Sáu năm mặc một bộ đồ, y phục của tráng sĩ đã trở nên bạc màu sờn rách. Ngài ngẫm nghĩ:
"Nếu như ta có một bộ đồ mới thì hay hơn, bằng không thì ta sẽ phải đi đứng lõa lồ thôi; và như thế thì bất lịch sự quá."
Bấy giờ Tu-xà Đa (Sujata), cô bé thuần thành nhất trong mười cô thiếu nữ đã mang thực phẩm dâng ngài, có một tên nô lệ vừa chết. Nàng quấn thi thể bằng một tấm vải ngà và sai người đưa đi tống táng. Xác nô lệ nằm chình ình trên mặt đất. Tráng sĩ đi qua, nhìn thấy tử thi, ngài ghé đến, nhẹ nhàng cởi lấy tấm vải bọc xác đó.
Tấm vải dính đầy bụi đất và tráng sĩ lúng túng không biết tìm đâu ra nước để giặt. Một tảng đá và một hồ nước trong xanh bỗng nhiên hiện ngay trước mặt thánh nhân.
Một cụ già đầu tóc bạc phơ từ xa đi đến thưa:
"Bạch tôn giả, tôn giả đưa tấm vải đó cho ta, ta sẽ giặt nó cho tôn giả."
Tôn giả đáp: "Không, không. Ta biết công việc phải làm của một đạo sĩ. Chính ta phải giặt lấy tấm vải này."
Giặt xong ngài xuống hồ tắm, sau đó ngài ngồi dưới một tàng cây và bắt đầu khâu tấm vải thành một chiếc y mới.
Màn đêm buông xuống, ngài thiếp ngủ và mơ thấy năm điều:
Trước hết, ngài thấy mình nằm trên một chiếc giường rộng lớn bằng cả trái đất; chiếc gối dưới đầu là rặng Hy mã lạp sơn; tay phải gác trên biển đông, và hai chân duỗi tới biển nam hải.
Kế đó, ngài thấy một cây lau từ rốn ngài mọc ra, mọc nhanh đến nỗi chỉ trong tích tắc đã vươn tới trời xanh.
Rồi ngài thấy sâu bọ bò phủ đầy lên hai chân ngài.
Ngài thấy chim muông từ mọi nơi ào ào bay đến và khi gần tới đầu ngài thì chúng hình như toàn vàng.
Cuối cùng, ngài thấy mình ở dưới một chân núi nhớp nhúa đầy dẫy phân tro; ngài trèo lên tới đỉnh núi rồi trèo xuống lại nhưng ngài không bị phân tro nhớp nhúa làm ô uế.
Thức dậy, kiểm nghiệm lại giấc mơ, ngài biết là ngày giác ngộ đã đến, và một khi đạt đến tri kiến tối thượng thì ngài sẽ thành một đức Phật.
Tu-xà Đa vừa lấy sữa xong tám con bò sữa tuyệt diệu của riêng nàng. Sữa có nhiều dầu mỡ và hương vị rất ngọt ngào. Nàng trộn chung cả sữa, mật ong và bột gạo vào một cái nồi mới và bắt nấu trên một cái lò mới. Bột sữa bắt đầu tạo thành những bọt bong bóng to tướng nổi lềnh bềnh về phía bên phải chứ không như nước dâng lên hoặc tràn ra ngoài từng giọt. Chiếc lò không có một tí khói. Tu-xà Đa ngạc nhiên, nói với tỳ nữ Buộc-na (Purna) rằng:
"Buộc-na, hôm nay thiên thần sẽ ban ơn huệ cho chúng ta, ra xem thử có vị thánh nhân nào sắp đến nhà đó."
Buộc-na, từ ngưỡng cửa, nhìn thấy tráng sĩ đang tiến bước về hướng nhà của Tu-xà Đa, khắp người tỏa ra một ánh hào quang sáng chói, Buộc-na lóe cả mắt, chạy vào báo với cô chủ:
"Thưa cô, ngài ấy sắp đến! Ngài ấy sắp đến! Ánh hào quang rực rỡ của ngài sẽ làm cô chói mắt kìa!"
Tu-xà Đa nói: "Ồ, mong ngài đến! mong ngài đến! Chính vì ngài mà ta đã sửa soạn nồi sữa tuyệt diệu này."
Nàng rót sữa khuấy với mật ong và bột gạo vào một cái bát bằng vàng rồi chờ tráng sĩ đến.
