Về truyền hình thì chuyện đã đành. Nhưng còn có những dấu hiệu khác làm tôi ngại hơn tí xíu. Người Mỹ sáng chế ra cái hình trong hộp, hộp 27 inch để trong phòng khách, hộp 21 inch để trong phòng sinh hoạt gia đình, hộp 19 inch để phòng sinh hoạt vợ chồng, hộp 13 inch để trong bếp, hộp 7 inch để ngoài hồ bơi, còn có cả hộp 3 inch để mà bỏ túi, chạy bằng pin, đi đâu mang theo cũng được, thì họ nhất về truyền hình là phải, còn ghen tức cái nỗi gì. Nhưng Hoa Kỳ nhất định không phải là nước phát minh ra mẫu tự và cũng chẳng phải là nơi sáng chế ra giấy, mực, nhà in. Vậy mà, sau khi đến Centre Commercial Rosny 2 đi một vòng thương xá vào buổi tối, lót bụng bằng Hamburger rồi vào tiệm sách báo xem chơi, tôi giật mình. Trong tiệm sách, có những chỗ để bày sách bán chạy, sách best-seller, nghĩa là bước vào thì thấy ngay, như là quân cảnh xét giấy ở Việt Nam, muốn tránh cũng không khỏi. (Kỹ thuật bày sách này rất hữu dụng, chỉ tiếc là hình như các tiệm sách Việt ở Bolsa chưa nghiên cứu tới nơi, bằng cớ là sách của tôi, tôi vào tiệm của họ tôi tìm quanh quẩn độ nửa giờ tôi mới thấy). Cầm vài ba cuốn lên chơi (chẳng phải vô tình vì best seller được bày một cách rất khoa học. Bước vào tiệm, dừng chân lại, tự nhiên sách nào bán chạy tự nhiên nó rớt vào tay) tôi thấy tác phẩm mới nhất của Tom Wolfe, bản Pháp dịch ra là “La Foire aux Vanités” trùng tên với sách đời nào của Thackeray (Thạch Sĩ Cay). Cuốn này năm ngoái hàng nhất ở Hoa Kỳ, mới ra bìa mềm. Bên Mỹ, phi trường, bến xe đò Greyhound nào cũng thấy. Thôi được, tôi đặt xuống, quyển thứ nhì rơi vào tay là bản dịch của cuốn nói về đời lưu vong của ông Shah do William Shawcross viết. Cuốn này còn nhanh nữa, vẫn còn đang chạy ở Hoa Kỳ, tôi cũng OK đi. Hai ông nói trên đều viết những sách có giá trị, nó bán chạy bên Tây bằng bên Mỹ thì càng tốt, tôi nói thật cả hai tôi đều thích và muốn đọc bạn khỏi cần đi Tây, chỉ cần ra nhà sách trong Mall gần nhất, Westminster Mall, Anaheim Plaza quanh quẩn đâu đây. Đến cuốn thứ ba, này nhé, lại là Linda Evans dạy phái nữ làm cách nào để giữ gìn sắc đẹp và sức khỏe. Tôi vội vàng đặt xuống, sau cuốn này tôi nhất định nắm chặt hai tay lại, thọc vào túi quần cho chắc, lủi vào các xó tối tăm để tìm cuốn tiểu thuyết nào của Patrick Grainville, cuốn thuật chuyện nào của Gilles Perrault. Tôi không thấy, vòng trở ra thì đập ngay vào mắt (tay tôi vẫn còn nắm chặt trong túi như đã nói) cuốn sách của Rika Zarai. Vừa lòng chưa, không phải là sách dịch từ tiếng Anh sang, bà này Pháp hẳn hoi và ở bên Tây nổi tiếng nhờ ca hát. Bán rất chạy là sách bà chỉ cách chữa bệnh bằng rau mùi, rau ngò, húng quế, hành ta và dược thảo nói chung.
