Trong cơn hoang mang, lo lắng cực độ, sự có mặt của Ngô Kha, Bích cảm thấy yên tâm. Nhưng khi anh ra về, chị lại trở lại tâm trạng hốt hoảng. Từ bệnh viện trở về căn nhà rộng mênh mông, lạnh lẽo và còn tanh mùi máu, Bích không thể nào rời khỏi sự ám ảnh rằng nơi đây chính là địa ngục. Địa ngục theo cả hai nghĩa, nghĩa đen và nghĩa bóng, thậm chí với Bích nó còn có nhiều nghĩa, mà bất kỳ lúc nào, bất kỳ nhìn ở góc độ nào, nhìn thấy cái gì cũng cảm thấy nỗi bất hạnh tồn tại nghiễm nhiên hay ngẫu nhiên, như nó đang có. Cánh cửa gỗ thâm nghiêm, nặng nề như cửa mở vào thiên đường, nhưng Bích luôn cảm thấy sau nó là cả một phiên tòa rực lửa, mùi da thịt, tóc lông con người bập bùng, khét lẹt. Những cái đầu con dơi, con cọp bằng thạch cao đắp viền trên trần nhà giương cặp mắt hận thù, luôn há miệng, chỉ chực lao bổ xuống, nhằm vào ngực, vào tim con người vô phúc nào đó, để rỉa rói, cắn xé... nhằm thỏa mãn sự kiêu ngạo, lố bịch của chúng.
Lúc Ngô Kha hỏi Bích rằng tên Tài đã lấy súng ở đâu để bắn Tụ, Bích giật mình, hai tay bưng lấy mặt, òa khóc:
-Tai họa là ở đấy, anh Kha ơi!
Bích khoát tay chỉ lên cái giá súng, đã trống trơn, mà ở đó, những khẩu súng đủ loại đã bị công an thu giữ, trong đó có khẩu súng các-bin cùng với ba cái vỏ đạn vương vãi trong nhà và ngoài sân. Những người điều tra vụ án còn thu được một đầu đạn xuyên qua ngực Tụ, găm trên tường, và một đầu đạn khác dính trên trần nhà, ngay cạnh đầu một con dơi có cặp mắt ti hí đắp bằng thạch cao, những mảng thạch cao bể nát rơi lả tả. Tụ đã có lần khoe với bạn bè rằng ông ta có những khẩu súng săn "tuyệt chiêu" mà chỉ những tay chơi cự phách trong thành phố mới dám ngó tới. Chỉ riêng khẩu súng hai nòng, kiểu ca-líp mười-sáu lúc nào cũng bóng loáng, thỉnh thoảng ông ta lại đem ra lau chùi, và ngắm nghía, cũng đáng cả một gia tài của nhiều người dân đen, gốc Sài Gòn. Súng đạn, cũng như gươm dáo, mã tấu, bát xà mâu của những giòng họ quyền quý hàng trăm ngàn đời nay, luôn trưng bày một lịch sử lẫm liệt, của cha ông cụ kị, hơn nữa nó còn biểu lộ sức mạnh hơn nguời của giòng họ này. Ngô Kha đứng lên ngắm những cái bệ đỡ súng nằm trơ trọi khi những khẩu súng không còn nữa, lòng bứt rứt. Dạo Kha mới về công ty, hai người còn thân với nhau, Năm Tụ đã bảo Kha:
-Ông nên chọn một thứ để tiêu khiển. Theo tôi nên đi săn, một việc rất hứng thú, lại rèn luyện sức khỏe...
Kha nhìn Tụ, mỉm cười:
-Chơi cái gì cũng tốn tiền lắm, mà tôi thì lại nghèo!
Năm tụ cười khơ khớ, đầy đắc chí:
-Nghèo thì mới phải chơi! Càng nghèo càng bó mình lại trong cái vỏ kén hèn kém. Nghèo thì cũng cứ phải chơi cho sang. Thế cậu tưởng đi săn không phải là làm việc à? Mỗi thú chơi tiêu khiển đều có những đối tác, những bạn chơi. Cậu tưởng ai cũng đi săn được đấy chắc? Toàn những lãnh đạo ban ngành, các công ty lớn... Qua đó, mở rộng mối quan hệ. Mà mối quan hệ là lực lượng sản xuất, là hầm mỏ, nhà máy, công trường, đất đai, tài sản cố định...
