Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Ký sự đi Tây

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11366 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ký sự đi Tây
Đỗ Khiêm

Chuyến tàu đầu năm

Không biết kiêng cữ ra sao, tôi để dành xuất hành sang ngày mùng hai. Họ hàng phân tán, bạn trai tôi không màng (tính tôi ít ưa giao thiệp với đàn ông lỗ mãng), tôi gọi điện thoại cho cô bạn gái. Ngày mùng hai nàng phải đi làm, nàng chẳng phải Việt cũng chẳng phải Hoa, nàng cũng chẳng phải Do Thái mà mùng hai âm lịch cũng chẳng trùng ngày Hannukah mà cho dù có là người Việt đi chăng nữa thì ở bên Tây tết lễ cũng có vẻ thờ ơ hơn nhiều là ở Bolsa. Tôi nhớ những năm trước, quận 13 có người Tàu múa lân xin tiền, các chủ tiệm đua nhau cột giấy bạc hai trăm (30 USD một tờ) ở đầu cái phất trần, chẳng hiểu để lấy le hay là lấy hên, cũng có đốt pháo cẩn thận nhưng tôi không phải con nít, đứng coi vài phút rồi chán. Giờ bảo tôi xuống tận đường Ivry, Choisy để mục kích cái cảnh này thì quá tội, mà lặn lội đến nhà Mutualité để coi văn nghệ hội đoàn hay sinh viên thì lại còn tội hơn. Mười lăm năm về trước, cái ngày tết “Maubert” tôi còn hăng hái, chẳng những đến coi mà lừng khừng có khi còn tham dự vào nữa là đằng khác.

Tổng hội Sinh viên vào thời đó, nếu không phụ giúp cho các chị thay quần áo son phấn để tập dượt ở hậu trường thì cũng có mặt với các anh để gác cổng an ninh, khi cần hung hãn vỏ chai la-de, gậy nunchaku. Nhưng dần dà năm này sang năm khác, dân ca ba miền tôi thuộc hết, hò giã gạo với lại đập lúa tôi nghe nhàm tai, những chương trình văn nghệ Tết tôi thưa lui tới. Chọc mấy chị hoạt động thì cũng chẳng đến đâu, đánh lộn thì tôi không ưa đổ máu. Thường thường những chương trình văn nghệ như thế, năm ba ngàn người tụ họp ở nhà Mutualité (trạm métro gần nhất là trạm Maubert-Mutualité nên mặc dù nó không ở trên Place Maubert mà ở trên đường St Victor, mặc dù nó mang tên là Maison de la Mutualité hẳn hoi, người Việt ta vẫn quen gọi là rạp Maubert) thứ nhất diễn văn chính trị cho đến chín, mười giờ, nghỉ giải lao ăn chả giò ngoài hành lang, sau đó đàn ca dân tộc đến nửa đêm bắt đầu dạ vũ. Khoảng hai ba giờ sáng bao giờ cũng có ẩu đả, ghế bàn chập choạng theo người khiêu vũ. Một năm nào đó người bỏ mạng, xác kéo ra ngoài đường quẳng dưới gầm xe. Chuyện hào hứng khác mà tôi nghe kể lại là vào những ngày hội như thế, nếu bạn đứng ở ngoài đường ở sát tường của rạp thì có thể nhìn qua cửa sổ thông hơi của phòng tắm đàn bà (hay đàn ông cũng vậy) đặt dưới hầm. Gần xa nô nức yến oanh, bạn đứng trên quan sát hết mà không ai để ý. Nghĩa là ở dưới người ta không để ý chứ còn ngoài đường đi ngang thì biết ngay, vị trí chiến lược này được trấn đóng kỹ càng, tụm năm tụm mười nhưng bạn nhoẻn miệng cười thì người ta cũng có thể cho ghé đầu vào nhìn một cái. Ấy là tôi nghe nói thế, chứ phòng tắm hay chết người là những năm tôi đã bắt đầu lơ là.

