Ông lão ra đi vào một đêm tối trời, dường như để lánh mặt người làng. Hành lý của ông lão chỉ gồm có một bộ quần áo được coi là tươm tất nhất, chiếc áo gụ hơi bạc mồ hôi, cái quần kaki của anh Kỳ để lại cũng đã sờn bạc. Với số tiền tổng cộng được gần hai mươi lăm đồng bạc, trong đó có đến quá nửa là loại giấy một hào, hai hào, do tích cóp mà có, số còn lại là tiền liệt sĩ của anh Kỳ, của nhà nước.
Vào những tháng năm ấy, hẳn nhiều người còn nhớ việc đi lại bằng xe ô ô khách là một cực hình. Cả tỉnh chúng tôi chỉ có một bến xe Đồng Quang, mà xe thì ọc ạch, giờ giấc thì phập phù, hành khách lèn chật cứng, còn tài xế là những người mà vừa là hung thần, vừa là tên lưu manh mạt hạng. Xe ô tô của nhà nước, thường được ca ngợi là của nhân dân, tài sản của toàn dân, nhưng rơi vào tay tài xế nó đương nhiên là của báu để kiếm chác, để diễu võ giương oai. Đến nỗi, trong quân đội vẫn có câu: “Trung uý thiếu uý, không bằng một tí lái xe!”. Vì thế, ông lão Tuân không thể chọn con đường xe ô tô khách để đi Phú Thọ. Ông quyết định lấy con đường tàu hoả, lên từ ga Phổ Yên để về Hà Nội, rồi từ ga Hàng Cỏ, ông lại lên tàu đi Phú Thọ. Con đường đi của mẹ con chị Nga cũng là con đường ấy, tuy xuất phát từ một bến sông, con đường định mệnh...
Chuyến tàu xuôi khởi hành lúc chín giờ tối xuôi xẻ. Nửa đêm, ông lão về đến ga Hàng Cỏ. Ông lão Tuân không lạ gì nhà ga này, tuy là một nông dân nhưng ông đã từng có nhiều lăn lộn trên bến tàu, nhà ga, đường phố... với những tháng ngày lưu lạc giang hồ thời trẻ. Và gần đây thôi, những năm đói kém, những chuyến buôn bán sắn khô, khoai lang, lạt dang, củ nâu... đổ xuống ga Long Biên, hay còn gọi là ga Đầu Cầu. Thời trẻ khoẻ ấy đã qua rồi, ông và mấy anh bạn buôn tàu sau khi bán xong hàng, tản bộ vào chợ Đồng Xuân tìm một cửa hàng phở. Ai “không người lái” (phở suông, không có thịt) chứ ông Tuân cứ là phải tìm cho được món xá xíu, thịt quay, đánh một bát to, rồi ra vỉa hè sà vào quán chè chén, làm năm xu, một hào, rồi bắn nhờ điếu thuốc lào. Gần sáng lại cuốc bộ ra ga Hàng Cỏ, mua vé tàu hẳn hoi, leo lên toa tàu chợ, tìm chỗ gà gật...
Bây giờ ga Hàng Cỏ đã khác. Cái đồng hồ to ngất nghểu trên nóc nhà ga không còn, nhìn nhà ga cũng không còn cái vẻ oai phong mà trẻ trung, từng trải mà dễ tính như ngày trước. Người đi lại buôn bán khá đông, công nhân, bộ đội, học sinh... rầm rập. Cảm giác mất an toàn ngự trị. Công an và kẻ móc túi khá nhiều. Anh công an, anh bảo vệ đeo băng đỏ thì nhắc nhở hành khách cẩn thận kẻo móc túi, lừa đảo, trấn lột. Còn kẻ lừa gạt, xách làn, bạc bịp... thì vừa lân la gạ gẫm vừa doạ “công an đấy” để ù té, làm ăn.
Bây giờ ông lão cũng đã khác, không còn cái vẻ ung dung tự tin như một thời tráng kiện, gặp thằng đạo trộm thì sẵn sàng ra oai cho một đòn gánh. Ông lão Tuân ôm cái bị vào lòng tìm một góc khuất, hạ lưng tựa vào mảng tường cáu cáy, giả vờ lim dim. Ông lim dim thế, nhưng rất cảnh giác, một là không để kẻ gian nào mon men lại gần, hai là hễ quầy bán vé đi Phú Thọ mở cửa, là có thể nhỏm dậy, lao tới, đút tiền lẻ vào cái khe bẹp, không lọt bàn tay, nhận tấm vé bằng bìa cứng, bằng hai ngón tay chéo. Ấy nó nhỏ thế nhưng lại đủ sức kéo ông đi mãi tận phương lai xứ sở nào, tuỳ theo cái giá tiền ghi trên đó.
Tự dưng, trong tiếng bát nháo của loài người di động, ông lão nghĩ: sao con người ta lại có số nhỉ? Số may, số rủi, số nhàn, số sướng, số nghèo, số giàu, số có phúc, số bạc phận...? Là ông nghĩ về người em họ, con bà cô ruột mình, tên là Đạo, nhà ở chợ Hoà Bình, đằng kia. Kể ra, thoạt đầu khi tính kế ra đi tìm mẹ con chị Nga, phải qua Hà Nội, ông có nghĩ đến ông em này. Đó là một người họ hàng của ông, tuy không tốt nhưng không thể bảo là anh ta xấu. Không hại ai, cũng không làm lợi cho ai, có chăng chỉ làm cho người ta ghét. Có một dạo, khi bà cô còn sống, anh ta cũng có mấy lần về quê, chả biết thật hay giả, Đạo “thẳng tính” một cách... hợm hĩnh:
- Ối giời ơi! Bác làm gì mà cứ đầu tắt mặt tối thế chả biết. Người Hà Nội chúng em cứ là sáng bảnh mặt trời ra mới chui ra khỏi chăn, mà cũng có kém gì ai. Ờ mà này, nước giếng nhà bác nó làm sao ấy, giặt xà phòng nó cứ nhờn nhờn, kinh bỏ sừ! Nước máy ở Hà Nội giặt đến đâu sạch đến đấy...
