Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Ký sự đi Tây

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11377 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ký sự đi Tây
Đỗ Khiêm

Cái show tình ái

Tôi biết điều nên đến đường St Denis tôi không đi thăm ai. Tôi đạo mạo xuống Forum vào Fnac đọc sách cọp, lân la từ gian này sang gian khác, đến gian sách hình tôi mỏi cẳng ngồi bệt xuống y như người ta. Các tiệm sách ở khắp nơi, tôi chỉ nhớ có mỗi một tiệm ở Copenhague là lịch sự bày ghế đi-văng ra cho khách ngồi mà lật. Còn ở đâu thì cũng chỉ có xem đứng. FNAC nhờ rộng mênh mông, thênh thang hành lang nên có vẻ thư viện tuy là cũng không có bày ghế bày bàn. Được cái vì nó lớn nên khách hàng tự tiện, đây đó thản nhiên ngồi trên thảm mà điều nghiên kỹ càng. Có cái, đọc hết “Chiến Tranh và Hoà Bình” tại chỗ thì cũng mệt, người ta ngồi xuống đất thường để coi một quyển “B.D” (Bandes Dessinées). Tôi thấy người ta làm vậy, tôi đua đòi bắt chước.
Thật sự thì văn hoá “B.D” tôi rất kém. Tôi biết mang máng là ngành nghệ thuật này cũng có festival hàng năm ở Angoulême, nói tên tác giả, nhân vật “B.D” tôi cũng kể được vài ba người, kiểu như ta ưa nhắc đến Henri Miller hay là Arthur trong tiệm phở vậy. Ngồi tiệm phở, nếu nói đến “B.D” tôi cũng lẩm nhẩm được Hugo Prat, được Tardy, được Moebius, đại khái như là hai ông Miller vừa mới kể, có ông lấy Marilyn Monroe làm vợ, có ông nhiều Tropiques, Tropiques buồn thì phải kể đến Levi-Strauss, sang đời Lacan nó trở thành “Topiques”, còn Marilyn Monroe thì tối đi ngủ chỉ “mặc” có Chanel No.5, ấy, tôi cũng là người lăng nhăng kiến thức, tôi lâu lâu có đọc cả People Magazine. Thì cũng như ngồi tiệm phở, phải biết có nhiều loại cọng, cọng nhỏ, cọng lớn, có nhiều cách xào, xào dòn, xào mềm, áp chảo linh tinh. Chẳng cần phải là chuyên viên, cũng nghe nói được đến Libératore và Bilal, ngành nghệ thuật thứ tám thứ chín thứ mười gì đó hiện nay đang thời thượng. Nhà văn Patrick Besson, người hiện nay đang làm star ngồi bồn tắm có bọt xà phòng của văn chương Pháp vừa ngọ nguậy ngón cái ở chân vừa tuyên bố “Tôi nghĩ rằng Goscinny quan trọng hơn Bergson”. Bergson là triết gia đầu thế kỷ, ở Paris có trường trung học mang tên Goscinny là người viết lời của tập truyện Asterix, trẻ con, người lớn khắp thế giới đều biết. Besson là đào tơ của văn học hiện nay, tôi xin lỗi, kỳ này về Pháp, tôi không nghe nhắc đến bà Duras nữa. Bà này, hên quá, nhờ sinh trưởng trên đất Việt, nên dù sao vẫn còn quậy bọt được ở Bolsa.
Tôi hơi nhà quê, vào thế giới của “B.D” tôi lạc lõng. Tôi biết Tardy có vẽ “B.D” theo “Voyage au Bout de La Nuit” của Céline, Druillet có vẽ truyện hình theo “Salammbô” của Flaubert và tôi làm quen với Léo Malet qua tranh vẽ “Brouillard au Pont de Tolbiac” chứ không phải là nhờ học văn tác giả, nhưng ngoài ra về “B.D” tôi rất dốt. Tôi lục lại các giá đựng sách mà thấy nóng ở tai như người mù chữ giả thành thạo, như người mặc quần tergal gấu không che nổi đôi dép Nhật Bản phải bước vào những nơi lịch lãm quận Cam như nhà hàng Favori hay Song Long. Ở đời chẳng bao giờ mà lúc nào, ở đâu, việc gì cũng thành thạo được cả phải không, tù trưởng ở bộc lạc này, cổ đeo nút phéng Pepsi cẩn thận, thế mà đi sang buôn khác, có khi là thằng ngố vì mọi người ai cũng căng tai bằng vỏ chai Coca. Tôi lựa đại một cuốn bìa vẽ coi sáng sủa, có cô tóc cứng hở vai đang ngồi tụt quần sì-líp: “Đời Sống Tân Thời” của Philippe Bertrand.
