Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Cánh Đồng Lưu Lạc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17221 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cánh Đồng Lưu Lạc
Hoàng Đình Quang

ĐOẠN 1

(Tác phẩm được trao giải B của Hội Nhà văn Việt Nam – trong cuộc thi tiểu thuyết năm 2005 – NXB Hội nhà văn ấn hành Quý I-2005; NXB Văn hóa SG tái bản Quý II-2006)
ĐOẠN 1
Bây giờ thì bạn đang cầm trên tay cuốn sách của tôi. Nếu nó không hay, không hấp dẫn bạn thì tôi, với tư cách là tác giả xin bạn hãy khoan buông xuống, mà đọc thử một đoạn này. Rồi sau đó, có đọc tiếp hay không, là quyền của bạn, do bạn quyết định.
Tôi tin rằng bạn biết và nhớ hai câu thơ này.
"Tôi ở Vĩnh Yên lên,
Anh trên Sơn Cốt xuống!"
Hai câu thơ trên được viết bởi nhà thơ lớn nhất, vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta. Hai câu ấy được đưa vào sách giáo khoa, để nếu ai đã từng cắp sách đến trường đều được học. Nếu chỉ được viết bởi nhà thơ, dù là nhà thơ lớn tôi cũng không có gan cam đoan như trên, mà vì nó còn được đưa vào sách giáo khoa cho tôi, cho bạn và hàng triệu, hàng triệu người được học và phải học, phải trả bài nên niềm tin của tôi vào bạn là có cơ sở, bởi tôi tin là bạn có đi học và được học hai câu thơ trên.
Sơn Cốt là làng tôi! Làng Sơn Cốt là của tôi, nơi ông nội tôi đến cư ngụ, lần lượt cha tôi, rồi tôi cũng được sinh ra ở cái làng nhỏ bé này. Nó vô tăm tích nếu như không từng có hai câu thơ trên. Nó bé lắm, bé như hạt tấm mà ông Trời đã vô tình để lọt qua kẽ tay, rơi xuống!
Từ bé, tôi tin rằng làng Sơn Cốt của tôi là một cái làng vĩ đại, tuyệt vời, bởi nó có đầy đủ nhất, những anh hùng, hảo hán, những vĩ nhân bất phùng thời, những người thất học, những bà ăn mày, những ông dở người, câm và ngọng...
Nếu từ thủ đô Hà Nội đi lên phía Bắc dọc theo con đường quốc lộ số Ba, khoảng năm mươi cây số, đến cái phố có tên là Phố Ba Hàng, một con đường đất đỏ vừa đủ cho hai chiếc ô tô tránh nhau vất vả, rẽ về bên trái, là con đường dẫn bạn vào làng tôi. Đi chừng hơn một cây số, trên con đường đất đỏ hai bên chi chít cột điện, có cái đang reo trong gió vi vút, có cái nằm trơ vơ, như cô gái khẳng khiu lỡ thời, bước qua chiếc cầu bắc bằng gỗ, mà dấu tích cây cầu bằng bê tông bị đánh sập còn nằm ghếch một tảng xi măng cốt thép lên bờ, nom như một cái váy đụp rất chi là cứng của một bà lão ăn mày ngủ gật, là bạn đặt chân đến làng tôi.
Bạn gặp ngay một anh hùng!
Người "anh hùng" này có tên, nhưng tôi không nỡ đưa ra đây, bởi cho đến bây giờ ông ta đã chết rồi, chết bình thường, cũng có kèn, có trống, nhưng khi ông ta còn sống rất không bình thường tí nào. Vào cái năm ấy, là năm người Mỹ chuẩn bị đem bom đến bắn phá miền Bắc, trong đó có cái hạt tấm của chúng tôi, ông ta chừng băm lăm, băm sáu tuổi, là một trai đinh trong một dòng họ lớn, mặc dù cũng là dòng ngụ cư. Ngay trên bệ cầu, vì cầu không có lan can, một con người khòng khoeo, dáng dứng như kiểu pho tượng Milô bên nước Ý, một tay ngửa ra như mời mọc, còn tay kia vì khoèo nên đưa ra phía sau, thế thủ. Trên người anh ta không hề có áo quần, người đen nhẻm, và ngay dưới bụng, chỗ hai chân giao nhau, lòng thòng một cái vật kỳ quái, phủ đầy rêu đen. Đó là một con Tinh Tinh còn sót lại từ khi làng khai mở, hoặc cũng có thể nó đến từ một nơi nào đó mà nó bị giam hãm, thoát ra. Anh ta thấy bạn, anh ta cười, hai hàm răng đều và trắng kinh khủng, trong khi đó cặp môi thâm sì và lợi thì lại đỏ như miếng tiết đọng trong ngực con lợn khi mổ. Đó là cái miệng của một con dã thú ăn thịt người không gớm răng. Đợi bạn đến gần chút nữa, anh ta phát ra một câu từ cái miệng méo xệch, ồm ồm mà rất vang, rất dữ mà cũng rất hiền, vì nó buồn cười: Chu chố! (Cu bố). Thế rồi ngay lập tức, anh ta phóng mình nhảy xuống nước, ngay trên bệ cầu ở độ cao chừng bốn thước. Anh ta chìm nghỉm sau một quầng bọt trắng ngà. Không, bạn đừng ngại, anh ta không chết đâu, không chết được vì anh ta bơi giỏi và cũng vì ông Trời đầy anh ta, như các vị bô lão trong làng vẫn nói thế!
