Phan Châu Trinh trở mình.
Trời đêm vẫn yên tĩnh và hầm hập nóng.
Nằm ở phòng giam tử tù nên Phan Châu Trinh cũng không bị hành hạ gì, nhưng đúng như lời người xưa:
Nhứt nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại. Dù không coi cái chết ra gì, song không hiểu sao ông cứ mất ngủ, và nhớ hết chuyện này đến chuyện khác. Suốt ngày gông cùm như thế này, Phan Châu Trinh thấy khó chịu lắm, nhưng điều khó chịu nhất là ông không hề biết ở nhà đã và đang xảy ra chuyện gì, bạn bè ai còn ai mất ?
Tiếng trống sang canh đã điểm, Phan Châu Trinh cố định thần những mong chợp mắt một chút để lúc nào đó đầu rơi khỏi cổ cũng không đến nổi nhếch nhác quá. Và ông cũng không biết tại sao án đã định chém ngay mà ngày cứ qua ngày như thế này kể cũng lạ. Phải chăng lời của Babut nói với ông ngày nào có tác dụng thật ? Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng trong lòng Phan Châu Trinh chẳng thấy có chi làm vui mà cũng chẳng thấy có chi làm buồn. Chết thì hết. Nào có ai lột da sống đời. Tới lúc này ông thấy quãng đời qua của ông khá có ý nghĩa. Chữ hiếu đối với tổ tiên, làng xóm, ông đã làm tròn; chữ trung với dân với nước, ông thấy cũng đã được; đạo làm cha, làm chồng cũng vẹn, dù vợ ông chưa có một ngày mát mặt, con của ông chưa trưởng thành, nhưng tấm gương của ông chắc chắn không hề bị lu mờ trong ký ức của họ. Vợ con ông sẽ hãnh diện, tự hào vì đã có người chồng, người cha như ông.
Ba mươi sáu tuổi quả còn quá trẻ so với đời người, song sống lâu mà làm bia miệng cho đời thì khác nào xác chết còn thở ? Phan Châu Trinh nhếch môi cười trong đêm.
Trong lúc mơ mơ màng màng thì Phan Châu Trinh bị đánh thức. Tiếng khóa cửa phòng giam kêu loẳng xoẻng và chỉ một thoáng, hai người lính hùng hổ bước vào xốc nách ông dậy. Khi vừa bước ra khỏi cửa phòng giam, thì có người đội kiểm tra lại các ổ khóa đang xích trên người ông, rồi ra lệnh:
- Đưa đi !
Việc gì đến phải đến !
Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, và Phan Châu Trinh lê người theo họ.
Bước ra khỏi nhà giam, gió trời lồng lộng, Phan Châu Trinh cảm thấy sảng khoái, hít lấy hít để như kẻ đang khát nước gặp phải dòng sông.
Đi một quãng khá xa, hai lá phổi của Phan Châu Trinh như đã được đầy khí thở và ông ngước nhìn bầu trời đêm vô tư vô lự. Ngôi sao mai sáng lấp lánh trên nền trời đen thẳm như đang động viên ông vững bước lên đường. Vâng, có gì mà không vững. Khi từ quan để lao con vào đường mà ông thấy có ích cũng đồng nghĩa với chọn lựa giây phút này rồi. Trời đêm nhờ nhờ, nhưng lúc này cặp mắt của Phan Châu Trinh cũng nhìn được khá rõ cảnh vật xung quanh và ông đã nhận ra nơi ông đang tiến tới là phía cửa Nam chứ không phải cửa Bắc. Thời gian làm quan ở Huế, ông biết khá rõ rằng, theo lệ, phàm tù trọng tội xử tử đều được dẫn ra cửa Bắc (cửa An Hòa), nên thấy bị dẫn theo hướng cửa Nam, ông lấy làm lạ.
- Tại sao các anh dẫn tôi đi cửa này ?
Người đội vẫn đi phía trước, không thèm ngoảnh lại, trả lời:
- Ông thích đi cửa Bắc lắm à ?
Phan Châu Trinh cười vui, nói:
- Đi cửa Bắc cũng có cái thú chứ sao.