Philippe Bertrand không dính dáng gì đến văn chương. Truyện hình chàng hơi xa Flaubert và cũng chẳng gần Maupassant. “Đời Sống Tân Thời” scénario hơi lủng củng, cốt truyện hình như là trinh thám gì đó, có nhiều đàn bà hở mông, nhiều đàn ông hở bụng rượt đuổi nhau trên cái khung xanh xám và sắc nét của những án mạng tầm thường. Thời đại mới mà, một vài cảnh tôi quen thuộc, một quán rượu mang tên Bartok hao hao tranh “Boulevard of the Broken Dreams”, một trạm xăng giống như trạm trước khi vào thành phố Las Vegas (tôi cũng chẳng hiểu tại sao), có lúc có vẽ hai cô con gái, cô này cầm vú cô kia gợi lại bức truyền thần Gabrielle d’Estrée vào thời Phục hưng. Nhân vật chính mang cái tên gợi cảm là “Linda yêu nghệ thuật”. Tôi cũng đâm ra yêu nghệ thuật nốt, cái ngành thứ tám, thứ chín thứ mười gì đó của những người tóc đang cao ót, để chỏm và bôi gel. Tôi yêu nghệ thuật nhưng Linda tôi yêu hơn là Buck Danny. Coi cọp xong quyển album của Phipippe Bertrand tôi bắt đầu thấy nóng người, ai bảo sách báo khiêu dâm không có ảnh hưởng xấu, giờ tôi buồn đi coi show.
Paris có nhiều thứ giải trí. Như hộp đêm chẳng hạn. Những hầm rượu cũ đường Dauphine, đã từng có Boris Vian thổi kèn, đã từng có Juliette Gréco hát vào cái thời zazou ngày nào. Những nơi vừa mới mở ngọ nguậy tài tử sắp nổi lên và minette con nhạn là đà ngoại ô. Nhưng tôi không có áo quần đúng kiểu, nhảy đầm tôi lại ghét, vào cua đào thì phải la hét mỏi cổ và ù tai, lần này tôi lại là du khách, du khách không bao giờ đến Bains, Garage hay Bus Palladium cả (tuy là đến Bus Palladium may thì có thể trông thấy Eric Neuhoff hay Patrick Besson sau những giờ mệt mỏi viết văn của hai ông). Du khách Paris, có nhảy đầm thì cũng chỉ nhảy ở cabaret chứ không nhảy boite, lấy nhảy đầm làm phụ và lấy show làm chuẩn, du khách thì phải đi coi bằng được Moulin Rouge, Lido, Folies-Bergère, Crazy Horse Saloon, Paradis Latin.
