Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Cánh Đồng Lưu Lạc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17222 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cánh Đồng Lưu Lạc
Hoàng Đình Quang

ĐOẠN 13

Đang dở tay với mấy cái cọc bên bờ dậu, lúng túng thế nào để cái lạt cật cứa ngang lòng bàn tay, máu ứa ra, buốt xót, Tĩnh vào sân, quăng con dao lên hè, vào nhà, nằm vật ra giường. Bà cụ mẹ anh đang ngồi xếp lại mấy thứ lặt vặt, cũ kỹ, trong cái làn mây, thấy con trai thở dài thì nhìn lên, ái ngại. Cụ định nói một câu gì đó, nhưng nghĩ mãi chẳng ra. Khuyên nó mãi cũng chẳng nổi. Mắng nó rồi cũng chẳng thấy xiêu. Nhất là sau chuyến ngược bè về, tiền nong có được vài chục đưa hết cho mẹ rồi không đi nữa. Bà cụ hỏi ông Thuần, thì ông ấy cũng chẳng nói thật:
- Bè giang cực lắm cụ ơi! Sức chú ấy trông thế nhưng còn yếu lắm. Ở chiến trường bao nhiêu năm, còn gì là người. Chuyến này để cho nó ở nhà…
Ở nhà là phải rồi, mấy sào ruộng thằng anh nó san bớt cho, hai mẹ con cũng đủ rau cháo. Nó không nói gì, cứ hơn hớn theo bè ông Thuần. Những chuyến trước chẳng sao, nhưng mà chuyến này về thấy được ít quá, hay nó chán?
Cũng chẳng phải thế! Chắc cần tiêu nên nó mới giữ lại, chứ mấy lần trước mỗi chuyến đi về cũng có ngót trăm bạc, lần này nó đưa cho bà có ba chục. Công của nó, của của nó, bà nhận là giữ hộ cho nó thôi, chứ bà thì tiêu gì! Nhưng mà thấy nó đưa ít, bà cũng nghĩ. Đúng rồi, đàn ông con trai, chưa vợ con cũng phải có bạn bè, điếu thuốc, hớp nước…
Têm miếng trầu, vét tí thuốc lào nhét vào chân răng, bà cụ toan vào giường hỏi nó làm sao, thì đã thấy Tĩnh lò dò ra:
- U cho con xin tí thuốc lào!
- Mày làm sao? Hay lại tập tọng hút thuốc lào…
- Đây này… Tĩnh chìa bàn tay rớm máu ra. Con cầm ngang cái lạt mà nó sứac thế.
Bà cụ vội vàng lấy nắm thuốc lào nhét vào vết đứt ngang lòng bàn tay:
- Mấy hôm nay mày làm sao thế? Đi rừng đi búi mà hấp hoảng thế này thì có ngày chết đấy con ạ. Tao thấy ghê quá.
- Thì con đã bỏ rồi đấy thây! Tĩnh cười.
- Ừ thì bỏ quách đi. Tao thấy nhà ông Thuần đấy, cả đời lặn lội cũng có hơn ai? Gốc mình là chân đồng chiêm, bì sao nổi với san tràng, rừng rú …
Bà cụ lấy miếng giẻ quấn vào bàn tay cho con, ái ngại:
- Thôi cứ nghỉ ít bữa, mai u bảo thằng bố An nó san cho mảnh ruộng ngoài Cầu Đá mà làm. Hai mẹ con mình thì chừng ấy cũng đủ ăn…
- U này…! Tĩnh đột ngột cắt ngang lời mẹ. U có còn tiền không?
- Thì mày đưa bao nhiêu tao vẫn giữ chứ có tiêu cái gì đâu mà con hay hết.
Tĩnh ngạc nhiên:
- Thế u lấy đâu ra tiền mà mua mắm muối, cái ăn cái mặc?
