Sau khi ba người công an và hai ông cán bộ từ đảng ủy khối xuống rút đi, bầu không khí trong công ty CHANDCO xám xịt, ảm đạm. Những khuôn mặt lầm lì khó có thể đoán biết được tâm trạng của họ lo âu, buồn bã hay dửng dưng, chờ đợi. Chỉ có thể đoán được cái màu oi bức, tang ma xen lẫn sự đe dọa, trả thù. Hai cô kế toán Hường và Lý ngồi lặng thinh nhìn chồng hồ sơ vừa được xếp lại sau những giây phút lo lắng, hoảng sợ. Thỉnh thoảng Lý lại ngước mắt nhìn trộm kế toán trưởng. Làm như đang chăm chú đọc một tài liệu gì đó, chị Hảo kế toán trưởng công ty nhìn đăm đắm vào một vết mực in lem trên trang giấy của bản văn Luật Công ty. Vết mực in lem chỉ nhỏ như con loăng quang trong bồn cá vàng của chị, thế rồi nó cứ lớn dần lên, lớn mãi đến nỗi che kín cả hai con mắt Hảo, nhòa đi. Đấy là nước mắt, nước mắt tự nhiên rơi trên trang giấy, những giọt khác chảy dọc theo cái sống mũi dọc dừa, đẹp nổi tiếng của Hảo. Những giọt khác chảy ngầm trong sống mũi, tràn xuống miệng, Hảo cảm nhận được vị mặn của nước mắt, nó như nước biển Nha Trang chiều nào, mặn chát và nồng nàn. Nhưng bây giờ thì hết rồi, hết thật rồi. Hảo choàng tỉnh, chị nhận ra mình khóc trước mặt hai cô nhân viên, những cô bé mới vào làm việc, luôn luôn im lặng và thụ động cả trong công việc, cũng như quan hệ riêng tư, không thể biết được các cô phản đối hay đồng ý. Chỉ biết rằng họ là những cô gái tốt.
-Hai đứa ăn gì chưa? Hảo ngẩng lên, lau nước mắt và khịt mũi hỏi hai cô nhân viên dưới quyền.
-Dạ, tụi em... chưa! Tính vô cơ quan rồi chị em rủ nhau đi ăn, nào ngờ...
Hảo mỉm cười trở lại, cái vẻ ủ dột, thẫn thờ của người đàn bà bốn mươi hai tuổi, còn vương lại trên những sợi tóc mai, dưới hàng mi dài và đôi môi run rẩy, càng làm cho chị mặn mà hơn. Hảo mỉm cười thầm nghĩ, anh Tụ đã có lần nói: "Càng buồn, Hảo càng đẹp!". Có lẽ thế thật, chứ không phải anh ấy ga-lăng, nịnh đầm đâu nhỉ?
-Thôi, chuyện đâu có đó, chị em mình đi ra ngoài kiếm cái gì ăn đi, hôm nay chị bao nhé!
Ba người phụ nữ cùng nhìn lại mình một lần trong tấm gương lớn treo ở giữa phòng, rồi ra đi. Qua hành lang, nhìn vào phòng thiết kế, thấy Kha đang cắm cúi viết viết, xóa xóa cái gì đó, Hảo ngó vào:
-Anh Kha ăn sáng chưa? Đi ăn với tụi em nhé?
Bao giờ cũng thế, câu nói của Hảo luôn mang tính tích cực, không để người nghe, hay người được yêu cầu làm một việc gì thuận miệng chối từ. Chẳng hạn, chị nói "đi với bọn em nhé", để người đối thoại dễ dàng đồng ý, mà không bao giờ nói "đi với chúng em không?" để người ta dễ dàng nói "không". Vậy là Kha gật đầu:
-Nhưng anh không có tiền bao em đâu đấy! Anh chỉ còn có mười ngàn. Tiền thù lao mẫu của anh đưa giám đốc duyệt chi, mà sếp ngâm lâu quá. Tận hôm nay vẫn chưa có. Đúng là "vừa bé hạt thóc, vừa lâu đồng tiền", đã rẻ rúng lại còn lâu la...
