Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Ký sự đi Tây

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11378 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ký sự đi Tây
Đỗ Khiêm

Cái quyền làm ít

Làm hãng hàng không, một tuần bay mười sáu tiếng, một năm lãnh mười lăm tháng lương, được năm tuần lễ nghỉ, mùa hè nghỉ mát, mùa đông nghỉ nóng, được mua vé rẻ dắt người sống chung đi du dương du âm, được quyền than phiền và lâu lâu lại được quyền đình công. Trong xã hội Tây, kể ra thì cô này là người được hậu đãi. Những người còn lại, đa số thầm lặng, phải cắn răng quần quật một tuần ba mươi tám hay ba mươi chín tiếng và mỗi năm chỉ lãnh lương có được (ít thì) mười hai tháng, (thường thì) mười ba tháng nhưng cái năm tuần lễ nghỉ thì ai, đi làm hay đi buôn bán, nó là cái quyền bất khả xâm phạm.

Ở Pháp, không có gì thiêng liêng hơn là giày đi tuyết và áo tắm. Đi ngoài phố, đáp métro, quảng cáo mà bạn thấy nhiều nhất là về nghỉ mát. Nếu bên Mỹ, điều thứ mười một tu bổ của hiến pháp là quyền mua sắm, quyền chia động từ to shop hai mươi bốn tiếng một ngày và ba trăm sáu mươi lăm ngày một năm thì bên Pháp, chính phủ hữu tả gì cũng vậy, tinh thần đoàn kết dân tộc, năm lăm triệu người như một, là tinh thần nghỉ mát. Thành thử ra, đối với người ở Mỹ sang chẳng hạn, nó có rất nhiều chuyện trục trặc bực mình. Quyền tự do mua sắm tối thượng bị xung đột và va chạm với quyền tự do nghỉ mát cao cả. Cái tuần lễ ba mươi chín tiếng làm việc khó mà dung hoà với thói quen tiêu thụ ngày đêm. Một tuần lễ có những một trăm sáu mươi tám tiếng mà như vậy thì các cửa hàng đóng cửa đến những ba phần tư. Ngày chủ nhật thì đừng có hòng. Ngày thứ hai, nhiều chỗ cũng không. Người ta mở cửa ngày thứ bảy thì trong tuần người ta phải lấy một ngày bù lại, phần đông là thứ hai để còn có hai ngày nghỉ liên tiếp, trừ những người siêng năng chịu khó, thì thôi, thở dài mà đóng cửa vào thứ ba hay thứ tư đi. Một ngày tám tiếng, làm công sở tư đã thế, chẳng lẽ làm hàng quán, cửa hiệu lại chịu bị thiệt thòi. Tôi nói thí dụ một hiệu sách (tôi thích hình ảnh, chữ nghĩa nên tôi lấy hiệu sách làm thí dụ, ngoài ra tôi lại vừa có được một quyển sách mới ra, tôi xin phép nhắc lại, tập mười một truyện ngắn và mang cái tên thơ mộng là “Cây Gậy Làm Mưa”, Tân Thư xuất bản, giá 12 USD), thí dụ một hiệu sách bình thường, không phải ở trung tâm mua bán, ăn chơi trong thành phố. Ở bên này, hiệu sách nhỏ bán báo, tạp chí làm chuẩn, nhiều khi có đủ cả giấy mực, vật dụng văn phòng và có cả sách nữa. Nếu siêng năng, để người đi làm sớm có báo mà đọc trên tàu lửa tàu điện thì họ mở cửa lúc bảy giờ sáng hay tám giờ. Đến trưa, có làm thì phải có ăn, dĩ nhiên họ phải đóng cửa, nấn ná một chút để người đi làm vào giờ nghỉ còn có thể ghé qua mua vài cái vớ vẩn đọc trong khi dùng bữa. Chịu khó thì họ mở đến một giờ trưa, thường thì mười hai giờ rưỡi. Tại vì họ cũng phải ăn trưa nữa. Văn phòng bên Pháp lunch một tiếng hay là hai tiếng, cửa hàng lunch đến ba hay bốn tiếng, đến ba giờ rưỡi, bốn giờ chiều mới mở cửa lại. Văn phòng sáu giờ chiều đóng cửa, các cửa hàng phải đợi đến bảy giờ rưỡi, tám giờ nên trưa họ nghỉ bù. Cửa hàng tạp hoá, quần áo, đồ chơi người lớn và trẻ em gì cũng vậy, sáu bảy giờ rưỡi tối là kéo màn sắt hết, khái niệm đi chợ đêm là khái niệm ấp úng ở bên này.
Lỡ tám giờ tối mà tôi đói thì sao, người khó tính thế nào cũng hỏi. Ngoài trường hợp có thể về nhà đun nước sôi đổ vào mì gói để ăn dằn bụng vừa theo dõi được chương trình tin tức buổi tối (vào lúc tám giờ tối) thì bạn có thể đi ăn tiệm. Nhờ những cửa hàng thực phẩm đóng sớm, nên ở bên này nguời ta chịu khó đi ăn tiệm. Như thế tốn tiền chết, ừ, nhưng mà vui hơn, ở đời chẳng có gì miễn phí. Người ta đi ăn tiệm, có vợ có chồng (hay người sống chung) thì người ta nắm tay nhau, không vợ không chồng thì người ta nháy nhó, rất là thích thú. Ở bên Pháp, phái nữ độc thân, không người hộ tống, có quyền lê la hàng quán, café hay đi ciné mà chẳng cần có bắp tay cuồn cuộn hay bàn tay lông lá nào bảo trợ. Nàng rút điếu thuốc ra nhìn quanh, hỏi “Có lửa không?” chàng lững khững lại gần, tay cầm Dupont, tay cầm Bic, tay cầm hộp diêm của nhà Seita (Công ty độc quyền sản xuất diêm quẹt) huýt gió một tiếng như là đối thoại giữa Lauren Bacall và Humphrey Bogart. Lãng mạn. Lãng mạn thì phải tốn tiền chứ, nhưng mà ngay cả việc đi ăn tiệm bạn cũng nên cẩn thận. Tiệm ăn chẳng cái nào mở cửa một tuần liên tục cả bởi vì người làm tiệm ăn cũng cần nghỉ và có nơi đóng cửa ngày chủ nhật, có nơi thứ hai, thứ ba, tuỳ hỉ cho nên những việc hẹn hò nhau nhiều khi rắc rối. Đó là chưa kể nếu bốn giờ trưa mà muốn ăn một bữa đàng hoàng thì rất khó, ở Pháp, tiệm ăn không mở cửa liên tục từ sáng đến tối mà, thí dụ, mười một giờ đến hai giờ trưa và bảy giờ chiều đến mười một giờ khuya chẳng hạn.