Bạn tiếp tục đi về phía Tây, hai bên đường vẫn vô vàn cột điện, điện chạy lằng nhằng trên đầu, cột điện cắm chi chít vào ruộng vào vườn, nhưng người dân làng tôi phải đến ba mươi năm sau mới biết thế nào là điện. Hai bên đường không có nhà dân mà chỉ toàn những lùm cây gai tầm sọng, cây xạ hương và những cây sau sau lá đỏ bám đầy những con sâu cước to bằng ngón chân cái, mình đầy gai và mủ vàng đùn ra thành sợi như sợi cước. Thôn xóm ở lùi vào mãi trong sâu, không ai dám ở và muốn ở ngoài "mặt tiền" như bây giờ ao ước, vì không muốn mang tiếng "đầu đường, xó chợ" (và bây giờ thì cái "đầu đường, xó chợ" đã thành một dãy phố, có tên là phố Cong Môi). Đến một ngã ba, nơi choẽ ra hai nhánh, một vào Bến Đẫm, nơi có miếu thờ vị tướng công thần nhà Lê Mạt Lưu Nhân Chú, còn bên trái đi về Bến Nhái, theo con đường mòn ăn vào Đèo Nhe, sang đất Vĩnh Yên như cái tên trong bài thơ chúng ta vừa nhắc trên kia.
Tôi xin nói kỹ một chút về cái giếng này, gọi là giếng Đồn. Có thể bạn đang khát, mà nước dưới giếng thì trong vô ngần. Đây là một cái giếng do người Tây, ông chủ đồn điền Sơn Cốt cho đào đào từ rất lâu, từ cái thuở khai sinh ra cái đồn điền và cũng khai sinh ra cái làng Sơn Cốt của chúng tôi. Miệng giếng rộng bằng cái nong, từ dưới đáy giếng sâu chừng sáu, bảy mét được kè bằng đá xanh lên tận miệng và cả thành giếng. Vào những năm khô hạn, tất cả các giếng, thậm chí cả ao hồ, cả Sông Công đều cạn, thì giếng Đồn vẫn có nước tuy không nhiều, nhưng cũng đủ cho một nửa làng sống gần đó sử dụng, dù chỉ để nấu ăn. Tôi không thể nào lý giải được điều đó, vì cái giếng Đồn ở vào một khu đất khá cao, lại xa sông, xa hồ? Tôi đã chứng kiến có những tay xe thồ, đi đường vì khát nước quá, lại không có gầu, anh ta bám vào các bậc đá leo xuống đáy giếng, uống no một bụng nước rồi lại leo lên, tiếp tục đẩy xe đi. Khi còn nhỏ, tôi cũng đã có lần xuống uống thử, vì nhà tôi gần đấy, chỉ cần chạy một mạch ngắn là có thể về nhà, uống nước sôi hẳn hoi, thấy nước giếng Đồn ngọt lịm, mát lạnh, nhưng khi nhìn lên, mới thấy sợ. Bầu trời nhỏ tí tẹo, hun hút xa xanh, như rời bỏ tôi, để lại tôi cô độc trong lòng giếng.
Nếu bạn đi ban ngày, lúc còn mặt trời, tất không có chuyện gì xảy ra, ngoài chuyện người anh hùng Tinh Tinh, nhưng nếu bạn đi vào ban đêm, đêm thật khuya, đến gần ngã ba, bạn sẽ thấy trên miệng thành giếng, có một cái bóng trắng. Đến gần hơn tí nữa, bạn sẽ nhận ra cái bóng trắng đó chính là một người con gái, tóc thả dài, rũ rượi, bộ quần áo trắng toát, thỉnh thoảng ánh lên lấp lánh hàng trăm, hàng ngàn chấm sáng lân tinh. Nếu người đi đường là người mạnh bóng vía, có bản lĩnh cao cường, mắt nhìn lên sáng quắc, miệng hôi mùi tỏi sống... cái bóng trắng ấy sẽ hoảng sợ. Nó rụt rè, run rẩy rồi lắc mình một cái nhảy xuống lòng giếng, nhẹ như ta thả cái lông tơ xuống mặt nước, không một tiếng động. Đó là cái bóng ma. Nếu khách lữ hành là một người yếu bóng vía, sắc mặt trắng, bản lĩnh non gan, đi đường hay lúc ngồi ăn thường hay nhìn xuống, lòng dạ bâng khuâng lo lắng vì đã trót làm điều gì trái lẽ đạo... cái bóng ma trắng toát kia sẽ từ từ đứng lên tiến đến trước mặt người ấy. Bằng những điệu vũ công thuần thục, hai bàn tay dài quá khổ vươn ra, chờn vờn như bắt bóng, cái miệng tươi cười xinh như đoá phù dung, và thở ra mùi tanh của sắt, của đồng gỉ... ôm choàng lấy đối thủ, khiến người ấy hoặc là bỏ chạy thục mạng, hoặc là ngất lịm, gục đầu xuống miệng giếng. Cũng đã có người suy ra rằng, cái bóng ma phù dung ấy sẽ nắm cổ, kéo tay, xốc áo người khách đem xuống giếng, dìm chết để thay vào cái kiếp phù dung đêm của con ma ấy. Nhưng không có, hoặc ít ra là chính tôi chưa thấy có ai phải chết dưới đáy giếng. Con ma trắng tay dài ấy không giết người.