Nếu sách ở bên Tây có vẻ đang lâm vào tình trạng bi kịch truyền hình với loại hồi ký Joan Collins và tập thể dục Raquel Welch thì phía bên sạp báo tôi thấy sáng sủa hơn. Le Point, L’Express tôi không biết giờ có còn ai đọc, tờ Nouvel Obs một thời vang bóng này độ nhật (độ tuần) bằng trang quảng cáo tìm bạn kiểu “Prof. Lib. (Hành nghề tự do) 50 tuổi, chưa hói, tìm phụ nữ 35 trở xuống, biết bơi, để Phục Sinh này đi thuyền quanh Ile de Man”. Ngược lại, tạp chí mới ra nhiều đếm không xuể, thế hệ 68 ngày trước bịt mặt cầm gậy sắt lò cò trên đường đánh cảnh sát giờ vô khối làm chủ báo. Serge July vững chắc tờ Libération hàng ngày, Bizet lập thành luỹ với tờ Actuel hàng tháng. Thơm phức mùi nước hoa tư tưởng là tờ Globe điểm trang thêm cho cựu tân triết gia làm dáng Bernard Henry Lévy, rồi nào Passsages, nào City, tạp chí ra ào ạt. Nhóm Le Monde củng cố rồi bành trướng vẫn với cái dáng đạo mạo Đệ Tứ Cộng hoà từ ngày khai sinh đến giờ, lấn qua những chủ đề chuyên môn, hết Le Monde Diplomatique, Le Monde de I’Education, I’Etudiant, de La Philatélie năm nay còn có Le Monde de La Révolution để kỷ niệm 1789. Báo Phụ Nữ có chiều Âu Hoá, Anh và Đức đua nhau ra các ấn bản tiếng Tây (và ngược lại), báo Nam Nhi cũng vậy. Dĩ nhiên Play boy, Penthouse vẫn có ấn bản bằng tiếng Pháp từ lâu nhưng Club của Anh giờ cũng xen vào và tờ Lui của Pháp tự nhiên phát minh ra lối mới. Mỗi tờ in làm hai tập nói chung, một tập đứng đắn (như mới đây có phỏng vấn Đức Giám Mục Gaillot) và tập kia hình ảnh nõn nà. Có lẽ là để cho các nha sĩ mua báo dài hạn tiện việc khấu trừ vào thuế, tập đứng đắn để ngoài phòng đợi cho thân chủ đọc đỡ đau răng, tập hình ảnh để ở phòng ngồi lật lật những khi vắng khách. Tôi thấy phát minh một tờ mà hai tập này cũng lạ, không hiểu từ đâu ra. Chắc đầu óc người Pháp bây giờ rộng lượng, cái gì ra cái đó chính xác, khỏi cần lập lờ, ờ, tôi đang coi bài nói chuyện với Daniel Ortega, Chủ tịch nhà nước Nicaragua, ở trong Lui. Không, Alain (Finkielkraut) một bên, Sylvaine (các cô người mẫu này thường thì không có họ) một bên. Chẳng hiểu từ đâu ra, cầm tờ báo L’Express lên rơi vài ba tập lỉnh kỉnh L’Express-Paris gì đó, phải nhặt lên xếp lại, đến lúc cầm tờ Figaro cuối tuần tôi mới vỡ lẽ. Figaro cuối tuần một xấp, bên ngoài là báo, bên trong nào Figaro-Magazine giấy láng, nào Figaro-Madame, nào Figaro-Télé. Kiểu này tôi đã có thấy ở đâu, loáng thoáng trở về trong ký ức. Báo nào bên trong vừa có Tạp chí, vừa có tập riêng cho chương trình TV, vào ngày Chủ nhật, ra trước nhà mà xem thằng bé đi xe đạp đeo hai cái túi liệng vào sân bạn đánh bốp, lằng nhằng cột lại bằng sợi dây thun và nặng chừng hai ký - báo Mỹ.
