Ông bộ trưởng đứng lặng, đôi mắt đỏ hoe dưới cặp kính lão gọng vàng nhìn người học trò của mình thiêm thiếp bất động trong một bọc vải bọc trắng toát. Sau lưng ông là Tổng giám đốc Trần Khanh, cao lớn lênh khênh trong tấm áo choàng trắng mà bệnh viện bắt buộc phải mang khi tiếp xúc với giường bệnh, trông ông như một vị bác sĩ thực thụ với khuôn mặt lạnh băng và hàm râu mới cạo nhẵn, phớt xanh. Tiếng o o từ một chiếc máy điện nào đó phát ra nghe não nề. Thời gian như căng ra, chực đứt. Bất chợt bộ trưởng rùng mình, ông nghĩ đến tấm vải liệm. Chỉ khác ở đây nó màu trắng tinh khiết, vô cùng tuyệt đối chứ không phải là màu cỏ úa, có khi còn đẫm máu khô. Khoảng cách thời gian hơn một phần tư thế kỷ qua đi không làm vơi những hình ảnh đau thương chết chóc. Hai cuộc kháng chiến thần thánh đã đè lên vai ông. Cái còn lại là những tấm huân chương mà thỉnh thoảng vào những ngày lễ tết, gặp gỡ bạn bè, ông vẫn đem ra gắn lên ngực. Ông chỉ đeo phần cuống. Những miếng cuống huân chương là những ký hiệu. Được cái nó không kêu xủng xoảng, tiếng kim khí va vào nhau, mà nó lặng lẽ, âm thầm, nhẹ như bấc. Vinh quang là thế!
Bên trên khuôn mặt tái nhợt chụp mặt nạ thở ôxy của Trịnh Quang Tụ là vầng trán cũng xanh nhợt, nhưng ông vẫn nhận ra vẻ thông minh, tháo vát của một cậu bé liên lạc ngày nào và cũng như những năm sau này, Trịnh Quang Tụ trở thành một chàng kỹ sư bằng đỏ. Ông không nghi ngờ cái vầng trán ấy đã trải qua hơn ba mươi năm, nó có những nếp nhăn toan tính, âu lo, mà nó vẫn gần gũi bên ông từ những tháng ngày máu lửa. Cái ngày xưa trong trẻo ấy, có những đêm ông đã từng đắp cho Trịnh quang Tụ tấm chăn đơn giữa rừng khuya giá lạnh. Trong ánh sáng mờ ảo của đêm rừng, ông đã dừng cái nhìn âu yếm của mình trên vầng trán ấy, thiêm thiếp trong giấc ngủ binh nhì, vô tư và khờ dại.
Bây giờ thì Tụ đã đủ khôn ngoan. Một thằng bé bặt thiệp, linh hoạt và có đạo đức. Ông bao giờ cũng tin như thế. Ông tin vào con người.
Nắm bàn tay nhỏ và mềm của Bích trong tay mình, ông bộ trưởng nói những câu ngắn gọn, đầy ý nghĩa. Bích khẽ gật đầu và khóc. Tiếng khóc nén chặt cho số phận.
-Chiều nay cô có về nhà không? Bộ trưởng hỏi nhỏ.
-Dạ, có thể em sẽ tạt qua nhà. Đã hai ngày nay, em ở trong này rồi.
-Ừ, cố gắng đừng để xáo trộn quá mức. Bốn giờ chiều nay, tôi sẽ đến thăm cô. Nhân tiện muốn hỏi một vài điều…
Bích ngần ngại:
-Vâng! Nhưng em…
-Cô đừng ngại. Tôi đến thăm cô thôi!
Ông bộ trưởng lặng lẽ trở ra, đến hành lang bệnh viện, ông quay lại nói nhỏ với Trần Khanh, nhưng hình như là ông nói với chính mình, mà cũng có thể là ông nói với đám đông:
-Có thể nào tin được là bây giờ chúng lại bắn vào nhau? Những chàng trai, những ngài cán bộ, những trí thức, tinh hoa của một dân tộc? Danh lợi, mưu toan, được mất đã thành những nẻo đường ma quỷ ám mất rôi!