Kha ra đến cửa, thấy có cả hai cô Hường và Lý thì chững lại, cười nheo một bên mắt "Có cả hai tiểu thư nữa hả?". Hảo nắm tay áo Kha kéo đi:
-Cái anh này, lúc nào cũng bông phèng được! Chả trách người ta bảo anh ác khẩu?
-Ừ, đúng là có đôi khi mình làm mất lòng sếp thật!
-Đôi khi gì? Nhiều khi, thậm chí "thường khi" ấy chứ!
Cả bọn kéo nhau ra quán bún bò Huế, ngay trên vỉa hè. Đây là quán bình dân, nhưng đúng người Huế nấu, tuy có pha thêm khẩu vị địa phương Nam bộ, nhưng vẫn đậm đà, "có bản sắc dân tộc" như Kha nói. Vừa ăn, cô kế toán Hường ngước lên hỏi Kha:
-Chú Kha có biết vì sao cả giám đốc với phó giám đốc của mình cùng "đi công tác đột xuất" không?
Đang dở một miếng trong miệng, Kha hất đầu về phía Hảo, ý như bảo hãy hỏi chị ấy. Hảo lấy miếng giấy lau miệng, đôi môi mỏng và hơi cong lên, hằn sâu đường nhân trung lấm tấm mồ hôi, nói:
-Em đang định hỏi anh đấy! Sao họ bí mật thế nhỉ?
Kha nhồm nhoàm nhai nột miếng gân bò, không trả lời. Hảo tiếp:
-Anh thân với giám đốc lắm mà, sao không biết chuyện gì à?
-Đó là ngày trước - Kha suýt soa vì vị cay quá cỡ của món bún bò Huế. Ngày trước chúng tôi là bạn đấy, thân lắm...
-Thế còn bây giờ? Cô Lý hỏi đế vào.
-Bây giờ không thân nữa, vì bị "phân hóa".
-Là sao, cháu không hiểu?
-Thế mà cũng gọi là cử nhân. Cử nhân mà không hiểu "phân hóa" là gì à?
-Nói làm người ta dễ tự ái. Hảo lấy nắm tay cầm miếng giấy lau miệng đấm nhẹ vào đầu gối Kha. Đâu phải người ta đến nỗi không biết thế nào là "phân hóa", nó cũng như ăn bún bò vào nó "hóa" ra "phân" thôi chứ gì?
Nói câu này, Hảo bịt miệng cười, Kha giơ một ngón tay cái lên ngụ ý khen:
-Đúng thế! Bọn này ngày trước được nhét chung vào một cái dạ dày bò...
-Cháu hỏi thiệt đó, chú Kha, sao hai người bỗng dưng không chơi với nhau nữa?
Kha trầm ngâm, tay bịt cái tăm ngậm trong miệng:
-Nói thế nào được nhỉ? Các em còn trẻ quá, đúng ra không nên nghe những chuyện này, đó là những chuyện của một lớp người lạc hậu, bảo thủ, cố chấp... Khi chưa lên phó tổng, kiêm giám đốc công ty con trong này, anh Tụ có nỗi niềm khác, nỗi lo khác, và anh ấy cũng hướng đến những con người khác, khả dĩ hỗ trợ anh ấy trong công việc. Anh ấy là con người của công việc. Các em về sau, chưa hiểu anh ấy, có thể hỏi chị Hảo thì biết...
Bàn tay tuy đã bắt đầu nhăn, nhưng vẫn ánh lên ánh sáng của nét đẹp kiều diễm, không chỉ ở bộ móng chải chuốt, mà còn từ làn da mềm mại của Hảo che cái tăm đang ngậm trên đôi môi mọng màu nâu sậm, gật gật đầu, tỏ ý đồng tình. Trong khi Hảo làm ra vẻ lắng nghe một cách lơ đãng thì hai cô gái trẻ lại nghiêng đầu chăm chú. Kha im lặng, lùa bàn tay vào trong mái tóc rối bù, ý chừng không muốn nói nữa.
-Chú Kha nói tiếp về sự phân hóa giữa hai người đi...