Người đội gắt:
- Thôi đi cha. Phúc tám đời nhà ông đấy. Án của ông nghe nói là "xử tử phát Côn Lôn ngộ xá bất nguyên" (Án xử chết, nay đày đi Côn Đảo nhưng không bao giờ được ân xá) chứ chẳng sướng chi đâu mà cười.
Phan Châu Trinh thở phào nhẹ nhỏm, ứng khẩu:
Luy luy già tỏa xuất Đô môn,
Khẳng khái bi ca thiệt thượng tồn.
Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy,
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn.(1) Cả ba người áp tải Phan Châu Trinh đều ngơ ngác, không biết ông đang nói gì, nhưng nghe giọng ngâm của ông, họ biết ông đang vui lắm.
Người lính đi bên ông hỏi nhỏ:
- Nghe nói, trước đây ông làm quan ở Kinh hả ?
- Hình như có vậy. - Phan Châu Trinh trả lời, rồi âm thầm bước theo họ.
*
* *
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, Phan Châu Trinh cũng đã đến được Sài Gòn.
Trên đường đi, Phan Châu Trinh cũng say sóng lử lả, nhưng sướng bằng vạn những ngày ở trong phòng giam tử tù. Nhớ lại lần đi gặp Phan Bội Châu, ông cũng lênh đênh trên biển, nhưng chưa một lần bị ói. Điều này nhắc ông nên vận động nếu có điều kiện để giữ gìn sức khỏe. Chỉ một thời gian ngắn mà sức khoẻ của ông suy sụp khá rõ. Nhưng được như thế này là vui rồi. Mỗi lần tàu cập bến là có tù xuống, song ông chưa thấy ai quen biết. Những tù này đều là những tay đầu trộm đuôi cướp chứ không có ai tù quốc sự. Ông cứ băn khoăn không biết những bạn bè ông như thế nào, có ai bị chém sau Trần Qúy Cáp không ? Họ có bị đày đi Côn Lôn như ông không ? Nếu bị đày đi Côn Lôn thì đã đi chưa ? Phan Châu Trinh chỉ mong đừng ai phải chết thêm một cách uổng phí như giáo thọ Trần Qúy Cáp, còn đày đi đâu cũng được, miễn sao còn rừng xanh thì không sợ thiếu củi. Phan Châu Trinh tin và cầu mong như vậy.
Đặt chân lên cảng Sài Gòn, Phan Châu Trinh được dẫn vào khám lớn, cúp tóc, chụp hình và… đợi tàu ra Côn Lôn.
Hơn một tuần, Phan Châu Trinh được báo đi Côn Lôn. Nói tiếng trước, thì tiếng sau ông và những người tù bị đày đi Côn Lôn khác sắp hàng đi theo viên coi ngục (gardien) và sự giám sát của bọn lính mã tà (surveillant). Tới bến, tù nhân được dẫn xuống phòng Gardien Chef. Từng người được gọi tên, bao nhiêu hành lý, tiền bạc (nếu có) đều được giữ lại kho. Sau đó, tù nhân được cấp mỗi người bộ quần áo vải xanh, một chiếc chiếu, một cái thẻ bài có in số hiệu.
Lãnh đồ tù xong, Phan Châu Trinh cũng như mọi tù nhân khác được trồng đậu (chủng ngừa bệnh đậu mùa) rồi được nhốt trong một căn phòng.
Ngồi trong phòng thiếu ánh sáng, Phan Châu Trinh chẳng biết làm gì, cứ lấy tay mân mê tấm thẻ bài. Đó là một miếng gỗ vuông, mỏng. Khi còn ngoài sáng, Phan Châu Trinh liếc qua những tấm thẻ bài của người khác, nên biết rằng ngoài con số tù ra, còn ghi rõ án gian mấy năm, hoặc khổ sai chung thân, cấm cố… và ghi cả ngày mãn hạn. Đúng là khoa học, cái chi cũng rõ ràng. Riêng cái số tù cũng là điều hay. Tên họ có thể trùng chứ số hiệu thì không trùng, và số tù chính là cái tên mới dành cho người tù. Giản tiện ! Chỉ chuyện này, dân Annam của ông học cũng đã mệt và phải học chứ không thể nói bừa: Tây là Tây, còn ta là Ta !