Bà cụ cười phô hàm răng đen nhưng nhức:
- Tao khắc có. Mày cần tiêu bao nhiêu thì cứ nói, u đưa cho mà tiêu.
- U không được lấy của anh chị An đâu đấy. Anh chị ấy còn một lũ con, lít nhít thấy phát sợ.
- Tiên nhân bố anh, một con, một của, có gì mà sợ. Còn anh đấy, thế có định lấy vợ, đẻ con không hay lại sợ?
Tĩnh cười:
- Sợ thì con không sợ, nhưng mà lấy ai… Người con thích thì u không ưa. Mà cái cô u thích thì con lại thấy nó làm sao ấy…
- Tao không ưa bao giờ? Bà cụ nhìn con, cười để rơi mấy giọt nước trầu ra áo. Thôi được rồi, bây giờ anh cứ việc thích thì lấy, ai cũng được, tôi không cản. Đứa nào con thích là u thích!
Nhớ hồi mới về, Tĩnh cũng hăng lắm. Lúc ấy bộ đội ở Nam ra rất có giá, thành ra lấy vợ cũng cứ như phong trào. Thi đua anh này với anh kia, chị này với cô nọ. Suýt thì Tĩnh cũng đã lấy cái cô Hải con bà hàng nước ngoài đầu sông. Cũng chỉ vì anh tuếch toác, nói năng không giữ ý, làm bà ấy giận. Cô Hải thì không đẹp mà cũng chẳng xấu, lấy nhau để đẻ con thì được, nhưng mà yêu thì… Giận thì cho giận luôn. Tĩnh cứ nhơn nhơn, sống “cá thể”, chẳng chịu theo phong trào. Thế rồi, phong trào tạm lắng, có đôi hạnh phúc, sung sướng, có cặp an phận chịu đựng lẫn nhau. Nhưng cũng chỉ ba bốn năm sau, có anh chị đưa nhau ra toà, nhẹ hơn thì chồng dắt tay vợ về trả cho ông bà nhạc. Buồn thật… Tĩnh thấy buồn cho tình đời, chung quy cũng chỉ tại nghèo khó. Ấy thế nhưng cả làng cứ thấy Tĩnh cười hơ hớ. Bí chân anh theo ông Thuần lên rừng…
- Con kể u nghe chuyện này nhá. Nghe được hay không thì u cứ nói ra, chửi con cũng được.
Bà cụ nghĩ ngay đây không phải chuyện đùa của con trai. Nó đã ngoài ba mươi, cái đùa cũng không phải là thứ bông phèng, hôn xược. Với lại nó đã nói “u chửi cũng được” thế có nghĩa là nó đã nghĩ kỹ.
- Con cứ nói xem nào! Bà cụ nghiêm giọng.
Thấy Tĩnh đắn đo mãi, bà phải giục:
- Khó nói lắm hả con? Cứ nói đi, u nghe đây…
Tĩnh bắt đầu kể về chị Nga. Anh kể hết, nhưng khổ nỗi, anh cũng chẳng biết gì nhiều về chị:
- Một cô giáo cấp hai, chồng đi B đã hy sinh, có một đứa con trai hai tuổi. Cuộc sống cơ cực và dư luận độc địa khiến cô ấy phải bỏ nhà bế con ra đi. Cái buổi chiều trên mảng và cái đêm ở nhà ga, con thấy cô ấy là người mà chưa từng gặp… Một phụ nữ biết vì người khác và dám sống vì người khác…
“Thế là nó đã phải lòng người ta rồi”, hèn nào nó ăn nói văn hoa như thế, bà cụ nghĩ thầm trong bụng. Rỗ khổ, gần thì chẳng bén duyên cho, xa xôi cách trở… Thương con, muốn che chở cho con không ai bằng người mẹ, dù là một nông dân, nhưng bà cụ rất thấu hiểu lòng con…
- Bây giờ mẹ con cô ấy ở đâu?
