Đức Thế Tôn hoan hỷ thấy một số bà con thân thích cùng ở trong hàng môn đệ, Ngài đưa hết đến Trúc-Lâm.
Tại đó, chỉ có Nan Đà đáng thương là đau khổ. Chàng lúc nào cũng nghĩ đến Tôn Đà-lỵ; nàng lúc nào cũng vấn vương trong tâm tư mộng tưởng của chàng, chàng ân hận là đã từ giã nàng. Đức Phật hiểu được nỗi khổ đau dằng vặt của Nan Đà, Ngài quyết định chữa trị cho chàng.
Một hôm, ngài dắt tay chàng đến một gốc cây có một con khỉ gớm guốc ngồi trên đó.
Ngài nói: "Hãy nhìn con khỉ kìa, nó chả đẹp gì cả phải không?"
Nan Đà đáp: "Con ít khi thấy con khỉ nào xấu xí như thế."
Đức Thế Tôn nói: "Thật sao? Nhưng nó giống hệt Tôn Đà-lỵ, vị hôn thê trước kia của ngươi".
Nan Đà thét lên: "Ngài nói sao? Ngài muốn nói con khỉ này giống Tôn Đà-lỵ, một công chúa duyên dáng, xinh đẹp sao?"
"Chứ khác gì, Tôn Đà-lỵ khác gì? Cả hai không phải là giống cái? Cả hai không phải là khơi dậy lòng dục vọng của giống đực? Ta tin là ngươi sẽ sẵn sàng từ bỏ con đường thánh thiện để chạy vào vòng tay siết chặt của Tôn Đà-lỵ, cũng như trong khu rừng này, tại một nơi nào đó, có một con khỉ đực bị dục tình mãnh liệt của con khỉ cái này khêu gợi đến độ mê mẫn điên cuồng. Cả hai rồi sẽ già nua, lụ khụ; còn ngươi cũng như con khỉ đực nào đó, sẽ tự thắc mắc không biết điều gì đã làm mình điên rồ ngu dại như thế. Cả hai rồi sẽ chết, riêng ngươi và con khỉ đực nào đó có lẽ rồi sẽ nhận ra sự trống rỗng vô vị của lòng ái dục. Tôn Đà-lỵ chả khác gì con khỉ cái này".
Nhưng Nan Đà không nghe. Chàng thở dài. Chàng mơ thấy Tôn Đà-lỵ mảnh mai, duyên dáng đang thư thả dạo quanh trong một khu vườn đầy hoa rực rỡ.
Đức thế tôn lên giọng sai khiến: "Hãy cầm lấy chéo y của ta!".
Nan Đà vâng lời. Chàng cảm thấy mặt đất ở dưới chàng bỗng nhiên sụp xuống, một trận cuồng phong quét chàng lên tận trời xanh. Khi rút chân lên, chàng thấy mình đang ở trong một công viên tuyệt diệu. Chàng đang dạo bước trên một con đường vàng ròng, hoa lá toàn là các thứ châu báu làm bằng hồng ngọc và bích ngọc thơm ngát.
Đức Thế Tôn nói: "Ngươi đang ở trên cung trời Đao-lợi, hãy mở mắt u tối ra mà xem".
Nan Đà thấy một căn nhà bằng bạc sáng choang được vây quanh bởi một cánh đồng lưu ly rực rỡ. Một tiên nữ kiều diễm hơn Tôn Đà-lỵ đang đứng tại cửa. Nàng mỉm cười. Ngây ngất vì dục vọng, Nan Đà chạy bổ đến nàng, nhưng nàng bất thần hoa tay chận chàng lại.
Nàng nói: "Nan Đà, hãy thanh tịnh trên cõi đời này, hãy giữ lời thệ nguyện. Sau khi qua đời, ngươi sẽ được tái sanh tại đây, rồi ngươi sẽ đến trong vòng tay ân ái của ta".
Tiên nữ biến mất, Nan Đà và đức Thế Tôn trở lại trần gian.
Nan Đà quên hẳn Tôn Đà-lỵ. Chàng bị ám ảnh bởi một cảnh trí thơ mộng mà chàng đã nhìn thấy trên vườn thiên đàng, và cũng chính vì yêu thương tiên nữ mà giờ đây chàng quyết tâm sống đời phạm hạnh"!.
Tuy thế, các thầy sa môn vẫn nhìn chàng bằng cái nhìn rẻ rúng. Họ mặc tẩn chàng; nhưng mỗi khi gặp chàng trong rừng Trúc-lâm, họ thường biểu môi khinh bỉ chàng. Chàng cảm thấy đau buồn. Chàng nghĩ: "Các thầy hình như có ác cảm với ta; ta thử hỏi tại sao?" Một hôm, thấy A-nan đi ngang qua, chàng lại hỏi:
"Tại sao các thầy sa môn lẩn tránh ta? Tại sao ngươi không hỏi han trò chuyện gì với ta nữa? Trước kia, tại thành Ca-tỳ-la-vệ, chúng mình là bạn và cũng là bà con thân thích. Ta đã làm gì xúc phạm đến các người?"