Trong hai ký đó, tờ do Mỹ ngày Chủ nhật để dành một ký rưỡi riêng cho quảng cáo khiến nhiều người sáng Chủ nhật dậy sớm đi tìm tờ báo chỉ để xem quảng cáo, rao vặt mà thôi. Mua xe, bán nhà, cửa hàng nào đại hạ giá, Special, Clearance để kỷ niệm khai trương hay bất cứ ngày lễ nào làm cớ. Về mặt này, báo Pháp còn hơi kém, phần quảng cáo chưa được phồn thịnh bằng ở Hoa Kỳ, mở tờ báo ngày cuối tuần chưa thấy rơi ra lủng củng mười lăm mười bảy tờ fliers vớ vẩn, nào drugstore, department store, nào coupon trừ tiền trên café thuốc lá và kem dưỡng da, thuốc nhức đầu. Và kém nhất trong các tờ báo Pháp về mặt này là một cơ quan ngôn luận hàng tuần phát hành trong ngày thứ tư. Nếu bảo tại nó mới ra nên chẳng ai buồn quảng cáo cũng không phải. Tờ này có từ 1917. Nếu bảo nó bán ít nên không có thân chủ thì cũng không đúng. Hiện nay tờ này phát hành 600.000 số. Lý do đúng nhất là vì nó ít chỗ, vỏn vẹn có tám trang khổ nhật báo mà ban biên tập lại siêng năng thành ra không còn một mẩu nào trống để chừa cho quảng cáo. Từ bảy mươi hai năm nay, tờ Canard Enchainé đại để về hình thức trình bày vẫn thế và chưa bao giờ nhận quảng cáo cả. Đây hẳn là một biệt lệ trong làng báo ở các nước mở mang kỹ nghệ. “Con Vịt Mắc Xiềng” do vợ chồng Maurice và Jeanne Maréchal thành lập trong thời Đệ Nhất Thế chiến là một huyền thoại sống mạnh được nhiều nơi bắt chước, từ Moscow, Nga, Dakar, Sénégal, đến ngay cả Sài Gòn, Việt Nam.
Tôi quen với tờ báo này nhờ một người Nam Tư lớn tuổi giới thiệu. Vào dạo giao thiệp nhiều với nhạc sĩ này, ông ta đoan chắc với tôi là ở đời không cần học hỏi gì ở đâu cả, mỗi tuần chỉ cần đọc “Con Vịt Mắc Xiềng” là đầy đủ. Dạo đó tôi còn trẻ, cũng gắng nghe lời ông ta làm thử, chẳng thấy thú vị gì, lại đâm ra nghi ngờ cái bọn làm nhạc, không tin được. Phải đợi đến có cả thập niên sau, gặp lúc cùng cực thờ ơ với cuộc sống, không buồn đi ra đến cả ngoài đường, tôi mới thấy lời nói của vị tiền bối này đúng đắn. Khi chán đời, chẳng còn thiết đọc gì nữa, mỗi tuần tôi vẫn còn đọc được “Con Vịt Mắc Xiềng”. Những lúc nào phải bôn ba ly tổ, tha phương mãi những nơi ngoài đường sạp báo kiếm không ra tờ này, tôi rất nhớ tuy là đặt mua dài hạn bằng máy bay là chuyện có thể làm. Nhưng “Con Vịt Mắc Xiềng” cũng như bánh mỳ Tây, gửi đi xa ăn không còn ngon nữa, nó thú vị ở những mốc bám vào đời sống tại chỗ hàng ngày, độc giả ở xa dù có quen thuộc mấy cũng chỉ mù mờ được nửa hay ba phần tư, không cách nào mà nắm hết. Đọc “Con Vịt Mắc Xiềng” phải ở ngay tại chỗ, phải liên tục sống và liên tục đọc, không được bỏ số nào, không được nhịn thở một phút như lúc tắm nằm “lặn” trong bồn. Tôi về đến Pháp, qua khỏi thông hành, quan thuế là vơ ngay tờ báo, ngay tối ấy về nhà đọc trước khi ngủ, chỉ thấy như là người tình cũ đã quen, mừng ở những cái nhận ra ngay được nhưng buồn ở những cái không có đó mà chia sẻ. Nhiều chuyện lạ trong khi tôi vắng mặt, nước Pháp được “Con Vịt” phản ánh chẳng phải là nước Pháp của một năm về trước, như một kiểu tóc mới, một màu móng tay vừa đổi, hình như là năm ngoái, lần chót gặp, nàng chưa có kiểu gót giày này. Tôi hơi bỡ ngỡ, tờ “Con Vịt” tôi không hiểu hết, một năm mà, những xa lạ cũng bình thường thôi.