- Con cũng không biết đích xác. Con chỉ biết cô ấy bế con ngược lên Phú Thọ, mà thằng bé thì đang ốm.
Bà cụ không nói gì, đứng dậy xuống bếp. Thế giới của bà mẹ chúng ta có lẽ là cái bếp. Chỉ ở đây, bà mới có thể suy nghĩ, đến thấu đáo nghĩa tình, và đưa ra những quyết định sáng suốt. Con lợn trong chuồng nghe tiếng lịch kịch của bà, vội vàng cất lên hững tiếng kêu ư ử. Đó là lời cầu xin, là tiếng reo vui chào mừng của chúng. Bà cụ lấy nắm gạo đầu ra dưới ánh sáng cuối ngày, ngồi nhặt những hạt thóc.
Tĩnh lo lắng nhìn những động tác của mẹ. Anh hiểu mẹ đang lo cho anh. Trong mắt mẹ anh là một thằng trai ngang tàng, và mẹ tự hào về điều đó. Cái lần anh lấy vợ hụt, cô Hải con bà hàng nước, chính mẹ đã an ủi anh: “Làm trai quyết chí tu thân; công danh chớ vội, nợ nần chớ lo”. Niềm vinh quang từ chiến trận anh đem về cho mẹ, nhưng mẹ cũng không bị choáng ngợp như những người khác. Mẹ dặn anh: “Còn có những người chết, không về. Con liệu mà vui mừng cho phải lẽ”.
Tiếng xoa gạo sàn sạt khiến Tĩnh không thể nào yên tâm. Anh mon men đến định hỏi, nhưng lại không dám. Có thể mẹ buồn, có thể mẹ giận… Thôi hãy cứ để như thế. Thế nhưng còn anh? Tĩnh bắt đầu chất vấn mình. Anh đã nghĩ thế nào về người phụ nữ anh gặp dọc đường? Hai mẹ con cô ấy sẽ ra sao nếu họ không gặp anh? Và rồi họ gặp anh họ sẽ ra sao? Những lời hứa hẹn và những việc anh làm cho mẹ con họ có phải là tình yêu? Đã mấy tháng nay anh bồn chồn. Mấy ngày đầu khi về với mẹ, anh quyết định sẽ quay trở lại đi tìm mẹ con chị Nga. Nhưng rồi, bên mẹ và gia đình làng xóm, anh đã có những ý nghĩ khác. Anh muốn quên, muốn quên đi cũng như những câu chuyện qua đường thường thấy. Anh có cuộc sống riêng của anh. Mẹ cộnh có cuộc sống của họ. Không ai có thể bắt lỗi anh được. Anh đã làm hết mình, làm những gì cần làm. Thế nhưng một thời gian sau anh càng lúc càng thấy trong lòng mình không yên. Tĩnh thường mất ngủ, dù anh đã quyết bỏ nghề san trang, nhưng hình như anh thấy nhớ rừng, nhớ sông nước. Cái buổi chiều thổi cơm nhờ bên bến sông đã làm anh thao thức. Hay là anh lại sẽ lên rừng, sẽ xuôi mảng và trở lại bến sông. Nhưng…, ở đó không còn gì nữa. Dòng sông cũng không còn gì cho anh nữa.
Hai chữ “phải lòng” không đủ sức chứa nỗi niềm của Tĩnh. Ở đây chẳng phải là một mối tình si thông thường của người đời. Hình như nó có cái gì đó như một định mệnh. Tĩnh không muốn ra khỏi nhà, không muốn nói chuyện với ai. Bà mẹ biết nhưng không biết cách can thiệp. Con trai bà là một kẻ ngang tàng, và can trường, bà biết…
Bữa cơm tối hôm ấy, dưới ánh đèn tù mù, hai mẹ con im lặng cho hết bữa. Hình như ai cũng nhai trệu trạo, ai cũng muốn ngẫm nghĩ hơn là ăn. Lần đầu tiên, sau bữa cơm mẹnói với Tĩnh:
- Con cất dọn mâm bát đi. Để u ngồi đây ăn miếng giầu…
Tĩnh lẳng lặng làm. Anh rửa bát, dọn mâm rất chăm chú và cẩn thận, đến nỗi chính anh cũng ngạc nhiên. Sao lại không huýt sáo lên một bài vui vui nhỉ? Anh huýt sáo nhưng hơi hướng cứ đi đâu mất, chỉ là những tiếng thào thào qua kẽ răng. Bực mình thật…
Tĩnh trở lên nhà, đã thấy mẹ đặt sẵn một xấp tiền chặn cái cơi trầu:
- Ngồi đây u nói này, Tĩnh!
