Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Ký sự đi Tây

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11383 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ký sự đi Tây
Đỗ Khiêm

Trạm tàu điện lẻ

Khắp Paris không tìm đâu ra nổi một bức tượng Robespierre. Paris lắm tượng, ai chẳng biết, từ những tượng hiền lành bờ vai trắng có lá vàng rơi vườn Lục Xâm đến tượng đàn bà con gái tròn trịa nằm hớ hênh trên cỏ mướt vườn Tuileries, nhưng không có tượng Robespierre. Không có cả đến một cái tên đường nữa thì phải, tiện dịp ăn mừng năm nay sao không cải danh luôn phi cảng Orly thành phi cảng Orly - Robespierre cho vừa đẹp (phi cảng tân tiến hơn Roissy lỡ dành cho anh hùng hậu sinh Charles De Gaulle mất rồi). Phi trường Charles De Gaulle được viết tắt là CDG (Như Los Angeles International viết tắt là LAX) và Orly hiện nay người ta viết tắt là ORY. Nếu đổi thành RBP có phải dễ nghe không và Paris đúng ra phải kiếm đúng công trường nào lớn gọi luôn là công trường 10-8-1792.

Cách mạng Pháp đến ngày 10-8-1792 bước vào giai đoạn dân chủ, lưỡng quốc anh hùng (Mỹ Quốc và Pháp quốc) La Fayette bỏ lính chạy sang đầu Áo ngày hôm nay vẫn còn nổi tiếng nhờ thương xá tấp nập (Galeries Lafayette) trùng tên làm tôi thấy bất công. Người Mỹ sang đây shopping ưa viếng cái nơi này, tay cầm thẻ tín dụng của Bloomingdale’s (ghi chú: thẻ Bloomingdale’s có thể dùng để mua hàng được ở Galeries Lafayette và ngược lại) miệng nhắc lại câu nói lịch sử của ông tướng Mỹ lúc mang quân sang Âu Châu vào năm 1917 “La Fayette, nous voilà” (Here we are). Voilà, như người Mỹ ưa nhắc đến mỗi khi muốn dùng tiếng Pháp. Voilà, Oh la la, Quiche, Déjà vu, Lingerie, Mayonnaise, Soupe du jour và Passé (Dạo này, từ Passé trong tiếng Mỹ thông dụng hơn Déjà vu). Chỉ tại trùng tên với anh hùng của họ (ông La Fayette tên hai chữ rời, cửa hàng Lafaytte một chữ dính), làm đau khổ department store Printemps ít nhiều. (Printemps cóc cần, Printemps gỡ gạc bằng khách Nhật, người Nhật vào nhắm mắt cái gì cũng mua - “Au Printemps on achète tout les yeux fermés” - người Nhật mắt lại bé nên nhắm cũng dễ, họ lại thích Printemps là “Mùa xuân sang có hoa anh đào”). Câu quảng cáo của Galeries Lafayette là “À tout instant, il se passe quelquechose aux Galeries Lafayette”, có nghĩa “Bất cứ lúc nào, ở Galeries Lafayette cũng có chuyện đang xảy ra” phải giương mắt ra mà nhìn mới được. Quảng cáo, người ta phải đốp chát, hãng (moto) Honda bên Mỹ rao “Follow the Leader” thì hãng (moto) Yamaha rao “Don’t Follow Anyone”, bạn mà nghe thì chiều nào cũng xuôi. Quảng cáo rất cần thiết, thí dụ, tôi có quyển sách mới ra, tựa là gì, xuất bản, giá bao nhiêu mà tôi không nhắc đi nhắc lại ở đây thì nào ai biết. (Thấy tôi cứ tự nhắc mãi, ai bực mình thì làm ơn nhắc hộ giùm tôi). Thôi, trở lại Robespierre, ông này có được một trạm tàu điện ngầm ở ngoại vi thành phố, gần cuối đường tàu ở xó xỉnh Montreuil miệt Đông nhưng ai bảo tính ông khắc khổ, lúc sinh thời đã ở chui ở dúi thì khi chết người ta có tưởng niệm bằng trạm métro nghèo nàn là phải rồi. Ở đó, tôi cũng có một mối tình (Robespierre đèn vàng, cầm tay em muốn khóc) nhưng thôi, có liên quan gì đến năm I (1792), năm II (92 - 93) của Cách mạng Pháp đâu, những người bị chặt đầu, tôm hùm và phản động Thermidor

