Ở bên Pháp, có hai chuyện đáng kể. Thứ nhất là tình yêu và thứ nhì là bánh mỳ. Tình thì vô vàn rắc rối, rừng Boulogne, rừng Vincennes, rừng cao su mâu thuẫn vân vân, tôi chỉ biết kể chuyện bánh mỳ. Năm nay hai trăm năm kỷ niệm Cách mạng Tư sản Pháp, nói chuyện bánh mỳ không khỏi nhớ đến vợ chồng con cái Louis Thập Lục. Nhà này cũng được quần chúng mến yêu, gọi là “Ông làm bánh mỳ”, “Bà làm bánh mỳ” và “Cậu bé làm bánh mỳ” (Đông Cung Thái Tử, Dauphin de france, le petit mitron), tựa như là ta được thóc được gạo, vẫn cho đó là ơn vua vậy. Thế mà bà Marie-Antoinette (“con mẹ người Áo”), lúc dân chúng biểu tình đòi bánh mỳ lại bất nhẫn thốt ra câu “Chúng nó không có bánh mỳ thì cho chúng ăn bánh ngọt”. Chữ “bánh ngọt” ở đây là brioche, người Mỹ dịch là cake. “Qu’ils mangent de la brioche - Let them eat cake” là một câu nhanh nhẩu khôi hài (đen) làm người đời nhớ mãi. Bánh brioche đời bà ta tôi không biết chứ đời nay ra tiệm mua nó đắt hơn bánh mỳ tiêu chuẩn những sáu bảy lần, nhiều khi người ta còn cho cả tóp mỡ (lardon) vào, ăn rất ngon. Thành thử ra, vài năm sau đó, người ta có lôi bà này ra chặt béng đầu cùng với ông chồng Cả Đụt của bà tôi thấy cũng phải tuy tôi không là người khát máu. Điển tích này, chỉ để nói, ở bên Tây, dù là Hoàng Gia, Hoàng Hậu gì đi chăng nữa, cái chuyện bánh mỳ, chẳng thể đùa được.
Đã lỡ nhắc đến họ nhà này, lại kỷ niệm hai trăm năm 1789, tôi nhớ Prévert có bài thơ mang tựa “Những gia tộc lớn” để tặng họ. Nhớ mang máng thôi, xin đừng gọi điện thoại đến bắt bẻ:
“Louis I
Louis II
Louis III
Louis IV
Louis V
Louis VI
Louis VII
Louis VIII
Louis IX
Louis X (tên gọi le Hutin)
Louis XI
Louis XII
Louis XIII
Louis XIV
Louis XV
Louis XVI
Louis XVIII
Rồi hết.
Hạng người này là hạng người gì
Mà không biết đếm được đến hai mươi”.
Mà không biết đếm thật, đếm gian, đếm nhảy, sau ông Thập Lục xấu số đến ngay ông Thập Bát, ông Thập Thất lọt vào xó xỉnh nào không ai hay biết, tội nghiệp. Họ này thật ra còn đỡ, chứ cái họ tiếp theo thì chỉ biết đếm đến (Nã Phá Luân) III mà lại cũng lò cò từ Đệ Nhất đến Đệ Tam, ông Đệ Nhị chưa kịp làm vua, mới làm Thái tử thành Rome, Tiểu Đại Bàng, thì ho ra máu mà chết. Ông thứ nhất ai chẳng biết, thơ tình của ông còn có người thuộc, ông thứ ba lắm chuyện, lấy vợ người Tây Ban Nha xây cung điện ở Biarritz gần biên giới cho nàng đỡ nhớ nhà (bây giờ là một khách sạn, ai có tiền nên vào ở thử, cam đoan lịch sự) mang cả họ mạc bên bà ấy phong cho làm đại đế Mễ Tây Cơ, galant với vợ thế là cùng, nếu việc không thành chẳng phải lỗi ở ông. Về sau cả ông lẫn bà bị đuổi, anh chàng bà con bên Mễ bị người bản xứ (tức là giống lau chùi bàn và cắt cỏ ở Cali ngày nay) mang ra xử bắn, đứa con nối dõi (Nã Phá Luân Đệ Tứ tương lai) lại bị người Zulu ở Nam Phi giết ngoài mặt trận. Lắm chuyện thật, nhiều buồn phiền nhưng chẳng chuyện nào dính dáng đến bánh mỳ cả, tôi từ Marie-Antoinette đi đến được Maximilien đại đế Mễ Tây Cơ (Maximilien cũng người Áo) thì tôi cũng hay. Vâng, thứ nhất tình yêu, thứ nhì bánh mỳ hay là có khi còn ngược lại, nhất bánh mỳ nhì tình yêu. Và thứ tự nào đi nữa thì tình yêu (Pháp) cũng liên hệ rất nhiều đến bánh mỳ (Tây). Như thành ngữ “Sống bằng tình yêu và bánh mỳ khô” thường được nhắc nhở chớ nên.
