Khi chị Nga về đến làng Sơn Cốt của chúng tôi thì sức lực của thầy Hoan đã suy kiệt, thầy yếu lắm rồi. Chị Nga lao vào ôm lấy bố khóc như mưa gió, trong khi anh Tĩnh và thằng Hận chỉ biết ngồi nhìn. Nhưng khi thấy con gái đã về, thầy cố gượng dậy và cố vui như không có chuyện gì xảy ra, như chị Nga vẫn ở bên thầy từ trước đến giờ. Thấy thế chị Nga càng tủi. Một tuần sau, thầy qua đời. Đám ma của thầy giản dị nhưng trang nghiêm. Tất cả người làng đều đến đưa thầy ra nghĩa trang, ai cũng muốn thả một hòn đất xuống cho thầy được yên ấm. Kể cũng lạ, anh Tĩnh là người hoàn toàn xa lạ với phong tục tập quán của làng tôi, nhưng anh đã rất thành thạo trong công việc ma chay, khiến dân làng cứ tưởng anh là chồng chị Nga từ lâu rồi…
Mấy năm sau, tôi có dịp về quê và có đến thắp hương trước mộ thầy. Nhưng tôi vô tâm, đến nỗi không hỏi xem chị Nga bây giờ ở đâu. Mà có hỏi chắc cũng chẳng ai biết. Tôi chỉ được nghe mẹ tôi nói rằng, “có cả thằng chồng nó cùng về trước khi ông giáo qua đời. Sau đó chúng nó đưa nhau đi đâu thì không ai biết”.
- Thế sao mẹ không hỏi kỹ xem chị ấy đi đâu?
- Có, nhưng nó không nói. Nó bảo cũng chưa biết sẽ đi đâu. Chỉ nhờ tao và các em mày trông nom giúp mộ ông giáo. Nó bảo một vài năm nữa sẽ đem tiền về xây lên cho chắc chắn. Cũng đến mấy năm, chưa thấy nó về…
Chị Nga đi đâu, làm gì? Thế là lại một lần nữa lưu lạc xứ người. Những buổi chiều tôi lang thang trên cánh đồng Lưu Lạc, cánh đồng tuổi thơ, mà tưởng như mới đây thôi, tuổi thơ của tôi, tuổi thiếu nữ của chị Nga vẫn còn đang trước mặt, đang rì rào trong gió thổi, đang phơn phớt tím trong cánh hoa đậu bướm… dù cánh đồng đã đổi thay quá nhiều. Con sông đã đổi dòng, Soi Vạt đã bị bạt đi do nước sông cũng có , mà do con người đào bới lấy cát, lấy sỏi cũng có.
- Cậu ạ, chị đành phải quyết định ra đi. Tất nhiên là do anh Tĩnh, nhưng nếu chỉ có thế thôi chị nghĩ cũng chưa chắc đã đành lòng bứt đi khỏi nơi bố chị đang nằm, chí ít cũng ba năm sau… Nhưng, chị vẫn còn thấy rằng mọi người nhìn thằng Hận như nhìn một con thú hoang từ đâu xộc đến. Nó đúng là con anh Kỳ, vì không ai không thấy nó giống anh ấy. Đến cả chị Diệu, chị anh Kỳ người quyết liệt nhất để tìm cách loại trừ nó ngay khi nó vừa chào đời, đã phải đến xin được hỏi chị về nguồn gốc của nó để đón nó về nuôi. Nhưng chị biết, thằng Hận không thể sống một mình được, nhất là lại sống bên họ. Chị hận đời, nhưng chị đã thề rằng, chị còn sống trên cõi đời này, chị không bao giờ xa nó.
Lạ lùng nữa, ông lão Tuân, bố chồng chị và là cha của thằng Hận thì không biết ở đâu, sống chết ra sao? (bà mẹ thì mất ngay năm chị đem thằng Hận đi). Người làng chỉ biết rằng, khi mẹ con chị không còn ở Soi Vạt nữa, thì mấy năm sau ông lão cũng mất tích. Có lẽ ông lão đã chết mất rồi. Khi chị lục lại chỗ giấy tờ của bố chị, thì thấy một lá thư ông lão viết cho bố chị. Nhờ đó mà những ngày cuối cùng bố chị đã viết thư nhắn chị về…
Ông lão Tuân đã không còn, thì dù lai lịch thằng Hận có được làm rõ ràng ra cũng phỏng có ích gì?
Bây giờ mọi chuyện đã yên hàn, tôi vẫn thương chị Nga, nhưng hình như tôi đã thương chị theo một cách khác. Có lẽ vì chúng tôi đã có tuổi, không còn cái kiểu nhớ thương mà không biết phải làm gì. Bây giờ thì chị Nga của tôi lại là một cô giáo dạy học ở quê anh Tĩnh. Chị yêu quý hai đứa con, thằng Hận và congái anh Tĩnh. Chị cũng được anh Tĩnh yêu chiều, và bà mẹ chồng có tấm lòng rộng lượng bao la thương mến. Phải thế thôi, cánh đồng Lưi Lạc của làng tôi tuy rộng thế, nhưng nó cũng có giới hạn.