Thấy Kha cứ nhìn mình, không nói, Tụ tưởng anh không hiểu, càng giải thích:
-Nếu cậu tìm được một mối làm ăn, nhưng không có vốn, mà giả sử như có vốn rồi cũng không biết cách thực hiện ý đồ. Lúc đó cậu dựa vào đâu? Đó là những người bạn...
-Nhưng tôi không thích...
-Ở đây không có chuyện thích hay không thích, mà là tồn tại hay không tồn tại!
Đến đây, Kha đành nói thật, dù rằng sự thật ấy có phần mỉa mai, trêu tức Năm Tụ:
-Tôi nói thật với ông, tôi không thích súng đạn. Cả tuổi trẻ của tôi làm bạn với súng đạn, đến bây giờ còn hãi. Tôi hứa với lòng mình rồi, rằng không bao giờ sờ đến cái thứ giết người ấy nữa, dù rằng nó chỉ là súng hơi, hay súng gỗ!
Nghe Kha nói thế, Tụ ngồi im, tư lự. Lát sau, ông ta nháy mắt với Kha:
-Khi tôi rủ ông về công ty tôi, tôi nghĩ ông là người năng động, táo bạo, thậm chí chịu chơi. Không ngờ, ông cũng chỉ là sản phẩm cũ kỹ của một thời cũ kỹ...
Kha không nói gì nữa, và ngay cả những điều anh nói với vị lãnh đạo này, bằng tất cả tâm huyết của mình, cũng không lọt vào tai Tụ nữa rồi. Kha cảm thấy mình cô đơn, lặng lẽ vơi những suy nghĩ riêng, chẳng thể nói ra. Lâu dần, giữa hai người bắt đầu có những sự khác biệt rõ ràng. Mình là người có lỗi? Đúng rồi, chỉ mình có lỗi, cả Tụ, cả Tài, cả Hảo... họ đúng! Họ đúng thế nào, ta sai ra sao, Kha cũng không thể lý giải được. Chỉ biết rằng ta đã nhầm lẫn ở chỗ nào đó trong cuộc vận hành này...
Kha dừng lại trước mặt Bích:
-Tôi không ngờ ông Tụ của chúng ta lại có nhiều súng đến thế? Sao cô không cầm chân ông ấy bớt lại?
Bích vén mớ tóc lòa xòa trước trán, không nhìn lên:
-Em thì là cái gì trong ngôi nhà này kia chứ?
-Lại còn thế nữa? Sao cô không nói với chúng tôi! Kha nói hai tiếng "chúng tôi" một cách ngẫu nhiên, khách sáo, quen miệng theo kiểu quần thần xưng với quân vương, chứ anh biết, từ lâu, giữa những ngưòi bạn cũ, Tụ đã rẽ sang một ngả khác.
Lần tình cờ, Kha gặp vợ chồng Tụ ở Sa Mát, khi anh đi tìm mộ Nghiên, rồi tình cờ thấy mộ Bảo, rồi lại tình cờ được Tụ coi trọng như người bạn chí thân. Kha đã mủi lòng và quí trọng Tụ đến phát yêu lên được.
-Ông ạ, anh em chẳng còn mấy thằng, ông về chỗ tôi đi! Vừa đỡ cực, vừa kiếm được đồng tiền, mà ông cũng đỡ cho tôi. Nói thật nhé, thời buổi này không dễ gì tin vào thằng nào được đâu, đến cả anh em ruột cũng phải cảnh giác. Chỉ có những thằng lính...
Tụ sang trọng và đáng yêu, quyền uy và thân mật. Có lẽ bắt đầu từ đó, Kha đã nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn tai hại, đã dẫn đến hôm nay, máu Tụ đã lại một lần nữa đổ ra trên chính cái nền nhà của mình... Kha đã phải dời bỏ công việc quen thuộc của mình ở công ty mỹ thuật ứng dụng để về làm trợ lý cho Tụ. Công việc là nhàn hạ, và phải nói rằng suốt một thời gian khá lâu, Kha giũ một vai trò hữu ích trong những hoạt động kinh doanh của CHANDCO. Đột nhiên Tài xuất hiện!