Thời sự của tháng Hai này vòng vo chung quanh cặp vợ chồng Tổng trưởng Tài chánh Pierre Bérégovoy mà điển tích bắt đầu ra sao tôi không được biết. Chính quyền và đối lập hết khoe vớ của mình lại đòi xem vớ nhau, tôi là người đến vào lúc câu chuyện đã sắp tàn, chẳng rõ họ muốn ám chỉ gì hay ai nói xấu nói đẹp gì ai. Ngoài cái ví von ở trường chính trị này, được bàn ra tán vào trên mặt báo và quầy bar là bài phỏng vấn Đức Giám Mục Gaillot trên tờ Lui. Tôi không được xem tận mắt, thứ nhất báo Lui đã được phân rõ rệt, phần đứng đắn và phần phụ nữ hở hang. Thứ nhì, ngay cả phần hở hang của báo Lui cũng không hợp nhãn tôi thì phải, chẳng tại tôi đạo đức nhưng không cứ loại đàn bà nào chụp hình cởi truồng tôi cũng thích cả và đàn bà báo Lui tôi không ưa nổi. Tôi bị cái tội tủi thân, những cô vạch áo choàng lông nằm trên thảm da beo chỉ làm tôi sầu khổ thêm về cái tội nghèo và không biết ăn chơi nên tôi coi làm gì những loại Centerfolf này nếu không phải là để than thân trách phận những lúc buồn. Cho nên, phụ nữ trên hình, tôi chỉ chịu đựng được những týp bình dân hơn. Kỹ nghệ làm báo đàn ông ở Tây Phương nói chung bây giờ chuyên nghiệp hoá, chẳng khác gì báo dành cho đàn bà, có tờ coi được, có tờ coi thích, có tờ coi bực mình vô ích và tờ Lui đối với tôi thuộc vào loại thứ ba. Cho nên chuyện Giám Mục Gaillot hấp dẫn thế mà tôi cũng không tìm đọc tận mắt, chỉ nghe qua dư luận bình phẩm ở những báo bên ngoài.
Việc giám mục hạt Evreux đội nón tím lên báo có nhiều ảnh đàn bà phóng túng chẳng có gì đáng để ý ở tự nó. Ông này không làm chính trị theo chiều “thần học giải phóng” bắt nguồn từ Nam Mỹ nhưng về xã hội ở Tây Phương ông có nhiều cái nhận xét ngây thơ khiến đến cả tờ Con Vịt còn phải động lòng. Báo Con Vịt là chiến luỹ cuối cùng của những người ưa chọc tăng ghẹo lữ theo cái tinh thần “cộng hoà giáo làng” của đầu thế kỷ. Hơn một trăm năm về trước, lúc Đệ Tam Cộng hoà tại Pháp mới phôi thai, tại mỗi xã bên Tây ông giáo viên là nhân vật điển hình cho văn minh cấp tiến và ngài cha xứ là người tượng trưng cho đạo đức cổ truyền. Trường học đối diện với nhà thờ, hai vị này nhìn nhau hò hét, mỗi người đứng trên một bục giảng, để tranh giành mấy mái đầu thơ tóc vàng hoe. Một bên thổi kèn bản Marseillaise theo Jules Ferry chủ nghĩa, một bên ò e đàn orgue thánh ca, chỉ khi nào đến mùa rượu đỏ Beaujolais nouveau vừa được cất xong mới hưu chiến, gặp nhau hội đàm được ở nơi trung lập là quán café. Đến ngày nay cái chuyện ân oán này gần như là xí xoá hết, chỉ có tờ Canard thù dai nên vẫn nhắc nhở đến thôi. Ông Giám Mục này hơi lạ, phim “The Last Temptation” ông nhận xét chẳng việc gì cấm quần chúng xem, dùng bao cao su ông thấy có lợi ngừa được bệnh Aids, phong tục phóng túng ông không ngại bằng bất công và nghèo đói. Tờ Con Vịt chẳng mấy khi có dịp gặp địch thủ Giáo Hội nào cỡ đó nên vội vàng phong thánh cho vị này ngay. Dĩ nhiên, chẳng có cách nào mà chiều lòng được tất cả mọi người. Con chiên có vài đám bảo thủ giận dữ biểu tình trước nhà thờ phản đối, Đức Hồng Y đứng đầu Giáo Hội Pháp chau mày, Toà thánh Vatican hắng giọng nghiêm nghị. Bây giờ mới vào tháng Hai, chưa đến mùa rượu Beaujolais mới, không có lý do gì để giáo học và giáo hội cụng ly thân thiện với nhau trong quán nước hay là trên báo cởi truồng. Nhưng câu chuyện này cũng nhạt, chẳng được sống động bằng chuyện cảnh sát đã chiến cầm dùi cui đàn áp cai tù trong khi các tội phạm đứng nhìn và cổ võ (không biết phe nào) ở đằng sau chấn song.