Tất Đạt Đa vào rừng khổ hạnh, nơi đạo sĩ A-la-lam (Arata Kalama) dạy thuyết khổ tu cho một số đông đệ tử. Ngài xuất hiện ở đâu là được mọi người tán dương ở đó, ngài đi đến đâu là hào quang rực sáng đến đó. Mỗi khi ngài nói, các đạo sĩ khác đều thích thú lắng nghe, giọng ngài ngọt ngào và đầy khí lực. Ngài thu hút tất cả mọi người. Một hôm, A-la-lam nói với ngài:
"Ngươi đã hiểu rõ giáo pháp như ta hiểu. Tất cả những gì ta biết, ngươi đều biết. Từ nay về sau, nếu ngươi muốn, ta sẽ nhường việc cho ngươi, hai ta cùng giáo hóa môn đệ."
Tráng sĩ tự hỏi: "Giáo pháp A-la-lam giảng dạy phải chăng là chánh pháp? Nó có đưa đến giải thoát không?"
Ngài suy nghĩ: "A-la-lam và đồ chúng sinh sống cực kỳ khổ hạnh. Họ từ chối thực phẩm do người làm ra. Họ chỉ ăn trái cây hoặc rễ lá. Họ chỉ uống nước lạnh. Họ ăn uống đạm bạc sơ sài hơn cả chim muông mổ vài hạt đậu li ti, hơn cả hươu nai cắn vài lá cỏ, hơn cả rắn rít hít thở khí trời. Họ ngủ dưới tàng cây, mặc cho hơi nóng mặt trời thiêu đốt. Họ phơi mình ra gió rét. Họ quì trên sỏi đá ngoài đường đến bầm cả gối chân. Họ cho đức hạnh bắt nguồn từ đau khổ. Họ nghĩ là họ sẽ được hạnh phúc. Họ tin là càng luyện tập khổ hạnh khắt khe bao nhiêu, họ càng được lên thiên đàng bấy nhiêu! Vâng, họ sẽ lên thiên đàng! nhưng nhân loại vẫn tiếp tục chịu khổ đau lão tử! Tu tập khổ hạnh mà không biết gì về nỗi thống khổ thường xuyên của sanh tử thì chỉ tạo thêm khổ khổ gia tăng. Nhân loại run sợ trước cái chết nhưng vẫn nổ lực để được ra đời. Họ càng lúc càng lao sâu xuống chính cái hố thẳm mà họ lo sợ. Nếu hành hạ xác thân là việc dâng hiến chân thành thì ham mê dục lạc hẳn phải là điều tội ác ghê gớm, nhưng đọa đày thân xác ở kiếp này để được hưởng hoan lạc ở kiếp sau thì hóa ra thành quả của hiến dâng đích thị là tội ác. Nếu ăn uống qua loa đạm bạc để được thành thánh thì hươu nai sẽ thành thánh cả, và những kẻ khốn nạn từ bỏ giai cấp đó cũng thành thánh hết. Đối với họ, ai vướng vào dục lạc thì không thể thành thánh. Họ cho chủ tâm đọa đày thân thể là yếu tố tăng trưởng đạo hạnh. Chính chủ tâm đó! Chúng ta có thể chủ tâm hưởng thọ dục lạc cũng như chúng ta có thể có chủ tâm chấp nhận khổ đau, và nếu chủ tâm hưởng thọ dục lạc chả có ý nghĩ gì thì tại sao chủ tâm chấp nhận khổ đau phải có giá trị?"
Ngài trầm ngâm suy nghĩ như thế tại rừng khổ hạnh của A-la-lam. Thấy đạo sĩ giảng dạy giáo thuyết hão huyền, ngài đáp:
"Thưa đạo sĩ A-la-lam, ta không thể giảng dạy giáo thuyết của ngài. Ai tu tập theo đó, người ấy sẽ không thấy sự giải thoát. Ta sẽ từ giã cánh rừng khổ hạnh của ngài. Ta sẽ tìm kiếm pháp môn đích thực mà ta phải theo trước khi chúng ta có thể dấn thân vào con đường khổ tu ép xác."
Tráng sĩ lên đường thẳng đến nước Ma-kiệt Đà (Magadha). Ngài tu tập thiền định một mình trên một triền núi gần thành Vương-xá (Rajagriha).