Phan Châu Trinh lần lượt đăng đàn diễn thuyết và được các tầng lớp nhân dân hoan nghênh nhiệt liệt. Tổ chức Thanh niên cao vọng của Nguyễn An Ninh phát triển tốt và Phan Châu Trinh được tiếp xúc với những người trẻ tuổi, như: Phan Văn Hùm, Trần Huy Liệu, Mai Văn Ngọc… Sau vài lần nói chuyện với họ, Phan Châu Trinh mừng lắm và thấy mình cũng… trẻ ra.
Một hôm, Nguyễn An Ninh báo cho ông biết, bà con dưới miền Tây ao ước được nghe cụ phó bảng nói chuyện. Phan Châu Trinh vui lắm, đề nghị Nguyễn An Ninh sớm sắp xếp chuyến đi.
Và chuyến đi đã đến. Ông Nguyễn An Cư không quên hốt mấy thang thuốc giao tận tay Nguyễn An Ninh, dặn dù bận thế nào cũng phải cho người sắc và cho cụ Phan uống đúng giờ.
Sài Gòn – Mỹ Tho, xe lửa đi hơn ba tiếng đồng hồ. Phan Châu Trinh vẫn thấy khoẻ và buổi nói chuyện rất thành công. Tùy theo đối tượng mà Phan Châu Trinh phục vụ. Nếu thấy lớp người nghe có trình độ học vấn không cao thì Phan Châu Trinh trình bày về thực trạng nền chính trị mà thực dân Pháp áp đặt tại Đông Dương từ khi chúng xâm chiếm Annam; nếu lớp người nghe khá hơn một chút thì Phan Châu Trinh đề cập đến nhiều vấn đề mới hơn từ chính trị, kinh tế, chính trị, văn học, nông nghiệp, đến giáo dục, thuế khóa, công nghiệp…; so sánh hai chủ nghĩa quân trị và dân trị, kêu gọi đồng bào mau góp sức toan lo việc nước để đưa dân tộc tiến lên…
Phan Châu Trinh tiếp tục xuống Ba Động, Trà Vinh. Qua buổi nói chuyện, Phan Châu Trinh vận động nhân dân, nhất là những người có của ăn của thuận lòng giúp Nguyễn An Ninh và những người trẻ tuổi một lòng vì nước vì dân tục bản tờ báo La Cloche Fêlée để làm diễn đàn bảo vệ quyền lợi dân tộc, khai tâm, khai trí quốc dân; mở trường học cho mọi người có điều kiện học hành; mở hội quán để làm nơi hội họp, diễn thuyết…
Trên đường trở về Sài Gòn, Nguyễn An Ninh báo cho ông biết, chuyến đi miền Tây rất thành công, nhiều điền chủ lớn không chỉ sẵn sàng mở hầu bao khi nào Nguyễn An Ninh cần, mà còn nói muốn giúp thêm gì thì cứ tỏ đừng ngại ngần.
Về đến nhà, cả Phan Châu Trinh lẫn Nguyễn An Ninh đều ngớ người một chặp rồi niềm vui mới oà vỡ. Phan Văn Trường bằng xương bằng thịt đã đứng trước mặt họ.
Phan Văn Trường nói:
- Nghe cụ đã về nước, tôi phải tìm mọi cách vào Sài Gòn cho bằng được. Hai ngày nay chờ cụ và Ninh, tôi nóng ruột vô cùng.
Phan Châu Trinh thấy mọi người vui cũng vui lây, quên cả mệt nhọc.
- Tôi về sau anh mà hành động trước, do vậy anh phải giúp các cháu gấp bội lần tôi để bù vào những ngày ăn chơi quên việc nghĩa.
- Oan cho tôi lắm, cụ phó bảng ơi. Về quê mấy ngày, tôi bị bệnh đường ruột kéo dài, họ hàng giữ lại chữa bị; đi đâu làm gì cũng có người theo dõi, buồn bực vô kể, nhất là không giữ được lời hứa với cụ, với anh Ninh, tôi áy náy lắm.- Phan Văn Trường phân bua.
Phan Châu Trinh và mọi người cười sung sướng. Phan Châu Trinh nói:
- Tôi đùa tí cho vui ấy mà. Nếu con người của anh tồi tệ như thế thì tôi đã không nhờ cậy, không giao thằng Ninh cho anh.
Phan Văn Trường hùng hồn tuyên bố:
- Đã vào tới đây rồi, Trường này nguyện làm hết sức mình để bù vào những ngày mà cụ Tây Hồ ghép cho cái tội "ăn chơi quên việc nghĩa".