Lần khác, anh chàng con cô ông Tuân lại giả lả:
- Nói thật với các bác chứ, đúng là em chả biết gì sất. Thế cái cây kia nó là cây cỏ hay cây lúa?
- Thế chú không phân biệt được cây cỏ với cây lúa à? Ông Tuân đáp nhời ông em. Để tôi kể chú nghe. Ngày xưa, dưới trần gian chưa có cây lúa làm lương thực cho con người đâu... Con người ta sống bằng hoa quả, thịt chim chóc, cào cào châu chấu thôi. Ông Trời thấy thế mới thương tình, cử một ông Thần, đem hai thứ hạt cây xuống gieo cho trần gian có cái ăn. Hai thứ này giống nhau lắm, để cho bọn người ngốc như chú không biết. Một thứ là cỏ, một thứ là lúa. Hạt lúa, Trời bảo Thần reo vung ra cho rộng rãi, còn thứ hạt kia là cỏ thì rắc từng cụm, từng cụm, ít thôi. Thần nghe tai nọ xọ tai kia mới đem gieo cỏ vung ra khắp gầm trời, còn lúa thì rắc từng nhúm nhỏ. Đấy, thế là bây giờ cỏ thì mọc tứ tán, tràn lan, còn lúa thì lại hiếm hoi, ít quá. Thấy thế Trời mới nổi giận, bắt vị Thần kia hoá thành con trâu, xuống hạ giới phải kéo cày để làm ra hạt thóc mà chỉ được ăn cỏ...
Ông Đạo cười khơ khớ:
- Chuyện hay nhỉ? Bố sư, cái lão Thần, à mà cái con trâu ngốc nghếch kia vung nắm thóc ra thì có phải bây giờ sướng biết mấy, chả phải cấy hái đầu tắt mặt tối, cứ việc ra đồng mà gặt lúa, bác nhỉ!?
Khi chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Giôn- xơn, vợ chồng con cái anh ta cũng về ở nhà ông đến hơn hai năm trời. Thế là cũng gắn bó lắm, cũng thân thiết lắm. Nếu bây giờ ông có đến nhờ vả Đạo thì cũng là công bằng, phải lẽ... Ông lão lại nghĩ, ấy những người Hà Nội như Đạo, tuy nói tục như ranh, lưu manh nhất hạng nhưng lúc nào cũng sướng, cũng phởn phơ. Họ ăn nói, đi lại, khạc nhổ... giữa ngoài đường ngoài phố mà không khác gì ông ở trong bếp hay trong chuồng xí nhà mình? Chả thế mà dân gian đã có câu: “Tự nhiên như người Hà Nội”, và cũng những trường hợp tương tự, họ lại nói tránh đi, là “tự nhiên như ruồi”. Ông lão bật cười, thế chả hoá ra người Hà Nội cũng như con ruồi, con nhặng à?
Có tiếng rao bán bánh mì ở ngay trên đầu ông lão Tuân, ông không thấy đói, nhưng ông thèm. Ông thèm cái bánh mì, thèm cái mùi phố thị, và thèm được bát phở xá xíu bốc hơi và mùi thơm của hành mỡ. Thôi nào, thèm thế thôi, chứ ông nhất quyết không mua. Phải hà tiện, đường còn dài... Một cơn mưa ào ạt kéo đến, nước tràn xuống các rãnh nước làm dềnh lên mùi ống cống nồng nặc, lập tức dập tắt cơn thèm của ông lão. Người chạy rầm rập, sát sạt đến bên cái góc tối ẩm ướt của nhà ga. Có hai người thanh niên hạ hành lý của mình xuống cạnh ông Tuân, rồi một người đặt đít xuống chỗ gạch còn trống. Ông Tuân tảng lờ như đang ngủ, nhưng tất cả tinh lực ông đang căng ra, cảnh giác hết mực. Một người nói:
- Bố sư con “phò”( ) , nó tưởng bở ăn, cứ dính lằng nhằng, làm mất cả việc...
Ông Tuân không biết “con phò” là con gì, nhưng cũng đoán ra rằng đó là một con người, mà là đàn bà con gái, chắc là ghê gớm lắm...
- Đéo mẹ, trông người như con ve, mà đòi những một cụ ! Có cho không thì tao cũng làm được một quả! Hơ hơ... tiếng một người khác.
Một “cụ” thì ông biết, và thế là ông cũng biết họ đang nói về một cô gái điếm.
Tiếng hai người đàn ông nói với nhau không to lắm, nhưng cũng không phải là nhỏ, là thì thầm, đủ biết họ từng trải cảnh này. Lại tiếng một người:
- Bình này, mày bảo con phò đấy là dân Hà Nội gốc hay tỉnh nào lên?
- Chắc là dân tứ xứ thôi... Chứ dân Hà Nội gốc nó có tem phiếu, làm gì đến nỗi.
- Tao cũng nghĩ thế, mà như thế thì thì khổ quá nhỉ...
Im lặng một lúc, có tia lửa xoèn xoẹt từ một cái bật lửa bằng xăng, họ châm thuốc hút, mùi khói thuốc lan toả, bỗng dưng ông lão Tuân thấy thèm một mồi thuốc lào. Tiếng Bình:
- Này Ngọc, sao tự dưng tao lại thấy thèm cái hồi chúng mình ở với nhau ở Đac Tô, Tân Cảnh quá. Lúc ấy tao nghĩ, nếu mà sống sót trở về thì dứt khoát không phải khổ, không phải tủi nhục. Nào ngờ...