Giờ ở tận Mỹ qua, không lẽ lại canh ngày đến đó mà tìm người quen, tôi quên luôn chuyện đó. Tôi gọi điện thoại cho cô bạn, ngày mùng Hai âm lịch là ngày thứ ba, dĩ nhiên là nàng phải đi làm, lại làm ở tận ngoại ô xa. “Khoảng bảy giờ rưỡi tao mới về đến nhà” nàng dặn. Nhà nàng không ở cạnh nhà tôi, cách nhau những mấy loại phương tiện di chuyển công cộng, mất có cả tiếng, tôi canh, ngày mùng hai Tết, trời xẩm tối mới xuất hành.
Chỗ tôi ở, phải đi dọc bờ sông một quãng rồi leo lên một cái cầu thang mới ra đến mặt lộ. Ở ngoài lộ, có đường xe buýt ngoại ô nhưng hai mươi phút mới có một chuyến, vào những giờ đường kẹt khi về nhà, tan sở, đi bộ đua với xe buýt bao giờ cũng thắng. Tôi đi bộ, độ mười, mười hai phút theo vận tốc trung bình bên này thì đến nhà ga xe lửa. Phải nói, ở bên Pháp, nhất là ở Paris, người ta đi bộ hay xe cũng vậy, nhanh hơn là bên Mỹ, nhất là nhanh hơn ở Bolsa. Ở Paris, nhìn ai đi chậm biết ngay là du khách. Dân bản xứ không bao giờ đứng cầu thang máy để nó đưa lên mà nó vừa đưa mình vừa chạy, ai lớ ngớ đứng cản đường đều ngoài vòng xã hội, du khách, người mới đến chưa hội nhập, kẻ tàn phế hay là hành khất bất cần đời. Mười hai phút của tôi, nhất định phải bằng nửa tiếng Little Saigon, nghĩa là xa. Phương tiện chuyên chở công cộng ngoại ô thành phố gồm những bốn loại xe. Xe lửa ngoại ô do Công ty Hoả xa Quốc gia quản lý (SNCF), tàu điện ngầm nội thành (métro), tàu điện tốc hành (RER) và xe buýt do Công ty Chuyên chở Paris (RATP) đảm nhiệm. Vé xe buýt tính theo từng chặng, cỡ năm sáu trạm gì đó bạn phải trả một “ticket”. Vé RER tuỳ theo xa gần, métro trong nội thành lại bất kể đi tới đi lui cả ngày (miễn đừng chui ra khỏi trạm) chỉ tính có một đơn vị “ticket” độc nhất. Vé xe lửa SNCF lại tính riêng, như thế ai biết được, người ngoại quốc mà ở ngoại ô muốn vào thành phố chỉ có nước nhức đầu mà chết. Thành thử ra mấy năm gần đây, có người thông minh chia Paris và ngoại vi ra thành năm vùng (zone) vòng tròn tương tự như là một cái bia tập bắn. Vòng trong, bé nhất, hồng tâm, là Paris nội thành (zone 1 và 2) rồi đến ngoại ô gần (zone 3), ngoại ô xa (zone 4) và ngoại ô tít mù tắp là zone 5, ở cách Paris những sáu chục cây. Xong rồi, vé người ta tính tiền ngày, tiền tuần, tiền tháng hay tiền năm. Nếu như tôi, bạn ở vào zone 3, bạn chỉ cần mua một cái vé ba zone 1, 2, 3 và nguyên ngày (hay nguyên tuần, nguyên tháng) bạn muốn dùng phương tiện gì cũng được, trong phạm vi ba vùng trên và bao nhiêu lần bất kể. Từ ngày có sắp xếp này trở đi, Paris xứng đáng trở thành thành phố có hệ thống chuyên chở công cộng tiện lợi nhất thế giới, vé ngày, gọi là Formule 1, tốn 25F (4 USD), trong khi vé tháng, thông dụng hơn, tốn 270F (43 USD) vào trường hợp ba zone. Tôi mua một cái Formule 1, lấy xe lửa vào nội thành qua ngõ Gare de I’Est.
Paris có năm nhà ga hoả xa tất cả, trong đó ga Lyon nổi tiếng nhất nhờ đèn vàng và tiệm cơm ngon ở trên lầu mang tên Le Train Bleu. Đèn vàng, lại Tàu Hoả Xanh. Hơi nhiều màu nhưng tôi không có hân hạnh đến được đó, nhà tôi ở miền Đông, tôi phải đến Gare de I’Est. Bình thường hai mươi phút có một chuyến, đoạn đường lại mất hai mươi phút nữa, nếu vào trung tâm thành phố thì giữa đường tôi có thể xuống đổi lấy RER nhanh gấp bội nhưng tôi không vào trung tâm và không tiện đường. RER (Réseau Express Régional) là một cải tiến mới có độ mươi năm nay, vẫn còn tiếp tục lan ra chằng chịt các ngoại ô, đặc biệt ở cái mùi (chẳng hiểu tại sao nhưng có cái mùi RER rất khác mùi métro, có lẽ để giúp người mù khỏi lạc), và như mọi phát minh, đang mang lại một nền văn hoá mới, đẩy xô thành phố. Nhưng chưa nói đến RER vội, tôi là người hoài cổ, tôi đi xe lửa rù rì, những chuyến tàu ngoại ô cũ mình bạc một từng (loại mới mình màu cam hiện đại hai từng) như trong bài hát của anh chàng nhà quê mặt ngố Gerard Lenorman: “Những chuyến tàu ngoại ô/ Như là cười ngạo em/Như là cười ngạo anh”. (“Michèle”, tương đương với “Tàu đêm năm cũ” với những sân ga năm 17 tuổi, uống ly chanh đường, uống ly chocolat chaud v.v... và v.v...) Chuyến tàu không đưa tôi trở về năm 17 tuổi, chuyến tàu đưa tôi đến métro.