Trần Khanh lặng lẽ đi bên Bộ trưởng, lặng lẽ lắng nghe, không biết nên nói thế nào. Bộ trưởng tiếp, lần này nói với Tổng giám đốc:
-Ông Khanh này! Ông có khi nào nghĩ rằng trong bụng những thằng như thằng Tụ, thằng Tài… lúc nào cũng có sẵn một khẩu súng? Thậm chí là một quả bộc phá?
Trần Khanh không qua chiến tranh. Đúng hơn là ông không tham gia vào quân đội, không được cầm súng và không biết bắn súng. Ông không biết sử dụng chúng, lại càng không biết thế nào là bộc phá. Chiến tranh đối với ông là một chuỗi ngày gian nan, cực khổ, đầy ải và đáng oán. Nó là một cuộc trường kỳ chạy trốn, là ẩn nấp, là sơ tán, là hoảng hốt, là băng bó và chết chóc. Ông căm ghét chiến tranh. Ông có lý do để căm ghét chiến tranh. Ông cũng biết rằng ông căm ghét nó vì ông không có nó. Đôi khi ông cũng tự ngượng với mình, như một đứa trẻ. Không có được món đồ chơi thì đâm ra thù ghét kẻ có đồ chơi và cả cái món đồ chơi ấy!
Ngày ấy, bây giờ và mãi mãi ông ngưỡng mộ và kính phục những anh hùng, liệt sĩ đã xả thân vì nước. Ông coi họ là mình đồng da sắt, là hiện thân của lòng can đảm và ý chí tiến công. Từ sau ngày hoà bình lập lại, mỗi lần giao tiếp với những người anh hùng ấy, ông vẫn thường có ý nghĩ mặc cảm. Khi ông được học hành tử tế thì họ bắn nhau và chôn cất nhau. Khi bộ máy mới của một bộ, một công ty cần ông, ông khiêm tốn, nhã nhặn nhận lãnh trách nhiệm và chức vụ, ông vẫn một lòng ưu ái và thân thiện với họ. Họ anh hùng, họ dũng cảm nhưng họ không biết cách làm việc, không biết cách điều hành một guồng máy hòa bình. Thậm chí họ cũng không cả biết cách nhún nhường, "tế nhị"! Giao việc cho họ thì được đấy, nhưng rất dễ hỏng, và đã hỏng rồi! Trần Khanh vạn bất đắc dĩ phải "qua mặt" họ. Nhưng đến một lúc nào đó, việc ông ngồi vào vị trí lãnh đạo, điều hành lại là tất yếu.
-Có lẽ ta cần phải xem lại công tác giáo dục đạo đức cho cán bộ, anh ạ!
Nghe Trần Khanh nói thế, bộ trưởng nổi nóng. Suýt nữa thì ông nổi nóng, nhưng đã kịp trấn tĩnh. Điều này làm nên sự kỳ diệu của ông. Nhưng không nổi nóng không có nghĩa là không bày tỏ thái độ:
-Giáo dục cái gì, và giáo dục thế nào? Giết người là bản năng, anh Khanh ạ! Giữa chiến thắng và giết người có họ hàng thân thích với nhau. Khao khát chiến thắng và nung nấu hận thù cũng là bản năng. Anh và tôi, chúng ta đã giáo dục cho cán bộ những gì nào? Đạo đức? Nhân bản? Tình thương hay tôn giáo? Chúng ta luôn luôn thúc giục họ phải là một cán bộ giỏi làm ăn, có lời có lãi, có phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Để có được miếng ăn, mỗi cá nhân đã phải thể hiện mình như thế nào? Trung thực, chân thực, thật thà đều có cùng nguồn cội, đều làm nên nhân cách. Nhưng mỗi nhân cách đã có những cái khác nhau, có khi thành bản chất. Trong khi đó tôi và anh lại mong mỏi họ trở thành những chiến sĩ cách mạng trung kiên, sả thân vì nghĩa lớn. Có đúng thế không?
-Vâng! Đạo đức là phạm trù lịch sử. Kiếm tiền là vĩnh viễn… Trần Khanh thảng thốt.
-Chúng ta đang đứng trước sự chọn lựa giữa cái tất yếu và cái có thể. Giữa cái được và cái không được.
Trần Khanh đi chậm lại ngang với bộ trưởng:
-Nói thật với anh, nhiều lúc tôi cứ nghĩ, chúng ta đang làm cách mạng hay… làm tiền?