- Chắc em chưa biết vì sao chị lại vào tìm em phải không?
Tôi thật thà:
- Vâng! Đúng là em muốn hỏi chị, nhưng sợ chị buồn.
- Chị đưa cháu Hận đi tìm mộ anh Kỳ. Có một đồng đội của anh ấy viết thư cho chị nói là mộ anh Kỳ được chôn trong một cái nghĩa trang của bệnh xá hồi ấy. Đây là bản đồ do người bạn của anh Kỳ vẽ gửi cho chị. Trước khi chuẩn bị đi, chị nhớ đến em!
Tôi cầm tờ giấy xem những nét vẽ tuy nguệch ngoạc nhưng khá chi tiết, rồi bảo chị:
- Nếu là khu vực này thì em cũng biết! Để em thu xếp đưa chị đi.
- Em có bận gì không?
- Bận thì bận, em cũng phải đưa được chị đi chứ. À mà chắc chị chưa biết, hồi ở chiến trường em có gặp anh Kỳ trước khi anh ấy hy sinh!
Chị cúi đầu buồn buồn:
- Có, chị có nghe người làng kể lại..
Chị Nga ở chơi nhà chúng tôi ba hôm, ngày thứ tư tôi đưa hai mẹ con chị lên Lộc Ninh tìm mộ anh Kỳ.
- Anh Tĩnh cứ đòi đi, nhưng chị phải van nài, anh ấy mới chịu ở nhà. Để bà cụ ở nhà một mình, chị thấy không yên tâm, dù cũng còn các anh, chị.
- Đáng lẽ chị phải để cho anh ấy được đi! Em biết chị lo cái gì rồi, nhưng chị ơi, một người như anh Tĩnh là của hiếm thời chiến tranh đã tạo ra và còn lại…
Phải qua hai ba chặng xe mới tới khu rừng nơi anh yên nghỉ. Cũng nhờ bà con địa phương giúp đơ chúng tôi mới tìm được nghiã trang. Mất gần hai giờ đồng hồ tìm kiếm nhưng không thấy, tôi đem tất cả số hương mang theo đốt lên cắm trên những ngôi mộ xung quanh, vẫn không đủ. Trời đã chạng vạng chiều bỗng tôi nghe ở đâu đó có tiếng khóc. Tiếng khóc âm ỉ và nghẹn tắc. Chị Nga nhìn tôi lo lắng, tôi hỏi chị:
- Thằng Hận đâu?
Như sực nhớ ra, chị em tôi dáo dác tìm. Chúng tôi lần theo tiếng khóc ra mãi phía bờ rừng và bắt gặp thằng Hận đang ngồi thụp xuống ôm lấy một mô đất mà khóc. Không nhẽ lại thằng Hận? Cái thằng suốt từ nhỏ, hai mươi hai năm qua chỉ biết cười? Và cả cười cũng không thành tiếng kia mà? Nhưng đúng là thàng Hận rồi!
Chị Nga sững lại xổ tung mái tóc quỳ xuống cạnh con, giọng sợ sệt:
- Hận! Sao con khóc?
Thằng bé cứ ghì xuống mặc cho tôi dùng hết sức gỡ tay nó ra khỏi nấm đất. Tôi đành đứng dậy, lùi lại ngó ra xung quanh, không thấy dấu hiệu của những ngôi mộ, bèn bảo chị Nga:
- Chị ơi, hay là…? Cháu có hay khóc như thế này không?
Chị lắc đầu, mắt đẫm nước:
- Từ khi nó năm, sáu tuổi chị chưa bao giờ thấy nó khóc. Đây là lần đầu tiên…
Tôi chạy ra nghĩa trang lấy ba nén hương đem vào cắm lên mô đất, quỳ xuống:
- Anh Kỳ ơi! Anh sống khôn thác thiêng, có nghe thấy lời em không? Hôm nay em đưa chị Nga và thằng Hận đến tìm anh đây. Anh ở chỗ nào thì hiển hiện ra, chỉ cho chúng em biết…
Tôi vừa dứt lời thì thằng Hận đứng thẳng dậy và cất tiếng cười. Tiếng cười ha ha của nó, của một người đàn ông thực sự, nghe vang vang, âm âm, vọng vào mãi tận trong rừng xa, dội lại. Chị Nga bần thần rồi khuỵu xuống. Trong giây phút linh thiêng lạ lùng và thần bí này, tôi vẫn còn kịp nhận ra niềm hạnh phúc của chị Nga. Trong suốt hai mươi hai năm cực nhọc nuôi con, lần đầu tiên chị được nghe tiếng khóc, tiếng cười của nó!
Rồi một luồng gió xoáy, không biết từ đâu, có lẽ từ mạn góc rừng xuất hiện ào tới, cuốn lấy ba chúng tôi.
Tôi tin là anh Kỳ đã hiển hiện!
TP.Hồ Chí Minh 1996- 2004
H.Đ.Q.