Ngài vừa bước vào, cả phòng sáng rực lên. Để tỏ lòng tôn kính, Tu-xà Đa đảnh lễ ngài bảy lần. Ngài ngồi xuống. Tu-xà Đa quì rửa chân ngài bằng một loại nước hoa thơm ngát; xong, nàng dâng ngài chiếc bát vàng đựng đầy sữa pha bột gạo và mật ong đó. Ngài nghĩ:
"Người ta bảo rằng chư Phật ở quá khứ, trước khi chứng đắc vô thượng bồ đề đều được cúng dường và thọ trai lần cuối trong một cái bát bằng vàng. Nay Tu-xà Đa dâng ta sữa mật đựng trong bát bằng vàng thế này chắc là thời điểm đã đến cho ta thành Phật."
Ngài hỏi thiếu nữ:
"Cô nương, ta phải làm gì với chiếc bát bằng vàng này?"
Nàng đáp: "Nó là của ngài."
Ngài nói: "Ta không biết dùng vào việc gì với chiếc bát như thế này."
Tu-xà Đa nói: "Thế thì ngài làm gì tùy ý. Cúng dường thực phẩm mà không cúng luôn cả bát thì thật là không phải cho con."
Tay cầm bình bát, ngài cáo lui và đi thẳng đến bờ sông. Tắm xong, ngài dùng hết bát sữa, rồi ném bát xuống nước và nguyền rằng:
"Nếu ta có thể thành Phật chính ngày hôm nay thì nguyện xin chiếc bát này trôi ngược dòng nước; bằng không thì cứ tự nhiên xuôi dòng."
Chiếc bát nổi bềnh bồng ra đến giữa sông rồi bắt đầu phăng phăng trôi ngược dòng nước và biến mất tại một chỗ nước xoáy.
Tráng sĩ đi bộ từ từ dọc theo bờ sông. Màn đêm dần dần buông xuống. Hoa lá xếp gọn cánh cành, một mùi hoa ngọt ngào thoang thoảng tỏa khắp ruộng vườn và từng đàn chim e thẹn tấu lên những khúc nhạc đều đều theo gió vang xa.
Tráng sĩ rảo bước về hướng cây Trí giác.
Con đường phủ đầy phấn vàng với những cây thốt nốt hy hữu máng đầy ngọc thạch đứng dài ở hai bên. Ngài đi dọc theo một bờ hồ ngạt ngào hương thơm thánh thủy. Những đóa sen xanh vàng đỏ trắng bừng nở trên khắp mặt hồ như thể khoe sắc khoe màu với đàn chim thiên nga đang cất tiếng líu lo vang vọng trên không. Gần hồ, dưới bóng cây thốt nốt, các tiên nữ đang hân hoan vũ múa, trong khi từ thiên giới, chư thiên đang hết lời thán phục vị tráng sĩ anh hùng.
Ngài tiến đến gần cây Trí-giác và gặp Cát-tường (Savastika), một gã cắt cỏ bên lề đường.
"Cát-tường, cỏ bạn đang cắt mơn mởn lắm! cho ta xin một ít. Ta muốn làm một chỗ ngồi và ta sẽ ngồi lên đó cho đến khi đạt thành chánh giác. Cát-tường, cỏ bạn đang cắt xanh tươi lắm! cho ta xin một ít, rồi ngày kia bạn sẽ hiểu được chánh pháp. Ta sẽ truyền chánh pháp cho bạn, và bạn có thể truyền lại cho nhiều người khác."
Gã cắt cỏ dâng cho tôn giả tám nắm cỏ.
Cây Trí-giác đứng sừng sững. Tráng sĩ vòng sang phía đông vái cây ấy bảy lần. Ngài vừa trải cỏ lên mặt đất, một chỗ ngồi trang nghiêm đột nhiên xuất hiện. Những nắm cỏ mơn mởn mềm mại trải đều lên chỗ ngồi như một tấm thảm êm ái xinh xinh.
Tráng sĩ ngồi xuống, đầu vai thẳng đứng, mắt ngó về phương đông, rồi dũng mãnh trịnh trọng phát thệ nguyện rằng:
"Dù da nám, tay khô, xương tan thành cát bụi, nếu không đạt đến chánh giác, ta quyết không rời khỏi chỗ này."
Phát nguyện xong, ngài ngồi kiết già nhập định.