Bộ trưởng nheo mắt cười, lộ vẻ hóm hỉnh thường thấy:
-Thế ông bảo làm cách mạng không phải là làm tiền à? Mười vạn phụ nữ đang làm trong ngành ngân hàng, chả là mười vạn cô gái "làm tiền" hay sao? Đừng băn khoăn quá thế, ông Khanh ạ! Bộ trưởng nhìn quanh, thấy một chiếc ghế đá còn trống. Ông có bận lắm không? Ta ngồi đây tí nhé… Mấy khi được thư thả ngồi công viên.
Bộ trưởng khoác vai Trần Khanh đến bên ghế đá. Trần Khanh còn đang lưỡng lự, thì bộ trưởng đã ngồi xuống.
Giờ này các bệnh nhân đang trong phòng làm thuốc, nên công viên bệnh viện vắng người. Mùi thuốc hăng hăng trong gió, có vẻ yên tĩnh, nhưng xen lẫn lo âu. Ở mãi góc sân bên kia, một bệnh nhân đang ngồi trầm ngâm. Đó là một người đàn ông có tuổi, có lẽ xấp xỉ tuổi bộ trưởng. Ông ta ngồi trầm ngâm, nhìn ra ngoài đường phố. Có thể quá khứ dĩ vãng đang ào ạt chảy trong ông ta. Mà cũng có thể ông ta chẳng nghĩ ngợi gì. Ông ta cô đơn quá, liệu có ai viếng thăm không? Tiếng ầm ào của xe cộ vọng qua bức tường cao, phủ kín cây vẩy ốc. Bộ trưởng đập tay mình lên đầu gối Trần Khanh:
-Ông Khanh này! Hoá ra mình không có bệnh tật gì mới chết chứ!
Trần Khanh cười thán phục:
-Anh tài thật đấy. Bất tài quân vương khí. Đa bệnh cố nhân sơ.(1)Bao nhiêu năm ở chiến trường, ăn hầm ngủ hào, mà sao sức khoẻ anh tốt thế!
-Cũng không tốt lắm. Không thấy có bệnh thôi chứ không lấy gì bảo đảm. Sáu mươi sáu rồi đấy. Mỗi lần vào bệnh viện thăm ai, mình lại tự hỏi: bao giờ đến phiên mình? Nhất là khi đi dự đám tang một người thân…
-Anh bảo, trẻ con thì lớn, còn người lớn thì già…
-À, thằng cháu nhà ông học ngành gì?
Tổng giám đốc cúi xuống nhặt một mảnh giấy báo được gió cuốn đang bay về phía ông:
-Không biết con anh thế nào, chứ cháu nhà tôi chỉ một mực thi vào Đại học tổng hợp, khoa sử. Nhất định không chịu thi vào Đại học Kinh tế quốc dân như gợi ý của mẹ nó.
-Còn ông?
-Tôi không bắt ép nó, nhưng ý kiến của vợ tôi là chấp nhận được.
Bộ trưởng cười:
-Con mình lớn cả rồi. Dạo thi vào đại học nó cũng không chịu nghe gợi ý của mình. Nó học mỹ thuật. Hồi đó mình cũng khuyên nó học kinh tế. Mà ông có biết nó nói với mình thế nào không?
-Bây giờ bọn trẻ nhiều lý sự lắm.
-Nó nói thế này mới tệ chứ: "Con của bố không có năng khiếu làm nhà buôn, cũng chẳng có tài làm chính trị. Cả hai nghề đó đều phải có phẩm chất riêng". Mình hỏi phẩm chất gì, nó trả lời: gian!
-Tệ thật?
-Tệ lắm, nhưng mình không nạt nó, chỉ lặng im. Nó biết mình giận, muốn làm lành, nhưng lại giải thích: "Làm chính trị muốn bền vững thì phải gian hùng, còn làm thương mại muốn giàu có thỉ phải gian manh!".
Trần Khanh cười chua chát:
-Anh thấy nó nói có đúng không?
Bộ trưởng nhìn Tổng giám đốc bằng cái nhìn dò xét, song ông lại nheo mắt cười:
-Ông hỏi mình câu hỏi khó trả lời. Vì nó là câu hỏi vừa của đứa con nít mới lớn, lại vừa của một lão già từng trải, tai quái. Tốt nhất là không trả lời. À, này ông Khanh, có điều này, mình cũng định nói với ông, nhưng chưa có dịp.
