Túc tắc bằng nhiều phương tiện, họ cũng đã đến thành Bình Định. Trong thời gian lưu lại để thăm thú đây đó, nhất là tìm thêm người cùng chí hướng thì gặp lúc trường Bình Định có kỳ khảo hạch. Cả ba người bàn nhau phải tìm cách phá chơi. Mới đầu là ý tinh nghịch của tuổi trẻ, nhưng khi cả ba người đều đồng ý thì Phan Châu Trinh nói:
- Tại sao chúng ta không nhân cơ hội này mà lên án lối học khoa cử lỗi thời để tiếp tục đẩy nhân dân ta vào chỗ lầm than, kể cả lên án việc bần cùng hóa dân ta của Nam triều và ngoại bang ? Theo tôi, anh em mình phải nên "phá" theo cách ấy thì có ý nghĩa hơn.
Cả Huỳnh Thúc Kháng lẫn Trần Qúy Cáp đều gật gù ra chiều đồng ý. Một lát sau, Huỳnh Thúc Kháng hỏi:
- Cụ xướng được thì họa được, dĩ nhiên chúng tôi cùng họa. Nhưng chúng ta lấy đề tài gì ?
Phan Châu Trinh đáp:
- Nội dung chính như các cụ đã đồng ý, còn phần tôi, tôi sẽ làm bài thất ngôn bát cú với tựa là…
Chí thánh thông thánh (1).
Nói xong, Phan Châu Trinh khẽ ngâm:
Thế cục hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương túy mộng trung.
Trường thử bách niên cam thóa mạ,
Bách tri hà nhật xuất lao lung !
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Bằng hướng tư văn khán nhất thông.(2)
Cả hai người nhìn Phan Châu Trinh ra chiều thán phục rồi cùng lên tiếng khen:
- Hay ! Xứng danh phó bảng !
Huỳnh Thúc Kháng nói:
- Nếu chúng ta cùng làm thơ hết thì chẳng lấy chi gọi là náo động. Vả lại, chuyến Nam du này chúng ta đi ba người, ai ai cũng biết. Nếu trong kỳ khảo hạch này mà có cùng lúc ba bài thơ như vậy thì chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Tôi nghĩ, để tôi và anh nghè Thai Xuyên cùng hợp tác làm bài phú sẽ hay hơn. Phan Châu Trinh đồng tình với ý kiến ấy. Bởi quan đốc học dốt tới đâu cũng không thể cho rằng ba bài thơ của họ làm là những bài thơ của những học sanh trường tỉnh. Ông yên lặng ngồi hút thuốc chờ cho hai bạn bàn bạc nhau từng ý từng lời. Và chẳng bao lâu, bài "Lương ngọc danh sơn phú” được hình thành, Phan Châu Trinh lấy làm thích thú ngâm ngợi:
Hỡi hỡi những đồng bào Nam Việt !
Cùng giống nòi phải biết thương nhau.
Giang sơn này bốn ngàn thâu,
Mà nền văn hóa bấy lâu thế nào ?
Lo cuộc đời trải bao biến cuộc,
Bao anh hùng chịu nhọc sao phen ?(…)
Hỡi người trí thức kia ơi !
Tr6en thời quan lại dưới thời thư sinh.
Nên vì nghĩa vì danh một chút,
Quẳng mũ đi vứt bút đứng lên.
Đừng cam chịu tiếng ươn hèn,
Hơi tàn còn thở chớ quên phục thù…(3)
Với tài ấy thì đỗ tiến sĩ chẳng lấy gì làm xấu hổ.- Phan Châu Trinh thầm nghĩ.
Cả ba người vui vẻ đi chơi tiếp coi như mọi chuyện trên đời chẳng có gì hơn việc du sơn ngoạn thủy. Sau khi dùng bữa xong, Trần Qúy Cáp nói:
- Khi cải trang vào khảo hạch, ắt chúng ta phải mạo danh, mà nên mạo như thế nào, các anh đã nghĩ tới chưa ?
Hai người lúc đó mới ớ ra. Huỳnh Thúc Kháng nói:
- Phải ! Cụ Thai Xuyên tính không sai.
Phan Châu Trinh vẫn giọng hồn nhiên như chẳng có gì:
- Ra đầu bài được thì ắt phải có lời giải rồi, lo chi.
Trần Quý Cáp nói:
- Tôi nghĩ, chúng ta chỉ nên dùng một tên, như vậy mới tỏ rõ ý nguyện của chúng ta.
Cả Phan Châu Trinh lẫn Huỳnh Thúc Kháng như cùng lên tiếng một lần:
- Đúng !
Trần Qúy Cáp nói:
- Theo tôi, ở đây họ Đào là một dòng họ lớn nên ta lấy họ Đào. Mục đích của chúng ta lần này là làm cho mọi người thấy được giấc mộng ngu muội của mình. Do vậy, theo tôi, chúng ta cùng lấy tên là Đào Mộng Giác.
Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng thừa nhận cái tên ấy rất có ý nghĩa.