-Sự phân hóa cũng tự nhiên, kinh điển như các em đã học thôi. Khi người ta khác nhau về quyền lợi thì cũng có nghĩa là họ sẽ khác nhau về nhận thức. Điều này khách quan một cách tự nhiên chứ không hề mang ý nghĩa đạo đức. Đang từ một cán bộ cùng có quyền lợi như anh em, bỗng nhiên Tụ có những quyền lợi khác, phải nói là đặc quyền, mâu thuẫn với quyền lợi của số đông...
-Thế nhưng lúc bỏ phiếu tín nhiệm anh Tụ làm phó tổng, anh cũng ủng hộ đấy thôi? Hảo hỏi ngang.
-Tôi ủng hộ chứ! Tôi không chỉ ủng hộ công khai tại các cuộc họp, tại lần bỏ phiếu tín nhiệm Tụ làm phó tổng giám đốc công ty, mà tôi còn nỗ lực tuyên truyền, vận động hành lang để Tụ được bổ nhiệm làm phó tổng.
-Để đến bây giờ anh ân hận? Hảo đốp chát.
Kha quay sang nhìn lom lom vào khuôn mặt khả ái, vào đôi mắt đen của thiếu phụ:
-Sao lại ân hận? Tụ làm phó tổng là đúng, là hợp lý nhất, là tất yếu. Ở cái công ty CHANDCO con này, không ai hơn Tụ trong chức vụ này, trước sau cũng đến lượt anh ấy. Có điều cấp trên và anh em ta làm việc này nhanh hay chậm mà thôi. Vấn đề là ở chỗ khác kia... Ta đi sang quán cà phê kia đi, để dành chỗ cho người ta bán hàng, "ngồi dai, khoai bà nát". Hường? Biết câu này không?
Hảo lấy tiền trả tiền bún bò cho cả bốn người. Kha nhìn vào cái ví nhỏ xinh của chị:
-Để phụ nữ trả tiền thế này là anh mất giá lắm rồi đấy...
Hảo cười, vẻ mặt vờ hờn dỗi:
-Vẽ chuyện! Dạo này ăn cơm hay ăn mì gói thế ông?
Không khí vui vẻ chỉ thoáng qua, mọi người lầm lỳ vào cái quán giải khát cạnh đó vài bước chân. Cánh phụ nữ uống sữa đậu nành, còn Kha thì cà phê đen muôn năm!
-Tiếp tục câu chuyện nhé, đến đâu rồi Hường nhỉ?
-Cháu không nhớ, hình như chú nói tới: anh Tụ làm phó tổng là đúng!
-Tụ làm phó tổng là đúng. Tôi vẫn thường nghĩ, người ta cần có một cái chức để làm việc cho "danh chính, ngôn thuận" mà! Nhưng trên thực tế, đối với chúng ta, tất cả những gì thuộc về "cán bộ" đều có giá trị như một cái hàm, kiểu như "cửu phẩm, nhất phẩm" của chế độ phong kiến. Không có cán bộ quản lý, cán bộ phong trào, không có chính khách, mà chỉ có những ông quan! Cái đó tôi đã không nghĩ ra, đúng ra là không biết. Nghĩa vụ, trách nhiệm có thể chung chung, mơ hồ, vì còn có một tập thể bên cạnh, trùm lên, nhưng quyền lợi thì lại cụ thể, rất cụ thể, không thể thiếu được. Vì thế cho nên, Tụ đã khác, khác tôi, khác chúng ta. Hình như chỉ có Hảo là không khác, phải không?
Hảo đang mải suy nghĩ về cái gì đó chứ không nghe Kha đang thao thao bất tuyệt với điếu thuốc và ly cà phê đắng nghét cùng với hai "cử tọa" là những cô học sinh vừa rời ghế nhà trường. Nghe Kha khích thế, Hảo chỉ khẽ lắc đầu, vẻ mặt buồn càng buồn. Chị vẫn nghĩ về Tụ, về những gì mà ông cán bộ đảng ủy mới nói khi nãy: "Tạm thời công ty giao cho đồng chí Đức trưởng phòng tổ chức hành chính, chi ủy viên phụ trách, trong khi ban giám đốc đi vắng". Đi vắng là đi đâu? Dù có làm ra vẻ bí mật, thì các ông cấp trên vẫn giấu đầu hở đuôi. Nếu chỉ có thế thì làm gì phải kéo cả công an đến? Thế rồi lại còn kiểm kê, niêm phong phòng làm việc của chánh phó giám đốc?