Đó là trường hợp lãng mạn. Ít tốn kém hơn là ăn tiệm và tiện lợi từ khoảng mười năm nay có người ngoại quốc chăm chỉ đua nhau sang đây mở tạp hoá thực phẩm, bán giá cao hơn trung bình nhưng mở cửa đến mười, mười một giờ đêm. Một cửa hàng bé cỏn con, cha mẹ con cái họ hàng, người cùng làng, cùng tổng bộ lạc gì đó chia nhau trông coi, Bắc Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, thức khuya dậy sớm và chẳng bao giờ đi nghỉ mát, tắm biển hay trượt tuyết cả. Có lẽ năm ba năm một lần họ về thăm xứ, mang theo tủ lạnh, TV màu, phôn CD, lái xe Peugeot chạy vòng quanh ấp một vòng là đủ le với cả xã rồi nên ở bên này họ cắn răng mà chịu đựng cho người bản xứ được nhờ vào lúc đêm khuya khoắt, thiếu hộp cá thu hay là chai nước suối, còn có chỗ ở đầu đường le lói thắp đèn ngồi chờ đợi. Ở đầu kia, nếu bạn ở ngoại ô, các nhà tư bản quốc tế vào dạo này lại mới cho bạn một đường lựa chọn khác. Trong các thương xá khổng lồ, cửa hàng thực phẩm (và linh tinh quần áo, gia dụng) mở cửa đến chín giờ rưỡi tối, Carrefour, Auchan, Euromarché. Đèn sáng loà, nhạc lầm bầm mời gọi, đi mỏi chân hoài không hết, giá rẻ, đủ mặt hàng, tha hồ mà lựa chọn, từng đoàn người lũ lượt nối đuôi nhau đẩy xe, xe nào xe nấy đầy ắp như là tỵ nạn gồng gánh, một cảnh tượng riêng tôi thấy hãi hùng, tránh được là tôi tránh, chẳng bao giờ buồn đặt chân đến. Văn minh ngoại ô Pháp giờ cũng gần như là văn minh ngoại ô Mỹ, văn minh Mall, Les Quatre-Temps La Défense, Rosny, Vélizy, Créteil-Soleil, những địa danh tên nghe khủng khiếp gần như là Katum, Bình Giã, Đồng Xoài. Ở đây người ta đánh nhau để mà tiêu thụ, đổ tiền thay vì đổ máu, làm tôi nhớ lại một tấm quảng cáo chụp hình một em bé ngây thơ chưa tội tình gì mà phải ngồi trong xe shopping-cart đi chợ. Câu quảng cáo đề: “Khi em lớn, em sẽ là người Euromarcheur”, dựa trên tên hiệu của chợ Euromarché là một công ty Tây Đức có cửa hàng khắp Âu Châu. Sinh con ra, để nó lớn lên thành người Euromarcheur thì mù mịt quá, khi tôi chết xin mang tôi ra chợ, đời ăn tiêu không cả chỗ đậu xe, tôi lần đó chợt mừng vì mình hiếm muộn.
Nhưng cái văn minh thương xá này chỉ vây quanh ngoại ô Paris chứ cũng may chưa lọt được vào nội vi của thành phố còn nhất định đang tử thủ. Yếu điểm của Paris là khu chợ Halles cũ, cái bụng (mềm) của thành Paris ngày xưa trong Zola. Đánh vào bụng là chắc nhất, chợ Halles được gỡ đi, người ta đuổi các chị hàng cá, các anh vác thịt để xây thế vào khu Forum hào nhoáng. Ở thương xá này, mỗi thước vuông cửa hàng một năm thu nhập kỷ lục 55.000 quan (9.000 đô la). Dĩ nhiên, ở những thương xá loại này, giờ mở cửa liên tục, người ta thay phiên nhau mà làm việc, không có màn trưa ra café ngồi xả hơi mà đọc sách, làm thơ hay nhìn trai nhìn gái, cửa hàng đóng để đó một cách vô trách nhiệm với người tiêu thụ. Nhưng mới ở Mỹ sang, nếu đi chợ ở những chỗ đông người mua sắm thì tôi không nói, có lẽ chẳng để ý đến những tấm bảng trước cửa tiệm bánh mỳ đề “Theo luật liên hệ về vấn đề nghỉ mát đã ấn định, cửa hàng này sẽ đóng cửa từ ngày N đến ngày N + 7 hay N + 14, tiệm bánh mỳ gần nhất ở số X, Y, Z đường A, B, C”. Nhưng nếu ở một khu cư ngụ mà đi ra đến tiệm thấy im lìm như vậy phải phân vân mà tự hỏi, thứ nhất, cái đường A, B, C, nói trên ở chỗ nào, có gần đây không, và thứ nhì, cô bán bánh mỳ giờ này đang ở đâu, nằm phơi ngực trần ở cạnh hồ tắm tuyết vây(1), La Grande Motte hay còn phơi cả mông bờ biển Canaries trời ấm quanh năm.