Nộp quyển xong, cả ba người liền tiếp tục Nam tiến, không chờ ở lại nghe ngóng kết quả ra sao. Nhưng chỉ mấy hôm sau, chính tai họ đã nghe nói tới cái tên Đào Mộng Giác cùng những lời bình… phi sách vở, nhưng cũng đã có không ít người tin chắc một việc gì đó sẽ xảy ra. Cả ba chỉ mỉm cười và tin rằng trong chuyến Nam du này của họ sẽ là những việc có ích cho việc cổ động tân học cùng chủ trương duy tân. Và trong thâm tâm của mỗi người đã mơ hồ thấy rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử khoa bảng nước nhà, những người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình công khai chống lại cái học đã giúp họ nên danh.
*
* * Đúng là đất nước ông bà đâu đâu cũng đẹp. Tới Cam Ranh đầy nắng và gió, Phan Châu Trinh nằm ngửa trên bờ cát mịn, thả lỏng người giữa biển trời mênh mông, mặc cho hai người bạn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Ông nằm đó với bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu suy nghĩ quẩn quanh trong đầu rồi thở dài ngao ngán. Ông không thể hòa vào dòng hiền tài suốt ngày ngâm thơ vịnh nguyệt, tìm điển nào cho đắc, kiếm chữ nào cho hay, chứ không chịu nghĩ ra được kế sách gì giúp cho dân giàu nước mạnh.
Phan Châu Trinh còn đang mơ màng với những chuyện đâu đâu ấy, thì bị đánh thức. Trước mắt ông, ngoài hai người bạn thiết còn có chàng trai khác mặt mũi coi cũng sáng sủa. Ông vùng dậy chào hỏi và được giới thiệu người trai trẻ ấy là Nguyễn Qúi Anh, con trai cụ Nguyễn Thông, học trò Trần Qúy Cáp.
Sau khi cơm nước, cả ba người theo chân Nguyễn Qúi Anh tiếp tục đi về phương Nam. Đến Phan Thiết, cả ba người được Nguyễn Qúi Anh mời về nhà và giữ lại đó. Trần Qúy Cáp và Huỳnh Thúc Kháng cho ông biết, theo Nguyễn Qúi Anh thì những người đồng tâm đồng khí ở đây khá đông. Nguyễn Qúi Anh sẽ lo liệu cho mọi người gặp mặt. Phan Châu Trinh lấy làm vui lắm. Ông vẫn tin, địa linh sinh nhân kiệt. Đất đai miền Nam trù phú, nên tâm tính con người cũng khoáng đạt hơn. Vả lại, đạo học Tống Nho ảnh hưởng ở vùng đất phương Nam của Tổ quốc không đậm nét như những vùng ngoài. Tân thư cũng về từ các cảng biển phương Nam này không ít. Đây chính là tiền đề tốt để cổ xúy tư tưởng dân quyền, chống lại lối học nhồi sọ xa rời cuộc sống.
Ba người ngồi trước ba chung trà, nhưng mỗi người đều theo đuổi ý nghĩ riêng của mình, không ai nói với ai lời nào.
Chiều dần xuống, gió biển vẫn hào phóng len lỏi khắp nơi. Cả ba anh em nhìn nhau rồi bàn chuyện đi dạo. Người giúp việc xuất hiện ở cửa ngạch, lớn tiếng thưa:
- Kính mời qúy thầy ra tắm rửa cho mát.
Nghe nói tắm, cả ba mới thấy da thịt rít rít khó chịu, bèn vội vàng theo chân người giúp việc đi tắm.
Khi trở vào nhà, cả ba anh em thấy ngoài Nguyễn Qúi Anh còn có nhiều chàng trai khác cùng đẳng tuổi với họ. Họ chưa kịp chào thì những chàng trai trẻ ấy đồng loạt đứng dậy, cung tay chào:
- Kính lạy qúy thầy ạ.
Cả ba người đều chào đáp lễ. Phan Châu Trinh nói:
- Chúng tôi rất hiểu tấm lòng của anh em. Tình sư đồ lúc nào cũng phải giữ lễ là tốt, nhưng chúng tôi đang đi tìm bạn và mong được làm bạn với các bạn.
Nguyễn Qúi Anh thưa:
- Thầy nói vậy, chúng con ghi tâm, song qúy thầy cũng cho phép chúng con được giữ lễ thầy trò. Nói thật, nghe các thầy đến, anh em mừng lắm.
Nói rồi, Nguyễn Qúi Anh giới thiệu từng người một với nhau. Phan Châu Trinh cầm chặt tay từng người như muốn nói rất tin tưởng ở họ. Bào huynh của Nguyễn Qúi Anh là Nguyễn Trọng Lội rất hào hứng và nhiệt tình khi được đón tiếp ba chàng trai đất Quảng. Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang cũng vui mừng không kém. Sau khi qua lại chuyện thi phú, Phan Châu Trinh mở đầu chuyện “tân thư”.