Những cái revues thuộc loại gắn lông đà điểu vào giữa mông này cả thế kỷ nay làm kinh thành ánh sáng lừng danh thế giới. French cancan du nhập sang tận miễn Viễn Tây Hoa Kỳ, cùng một lúc với French fries (món này cầm nhầm của người anh em Bỉ), vớ résille, giày đế cao, một hai ba ta cùng đưa đùi lên ai cũng biết. Đến ngày nay đoàn vũ Lido, các cô Blue Bell Girls, đoàn vũ Moulin Rouge, các cô Doris Girls, vẫn tiếp tục sang Nevada trình diễn, ở Caesar’s Palace, ở Sahara Hotel để khuây khoả phần nào nỗi buồn của những người thua bạc. Chỉ khác có cái là luật lệ Nevada nghiêm khắc, bạn có được xem những show này ở Vegas cũng không thấy đầu vú hồng như ở ngay Paris. Bên Mỹ người ta nhã nhặn bắt ngang vỏ sò, ngôi sao lấp lánh ở trên ngực, áo quần bớt hở hang hơn, có thế thôi, ngoài ra cái gì cũng giống khi những đoàn vũ chính hiệu này lưu diễn sang đây. Crazy Horse Saloon thì không đi đâu hết nhưng ở tại Macao có một bản copy không cầu chứng với vũ công tóc vàng cẩn thận để quần chúng Trung Hoa thưởng lãm bên cạnh ly cognac bỏ đầy đá cục. Tôi chưa được đi xem Crazy Horse ở Paris, tôi chưa được đi xem Carazy Horse ở Macao, cognac cầm hâm trong lòng tay hay là bỏ đá tôi cũng đều không uống cả. Nhưng Moulin Rouge, Lido thì tôi đều đi cả, những mấy lần, hình như còn có hình lưu niệm nữa thì phải, lâu rồi, tôi không treo ở trong nhà trên tường và không để trong album để mời khách đến chơi bắt buộc phải xem.
Những show này, có lẽ hàng trăm năm nay không thay đổi. Có anh làm trò ảo thuật rồi có anh hề ra diễn câm (Diễn câm vì cử toạ đại đa số là người ngoại quốc, phải làm sao cho mọi người cùng cười mới được). Có con cá heo cởi sú-chiêng cô thợ lặn rồi có hai ba chục cô ít quần ít áo, nhiều lông đà điểu, lông gà lông vịt đủ màu nhịp nhàng chạy tới chạy lui coi rối cả mắt. Dạo này giá một buổi trình diễn như vậy 510F (80 USD), có cả cho ăn và cho uống nhưng thật tình mà nói mỗi lần được ăn ở Cabaret thuộc vào trứ danh hoàn vũ này tôi không khỏi nhớ đến những ngày còn ở trong nội trú. Dĩ nhiên, ở nội trú, ăn xong bữa không có những bà đầm làm bếp leo lên bàn nhún nhẩy chổng mông, không có những cô lao công rửa chén cắm chổi phất trần vào giữa đít để giúp vui cho đám thực khách học trò. Nhưng mà, ở nội trú, có khi bữa ăn còn ngon hơn bữa ăn ở trong Moulin Rouge. Trò revue quốc tế này có vẻ trở thành trò lường gạt quốc tế, lợi dụng tính dễ dãi của người Đức, người Nhật, người Anh v.v... và cả người Pháp nhà quê lên tỉnh. Nếu vào cửa, bạn quên đeo cà vạt (du khách không đeo cà vạt là chuyện thường tình), người ta có thể cho bạn mượn với giá năm, mười đô la. Ăn cơm xong, mặt bạn có còn bất mãn, người ta lại bàn đè bạn ra chụp hình để bắt bạn phải cười. Và bắt bạn trả thêm năm, mười đô la nữa để có cái kỷ niệm mặt mày ngớ ngẩn đóng khung bằng hàng chữ Mou-lin-Rouge hay Folies-Bergère, Paris.
Thành thử ra, biết cái này rồi, không lẽ tôi lại lần mò trở lại làm gì. Hình kỷ niệm tôi đã có, tôi cũng không phải là Trọng Thuỷ để mà hào hứng gì cái việc Mỵ Châu lông ngỗng đưa đường. Show tôi muốn đi coi đây là Sex Show. Cái gì ra cái đó, không phải là thứ show đại gia đình đưa nhau đi coi được, hấp dẫn mấy cụ già mà vẫn mang vẻ văn hoa Tây, cũng không phải thứ show vài ba phút sau kính softcore, đây là khoả thân khêu gợi và diễn xuất lấy ái tình thể xác làm chủ đề chính, không có ảo thuật, không có hề câm, không có nhảy đầm và không cho ăn súp lõng bõng như cơm nhà binh hay là trong trại tù. Show rõ rệt cấm dưới mười tám tuổi. Tôi ra khỏi hầm Forum, bò lên đường St Denis trở lại để điều nghiên.