Tĩnh ngồi ở một góc chiếu, nhìn mẹ. Anh đã hiểu.
- Ngày mai, con đi tìm hai mẹ con cô giáo Nga đi…
Tĩnh cảm động:
- Con cũng có ý định ấy, nhưng…
- Được rồi, con cứ đi tìm, đúng như lời con đã hứa. Không nên để lời hứa thành lời đầu môi, chót lưỡi. Tiền đây, con cầm cả lấy mà chi tiêu cho chuyến đi.
Tĩnh cầm xấp tiền lên, nhẩm đếm:
- Nhiều quá u ạ, chắc không dùng đến thế đâu.
- Cứ mang đi. Đường xa tiền bạc không biết thế nào là nhiều với ít.
- Con cầm một trăm thôi, còn để lại cho u giữ…
Bà cụ vươn cổ ra khỏi hè, nhổ miếng nước trầu rồi như tiện tay, móc trong túi áo ra một cái bọc:
- Đây là cái vòng bạc, cái vòng con đeo hồi còn bé. U đưa cho con mang theo, gặp đứa bé, con hãy đeo vào cho nó.
Tĩnh thẫn thờ:
- Sao lại thế?
- Nếu con thấy không cần thì thôi. Nhưng hãy cứ mang theo.
Bây giờ Tĩnh mới hỏi một câu mà anh chợt nghĩ ra:
- U ạ, nếu gặp người ta, con phải làm thế nào? Hay là con đưa cô ấy về đây với u?
Bà cụ đứng dậy, vào giường:
- Sao anh lại hỏi u câu ấy? Anh cứ làm đúng như những gì anh nghĩ. Thấy đúng thì cứ làm, nếu vạn nhất có sai lầm cũng không có gì phải hối hận…
Đêm ấy Tĩnh đã thức trắng đêm, tiếng gà xao xác ba canh đã vật vã, cật vấn anh theo từng chặp. Tĩnh có cảm giác như một định mệnh đã gắn đời anh với mẹ con người đàn bà bất hạn ấy. Chẳng thế mà, lúc chia tay với tiếng khóc tức tưởi, ngọt ngào của chị Nga, Tĩnh phải cố nén lòng. Anh chỉ đứng lại một chút nữa thôi, thì chính anh cũng bật khóc, và không thể đi được nữa. Anh cũng nghĩ mình không thể xa họ được, mà quay lại chỗ ông Thuần và anh em sơn tràng, xem có lấy được ít tiền, rồi đuổi theo. Anh đã đi như chạy. Nhưng khi đoàn tầu ầm ầm kéo đến và tiếng người nhốn nháo, anh nghe thấy thoảng trong gió tiếng kêu cứu của chị Nga. Rất mỏng manh, rất mơ hồ, nhưng lại rất rõ nét bởi âm sắc của lời cầu cứu hình như đã được ghi lại trong tâm trí anh. Tĩnh rảo bước nhưng không đi nổi, bởi trong gió thoảng, trong tiếng bánh sắt nghiến rầm rập ấy, có tiếng chị Nga. Tĩnh vội vã chạy ngược trở lại, và anh lao vào ôm lấy thằng bé. Không thể chậm hơn!
