Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Phan Châu trinh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14941 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phan Châu trinh
Vu gia

Chương 19

Mấy tháng nằm nhà thương, Phan Châu Trinh cố dẹp nỗi buồn sang bên, coi như chẳng có chuyện gì xảy đến. Nghĩ cho cùng, càng để nỗi buồn xâm chiếm thì càng gánh thất bại, nên ông cố nuôi hi vọng. Bởi, hi vọng là điều cuối cùng người ta có thể làm được trước khi nhắm mắt. Cũng may, anh em vẫn còn thương qúi ông. Ngày nào, họ cũng đem báo chí đến, thông báo cho ông nghe những diễn biến trên thế giới và Đông Dương. Ngày cuối tuần nào khỏe, anh em đều sắp xếp cho ông đến nói chuyện. Và buổi nói chuyện nào cũng được người nghe tán thưởng, vì luôn có những thông tin mới, những nhận định mới của diễn giả. Người Việt mình kể cũng lạ, hễ phó bảng như Phan Châu Trinh ắt phải nói hay, phải có những điều đáng học. Dù phê phán lối học cũ thế nào chăng nữa mà trong lúc nói có chêm vào mấy câu Khổng tử nói, Mạnh tử nói để dẫn chứng, minh họa là bên dưới không ít người gật gù ra chiều tâm đắc.
Những lần diễn thuyết gần đây với nhiều tư liệu trong tay, cộng thêm những hiểu biết của một đời trăn trở vì nước, vì dân, Phan Châu Trinh đã kịch liệt lên án sự cai trị của người Pháp ở Đông Dương. Mỗi lần một ít, Phan Châu Trinh lột trần chính sách tàn ác mà thực dân Pháp đang thực hiện ở Đông Dương, đồng thời cũng vạch rõ những âm mưu thâm độc của các quan cai trị người Pháp, kể cả việc sử dụng một số quan lại tay sai người Annam để đàn áp, bóc lột tầng lớp dân nghèo nhằm bần cùng hóa, ngu dân hóa nhân dân. Theo ông, người Pháp làm chính trị mà không hiểu chính trị đích thực, chỉ tạo nên một nền hành chính tào lao, tạo điều kiện làm giàu cho một số ít cá nhân người Pháp và một số tay sai vô liêm sỉ. Lúc đầu, ông cũng cùng quan điểm với những người đi trước, đồng nhất nước Pháp với kẻ xâm lược, áp bức. Nhưng sau khi có điều kiện đọc một số tân thư từ Trung Hoa, Nhật Bản tràn sang, ông thấy yêu một nước Pháp lý tưởng của cuộc đại Cách mạng 1789, xóa bỏ nền quân chủ chuyên chế mục ruỗng và thiết lập nền Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Pháp. Ông từ quan, vào Nam ra Bắc khởi xướng dân quyền chỉ vì yêu cái lý tưởng cao đẹp "Tự do – Bình đẳng – Bác ái" và giá trị chân chính về các quyền của con người, về bản "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền", kể cả bài ca Marseillaise của Cách mạng 1798. Từ đó, ông hi vọng, phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc bằng con đường không bạo lực, nhưng những người Pháp cai trị đã phản lại sự khao khát tự do không chỉ của nhân dân Pháp dưới chế độ quân chủ chuyên chế mà là tiếng nói chung của cả nhân loại và của mọi thời đại. Bây giờ gần hết cuộc đời, chuẩn bị gửi nắm xương tàn nơi đất khách mà cái khát vọng tự do – bình đẳng – bác ái được ông Mạnh Đức Tư Cưu, ông Lư Thoa khởi xướng hầu như chẳng nhỏ được giọt nào trên mảnh đất Annam nhỏ bé buồn tủi của ông. Nhưng không vì thế mà ngồi đó hả họng chờ sung, cũng không vì thế mà khuyến dụ nhân dân đi vào chỗ chết khi chưa đáng phải chết. Một chủng tộc muốn được như một chủng tộc văn minh thì chỉ có tự lập, tự cường. Muốn tự lập tự cường cũng không có cách nào khác hơn là quyết liệt khai tâm, khai trí trên diện rộng, chứ không chỉ ở một nhóm người nào đó là đủ.