Nguyễn An Ninh reo lên:
- Tốt lắm ! Tốt lắm ! Có cụ thì tờ La Cloche Fêlée tục bản không khó. Luật sư Phan Văn Trường, quốc tịch Pháp đứng ra làm chủ nhiệm thì không ai dám từ chối cả.
Kế hoạch tiến hành đúng như mong muốn. Báo La Cloche Fêlée được ra một tuần hai kỳ vào thứ hai và thứ năm. Số báo tục bản đầu tiên do Phan Văn Trường làm chủ nhiệm ra mắt bạn đọc ngày 26-11-1925. Phan Châu Trinh rất thích các bài viết trên tờ báo này, nhất là bài của Nguyễn An Ninh với đoạn: "
Đất nước này vẫn còn đang cần những tâm hồn tự do để làm nơi nương tựa cho những người nghẹt thở trong cơn hấp hối".
Lúc này, Phan Châu Trinh dọn xuống Sài Gòn, ở nhà ông Huỳnh Đình Điển với luật sư Phan Văn Trường cho có bạn. Nhưng ý trời khó cãi, sức khoẻ Phan Châu Trinh yếu dần từng ngày.
Nguyễn An Ninh không cho Phan Châu Trinh nói chuyện nữa mà đưa về Hóc Môn thuốc thang.
*
* *
Giữa xuân, nhưng lại là mùa khô ở miền Nam nên khí trời hầm hập nóng.
Biết sức mình, Phan Châu Trinh nhắn Nguyễn An Ninh lên đưa ông xuống Sài Gòn để có gì cũng gần bạn bè, con cái.
Trên đường xuống Sài Gòn, Phan Châu Trinh nói với Nguyễn An Ninh:
- Cậu về đây cũng được chín tháng, gặp được anh em, bè bạn, người thân, làm được những điều mình muốn làm… rứa là thoả nguyện lắm rồi. Nhưng mấy ngày qua, điểm lại toàn bộ những gì cậu biết từ khi về nước, cậu thấy lo cho con lắm.
- Con nghĩ, mình chẳng làm chi nên tội, nên không sợ. Bọn Tây ở đây đều biết con là dân luật, ông Trường là trạng sư thứ thiệt từ Pháp quốc về, nên chúng chẳng dại gì làm càng mà ảnh hưởng đến chiếc ghế của mình.
Phan Châu Trinh ôm ngực ho, lấy hơi một lát mới nói tiếp:
- Đó là cách nghĩ của tuổi trẻ. Minh thương dễ tránh, ám tiển khó lường. Con phải cẩn thận đừng để lọt vào bẫy giăng của bọn mật thám.
Thật lòng, Nguyễn An Ninh cũng biết điều ấy, song vẫn vui vẻ động viên Phan Châu Trinh:
- Con thực sự lớn khôn rồi và cũng có chút ít kinh nghiệm trong công việc, nên chẳng sao đâu. Cậu còn mạnh được ngày nào là con làm việc có hiệu quả ngày đó, nên cậu thương con mà ráng giữ gìn sức khoẻ.
Nghe Ninh nói, Phan Châu Trinh mát lòng mát dạ và cũng mừng cho kiếp người.
Mấy ngày sau nghe báo Nguyễn An Ninh đã bị bắt, Phan Châu Trinh thở dài, quay mặt vào tường.
Lúc đó, kim đồng hồ trên tường chỉ 21 giờ 30, ngày 24-3-1926.
Ngày hôm sau, báo La Cloche Fêlée và nhiều tờ báo khác đưa tin cùng "
Lời Đạt” của Hội đồng trị sự lo đám tang Phan Châu Trinh:
Hỡi anh chị em:
Hỡi ôi ! Trời gieo họa lớn cho non sông Việt Nam ta, cho cả đồng bào Hồng Lạc ta, làm cho một vị ái quốc anh hùng, bấy lâu lưu lạc nước ngoài, nay mới về đây, chí cao chưa toại, nghiệp cả chưa thành, đã vội ngậm hờn nơi chín suối.
Ấy là cụ Phan Châu Trinh tạ thế !