- Ai mà chả nghĩ thế. Nhưng dù sao bây giờ cũng sướng chán. Có khổ, có nhục một tí nhưng không lo phải chết. Còn giữ được cái gáo là may lắm rồi. Đấy, hôm mày sang tao, bà cụ mẹ thằng Tuyên vừa ở nhà tao về, lại khóc lóc, nhớ thương con. Cái thằng Tuyên bẻm mép ấy. Bây giờ mà có nó đi với chúng mình thì hay biết mấy...
- Hôm nó chết, tao đi nhặt xác nó tan thành mấy mảnh. Hình như chỉ còn có một cánh tay... Tiếng anh tên Ngọc.
Họ lại im lặng. Ông lão Tuân đoán biết đây là hai anh bộ đội phục viên, hình như họ cùng đơn vị với nhau. Giờ họ gặp nhau thế này, không biết họ đi đâu nhỉ?
- Bình, mày bảo có ma không? Là tao hỏi có linh hồn thật không? Họ lại tiếp tục câu chuyện.
- Tao không biết, mà từ bé đến giờ tao có gặp ma bao giờ đâu.
- Tao thì nghĩ là có. Hôm chôn cất thằng Tuyên xong, đêm về đến phiên tao gác, có một con đom đóm to bằng quả trứng gà ấy, nó cứ lởn vởn quanh trận địa. Tao cũng sợ, đom đóm gì mà to thế, chưa thấy bao giờ. Lúc sau nó cứ chập chờn, đến gần chỗ tao, rồi lại lảng ra. Bất đồ tao nghĩ hay là linh hồn thằng Tuyên? Tao hỏi nhỏ, gần như là nói thầm, sợ có người nghe thấy. “Tuyên ơi, có phải mày không? Nếu đúng là mày thì bay bổng lên cho tao biết. Có thiếu gì thì đợi ngày hoà bình về, chúng tao cúng, chứ bây giờ thì chả có gì đâu”. Là tao cứ lẩm bẩm thế, bất ngờ cái cục sáng đó vọt lên trời cao, rồi tắt ngấm... Tao vừa sợ, vừa tiếc. Giá nó đến gần hơn, cho mình hỏi một câu.
- Mày định hỏi câu gì?
- Thì câu gì cũng được. Mà tao sẽ hỏi bao giờ thì chiến thắng, thì hoà bình?
Tiếng cười khùng khục của Bình:
- Mày chỉ hỏi vớ vẩn. Nó là lính tráng như bọn mình thì biết quái gì mà hỏi.
- Biết chứ! Người chết trẻ là thiêng lắm. Chưa biết chừng, ở trần gian nó làm lính, lúc chết nó làm tướng cũng nên. Với lại ở cõi trên, cái gì chả biết. Đấy mày xem, chúng mình là người trần, mắt thịt ở dưới này, đứa nào làm cái gì thất đức, ác độc, trên ấy biết cả đấy...
Không thấy Bình nói gì, ông lão Tuân thấy yên tâm. Ông bỗng thấy quý mến hai người bạn đồng hành đêm nay.
- Nếu thế thì tao phải khấn thằng Tuyên mới được. Tuyên ơi, bữa nay tao với thằng Ngọc đi mót sắn, mày có khôn thiêng thì phù hộ cho chúng tao mỗi đứa kiếm được một gánh về đỡ vợ con. Ở nhà chúng nó đang đói... Có tiền chúng tao sẽ cúng mày một con gà thật ngon, có cả lá chanh, chấm muối ớt...
- Sau đó để chúng tao hưởng lộc... Có thêm cút rượu nữa chứ!
- Ừ đúng đấy! Mỗi thằng một cái đùi... Nhưng thôi, chưa nói trước, sợ bước không qua. Càng nói càng thèm!
Ông lão thấy thương hai chàng trai quá. Mà ông cũng thèm một cái đùi gà thật thơm, thật vàng, và một hớp rượu thật cay, thật nồng. Cơn thèm vội vã cọ quạy vào ngực ông, khiến ông bật ho thành tiếng.
- Ai thế? Mày ngó xem có phải cảnh giác không?
Khuôn mặt Bình hình xương xương ngó xuống sát mặt lão Tuân, thì thầm: “Một ông cụ”. Lão Tuân mở mắt:
- Các anh đi đâu thế?
- Chúng con đi mót sắn đây. Thế cụ đi đâu?
Ông lão ngồi thẳng dậy, nhìn hai khuôn mặt, sao ông bỗng thấy hao hao nhang nhác khuôn mặt anh Kỳ:
- Tôi nghe các anh nói chuyện hết rồi. Ở bộ đội về mà khổ thế à?
Ngọc cười:
- Khổ sở gì đâu hả cụ. Chúng con nói chuyện vui thế thôi. Thế cụ có đi mót sắn với chúng con không? Nhìn hành lý của cụ, chắc cụ cũng phải đi xa lắm nhỉ?
- Tôi lên Phú Thọ, tìm người nhà...
- Thế thì đi với chúng con, chúng con cũng lên thị xã Phú Thọ đây! Rồi từ thị xã chúng con còn đi nữa. Thế người nhà của cụ làm gì? Là con hay cháu? Đàn ông hay đàn bà?
Ông lão Tuân ngẩn người ra trước những câu hỏi dồn dập của hai anh cựu binh. Lát sau ông nói:
- Là con. Con dâu, với lại con nó...
- Thế chồng nó đâu mà để cụ phải lặn lội thế này?