Qua một hồi trò chuyện, không chỉ mỗi mình Phan Châu Trinh mà còn cả Huỳnh Thúc Kháng lẫn Trần Qúy Cáp đều ngỡ ngàng, không ngờ các thân sĩ Bình Thuận đọc nhiều tân thư và cũng có nhiều suy nghĩ tâm huyết đến như vậy.
Nguyễn Trọng Lội nói:
- Thưa qúy thầy. Qúy thầy là những tiến sĩ, phó bảng đã nghĩ và muốn như vậy quả là hồng phúc cho tổ tiên, đất nước. Nói về yêu nước quả thật dân Nam ta rất yêu nước, nhưng cách nghĩ của qúy thầy mới chính là kế sách lâu dài, không chỉ giữ nước mà còn phát triển đất nước. Nhưng chúng ta không xuống địa ngục thì ai xuống địa ngục đây. Do vậy, để chứng minh tư tưởng duy tân của chúng ta là đúng, trước mắt, trong khả năng hiện có, chúng con ở đây sẽ mở hội buôn và mở trường dạy học. Nếu ngày xưa, Khổng tử dạy: "Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên"(4), thì ngày nay, chúng ta phải mới hơn, nghĩa là không cần lễ vật gì, hễ ai muốn học, ta cho học, thậm chỉ rủ rê họ tới học.
Phan Châu Trinh nhìn hai người bạn với nụ cười hé mở ra chiều sung sướng lắm. Trần Qúy Cáp cũng có tâm trạng như thế, bởi thời gian làm thầy, ông không phí công dạy dỗ. Ông nói:
- Các anh nói được vậy là các anh đã hiểu ý của cụ quan trước tác và cũng là ý của chúng tôi. Anh Lội nhắc đến Khổng tử, thì tôi cũng nói thêm rằng: "Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã. Trung nhân dĩ dã, bất khả dĩ ngữ thượng dã" (5). Vì hiểu được đạo lý ấy mà chúng tôi hô hào mở hội buôn, hội làm ruộng, làm vườn. Dân ta thường nói, trăm nghe không bằng một thấy. Chúng ta phải làm cho bà con thấy cái ích lợi thiết thực khi họ cùng chung tay lại để làm ăn. Mạnh dạn buôn bán cạnh tranh với người nước ngoài, chứ không nên làm trâu làm mọi cho ai. Quan trước tác nhà ta có bài Tỉnh hồn quốc ca rất hay, rất thiết thực; đại loại có những câu, như: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Người trong một nước thì coi như nhà", hoặc “Đất bỏ hoang biết là hiếm mấy, Lợi chang chang đều thấy bỏ qua. Để cho Khách với Chà-và, Chia nhau lấy lợi mà ta ngồi nhìn", hoặc "Miễn mình cố sức cố công, Nên hư cũng chắc ở trong tay mình. Chấp tất cả thiên đình định số, Cùng phước nhà đất nhỏ đất to", v.v… Quan trước tác sẽ chép lại bài ca này và các anh tìm cách phổ biến rộng xuống quảng đại quần chúng. Tôi nghĩ, nó sẽ có ích cho công cuộc duy tân của chúng ta.
Và từ đó, hội buôn Liên Thành (chuyên buôn bán cá, nước mắm) và trường Dục Thanh được thành lập. Sau hơn một tháng tuyên truyền cổ động duy tân và kết quả đạt ngoài sự mong muốn, Phan Châu Trinh bằng lòng để Huỳnh Thúc Kháng và Trần Qúy Cáp về lại Quảng Nam, còn ông ở lại vừa dưỡng bệnh, vừa giúp cho các thân sĩ Bình Thuận thực hành duy tân. Trường tuy còn tạm sử dụng nhà cụ Nguyễn Thông, nhưng Phan Châu Trinh tin trường sẽ phát triển tốt. Những ngày ở Phan Thiết, Phan Châu rinh bàn với các thân sị Bình Thuận lập một "thi xã" để có chỗ giảng tân thư cho lớp thanh niên địa phương tới nghe. Các thân sĩ Bình Thuận cho đây là ý kiến hay và họ mượn đình Phú Tài làm nhà giảng sách. Mới đầu, họ rước cụ phó bảng ra nói chuyện để thêm phần long trọng và tăng uy tín cho "thi xã", sau đó họ thay nhau làm diễn giả chính. Người nghe càng lúc càng nhiều và cũng làm chuyển được lòng người khiến họ tin vào việc làm của mình là việc làm ích nước lợi nhà. Cái học của họ được sử dụng một cách thiết thực nhất và họ đã thật sự không còn cần đến cái danh ông cử, ông nghè.