Tôi sang Pháp phải vào dịp tháng Hai nên cũng có nhiều nơi đóng cửa, nhiều người đi vắng. Tháng Hai là Vacances de Février, con nít nghỉ nhưng từ khi có tuần lễ nghỉ thứ năm người lớn cũng nghỉ. Dạo trước, nghĩa là từ khi chính phủ Mặt trận Bình dân do tiên sinh Léon Blum thuộc đảng Xã hội (Lúc đó còn là SFIO, tức là Nhánh Pháp của Quốc tế Thợ thuyền) lãnh đạo lên chấp chánh vào năm 1936, người Pháp được bốn tuần lễ nghỉ và số giờ làm việc mỗi tuần được ấn định là bốn mươi. Những năm đầu tiên thế chiến thứ hai, phong trào nghỉ mát phát sinh trong giới lao động, người ta áo thun quần cộc nón két đạp xe ra bờ sông trước con mắt miệt thị của giai cấp chủ nhân dưới danh xưng “Congé Payé” (Congé Payé, nghỉ được lãnh lương, khác với những người quyền quý, nghỉ không cần lương vì không có cả lương nữa, chỉ có tiền). Riết nó thành tục lệ, cứ tháng Tám là thiên hạ ùn ùn kéo nhau đi nghỉ mát, vẫn áo thun quần cộc, nhưng giờ kéo theo cái xe bốn chỗ ngủ một phòng tắm, có bếp ở đằng sau, làm chật đường xa lộ. Paris tháng Tám chỉ có du khách và những người yêu nhau gặm bánh mỳ khô đi tản bộ trên những con đường vắng ngắt, cũng có cái hay của nó, được gọi là bầu không khí của Paris vào tháng Tám. Người nào kẹt ở lại, không di tản kịp chiều chiều ra nằm đỡ bờ sông Seine hay hồ bơi Deligny, cầm sách Sulitzer (best-seller mùa hè) đeo Walkman nghe Niagara (điệu tủ của mùa hè) và cũng tán tỉnh vớ vẩn những anh vai u, những cô đầu vú hồng như ở những nơi nghỉ mát vậy. Tháng Tám là tháng chia tay, Chức Nữ dẫn con ra ngoài biển, Ngưu Lang ở lại Paris làm việc, chiều ra bờ sông ong bướm mấy cô Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ gì đó. Tháng Tám là tháng những mối tình vụng trộm khiến có cả thành ngữ “Tình Hè” nghĩa là tình ba mươi bữa, không đi đến đâu, anh đường anh, tôi đường tôi, những mối tình không tương lai, two weeks stand để mà nhớ lại tự nhiên mỉm cười một mình trong bàn giấy. Rất là đẹp, không có tiếp theo những mẹ chồng nàng dâu, trả góp mua bàn ghế không đủ, con đau và xe hỏng phải làm lại máy, thay dầu. Tháng Tám là tháng không ăn cơm nhà, ăn cơm tiệm, không ngủ với người phối ngẫu, ngủ với người mới gặp ngoài đường hay bãi biển, anh huấn luyện viên tennis Club Méditerranée hay cô du khách Ăng Lê. Để mà tê tái mười một tháng về sau, như thí dụ nổi tiếng ngay cả nền âm nhạc dịch của ta là “Adieu jolie Candy” (Từ nay cách xa nghìn trùng... từng tưng. Đường bay não nùng... từng tưng... Tôi tiễn em nơi phi trường...) Đấy những mối tình tháng Tám.