Bỗng ông lão rớm nước mắt, ngập ngừng:
- Chồng nó, con trai tôi chết rồi... ông lão dường như nghĩ ngợi không biết có nên nói ra không. Sau, ông nghĩ là có nói ra với hai anh cựu binh này cũng chẳng việc gì. Con trai tôi cũng trạc tuổi các anh, nó hy sinh rồi, ở mặt trận phía Nam!
Hai anh cựu binh nhìn nhau im lặng. Mặt trận phía Nam là một mặt trân mênh mông, bạt ngàn rừng rú, làm sao mà biết một nơi nào cụ thể. Tất cả các loại giấy tờ liên quan đến người lính chỉ có một địa danh duy nhất. Cuộc chiến đấu của họ mang nhiều yếu tố bí mật, đã đành, suốt một thời gian dài, sự có mặt của anh bộ đội miền Bắc ở chiến trường miền Nam không được coi là hợp pháp. Đến cả những anh hùng, dũng sĩ cũng chỉ được báo chí nêu lên bằng cái tên rất dễ thương: chiến sĩ quân giải phóng, và giấu biệt tăm tích quê hương, nếu anh ta là người ra đi từ miền Bắc. Đã có hơn một triệu người như thế, mà sau này chính các anh mới biết. Đã có một cuộc lưu lạc tập thể, rầm rập bước quân hành mà chỉ có rừng, có đất mới hiểu nổi những bước chân các anh. Rồi ngày chiến thắng trở về, hàng trăm đoàn xe, đoàn tàu hoả đưa các anh trở lại quê hương, nhưng với những người đã ngã xuống, họ nằm lại với một địa chỉ quy ước: mặt trận phía nam!
- Quê cụ ở đâu? Sao con dâu cụ không ở nhà, mà lại bỏ đi để cụ phải đi tìm?
Ông lão Tuân nghĩ cách nói tránh đi sự thật, nhưng ông vẫn chưa nghĩ ra được câu chuyện hợp lý. Mãi lúc sau, ông mới thở dài:
- Chuyện nó cũng dài dòng lắm, các anh ạ. Chuyện cơm chẳng lành, canh không ngọt, để nó bế con ra đi...
Bình, anh chàng có khuôn mặt xương xẩu, cặp môi thâm và cong tớn, đặt cái ba lô con cóc lộn trái sang một bên, giọng gay gắt:
- Thế là tệ! Đàn bà thế thì tệ thật. Chồng đi B, hy sinh mà dám đem con bỏ nhà ra đi thì thật là quá lắm. Thế cụ có biết cô ta ở đâu không?
- Không, không phải thế đâu các anh ạ. Con dâu tôi tốt nết lắm. Chỉ tại gia đình nhà tôi không ưa nó nên mới nên nông nỗi. Hai anh, có anh nào ăn thuốc lào không?
- Không cụ ạ! Nếu cụ thèm thì ra cái quán nước đằng kia mà hút nhờ một điếu, để chỗ đấy chúng con trông cho. Hay cụ hút thuốc lá?
Ông lão vuỗi lưng đứng dậy:
- Tôi không hút được thuốc lá, ho lắm. Nhờ các anh giữ hộ tôi cái túi, tôi đi hút điếu thuốc. Từ tối đến giờ chưa được hơi thuốc, nhạt mồm quá!
Hai anh cựu binh nhìn theo cái lưng to bè, chắc chắn, nhưng đã hơi còng xuống của ông lão mà ái ngại. Ngọc bảo:
- Giá bố mình còn sống thì cũng trạc ông cụ này...
Bất thình lình có tiếng loa nhà ga ọ oẹ, rồi một giong nữ phát thanh nhão nhoét theo truyền thống các nhà ga đường sắt vang lên:
“Đoàn...à tàu...à Hà...à Nội...ỳ Lào...à Cai...a đang...a từ...ừ từ...ừ tiến...ư vào...à ga...a Hàng...à Cỏ...!”
Ô cửa sổ bán vé bỗng nhiên bật sáng, lập tức hàng chục con người nhào tới, bâu kín. Một anh nhân viên bảo vệ đồng phuc xanh thẫm, đeo băng đỏ, tiến đến, bằng một giọng ngái ngủ nhưng vẫn toát ra một giọng nói của kẻ vốn xử dụng quyền uy quen thuộc:
- Xếp hàng vào! Hàng hai! Chen nhau mất trật tự thế này nhà ga bán vé thế nào được?!
Ngọc vừa giũ quần đứng lên, vừa ngó quanh:
- Quái, ông cụ này đi lâu thế nhỉ? Bình, mày ngồi đây đợi ông cụ, để tao ra xếp hàng!
Vừa đói, vừa thèm thuốc, điếu thuốc lào đã vật ông lão Tuân say lâu quá. Phải mãi ông mới lật đật chạy về chỗ ngồi, nhưng nghĩ sao ông lại chen vào xếp hàng. Nhận ra ông, Ngọc bảo:
- Cụ cứ về chỗ khi nãy, để cháu mua vé cho. Cụ di Phú Thọ à?
- Thế anh mua hộ tôi nhá! Vừa nói ông vừa móc túi ra một nắm tiền. Đây tôi có tiền đây, anh cầm mua giúp tôi!
- Thôi con có đây rồi, tí nữa con lấy sau. Cụ cứ cất đi. Cẩn thận cụ ạ, kẻ trộm nó móc mất bây giờ...
***
Theo kinh nghệm cũng như kiến thức sư phạm của mình, chị Nga hoàn toàn thất vọng khi dạy cho thằng Hận học những chữ cái đầu đời. Dù cố gắng hết sức nhưng chị không làm thế nào để thằng Hận học. Nó ngúng nguẩy, không chịu học, và nếu cố gắng lắm, chị Nga bắt nó ngồi vào bàn để học thì nó chỉ cười một cách hồn nhiên. Mọi lời nói từ ngọt ngào, dỗ dành đến qua doạ đều không có kết quả. Chị cố gắng dậy cho nó vẽ một hình tròn, bảo nó đọc đấy là chưa “o”, thì nó đọc thành “a”, và vẽ một hình tam giác. Một tháng trời không thể nào dạy cho nó vẽ được một hình tròn và chữ “o”. Nhưng nếu chị dạy nó vẽ chữa “a” in, hình tam giác, thì nó vẽ một hình vuông!
