam (Vợ mới hỏi chàng bao nhiêu tuổi – Năm mươi năm trước, tớ hăm ba). Gần mười năm ! Ghê thật ! Thời gian ấy cũng đủ biến biển xanh thành ruộng dâu, huống gì tuổi trời. Cái tình, cái nghĩa so mà khó. Đã có nhiều người phụ nữ đến với ông, cho ông những đứa con và một lòng chung thủy cho tới ngày trở về với cát bụi. Nhưng cũng không ít người, ông sẵn sàng giúp họ sang thuyền khác. Với ông, chuyện tình cảm mà cố tìm cách trói buộc nhau chẳng ích lợi gì. Không thương, không yêu nhau, thì cũng đừng thù ghét nhau để khổ một đời. Cái tình là cái chi chi, Dẫu chi chi cũng chi chi với tình. Ông lại thở dài và mỉm cười trong đêm tối.
Người hầu thiếp nghiêng mình, ôm choàng lấy ông.
- Tướng công chưa ngủ sao ? Tướng công có bài thơ nào, đọc cho thiếp nghe với.
Nguyễn Công Trứ khẽ nhớm dậy. Người hầu thiếp hiểu ý, vội đẩy chiếc gối bông vào cho ông được ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, dựa vào thành giường. Trong đêm tối, ông kéo nhẹ người hầu thiếp ngả vào lòng, e hèm lấy giọng:
Tao ở nhà tao, tao nhớ mi,
Nhớ mi nên phải bước chân đi.
Không đi mi nói rằng không đến,
Đến thì mi nói đến làm chi.
Làm chi ta đã làm chi được,
Làm được ta làm đã lắm khi.
Người hầu thiếp vùng vằng, nhõng nhẽo:
- Tướng công lại nhạo thiếp nữa rồi. Chuyện cũ mà !
Nguyễn Công Trứ cười thầm trong đêm, đưa bàn tay xoa nhè nhẹ trên mặt người hầu thiếp.
Thời gian tựa cánh chim bay. Mới ngày nào được Đức Khâm thượng thuận cho về hưu, ông ung dung đây đó với bầu rượu túi thơ và con bò vàng đủng đỉnh. Ông “che miệng thế gian” bằng bài thơ tứ tuyệt viết bằng vôi trên tấm mo cau:
Xuống ngựa lên xe lọ tưởng nhàn,
Lợm mùi giáng chức với thăng quan.
Điền viên dạo chiếc xe bò cái,
Sẵn tấm mo che miệng thế gian.
Đâu đâu, người ta cũng chỉ che miệng cười và chẳng một ai trách cái ngông của ngài Uy Viễn tướng công. Bởi từ lâu, ai ai cũng đều biết chí nguyện của ông: Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo, Thảnh thơi thơ thạp rượu bầu. Nhưng sự thật ra sao chỉ mỗi mình ông biết, mỗi mình ông hay. Nàng hầu thiếp đang nằm trong vòng tay của ông đây là người mà ông quyết cưới cho bằng được. Vì, cô là người phụ nữ duy nhất làm tổn thương lòng tự ái của ông. Với ông, xướng ca cũng là một nghề như bao nghề khác mà ông luôn qúi trọng. Trong một bữa ca trù, ông đã sửa hai câu thơ của Văn Thiên Tường không phải để làm vừa lòng người đẹp, mà là sự thật lòng của ông: Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ, Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh (Người đời ai chẳng có nghề, Cốt sao ghi được tấm lòng tốt lưu truyền trong sử sách). Thế mà, cô đào trẻ dám bỡn cợt ông, chẳng coi ông vào đâu. Dĩ nhiên, đưa đúng hai câu thơ của Văn Thiên Tường vào bài hát nói của ông sẽ hợp hơn, đúng hơn và không hỗ thẹn với người đi trước. Nhưng ông muốn những người như cô hiểu rằng ông không xem cô là hạng "xướng ca vô loại", chớ nào phải ông không biết, không hay. Và đây là chầu hát, chớ có phải ghi vào sách vở lưu truyền cho đời sau đâu. Hay ông đã già quá chăng ? Bố chánh tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Nho Nhã còn phải tặng ông câu đối: Sự nghiệp kinh nhân, thiên hạ hữu / Phong lưu đáo lão, thế gian vô (Sự nghiệp làm người ta sợ, thiên hạ có / Già còn phong lưu như vậy, thế gian không), huống gì cô. Trẻ người, non dạ ư ? Cũng có hể, nhưng cũng không thể vậy được. Sự bực tức đưa bước chân ông trở lại xóm ả đào với Bài ca ngất ngưởng:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây cờ đại tướng
Có khi về Phủ Doãn Thừa Thiên
Đô môn giải tổ chi tiên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tây kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng
Khi chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào đường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều, ai ngất ngưởng như ông !
Nhìn ra cái nhíu mày của cô đào trẻ khi lướt qua bài hát, nhưng ông giả vờ không thấy. Ông nghĩ, đây là lần đầu và cũng là lần cuối "tỏ tình" bằng cả cuộc đời mình. Và nếu thất bại cũng chẳng thể trách ai. Nhưng lúc giọng ca vàng của cô đào trẻ cất lên, ông đã nhếch môi cười thú vị.
