Giữa kỳ trước và kỳ này của ký sự sáu tháng vừa trôi qua. Sáu tháng không có gì xảy ra, tôi về Bolsa, mùi phở vẫn vậy, tôi trở lại Pháp lần nữa, vẫn mùi bánh mỳ, chẳng có gì cần cập nhật. Đi, về, sáu tháng sau kỳ một, câu hỏi được đặt ra ở lúc đầu, đi Tây hay là về Tây đây, tôi vẫn chưa trả lời. Sáu tháng sau khi ngồi chung máy bay với cô Papae của “kỳ hai”, giờ tôi ở cách nàng có độ mươi hải lý, nửa tiếng tàu thuỷ hay là mười phút máy bay. Hồi trưa, tuy là hôm nay trời hơi xấu, dừng xe lại ở giữa bến tàu và phi trường, tôi nhìn thấy bên kia eo biển hòn đảo Tahiti lù mù mây. Ở bên này là Moorea, 8000 dân dư, chu vi 65 cây số, thuộc nhóm Iles de la Société, cách Paris 15800 km và không có tiệm bánh mỳ tuy vẫn có baguette từ Papeete đưa sang bỏ bán trong các tiệm tạp hoá. Sang đến đây được vài ba bữa, tôi mới tận tình thấy hiểu chữ “fiu” mà sáu tháng trước lần đầu tôi được nghe cô ta nói đến. Tai nghe không bằng mắt thấy, “fiu” hình như là suốt ngày ra ngồi bên vệ con đường độc nhất chạy vòng quanh đảo, nhìn xe buýt địa phương thỉnh thoảng chạy ngang, nửa muốn leo lên đến một đoạn nào khác xuống ngồi nhìn tiếp, nửa thôi ngồi đây nhìn cũng vậy, không buồn đứng dậy. Nhưng ở đây vẫn là nước Pháp, đường tráng nhựa hẳn hoi, nhà có điện có nước, có điện thoại, có cả minitel, giá nhà 200,000 USD một cái, lương tối thiểu 800 USD một tháng chật vật lắm làm sao sống nổi, vẫn bằng ấy vấn đề, tiệm vidéo quảng cáo băng mới đến Rambo III để thất nghiệp nằm nhà giải trí. Ừ thì có đàn bà đẹp và biển xanh hai ba màu khác nhau với lại nhiều loại bia. Bia Úc, bia Mỹ, bia Pháp và bia Hinano làm tại chỗ. Đàn bà đẹp thì cũng thế, đàn bà ở đâu mà chả đẹp, ở đây thì họ dắt thêm một cái hoa dâm bụt ở vành tai. Ngày xưa họ cởi truồng và dễ dãi, sau hai trăm năm truyền giáo họ dùng vỏ dừa đậy ngực lại những khi biểu diễn vũ cổ truyền cho du khách phương xa. Ngày thường, họ mặc áo tắm đeo nịt vú hẳn hoi, Pole Position, Cacharel, Chantal Thomas, thì ở đây nước Pháp, nghĩa là có nhiều du khách Nhật Bản và Hoa Kỳ, chỉ vướng thêm vào cái huyền thoại chưa chết hẳn của những biển miền Nam, địa đàng của Rousseau chủ nghĩa:
“Trước khi rời hòn đảo lắm phúc này tôi phải nhắc lại lần nữa những lời tôi đã có dịp dùng để ca ngợi. Để tả hết những gì chúng tôi đã chứng kiến, phải dùng đến ngòi bút của Fénelon hay cọ sơn xinh xắn của Albane hoặc của Boucher. Giã biệt, dân tộc hạnh phúc và hiền triết. Tôi sẽ giữ mãi cảm tưởng tuyệt vời mỗi lần nghĩ đến những khoảnh khắc ít ỏi đã từng được chia xẻ với bạn và cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, tôi vẫn sẽ không ngơi ngợi khen hòn đảo Cythère hạnh phúc này. Đây đúng là vùng đất Eutopie”.