Sự nhầm lẫn của Kha như một căn bệnh tiềm ẩn, bấy lâu nó được chế ngự bởi nhiều yếu tố, trong đó có tình yêu mến đối với Tụ. Sau này, đến khi Tài trở thành nhân vật quan trọng, đứng thứ hai sau Tụ, anh em mới khám phá ra rằng Tài đã nhiễm phải con virus T-U, một loại virus khó trị, nguy hiểm ngang với virus HIV, thì Kha mới giật mình: hay mình cũng nhiễm phải con virus T-U ấy rồi?
Bích đứng dậy rót nước mời Kha:
-Anh bảo em phải làm thế nào bây giờ?
-Tụ có bị nặng lắm không?
-Lúc đó nghe tiếng súng nổ, em chạy xuống, thấy anh Tụ ôm ngực đầy máu, rồi nghe Tài quát bảo quay điện thoại cấp cứu, em làm như cái máy, dưới họng súng của hắn. Đến lúc hắn thấy con Phương về, em nghe tiếng Phương chửi nó, và một phát súng nổ thì em xỉu luôn, không còn biết gì nữa. Tỉnh ra, thấy mình nằm trong bệnh viện. May mà không bị thương. Còn anh Tụ, nếu không bị bắn trúng tim, mà được cấp cứu kịp thời, không mất nhiều máu, thì may ra qua khỏi...
-Bây giờ ông Tụ nằm đâu? Có vào thăm được không?
-Em hỏi để xin vào thăm ảnh, nhưng công an họ nói chưa được tiếp xúc. Chờ khi nào anh Tụ tỉnh lại, là họ nói có thể tỉnh lại, cơ quan điều tra làm xong việc của họ, lúc đó mới cho người nhà hoặc người khác tiếp xúc. Em đã nhờ chú Tám can thiệp, chắc trưa nay... Khi nào vô được, công an họ gọi điện thoại...
Kha lo lắng:
-Thế còn cháu Phương có sao không?
-Lạy Trời lạy Phật! Không hiểu vì sao mà thằng Tài nó lại không bắn con Phương. Nó bắn lên trời! Thấy cha mình bị bắn trong thương, nó lao vào cào cấu thằng Tài, cũng chả biết băng bó cho anh Tụ. Một lúc sau thì công an rồi xe cấp cứu tới. Con Phương đòi đi theo, nhưng công an không cho...
Kha đành im lặng, nhìn Bích rũ xuống, hai vai co lại, rung lên từng chặp:
-Tan nát hết rồi, anh Kha ơi!
-Cô phải bình tĩnh, chắc là không có gì hệ trọng lắm đâu! Nhưng mà tôi thấy lạ. Trước hôm giỗ Bảo, cô thấy thái độ thằng Tài thế nào? Dạo này nó còn ăn ngủ ở đây không?
-Lâu rồi, em cũng không để ý đến Tài, không để ý đến mối quan hệ thầy trò của hắn với anh Tụ. Thì em nghĩ, hắn là đệ tử của anh Tụ, chắc nó phải trung thành lắm, nên nó ăn ngủ trong nhà cũng là tốt. Hơn nữa, thái độ nó lúc nào cũng tỏ ra rất mực cung kính mọi người trong nhà. Không riêng anh Tụ hay em, mà cả con Phương nó cũng rất đàng hoàng. Ngay cả con nhỏ Phụng người làm trong nhà nó cũng tỏ ra tôn trọng, cư xử ngang hàng. Anh bảo thế thì ai mà dám ngờ nó bắn thầy nó. Nếu không chứng kiến tận mắt, chắc em cũng không tin...
Đúng là không thể tin được, ngay cả khi hai con người thù oán nhau đến đào đất đổ đi, họ cũng không dễ dàng gì nổ súng vào ngực nhau. Đây sẽ là một vụ án lớn, vô tiền khoáng hậu, Kha buồn rầu suy nghĩ. Chỉ khổ thân Tụ, chơi dao thì đứt tay, chơi súng thì súng nổ, còn đây, Tụ đã dại dột chơi "con bài bè cánh", kèm theo cả sự hẹp hòi, dốt nát. Khi anh có một vị trí quyền lực mà lại dốt thì anh sinh ra hẹp hòi, và vì hẹp hòi nên anh cố gắng quy tụ xung quanh mình toàn là những kẻ a dua, vô nguyên tắc, kém năng lực. Có thế anh mới nổi lên được, chứ ở con nước trong, chảy mạnh, anh sẽ chết chìm.