Trần Khanh nhìn đồng hồ tay:
-Có ghê gớm không anh?
Bộ trưởng nheo mắt nhìn lên những ô cửa bệnh viện, vẻ suy nghĩ căng thẳng hiện rõ trên vầng trán và sống mũi. Lát sau ông cúi xuống, cũng nhìn đồng hồ:
-Bảo ghê gớm cũng chưa đến nỗi, mà bảo là không có gì hoặc chuyện nhỏ thì hoá ra sai lầm. Có bao giờ ông nhận thấy mình thoả hiệp không?
Trần Khanh chưa hiểu hết câu hỏi của cấp trên, ông im lặng, để chờ bộ trưởng giải thích thêm.
-Cũng có người bảo mình thế đấy! Và mình cũng nhận thấy mình có, ít thôi nhưng có đấy. Thế mới chết!
-Tất nhiên trong công việc, giao dịch bên ngoài… Trần Khanh dò xét.
-Không phải trong giao dịch, hay công việc đối ngoại, cái đó mình có đủ khả năng kiên định. Thoả hiệp ở đây là khá trầm trọng, nó làm cho bộ máy của mình chuyển động một cách chủ quan. Một ông tướng già cấp trên của mình ngày xưa, nay đã nghỉ hưu có nói với mình thế này: "Các cậu đang thoả hiệp với mình, với cấp dưới và cấp trên của mình rồi đấy. Cậu "khoanh vùng" cho cấp dưới để nhận lấy lợi ích". Ông ta nói thêm: sự kính trọng cũng là lợi ích! Vừa rồi, mình có ký cho cơ quan Bộ thành lập một công ty Dịch vụ, ông cũng biết nó rồi đấy. Nói thật nhé, mình đã suy nghĩ về cái công ty ấy có cũng được, mà không có cũng được. Nhưng anh em cứ đề đạt mãi, mình giải thích mức độ không cần thiết của nó, nhưng lại nhận được những lời tán dương về nó, đâm ra mình cũng ký để cho nội bộ được yên. Đến bây giờ thì mình nghĩ cái công ty ấy có nó cũng chết mà không có nó cũng chết… Làm cái anh đầu têu khổ thật!
Trần Khanh giật mình. Đây là điều ông đã nghĩ đến, đã tự chất vấn mình. Không ngờ, cấp trên của mình, một ngài bộ trưởng cũng băn khoăn về hiện tình này. Đã có lần, ông bộ trưởng "khoanh vùng" cho mình dưới hình thức "cá nhân phụ trách". Thật xấu hổ…
-Vụ thằng Tụ này càng chứng tỏ mình quan liêu. Hỏi đến cái gì cũng không biết, cũng phải chờ ở cấp dưới. Làm lãnh đạo hành chính, dân sự thật khổ tâm.
Bỗng bộ trưởng ngồi xoay mặt vào Trần Khanh:
-Ông cũng thế, ông Tổng giám đốc ạ. Ông "khoanh vùng" trách nhiệm, để nó cát cứ, nó chủ quan. Tính mệnh của nó là quan trọng, đồng thời, một cái gì đó còn ghê gớm hơn…
Trần Khanh cúi đầu im lặng. Một bệnh nhân tâm thần đang đi ngang qua, tò mò nhìn hai ông cán bộ đang làm gì nhau, như là tâm sự. Người bệnh cười ngờ nghệch, đáng thương. Ông bộ trưởng cười với người điên, còn người bệnh thì lại nhìn Trần Khanh một cách chăm chú.
-Nào thôi tạm biệt nhé… Bộ trưởng đứng dậy. Xe nó đợi mình cũng lâu rồi đấy.
Trần Khanh vẫn thấy băn khoăn:
-Tôi muốn anh cho ý kiến, về vụ này…
-Thôi thế đủ rồi, anh bạn già ạ. Trưa mai tôi phải đi Trung Đông, khi nào về về ta bàn sau. Tôi chỉ nhắc cái Tổng của ông rằng: đồng hương, đồng môn, đồng ngũ, tuổi "tam hợp"… chính là bè phái, là cánh hẩu là vô nguyên tắc, cơ hội! Không cẩn thận sẽ dẫn đến suy tàn, sụp đổ đấy. Súng nổ, ta còn nghe thấy, nhưng dao găm đâm vào lưng nhau, bọn mình không nghe được tiếng của nó đâu…