(“Nhật ký” nhà thám hiểm Bougainville)Hơn hai trăm năm sau Bougainville và Thomas Cook, nhóm đảo Société giờ (vẫn) nhiều chó, có lẽ nhiều chó bằng Paris nhưng ít cột đèn hơn (thành ra chó buồn chạy long nhong) và không thấy có cầu công cộng hiện đại J.C.Decaux. (Tôi chưa đến Papeete, thành phố thủ phủ nhưng ở cả Afareaitu, thủ đô hành chính của Moorea, lẫn Pao-Pao, thủ đô kinh tế của đảo, tôi đều không thấy có). Hai đài truyền hình chương trình cũng bấy nhiêu, “Santa Barbara” chuyển âm bằng tiếng Pháp. Ừ, thì có đàn bà đẹp nhưng tôi cũng phải nhắc lại lần nữa, tôi cũng sẽ giữ mãi cái cảm tưởng tuyệt vời mỗi lần nghĩ đến và cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, là đàn bà, ở đâu mà chẳng đẹp. Miệt Bắc, đàn bà Đại Hàn đường Garden Grove; miệt Nam, đàn bà Trung Mỹ đường Edinger. Đàn bà Đông Mỹ trắng, Tây Mỹ đen, đàn bà ở đâu mà không đẹp, chẳng cần đi xa đến thế này.
Chẳng cần đến đàn bà chân dài ở giữa Thái Bình Dương.
Vào hai tuần trước đây, tôi ngồi “fiu” ở trong một quán ăn đường Lappe ở Paris 11, khung cảnh lạnh lùng trắng xám và sắc gọn xanh. Uống hết phần mình một phần ba chai Beaujolais tôi gắng gượng nghe người thứ nhì (uống hết phần họ một phần ba chai Beaujolais, làm dạn hỏi:
- Mày nghĩ mày là người ở đâu?
Uống hết phần mình một phần ba chai Beaujolais tôi trả lời bừa:
- Tao “văn hoá Pháp”.
Chưa uống hết phần họ một phần ba cũng một chai Beaujolais, người thứ ba (chắc cũng “văn hoá Pháp”) gật đầu tán thành.
Tôi nhìn ra ngoài đường, một giờ đêm còn nhộn nhịp, đối diện quán có treo một bảng bán nhà: “Một phòng ngủ, 48m vuông, sân thượng 26m vuông, 1.300.000F”. Tôi làm tính nhẩm, kể cả sân, văn hoá Pháp ở đường Lappe, gần nhà hát Bastille mới vừa hoàn tất, giờ đến 18.000F một thước vuông. Không kể sân, 26.000F một thước xây cất. Tôi đã lỡ nhận, tôi chẳng còn phân vân.
Như vậy là tôi đã trả lời được phần nào, nếu tôi văn hoá Pháp thì hình như là tôi “Về Tây” chứ không phải là “Đi”.
Tôi về Tây, để rồi nhìn ra công trường Bastille có cột Juillet vừa được kỳ cọ và mạ vàng trở lại đánh dấu hai trăm năm Cách mạng, mùa hè ở vùng ôn đới mười giờ đêm trời mới vừa chập choạng, một nửa thành phố đi vắng để cho nửa còn lại nhiều chỗ đậu xe. Văn hoá của tôi đây, uống Beaujolais 87 (tôi nói thế chứ Beaujolais 87 hay 88 tôi uống cũng vậy, tôi không phân biệt nổi) với những người cùng thuộc một văn hoá với mình, nghĩa là nửa ta nửa Tàu, để gục gặc đầu sau nửa đêm. Tôi thuộc về văn hoá Pháp.
Mẫu giáo Lecture sans Larme, Tiểu học chiến tranh Puniques, Carthage đụng độ La Mã, Hannibal mang voi vượt rặng Alpes, Schipion - Phi Châu rồi trận Alésia, Vercingétorix với lại bình hoa thành Soissons. Trung học Lagarde et Michard, Ronsard:
“Mignonne allons voir...”
Le Cid (“
Họ xuất hành chỉ có năm trăm và khi đến bến, nhìn ra thành hai ngàn kỵ mã”), con ngựa của Cid tên là Babieca; Iphigénie, Andromaque, những nhân vật này đều không có ngựa, rồi “Người Bệnh Tưởng”, thi Tú Tài “Kẻ Xa Lạ” và “Hy Vọng”.