Chính quyền địa phương đã không ít lần gọi ông lên răn đe, nhưng ông khăng khăng cho đó là sự thật và ông chỉ nói đúng sự thật. Nếu những người Pháp chân chính không tin đó là sự thật thì ông lấy đầu ra bảo đảm, cùng ông đến Đông Dương xem qua một vòng sẽ thấy những việc ông nói chưa thấm vào đâu so với sự thật diễn ra hằng ngày mà nhân dân của ông phải cắn răng chịu đựng. Chính vì những người Pháp cai trị không tin lời ông, nên dẫn đến việc hết nơi này nổi lên chống Pháp đến nơi khác nổi lên chống Pháp, dù họ biết làm vậy phải bị tù đày, chết chóc. Những việc ông làm ở bên nhà cũng như ngay trên đất Pháp hơn mười năm nay chẳng qua học tập những người Pháp chân chính. Với ông, nước Pháp của cuộc Cách mạng 1789, của cuộc kháng chiến chống Đức giành độc lập tự do đã tượng trưng lý tưởng tự do và dân chủ hơn bao giờ hết.
Lần nào bị gọi lên, ông cũng tranh cãi và cho rằng, việc làm của ông, ngay cả việc nổi dậy chống lại sự áp bức cũng không phải là tội trạng mà là một sự thực hiện nghiêm chỉnh quyền tự nhiên.
Sau những lần tranh cãi ấy, Phan Châu Trinh càng thích thú bản "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền" năm 1789. Tuyên ngôn khẳng định rằng con người sinh ra và lớn lên tự do và bình đẳng. Tự do, bình đẳng là những cái mà thiên nhiên ban cho con người, không phải chỉ có vua chúa tốt bụng hay sáng suốt nào ban cho cả. Những sự phân biệt giữa các con người với nhau chỉ căn cứ vào lợi ích chung, không căn cứ được vào bất cứ cái gì khác; chỉ tùy khả năng tài ba và đức hạnh khác nhau của mỗi người, không tùy đẳng cấp, tôn giáo. Quyền tự nhiên là bất khả xâm phạm không ai hủy bỏ được cũng không ai cầm cố được. Quyền tự nhiên là quyền tự do, quyền sở hữu, quyền an toàn, quyền kháng cự lại mọi sự áp bức. Qua thực tế cuộc đời, ngay bản thân ông không hề có quyền an toàn. Người Pháp cai trị ở Annam không cho người dân Annam hưởng quyền an toàn, ngược lại chỉ có nhiều sự áp bức. Nhưng trước khi trách người thì phải tự trách ta. Bao đời qua, ông cha ta nào có học được cái gì khác mấy cuốn giáo khoa thư cũ mềm; các bậc được gọi là đại khoa như ông thì chỉ mỗi việc… chơi chữ. Ai chơi chữ giỏi thì được khen, được người đời truyền tụng. Học kiểu ấy, hành kiểu ấy mà không bị áp bức, bóc lột mới là điều lạ.
Theo Tuyên ngôn, thì tự do là được làm tất cả những gì không phương hại đến người khác; an toàn là không vô cớ bị xét hỏi, bị bắt giam, bị tù đày. Trong một xã hội có tổ chức thì mỗi cá nhân vừa là một con người vừa là một công dân. Cá nhân thì được tự do, tự chủ; công dân thì được bình đẳng, được tham gia mọi hoạt động xã hội bằng cách trực tiếp bởi bản thân hay gián tiếp qua đại biểu mình, được giữ mọi chức vụ tùy vào tài đức của mình…
Khi tiếp nhận tân thư, Phan Châu Trinh hiểu rằng, mỗi con người có giá trị cá nhân riêng, có giá trị tự mình, có nhân cách, sinh ra tự do và lớn lên bình đẳng. Nhưng bao đời qua, quốc dân của ông, kể cả những người như ông cũng chưa có, thậm chí chưa hiểu mảy may điều ấy. Bao đời qua, người dân Annam chẳng có gì đáng kể, con người chẳng khác nào một công cụ biết nói, thậm chí không ít người chỉ hơn con chó một đôi đũa. Qua tân thư, Phan Châu Trinh mới hiểu thêm, mục đích cuối cùng của mọi hoạt động xã hội là vì con người. Nếu không có cá nhân nào ngoài cộng đồng thì cũng không có cộng đồng nào gồm những cá nhân hợp nhau như theo một khế ước. Con người tuy thế và vì thế không chỉ là một con số trong số đông, không chỉ là một quân cờ trên bàn cờ đời… Nói chung, đầu óc các cụ Mạnh Đức Tư Cưu, Lư Thoa rất ư vĩ đại. Phan Châu Trinh xác tín rằng, bất cứ dân tộc nào và ở thời đại nào cứ lấy bản "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền" của cuộc đại Cách mạng 1789 làm gốc, làm cái nền để phát triển thì dân tộc đó sẽ đạt tới trình độ văn minh.
 

<< Chương 18 | Chương 20 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 412

Return to top