Dưỡng bệnh một tháng thì đã bình phục, Phan Châu Trinh từ giã những thân sĩ Bình Thuận trở về Quảng Nam. Trên đường về, ông tin những người bạn của ông sẽ làm được nhiều việc; những cơ sở ban đầu chắc không chỉ tiếp tục phát triển mà còn phát triển mạnh hơn. Làm ăn có ai không thích, song xưa nay không ai chỉ đường, bày cách cho họ. Ở quê ông không thiếu những người giàu có là nhờ buôn bán, nhưng "chẳng thà cho vàng, không ai chỉ đàng đi buôn". Vì vậy, cái nghèo, cái hèn cứ quây mãi lấy đời người. Phan Châu Trinh vững tin rằng, với chủ trương duy tân do ông và bạn bè phát động, người dân quê ông từng bước sẽ ý thức được quyền làm người, ý thức được thế nào là "đông tay sẽ vỗ nên kêu". Có miếng ăn miếng mặc cùng với cái chữ trong đầu, chẳng bao lâu người dân quê ông nói riêng, đất nước Annam nói chung sẽ biết mình phải làm gì và làm thế nào để bảo tồn văn hóa dân tộc, giữ vững được quê cha đất tổ, làm chủ cuộc đời, làm chủ non sông gấm vóc. Lịch sử bao đời qua cho thấy ông cha chấp nhận hi sinh xương máu, thậm chí xương máu của nhiều thế hệ để giữ gìn mảnh đất quê hương, nhưng chưa có ai, chưa có triều đại nào nghĩ xa một chút là khi giành được chính quyền rồi thì phải làm gì cho dân giàu nước mạnh. Từ ngày người Tây dương đến, thì có rất nhiều cuộc nổi dậy chống ngoại xâm. Điều đó rất qúy, rất đáng trân trọng, song chưa đủ làm nên nghiệp lớn. Ngay cả sự hi sinh anh dũng của những sĩ phu quê hương xứ Quảng của ông như: Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Châu Thượng Văn, Đỗ Đăng Tuyển, Phan Bá Phiến… hay ngay cả cái chết của thân phụ ông cùng những nghĩa dân, nghĩa sĩ cũng đáng kính đáng phục. Lịch sử mai này có thể ghi tên tuổi của họ, song ông cũng chưa bằng lòng. Họ chỉ biết vì vua, vì nước quên thân, chứ chưa ai nghĩ điều gì to lớn hơn, chiến lược lâu dài hơn. Nếu họ có thành công thì cuộc sống người dân vẫn trở lại như ngàn năm trước, vẫn một nắng hai sương, tự cung tự cấp, vẫn tranh giành nhau góc chiếu đầu đình, vẫn "miếng thịt làng hơn một sàng xó bếp"…
*
* * Về đến địa đầu tỉnh nhà, Phan Châu Trinh thấy không khí làm ăn, học hành, nghe diễn thuyết ở các đình làng đã có vẻ sáng sủa hơn. Lớp người tuổi trẻ tiếp nhận cái mới hồ hởi hơn. Thay vì đi luôn ra Hội An, lên Điện Bàn để gặp bè bạn như dự định ban đầu, thì ông quay về nhà. Sau khi nhang khói cho tổ tiên, người thân, Phan Châu Trinh nghỉ lại nhà với vợ con mấy bữa. Mới đó mới đây mà ông đã có những ba đứa con (một trai, hai gái). Nhìn tướng mạo của các đứa con, ông thấy lòng ấm hơn thêm. Nhìn chung, mặt mũi đứa nào cũng sáng sủa, không có tì vết nào, rứa là mừng. Thằng Châu Dật của ông đã được khai tâm từ năm ngoái và rất siêng tập viết chữ. Con Đậu thì đã biết chạy khắp nhà và rất hiếu động, chọc phá anh suốt ngày chứ không hề chịu giúp mẹ giữ em… Nghe con "tố khổ" lẫn nhau, Phan Châu Trinh vui lắm, mọi buồn lo như trôi đi hết.
Những ngày ở quê nhà, ông dẫn hai đứa con lớn đi thăm bà con và cũng coi việc làm ăn của họ ra sao. Nói chung, những việc ông nghĩ ra mà không có ai thực hành thì khó cơ sở ăn nói với thiên hạ. Với nghĩ nghĩ đó, ông vận động anh em, bà con nội ngoại đi vào thực hành. Điều thuận lợi là bà con nội ngoại, chòm xóm rất tin ông. Dù sao với họ, Phan Châu Trinh là người học nhiều biết nhiều, là "phụ mẫu chi dân" chứ phải lời nói của hạng tào lao đâu. Những điều cụ phó bảng nói ra ắt là phải trúng. Lời cụ phó bảng nói ra mà không nghe thì biết nghe ai ? Nghĩ vậy và họ xung phong làm theo những lời Phan Châu Trinh chỉ dạy.
Ba cha con vừa quẹo khỏi khúc quanh đường làng, thì tiếng học bài vang ra
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tĩnh trước dân ta.
Sách Âu Mỹ, sách Chi-na,
Chữ kia chữ nọ dịch ra tỏ tường.
Công, nông, cổ trăm đường cũng thế,
Họp bày nhau thì dễ toan lo.
Á Âu chung lại một lò,
Đúc nên tư cách mới cho rằng người.