Anh đã hối hận khi không đưa ra quyết định kịp thời ngay từ cái hôm đưa thằng Hận ra viện. Đêm ấy là một đêm khó khăn nhất trong đời anh. Phải từ biệt mẹ con chị Nga trong một hoàn cảnh éo le như thế đã cứa xát trái tim Tĩnh biết chừng nào. Có tất cả ba con đường, anh đã chọn con đường bỏ chạy. Ừ mà sao mình không đi cùng Nga? Sao mình không biết hoặc không nghĩ đến con đường trước mắt của hai mẹ con cô ấy? Còn một con đường nữa là đưa Nga cùng về với mình, với mẹ? Anh sợ gì? Sợ dư luận và tai tiếng ư? Cuối cùng anh đã chọn con đường bỏ đi, để đến bây giờ thấy nhói đau trong lòng.
Thôi, Tĩnh ơi, hãy cố chợp mắt một lúc, lấy sức để sáng mai anh hãy lên đường đi tìm người anh yêu quý. Tĩnh ra sức dỗ giấc ngủ, và khi nó đến, anh nằm chiêm bao thấy mình đã tìm được mẹ con chị Nga. Họ đã tìm thấy nhau, và thằng Hận, đứa con trai người gỗ Pinôkiô của anh đã tung tăng đi lên phía trước, trên con đường đầy ánh sáng và hoa. Anh cố sức gọi “Con ơi!”, và đuổi theo những bước chân nhỏ bé lon ton của nó. Nhưng rồi, Nga kéo anh lại, bằng bàn tay nhỏ bé, ấm áp… Hai người anh và Nga nắm tay nhau đi theo nó, đi mãi… cho đến khi mẹ gọi:
- Tĩnh ơi! Trời sáng rồi… Dậy đi con!
Anh vẫn còn thấy tiếc giấc mơ. Giấc mơ lành, đầy ngọt ngào thi vị. Nhưng… cuộc đời này, giữa giấc mơ và hiện thực luôn có những khoảng cách không dễ gì lấp đầy.
Buổi sáng ấy, Tĩnh lên đường tìm chị Nga, nhưng cuộc tìm kiếm ấy đã không dễ dàng chút nào, mà nó kéo dài suốt mười năm! Phải mười năm sau, họ mới gặp nhau. Đó là một định mệnh khắt khe, và độc ác của cuộc đời!

*
Thật ông Trời cũng có mắt, chị Nga nghĩ thế, khi hai mẹ con chị có được một chỗ trú thân trong cái chái nhà than của cửa hàng ăn uống. Trưa hôm sau, ông Thức cửa hàng trưởng đi họp về, tạt vào đã thấy cái chái vốn trống hoang, trống hoác đã được quây kín thì lắc đầu:
- Cô này giỏi nhỉ? Lấy đâu ra những thứ này? Ông chỉ vào những tàu cọ chị Nga đã thưng làm vách.
Chị Nga từ đống than sau nhà chạy ra, hai tay đen nhẻm, rụt rè:
- Bác ạ! Chị Thắm chỉ cho em đấy. Không biết có ảnh hưởng gì đến cửa hàng không hả bác?
- Không sao! Cái bà Thắm này cũng đáo để nhỉ. Bà ấy là vợ liệt sĩ, một nách nuôi bốn đứa con đấy. Được cái chúng cũng ngoan và lớn cả. Ghê gớm ra phết nhưng được cái hảo tâm, tốt bụng. Thế bố thằng cháu nhà cô đâu?
Ông Thức bộc trực quá, thấy cái gì là hỏi, dễ gây ra ấn tượng một người ỷ quyền thế, hay lục vấn, chẻ hoe. Nhưng, tính ông lại xuề xoà, mau quên. Hỏi thế thôi, trả lời cũng được, mà không trả lời cũng chẳng sao. Chị Nga lúng túng, không biết để hai bàn tay toàn than của mình vào đâu:
- Dạ… bố cháu… mất rồi ạ!