Sáng hôm sau, mọi người được gọi tập họp, điểm danh theo số thẻ trước ngực rồi lần lượt lên xà lan để ra tàu.
Trời về chiều thì tàu cập bến và Phan Châu Trinh biết mình đã đến Côn Lôn.
Đảo Côn Lôn là cái cồn lớn nổi giữa biển. Phan Châu Trinh thầm khen bọn thực dân biết chọn nơi đây để giam tù trọng phạm. Bốn bề biển nước mênh mông như thế này thì ai có muốn trốn cũng khó mà trốn.
Lên đảo, tù nhân được điểm danh, làm những thủ tục cần thiết trước khi vào khám.
Từng làm quan và hay đi đây đi đó, nên chỉ một thời gian ngắn, Phan Châu Trinh biết, đảo có một quan tham biện giữ chính quyền tối cao, chỉ dưới quan Thống đốc Nam kỳ, một viên ký lục giữ tài chánh, một viên quản ngục quản lý những cai ngục và bọn lính mã tà, đốc suất công việc trong tù và việc canh giữ tù. Trên đảo còn có một trại lính Tây do một vị quan hai cai quản. Trại này có khoảng một trăm lính Tây và lính Chà-và. Một bưu điện cũng do một người Tây coi sóc. Tuy là nơi nhốt tù, nhưng quan thự cao sạch, đường sá đâu ra đó hơn hẳn nhiều vùng quê mà ông đã đặt chân qua. Nhà thương ở đây cũng sạch sẽ, ngoài thầy thuốc người Tây còn có một số người tù giúp việc. Khi bước lên đảo, ông và những anh em tù cùng ra một chuyến tàu được đưa vào chủng ngừa một số bệnh. Thầy thuốc và những khán hộ đối xử với đoàn người tù của ông khá bặt thiệp. Ở Tây không biết có câu "Lương y như từ mẫu" không, nếu có thì họ thực hiện tốt hơn những thầy thuốc ở đất liền ông đã gặp, kể cả quan ngự y.
Chưa bảnh mắt, Phan Châu Trinh đã bị gọi dậy, sắp chung hàng với đám tù chung thân, cấm cố và được dẫn vòng ra phía sau khám đập đá. Từ chiều, Phan Châu Trinh để ý dãy khám chỉ có 5 phòng, nhưng phòng nào phòng nấy rộng thênh thang có thể chứa cả trăm con người và ông được xếp chung với số tù nhân có án nặng.
Sau mấy ngày, Phan Châu Trinh biết thêm, những người án nặng chỉ có mỗi việc đ65p đá ở phía sau khám chứ không được đi làm xâu bên ngoài như xe đá, dọn tàu, đốn củi… Và công việc đập đá cũng thuộc loại công việc nhẹ nhất. Dường như những người lãnh đạo ở đây biết, cho số tù nhân án nặng đi làm xa đồn lính, xa khám sẽ sinh chuyện, và bắt làm việc nặng quá cũng dễ sinh chuyện, nên dành cho việc đập đá. Trong đám tù án nặng, Phan Châu Trinh thấy mình có vẻ… thư sinh nhất. Và chỉ mấy ngày làm việc, anh em cũng có nhận xét như vậy. Phan Châu Trinh "thú thật":
- Trước đây, tôi được cha mẹ cho theo nghiệp sách đèn, nhưng thi mãi cũng chẳng được chi, lại ham võ nghệ và lỡ tay giết chết quan tri phủ nên mới bị ra đây.
Một người tù ngồi đối diện, nói:
- Mới thấy ông, tôi nhận ra ngay là loại "mặt học trò, giò ăn trộm".
Mọi người đều cười và dặn:
- Mấy thằng mã-tà ở đây phách lối lắm, nhưng cũng ngán bọn anh em mình.
Một người khác nói xen vào:
- Ngán thì ngán, nhưng anh là tù con so (mới bị tù lần đầu) nên chưa rành cách xưng hô. Mấy bữa qua gặp thằng mã-tà hiền, chứ gặp thằng cà chớn là anh ăn roi ngay.