Bánh mỳ là thứ hàng căn bản ở pháp. Nó khác gạo ở chỗ là người ta không ra chợ chất nửa tạ tám thơm, nàng hương mang về nhà đong dần vào nồi cơm điện tự động được. Bánh mỳ phải mỗi ngày mỗi xếp hàng mua, nếu nó nóng hổi thì càng tốt, vừa đi vừa gặm cái cùi thì tuyệt. Tôi là người không câu nệ miếng ăn nhưng xa Pháp lâu thì tôi nhớ bánh mỳ. Bánh mỳ không, ở lò ra, không cần chấm mắm ớt, không cần phết tương. Bánh mỳ baguette, buổi sáng ra, vào quán, cái baguette chẻ làm hai theo chiều dọc, hai đầu cắt chéo, ổ phết bơ, chấm café sữa, gọi là tartine beurée. Tôi đi đâu cũng nhớ bánh mỳ, vì bánh mỳ chỉ ở Pháp mới có. Bánh mỳ cả chục loại trắng đen, nhà quê, thành thị nhưng ở đây nói đến bánh mỳ tiêu chuẩn, tức là bánh mỳ trắng, làm bằng farine de blé, không thêm bớt màu mè. Thí dụ như bánh mỳ baguette viennoise chẳng hạn, có thêm bơ nhưng mềm như èo uột sắp chết, cầm từ tiệm về đến nhà nó như cành hoa của người bị tình nhân lỡ hẹn. Không, bánh mỳ căn bản kia, bánh mỳ - bánh mỳ, pain. Pain là hình thức thông dụng đối với Việt Nam. Nó to và chắc tay nhưng nhiều ruột. Baguette thon dài hơn, tôi thích nhất, lại còn Ficelle gầy bằng ba ngón tay, cứng cáp, gần như không có ruột. Baguette nặn theo hình bông lúa thì người ta gọi là Épi. Hình bông lúa thì ích lợi gì, đầu mỗi cái hạt bông nó nhọn và cháy, lâu lâu mua loại này bẻ đầu ăn chơi nó cũng đỡ buồn tay. Épi mà nặn theo hình một vòng tròn thì thành courone, không phải để đội đầu nhưng có thể thọc tay vào giữa mà cầm cho nó thay đổi. Bởi vì căn bản nên giá bánh mỳ ở bên Pháp là giá được nhà nước ấn định, một baguette 400gr 2F95, ở đâu cũng thế, trong siêu thị bọc giấy bóng kính, ở cửa hàng tạp hoá, ở tiệm bánh mỳ xập xệ hay ở hàng Poilane vẫn 2F95. (Bánh mỳ Poilane là bánh mỳ được tiếng nhất ở Paris, có người cầu kỳ chỉ chịu ăn thứ bánh này nhưng đó là vấn đề khẩu vị lại lẫn lộn vào với vấn đề thời trang kiểu cách nữa nên không cãi được). Nghề làm bánh mỳ là nghề cần thiết cho xã hội nên luật lệ khắt khe, đóng cửa phải thay phiên nhau trong một khu phố, cửa hàng này đóng thứ ba thì cửa hàng kia phải đóng thứ hai. Giá luật định cho thứ bánh mỳ căn bản, nếu bạn đến trễ không còn thứ căn bản, chỉ còn thứ fancy đắt tiền thì lỗi ở cửa hàng, họ phải bán thứ fancy theo giá luật định cho bạn. Nói tóm lại, ở bên Pháp, đồng áng hay là thị tứ, khu sang trọng hay là nghèo hèn, có 2F95 là phải có bánh mỳ, fancy hay là căn bản.