Nghỉ hè được bình dân hoá, Côte d’Azur bãi sạn bầy thịt người không có chỗ để mà chen, bậc vương tôn, lũ trưởng giả phải bày ra trò nghỉ vào mùa đông. Nghĩa là vào tháng Hai. Vào Giáng Sinh thì hơi sớm, đến Phục Sinh cuối tháng Tư lại hơi trễ, núi ít tuyết để mà trượt. Trong những thập niên sáu mươi, bảy mươi, ai tháng Hai ở Paris mà da tróc chân gầy hẳn là người sang trọng, mới ở núi về, người ta vừa đi nghỉ nóng xong. Courchevel, St Moritz, rặng Alpes Pháp hay là Alpes Thuỵ Sĩ, có khi cầu kỳ thì sang đến Áo, Innsbruck, Graz, hay ở Pyrénées miền Nam. Năm 1981, “Sức Mạnh Bình Thản” Francois Mitterand lên làm tổng thống, người hùng tân trang lại đảng Xã hội nắm quyền, hơn bốn mươi năm sau theo bước Léon Blum, ban cho quần chúng tuần lễ ba mươi chín tiếng và một tuần nghỉ thứ năm. Tuần lễ này nhỏ nhoi nhưng làm đảo lộn hết thời khoá biểu đã thành nếp. Được năm tuần nên người ta bắt đầu nghỉ loạn xạ, người ta chia ra, kẻ thì tháng Bảy người thì tháng Chín thay vì đều đặn tháng Tám như trước. Một tháng chỉ có bốn tuần, hè không nghỉ hết, thế là bắt buộc người ta phải nghỉ cả đông mới đủ. Tháng Hai giờ cả dân lao động cũng đi, các “tuyết đạo” đâm ra đầy các cô bé bán hàng, thư ký công sở, thợ làm ống cống và chuyên viên điện toán, tội nghiệp cho giới giàu sang giờ muốn tránh không biết phải đi đến tận đâu, chúng mình chẳng có chỗ nào riêng tư mà chơi với nhau. Monaco ấy hả, rặt những Mỹ áo Hawaii quần short kéo slot machine ở Holiday Inn, Société des Bains chẳng còn như dạo trước, Marbella thì bị Ả Rập xâm chiếm, bọn này ngày xưa mất bao nhiêu công mới đuổi nó ra được khỏi Tây Ban Nha, Isabel (La Catolica) sống dậy mà xem. Chắc chỉ còn Sardaigne và cái đảo Moustique ở vùng Carribean nhưng mà đảo Moustique thì nó bằng con muỗi, có tiền giờ chẳng biết đi đâu, ai bảo giàu mà không khổ. Họ hết chỗ để mà chơi, tôi thấy tờ Figaro Magazine phải mệt nhọc lắm mới bày ra được trò cho họ, bồng bế nhau mà lánh nạn bằng thuyền may ra mới thoát, tàu Queen Elizabeth 2, tàu buồm Windsong, một cruise hai tuần một trăm bốn chục ngàn quan (khoảng hai mươi ngàn Mỹ kim).