Một năm nào đó, tôi ở Paris, gần công trường Bastille, có cô bạn từ ngoại quốc sang chơi lần đầu. Cô này người nước ngoài nhưng cũng văn hoá Pháp, học trường đầm từ bé tuy đây là lần thứ nhất trong đời cô đặt chân đến Pháp. Tôi ra đón, đưa cô về, lúc ra khỏi trạm tôi ân cần giới thiệu: “Đây, công trường Bastille”. Cô đứng nhìn một lúc ngơ ngẩn rồi hỏi “Đâu?” làm tôi cũng thắc mắc. Cái công trường rộng lớn như thế này mà cô không thấy hay sao. “Không, tao không thấy thành Bastille ở chỗ nào”. Cô ta bảo. Cái thành ấy hả, vớ được câu này tôi thích quá, ở đời ít khi được người ta hỏi những câu vớ vẩn cỡ như vậy để mà trả lời “Người ta đốt mẹ nó rồi bộ mày chưa biết sao?” Làm con gái phải bối rối thì cũng không có gì oai cả, tính tôi lại chẳng tàn nhẫn với ai nhưng đến công trường Bastille mà hỏi cái thành nó ở chỗ nào thì cũng bằng thăm viện Versailles mà hỏi nhà vua giờ còn ở đây không. Tôi kể chuyện này vì có khác những chuyện tình của tôi, nó ăn nhập đến vấn đề là một, hai là cô này không phải là người Việt Nam, sau cái chuyện un une baguette tôi phải có chuyện gì gỡ gạc chứ không tôi mang tiếng vọng ngoại, “hậu ư thiên hạ, bạc ư gia”. Đấy, đâu phải chỉ có mình người Việt Nam nhà quê, hay phải là đàn ông xấu xí mới có điều để diễu cợt. Tôi chẳng diễu ai, tôi Việt Nam, tôi đàn ông, tôi bảo tôi: cao ráo, dễ coi thì có người cười hăng hắc, có lẽ nào tôi lại tự diễu tôi. Ngày 14 tháng 7 năm 1789 quần chúng Faubouurgs đường St Antoine hạ thành Bastille là nhà ngục biểu tượng của bất công, nơi vua ghét ai thì giam không cần cớ, tội (embastiller), bắt đốc thành de Launay, cướp kho súng mang ra làm loạn. Giờ, nếu xuống tàu điện ở trạm Bastille hướng Place d’Italie ở trên bến còn lại di tích một khúc móng của cái nhà tù cổ, giữa công trường chỉ có đài kỷ niệm cuộc nổi loạn năm 1830 đưa “quốc vương trưởng giả” Louis-Philippe lên chấp chính (Ông này trưởng giả nên không thích có con số lằng nhằng ở đằng sau tên) gọi là Colonne de Juillet. Cuộc dân biến này xảy ra vào tháng Bảy nên nền quân chủ Louis-Philippe khề khà người ta cũng gọi là Quân chủ Tháng Bảy. Từ lâu rồi, nghĩa là từ 1804 lúc “hạ sĩ con” Nã Phá Luân thành lập Đệ Nhất Đế Quốc, nước Pháp thôi không dùng lịch Cách mạng nữa. Năm I, năm II, lịch Cách mạng chỉ đếm được đến năm XII làm tôi hơi tiếc. Cách mạng Pháp huỷ lịch cũ, từ 1792 gọi là năm I, đổi tên các tháng đi nghe rất thơ mộng và ngộ nghĩnh. Tháng Hai trời mưa gọi là Pluviose, tháng Ba trời gió Ventose, tháng Tư nẩy mầm Germinal. Nhà thơ Fabre d’Eglantine nhiều sáng kiến nhưng lịch Cách mạng không thực tế, giờ chẳng ai còn nhớ đến được, trừ vài ngày quan trọng như ngày 18 Brumaire Bonaparte đảo chánh hay lâu lâu có người nổi hứng lấy ra làm tựa sách (“Germinal”, Zola), tựa phim (“Messidor”, Alain Tanner). Nhưng hình ảnh của đạo quân rách rưới đáp lời gọi tổng động viên, chân không ra ngoài biên giới đương đầu với cả Âu Châu quân chủ liên kết lại, những người lính của Năm II, dù không có khắc trên hông Khải Hoàn Môn ở bãi Etoile (“Cuộc khởi hành của Những Người Tình Nguyện” bởi điêu khắc gia Francois Rude) ngày nay vẫn còn trong tim óc của mọi người. Nếu chán xem phim bộ Hồng Kông mãi, để thay đổi bầu không khí thì ngay tại Nam Cali bạn cũng có thể ra Tower video hay Wherehouse thuê cuốn “Máu nhuộm bãi Bastille” (hay bãi Cách mạng, trước đó là bãi Louis XV, ngày nay là bãi Concorde) tức cuốn “Danton” của Andrej Wajda với Lương Triều Vĩ - Gérard Depardieu thủ vai chính, xem cũng ly kỳ lắm éo le tình tiết, chỉ tiếc cái nguyên âm tiếng Pháp phụ đề Anh ngữ, không có ai chuyển âm ngọng nghịu sang tiếng Việt để mà lơ lớ nghe thân mật. Tôi thì tôi nhìn cô đào Đức Angela Winkler (không có họ hàng gì với “The Fonz” của “Happy Days”) trong vai vợ nhân vật Camille Desmoulins không tôi cũng đủ thích, cô này mặt dại (đàn bà mặt dại làm tôi an tâm hơn, tôi thấy tôi khôn ra), có nốt ruồi duyên làm tôi ái mộ từ thủa phim “The Lost Honor of Katerina Blum” phỏng theo truyện của văn hào Heinrich Boll.