Khi tôi lớn lên đã được nghe kể về lai lịch của cái bóng phù dung trong lòng giếng Đồn. Người con gái tóc dài rũ rượi ấy có tên là Mùi, cô cả Mùi. Cô cả Mùi không hểu vì lý do gì đã nhảy xuống giếng để tự vẫn. Có người cho rằng thất tình, nhưng ngay sau đó một người khác, có hiểu biết hơn, lại cho rằng không phải thất tình mà cô Cả Mùi quyên sinh. Người ấy bảo rằng đó là vì cô ta uất ức vì một nguyên do khác, từ phía chính quyền. Chính quyền phong kiến thời ấy thối nát, ăn gian, nó dối, vu oan giá hoạ, độc quyền bắt bớ phạt vạ... làm cho người dân làng Sơn Cốt điêu đứng. Cô Cả đã lên tiếng đấu tranh, nhưng mà, như sau này trong đợt học tập trị an, ngưới ta bảo "Đấu tranh thì tránh đâu?". Cô Cả Mùi dũng cảm và dại dột, kiên quyết mà cả sợ đã nhảy xuống giếng Đồn mà chết, giữa ban ngày. Có anh Cân là một thanh niên nghịch ngợm còn thêm vào rằng, trước khi nhảy, cô Cả còn hô khẩu hiệu "Công nông liên minh muôn năm!" và "Chính quyền nhân dân muôn năm!", vì thế nên hơi thở của Cả Mùi mới hắt ra mùi của đồng, của sắt gỉ, búa liềm đấy!
-Cái mồm thằng Cân thế nào cũng bị vả cho sưng lên! Ăn nói bố láo bố lếu!
Quả nhiên mấy ngày sau, cái miệng anh Cân sưng to, vêu lên như mõm bò có chửa, đỏ rực. Anh đau quá, nhưng nhất quyết không chịu cúng vái Cả Mùi, mà phải nhờ đến cụ Lang Tuất lấy ra từ trong miệng những con sâu to bằng cái chân hương, trắng hếu như những con bọ trong chum tương. Đó là những con sâu răng!
Phía tay phải giếng Đồn là cánh đồng, có tên là cánh đồng Lưu Lạc. Sao lại có cái tên đó, ai mà biết được? Nhưng theo nhiều người già kể lại có lẽ nó được khai phá bởi những người dân lưu lạc tứ xứ kéo đến khai phá. Đó là một cánh đồng rộng, cấy lúa nước, và vào dịp xen vụ, cánh đồng bát ngát màu tím, màu trắng, màu vàng... như hàng tỉ con bướn run rẩy trong gió. Đó là vụ đậu đang trổ hoa. Mặt đông cánh đồng Lưu Lạc tiếp giáp với làng, phía nam là con đường đất đỏ bụi lầm, còn phía tây nó ăn thông với giòng sông Công và bị chặn đứng lại bằng một rặng tre gai, mỗi mùa một màu thay đổi, mùa hạ nó xanh rì, sang xuân nó ngả màu vàng bủng, và những bông hoa tre xấu xí khô cằn rụng lã chã. Rặng tre ấy có nhiệm vụ chắn lở, nhưng thế nào đó, dòng sông đã đổi tính, chuyển bờ lở sang bên kia Thống Hạ, để sau rặng tre làm thành một bãi bồi, không lớn lắm, nhưng đủ để cho cỏ mọc xanh biếc, những rặng cây bưởi bung nở hoa trắng ngát và để lại những trái bưởi bung bằng đầu ngón tay, ăn ngòn ngọt, hăng hăng mùi bưởi bòng. Cánh đồng Lưu Lạc đã từng là nơi chôn vùi hơn ba trăm sinh mạng dân làng tôi, đó là những xã viên đang làm cỏ tên đồng, thì một chiếc máy bay Mỹ đã thả hai quả bom bi mẹ xuống, hai quả bom này chao đảo như hai cánh diều đứt dây, rồi nó bùng nổ ngang trời, tung ra hàng ngàn quả bom bi con, nhổ lụp bụp, suốt ba mươi năm trời sau này vẫn nổ.
