Đến Paris lần này, Phan Châu Trinh thấy thật là sai lầm. Căn phòng rộng quá. Ngôi nhà vắng quá. Nguyễn Ái Quốc tiếp tục chân trời góc bể. Nghe đâu anh ta đến xứ Nga La Tư xa xôi của Lý Ninh (Lê-nin) để học hỏi kinh nghiệm cuộc Cách mạng tháng Mười. Nguyễn An Ninh về nước làm báo thức tỉnh đồng bào, rồi sau đó mấy tháng Phan Văn Trường cũng theo chân về. Bây giờ chỉ còn lại mình ông. Phải chăng người ta có mặt trên đời này như là những ảo ảnh và nó cứ hiện ra, lung linh, di động rồi… tan biến như bong bóng mưa ? Không phải, nhưng nếu quả thật như vậy thì cũng nên là cái bong bóng mưa lung linh sắc màu, ngấm vào lòng đất cho cây trái tốt tươi.
Thời gian qua, người học trò của Trần Qúy Cáp là Phan Khôi, một trong những người đã được ông yêu qúi, đưa ra Hà Nội trước khi xảy ra vụ "cúp tóc, xin xâu" đã không làm ông thất vọng. Không phải vì anh ta khoe đã viết được một cuốn sách về cuộc đời ông mà ông khen. Cái ông khen chính là việc làm thiết thực của anh ta trên mặt báo sau ngày ra tù. Qua thư của bạn bè thì anh ta đang bị mật thám theo dõi (1) quá gắt nên đã lánh xuống tận miệt Cà Mau. Nhưng thư của anh ta vừa gửi cho ông thì anh ta nói đang chơi với bạn bè dưới ấy. Biết tin ai ?
Minh Viên thì đã được triều đình khôi phục học vị tiến sĩ và quan Toàn quyền Pasquier trực tiếp mời ra làm quan, nhưng đã khéo léo từ chối. Thế cũng phải. Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. Nếu thực tâm muốn làm quan thì đã ra làm quan rồi chứ đâu đợi đến bây giờ ? Nhưng cứ ở ẩn thì cũng không được. Nghĩ đi nghĩ lại, Phan Châu Trinh viết thư đề nghị Huỳnh Thúc Kháng hãy dấn thân. Điều quan trọng là mình làm được gì cho dân cho nước một cách thiết thực nhất trong khả năng cho phép chứ không nên chơi kiểu "Thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn”(2); cũng không nên học Bá Di, Thúc Tề không chịu đứng trong triều người ác, khi khuyên vua không được bèn vào núi Thú Dương ở ẩn và chịu chết đói dù hành động ấy được Khổng tử khen hết lời.
Phan Châu Trinh gửi thư đi rồi, dạ mới yên và vững tin Huỳnh Thúc Kháng sẽ hiểu ra mọi lẽ.
Cứ mỗi lần nhận thư và gửi thư, Phan Châu Trinh buồn vô hạn. Có lúc ông muốn mình là con chim bay về với bạn bè, với công việc một cách cụ thể hơn, chứ kiểu này chẳng khác nào người chết vẫn còn thở.
*
* *
Tiếng bom Phạm Hồng Thái dội đến mẫu quốc. Nhiều người hỏi, ông cũng đành chịu. Theo dõi báo chí và nhờ bạn bè ở hội nhân quyền và nhất là khi nhận được báo từ Sài Gòn gửi qua, Phan Châu Trinh tổng hợp hết các nguồn tư liệu ấy mới biết rõ rằng, Phạm Hồng Thái nhỏ hơn người con gái út của ông 2 tuổi, con trai quan Huấn đạo Phạm Thành Mỹ, quê làng Ngọc Điểu, tỉnh Nghệ An. Là một chàng trai nhiệt thành yêu nước, thành viên của Hội Việt Nam Quang phục, từng làm phu mỏ ở Hòn Gai và cũng từng bôn ba qua Xiêm La, Trung Quốc. Phạm Hồng Thái thuộc nhóm chủ trương bạo động. Do vậy khi nghe tin Toàn quyền Đông Dương là Martial Merlin sang Nhật Bản điều đình với Nhật để trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam, Phạm Hồng Thái cùng với người đồng chí là Lê Hồng Sơn đi thi hành việc ám sát M. Merlin. Hai ngừơi bí mật theo chân quan Toàn quyền Đông Dương từ Thượng Hải đến Hoành Tân, qua Đông Kinh nhưng chưa có dịp nào thuận tiện để ra tay.
Trên đường về, quan Toàn quyền Đông Dương cùng đoàn tùy tùng dừng chân tại Quảng Châu. Đêm 18-6-1924, quan Toàn quyền và đoàn tùy tùng được chính quyền địa phương mời dự tiệc tại khách sạn Victoria ở phía bắc thành phố Sa Diện. Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Sơn đều nhất trí rằng, đây là cơ hội cuối dùng để diệt viên Toàn quyền, ngoài ra thì chẳng khác nào thả hổ vào rừng. Phạm Hồng Thái giả làm phóng viên của một tờ báo lớn hoà cùng đội ngũ báo chí vào tận bàn tiệc. Khi các phóng viên loay hoay chụp ảnh, Phạm Hồng Thái ném ngay một quả bom nhỏ vào giữa bàn tiệc. Bom nổ, một số nhân vật có mặt chết tại chỗ, nhưng quan Toàn quyền chỉ bị thương nhẹ.
Thừa lúc chộn rộn, Phạm Hồng Thái thoát chạy ra ngoài. Bọn cảnh vệ đuổi theo bắn rát, Phạm Hồng Thái bèn gieo mình xuống dòng Châu Giang hi sinh trong đêm đó, hưởng dương 28 tuổi.
Chú thích:
(1) Chi tiết này dựa theo Mật báo số 239 US của Sở Mật thám Nam kỳ, ngày 1-6-1926.- Dẫn theo Phan Thị Mỹ Khanh, Nhớ cha tôi Phan Khôi, Nxb Đà Nẵng, 2001, trg 279-281.
(2) Khổng tử: Thiên hạ có đạo thì ra làm quan, thiên hạ không có đạo thì về ở ẩn.- Luận ngữ.