Nếu ở Mỹ, kỳ quan là xa lộ thì ở Paris kỳ quan là métro. Hình như ở ngoài không gian chỉ có hai công trình nhân tạo trên quả đất mà mắt trần nhìn thấy được. Đó là Vạn Lý Trường Thành và Freeway 5 (chính nó, San Diego-Sacramento). Dĩ nhiên, métro ở Paris tuy cũng là công trình vĩ đại nhưng ở ngoài không gian dù có đeo kính viễn vọng cũng không cách nào nhìn thấy được vì nó ngầm. Métro đồng nghĩa với đường ngầm, chỉ có một vài đoạn nổi lên, chạy ở trên cầu và là đoạn thơ mộng nhất. Nhưng phần lớn nó ngầm, là một kỳ quan giấu kín do người Pháp phát minh và đến Paris nếu không viếng métro thì cũng như không uống rượu và ăn bánh mỳ, không dẫm phải phân chó và không ngồi café. Nhật Hoàng vừa mới chết - Hiro Hito gần sáu mươi năm giữ mãi trong bàn giấy một cái vé tàu điện ngầm ở Paris. Bà tỉ phú Cristina Onassis vừa mới chết, cũng từng xuống métro để người ta chụp hình, đua đòi với công chúa Caroline của Monaco (bà này còn sống, nhưng nhân tiện đây, để cho ký sự của tôi bớt phần nhợt nhạt nhẽo, tôi xin nhắc lại câu nói của một tờ báo Tây Ban Nha “Có ba loại công chúa tất cả: Công chúa trong truyện thần tiên, công chúa mang máu hoàng tộc và công chúa Monaco”). Cựu Tổng thống Giscard d’Estaing, khi ra ứng cử vào năm 74 chỉ vì không biết giá một cái vé métro dạo đó là bao mà trên truyền hình nhợt nhạt cả mặt mày không còn giọt máu tưởng tí nữa thì thất cử. Métro ngày nay, giá một vé mua lẻ là năm quan (0.75 USD), mua một carnet mười là hai mươi chín quan (4.50 USD). Người ngoại quốc ít biết khác biệt này nên những nơi nhiều du khách có nhiều người lương thiện làm nghề bán vé lẻ để kiếm lời, bán được chục cái lời ba đô la mà không hại ai tuy là business này hoàn toàn trái luật. Mười lăm năm về trước, Giscard d’Estaing lúc đó đang làm Tổng trưởng Kinh tế và Tài chánh được cả một thập niên rồi, trên truyền hình đoán mò là cái vé năm quan. Mọi người cười mãi, không ai ngờ ông này nhìn xa và giỏi tài tiên tri.