Nhưng thôi, tôi sẽ còn kể về cánh đồng ở những đoạn sau, bây giờ chúng ta hãy trở lại làng. Xin nói ngay rằng, tôi đã lầm, vì tưởng rằng chỉ làng Sơn Cốt của chúng tôi mới có đầy đủ những gã ngốc, bà Côi ăn mày, Cụ Đồ Nham, Giáo sư Thanh, ông Bếp Hồng, anh hùng Tinh Tinh... Nhưng không phải thế. Tôi đã đi khá nhiều, kết bạn với cũng khá nhiều bạn hữu, để biết rằng, mỗi thôn làng Việt Nam yêu dấu của chúng ta cũng có đủ những nhân vật ấy. Có thể hơn kém nhau tí chút, nhưng đều có đủ những hạng người để dân làng giải trí bằng những câu chuyện lưu truyền hậu thế, hay ít ra cũng là để cười cợt, suy tư trong những tháng ngày phân gio quần quật. Nhưng làng tôi không có kẻ giết người. Tôi chưa từng thấy, đã đành, mà con chưa từng nghe đến một tên sát nhân nào tồn tại trong những câu chuyện tục tĩu hay đoan trang của thế hệ trước kể lại. Mãi sau này, tôi được kể lại, ông bạn thiếu thời của tôi tên là Phúc, bơi giỏi, thả diều cũng giỏi, bị bố đánh (ông bố vốn là một binh nhất trong quân đội Lê Dương thuộc Pháp, đã sang tận Phi Châu đánh thuê) để lại cái sẹo trều môi (nên gọi là Phúc Trều), người đã từng tặng tôi cuốn sách đầu tiên trong đời tôi được đọc, là cuốn Rôbinxơn Cơruxô, giá năm xu, vào dịp Quốc khánh 2-9. Chiến tranh, sau này Phúc đi thanh niên xung phong rồi chuyển sang quân đội ở đơn vị quân giới, giờ về hưu làm thợ gò hàn đầu phố Cong Môi. Một lân dại dột thế nào đó, Phúc đã tặng cho một ông bạn khác của chúng tôi vốn là nhạc công thổi kèn của công an Hà Nội, bị thải hồi, một khẩu súng CKC đã chế tác lại theo ý Phúc, để ông bạn thổi kèn này bắn nát đến tận đùi một bên chân ông anh họ tôi là một giáo viên cấp hai, trong một vụ tranh chấp một tí đất rộng chừng một đường cày. Suýt gây ra án mạng, nhưng ông anh họ giáo viên của tôi chỉ bị tháo khớp đến háng, còn ông bạn cựu nhạc công đi tù. Phúc Trều ra sao, tôi không biết! Nhưng làng tôi cũng chưa có kẻ biết giết người!
Nếu là buổi sáng, trong ánh bình minh mờ đục, bạn sẽ gặp cụ Đồ Nham. Cụ Đồ cao to, vạm vỡ, theo đúng chân dung được mô tả "vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu", đang vác một cái cày chìa vôi, mà bắp cày rất lớn, "phi" đến mười lăm xăng-ti-mét, làm bằng tre đực, kiêm luôn đòn gánh của cụ, giong một con nghé bé tí tẹo, chắc là mới vực. Trong khi đôi mắt kèm nhèm của cụ cúi xuống để tránh những vũng nước và những bãi phân trâu, thì con nghé con cứ hếch mũi lên mà ngửi trời, có thể cô ả đang tung tăng sung sướng vì lần đầu tiên được chính thức tham gia vào việc kéo cày, đem công điểm về cho chủ là cụ Đồ Nham. Cụ Đồ là người quê gốc ở Hà Đông, bằng chứng là tôi đã được nói chuyện với anh cháu gọi cụ bằng chú từ Hà Đông lên chơi với cụ. Anh ta tên là Da. Cụ là công nhân mỏ sắt Lăng Hít, rồi sau loạn lạc cụ đến ở nhờ làng tôi, cụ thể là trên mảnh đất nhà tôi, nguyên là cái vườn hoa cảnh của chủ đồn điền Sơn Cốt, tên là Đùi Gà (có lẽ là Dugas, nói chệch ra), để rồi lấy một bà vợ khét tiếng là chửi hay nhất làng. Mùi mồ hôi dầu của cụ đồ Nham danh tiếng đến nỗi, trong bất kỳ cuộc họp xã viên trong phạm vi đội sản xuất hay đại hội toàn thể, sự có mặt của cụ được người ta biết ngay. Thậm chí cách nửa cây số, người ta vẫn biết, nếu đứng xuôi chiều gió thì điều này càng được khẳng định.
Câu chuyện cụ Đồ Nham cưới vợ tôi biết, dù lúc đó tôi mới được sáu tháng tuổi. Khi cụ Đồ đến ở nhờ nhà tôi thì đã có một người khác ở nhờ, đó là ông Dư, người cùng làng tôi, nhưng gia đình tứ tán, không còn cha mẹ, hơn nữa ông Dư lại mắc bệnh động kinh. Bố tôi bằng lòng cho ông Dư và sau đó là ông Nham ở nhờ những ngày đầu vào một cái chái, dù rằng là tôi rất nhỏ. Thường thì ông Dư hay ngủ ngoài đống rơm. Người mà cụ Đồ lấy làm vợ đã có một đời chồng, mang tên chồng cũ, chứ tên thật của bà rất ít người biết. Khi có chồng bà mang tên chồng là bà Nham. Bà này có họ với bà nội tôi, nên chúng tôi gọi bằng bá, còn chồng bà lại gọi là ông. Chính vì lẽ đó mà sau này, vợ chồng cụ Đồ Nham không ở nhờ nhà tôi nữa, ông Dư bị chết sau một cơn co giật, vào một buổi trưa mùng một tết, bà bá của chúng tôi đã đứng trước cổng chĩa vào nhà tôi chửi suốt một buổi chiều, mà mãi sau này tôi mới hiểu bà chử "cái đứa đã lợi dụng chứa chấp em tao, lấy hết của cải của nó để chôn người sống, đống người chết". Lúc đó tôi và em tôi, theo lời chỉ dẫn của cụ Đồ, đứng ra bờ rào bắt nhại tiếng chửi của bà bá thân yêu, khiến bà chửi càng mãnh liệt hơn, đến phải đưa vào nhà hô hấp.