-Thôi được, cô Hảo không đồng tình vơí ý kiến của tôi cũng được, ta sẽ có lúc trở lại vấn đề này. Cái mà tôi cảm nhận được là bỗng dưng tôi thấy các trí thức Việt Nam ta quả là hèn, rất hèn!
Hai cô gái bụm miệng cười, Lý cãi lại:
-Chú nói thế, cháu không chịu đâu! Trí thức Việt Nam có truyền thống bất khuất, kiên cường lắm mà. Cháu được học như thế đấy!
-Tất nhiên đó là truyền thống, và những điều cháu được học. Nhưng nếu coi trí thức là những người có bằng cử nhân, kỹ sư, nghĩa là tốt nghiệp đại học... thì đó là một thực thể đáng buồn. Tôi kể chuyện này nhé, có hai người bạn cùng học một trường, một lớp, một thầy ra cùng làm một cơ quan, họ là những người bạn mà được gọi là bạn nối khố hay con chấy cắn đôi. Cùng ăn, cùng uống, có khi cùng ngủ, cùng giống nhau về nhận thức. Thế rồi một người được đề bạt lên làm một chức vụ cỏn con, phó phòng chẳng hạn, thế là người kia thay đổi. Anh ta, cái anh không được đề bạt ấy, lảng tránh, và đôi khi còn nói xấu bạn, đại loại như "Ôi, cái thằng ấy tài cán gì? Hồi cùng học hắn học dốt như bò, chẳng qua khéo nịnh, được lên chức". Vân vân... thế đấy! Có đáng gọi là hèn không? Những người khác không có tính đó, kể cả ông bà nông dân, con mụ tiểu thương, phe phẩy, hay gã ăn mày...
-Trong đó có anh không? Hảo đột ngột hỏi Kha.
-À thì ra nãy giờ cô vẫn chăm chú nghe tôi nói. Có đấy, có tôi, có cô, có chúng ta...
-Là tôi hỏi giữa anh và anh Tụ?
-Đây là một trường hợp khác. Tôi với Tụ có cái giống nhau là cùng đi lính, cùng được đi học đại học sau chiến tranh, tuy khác trường, tôi ở trong nước, còn Tụ ở nước ngoài. Tôi luôn nghĩ chúng tôi giống nhau, nhưng tôi đã sai. Có một dạo chúng tôi cảm thấy mọi người đều giống nhau, về ý thức, về quyền lợi và nghĩa vụ, cứ tròn xoe xoe. Ông nông dân và đồng chí chủ tịch tỉnh, anh công nhân với ngài bộ trưởng, cô bán hàng mậu dịch với bà chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ, tất cả tưởng như đều giống nhau, đều được đúc chung một khuôn của cái bánh! Nhưng không, chúng ta rất khác nhau, đến một ổ gà có những quả trứng giống nhau đến thế mà khi nở ra, bọn gà con chúng cũng khác nhau, có con tham ăn, chỏng chảnh, có con ngu ngơ, hèn mọn... ta không biết, mà lại cứ tưởng biết hết rồi. Chính sự khác nhau làm nên sức mạnh chứ không phải cá mè một lứa, cá đối bằng đầu làm thành một tập thể mạnh. Bây giờ, nhìn các bạn trẻ thấy giống nhau quá, mà thấy lo. Vi tính: tất cả vi tính; nhuộm tóc xanh đỏ: tất cả đều nhuộm xanh đỏ; học tiếng Anh, vào đại học cũng thế, chẳng ai khác ai. Thẩm mỹ âm nhạc thì cũng lại chỉ có Lam Trường, Mỹ Tâm...
Đột nhiên mọi người im lặng. Ba người phụ nữ hình như không còn muốn nghe nữa, mà Kha cũng thấy không còn gì để nói. Những giọt cà phê cuối cùng đã cạn, tàn thuốc đã lưng một cái gạt tàn. Họ uể oải đứng dậy. Đường phố vẫn vô tư, ồn ào, náo nhiệt, xe vẫn phả khói, ruồi nhặng vẫn bay vè vè trên nắp cống. Một buổi sáng kinh hoàng đã sắp hết.