- Rứa thì phải xưng hô thế nào cho phải phép ? - Phan Châu Trinh thật thà hỏi.
- Nói chung phải xưng hô bằng những giọng bợ đỡ, thưa bẩm rõ ràng. Nếu chúng có hỏi, anh đừng khoe khoang chữ nghĩa gì sinh rối việc, cứ bốc tướng lên là chánh tổng, phó tồng c. chó chi đó thì chúng sẽ trọng vọng ngay.
Phan Châu Trinh hiếng mắt, cười cười, nói:
- Lỡ bốc thì tại sao mình không bốc lên nào là quan thượng thư, tấn sĩ, phó bảng cho oai luôn ?
Một người tù nói:
- Nói thiệt, có học chữ nghĩa như anh mới biết mấy thứ anh vừa kể là to, chứ tụi tôi và bọn mã tà ở đây chỉ biết chánh tổng, phó tổng là oai lắm rồi, thậm chí oai hơn nhiều lần những thứ thượng thư, tấn sĩ gì gì anh vừa nói đó. Có biết mới trọng, chứ không biết thì chẳng ai trọng đâu. Anh cứ nghe lời tụi tôi là tránh được đòn roi vô lối.
Sống với số tù án nặng, Phan Châu Trinh thấy họ xử sự với nhau tốt hơn bọn tù thường phạm. Dường như cứ vài ba đêm là cả khám đều nghe ở những phòng thường phạm có tiếng la hét, đánh đập lẫn nhau. Mới đầu, ông thấy lạ và cũng lo lo, thì người tù nằm bên cạnh ông, nói:
- Ngủ đi. Chuyện cơm bữa ấy mà.
- Có khi mô dẫn tới chết người không ?
- Cũng có. Ở đời, thùng rỗng thường kêu to. Bọn tẹp nhẹp bên ấy cứ tưởng mình anh hùng, nên không ai chịu ai.
Phan Châu Trinh trở mình, hỏi:
- Ở đây không có hả ?
Vẫn giọng nói đều đều, bất cần đời:
- Cũng có, nhưng tự giải quyết nhau êm thấm. Vào đây, ai cũng biết mình đã hết đời, có xưng hùng xưng bá cũng chẳng được chi. Vả lại, loại tẹp nhẹp thì đưa đủ “trình độ” vào đây. Còn đã vào đây thì chưa biết mèo nào cắn miu nào.
Qua người bạn tù, Phan Châu Trinh biết, những bọn tù thường phạm được làm xâu bên ngoài, nên lén lút tìm hung khí đưa vào chờ dịp trả thù nhau.
Đập đá một thời gian, Phan Châu Trinh tin rằng, mình là vị khoa bảng đầu tiên làm tù nhân trên đảo này và lo nghĩ về những người bạn ở quê nhà.
Một hôm đúng như lời anh em dặn trước. Thấy Phan Châu Trinh khẻ từng hòn đá nhỏ, tên lính mã tà quất lên lưng ông một roi khá nặng tay. Thấy anh em đều ngưng đập đá, nhìn y. Y lớn tiếng hỏi:
- Ở ngoài mầy là cái gì ?
Phan Châu Trinh đứng thẳng người dậy, quắt mắt nhìn y, trả lời:
- Bẩm, chánh tổng.
Tên lính mã tà cuộn roi lại, hỏi:
- Chánh tổng ăn trơn mặc láng sao lại ra đây ?
- Lỡ tay giết chết quan tri phủ.
- Gan gớm hỉ ?! Làm việc tiếp đi !
Mọi người tiếp tục làm. Tiếng cốp cốp lại vang lên. Phan Châu Trinh cũng vung cao tay, đập mạnh hòn đá lớn bên cạnh như muốn xả cơn tức rồi ứng khẩu với giọng sang sảng ra chiều chẳng ngán ngại ai:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con. Anh em nghe xong bài thơ lấy làm khoái chí vì đã tả đúng những việc làm của họ và không ít người thấy bài thơ nói lên được nỗi lòng của mình. Họ không thuộc ngay, nhưng mỗi người nhớ một câu và tối về ai ai cũng thuộc lòng bài thơ ấy. Từ đó, họ càng qúi trọng anh tù có "mặt học trò giò ăn trộm".