-Đ. mẹ con cái Rựng (Rựng là tên thật của bà bá chúng tôi), thằng Dư nhà mày thì trên răng dưới dái có cái đéo gì mà người ta lấy. Ăn nhờ hết bát lành, bát mẻ, ăn cả giải giút nhà người ta còn chết đói kia kìa. Có cặc tiền bạc đấy mà lấy! Đó là những lời lầm bầm rất nhỏ, có khi nghe như lời tâm sự của cụ Đồ Nham chửi vợ.
Bác Dư, chúng tôi vẫn gọi thế cho đến khi ông chết, là người tài giỏi trong nghề rừng. Suýt nữa thì bác Dư cũng thành một người anh hùng kiểu Tinh Tinh, nhưng tâm thần bác khá hơn, chỉ bị lên cơn co giật khi cần thiết. Có khi vài ba năm, không thấy cơn bệnh phát ra. Tôi ở với bác đã từng được bác cho ăn thịt ngựa, thịt hùm... có khi ăn sống, hoặc rửa bằng nước vo gạo, xào sơ, rất ngon lành. Năm mươi năm sau, mẹ tôi còn thấy khiếp khi nhắc lại chuyện con trai bà ăn thịt hùm sống.
Nếu vào buổi chiều tà, mặt trời tụt xuống sau dãy núi Tam Đảo, nhuốm màu đỏ quạch xuống các rặng tre, thì rất có thể gặp được giáo sư Thanh! Giáo sư là con người thấp lùn, lại xương xẩu, hom hem... rất có dáng của một người ăn mày. Dáng đi của ông như bay, chân không chạm đất như những cảnh chiếu chậm trong phim quảng cáo. Đầu cúi xuống đầy vẻ suy tư, hai tay cậu ôm lấy cái gì đó dưới bụng, có khi là bơ gạo, bọc sắn luộc, vài quả đậu đũa, mà cũng có khi chẳng có gì, giáo sư vẫn giữ chặt chẽ, cẩn thận. Và giáo sư Thanh vừa đi vừa máy mồm, như đang nhẩm một công thức, một phương trình hay một luận đề phức tạp, rất nhỏ. Nhưng chính tai tôi đã nghe thấy ông chửi, chửi ông anh rể tàn bạo đẻ toàn con gái, được mỗi một mụn con trai thì lại lác mắt, ông chửi con gà lao vào chân ông, ông chửi cái thằng đã giành mất của ông cái đầu gà lở toe toét, nham nhở từ năm bốn-nhăm, ông chửi cái mô đất suýt làm cậu ngã, vấp cái ngón chân trỏ đã bị mù vào, đau quá, đâu quá... Tuy nhiên, tôi chưa thấy ông chửi tôi, hay bất kỳ một người nào trong gia đình chúng tôi, dòng họ chúng tôi.
Khác với dân làng Sơn Cốt, anh em chúng tôi gọi giáo sư Thanh là "cậu giáo", sở dĩ chúng tôi gọi bằng cậu, có lẽ vì ông ngoại tôi với bố cậu Thanh cũng là dân ngụ cư đến sau, không có ruộng, ông tôi làm thợ bạc, còn ông già giáo sư là người làm mướn, hay đến trú rét nhờ cáo bễ thợ bạc phì phò của ông. Giáo sư chỉ co một người chị gái và cậu gọi mẹ tôi là chị. Khi hoà bình, cậu cũng là xã viên, cũng lấy vợ, cũng ly dị về nhà ở nhờ nhà chị gái. Một sự không ăn ý nào đó, cậu đi lang thang trong làng, và cuối cùng, lại đến ở nhờ trong nhà tôi.
Cậu giáo là người đã từng đi ăn mày có thâm niên. Cậu đã kể cho chúng tôi nghe những chuyện mà cậu đã trải qua, đã nghe được trong những năm đi ăn mày. Đàn ông thế nào, đàn bà ra sao, cán bộ, bộ đội, mụ hàng cơm, bà hàng xén, tất tần tật cái gì cậu cũng có thể kể ra vanh vách, lại có phần khúc chiết, đoan trang. Tôi vô cùng khâm phục vốn sống của cậu, thậm chí phát thèm lên vì những mảnh bánh mỏng dính nằm trong kẽ lá gói bánh, cái vị thơm nồng, béo của khúc xương đầu gối đùi gà luộc đã trải qua một đêm trong sọt rác, cái giấc ngủ mê mòng trên manh chiếu rách vỉa hè ngậy mùi nước đái...