Nghề làm bánh mỳ phải có cặp. Ông chồng dậy sớm, nặn bột vào lúc bốn giờ sáng, cả ngày trong lò đặt dưới hầm, nhễ nhại áo thun mặt mày lem luốc bột coi như anh hề. Bà vợ chải chuốt, tươi cười đứng trên bán hàng, chào hỏi khách câu sáng câu chiều. Những người không có việc hay đến tuổi hưu, một ngày ghé tiệm bánh đến hai lần vì bánh mỳ để lâu ăn mất ngon. Loại “chín” kỹ phải ăn ngay, còn nếu làm biếng tối mới mua một bận thì người ta lấy loại “chưa chín lắm” để sáng hôm sau còn nướng lại mà ăn được. Chín vừa, chưa chín lắm, chín kỹ, bà bán hàng phải biết khách thích loại nào, thứ gì. Mà mỗi ngày đều đặn như vậy thì khách nào chả là khách quen. Tám giờ tiệm đóng cửa, anh chồng đã leo lên giường đi ngủ, bà vợ còn suy nghĩ vẩn vơ đến ông khách ban chiều hay anh bán thịt hàng bên. Thế là bánh mỳ dính dáng ngay vào tình yêu rất Pháp, nghĩa là tình yêu tay ba, ngoại tình Marivaud hài kịch đường Boulevard, ôi nụ cười nhẹ nhàng của bà hàng bánh, thí dụ Pagnol. Nụ cười bà bán hàng, ở bên này ai chả biết, nó giống như là những chuyện ngồi két quán café ở Việt Nam (thí dụ Quang Dũng:
“Mảnh chăn đào em đắp có hoa thêu/ Hàng của em chai lọ xác xơ nghèo/ Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá”) Nếu bà lớn tuổi, ắt bà có con gái đứng trông hàng hộ, không có con gái bà ắt phải mượn một cô. Cô này vào những lúc vắng khách còn có thêm bổn phận đi giao bánh cho các quán café, tiệm ăn ở kế bên hay ở xa hơn, những cửa hàng tạp hoá có bán bánh mỳ (Dépôt de Pain). Thế kỷ trước cô đi bộ, tay ôm cái giỏ mây đan đựng bánh, mang cái tên thơ mộng là “cô bỏ bánh mỳ” (Porteuse de Pain), thí dụ Zola. Giờ cô đi xe gắn máy, cô lái xe hơi R4 thùng hay R5 Express, gần thì cô vẫn đi bộ, có khi cô thể thao xe đạp trên vỉa hè cho khỏi kẹt. Theo tôi, nếu ở Pháp mà nói đến những cánh tay tròn trịa lẳng túi Vuitton là chẳng biết gì, ở Pháp, không có cánh tay nào lẳng hơn những cánh tay đeo giỏ bánh mỳ.
Chẳng phải là tôi quá quắt, tôi nói thật. Nếu mơ mộng (fantasy) một lớp người nào trong xã hội thì người Việt Nam mơ mộng đàn bà tiếp viên hàng không (hôtesse de l’air, ra góc me ngồi chờ, trong thập niên sáu mươi Jacques Dutronc có bài hát: “
Cả đời tôi mơ được làm tiếp viên hàng không/ Cả đời tôi mơ được lên trời chổng mông”), người Mỹ mơ mộng model áo tắm của báo Sports lllustrated, người Bắc Âu mơ mộng vợ ông Mục sư Tin Lành, người Anh mơ mộng cô giáo đeo kính cầm thước kẻ (đánh vào đít), người Đức mơ mộng đàn bà làm y tá (tiêm vào mông), người Ý mơ mộng bất cứ ai giống mẹ của mình thì người Pháp mơ mộng chỉ có cô hàng bánh. Nó không xa lạ, nó là tiếp xúc hàng ngày, nó là nụ cuời mỗi buổi sáng khi chưa kịp ăn, nụ cười mỗi tối lúc ở sở ra trước khi về nhà. Món hàng của cô, nó trong mềm ngoài dòn, đi với món ăn gì cũng được, nhiều ý nghĩa lắm, chẳng thua gì bánh dày bánh chưng. Không ngọt bùi mà cũng chẳng mặn mà nhưng có thế mới yêu mãi được, ngọt mãi rồi cũng chán, mặn riết rồi cũng nản, cứ như bánh mỳ, không mùi vị gì nhưng không có thì không được, thiếu nó thì chẳng có gì hết. Cứ như bánh mỳ đi, bánh mỳ căn bản, baguette hai quan chín mươi lăm, “bien cuite s’il vous plait” để tối ăn ngay, “pas trop cuite” còn để dành ngày mai. Cứ như bánh mỳ, chẳng ai cầm lòng được, trên đường về bao giờ cũng phải bẻ một miếng ăn trước, cứ như bánh mỳ, không ai cầm lòng đặng, trên bàn còn chút vụn cũng còn nhặt lên tóp tép đỡ buồn răng. Bánh mỳ giấy bóng kính lỗ chỗ siêu thị khổng lồ trong thương xá ngoại ô, bánh mỳ bình thường ở đầu phố này xuống đường quẹo tay trái thấy ngay, bánh mỳ đài các Poilane nấu ở lò than củi cẩn thận còn lấm tấm bột, cứ như bánh mỳ đi. Phải tôi biết làm thơ tôi đã sáng tác được tình ca bánh mỳ baguette, có ít nhất là ba đoạn mười hai câu vần cộng thêm một điệp khúc bốn câu để nhờ người có tài phổ nhạc. Thà như bánh mỳ... bà bán bánh mỳ với nụ cười trước giá đựng baguette, cô bán hàng bằng xe gắn máy Motobécana xanh. Tôi yêu bánh mỳ.