Trong chi nhánh công ty CHANDCO không mấy người không biết quá trình tập hợp nhân tài của Năm Tụ, mà trong đó, Ngô Kha là một trong những "chiến hữu" do Trịnh Quang Tụ "đem về". Chỉ có điều, Kha nhận ra điều đó đã muộn, hay ít ra là anh cũng cảm thấy bị muộn, trong khi Kha còn có ý định muốn kéo Tụ trở lại. Tụ đã lặng lẽ và công khai cắt đứt mọi sợi dây ràng buộc họ với nhau, trừ Bích, có thể nói Bích còn là sợi dây nối giữa Kha và Tụ. Nhưng đến hôm nay, Kha mới được biết, sợi dây ấy cũng đã rất mong manh. Khi nghe Bích hỏi đầy vẻ trách móc: "Sao giỗ anh Bảo anh không tới?", thì Kha ân hận. Nếu nói "Tôi bận!" thì quá dễ, chẳng ai có lỗi, nhưng Kha trả lời một cách thành thật: "Tôi quên, quên thật Bích ạ!". Như thế Kha đã nhận cái lỗi về mình, cũng như nhận cái khó về mình. Nào ngờ, Bích là người nhạy cảm, chị hiểu cả:
-Anh mà bảo rằng quên thì em không tin!
Kha đành im lặng, nghĩ một lời giải thích cho phải, thì Bích tiếp:
-Dạo này em thấy anh với anh Tụ có gì khang khác...? Có gì thế anh Kha?
-Không có gì đâu, cô đừng nghĩ thế. Có điều, công việc mỗi người mỗi khác, tôi bận mà anh Tụ càng bận hơn...
Bích không hỏi gì nữa, hình như câu trả lời của Kha cũng đủ cho Bích hiểu. Kha lại nghĩ về một hướng khác, hướng của tội ác, hướng của hận thù và manh động.
Cũng là "người của Năm Tụ", nhưng trường hợp của Tài lại khác. Có thể nói, Tài đã đáp ứng được yêu cầu của Tụ, là Tài tự biến thành cái đuôi, cái đồ trang sức, cái công cụ, một thanh long đao Quan Công rất hợp nhãn, hợp "gu" của ông ta. Đồng thời, Tụ cũng đã để đất cho Tài làm cái đuôi rất hoàn hảo cho mình. Nhưng khi cái đuôi đã nã súng vào cái đầu, thì cuộc đời với những mớ lý thuyết to tát và rùm beng đã rối tung!
Phần 16
Nhận được tin Tụ bị bắn, Tổng giám đốc Trần Khanh thật sự bàng hoàng. Thế là trong nội bộ của ông đã đến hồi nguy kịch. Còn gì nguy hiểm và đáng sợ hơn khi súng đã nổ và máu đã đổ trong một cơ quan nhà nước, vốn được đánh giá như là một "pháo đài" tiên phong, một "át chủ bài" của ngành. Vị trí và uy tín của ông trực tiếp bị đe dọa, nhất là khi Trịnh Quang Tụ lại là "cục cưng", một học trò trung thành của Bộ trưởng từ mấy chục năm qua.
Trần Khanh điện báo và xin gặp Bộ trưởng. May quá Bộ trưởng không đi vắng, ông đang chủ trì một cuộc họp.
-Anh đang bận? Tôi chỉ xin anh nửa tiếng thôi!
-Về việc thằng Tụ ở miền Nam bị cấp dưới hành hung phải không? Bộ trưởng hỏi lại bằng một giọng điềm tĩnh vốn có.
-Vâng! Anh đã biết rồi ạ. Nhưng...
-Ông nói rõ hơn cho mình nghe xem nào?
-Trịnh Quang Tụ không chỉ bị hành hung bình thường đâu ạ, mà hắn bị bắn vào ngực!
Trần Khanh nghĩ Bộ trưởng sẽ ngạc nhiên và thậm chí ông có thể sẽ nổi nóng, nhưng không ngờ, ông vẫn bình thản đẩy ly nước về phía Khanh, rồi thong thả rót cho mình một cốc nước màu nâu từ cái phích trắng ngà có vẽ những họa tiết nhiều màu, rất tinh tế:
-Linh chi! Người ta khuyên mình phải uống cái này vì tuổi cao, phòng huyết áp. Nhưng mình thấy mình chả có bệnh gì!