Xin lỗi bạn đọc, tôi đã đùa! Không, không phải tôi, mà chính là dân làng Sơn Cốt chúng tôi đã đùa, khi dùng hai danh hiệu đáng kính là Cụ Đồ và Giáo Sư để gọi hai con người khốn khổ không biết chữ là ông Nham và ông Thanh! Không biết xuất phát từ đâu, từ ai đã phong hai cái danh hiệu đó? Tôi nghi ngờ bố tôi, ông có nỗi buồn, có nỗi thất vọng mà chỉ sau khi bố tôi chết, tôi lớn lên và già đi tôi mới phần nào hiểu được, nhưng lúc nào bố tôi cũng vui vẻ. Sự rộng lòng và vẻ hài hước của ông đã được mọi người, mà nếu không phải tất cả thì cũng là cụ Nham, ông Thanh, bác Dư... thừa nhận!
Nhưng gia đình chúng tôi còn cưu mang một gia đình nhỏ nữa, một thầy giáo dạy vỡ lòng thôi, không phải ông đồ hay giáo sư, và cô con gái bé bỏng của ông. Đó là thầy giáo Hoan và con gái của thầy, chị Nga.
***
Thầy Hoan, trong cuộc đời tôi, thầy là một người thầy theo đúng nghĩa nhất, vừa cụ thể nghĩa đen, đồng thời lại vừa trừu tượng theo cả nghĩa bóng, mặc dù thầy chỉ dạy tôi lớp vỡ lòng, cái lớp làm quen với chữ cái, chữ i, chữ tờ, tập đánh vần và những câu chuyện cổ tích huyền bí. Hồi bé, tôi là một đứa trẻ nhát học. Những ngày đầu đến trường của tôi, không biết bao nhiêu là nước mắt đã chảy, mỗi khi nghe tiếng kẻng gọi học trò. Tiếng kẻng phát ra từ một quả bom lép treo ở nhà ông cụ Khuê, ngân nga, réo rắt một hồi sáu tiếng làm tôi hoảng sợ. Sợ học. Sợ đi học cùng với những tay học trò lớn lồng ngồng, ngổ ngáo tôi dễ bị bắt nạt, mà từ đó biến thành sợ cái tiếng "keng... keng" của quả bom.
Trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt, tôi đồ rằng từ "kẻng" là một danh từ hoàn toàn mới, nó chỉ xuất hiện sau những loạt bom của đế quốc Pháp thả xuống cánh đồng, làng mạc, rừng núi Việt Nam. Đáng lẽ nó phải nổ tung để tàn phá cầu cống, nhà cửa, kho tàng, trường học, hầm hố và phanh thây xé xác con người thì lại bất ngờ có một vài quả lép. Cái quả lép ấy, được các chiến sĩ du kích quân Việt Minh tháo ngòi nổ, lấy thuốc ra dùng vào nhiều việc, trong đó có cả việc đánh lại người Pháp, thì cái vỏ của nó được dùng làm cái thứ để gõ, phát ra tiếng để báo hiệu, thông tin. Rất có thể cái âm "keng, keng" của nó mà có có tên là kẻng! Trước đó, người Việt Nam chúng ta chỉ có tiếng mõ "cốc cốc", tiếng trống "tùng tùng", và sau này người ta dùng nhiều vật phát ra tiếng khác nữa như vành (tang trống) bánh ô tô, thanh tà vẹt... nó chỉ phát ra những âm thanh ồm ồm, rè rè, buồn bã...
Cái kẻng treo ở cây mít trước cửa nhà ông cụ Khuê là một quả bom cỡ năm mươi cân, nó tròn và thuôn đẹp như một con lơn thoai, bóng nhẫy, mập mạp. Cùng với hình dáng của nó, âm thanh nó phát ra trở thành thân thuộc, đáng yêu đến nỗi không ai nghĩ nó vốn là một tên giết người dã man.
Thầy Hoan cũng dữ đòn như nhiều thấy giáo làng thời bấy giờ. Thầy có một cái roi làm bằng cành dâu, trắng phau dài độ hơn sải tay, lúc nào cũng giắt sẵn trên mái gianh để thị uy đám đệ tử mũi giãi của mình. Mỗi bài học vỡ lòng dạy chúng tôi bao giờ cũng ngắn ngủi, giản đơn và cuối mỗi buổi học, bao giờ cũng là một câu chuyện cổ tích vừa hấp dẫn, vừa ghê rợn, đầy tính răn dạy. Hình ảnh thầy Hoan đứng trước ô cửa đầy ánh nắng giả đò theo động tác của cậu Bé Tròn hái quả cho cha mẹ ăn một cách khó nhọc, cứ in mãi, lắng mãi vào trái tim non nớt của tôi...
Năm 1975, từ chiến trường trở về, tôi đến thăm thầy. Năm ấy tuy đã ngoài sáu mươi, nhưng thầy hãy còn quắc thước và đĩnh đạc lắm. Thầy sống một mình với câu chuyện buồn về người con gái duy nhất của thầy. Ngoài con chó già và một bẫu vườn chỉ có hai loài cây đơn mặt trời và ngải cứu, thầy không còn ai làm bầu bạn.