Chị không chịu đầu hàng, thử làm một vài trắc nghiệm khác nữa, thì chị nhận thấy thằng con trai thiên thần của chị hoàn toàn là một đứa trẻ chậm phát triển. Nó không thể nào phân biệt được dài hơn với ngắn hơn, lớn hơn với bé hơn. Cũng như, nó không phân biệt được trong với ngoài, trước với sau… Đây là một đòn giáng mạnh vào chị Nga, mà chị không biết kêu ai, ngoài Ông Trời!
- Trời ơi là Trời! Sao ông nỡ ăn ở bất công đến thế? Nếu tôi có tội tình gì thì hãy bắt tội tôi đây, chứ nó là một đứa trẻ, sao Trời nỡ hành hạ nó? Nó đã làm gì nên tội? Tất cả sai lầm hay tội lỗi do tôi gây ra tôi đều nhận hết! Dù Trời có bắt tôi phải cực khổ, vất vả, làm thân con chó, con trâu… nhưng hãy để cho con tôi được yên! Mà bao nhiêu năm nay và rồi có khi là hết cả cuộc đời này, tôi đã là một kẻ hèn mọn, sống cơ cưch đến thế mà Ông vẫn chưa hả hay sao?
Nhiều đêm chị vật vã, không ngủ được. Mà hễ cứ nhắm mắt lại, thì lại mơ thấy thằng Hận. Nó ngờ ngệch, bơ vơ, khi chị không còn trên cõi đời nữa… Con ơi! Con ra đời là gì cho cơ khổ thế này! Có con, mẹ đã chịu bao nhiêu tai tiếng, cay đắng, nhục nhã. Nhưng dù cho cây đắng, tủi nhục đến đâu mẹ cũng chịu đựng được, chịu đựng để có con, có mẹ. Mẹ chỉ mong con được thành người, một con người bình thường như mọi người. Nào ngờ, con lại ra nông nỗi này!
Chị không muốn truy tìm nguyên nhân, nhưng chị luôn ân hận. Đó là chuyện nó bị ngã xuống sông, chết đuối hụt. Có thể sau cú chết hụt đó và những trận sốt ly bì, đã làm hỏng thằng bé. Cụ thể là đầu óc nó làm sao đó.
Nhưng cứ nhìn nó ăn, nó chơi, nó lớn lên phổng phao, xinh đẹp thì chị lại không thể nào tin được. Lần chết đuối hụt và những cơn sốt nếu có gì thì ảnh hưởng đến cơ thể bên ngoài của nó thôi chứ? Đằng này, nhìn nó không ai có thể ngờ được nó lại là một đứa trẻ tâm thần, ngờ nghệch?
Tất cả là tại Trời! Có lẽ Trời xanh đã nổi giận! Chuyện loạn luân trong nhà giữa bố chồng và nàng dâu đã lay động đến lòng tự ái của Trời Già! Các người đã dám tự ý sắp đặt, tự ý sinh con đẻ cái. Cái sự tuyệt tự của dòng họ Trần phải xảy ra, phải được thực hiện theo ý của ta. Bất cứ kẻ nào can thiệp vào đều bị ta hành hạ, tiêu diệt…
- Không! Chị Nga đã cố cãi lại, trong đêm đen đặc, màu than và mùi than đá. Chị đã cãi phăng phăng, dù đó là Ông Trời! Nếu không có chiến tranh, không có cuộc binh lửa thì chồng tôi đã không phải ra trận. Sẽ không có người chết, sẽ không có cảnh chồng vợ chia lìa! Lúc đó những đứa con sẽ được sinh ra đàng hoàng dưới ánh sáng mặt trời, minh bạch! Nhưng các người đã làm gì? Trời xanh có mắt như mù. Tại sao cứ đem can qua binh lửa đến cho chúng tôi. Chúng tôi không thể tuyệt tự được, chúng tôi phải tồn tại và kéo dài mãi kiếp người, loài người…
Tự dưng trong đêm tha hương, chị Nga nhớ về quê nhà, và chị thấy thương ông lão Tuân! Ông lão bố chồng và là cha của con trai chị, là nối tiếp, là không dứt bỏ một giòng giống, vốn cũng đã được duy trì trong nhiều thế hệ. Bây giờ ông lão đang ở đâu? Liệu ông có hối hận về việc mình làm không? Liệu ông lão có khi nào tự xỉ vả mình vì sự hèn nhát của mình trước dư luận xóm làng, và trước những người con gái hàm hồ của mình không? Nếu ông lão can đảm và thương yêu chị, có thể chị đã không phải bước những bước gập ghềnh đầy bất trắc trên con đường lưu lạc này? Và nếu ông lão nghĩ lại và hối hận, biết đâu chị Nga sẽ quay trở về với cái làng Sơn Cốt bé bỏng kia?
Đêm gió bấc đầu mùa kéo về đột ngột, sột soạt ngoài vườn chuối, hai dòng nước mắt của chị cứ tuôn dài xuống chiếu, ướt đẫm cả một bên má con trai…
***
Sáng sớm ngày thứ tư, kể từ khi đặt chân lên đất Phú Thọ, ông lão Tuân trở dậy sớm hơn mọi ngày. Trong bóng tối lờ mờ, nhờ ánh trăng già thấp thoáng sau ngọn bạch đàn, ông lão ngồi lần mò đếm lại số tiền trong túi. Năm- mươi- hai đồng một hào tám, là số tiền còn lại, gồm hai đồng tiền to (mười đồng), ba đồng tiền nhỡ (năm đồng), còn bao nhiêu là tiền nhỏ, tính cả vài đồng xu lắc cắc, ông xâu vào một sợi lạt.