Cụ Phan Châu Trinh là người đã bước bước thứ nhất lên con đường cải cách chính trị của quốc dân ta, trong vòng hai mươi năm cụ đã bỏ nhà cửa vợ con, bị đày bị tù, để cầu cho dân ta được mau tiến hóa. Công nghiệp ấy lớn biết là dường nào ! Nhất là trong nước suy kém, trò đời đảo điển mà được một người có nhân cách cao thượng, khí tiết hào hùng như cụ, thì thật là vẻ vang cho dân tộc ta lắm (…)
Đối với người có công, chúng ta há chẳng nên biểu dương và sùng bái hay sao ? Nếu cụ Phan Châu Trinh mà không được hưởng cái lễ long trọng này thì những người như cụ sống đây ai còn thiết gì đên chúng ta nữa. Một dân tộc nào mà không biết tôn kính người ái quốc là dân tộc ấy không có lòng ái quốc… (1)
Tin buồn ấy Nguyễn An Ninh cũng nhận được ngay trong buổi sáng. Ngày này ắt phải đến, nhưng Nguyễn An Ninh không ngờ đến trong lúc này. Một lúc sau, Phan Văn Trường vào báo tin. Nguyễn An Ninh buồn buồn, nói:
- Anh em lính ở đây cho tôi biết khi nãy. Đám tang cậu tôi, các anh ngoài ấy tính sao chưa ?
Phan Văn Trường lấy khăn tay chặm nước mắt, trả lời:
- Anh Huỳnh Đình Điển đang chuẩn bị để dân chúng đến viếng cụ phó bảng tại Bá Huê Lầu. Nhưng cái đáng lo là anh Trần Huy Liệu đang tổ chức đảng Jeune Annam biểu tình đòi thả tự do cho anh.
Dự kiến của Phan Châu Trinh quả chẳng sai. Suy nghĩ một chút, Nguyễn An Ninh nói:
- Nhờ cụ báo gấp với anh em Jeune Annam chớ có biểu tình, chớ làm náo động, phải bình tĩnh chờ đợi xem nhà cầm quyền họ buộc tội gì và xử thế nào. Xin anh em đừng vì cá nhân tôi mà đưa anh em, đồng bào vào chỗ nguy hiểm tù tội. Cụ nói với anh Trần Huy Liệu, đem lực lượng Jeune Annam phối hợp cùng Huỳnh Đình Điển lo đám tang cậu tôi cho chu đáo, nhưng nhớ đừng làm náo loạn để tạo cớ cho họ đàn áp. Tôi không có tội, người ta phải thả tôi thôi.
Khi Phan Văn Trường về, Nguyễn An Ninh úp mặt vào đôi bàn tay khóc nức nở. Cả cuộc đời Phan Châu Trinh chủ trương hợp tác với Nhà nước để mở mang trường học, cải cách giáo dục, giảm sưu cao, mở rộng tự do cho quảng đại quần chúng chứ không chỉ dành riêng cho một số ít người. Dùng trí tuệ của kẻ đã thắng mình để cải tạo mình, giúp mình lớn lên, đó là cách "dĩ độc công độc”. Chính suy nghĩ và hành động của Phan Châu Trinh đã góp phần hình thành một Nguyễn An Ninh hôm nay… Cậu ơi !
Hơn mười ngày sau, anh em mới vào thăm và cho Nguyễn An Ninh biết, Ban Tổ chức quyết định quàng xác Phan Châu Trinh lâu như vậy cốt để cho đồng bào khắp nơi đến viếng. Ngày đưa Phan Châu Trinh về nơi yên nghỉ cuối cùng, dân chúng sắp hàng dài đi dọc đường Pellerin, qua Norodom, quẹo Paul Planchy đến Phú Nhuận rồi thẳng lên Tân Sơn Nhất (lộ trình ấy bây giờ là từ đầu đường Pasteur, qua Lê Duẫn, quẹo Hai Bà Trưng đến ngã tư Phú Nhuận thẳng lên Tân Sơn Nhất). Hàng chục ngàn người nghiêm trang, tay đeo băng tang xếp hàng đi có thanh niên đảng Jeune Annam giữ gìn trật tự suốt lộ trình. Theo nhận định của anh em, đây là đám tang lớn chưa từng có ở Sài Gòn và qua đám tang đã thể hiện sự giác ngộ của quần chúng, thể hiện tấm lòng của đồng bào với nhà ái quốc suốt một đời chỉ nghĩ đến dân đến nước.
- Xong một đời người ! – Nguyễn An Ninh thở dài.
Phan Văn Trường, nói:
- Xứng đáng một đời người ! Cụ phó bảng nhà ta đã “để lại lòng son với sử xanh”, anh đừng để cái buồn bao phủ những việc trước mắt.
Giờ thăm cũng đã hết, anh em khẽ bấm nhau ra về, để mặc cho Nguyễn An Ninh khóc. Họ hi vọng những giọt nước mắt ấy giúp Nguyễn An Ninh bình tâm biến đau thương thành hành động để xứng đáng với niềm tin của Phan Châu Trinh, của mọi người.
Chú thích:
(1) Dẫn theo Phan Châu Trinh – Cuộc đời và tác phẩm, sđd, trg 49-50.
Hết