Chỉ mới đến trước cửa phi trường, tôi đã đánh mũi ngay cái mùi quen thuộc: mùi Pháp quốc. Nó không phải cái mùi lò bánh mỳ Poitou, Le French Bakery, mùi Café Croissant Doré, La Pagode, cái mùi Tây của Phở 99 mà mãi một hôm cô bạn đầm từ Pháp sang nhắc nhở tôi mới biết. Đang ngồi ăn bánh xèo trên lầu trong khi giọng hát Khánh Ly nheo nhẻo nheo nhẻo, ngay lúc nhắc nhở gì về Paris, cô ta chợt bảo “Thì Paris đây này” làm tôi giật mình. Ngước đầu lên khỏi đĩa bánh xèo tôi nhìn lên tường treo mới thấy. Có hình Tour Eiffel đóng khung, có hình Arc de Triomphe, có hình Điện Invalides thì phải. Phố xá vắng tanh như vào dịp nghỉ hè tháng tám hay tháng bảy, loe hoe ở trong góc hình một vài mạng du khách ngớ ngẩn. Thì ra “Phở 99” cũng mang một cái tên Tây, là gì thì tôi quên mất, một cái tên Tây đi kèm với tên Việt, như là Cathy-Huệ, như là Carol-Kim, như là Elvis.
Ngày hôm đó làm tôi hơi quê với cô đầm cà chớn sang chơi Cali này. “Ờ, thì Paris”, tôi chỉ trả lời được bấy nhiêu. Nhưng lần này thì tôi nhận ra cái mùi Pháp quốc thật (tuy là ở Paris, ngoài điện Invalides, Arc de Triomphe và Tour Eiffel, các bạn đừng lo, cũng có bánh xèo). Xe vừa đậu ngoài International Departures của LAX, ngay lằn trắng dưới bảng Air France (“
The white zone is for loading and unloading only...” - khu vực trắng chỉ dành cho bỏ hành lý xuống, chất hành lý lên và cấm đậu...), tôi vừa lễ mễ khiêng mấy cái vali xuống vỉa hè đã bắt ngay được cái dáng của Kinh đô ánh sáng lập lòe. Ba ông tây ăn mặc business đứng ngoài nấn ná cái chút gió Santa Ana còn lại trước khi về nước, nhưng tại họ đàn ông nên tôi không buồn tả kỹ làm gì, và một cô loáng thoáng đi vào phía trong building. Áo blazer xanh chéo strict, váy plissé xanh, giày vernis, tóc vuông cắt ngang vai và không thể lầm lẫn, không thể nào lầm lẫn được, khoác Carré Hermès.
“Cổ chuỗi ngọc trai, vai khăn Hermès” là thành ngữ thông dụng chỉ một týp đàn bà đầm, thông dụng đến nỗi người ta viết tắt và nói tắt được, CPCH (Collier de perles, Carré Hermès) tương tự như là NATO, UNHCR và ICBM. Cái chuyện Carré Hermès thì rất là khúc mắc, tôi không rõ nó có tự bao giờ, chỉ biết là mươi mười lăm năm nay nó càng ngày càng thịnh hành ở những nơi gọi là lịch sự. Bao nhiêu tuổi đeo Carré Hermès cũng có thể được, nhưng thường thường là lứa hai mươi - bốn mươi. Nó biểu tượng cho sự chững chạc thì phải, tuy là trùm nó hẳn lên đầu chạy vội để tránh mưa ngoài bờ biển ở Deauville vào tháng tư khi trạm nghỉ mát này vừa hồi sinh, nhất là nếu để băng đoạn đường giữa viện thalassothérapie và khách sạn Normandie thì coi cũng dễ thương (nhớ đeo kính mát Miki xanh cây nhạt gọng cổ có chút strass và đi giày Carel đế thấp không mang vớ). Nói tóm lại, không có vật tuỳ thân nào tượng trưng cho cái tinh thần Paris miệt Tây hơn là khăn vuông Hermès nếu bạn là phụ nữ, kể cả túi Vuitton (túi Vuitton bị lạm phát Nhật Bản và nhất là hơi nhiều Made in Taiwan). Thành thử ra, mới thoáng bóng kiều nữ này, tôi bắt ngay cái mùi đầm trở lại. BCBG (Bon Chic, Bon Genre), xin tạm dịch là đàn bà Pháp CNL - SNC (con nhà lành, sạch nước cản), tắm kỳ cọ kỹ và không bôi mùi nước hoa nặng.