Camille Desmoulins trước kia cùng với vợ ở 1, Place de l’Odéon. Thành phố Paris có cái thói ưa khắc một tấm bảng đá bảng đồng treo trước nhà những danh nhân từng đã ở. Con đường St Honoré trước kia là nơi Robespierre khổ hạnh cư ngụ thì ngày nay là lộ phí tiền tiêu hoang của lứa thiếu phụ sáu mươi đến đó mua mù-soa bằng đăng-ten và ô đi mưa gỗ chạm, găng tay da cừu non. Robespierre bị dời ra trạm tàu điện ngoại ô, công trường Vendôme với những căn nhà kiến trúc thế kỷ thứ mười bảy là nơi đóng đô của những tiệm vàng lá Kim Thành. Boucheron, Cartier, Chaumet, Van Cleef & Arpels ở kế bên khách sạn Ritz, muốn tìm bóng dáng của nhà cách mạng chỉ chịu tắm bằng nước lạnh này phải nhiều tưởng tượng. Ông này chắc Thái Âm thủ Mệnh, Nguyệt hãm Dịa nên “thân hình nhỏ, hơi cao, mặt dài, kém thông minh, tính ương ngạnh... suốt đời chẳng mấy khi được xứng ý toại lòng, rất vất vả, thường phải ly tổ bôn ba, hay đau yếu, mắt kém, khó tránh thoát được tai nạn” (theo Văn Đằng Thái Thứ Lang) lại chắc gặp phải Sát Tinh, Tiêu Kỵ đồng cung, nhiều sao mờ ám xấu xa hộ hợp “thật là suốt đời cùng khổ cô đơn, phải lang thang phiêu bạt... không những thế, lại còn hay mắc những tai hoạ khủng khiếp và dĩ nhiên là yểu tử” (đã dẫn). Đúng thế, năm 1794, Hạn ông gặp phải Kình Đà thế nào tam hợp chiếu, ông theo gót Danton đưa cổ lên cái máy do bác sĩ Guillotin phát minh ngọt lịm và nhân đạo. Ông khiêm tốn, biết mình chẳng đẹp trai nên không có ồn ào dặn đao phủ thủ đưa đầu mình ra cho thiên hạ chiêm ngưỡng, nhất là ngày hôm đó có Camille Desmoulins vợ đẹp cũng phải theo ông lên đoạn đầu đài (tôi thấy người có vợ đẹp, nói thật tôi không ghen nhưng tôi buồn cho tôi). Robespierre ba mươi tuổi chết chém, để lại câu phê bình của Mirabeau từ lúc chàng mới vào Quốc hội Lập hiến: “Tên này rồi sẽ tiến xa, nó tin vào tất cả những gì nó nói!”.