A-nan đáp: "Anh tệ lắm! Chúng tôi luôn luôn trầm tư về những sự thật cao quí, còn anh lúc nào cũng tơ tưởng đến vẻ đẹp của một tiên nữ, Đức Thế Tôn không cho chúng tôi tiếp xúc với anh".
A-nan bỏ đi.
Nan Đà vô cùng ân hận. Chàng chạy đến Đức Thế Tôn, quì mọp dưới chân Ngài khóc nức nở. Đức Thế Tôn nói:
"Này Nan Đà, những ý nghĩ của con tồi tệ lắm. Con là kẻ nô lệ của tình cảm con. Trước kia là nô lệ cho Tôn Đà-lỵ, bây giờ là nô lệ cho một tiên nữ, kẻ đã làm cho đầu óc con xoay chiều. Con sẽ bị luân hồi. Con muốn tái sanh giữa cảnh chư thiên sao? Ngu xuẩn lắm! Phù phiếm lắm! Này Nan Đà, hãy nổ lực đạt đến trí tuệ; hãy nghe theo lời dạy của thầy, hãy diệt trừ những đam mê cuồng loạn đó đi".
Suy tư nghiền ngẫm về những lời dạy của Phật, Nan Đà trở thành một đệ tử thuần phác nhất, dần dần chàng thanh tẩy được tâm hồn. Tôn Đà-lỵ không còn lảng vảng trong tâm tưởng của chàng nữa, và giờ đây, mỗi khi nghĩ đến tiên nữ, chàng lại buồn cười cho cái ý niệm muốn làm thần thánh chỉ vì nàng. Một hôm, chàng thấy trên ngọn cây có một con khỉ gớm guốc đang nhìn chàng, chàng lên giọng hãnh diện nói:
"Ê, Tôn Đà-lỵ không duyên dáng bằng ngươi; ê, so với tiên nữ kiều diễm nhất thì ngươi còn xinh hơn nữa kìa!".
Chàng tự hào là đã chế ngự được lòng ái dục của mình. Chàng tự nhủ: "Ta là thánh thật rồi, về đức hạnh, ta sẽ không còn thua kém gì với sư huynh của ta nữa".
Chàng tự may cho chàng một chiếc y cùng kích thước như y của Đức Thế Tôn. Thấy chàng đi từ xa, các thầy sa môn nói:
"Đức Thế Tôn đến kìa, chúng ta đứng lên chào Ngài".
Nhưng khi Nan Đà đến gần, họ thấy là họ lầm. Họ ngượng ngùng ngồi xuống và nói:
"Trong khi chúng ta ở đây thì cậu ấy đâu có ở trong hàng đại chúng; tại sao chúng ta phải đứng lên chào cậu ấy?"
Nan Đà hý hửng thấy các sa môn đứng lên khi mình đến gần; nhưng chàng chưng hửng thấy họ ngồi xuống lại. Chàng không dám than phiền; chàng sợ các thầy khiển trách. Vả lại đó chưa phải là bài học cho chàng, chàng tiếp tục rảo qua rừng Trúc-lâm, trên mình khoác chiếc y giống như y Phật. Từ xa, lầm chàng là Đức Thế Tôn, các thầy sa môn từ chỗ ngồi đứng dậy, nhưng khi chàng đến gần, các thầy cười òa và ngồi xuống lại.
Cuối cùng, một sa môn đến bạch Phật. Ngài than phiền lắm. Ngài họp các thầy sa môn lại, và trước mặt mọi người, Ngài hỏi Nan Đà:
"Này Nan Đà, con đã thật sự được đắp y cùng kích thước như y của Phật chưa?"
Nan Đà đáp: "Dạ được, bạch Đức Thế Tôn, con được đắp y cùng kích thước như y của Ngài".
Đức Thế Tôn nói: "Lạ nhỉ! Một đệ tử dám đắp y cùng kích thước như y Phật! Con nghĩ gì với việc làm táo bạo như thế? Hành động đó không thể khơi dậy đức tin của người ngoại đạo, cũng không thể củng cố đức tin của hàng tín đồ. Nan đà, con phải thu ngắn y của con lại và trong tương lai, bất cứ thầy sa môn nào may y cho mình cùng kích thước như y Phật, hoặc rộng hơn y Phật, đều phạm phải trọng tội, thầy ấy sẽ bị nghiêm phạt".
Nan Đà tự nhận thấy lỗi lầm, chàng ý thức rằng đã là một thánh giả chân chính thì phải hàng phục được tính kiêu mạn của mình.