Trận Marignan năm 1515.
Năm 1914 ở Sarajevo, một thanh niên mang tên Prinzip thuộc đảng bí mật “Bàn Tay Đen” hạ sát Tối Quận Công Ferdinand Joseph nhà Habsbourg của Đế quốc Áo-Hung, gây ra Đệ nhất Thế chiến.
Thì tôi văn hoá Pháp.
Và nếu đã văn hoá Pháp thì sau khi “Về Tây” rồi, hiện giờ tôi chỉ có thể ở chốn này là nơi xa nhất. Nơi xa nhất métropole, nơi xa nhất Lục địa Pháp trên phương diện địa lý và trên phương diện của cái hoài mong trong văn chương, trong tàu điện mỗi ngày chen chân, trong xe hơi đang kẹt đường Périphérique. Những Biển Miền Nam.
Màu xanh Gauguin.
Màu xanh Postcard.Nước hồ lagon 30 độ C, những bờ thành san hô sóng vỗ ở ngoài xa, gần bờ quanh quẩn những mô đá, cá ba màu năm màu lại qua y như trong bồn thuỷ tinh của nhà hàng Tàu, không kém gì cả.
Ngay cả chó ở đây cũng hiền hoà, con vàng con vện, con mực con đốm thè lè lưỡi không đuổi bắt mèo, gà, hết xuống nước lội rồi lại lên bờ chạy. Tôi đứng đây nhìn và tôi tự bảo:
- Thì ở đây là, những biển miền Nam.
Tôi lớn lên với ông Commodore Wallis (còn để tên lại cho quần đảo Wallis và Futuna), với ông Thomas Cook (còn để tên lại quần đảo Cook, cho vịnh Cook ở Moorea và Công ty Toa xe lửa nằm Wagons-list) ông Magellan đặt tên cho eo biển và ông Bougainville thơ mộng (ông này được nhà khoa học Commerson mang tên đặt cho loài hoa giấy ông ta mang về từ Nam Mỹ). Đây là nơi tận cùng của trái đất có pastis ngoài bar vào lúc năm giờ chiều với tiệm cơm Tàu có bán chả giò trên thực đơn gọi là “nem” (Chả giò, hoặc Pâté Impérial, hay là “nem”, thực ra là một món ăn Pháp, bằng chứng là ở bên Pháp ngõ ngách nào cũng kiếm ra trong khi khắp Bolsa ở đâu ăn cũng dở ẹc, giống như là egg-roll Trung Hoa. Ngược lại, cái gọi là “bánh mỳ Tây” là một món thuần tuý Việt Nam với xúc-xích và ba-tê hoàn toàn Đông Nam Á cộng thêm đồ chua ảnh hưởng từ văn minh Ấn Độ).
Nơi xa nhất của văn hoá Pháp.
(Văn hoá Mỹ thì lại khác, nơi xa nhất là mặt trăng, như là một nhà bác học NASA từng tuyên bố trong thập niên 60 nhân dịp những biến động nhân quyền ở Birmingham: “Ta có thể gửi người lên mặt trăng nhưng ta không thể đặt một người da đen ngồi trên ghế trước trong xe buýt tại Alabama”).
Những nơi xa này
Vanuatu
Quần đảo “Ở Dưới Gió”
Tuamotu.
Tân Calédonie.
Và Tahiti.
Tôi đến tượng trưng, giờ tôi ngồi đây, có phải là tôi đi đâu hay là tôi “Về Tây?”. Sáu tháng trước, hay là tôi nói láo.