Người dễ tin, dù là tin mình chăng nữa, làm sao mà mang tên đặt cho phi trường được. (Tôi nói thế thôi, không có ý động chạm ai, hành văn đã lệch lạc thì lâu lâu cũng phải có một câu chuyển tiếp, xin lỗi tất cả những John F. Kennedy, La Guarda và Allen Dulles, kể cả Thánh Paul ở gần ông Minneapolis). Được một trạm tàu điện đã là phúc (nhờ cung Điền Trạch tịnh minh). Căn nhà ông ở cũ tôi đi tìm không thấy, làm tôi phải lầy lội xóm Royale, đường Faubourg St Honoré thế này tôi không thích. Tôi ít tiền, đi qua những chỗ này tôi giật mình, người tôi khó chịu không được tự nhiên. Bắt tôi gí mắt vào cửa kính thì khổ quá mà vào bên trong thì chẳng ai mời tôi. Tiệm Cartier chẳng hạn, kim cương cẩm thạch của họ thế nào tôi không biết, mấy cái vớ vẩn để dùng lặt vặt tuỳ thân bày bán khắp nơi trên thế giới, vào loại hàng thông dụng, tôi nhìn đã khiếp. Cái đeo chìa khoá ngồ ngộ bán 300 USD một cái, hộp quẹt thì 300 USD có, 700 USD có, đồng hồ của họ nếu tôi có mà đeo ai hỏi giờ tôi tôi cũng tiếc của, chắc tôi không cho. Cái ligne “Must” của Cartier gồm ba cái phụ tùng, giây lưng, nước hoa gì đó, chỉ tên không đã khó nói. Tên là “Must”, tiếng Anh cẩn thận mà nếu đọc theo giọng Anh thì không được, đọc phải theo giọng Pháp mới đúng. Tôi lúng túng về việc này đã nhiều, chuyện ăn chơi tôi chậm tiến tôi đành giữ đường lối dân tộc nhất là phát âm theo tiếng Việt. Hộp quẹt “Mút”, đồng hồi “Mút” thôi chứ tôi chẳng mơ mộng mà dịch nó ra được là thứ phụ tùng “Bắt Buộc”. (Nhưng nước hoa “Thuốc Độc”, như bật lửa “Ở Bên Cầu”, như “Thành Phố Giữa Đàng” hay những con đường mang tên “Tình Cờ” “Niềm Hy Vọng Mới”). Nói thật ra, ăn chơi rất dễ học, Cartier giờ có nước hoa “Con Beo”, đồng hồ “Con Beo” đang thịnh hành, ai mà bảo đàn bà như sư tử mỉm cười hay cọp giấy mếu máo đều trật hết. Theo Cartier, đàn bà bây giờ là “Con Beo”, tôi chỉ cần lật vài trang quảng cáo là tôi đúng điệu. Ngay cả Chaumet là tiệm kim hoàn không có bày bán tạp nham ở Duty Free phi cảng mà tôi còn biết được thì tôi phải là người thanh lịch có hạng (tuy là mình xấu, vợ cũng xấu v.v...)