Cái rạp tiện lợi nhất nằm ngay trên con đường đã được giới thiệu này. Ngày trước tôi biết bên kia sông, ở khu Latin có một théâtre khác chuyên trị trò này, lạc lõng bên những rạp ciné Art et Essai dành cho sinh viên. Ngày đó coi phim còn phải tính coi có đủ tiền để về xe, tôi chẳng bao giờ vào được cái nơi bí ẩn “chặt” hơi nặng này. Tên rạp rất khêu gợi tôi còn nhớ rõ, “Théâtre des deux Boules”, và mục chính được quảng cáo bên ngoài là “Làm tình trên một cái lưới đặt trên đầu bạn chỉ cách có hai mươi phân”. Hai mươi phân thì cũng gần như đặt ở phía trên coi xong thế nào cũng mỏi cổ làm tôi hơi thắc mắc. Ghế trong rạp là ghế thẳng hay ghế duỗi người như ghế dài bên hồ bơi? Tôi nhớ mang máng có thời ông bầu nhập cảng cả nghệ sĩ từ Thái Lan sang, phóng phi tiêu, thổi banh ping pong và biểu diễn nuốt dao cạo, bằng cửa mình. Qua sông khỏi cần sang Vọng Các, Patpong nhưng giờ chẳng biết rạp còn hay đóng và tôi cũng không phải là Kinh Kha để mà mang dao cạo vượt giòng Seine bằng cầu St Michel hay Pont Neuf. Tiện ở đây tôi đi lòng vòng.
Tôi đi lòng vòng bởi vì cái gì dính dáng đến ái tình, dù là ái tình sân khấu, ái tình biểu diễn đi chăng nữa tôi cũng không ưa đi thẳng. Tôi phải đi ngang một lượt, rồi lại đi vòng trở lại qua. Độ vài bận, lúc thì giả đò trầm ngâm suy nghĩ, lúc thơ thẩn mạnh dạn nhìn vào rạp, tôi mới suy xét xong địa thế. Théâtre St Denis nằm ngay ở khúc còn lẫn lộn những cửa hàng quần áo kiểu cọ bên cạnh những rạp vidéo, phim X. Những cửa hàng quần áo thì người ta ra vào tấp nập, cái rạp trình show này thì im lìm trang trọng như một nhà đòn đám ma. Đợi dịp một người đàn ông đứng tuổi, áo pardessus nón nỉ dáng dấp đứng đầu văn phòng kế toán của công ty loại nhỏ lân la đọc những bài giới thiệu yết thị ngay cửa rạp, tôi cũng xà vào cho có bạn. Cô thâu viên ngồi quày ở mãi phía trong đang nhìn trần ngáp vặt không buồn hạ mắt, tôi tự tiện chắp tay sau đít đọc đi đọc lại những phóng ảnh nhật trình đóng khung. Có cả một bài của ông Philippe Bouvard ân cần quảng cáo. Ông Bouvard thì tôi có biết, ngày nào ông cũng lên màn ảnh truyền hình, ông viết tạp nham trên hàng trăm thứ báo lẩm cẩm, từ France-Soir đến Paris-Match, từ Pariscope đến báo của nghiệp đoàn bán thịt tiểu thương, vừa mô phạm quần chúng vừa về hùa với đám đông. Thành thử ra ông nổi tiếng, lời văn ông rất quan trọng, nếu ông hạ bút phê là rạp ái tình này đứng đắn thì ắt nó phải là đứng đắn. Đại để, ông phán là bên trong hoạt cảnh tuy xác thịt nhưng vẫn nề nếp, người ta có làm tình trên sân khấu nhưng mà vẫn giữ được trang nghiêm. 190F đáng đồng tiền, mấy khi mà dung hoà được dục tính và lịch thiệp, cái này thì chỉ có người Pháp làm được. Ông bạn kế toán của tôi lẳng lặng vào, tôi quyết định vào theo.