Nghe tin ông cưới hầu thiếp, không ai là không bàng hoàng.
... Trong trần thế duyên duyên nợ nợ
Duyên cũng đành mà nợ cũng đành
Xưa nay mấy kẻ đa tình
Lão Trần là một với mình là hai
Càng già càng dẻo càng dai.
Thế mà... Ông thở dài, đỡ người hầu thiếp ngồi dậy.
- Đốt đèn lên, ta sẽ thay nàng viết mấy lời tự tình.
Hiểu tính tình của ông, người hầu thiếp không một lời than trách. Nàng thắp đèn, mài mực và lo nấu cho ông ấm trà.
Tiếng gà gáy sáng, thì cũng vừa lúc ông buông bút xuống, húp ngụm trà đặc sánh, thơm lừng từ tay người vợ trẻ. Ông hiếng mắt nhìn người vợ trẻ đọc đi đọc lại bài ca trù chưa ráo mực, gật gù ra chiều thích thú. Ông lấy bàn tay khẽ gõ nhịp lên bàn, và giọng người hầu thiếp cất lên:
Buồn sực nhớ đài trang cảnh cũ
Nhớ trượng phu trong dạ bàng hoàng
Mái Tây sơn sương tỏa mấy lần
Thân cái nhện không vò mà rối
Chỉn tại tơ hồng trêu quấy nỗi
Há rằng dây đỏ ghét ghen chi
Chốn cô phòng năn nỉ với cầm thi
Đường viễn hoạn ngõ thấu tình chăng nhẽ
Trong trần thế sầu lây mấy kẻ
Giòng Hà Đông thêm cám cảnh cho ai
Xin cho trời đất lâu dài
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru ?
Thấu tình chăng kẻ trượng phu ?
- Đúng là Uy Viễn tướng công ! – Người hầu thiếp đặt tờ giấy xuống bàn, ôm chầm lấy ông và siết một cái thật mạnh rồi... buông ra ngay.
Nguyễn Công Trứ lại thở dài, nhìn người hầu thiếp thoát ra khỏi phòng lo công việc cho ngày mới. Gần đây, nhiều lúc ông thấy có lỗi với nàng. Chính chút tự ái vặt cuối đời, ông đã trói buộc cuộc đời của nàng. Đã có lần ông đặt vấn đề cho nàng tự do bay nhảy. Nhưng nàng đã từ chối và giận hờn ông. Có chồng thì phải theo chồng; Chồng đi hang rắn hang rồng phải theo. Cái đạo lý ngàn đời ấy đã ăn sâu vào trong máu thịt của nàng, biết làm sao mà gỡ. Trước đây, ông rất tự hào về chuyện ong bướm, bướm ong. Chắc ông là người duy nhất trên đời này có câu liễn phúng vợ:
Nguyệt tỉ bất tu sầu, khang phụ thùy năng thiên tuế hạc
Diêm vương như hữu vấn, lão phu do phiến Ngũ hồ chu
(Chị Nguyệt chớ nên buồn, vợ tấm cám mấy người nghìn tuổi thọ
Diêm vương như có hỏi, thuyền lão này đang mải Ngũ hồ chơi)
Nhưng để được gì ? Thân phụ của ông tuy chỉ có mỗi một mình ông là con trai, nhưng lại đạt được chí nguyện của Người. Còn ông ? Trai gái dẫy đầy hàng ba chục đứa, mà nào có được gì đâu. Nhờ ảnh hưởng của ông và cũng nhờ vào những ngày ông chưa xuất chính, người con trưởng của ông (Nguyễn Hy Cát) mới được làm Cẩm y thị vệ hiệu úy tại Ty Thanh lại. Nguyễn Công Ngạc cũng chỉ đến Tú tài và đang làm hậu bổ ở Kinh. Những trai gái còn lại chẳng đâu vào đâu. Con đông làm gì, nếu chúng cứ cố sống để mà sống. Tội nghiệp ! Trót sinh ra thì phải có chi chi, Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu. Cái chí ấy, ông không truyền được cho con.
Người hầu thiếp trẻ bảo ông là kẻ ích kỷ, quả chẳng sai. Ông chỉ lo cho mỗi phần ông. Ông mãi lo lo "vẫy vùng cho hết đất" mà quên đi trách nhiệm làm cha. Nhìn lại bầy con cháu bây giờ, ông chỉ thấy còn người con trai Nguyễn Công Huân và đứa cháu nội Nguyễn Công Trường (con của Tú tài Nguyễn Công Ngạc) là có thể nối được chí ông, nhưng... đã trễ lắm rồi. Qũy thời gian không cho phép ông đào luyện một đứa trẻ nên người. Thôi, còn sống ngày nào, ông tìm cách phả chút hồn của mình vào cho con cháu, may ra chúng không làm xấu mặt tiền nhân.
Nguyễn Công Trứ thở dài buồn bã, khẽ ngâm:
Việc đời đã chắc chắn đâu,
Lỡm lờ con tạo một màu trêu ngươi.
Hóa nhi đa hí lộng,
Đúc chuốt ra rồi bắt bẻ làm sao.
Khéo gán phần những việc đâu đâu..

<< chương kết |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 591

Return to top