- Cô từ bên Thái Nguyên sang à? Này, dạo trước tôi cũng đóng quân ở bên ấy mấy năm trước khi đi B. Cô có biết trung đoàn 165 của sư đoàn 312 không?
Chị Nga càng lúng túng:
- Vâng, em có nghe!
- Bên ấy cũng khó khăn nhỉ. Dân “con củ” cô biết không? Khoai lang ấy mà… Có câu chuyện buồn cười thế này, một ông nông dân ra ruộng của mình thấy rõ ràng dấu chân người, mà phân thì lại phân chó! Hơ hơ… đói quá, dân ta ăn khoai lang cả vỏ. Khổ thế! Không biết bây giờ thế nào?
- Cũng vẫn khổ lắm bác ạ.
- Ừ thôi, tôi hỏi thăm qua cô một tí cho biết. Cô cũng đảm đang đấy. Chịu khó làm ăn, anh em chúng tôi thấy cô lưu lạc thì thương cô. Nhưng mà này, tôi dặn cô một câu, một câu thôi: chớ có tắt mắt! Tôi ghét nhất là ăn cắp vặt, thế nào cũng có người thấy, mà không ai thấy thì trời thấy! Thiếu thì xin, xin người ta không cho thì nhịn. Nhất chết chứ đừng ăn cắp. Ăn cắp dù một nắm than, tôi biết là tôi đuổi đấy. Tôi coi cô như em mới nói thế, đừng giận!
- Vâng! Em xin nghe lời bác…
- Tôi đi đây! Có khó khăn gì thì hỏi bà Thắm. Tôi hay đi vắng lắm…
Chị Nga bần thần nhìn theo cái dáng đi hơi gù, một bên vai xệ xuống và đôi chân tập tễnh của ông cửa hàng trưởng mà ứa nước mắt. Người đâu mà tối thế!
Thời gian đối với chị Nga thật chẳng có ý nghĩa gì, nếu không có thằng Hận. Chị không mong gì cho mình, dù tháng ngày dài hay ngắn, nhanh hay chậm, chị không bận lòng. Nhưng còn thằng Hận, nó phải lớn, phải lớn thật nhanh. Trong những đêm vắng, hai mẹ con nằm trong cái chái nhà quây lá cọ, chị Nga ôm con mà lòng thật chua chát. Đôi lúc chị lại tự vấn lòng mình. Tại sao chị phải bỏ làng vào Soi Vạt, sống như một con bệnh hủi, bị cộng đồng hắt hủi. Chị cứ sống đàng hoàng giữa làng giữa nước, sợ gì ai. Ừ thì anh Kỳ đi bộ đội ba năm rồi có giấy báo tử. Ừ thì có giấy báo tử của anh Kỳ hơn một năm sau chị mới đẻ thằng Hận! Thì đã sao? Tại sao chị lại không có quyền có con? Mà tại sao người ta lại cứ phải hỏi nó là con ai. Rõ ràng nó là con anh Kỳ. Không! Nó không thể là con anh Kỳ, mặc dù nó mang họ Trần. Chị thì không sao, chị sống thế nào cũng được, nhưng còn thằng Hận, nó là giòng dõi họ Trần, nó phải được mang họ Trần và được hưởng tất cả những gì mà nó đáng được hưởng.
Chị đã chạy trốn, điều ấy chỉ chứng tỏ chị có lỗi. Nhưng nếu chỉ trốn lên Soi Vạt thôi thì một thời gian sau, dư luận sẽ lắng xuống. Cười ba năm chứ chẳng ai cười ba đời! Bỗng dưng chị hận ông lão Tuân, ông bố chồng chị, người cha của đứa con chị. Nỗi nhục nhã ê chề luôn đè nặng xuống vai chị. Nó đã giết chết cả tuổi thanh xuân của chị, chưa đủ, nó còn hạ gục cả cha chị, là thầy Hoan.