Năm quan để đi khắp hết nội thành Paris, đâu cũng có thể đến được. Trong Paris, không có trạm métro nào cách nhau quá năm trăm thước đường bộ trong khi kiếm chỗ đậu xe có thể mất cả hàng cây số. Về nhà với vợ thì nên lái xe, có hẹn với đào nên dùng métro. Phỏng vấn tìm việc, nên dùng tàu điện, sáng thứ hai vào sở, lái xe chẳng sao. Nhanh, tiện, rẻ, métro lại vừa an ninh (RER thì khác về mặt này), tạo cơ hội trau dồi kiến thức (mỗi chuyến tàu đọc xong tờ báo), métro là cả một xã hội riêng chiếm hai tiếng một ngày. Người ta hẹn hò nhau ở trong métro, có khi làm quen nhau nữa (điều này hiếm hơn), đan áo, chơi ô chữ, dò bài, mua bán từ trái cây đến mỹ phẩm, quần áo, nghe nhạc sống, xem trình diễn ảo thuật, coi T.V. chương trình cable đặc biệt của RATP, chạy tập thể thao trong hành lang và bắt mạch đời sống. Thành ngữ “métro, boulot, dodo” (Tàu điện, đi làm, về nhà ngủ) ở đây dùng để diễn tả cái nhàm chán của sinh hoạt thường ngày nhưng métro, chán hay không, vẫn là quan trọng. Như làm, như ăn. Nhiều khi chán quá, chán đời, người ta chán cả métro, (“Métro c’est trop”). Métro là cuộc sống, mùa đông métro cho kẻ không nhà hơi ấm, thời chiến métro dùng để tránh bom, làm hầm. Métro tiện dụng, nhưng yêu métro phải là người mới đến, phải là người ở xa về. Dân Paris no ấm, ngày hai bữa métro đầy đủ, chẳng còn thấy quý nữa.

Một năm rồi, tôi mới thấy métro trở lại nên không lấy đó làm khó chịu. Ở đây, phía Đông thành phố, bình dân lao động, uyên ương Tàu mặt nghệt ra cầm tay nhau, những bà mẹ Phi Châu tay bồng tay bế, những người đi làm về mặt thừ ra vào trước giờ cơm. Không có những cánh tay ngà đeo túi Vuitton, không có bọt champagne sủi, Ký sự đi tây gì chán ngấy, lại vào dịp Tết nữa nhưng có ai thấy gì là Tết đâu. Tôi cũng chán nữa, và ngày mùng Hai xuất hành, ở trạm République hướng đi về Porte des Lilas, tôi cũng chẳng thấy gì Tết hết, có sao tôi nói vậy. Có cái gì thay đổi, một năm người ta lợi dụng lúc tôi vắng mặt đem đặt những thùng rác màu vàng chanh tươi mát đầy khắp nơi. Cứ mươi thước trong hành lang lại có một cái để mà vất giấy, gạt tàn. Ngoài ra vẫn vậy, đường tàu chạy về xóm dân cư nghèo vẫn những người mặt mày thiếu ngủ, lương tối thiểu có tăng lên chắc cũng chẳng được là bao, những cánh tay ngà lủng lẳng bao plastic, những cái mũi đỏ vì cảm cúm, thiếu vitamine C hay vì lạm dụng rượu. Nhưng mà tôi không ghét, Paris này tôi yêu. Không yêu sủi bọt sâm banh, yêu, yêu vậy vậy, yêu bợt bạt như những bộ mặt tái mét mùa đông, nhưng thôi, đừng đòi hỏi, bợt bạt cũng là tình cảm. Như bà cụ già mặc áo choàng xám ngồi cuối bến, bày dăm gói đậu phộng trên cái xe đi chợ kéo theo được để một bên. Ba quan một gói, chữ “3F” cụ run rẩy kẻ bằng tay trên mảnh giấy học trò xé không đều. Bà cụ này năm trước tôi vẫn gặp, tôi vắng mặt một năm, cụ vẫn đến chỗ cụ lụi cụi bỏ lạc vào bao giấy bóng kính, bán lậu cho người đi tàu, không môn bài và không giấy phép. Một năm rồi mà chưa chịu chết, vẫn loại vớ giày con nít, đôi giày thứ dùng ở trong nhà có độn bông. Bà cụ hơn tám chục, làm sao tôi yêu được như là người mẫu trên tờ tạp chí, lạc rang có ba quan một gói, chẳng ví được với catalog của những cửa hàng Duty Free ngoài phi trường quốc tế liệt kê nào nước hoa, xì gà, rượu quý. Chỉ có mỗi một món hàng, ba quan mà tôi cũng chưa lần nào mua giúp. Tôi chỉ yêu bợt bạt, chắc để đợi bà cụ chết rồi mình mới có chuyện để mà tiếc. Tiếc món lạc rang bà già bán trên bến tàu điện ngầm buổi tối, đường đưa đến nhà cô bạn mà mình chưa bao giờ được ăn.

<< Căn nhà ba bếp | Gói ca-rô đỏ >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 575

Return to top