Tới bữa ăn, cứ bảy người một khúm, bảy cái lon, bảy đôi đũa, một lon cá khô nấu chín, một lon nước mắm, một thùng canh hoặc rau, một thùng cơm. Cơm lức (gạo chỉ xay mà không giả trắng). Anh em cho biết cá khô và canh là món ăn quanh năm. Mỗi tuần được ăn một lần thịt. Khi biết Phan Châu Trinh làm thơ hay, anh em thường nhường thức ăn cho ông nhiều hơn, nhưng ông lại không muốn. Ông thường khuyên anh em nên đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau để sống vui những ngày còn lại. Anh em nhiều người nói thật, ở tù được ăn uống và làm lụng như vầy thì sướng gấp nhiều lần so với ngày họ ở ngoài. Ở đây chỉ tiếc mỗi một việc là… thiếu đàn bà.
Phan Châu Trinh chưa nghĩ tới điều ấy, nhưng khi nghe anh em nói, ông mới giật mình. Tạo hóa có âm có dương, con người có nam có nữ. Nếu sống cả đời thế này quả là trái với tự nhiên. Nhưng đã mang thân tù tội, còn đòi hỏi gì hơn; mà nghĩ cho cùng, con người có thể làm được tất cả. Các nhà tu hành chân chính, họ nào có vợ mà vẫn sống tốt. Và chính có lý trí biết phải làm gì, không nên làm gì, con người mới khác con vật.
Phan Châu Trinh đem suy nghĩ của mình tâm sự với anh em. Ông thấy không ít người gật gù cho rằng ông nói đúng, có người cười ha hả không biết họ cười vì lý do gì. Một người tù có gương mặt rắn rỏi, nói:
- Ông mà đỗ đạt ra làm quan chắc dân nghèo được nhờ. Nhưng có học như ông mà vào sống với bọn tôi thì ông cũng là người bất thông.
Thấy Phan Châu Trinh ngước mắt nhìn, người tù nói tiếp:
- Tôi mà có chữ nghĩa như ông, khi thấy mình không đỗ đạt thì đi làm thầy tu hay hơn đi làm thằng tù. Có chữ nghĩ mà đi tu cũng mau thành chánh quả hơn. Ở quê tôi có cha một chữ bẻ làm đôi không có nhưng lanh miệng, nói bắt quờ lung tung cũng có người cúng lạy mệt nghỉ.
Nghe vậy, anh em hả họng cười khoái trá.
Phan Châu Trinh để mặc anh em cười cho sướng và lấy đó làm vui. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Nếu những tiếng cười ấy là những tiếng cười nhạo cũng là vui. Họ cười nhạo ông cũng có cái lý của họ. Nhưng dù đó là tiếng cười nhạo thì ông cũng đã làm theo lòng nhân, giúp họ phần nào cải thiện được đời sống tinh thần.
Thật lòng, những gì ông trao đổi với anh em xuất phát từ sự chân thành. Ông biết hầu hết tù nhân ở đây, từ thường phạm đến án nặng là người Nam kỳ, Bắc kỳ, Cao Man, Lào, Khách trú từ các nhà lao Khám Lớn, Hỏa Lò, Cao Man, Quảng Châu… đưa tới. Và dân Trung kỳ chắc mỗi mình ông, vì Trung kỳ là xứ Bảo hộ không gửi tù ra đây. Họ đối xử với ông suốt bao ngày qua như vậy là qúy lắm rồi. Nhiều người một chữ bẻ đôi cũng không có, thì mong gì họ hiểu được ông. Tiếng cười của họ cũng hồn nhiên như tấm chân tình của ông đối với họ thôi.
Cặp mắt của Phan Châu Trinh bắt đầu nằng nặng.
Chẳng bao lâu cả phòng dường như chìm vào màn đêm yên tĩnh, mặc cho ngoài kia gió gào, sóng vỗ.
Chú thích: (1) Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Xiềng gông cà kệ biệt Đô môn,
Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn.
Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn,
Thân trai nào sợ cái Côn Lôn