Tôi ngồi đây, tôi chèo xuồng ra khơi coi cá lội, cổ tôi choàng vòng hoa ở đây gọi là tiare, Việt Nam gọi bình thường là hoa Đại. Tôi “fiu” (Việt Nam gọi là Fiu-Fiu En-En) và tôi ăn vú sữa ở ngoài chợ thị xã bán có 40 cents một quả, ngày mai hay ngày kia tôi sang Bora-Bora tìm tiệm phở. Ở Bora-Bora có tiệm phở không, Bora-Bora chỉ bằng một phần tư Moora, không biết có tiệm phở hay không (Ở Papeete có tiệm “La Saigonnaise” với tôm rang muối và dĩ nhiên là phải có “nem”, đây là nước Pháp, tôi đã nói). Đối với James Michener thì Bora-Bora là hòn đảo đẹp nhất thế giới nhưng James Michener mà biết gì. Thứ nhất, James Michener không biết đã có đến Vũng Tàu hay chưa và thứ nhì, chẳng hiểu James Michener đã từng được ăn phở rồi hay không. Bora-Bora mà không có phở thì nhất nhì thế giới gì cũng vậy, có gì đâu, ngay cả Bolssa-Bolsa nữa, nếu mà không có phở thì Bolsa cũng chỉ vậy vậy, tuy là phở ở Bolsa hình như nhiều bột ngọt.
Năm 1768, một thanh niên thổ dân mang tên Aotourou leo lên chiếc La Boudeuse của Bougainville và nhất định theo nhà thám hiểm này về đến Pháp. Chẳng phải vì lý do thất tình, chàng trai ở Tahiti chán chàng buồn đòi đi chơi. Đương thời cùng với Hoàng tử Cảnh, Aotourou không có sứ mạng gì, không đi Tây làm con tin, Aotourou đi Tây vì hết muốn nhìn thấy biển xanh ba màu và ngán ngẩm cá sống ngâm nước cốt dừa. Cũng như Bougainville, Aotourou là một nhà thám hiểm, sang Tây đùa các nữ hầu tước và ghẹo các bà quận chúa nhưng thích nhất là ra nhà hát Opéra xem Tây Đầm nhảy múa địa phương. Được một năm ở Paris, vào tháng 3 1770 Aotourou lên tàu trở lại, theo chiếc Le Brisson từ bến La Rochelle tìm đường để hồi hương. Bougainville phải mất đến một phần ba tài sản để gửi người bạn về cố xứ, bà Quận công Choiseul giúp đỡ vào một phần và vua Tây Ban Nha cho phép chiếc tàu Pháp nhân dịp này đặc biệt có thể ghé bến Phi Luật Tân nếu cần.
Nhưng Aotourou không bao giờ về đến đảo cũ, không bao giờ trở lại Tahiti (dạo đó còn đàn bà cởi truồng tự nhiên và tính tình thân mật dễ thương). Những cây dừa, Aotourou chỉ được nhìn thấy lại dọc theo bờ biển Phi Châu, ở Ile de France (Mauritius) Ấn Độ Dương nơi cập bến giữa đường. Chàng đau yếu gì đó trên hòn đảo này và chết, Tahiti chàng không về đến nơi được.
Aotourou không bao giờ trở về, quần đảo Société có ít nhất là ba người con gái tóc cài dâm bụt nhiều chiều dối chồng, dối bồ để ra bờ biển: nhìn lagon nông hồ nước xanh một màu, rồi lagon sâu hồ nước xanh lại một màu và phía bên kia hàng rào san hô có sóng vỗ, đại dương xanh màu thứ ba. Nhìn biển ba màu mà nhè nhẹ thở dài, Aotourou đi chơi không về nữa.
Trong quán ăn đường Lappe hai tuần trước, người ta bảo tôi:
- Đúng thế, mày là người ở đây.
Tôi nghe nói thì tôi biết vậy. Nếu tôi là người “ở đây” thì tôi “về Tây”. Xong rồi tôi ghé ngang Bolsa check lại hàng phở, chẳng có gì lạ, tôi vội vã đến nơi tận cùng này ngồi đây. Bắt chước nhìn biển xanh ba màu và tập đếm.
Một, hai, ba.
Đi thì bao giờ chẳng dễ, chỉ có về mới khó, nhất là phải biết về đâu mới được. Về Tây hay về Bolsa, hay là về đâu. Về đâu, một hai, ba, mai kia tôi đi Bora Bora.
Mươi ngày nữa tôi đi Orange County, Nam California.
Tôi lại đi Bolsa.
Bolsa tôi biết đường, đi thì cứ đi, đi đâu cũng vậy. Chẳng cần khó khăn như là Garcia Lorca:
“Cho dù con đường tôi có biết
Tôi sẽ không đến thành Cordoba”.