Cái rạp ở bên trong bé tí, có khoảng chừng năm mươi chỗ ngồi nhã nhặn và ấm cúng nhìn xuống một cái sân khấu cỏn con ở trên bày sẵn một cái giường. Ánh sáng và trang hoàng ở đây kín đáo và sang trọng, đúng như lời ông Bouvard. Những nơi như thế này, thường phạm phải lỗi lòe loẹt nếu có tiền và khi túng thiếu lại xem càng đáng tội. Ở đây, mọi thứ đều vừa phải, có gu, kể cả cái phòng ngủ rất “quận 16” ở dưới chân quan khách. Chưa đến giờ show, cả rạp vỏn vẹn có bảy người ngồi chờ đợi và tôi là người trẻ nhất.
Một suất trong tuần, thu chỉ có bảy lần 190 là 1330F mà đủ tiền để giặt thảm sạch sẽ như thế này thì cũng giỏi. Ngoài ra tôi, cử toạ đều có vẻ là người Pháp, có lẽ một vài người Pháp tỉnh lẻ như cặp vợ chồng chỉnh tề ngoại bốn mươi ngồi một góc. Người đàn bà duy nhất hiện diện ở nơi này phấn son nhã nhặn, tóc chải đứng đắn, tất cả những đàn ông có mặt đều cà vạt, com lê, có ông cặp da như trên đường ở sở về nhà. Mình tôi là ngoại lệ, tôi tự coi tôi có cái vẻ tà gian, tôi hơi bối rối khi anh chàng diễn viên xuất hiện.
Anh này, dĩ nhiên chẳng nổi tiếng bằng ông Bouvard nhưng tôi thấy quen nét mặt. Trong cái nghề diễn xuất con heo, nam tài tử chẳng có mấy mặt nên anh ta hình như tôi đã từng bắt gặp trên phim. Con mắt xanh lơ lẳng, mặt trơ trán bóng nhưng anh ta không đến nỗi vô duyên. Anh thuộc vào tuýt đẹp trai bình thường, phục sức cũng không có gì dị hợm, rất có thể hoà đồng được với các người ngồi xem. Chỉ có mái tóc bồng bềnh hơi đĩ thoã, một vài tiểu tiết quá đáng trong ăn vận cho ta thấy anh ta thuộc loại tài tử chứ không phải là chuyên viên địa ốc hay hành nghề bảo hiểm, luật sư tai nạn xe cộ, nhập tịch, di trú, thẻ xanh. Giày Ý Đại Lợi của anh bằng da cừu non hơi quá nhẵn, áo sơ mi xanh bằng lụa cổ tay gài cẩn thận bằng bouton măng-xét vàng chứ không phải bằng khuy. Anh ta chào hỏi từng người, ga-lăng nghiêng mình trước phụ nữ duy nhất, khoan thai như là đang giới thiệu một vở kịch của Anouilh nhẹ nhàng về tình yêu. Không phải Feydeau, không phải Laclos, đến lượt cô diễn viên từ tốn bước ra cho khán giả chiêm ngưỡng dung nhan, e lệ cười như cô dâu tương lai vào ngày chạm ngõ.
Đàn bà cởi quần áo thì đã dễ nhưng anh chàng này tôi mới phục. Anh từ tốn thoát ra khỏi bộ y phục, miệng vẫn mỉm cười và màu mắt xanh lơ. Cô đồng loã giúp anh gỡ vài cái nút, anh vẫn lịch sự dù chỉ còn quần lót Mariner và vớ Burlington. Thời buổi Aids anh giơ cao cái condom trước khi mặc vào như giáo sư cần nhấn mạnh vào khía cạnh công dân giáo dục này. Cử chỉ anh từ tốn, hai người âu yếm nhau vòng quanh giường, lúc ngồi, lúc đứng, lúc bên này, lúc bên kia để quan khách đồng đều thưởng lãm, cô tài tử cũng chẳng kém, khi rên rỉ cũng chỉ vừa phải một cách lễ độ chừng mực, nhạc đằng sau đệm êm đềm, sự việc hoàn toàn như trong một giấc mơ. Như thiên thần yêu nhau trên mây, tôi tưởng lưng anh và lưng cô đều có cánh, trên đầu hai người hào quang toả sáng ngời. Sạch sẽ, không vi trùng, cuộc mây mưa này là đà sương khói, ai nấy đều tươi vui như trong một màn vũ ballet. Được một lát, một cô thứ nhì xuất hiện, cũng xinh đẹp chẳng kém, cô này da ngăm nhẵn nhụi, cô đầu tiên lông vàng xoắn tít, họ trở thành cặp ba tung tăng như đàn bé đến trường. Anh chàng kín đáo rút lui vào hậu trường, để lại hai cô một mình với nhau đuổi bướm vờn hoa. Đến hoạt cảnh thứ ba anh trở lại tham dự, lần này lại lộ liễu condom một lần nữa như là quảng cáo cho chương trình phòng bệnh của Bộ Y Tế quốc gia, hồn nhiên mà nô đùa tiếp tục một cách vô cùng tư cách theo đúng phong thái của con nhà có dạy, của những người lâu đời danh giá từ đời ông đời cha.