Ở bên Mỹ, chẳng khi nào thấy đàn bà khoác khăn Hermès. Ở Bolsa, lại càng hiếm. Cái khăn Hermès rất dễ nhận, nó có đủ kiểu nhưng ưa viền ngoằn ngoèo linh tinh những hình cột đền Hy Lạp, lá nho. Có khăn vẽ cảnh du thuyền, cảnh đi săn bằng ngựa, cảnh chơi golf nhưng không có khăn nào tả cảnh đá banh cà na hay là trượt sóng. Màu thì nó cũng đủ cả, xanh, tím, đỏ, nhưng hơi chìm và nhã nhặn nên cũng khó nói. Chữ Hermès lại đề trên khăn rất kín đáo, trải ra mà tìm mới thấy nên nhận diện loại khăn này phải có kinh nghiệm. Dễ nhìn ra nhất là cái sắc nước của nó.
Khăn Hermès làm bằng lụa nhưng là một thứ lụa đặc biệt riêng của nhà Hermès. Có lụa Hà Đông, có lụa Thái Lan, và có lụa Hermès. Nó hơi bóng, lại cứng hơn các loại lụa khác, thành ra khăn nào mà èo uột trên vai thì ắt không phải Hermès. Loại tơ này, hình như mỗi sáng ông Hermès, bà Hermès và các con, cô cậu Hermès phải dậy sớm ra vườn nhà cắt lá dâu cho tằm nó ăn hay sao thành ra chỉ có nhà Hermès có. Khăn vuông lụa thì thiếu gì nhãn; khăn Céline cũng là sang trọng vậy, khăn Dior tận Phi Châu người ta còn biết, cũng là lụa hết, nhưng không phải là lụa Hermès. (Ông Dior, bà Céline có thuộc loại ngủ trễ, tôi không rõ). Dậy sớm như vậy, cho nên nó đắt. Trong Duty Free Shop của phi trường LAX (phải nhà Boarding Pass mới vào được một vòng xem xét) thì một cái khăn Hermès $160, những 90 cm x 90 cm, như thế một phân vuông twill de soie vẫn còn rẻ chán, chỉ có hai cents. Nhưng mà vẫn đắt hơn những khăn hiệu khác, $100, $135. Người ta siêng năng, làm giàu là thế (early to rise...)
Tôi có một bà bác, ở bên Pháp năm nay là mười năm. (Đây là ký sự, nghĩa là toàn những chuyện có thật, có sao tôi nói vậy không phải là tiểu thuyết hư cấu từ đầu óc tôi lệch lạc và thừa phong phú). Bà cụ ưa tiết kiệm, hướng về quê hương, đi chợ được cái túi plastic hay giữ lại, vừa phủi nó cho phẳng phiu vừa than thở “Cái túi này, ở bên nhà bây giờ không có được”. Sống ở bên Tây, lại theo tiêu chuẩn ở bên nhà, thì tôi cũng lạ, (nhưng chắc không lạ được bằng sống ở bên nhà, lại theo tiêu chuẩn ở bên Tây). Cái gì recycle (tái dụng) được, bà bác tôi recycle hết; bao giấy, bao nylon, thùng carton, chỉ trừ có lon nhôm nước ngọt là cụ không có giữ, dùng để bày hoa trên bàn thờ cụ thấy thiếu thẩm mỹ. Áo len đan xong không vừa ý, cụ gỡ ra lấy len đan lại kiểu hợp thời trang hơn; vải vụn cụ cất một bên, nếu không đủ để may gối thì cụ làm giẻ nồi hay nhét vào dưới khe cửa mùa đông gọi là cho đỡ gió. Chuyện bà bác tôi ăn nhập gì đến đầm BCBG, rồi bạn sẽ thấy.