Anh em Chaumet bên này nổi tiếng từ mấy năm nay là nhờ xì-căng-đan chuyển tiền bất hợp pháp qua Thuỵ Sĩ. Chắc vừa mới ở tù ra nên trong Figaro Madame họ chơi ngay hai trang quảng cáo “Chaumet mãi mãi là Chaumet” có cái ảnh cửa tiệm họ ở Place Vendôme le lói như là một căn nhà ngục. Xì-căng-đan này cách đây hai năm đụng chạm đến Tổng trưởng Pháp Chalandon trong chính phủ thân hữu Chirac. Ông Chalandon lấy vợ làm tỉ phú, mặt mũi khôi ngô, tục gọi là Le Bel Albin. Trước ông điều khiển công ty Elf-Aquitaine đã tai tiếng giờ ông lại đưa vàng đưa bạc cho gia đình Chaumet gì đó để đầu tư thành ra tuy không phạm pháp nhưng mà ông cũng mất mặt với quần chúng. “Vụ” Chaumet nhờ đó mà nổi tiếng, khách quen của Tati như tôi nhờ vậy mà biết đến cái họ nhận hột xoàn cho vua cho chúa này. Kỳ này tôi về Pháp, chuyện Chaumet người ta đã quên, giờ xì-căng-đan ở bên phía chính phủ thân tả. Tôi không rõ đầu đuôi, vài ông bạn quý của Tổng thống Xã hội Mitterand dùng mánh mung rắc rối gì đó để mua bán cổ phần Péchiney và công ty Triangle lấy lời. Đảng Xã hội đang cầm quyền dính vào đầu này đầu nọ như kẹo cao su ở trên ghế tàu hoả chuyên chở công cộng, gỡ mãi không ra. Tôi xem T.V. thấy Mitterand tuyên bố đại khái là bạn tôi làm bậy thì tôi oa oa xịt, tôi không mời đến nhà nữa, tôi không thèm dùng bữa chung, tôi không nhìn mặt, bạn xấu tôi nghỉ chơi. Tôi thề. Có lẽ ông đang sửa soạn kỷ niệm huy hoàng hai trăm năm Cách mạng mà bạn ông làm bậy thế này ông mất vui. Năm nay ông làm kỹ lắm, đốc thúc cho xong nhà hát mới ở Bastille, Tổng thống bên Tây hình như ông nào cũng muốn bắt chước cọp, chết để lại da, một công trình kiến trúc, một bảo tàng nghệ thuật về sau còn mang tên. Hai trăm năm nữa, bạn bè xấu của Mitterand có lẽ người ta quên hết, quên cả hai Cộng hoà Thân hữu (République des copains) của cuối đời De Gaulle. Chắc sẽ còn Trung tâm Beaubourg-Georger Pompidou, còn Musée d’Orsay - Valéry Giscard-d’Estaing (?), còn Parc de la Villette-Francois Mitterand (?). Và nếu còn tàu điện, chắc cũng sẽ còn trạm Robespierre ở cuối đường Mairie de Montreuil, sau trạm Porte de Montreuil và trước trạm Croix de Chavaux. Nó xa xôi như thế, nếu chỉ vì mình ông Robespierre thì tôi cũng chẳng buồn đến. Trước kia là vì tôi có mối tình nên tôi mới khám phá ra nó chứ Paris đến ba trăm tàu điện vừa ngầm vừa nổi làm sao tôi biết hết. Ừ, khu La Tinh đông vui thì tôi đi dạo được, đường St Honoré không có tiền tôi đi ngang cũng chẳng ai bắt tôi trả thuế, tiện thể còn học lỏm được vài nhãn về lòe thiên hạ ở Bolsa trong quán café (hay trong ký sự), gần nhà thờ St Philippe du Roule hay viện Jacquemart-André (phòng Phục hưng Ý Đại Lợi) lại thêm vẻ văn hoá mỹ thuật. Chứ còn Montreuil, trạm tàu điện lẻ tôi đến làm gì, đèn khuya hiu hắt ánh điện câm. Hay là tôi đợi đến 1992, hai trăm năm kỷ niệm 1792 tôi đến viếng còn chưa muộn, tại Paris thế nào tôi chẳng có dịp trở lại, không ăn mừng 89 cũng ăn mừng được 92.

<< Bức tượng Danton | Minitel Hồng >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 588

Return to top