Có một chuyện mà tôi được nghe kể. Nó có thể là chuyện kể chớ nhân vật này tôi không biết đích danh, câu chuyện này tôi không kiểm chứng được. Nó có thể là một chuyện hoang đường, chuyện ngụ ngôn nhiều thâm ý, chuyện điển hình để dạy dỗ răn đời chứ không phải là chuyện thật nữa. Người ta kể với tôi, tôi mang kể lại. Dạo đó vào thời tiền sử, nghĩa là trước 1975, lâu lắm rồi, ở bên Pháp. Ở bên Pháp ngày đó sinh viên Việt Nam Tây con ở nhà bi bô tutoyer bố mẹ có một số đông, sinh viên du học bổng chương trình Việt đậu tú tài ưu tối ưu chạy chọt vừa đỡ phải đi lính vừa được chuyển ngân cũng có một số. Đám đầu thì lêu lổng, phá tiền papa-maman, nhà viện bào chế thì học dược, nhà đấu thầu thì học luật, cua đầm xoành xoạch rất có oai. Đám thứ nhì thì Pháp ngữ không thông, theo học điện toán và hơi hơi mặc cảm những món ăn chơi. Câu chuyện này đồn đại ở trong giới vừa mới nói, giới học bổng chứ không phải giới tự túc. Một anh vừa mới qua, dĩ nhiên anh ta phải dáng người nhỏ thó, mặt lại khó coi, rụt rè như con mèo phải nước. Anh ở từng sáu trong loại phòng trước kia dành cho con ở không có phòng tắm, thui thủi một mình không bạn bè. Anh chỉ có mỗi một người “thân”, ngày nào cũng gặp mà bao giờ cũng tươi cười niềm nở, có khi hỏi han anh dăm ba câu chuyện thời tiết, khí tượng. Đó là, bạn đã đoán được, cô hàng bánh mỳ đầu phố. Ngày nào anh cũng đi ngang qua cửa kính mấy lần, có khi bắt gặp nàng anh gật đầu chào, ngày nào anh cũng vào một bận để mua ổ bánh. Anh có phải lòng cô này không thì chuyện không cho biết, nó chỉ là cái tình cảm nhẹ nhàng như bột nổi lúa mỳ thì đúng hơn. Nhưng anh chưa thông thạo tiếng địa phương, người bản xứ anh chưa nhiều dịp để tiếp xúc. Anh lại ý thức rất rõ là anh là một thứ sứ thần đại diện cho xứ sở mình nơi đất khách quê người nên anh cần dè dặt. Không biết chữ baguette thuộc giống đực hay giống cái, “le” hay là “la” nên mỗi lần vào cửa tiệm anh ta trịnh trọng điềm nhiên nói với cô hàng: “cho tôi deux baguettes” là tránh được khỏi mất mặt vì cái lỗi “un” hay là “une”.
Ngay cả đến ngày nay, một ổ baguette cũng chỉ có hai quan chín mươi lăm (bốn mươi lăm cents US) theo luật định. Thành ra, nếu câu chuyện này có thật, ta cũng chẳng nên buồn cho anh ta quá. Mà tôi mới ở Mỹ về, một mình tôi, hai baguette một ngày tôi ăn không cũng hết.