Bây giờ, với số tiền này, làm sao có thể sống đến khi tìm được “nó”? Ông lão bần thần ngồi tựa lưng vào tấm vách ẩm, hai bàn chân lùa vào cái bao tải rách, chống rét và chống muỗi, thỉnh thoảng lại giật bần bật. Chứng thấp khớp kinh niên gặp gió lạnh và khí ẩm lại lên cơn hành hạ. Nhưng ông không thấy thế làm đau, không thấy thế để nản chí.
Bây giờ, với số tiền còm trong tay, ông lão đã thấp thoáng có ý nghĩ ân hận về việc ra đi của mình. Đây là một cuộc tìm kiếm vô vọng. Chỉ có một nguồn tin mập mờ từ anh bạn của Định Khiểng, người giao thông xã. Ông muốn tìm người bạn của Định, nhưng lại không dám. Ông muốn việc làm của ông phải được giữ kín, tuyệt đối giữ kín. Chính vì muốn giữ kín nên ông lão Tuân không thể đem đi được nhiều tiền. Muốn có nhiều tiền phải bán thóc, bán gà, bán lợn… Thậm chí có thể bán cả chiếc xe đạp của chị Nga để lại. Nhưng như thế sẽ ồn lên, đến tai mọi người và bị lộ, chưa chắc ông đã đi được.
Nhưng ông lão đã quyết đi. Và bây giờ trong tay ông có ba nước cờ, ông lão đã bày tính kỹ lưỡng. Nhưng cũng như người ta ngồi vào bàn cờ, quân chưa đi, đối phương chưa bộc lộ, thì chẳng có nước nào đáng tin cậy.
Trời sáng dần, ông lão nhìn quanh, thu xếp đồ lề, cuộn tròn lại trong cái tay nải, lững thững đi về phía chợ. Mấy ngày qua ông đã đi tha thẩn như người nhàn rỗi, thấy người thiếu phụ nào dặt con, ông đều ghé mắt nhìn. Đôi khi gây ra những điều khó chịu cho người ta. Vậy mà người ông tìm vẫn chưa thấy.
Hôm nay khác, một nước cờ nhỏ đã được thực hiện. Ông không đi mà ngồi một chỗ ở cổng chợ. Cái nón mê úp lên đầu, chỉ chừa một khoảng để con mắt nhìn nghiêng lên có thể thấy người qua lại. Một bàn tay chìa ra hờ hững… Thỉnh thoảng, rất lâu ông mới lên tiếng, hình như chỉ đẻ cho phải lệ:
- Bà ơi, ông ơi… Xin ông bà rủ lòng thương kẻ già nua, đơn chiếc…
- Khổ quá mất thôi! Một bà lên tiếng lẩm bẩm, tuy nhỏ thôi lại giữa chợ ồn ào nhưng ông vẫn nghe được. Thời buổi đói kém, ăn mày, ăn xin ở đâu mọc ra lắm thế…
Ông lão nghe tiếng người than vãn, trách quở, và cũng nghe được, tiếng đồng xu rơi “cạch” xuống cái bát sắt. Ông hờ hững nhặt lên, nhìn chăm chú. Đây là đồng tiền đầu tiên trong cuộc đời ngoài sáu mươi của mình, ông lão kiếm được từ ăn mày thiên hạ. Không sao! Nó có thể giúp ta thực hiện được ý nguyện.
Từ hôm ấy, ông Tuân trở thành kẻ ăn mày. Ta chợ, ông lần mò đi vào các ngõ ngách. Đó là một nước cờ, nhưng cũng là một kế sinh nhai. May mắn thay, đây là chốn tha hương, không có người nào quen biết. Ông lão yên tâm…
Thế rồi một ngày kia, mưa phùn lâm thâm, cái rét của trời đất cùng với cái lạnh tha hương, lưu lạc và kiếp ăn mày làm ông lão chùn chân. Ông ghé vào một cái quán nước nhỏ nằm nép cạnh cái nhà kho để hút nhờ điếu thuốc lào. Mấy cái cột tre chống xiêu chống vẹo đỡ mấy tầu lá cọ rung lên phần phât. Cả buổi sáng không hút, giờ đây hơi thuốc làm ông say lử đử. Ông lão loạng choạng, tay quờ quạng, bám vội vào cái cột tre, suýt hụt, mãi mới vớ được khúc gióng, làm cả cái lều được thể rung lên răng rắc. Đầu ghế bên kia một anh thanh niên có khuôn mặt vuông, hai quai hàm nở nang, nhìn ông chằm chằm, khiến ông thấy ngượng . Ông không ngượng về cơn say thuốc lào, cái thứ thuốc ma này hút phải say. Có say mới là thuốc lào chính cống. Ông ngượng về thân phận của mình, đã là kẻ ăn mày còn ngồi nhai xôi gấc. Nhưng có lẽ chẳng ai biết ông ăn mày, mà chỉ có ông biết ông thôi, nhưng dù sao cũng ngượng lắm. Đã ngửa tay xin đồng xu của thiên hạ thì còn gì là con người nữa, đến cả ngồi trong cái quán lụp sụp này, ông cũng chẳng còn quyền ngồi ngang với người ta. Ông phải ngồi xuống đất, ngồi ra xa góc kia cơ! Ông lão tự giày vò mình. Bông nhiên anh thanh niên ngồi nhích lại, miệng nở:
- Cụ ngồi nhích vào trong này cho đỡ hắt. Gớm trông cụ hút điếu thuốc mà phát thèm…
Ông lão cười tróm trém:
- Thuốc ngon là nó say thế đấy anh ạ. Anh có hút không?