Một người học, muôn người đều biết,
Trí đã khôn, trăm việc phải hay.
Lợi quyền đã nắm trong tay,
Có ngày tấn hóa, có ngày văn minh…
(Huỳnh Thúc Kháng - Chiêu hồn nước) Phan Châu Trinh thấy lòng vui lắm. Người học bây giờ không còn ê a những "Thiên - trời, địa - đất, thất - mất, tồn - còn…" suốt ngày nữa, thay vào đó không chỉ là chữ quốc ngữ dễ học dễ nhớ mà còn học nhập tâm những bài thơ, bài ca do ông và bè bạn đặt ra nhằm cổ động phong trào. Bài Chiêu hồn nước ấy là tâm huyết của cụ Minh Viên và cũng là tâm huyết của anh em sẵn sàng xắn tay áo với phong trào.
Thấy ba cha con ông vào, thầy giáo ngưng dạy, học trò dừng học. Tất cả đều đứng dậy cúi chào. Phan Châu Trinh chào đáp lễ và khen ngợi đám học trò:
- Các anh, các cháu học được rứa là tốt lắm, chẳng bao lâu sẽ đọc sách vở, ghi chép những điều cần ghi.
Thầy giáo đứng lớp là người anh nhà bác của ông, tên là Phan Khải, hơn ông những hai con giáp, nhưng rất qúy trọng thằng em của mình. Ông cho học trò nghỉ sớm vì lý do "có cụ phó bảng Tây Hồ về thăm trường".
Ông sai người nhà hãm ấm chè quế cho ngon và lấy bánh cho mấy đứa nhỏ, rồi vui mừng nói:
- Tôi nghe chú về mấy bữa ni, nhưng bận quá, thành thử định hôm nào qua mời chú lại nhà, anh em mình nói chuyện một bữa cho đã lỗ nhĩ.
Nhìn đám học trò đủ loại tuổi, trẻ nhất chín mười tuổi, lớn nhất cũng độ ba mươi tuổi, Phan Châu Trinh tin rằng với sự ham học ấy thì lớp người này sẽ làm nên tích sự đây. Anh ông cho biết, đến nay trường làng này được hai lớp khoảng bốn mươi học trò. Học phí thì ai có chi trả nấy, không có cũng được. Tiền lãi của hội buôn không những thừa chi trả những khoản cần chi trả, mà còn có đồng vô đồng ra. Tùy theo nhu cầu từng địa phương mà các hội buôn trao đổi hàng hóa cho nhau, nên bước đầu đã cạnh tranh được các hiệu buôn của các chú khách, nhất là dẹp được những bọn thương lái ép giá hàng nông sản, nâng giá hàng tiêu dùng một cách vô tội vạ trước đây.
Ông Phan Khải nói:
- Tôi làm ri chứ chưa bằng cái góc của chú Lê Cơ bên làng Phú Lâm. Nếu rảnh, chú cũng nên qua bên nớ chơi cho biết. Chú phải nhớ rằng, chú chính là linh hồn của phong trào, của công việc. Có bóng dáng chú, anh em tin hơn, làm việc hăng hơn. Hàng tháng, chúng tôi đi lại trao đổi hàng hóa với nhau cũng biết công việc của chú, của các cụ Minh Viên, Thai Xuyên. Nói chung, anh em rất tự hào quê hương đã có những người như các chú.
Phan Châu Trinh cười, nói:
- Anh nói thì tôi nghe và mừng. Việc thành hay bại là do các anh. Bà con mình biết đoàn kết làm ăn, biết chuyện phải chuyện không cũng nhờ từ các anh chứ chúng tôi đâu có trực tiếp như mấy anh được.
Ông Phan Khải cãi:
- Chú nói rứa là tôi không chịu. Nói thiệt, chú không đỗ phó bảng, cụ Minh Viên và cụ Thai Xuyên không đỗ tiến sĩ thì phong trào chưa chắc đã được một phần như ri, dù mọi việc các chú nói đều đúng hết. Tôi hỏi chú, xưa nay có ai như các chú thi đỗ ông nghè ông cống rồi về nhà vận động bà con bỏ cũ theo mới ? Nếu các chú không đỗ đạt, thì có nói hay bao nhiêu họ cũng cho đó là ý kiến của những anh đồ gàn.
Sau hớp chè quế, ông nói tiếp:
- Chú biết không, nghe nói vừa rồi cụ Thai Xuyên lên Tí, Sé (thuộc huyện Quế Sơn ngày nay - VG) mở nông trại trên ấy cũng khá lắm. Các cụ bây giờ không phải làm thơ để rung đùi tán thưởng mà nói toàn những điều thiết thực và rất nhiều người thuộc giống như thuộc chú bắt ma, như: bài ca hội nông, hội thương, khuyên học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, khuyên mặc đồ Tây, vận tải, canh nông, v.v…
Phan Châu Trinh và bạn bè cũng hiểu điều đó mới dám hạ bút viết Chí thành thông thánh và Lương ngọc danh sơn phú ở trường Bình Định, chứ dở dở ương ương thì nào có dám. Nhưng chỉ hô hào suông mà không có người thực hành thì cũng chẳng được gì, và với ông, quan trọng là ở những người thực hành ý tưởng của ông.