Tôi nhìn quanh ngôi nhà lợp lá cọ dặm thêm lá mía, vách đất mà mưa đã bào mòn trơ ra những thanh nứa cắm vách ngả màu bạc. Bờ vách ấy, đối với tôi chứa đầy kỉ niệm mà giờ đây, cả tôi, cả thầy Hoan đều im lặng dằn nó xuống một khoảng sâu thẳm trong đáy lòng. Sợi dây thép chăng từ một dảnh kèo nối với cây xoan đào từ lâu quá rồi, khiến cây xoan thắt một cái ngấn sâu vào tận thớ gỗ, vẫn còn đó. Tôi lặng đứng và hình dung nhớ lại trên sợi dây ấy phất phới bay một tà áo sơ mi thiếu nữ màu xanh trứng sáo tỏa ra cái mùi xà phòng nằng nặng khi chưa bén hơi người. Tấm áo ấy giờ chắc đã rách và thiếu nữ, người chủ của nó giờ đây đang lưu lạc nơi đâu? Tôi vịn tay lên thân cây xoan đào, muốn khóc quá! Nhưng thầy Hoan đã cầm con dao cùn, dụng cụ làm vườn của thầy đến sau lưng tôi:
-Bây giờ hết đánh nhau, hòa bình rồi, anh định làm gì? Thầy Hoan hỏi tôi một câu hỏi mà chính tôi cũng đang muốn hỏi thầy, và cũng là câu hỏi mà thấy mình hãy còn sống sót sau cuộc chiến tranh, tôi đã không nguôi tự hỏi mình.
Tôi làm gì ư? Quả thực trong lúc đánh nhau với quân thù, tôi và các đồng chí của mình chẳng bao giờ có thời gian, hay một khoảng trống tương tự trong lòng để đặt ra câu hỏi: hết chiến tranh anh sẽ làm gì? Câu hỏi chúng ta sẽ làm gì thì có, và có hẳn một câu trả lời tuyệt đẹp. Thế nhưng đối với mỗi con người, mỗi anh lính cụ thể thì lại không có câu trả lời cụ thể. Tôi nói điều này hẳn nhiên có người chê trách, tôi không cãi. Nhưng, một thế hệ như chúng tôi lúc bấy giờ dễ nhận ra lắm, nó chói sáng, nó lừng lững và cả nó công thần nữa. Nhưng từng cá nhân cụ thể và nhỏ nhoi, rất khó nhận ra. Anh lính chiến thắng thì có, nhưng còn anh A, anh Z, anh Bình, anh Lạc... thì khó tìm lắm, khó thấy lắm, họ đã chìm nghỉm vào trong rừng vinh quang.
Vậy là tôi sẽ làm gì sau khi chiến tranh chấm dứt vẫn là câu hỏi thường trực. Tôi đem đến hỏi người thầy thuở còn mũi giãi của mình, vì tôi tin thầy sẽ có câu trả lời đúng. Câu trả lời ấy thầy Hoan sẽ lấy ra từ những câu chuyện cổ tích, mà bao giờ nó cũng có hậu.
Quay về nghề cũ! Đó là những người có nghề, có cơ quan, có xí nghiệp. Quay về trường cũ! Là những sinh viên, học sinh đang học dở dang. Quay về cố hương, nơi chôn rau cắt rốn! Hãy nối nghiệp ông cha từ các đời Vua Hùng truyền lại, mà nhiều người trong số chúng tôi nghĩa là "theo đít con trâu", "một mái nhà tranh, một bà vợ - hoặc là lắm điều, hoặc là không nói gì - và một lũ con quanh năm đói khát, thò lò mũi xanh".
Tôi đi bộ đội trong khi đang học dở dang năm thứ ba trường trung cấp sư phạm. Nếu không có chiến tranh, nếu không phải vào quân đội thì tôi đã là một anh giáo làng dạy cấp hai, mà có ít ai ngờ được là dân "trí thức xã", cày ruộng, gieo mạ, phát bờ... còn tinh thông hơn cả cầm phấn viết bảng. Như vậy là, nếu muốn, tôi sẽ quay về trường cũ, học nốt nửa năm để tiếp tục sự nghiệp "trí thức nửa mùa" của mình. Nhưng..., ở đời này tôi thấy con người ta toàn gặp phải những cái "nhưng" oái oăm, oái oăm thôi, còn hay dở thì chưa biết, có nhiều cái nhưng may mắn kia mà. Nhưng, khi tôi trở về trường cũ thì không còn cái hệ "bảy công ba", là cái hệ mà tôi đã học. Trường đã thành trường cao đẳng, hệ trung cấp đã chấm dứt. Lúc này tôi mới hiểu ra rằng: thầy Hoan của tôi chưa từng qua một trường đào tạo nào, không trung cấp và cũng không sơ cấp sư phạm nào cả, những bài học của thầy dạy cho chúng tôi chỉ là một chút chữ nghĩa i tờ và tấm lòng mà thôi. Những con ma, những thằng quỷ và cả những ông Bụt, ông vua... trong câu chuyện cổ chan chứa tình người, là do thầy nhặt nhạnh trong cuộc đời, được rây lọc qua bao nỗi buồn vui, cay đắng. Người ta có thể trở nên người tài nhờ những bài toán đạo hàm, toán cao cấp và vật lý lượng tử, nhưng khó mà nên người khi thiếu đi những Bé Tròn và cả những thằng Cuội suốt đời nói dối ngồi gốc cây đa.