Chị bật khóc trong đêm vắng khi nghĩ về cha mình. Giờ này cha đang làm gì, hay cũng lại thao thức với con. Cuộc đời cha đặt gọn trong tranh chấp, trong nghi kỵ. Lúc nào cũng đè phòng, cũng cảnh giác. Mấy năm nay tạm yên tiếng súng, lẽ ra cha phải được sống thanh thản. Thế mà con đã giết cha. Giết mà cha không chết, cha sống để ôm hận. Ôi, nhưng nếu cha biết con gái cha lại ăn nằm với bố chồng để đến nỗi sinh con đẻ cái, thì hẳn cha đã ngã gục rồi…
Gà gáy liên hồi, chị Nga thao thức rồi ngồi dậy, xoay nhẹ đầu thằng Hận ra khỏi cánh tay, đặt cho nó ngay lại rồi bước xuống đất ra ngoài. Mùa thu trung châu sớm giăng sương bụi. Chị vào bếp nhóm bếp than. Đó là công việc mà chị em trong cửa hàng nhờ chị Nga. Chị thấy vui khi được làm việc. Càng nhiều việc càng tốt. Ai nhờ gì chị cũng làm, làm nhiệt thành, từ giặt khăn bàn, rửa bát, đến quét nhà nhóm lò… việc nào chị cũng làm gọn ghẽ, sạch sẽ. Mỗi lần xong việc nắm than của mình, chị ngồi không mà không ai nhờ việc gì, chị thấy bồn chồn, lo lắng.
Thằng Hận đã lớn. Nó là một đứa trẻ ngoan và đẹp như thiên thần, không ai có thể ngờ rằng mẹ nó chỉ là một mụ nắm than với hai bàn tay đen đủi. Nước da nó trắng hồng, đôi môi đỏ như được tô son. Mọi người đều thích nó, nhất là những cô gái chưa lấy chồng, nhìn vào khuôn mặt có mái tóc loà xoà trước trán, với cặp lông mày xếch xiên trong xô vào tận sống mũi của nó, hứa hẹn một chàng trai tuấn tú, thông minh. Tuy thế, không khỏi có những cặp mắt đố kỵ, ghen tức. Không biết nó ăn gì mà xinh đẹp thế? Mà có phải con nhà giàu có gì cho cam? Một con mụ nắm than công nhật, loại người thấp hèn, mạt hạng nhất thì có gì cho nó ăn, nó mặc? Con nhà người ta, nào có thiếu gì cá thịt, vậy mà sao vẫn xanh xao, còi đẹt?
Lúc đầu chị Nga tự hào về đứa con của mình, nhưng dần dà, chị nhận thấy có những cái nhìn không mấy thiện cảm, chỉ vì nó đẹp quá, nó khoẻ mạnh quá, chị thấy lo. Ông Thức mỗi lần đến thấy nó, thì ngồi thụp xuống tóm lấy “con chim” của nó, nức nở:
- Con cái nhà nào mà đẹp thế này không biết? Cô Nga này, vợ tôi mà đẻ được đứa con xinh đẹp khoẻ mạnh như thằng Hận của cô thì tôi phải bảo bà ấy đẻ lấy chục đứa…
- Bác quá khen cháu nó hư đấy bác ạ!
Vợ ông Thức không đẻ được. Đó là lỗi tại ông. Ông đi bộ đội vào chiến trường trở ra, sốt rét trọc đầu, lại bị thương lệch vai, khiểng chân. Thương tật thì không sao, nhưng không đẻ được đứa con thì thật đau khổ. Vợ ông là giáo viên dạy cấp một. Người ta khuyên ông xin lấy đứa trẻ làm con nuôi, nhưng ông không muốn. Ông nghĩ thế nào, chả ai hiểu, đến vợ ông cũng không hiểu ông. Người ta ưu tiên cho ông cái chức cửa hàng trưởng cửa hàng ăn uống, ông tận tình, nhưng cũng không mấy thiết tha. Mọi chuyện đều giao cả cho bà Thắm, bà vợ liệt sĩ bốn con.