- Tôi nghĩ, đó cũng mới một phần thôi anh ạ. Cái chính là chỗ các anh…
Ông Phan Khải khoát tay không cho ông nói tiếp.
- Chú đừng nghĩ, tôi nói trổ trời. Nay mai, chú ghé qua làng Phú Lâm thì biết. Tôi cho rằng, Lê Cơ là tay giỏi, nhưng Lê Cơ nói ai nghe, dù những việc ấy đều có lợi cho họ ? Vì sao vậy ? Vì Lê Cơ chỉ là anh học trò thi trường ba (tú tài), là anh lý trưởng quèn. Chú có biết thời gian qua, chúng tôi muốn mở ra cái gì, làm cái gì thì phải gióng câu thiệu gì không ? Đại thể là… - Ông đứng thẳng người dậy, vừa nói vừa vung tay như đang nói trước một đám đông: “Chuyện ni là do cụ phó bảng Tây Hồ, cụ nghè Minh Viên, cụ nghè Thai Xuyên dạy. Các cụ học giỏi như rứa, đỗ đạt như rứa mà không thèm làm quan. Các cụ muốn đi đây đi đó lấy chữ nghĩa thánh hiền dạy dân đen chúng ta giỏi hơn, giàu hơn. Bà con chúng ta ai không muốn giỏi như các cụ ? Ai không muốn giàu có ? Ai cũng muốn phải không nào ? Rứa thì không có cách chi tốt hơn là thực hành lời dạy của các cụ…". - Ông mỉm cười, ngồi xuống uống một hơi hết bát nước chè, nói tiếp: - Giáo đầu tuồng như rứa là dân tin và qua thực tiễn công việc, bà con càng tin hơn. Nhờ rứa, phong trào mới được thuận lợi như ngày nay chớ chú tưởng dễ lắm hả ?
Nghe và nhìn khí thế của phong trào, Phan Châu Trinh tin rằng mình và những đồng nhân đã đi đúng hướng.
*
* *
Gặp lại Huỳnh Thúc Kháng và Trần Qúy Cáp cùng một số bạn bè, mọi người tay bắt mặt mừng, kể chuyện vui không dứt. Phan Châu Trinh nói lại những chuyện mắt thấy tai nghe, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Qúy Cáp cũng đều nhận định phong trào không khác ông Phan Khải bao nhiêu.
Cả Huỳnh Thúc Kháng lẫn Trần Qúy Cáp đều khen Lê Cơ. Ở làng Phú Lâm (nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, Quảng Nam), Lê Cơ không chỉ lập trường dạy chữ quốc ngữ mà còn mở trường dành riêng cho nữ, đồng thời vận động bà con trong làng mở vườn trồng quế, lập cuộc buôn, dựng lò rèn, lập cuộc bảo hiểm phòng kẻ trộm cướp…
Huỳnh Thúc Kháng nói:
- Không ngờ ở trong một cái làng rừng che núi cách, giao thông trở ngại thuở nay tịch mịch quê mùa, bỗng thành một nơi khai thông vui vẻ không những dân làng lân cận tin phục; mà người ở xa, nhứt là người đã nếm mùi Âu hóa đi ngang qua tỉnh Quảng Nam cũng gắng lên làng Phú Lâm đặng xem công việc.
Lê Cơ đối với mọi người không xa lạ vì cùng ông ta đã cùng với Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng thi hương khoa Canh Tý (1900) và chỉ đậu trường ba. Lê Cơ còn là anh em cô cậu ruột với Phan Châu Trinh, người hoạt bát, khẳng khái. Khi nghe Phan Châu Trinh đặt vấn đề, ông hưởng ứng ngay. Về mặt lý thuyết, thì Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Qúy Cáp… vạch ra, còn thực hành, sắp đặt công việc đem ra áp dụng thì mỗi xã, hay huyện đều do tài năng từng người ở địa phương ấy quản lãnh.
Trần Qúy Cáp nở nụ cười vui, nói thêm:
- Anh ấy theo quan điểm của ông cha ta là năng nhặt chặt bị. Có lần lên thăm, tôi thấy anh ta lập một cuộc buôn con con, mua bán giấy bút, mắm muối, gia vị, kim chỉ… chẳng thiếu thứ gì, như một cái quán hàng xén. Anh ta thấy tôi ngơ ngác, bèn giải thích: - Quan nghè đừng thấy đơn giản mà coi thường. Nếu chỉ dựa vào cái quán nho nhỏ này, nhà tôi sống dư đủ, nhưng tôi không lấy lời nhiều, mục đích chính là loại bỏ bọn "buôn mọi" (chỉ những người miền xuôi mang hàng lên bán ở miền núi) bóp hầu bóp họng dân nghèo và cho mọi người thấy nghề buôn bán không khó. Và một khi bước vào nghề buôn bán thì không nệ vốn ít vốn nhiều, không nệ mặt hàng nào.