- Thỉnh thoảng thôi cụ ạ. Dạo trước con còn đi rừng thì hay hút, bây giờ ở nhà, chả làm gì, cũng phải bỏ, cụ ạ.
- Đây, thuốc đây, anh có ăn một điếu thì ăn! Trời rét thế này, có hơi thuốc vào nó cũng ấm. Bà chủ quán, cho tôi xin một chén nước…
Người thanh niên kia mỉm cười, nửa như muốn xin điếu thuốc, nửa lại quyết bỏ, chần chừ không dám. Mãi sau, anh nói:
- Đâu? Cụ cho con xin điếu thuốc! Rét thật đấy…
Ông lão vạch áo đưa cho anh thanh niên gói thuốc:
- Thuốc ngon đấy! Lâu không hút, anh làm cái này là say phải biết!
Anh thanh niên châm lửa từ que đóm, rít một hơi, bỗng nhả khói ra rồi ho sặc sụa. Anh ho đến nỗi bà chủ quán phải lắc đầu:
- Rõ khổ, không hút được thì tập tọng làm gì không biết!
Anh ngồi ngẩn ra một lúc, lấy lại sức rồi trả lại gói thuốc cho ông lão, chữa ngượng:
- Dạo trước con cũng hút nhiều lắm, mấy năm nay bỏ nên hút lại không được. Mà cai anh thuốc lào nó phải say, đến mấy giây ấy, như người ta thăng thiên, cụ nhỉ?
- Thế là anh biết hút đấy. Anh người ở đây hay từ nơi khác đến?
- Dạ, con ở dưới xuôi, lên Yên Bái đảo sắn.
Bà chủ quán răng đen, cũng là người xởi lởi, thấy vậy thì hỏi:
- Đi Yên Bái sao còn xuống đây?
Anh tần ngần một lúc, rồi nói nhỏ, như người có lỗi:
- Mấy năm nay rồi, năm nào mùa này cháu cũng lên Yên Bái. Mà… nửa đường cháu xuống đây tìm một người quen. Bà ở đây lâu chưa?
Bà chủ quán, rót từ cái tích ủ ra đầy hai chén nưới, cười thân tình:
- Tôi cũng người dưới Nam Định, lên đây từ hồi còn con gái, dạo đánh nhau với Pháp ấy. Sau lấy chồng, hoà bình rồi ở lại đất này…
- Cháu hỏi bà, thế bà có biết thầy giáo Hoan hồi chống Pháp dạy học ở đây không? Dạy bình dân học vụ…?
Bà chủ quán nghĩ ngợi:
- Thầy giáo Hoan à? Dạy bình… dân… hoc… vụ? Không, tôi không biết! Những người có tuổi thì có nhẽ biết đấy. Mới lại tôi có đi đến đâu. Ông ấy là thế nào với anh?
- Dạ không! Cháu cũng có biết mặt đâu, nghe người nhà nói lại thế thôi…
Trong lúc anh thanh niên vãn chuyện với bà chủ quán, ông lão ăn mày làm như người ngoài cuộc. Ông lão né nửa người ra ngoài mưa, nhìn đâu đó. Anh thanh niên tiếp:
- Thế mấy năm nay bà có thấy một chị phụ nữa có đứa con trai đọ chừng ba, bốn tuổi từ nơi khác lưu lạc đến đây không?
- Nhiều lắm! Ối giời, mấy năm nay giờ làm đói, người tứ xứ đổ về đây nhiều lắm. Họ đến một dạo, không sống nổi, lại đi… Thế anh tìm ai?
Anh thanh niên hơi ngần ngừ:
- Dạ cung một người làng thôi. Năm sáu năm nay, cháu đi tìm, mà chẳng nghe phong thanh gì!
- Khéo thường đi rồi! Có khi đi mãi lên Lào Cai, Yên Bái… Mà cũng có cả người vào tận trong Nam nữa kia… Thời buổi này, chim trời cá nước, biết sao mà tìm!
Ông lão ăn mày vẫn để tâm nghe câu chuyện, dù cố làm như không để ý. Sao người ta lại đổ dồn về cái thị xã nhỏ bé, toàn nhà tranh vách đất này nhỉ? Để rồi người ta lại đổ đi tìm kiếm một cách tuyệt vọng như thế nhỉ? Đâu có phải mình ông, đâu có phải chỉ có một mẹ con cô Nga? Thiên hạ không chịu ở yên một chỗ, mà thiên hạ cũng không chịu để cho nhau được ở yên một chỗ. Vừa suy nghĩ miên man ông vừa nhìn ra đường, câu chuyện của bà chủ quán và chàng thanh niên có khuôn mặt vuông chữ điền vần rỉ rả:
- Anh đi có một mình thôi à?
- Có một anh bạn nữa, cũng nể cháu, anh ta xuống đây. Có lẽ tối nay hai đứa lại nhảy tàu đi Yên Bái.
Mưa bắt đầu nhẹ dần, nhưng gió thì tạt mạnh hơn. Con đường nhỏ lớp nhớp bùn trước cửa quán, thỉnh thoảng lại có người đi như chạy, như có ai đuổi sau lưng để tránh gió, tránh mưa. Ở đâu đó, trong những ngôi nhà ấm cúng đang đợi họ. Chàng thanh niên như sốt ruột:
- Ở thị xã này, ngoài cái cửa hàng ăn uống chõ ngã ba, còn chỗ nào bán cơm không bà nhỉ?