- Này cô, bố cháu hy sinh ở chiến trường nào? Khi đã quen thân, biết được chuyện của chị Nga, ông Thức hỏi. Lần này, không thể lảng tránh mãi được, chị Nga đành trả lời theo đúng như người ta đã ghi trong giấy báo tử của anh Kỳ:
- Em cũng không biết rõ lắm, chỉ thấy báo là anh ấy hy sinh ở “Mặt trận phía Nam” thôi ạ!
Ông Thức lại được dịp cằn nhằn, mà cằn nhằn rõ to:
- Phía Nam thì đúng rồi, không lẽ lại phía Bắc? Chiến trường mênh mông thế, ai biết đâu mà tìm. Thì cũng coi như mất tích! Có mấy cái kẹo Hải Châu, cô cầm lấy cho thằng bé…
Chi Nga ái ngại:
- Bác cho cháu nhiều thế? Các bac thương đã cho mẹ con em được ở nhờ, lại có việc làm, em còn chưa đền ơn được.
- Ơn huệ gì cái nhà cô này! Hay là cô cho thằng Hận làm con tôi nhé? Ông Thức nói bằng một giọng nửa đù, nửa thật, nhưng chị Nga nghe thấy rất rõ nỗi khát khao được làm cha của ông. Lần này, ông Thức nhìn chị Nga cười nheo mắt, ý như ông nhất quyết không để cho chị được lảng chuyện như những lần trước. Thấy chị Nga cứ cắm cúi, không trả lời, ông giục:
- Sao? Cô thấy thế nào?
Chị Nga ngửng lên, đôi mắt buồn xa thẳm:
- Đời em chỉ còn mỗi mình cháu, em làm sao xa cháu được? Em chỉ mong cho cháu lớn khôn, rồi lúc ấy đời em coi như xong…
- Thì ai bắt cco xa nó đâu? Nó vẫn là con cô mà… Chỉ cần nó nhận tôi làm bố, bà nhà tôi là mẹ, là được rồi.
- Thế…? Thôi, em sợ lắm! Nhỡ nó thấy em nghèo,nó bỏ em thì em chết! Chị Nga gượng cười, làm như đó hoàn toàn là chuyện đùa.
Ông Thức thôi không nói nữa, nhưng bỗng hỏi:
- Thế chế độ chính sách con liệt sĩ của cháu thế nào? Ở bên ấy người ta không lo cho nó à…
Lần này thì chị Nga không thể trả lời được. Chị cúi xuống gần sát đống than, cố giả vờ không nghe câu hỏi của ông cửa hàng trưởng. Nước mắt chị lại sắp ứa ra, chị quệt một ngón tay lên ngăn giòng nước mắt sằp trào ra, để lại một vệt nhọ ngang bên má. Ông Thức thấy thế thì cũng không hỏi nữa, lặng lẽ quay đi. Nhưng không phải lúc này, mà ngay từ hôm đầu tiên gặp mẹ con chị, ông vốn là người đi đây, đi đó, hiểu nhiều chuyện, ông đã ngờ đến một câu chuyện không bình thường rồi. Thì có trắc trở, bất an thì người ta mới lưu lạc đến đây, ông nghĩ thế, và ông sẵn lòng thương người, đã cưu mang mẹ con chị. Nhưng như mọi người đàn ông khác, ông nghĩ thếnào cũng có dịp hỏi cho ra nhẽ. Không thể để một đứa con của người liệt sĩ sống lưu lạc, thiếu thốn như thế được.
Chị Nga bắt đầu dạy học cho con trai. Và chị đã thất vọng! Một lần nữa, trời cao đã hành hạ chị, nhất quyết không buông tha người thiếu phụ này.

<< ĐOẠN 12 | ĐOẠN 14 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 580

Return to top