Chẳng có gì là phàm phu tục tử, ái tình ở trong rạp này như là ngồi Salon de Thé ở Auteuil ăn bánh ngọt, vâng chère amie, cho tôi xin thêm một chút sữa, trà Darjeeling này délicieux. Cử toạ đồng thanh vỗ tay thán phục, thành phần diễn xuất xin chân thành cảm tạ, hai cô gái nhún nhẩy thụt lùi vào, anh tài tử biểu diễn ngược cái màn mặc lại quần áo. Cà vạt thắt xong xuôi anh ôn tồn nhắn nhủ. Có quan khách nào muốn hoà mình sinh hoạt với diễn viên ở nhà dưới xin liên lạc với quày thâu ngân bên ngoài để biết thêm chi tiết. Tôi thấy bấy nhiêu đã đủ, thật tình mà nói, ngồi hầu trà ông bà nhạc tương lai, cháu nó sắp nối nghiệp tôi làm chưởng khế, ấy công việc dạo này cũng bận; tôi còn thích hơn, chứ cái nhã nhặn ái tình quận 16 thế này, tôi không hứng được. Ông Bouvard nói chẳng có gì là sai cả, show này làm tình mà vẫn trang trọng, ừ, ngay cả cái này cũng cần truyền thống, đâu phải là thời tiền sử bán khai. Porno có nhiều loại, có loại thợ thuyền thấp kém, ở đây thuộc loại prof lib (hành nghề tự do và cao cấp) phóng túng. Làm tình thì tôi cũng thích coi nhưng mà trang trọng thì có tập mấy tôi cũng không cách nào tới được. Tôi hơi tủi. Chỉ có cái cách lịch sự, tự nhiên đeo condom, muốn có cái cử chỉ này phải là hội viên đánh golf lâu đời ở St Bretèche và ngồi ăn brunch đều đặn mỗi tuần ở Jockey Club hoặc sinh ra nhằm HSP (Haute Société Protestante). Tôi buồn phiền bỏ đi ra.
Quay lưng lại, tôi thấy ông bạn kế toán lúc này còn nấn ná ở quày két, chắc là để tham dự tiếp tục vào phần hai của chương trình, phần hoà mình sinh hoạt với các diễn viên. Tôi không thắc mắc về chi phí của cái phần gay cấn này làm gì, nhất định là tôi không đủ tư cách. Tư cách không phải chỉ ở tiền bạc nhưng chỉ được chứng kiến một lần cái show tình ái trưởng giả này tôi cũng biết chẳng đến được. Nói là ghê tởm thì tôi hơi làm dáng và cũng tội cho hai cái cô thanh tú vừa mới phải dạng cẳng, ưỡn người trong kia. Thật tình thì tôi chỉ thấy chán, chán phèo, yêu đương thanh lịch kiểu này hơi nhạt nhẽo, hay là chỉ tại tôi chưa đến tuổi, chưa có cái địa vị chủ sự công sở để mà thưởng thức chừng mực và đúng mức được thôi?

<< Con đường tối cổ | Những biển miền Nam >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 579

Return to top