-Đồng chí về trường sẽ nhận công tác là cán bộ chuyên trách Đoàn trường. Thầy Ninh dạy sử tôi năm thứ ba, giờ là trưởng phòng giáo vụ nói với tôi như thế.
-Thưa thầy, em muốn được dạy học...
Dĩ nhiên là thầy Ninh và cả nhà trường khó có thể đáp ứng nguyện vọng của tôi, dù lúc ấy tôi đang là một công thần, có Huân chương trên ngực áo quân phục.
Tôi không kể cho thầy Hoan nghe câu chuyện trên, mà chỉ nói:
-Thưa thầy, cháu sẽ... về quê!
-Làm gì?
Tôi im lặng, bởi vì vừa không muốn trả lời thầy, vừa không thể trả lời được. Thầy tiếp:
-Làm ruộng thì anh có làm được không? Một thứ lao động truyền đời, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Không, tôi không nói đến cái gian khổ, gian khổ đối với anh chắc không thiếu. Tôi nói đến cái sự tù túng, quẫn bách của thói nhà nông hãnh tiến. Làng này anh thấy chứ? Giàu có như ông Sử Quốc cũng có bao giờ dám bỏ ra năm đồng để mua một đôi pin không hay là lại phải chạy vạy, chầu trực để được phân phối. Chuyện cũng nực cười, thấy tôi bỏ ra năm đồng mua đôi pin Con Thỏ của bà hàng xén, ông ấy nhìn tôi kinh ngạc: Ông giáo mà cũng phải mua ở đây à? Tôi hỏi lại: Thế mua ở đâu? Mậu dịch không bán cho tôi vì tôi không có phiếu đài cán bộ, muốn soi con gà con qué, con rắn con rết... thì phải ra đây mới có. Ông ta lặng im và rồi chỉ nửa ngày sau cả cái làng này biết tôi "dám" bỏ ra năm đồng để mua đôi pin Con Thỏ!
Tôi cười hơi có cái vẻ hiểu đời, nhưng không phải là vô lễ với thầy Hoan:
-Năm đồng là to lắm rồi, thưa thầy!
Bất ngờ thầy đổi giọng:
-Hay là đi buôn? Quê ta cũng có nghề đi buôn đấy! Nhưng muốn đi buôn phải có hai điều kiện, mà ở anh tôi nghĩ không có...
Tôi chăm chú chờ đợi thầy Hoan giải thích tiếp, nhưng thầy chỉ im lặng. Tôi đành vô phép hỏi với giọng sốt ruột:
-Thưa thầy, hai điều kiện đó là gì ạ?
-Một là phải học dốt. Hai là phải biết nói tục! Thầy nói một cách nghiêm túc. Nói tục thì có thể rèn mãi cũng thành. Chứ còn học dốt thì khó đấy... Khó không kém gì học giỏi đâu!
Trong cuộc đời ngắn ngủi của con người ta, tôi nghiệm ra rằng có những điều mà mình chỉ nghe một lần thôi, để rồi không tin không được, nhưng tin thì lại không biết vì sao mình tin, không hề có cơ sở khoa học, nó y hệt như một tôn giáo mầu nhiệm. Cái điều thầy Hoan nói với tôi hôm ấy, tôi cũng láng máng tin là đúng bởi những trải nghiệm của mình, nhưng rồi hơn mười năm sau khi vào học Khoa thương mại, trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tôi mới tin là thật. Vị giáo sư - tiến sĩ giảng bài marketing đưa ra cho chúng tôi một công trình trắc nghiệm của người Mỹ, xem anh có phải là nhà kinh doanh giỏi không, bằng một loạt các câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có câu: "Khi còn đi học ở bậc phổ thông, anh học có xuất sắc không?". Nếu trả lời vào ô "có" anh được ba điểm; còn ô "không" anh được tám điểm!
Tôi không hiểu sức học của mình tới tầm cỡ nào, nhưng thường thì tôi không có điều kiện học bài ở nhà, mà chủ yếu tiếp thu trên lớp. Nhưng may mắn thế nào đó mà tôi vượt qua được tất cả các kỳ thi, để rồi được tuyển vào đội học sinh giỏi của tỉnh đi thi toàn miền Bắc (lúc ấy gọi thế vì chưa thống nhất đất nước). Đến đây thì tôi không vượt qua được, nhưng như thế thì cũng là vinh quang lắm rồi. Vinh quang cho làng tôi, cho trường tôi và họ hàng tôi. Chú tôi bảo: thằng này có thể học được tới tiến sĩ! Nhưng... (lại nhưng), cái ngày mà bọn bạn tôi lên huyện nộp đơn xin vào học cấp Ba, thì chúng gặp tôi trên đường gánh phân ra đồng!

<< ĐOẠN KẾT |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 601

Return to top