Bà chủ quán lắc đầu:
- Chỗ đấy bán phở, mà phở cũng làm bằng bột sắn, bột mì thôi, Anh muốn ăn cơm phải có tem gạo. Ra phía chợ có mấy bà bán cơm nhưng phải quen mới nhận ra. Anh cứ thấy bà nào có hai cái làn mây to tướng, ngồi thu lu là bán cơm đấy. Nhà nước quản lý lương thực mạnh lắm, ai bán là bị bắt, tịch thu rồi còn phạt nữa!
- Vâng! Ở dưới cháu cũng thế, nhưng người ta vân bán. Chứ không ai đi đâu xa, không là cán bộ, không có tem gạo thì có mà chết đói, bà nhỉ…
Bông vẻ mặt anh thanh niên tươi hẳn lên, nhìn người thanh niên khác đang co ro chạy đến:
- Sao lâu thế?
Anh kia ngồi sà xuống, hai tay xoa vào nhau:
Chờ mãi cho vãn người mới hỏi. Đây này… Anh ta chìa ra một cái gói nhỏ, bên trong là hai cái áo may ô dệt kim. Cô bán hàng cảm tình lắm đấy. Hồi trước bọn mình cùng học cấp hai. Mình đi bộ đội, cô ta đi thanh niên xung phong. Bây giờ theo chồng lên đây bán cửa hàng mậu dịch.
- Có hai cái áo mà mất cả buổi chiều lại còn mang ơn, mang nợ. Tớ thì chả cần!
Anh kia cười xoà, nhét cái gói vào túi của mình:
- Chuyện tình cảm thôi. Khi nào về, ghé qua chơi, cô ấy nói thế. Chả gì cũng đồng hương. Này, thế cậu vẫn đang tìm người trong mộng đấy à?
Anh mặt chữ điền, lắc đầu:
- Vô vọng lắm! Mấy năm rồi còn gì!
- Sao dạo ấy không đi tìm ngay?
- Thì đi ngay đấy, nhưng có biết gì cụ thể đâu. Bây giờ gặp lại chưa chắc đã nhận ra nhau…
Anh thanh niên đến sau, châm một điếu thuốc lá, phả khói. Làn khói tan biến vào ngọn gió bấc. Thấy bạn mình im lặng, anh giật áo:
- Này Tĩnh! Chuyến này ta không mót sắn nữa…
Người có khuôn mặt vuông chứ điền chính là anh thợ san tràng tên Tĩnh. Nghe bạn nói thế, Tĩnh quay lại hỏi:
- Thế biết làm gì?
- Tớ có ít vốn đây, của cô bạn mậu dịch cho mượn đấy. Ta mua sắn khô, về bán. Vừa nhẹ sức lại vừa có lời…
Tĩnh ngạc nhiên:
- Cho mượn vốn? Bao nhiêu mà dám liều thế? Liệu có đòi được không? Thời buổi này…
Anh ta cười:
- Thời nào cũng thế. Có tin nhau mới sống được. Cô ấy còn bảo: nếu anh biết buôn bán, lên đây em chạy hàng cho, không cần vốn! Mình bảo “Cái thằng Thuận này, từ bé chỉ biết đánh dậm, lớn lên cầm súng, biết buôn bán bao giờ”. Thế là cô ấy cười: “Cứ tập dần đi thành quen”. Mình nói: “Quen thì hết sạch cả vốn”. Ấy thế mà cco ấy còn cười mình nữa chứ: “Có hết vốn mới biết buôn bán”. Tĩnh này, gần tới giờ tàu rồi, chúng mình ghé cửa hàng ăn uống, làm xuất cơm đi. Tớ có tem gạo đây!
Tĩnh cười:
- Lại của cô bạn học cùng lớp?
- Tất nhiên rồi! Thuận nheo mắt. Nhưng rồi mình sẽ có cách trả lại. Mình đâu phải là thằng hèn, nhất lại là bạn cùng làng.
Tĩnh thầm nghĩ: thằng Thuận này thế mà đỏ số. Nghe người ở nhà nói có cô bạn cùng xã, lấy chồng lên đây, thế mà nó tìm ra ngay. Lại còn được trợ cấp nữa chứ! Thế mà mình đổ bao nhiêu công sức và thời gian mấy năm trời mà vẫn biệt vô âm tín. Có lẽ số trời nó thế mất rồi. Tĩnh thở dài:
- Đi thì đi. Bà ơi, cho cháu thanh toán này…
Vừa lúc ấy, phía con đường lầy trước mặt, có bóng một phụ nữ đi qua. Ông lão nhận ra ngay đấy là chị Nga. Ông lão thì nhận ra ngay, còn Tĩnh cũng nhìn theo cái bóng dáng ấy, nhưng anh không nhận được. Ông lão đã có cả một quãng đời gắn bó, nợ nần với chị dù xa cách sáu bảy năm. Còn anh chàng Tĩnh tội nghiệp, chỉ có vài ngày bên chị, lại tất tưởi những lo toan, làm sao mà nhận ra được, lại từ phía sau lưng, với dáng đi như trốn chạy của chị.
Ông lão lập cập quơ gậy và cái tay nải của mình, móc vội mấy hào lẻ đưa cho bà chủ quán. Nhưng Tĩnh đã gạt lại:
- Cụ có chén nước chứ gì? Thôi để con. Cụ vội thì cứ đi đi…
- Không mà! Anh đẻ tôi trả phần tôi chứ! Ông lão cố đưa nhưng bà chủ quán không nhận:
- Thôi, ông để đấy, tôi biếu ông chén nước. Già cả rồi…
Ông lão đành cám ơn một cách đầy mặc cảm rồi vội vàng theo hút người đàn bà mà ông tin chắc đó là chị Nga. Ông lao đi trong gió lạnh, chỉ sợ bóng cái áo len màu gụ mất dạng.