Nhưng họ khổ thì kệ họ, tôi cũng ít đọc Figaro Magazine, Figaro Madame nên không rõ khổ đến mức nào. Năm tuần lễ nghỉ, tôi thấy có lý, mà chẳng phải mình tôi. Ở Âu Châu nói chung, cái quyền làm ít là cái quyền thông dụng, ngay cả người lãnh lương thất nghiệp còn được hưởng, nghĩa là vào dịp nghỉ miễn khỏi phải ra Sở An Sinh trình diện để lãnh trợ cấp. Tôi về Paris vào dịp tháng Hai, chỉ buồn một chút cô bán bánh mỳ gần nhà đi vắng, cái bảng hành chánh báo tin trước cửa kéo màn không cho biết cô ta hai tuần lễ này giờ bột trôi bột nổi ở tận đâu. Tôi đành mượn lời ông Thôi Hộ, cụ Nguyễn Du mà “Bánh mì năm ngoái còn cười gió đông”. (Tôi không biết chữ Nho, sợ trích “Bánh mỳ y cựu tiếu đông phong” nghe khó ổn, xin nhờ các vị Hán văn lỗi lạc chỉ giáo hộ). Hoa đào tôi chắc cái cười còn lơi lả thiếu đứng đắn chứ bánh mỳ thì tôi chịu lắm, nó tròn ròn rã tự nhiên. Nhất là bánh mỳ Tây.

<< Người bạn chưa chồng | Le, la baguette >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 612

Return to top