Tuy đã là một khu phố nội thành, có những ngôi nhà cao ngất ngưởng, trên đầu đội cái nón bằng ngói đỏ hon hỏn như cái nón chóp của thằng bù nhìn giữ chim, có những ngôi biệt thự trầm mặc như những bà già cắm cảu, hết thời, cả giận, có quán cà phê xập xình, có động gái điếm và những tay ma cô hiền lành... nhưng tổ hai mươi này vẫn được người ta nhắc đến bằng cái tên đã có cách đây hơn một trăm năm: Mả Cùi! Khu Mả Cùi, xóm Mả Cùi! Cái tên mộc mạc, người lạ mới nghe thấy rờn rợn, nhưng nghe riết thành quen, lại còn dễ thương, giống như ta gọi tên ai đó: Thanh Thúy, Cẩm Vân, Châu Giang, Gò Nổi, Bồng Lai...
Có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu xuất xứ cái tên Mả Cùi này. Gần một trăm năm trước, có một viên quan có nhiều chức quyền và bổng lộc của triều đình cũng như dân chúng. Ông quan này một cô gái xinh đẹp, dáng mảnh mai, mái tóc thời trang chấm gót chân. Đặc biệt có nước da trắng hồng, dù có bắt nắng bao nhiêu cũng không hề xám sạm. Khi cô ta tròn mười bảy tuổi thì có một ông thầy vừa làm thầy thuốc, vừa làm thầy pháp bắt ma trừ tà đi qua dinh quan lớn, xin vào yết kiến. Được rồi, ông quan mời ông thầy vào dinh. Qua bấm đốt ngón tay ông thầy phán rằng: trong nhà Ngài có một người mắc bệnh cùi, còn gọi là phong hay hủi.
-Không thể có! Làm sao mày biết?
-Người con gái có đôi má lúc nào cũng ửng đỏ là dấu hiệu của con "sâu cùi" đang ở trỏng. Nó đang ăn…
Ông quan nổi giận, cho là tên thầy lang bịa đặt, sai đem đánh ông thầy kia gần chết rồi quảng ra bờ sông.
Đúng hai năm sau, cô con gái phát bệnh. Khắp thân mình lở loét, mùi hôi thối xông lên không ai chịu nổi. Cô chờ chết, và cha mẹ cô cũng thế, chỉ mong cho cô chết. Nhưng cô lại không chết. Thời bấy giờ người ta đồn rằng: con sâu (vi trùng) cùi nó ở trong cơ thể người sống. Nhưng khi người bệnh chết, không còn máu để cho nó ăn, thì nó "bò ra" xung quanh, lây vào người sống khác. Ông quan tin thế và quyết định đem chôn cô con gái khi cô ta chưa chết. Nghĩa là chôn sống. Cuộc chôn sống được tiến hành vào ban đêm, nhưng sáng ra nhiều người đi làm còn nghe tiếng lục cục của cô gái tội nghiệp đang tìm cách đội mả trở dậy.
Khi biết nơi đây có một cái mả chôn người cùi, không ai dám bén mảng tới gần, vì nghĩ rằng bọn "sâu cùi" vẫn còn đang bò lổm ngổm ở đó. Khu này được gọi bằng cái tên Mả Cùi cho đến nay. Sáu mươi năm sau, không biết bọn "sâu cùi" đã chết hết chưa, nhưng những người dân tứ cố chạy lọan đã đến đây định cư.
Đường vào khu Mả Cùi nghe đâu ngày trước rậm rạp, hoang vắng, toàn lau sậy, một vạt rau muống của cánh người Bắc di cư, chiều chiều nghe tiếng ếch kêu dai dẳng, đêm đêm nghe tiếng la hét oai oái, của người hay của ma, không ai biết. Rồi chiến tranh kết thúc, hòa bình, rồi mở cửa, đổi mới... thành phố bỗng phình ra, có phần vạm vỡ như chàng trai dậy thì phổng phao, cựa quậy, nhưng cũng lại có phần giống như một lão già phù thũng, mưng mủ, nứt toạc áo quần!
Đường vào Mả Cùi lội qua một cái lạch nhỏ, nước đen ngòm, mảnh chai nằm loang loang dưới đó, trộn lẫn với bịch ny lông, bao cao su, vỏ đồ hộp, cả phân người, phân chó... Người đầu tiên bỏ tiền ra mua một khoảnh đất của một tay thương phế binh cụt giò có tên là Tám Kiệu sống lưu vong trong khu Mả Cùi, là ông Xích Hồng, một quan chức của Bộ ngoại thương. Ông Xích Hồng nhìn xa trông rộng thật, gần một mẫu đất, tức một héc-ta mà chỉ mất có hai triệu đồng, bằng một phần sáu cái xe hon đa cúp cánh én. Mà suy cho cùng, chả ai thiệt, bởi Tám Kiệu làm gì có đất, chẳng qua y ta hết đường sống, chui vào khu Mả Cùi, chăng dây, cắm cọc, nhận vơ nhận váo là đất của mình. Lúc bấy giờ, ai thèm để ý, đến cả khi bán cho ông Xích Hồng rồi, cũng chẳng ai thèm để ý. Ủy ban xã cộp cho cái dấu vào, nhận từ tay ông cán bộ ngoại thương một trăm ngàn, rồi xong. Ông Xích Hồng cũng cho quân vào cắm một hàng cột xi măng trắng toát, ngay ngắn như một dãy tiêu binh...
Ba năm sau, sốt đất! Cơn sốt trời cho ông Xích Hồng của cải. Mà cũng chẳng phải trời đất gì, nói thế oan cho Đấng bề trên. Đó chính là chính sách của nhà nước, ông Xích Hồng bảo thế. Rồi ông thuê hàng chục chiếc xe ô tô thùng sắt, tiếng máy nổ đinh đầu, khói phụt lên trời, đen kịt, chở đất vào san lấp, thành một khu đất có giá trị hàng tỷ bạc. Bây giờ ông Xích Hồng chết rồi, ông chết ở Bệnh viện Thống Nhất cơ, chứ không phải ở đây, đám ma cực to. Khu Mả Cùi bảo nhau, coi ông Xích Hồng như vị Thành Hoàng. Vị Thành Hoàng xóm Mả Cùi bán đất thu hàng chục tỷ bạc đem vào bệnh viện cúng cho Con Bệnh Ung Thư. Trước khi chết ông nhận ra cái gì đó, thều thào với bà vợ trẻ măng (bà sau mà):
-Nhiều tiền cũng chả làm gì được, mình ơi! May ra thì chỉ chữa được bệnh ghẻ!
Người giàu có chết cũng oai phong, lẫm liệt hơn người. Hoa ngút ngát, hoa thật, hoa giả bày từ cổng vào đến tận trong nhà, leo lên cầu thang...