Phan Châu Trinh thầm cám ơn những người anh em ruột thịt. Bước đầu họ tin ông và đã khuấy động được phong trào. Nhớ ngày mới bàn với Lê Cơ, anh ta nói:
- Chú yên tâm. Thằng anh của chú đặt hết niềm tin vào chú và những người như chú. Lê Cơ này "Túng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương"(6).
Quả thật cuộc thí nghiệm ấy rất thành công.
Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì Trần Quý Cáp nhận được lệnh của triều đình bổ làm giáo thọ Thăng Bình. Huỳnh Thúc Kháng nói:
- Anh không đi là không xong và sẽ ảnh hưởng đến phong trào. Sau khi đỗ hương nguyên, tôi phải ở nhà cư tang cha nên mới có cớ từ chối được việc ra Huế học Pháp văn để làm quan. Nay chắc họ đã quên tôi, hoặc chưa bổ dụng là còn chờ tôi lên tiếng. Theo tôi, làm quan hay không làm quan lúc này không phải là vấn đề quan trọng, mà quan trọng là làm sao giúp cho dân mở mang được đầu óc, chứ đứng quên mục đích ấy.
Phan Châu Trinh nói thêm:
- Anh Minh Viên nhà ta nói đúng đấy. Anh không ra làm quan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phong trào. Vả lại, bá mẫu cũng gần đất xa trời rồi, anh nên nhận chức quan dù chỉ làm quan vài ba tháng rồi xin từ quan cũng được để cho bá mẫu vui. Trồng cây, ai cũng trông ngày hái quả. Quả của cây bá mẫu chăm sóc là loại quả ngon quả ngọt. Anh ra làm quan tức là anh cho bá mẫu nếm và nhận được cái hương vị của quả ấy. Theo tôi, nên lắm.
Trần Qúy Cáp cũng đồng tình với những ý kiến của bạn bè, rồi cùng bàn bạc khi nhận chức giáo thọ sẽ làm gì có lợi cho dân, cho nước, cho phong trào. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cả ba người đều thống nhất ý kiến, lợi dụng chức vị, quan giáo thọ cho mở ngay trường học, rước thầy về dạy chữ Tây, chữ quốc ngữ cho con em, cho những ai thích học. Việc làm này chắc chắn sẽ bị phái cựu học không thích. "Nhưng quan giáo thọ không làm thì ai làm ?" - Trần Qúy Cáp lên tiếng và mọi người cùng cười khoái trá.
Phan Châu Trinh nói:
- Chúng ta quả là những người không tự lượng sức mà hô hào đề xướng tân học, may ra thành công thì toàn quốc đều vui hưởng, rủi mà thất bại thì sẽ bị dẫn đến chợ, cúi đầu chịu chém cũng vui biết dường nào !
Trần Qúy Cáp nói:
- Tự trị là việc lớn không phải chuyện dễ, việc không thành cũng chết. Nhưng nếu chết vì việc lớn, vì lý tưởng thì cái chết ấy chẳng có chi phải sợ.
Huỳnh Thúc Kháng nói thêm:
- Đã là chí sĩ yêu nước thương nòi thì không quản sống chết. Không dám tự khoe, nhưng thực tâm mà nói, anh em chúng ta không thể nói là những người không có chí khí cao, không phải là người ham danh lợi. Tam ngu thành hiền. Tôi tin anh em chúng ta nghĩ đúng và đang làm đúng, nên nếu bị đem ra giữa chợ chém đầu cũng là chuyện vui. Chúng ta cùng đồng lòng khơi cái khôn của dân, cái đường sống của dân là thuận lòng trời, hợp lòng dân. Điều này đã được minh chứng ngay ở quê hương ta. Do vậy, anh em chúng ta tiếp tục việc khai trí, trị sinh, mở học hội, thương hội, diễn thuyết hội cho nhiều… thì dân sẽ tin ta, yêu ta. Một khi được dân tin, dân yêu thì cái chết nào có đáng một đồng tiền kẽm !
Ba người cùng bá vai nhau như muốn truyền thêm cho nhau sức mạnh.
Mỗi người mỗi việc. Phan Châu Trinh nhận trách nhiệm làm một chuyến Bắc du.