Nếu cụ ra chợ Tàu phố Mười Ba ở Paris nhân ngày cửa hàng Tang Frères hạ giá mấy thùng mỳ gói mà đầu lại quấn khăn Hermès thì cũng chẳng có gì để nói. Đằng này, một hôm sang nhà cụ, vào trong phòng ngủ, tôi thấy một cái bao giống như là bao gối đầu. Nói thế thì phạm thượng, thật ra nó là một cái bao cụ may lấy, dùng để đêm đút hai chân vào cho khỏi lạnh. Ý kiến phát minh rất dân tộc này từ đâu ra tôi không rõ, có lẽ tại cụ không quen mang vớ, nhưng tôi thấy rất là ngộ nghĩnh, đại để như những chuyện hoả tiễn Sam 2 bắn không đến máy bay B52, ta gỡ bộ phận bằng sắt ra thế vào bộ phận bằng tre cho nó nhẹ, nó bay cao hơn chẳng hạn. Phía ngoài của cái bao làm bằng vải nhung màn cửa, tuy có tróc nhưng chưa bạc lắm, vẫn giữ được màu xanh cây trang nhã. Tôi xin nói rõ là phía ngoài, vì người ta ai cũng thế, bao giờ cũng ráng giữ bên ngoài cho trang trọng và đẹp đẽ, đó là căn bản về thể diện. Bên trong thì khác, vớ được miếng vải xấu xí nào lót nó mà chẳng được, có ai để ý. Tôi cũng chẳng để ý và chắc cũng chẳng ai để ý đến miếng vải hoa hoét vàng bà bác dùng lót ở bên trong cái bao tối ngủ để thọc chân. Vất ở trên giường, nó cũng chỉ thập thò được một tí. Nhưng vợ tôi là người tinh mắt (nếu không tinh thì đã chẳng chịu lấy tôi, dĩ nhiên rồi) khều tôi nói khẽ: “Ê, khăn vuông Hermès”.
Tôi không tin, nhìn kỹ lại. Làm sao có chuyện đó. Bà bác tôi, những ngày tế lễ, mặc đồ đẹp để chụp hình mới vào tủ gỡ cái khăn quấn đầu thứ năm, bảy đồng gì đó còn giữ nguyên trong giấy bóng kính, mang ra đội vài tiếng rồi lại xếp vào tủ trở lại trong bao origin của nó đợi dịp sau. Với polyester cụ còn kính trọng như vậy, có lẽ nào cụ lại đối xử tệ với hàng lụa thế kia. Tôi nhất định không tin, “no way”, chắc là khăn gì đó.
“Khăn Hermès, cái sắc lụa Hermès, anh nhìn mà anh không biết”, vợ tôi quả quyết. Tôi lại gần, lộn cái bao ra, thì khăn Hermès. Bà bác tôi bị bắt quả tang, hơi xấu hổ, thấy cần phải phân bua: “Nó xấu xí nhưng còn lành lặn, cũng còn dùng được nên mới nhặt mang về làm vải lót ấy mà, bên trong mà sao cháu cũng thấy”. Tôi quan sát kỹ, cái khăn lành lặn thật, cũng chưa bị cụ cắt xén khúc nào “còn dùng được chứ, sao bác lại lót bao gối làm gì, tốt chán, bác cho cháu mang về, may quần xà lỏn” tôi năn nỉ cụ. Tôi gỡ chỉ ra, mang về may quần xà lỏn, cho đến nay vẫn chưa ai biết nhưng ở đời nhiều chuyện không ngờ tới được, lỡ hôm nào xui xẻo đụng xe, người ta chở vào nhà thương cũng còn mát mặt với mấy cô y tá. Như bên Pháp các bà mẹ vẫn ưa dặn con, ra đường nhớ thay đồ lót, đề phòng trường hợp bị tai nạn.
Tại vì, nhân tiện tôi nhắc đến, thời trang đồ lót đàn ông từ vài năm nay là đổi kiểu trở về quần xà lỏn nhưng lịch sự làm từ khăn vuông Hermès thì nhờ bà bác tị nạn bên Tây, chỉ mình tôi có.
Câu chuyện này Tây chứ, tuy có phải là “đi Tây” hay “về Tây” thì tôi không rõ. Tôi là người Cali hay người Paris, người
Bolsa hay người
Porte d’lvry tôi chẳng biết. Điều này cần suy nghĩ kỹ, có lẽ đến cuối loạt bài này tôi mới có thể tự trả lời. Tôi là người ở Mỹ từ một năm nay hay là tôi là người về Pháp sau 12 tháng? Lúc đi, lúc về, thật ra ở đâu cũng thế. Thôi thì để phù hợp với đề tài, cho là tôi đi Tây đi. Nhưng chuyện đi Tây đến đây chỉ mới lẩn quẩn ở phi trường LAX và chung quanh cái khăn vuông Hermès thì cũng chán. Khăn vuông năm nay, mẫu được thời trang ưa chuộng nhất là “Pierres d’Orient et d’Occident”. Muốn sành điệu cho trót xin đừng dùng những mẫu đã cũ, trừ trường hợp để may thành quần lót. Nhưng một cái khăn vuông có đủ để làm cả một thành phố hay không? Ngày trước, Nguyễn Tuân chỉ có mỗi một cái vali đã làm mê mẩn, phải ra nhà ga thổn thức những chuyến tàu xuôi Nam. Tôi ra đến phi trường, bắt gặp một cái Carré Hermès gần quày Air France, cũng nôn nao như là đã đến được Tây.