Trên đường ra Bắc, Phan Châu Trinh đến địa phận tỉnh nào cũng tìm đến những thân hào nhân sĩ trò chuyện, tìm sự ủng hộ. Ông đến thăm tiến sĩ Ngô Đức Kế, giải nguyên Võ Văn Bá, ấm sinh Lê Võ… ở Hà Tĩnh; thăm cụ Đốc Đặng, cử Vương… ở Nghệ An, nghè Tống, kể cả cử nhân Hoàng Cao Khải ở Thanh Hóa… Đến Hà Nội, Phan Châu Trinh tìm đến thăm hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, Lương Văn Châu… Điều đáng mừng là hầu hết sĩ phu đều đồng ý cách làm của ông, và không ai nghĩ đó là chuyện quốc sự. Những việc ông đề ra và đã làm ở Quảng Nam, Bình Thuận là những việc làm minh bạch, đường đường chánh chánh. Cổ động quốc dân chuyên về sự học, chí thú làm ăn, làm giàu, không chủ trương bạo động, không khuyến khích quốc dân trông vào người ngoài… có gì không tốt ? Phan Châu Trinh nói rõ cho mọi người biết rằng, dùng thuyết dân chủ, tự trị thì chẳng có gí phải giấu giếm, thậm chí ông sẽ nghĩ cách trình bày với những quan Pháp đang cai trị để họ hiểu rõ việc làm của phong trào. Với ông, muốn đồng đẳng thì phải bình đẳng. Muốn bình đẳng với người ta thì mình phải khẳng định được mình. Muốn khẳng định được mình thì phải học, phải tiếp thu những cái mới, cái hay của nhân loại, chứ không thể khư khư ngồi ôm những câu nói của thánh hiền có hàng ngàn năm qua, những câu nói có từ thời con người còn ở tình trạng sơ khai, hái lượm.
Đến Hà Nội, Phan Châu Trinh như cá gặp nước. Các sĩ phu Bắc hà rất qúy trọng ông. Những điều ông nói họ không những đồng tình mà còn tính chuyện thực hành ngay. Trong lúc này, mọi người cho ông biết tin về Phan Bội Châu. Nhiều người hỏi ông về những hành động của Phan Bội Châu, ông thú thật lâu ngày chưa gặp lại Phan Bội Châu nên ông không thể bình phẩm gì được. Nhưng với ông, trước hết, Phan Bội Châu là một người đáng trọng. Khoa Canh Tý (1900), Phan Bội Châu đậu hương nguyên trường Nghệ An, Huỳnh Thúc Kháng đậu hương nguyên trường Thừa Thiên, còn ông thì đậu thứ ba. Năm sau, Huỳnh Thúc Kháng phải ở nhà cư tang cho cha, Phan Bội Châu bị đánh hỏng, còn ông đỗ phó bảng. Lúc ông ra làm quan ở Huế thì có gặp Phan Bội Châu và ông đã thẳng thừng bác bỏ chủ trương bạo động của Sào Nam. Phan Châu Trinh nhớ lại lúc đó cùng với Võ Phương Trứ cổ động các sĩ phu ký vào thư xin bỏ khoa cử và hiến pháp, nhưng không có mấy người chịu ký, trong đó có cả Phan Bội Châu. Ngày đó, Phan Bội Châu viện cớ thi hỏng nên không ký. Sau đó, ông nghe tin Phan Bội Châu vào Quảng Nam, cụ thể là tìm Tiểu La Nguyễn Thành tại "Nam Thành sơn trang"(nay thuộc xã Bình Qui, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) - nơi chôn nhau cắt rốn của Tiểu La, và tìm Đỗ Đăng Tuyển tại Ô Gia (nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Dường như phần nhiều nhân sĩ Quảng Nam lúc ấy cùng đứng trên lập trường tôn quân và dùng bạo lực đuổi Pháp ra khỏi nước, xây dựng một nước Việt Nam do Cường Để (cháu Nguyễn Phúc Cảnh) làm minh chủ.
Họ một lòng một dạ tôn quân, bảo vệ ngai vàng cho "chân mệnh thiên tử", ủng hộ việc làm của hương nguyên Phan Bội Châu.
Chú thích:
(1) Lòng chí thành thấu suốt đạo thánh. - Chữ chí thành (thành thực tột mức) là một khái niệm căn bản trong đạo trung dung của Khổng giáo. Phải hết sức thành thật mới hiểu rõ tính, mới có thể biết trước, mới xử lý (kinh luân) được việc trong thiên hạ, xây dựng được cái gốc lớn của thiên hạ và giúp vào công việc hóa dục của Trời, Đất.
(2) Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Cuộc đời ngoảnh lại vắng không,
Giang sơn nào khóc anh hùng được đâu.
Cường quyền, giậm đạp mái đầu,
Văn chương tám vế, say câu mơ màng.
Tháng ngày uất giận đành cam,
Sổ lồng tháo cũi biết làm sao đây.
Những ai tâm huyết vơi đầy,
Dốc lòng văn đạo, thơ này thấu cho.
(3) Nguyễn Q. Thắng dịch.- Dẫn theo Huỳnh Thúc Kháng – tác phẩm, sđd, trg 113-115.
(4) Từ người đem gói nem đến xin học, ta chưa từng không dạy ai (Luận ngữ).
(5) Khổng tử: Người có tư chất bậc trung trở lên, có thể dạy bảo đạo lý cao xa. Người có tư chất bậc trung trở xuống, không thể dạy bảo đạo lý cao xa (Luận ngữ).
(6) Dầu không làm cho thiên hạ, cũng thí nghiệm trong một làng.