Thế rồi bộ trưởng im lặng, nhìn vào cốc nước đang bốc hơi nóng nặng nề trong bầu không khí trong suốt, mát lạnh, của một hoặc hai chiếc máy lạnh được giấu kín đâu đó, im lặng như tờ. Thỉnh thoảng ông lại nhìn Khanh, như không hề có nửa giờ làm việc, mà là ông muốn thư giãn một chút sau cuộc họp ồn ào ngoài kia. Lúc sau, ông mới nói bằng một giọng buồn buồn:
-Tôi đã bảo cậu Tụ là phải cẩn thận, trong cách dùng súng cũng như cách dùng người... Ông gặp Tụ gần đây nhất là từ bao giờ?
-Dạ, thưa anh, cách đây hai tháng tôi vào dự hội thảo, chúng tôi có gặp nhau.
-Thằng Tụ có khả năng không qua khỏi. Việc này rồi sẽ rắc rối đấy. Ông chuẩn bị mà đối phó...
-Vâng! Trần Khanh khẽ gật đầu, cúi xuống nhìn vào hai bàn tay mình. Thật là rắc rối, một sự kiện mà chưa bao giờ ông gặp phải, trong suốt mấy chục năm lãnh đạo, từ cấp thấp như phòng ban, đên tổng giám đốc như ngày nay.
-Khi nào ông vào trong ấy?
-Dạ, chiều nay tôi bay vào! Anh có ý kiến gì chỉ đạo chúng tôi không ạ?
Có tiếng ọ ẹ trong máy interphone trên mặt bàn, Bộ trưởng ấn nút, không đợi bên kia hỏi, ông nói nhỏ: "Bảo anh em cứ trao đổi, mười phút nữa tôi ra", rồi nói với Trần Khanh:
-Chi nhánh trong ấy bây giờ không có cả trưởng lẫn phó?
-Dạ, phải!
-Ổn định tổ chức và tiếp tục hoạt động, tìm ngay một người bố trí phụ trách, không được để anh em hoang mang, khách hàng nghi ngại.
-Dạ vâng ạ!
-Phải tìm cho ra nguyên nhân sâu xa của vụ bắn nhau này, nhất là từ phía tổ chức, cán bộ, nhân sự. Ông cũng phải làm kiểm điểm, báo cáo với ban cán sự và tôi...
Bộ trưởng uống hết cốc linh chi, lấy tấm vải trắng muốt lau mặt bàn. Trần Khanh hiểu đã đến lúc ông phải ra:
-Xin phép anh tôi vào trong đó ngay đây...
-Ừ, đi đi! Nhớ ổn định tư tưởng trong nội bộ và cả bên ngoài nữa nhé!
-Vâng! Tôi nhớ rồi ạ!
-Thỉnh thoảng điện cho mình...
-Vâng!
Ngồi vào trong xe, khi chiếc xe quay đầu, người tài xế đánh một vòng lượn ra khỏi chỗ để xe của Bộ, làm chiếc xe quay tròn, Trần Khanh bỗng thấy chóng mặt như người mất trọng luợng. Nơi ngực ông hơi nhói đau, làm Trần Khanh vội vàng lấy tay đặt lên ngực, tay kia nắm chặt lấy cái nắm cửa. Mắt ông hơi bị hoa lên, nhưng chỉ trong giây lát. Khi chiếc xe đã chạy ổn định, êm ái, ông mới lần lượt điểm lại từng câu nói của Bộ trưởng. Thì ra ông ấy đã biết tất cả rồi. Ông đã biết từ rất sớm, từ rất lâu, rất đầy đủ và dã kịp suy xét từng khía cạnh của vấn đề. Có thế, ông mới nói với mình bằng một giọng trầm tĩnh, với một thái độ bình thản thế. Tuy vẫn biết ông Đức Hoàn là con người từng trải qua nhiều thử thách, vốn kinh nghiệm sống già dặn, phải đối phó với bao nhiêu tình huống, tạo cho ông một tâm lý tự tin và chủ động trong mọi hoàn cảnh, nhưng Tụ là con cưng, là học trò trung thành của ông bộ trưởng, khi biết Tụ bị sát hại, làm sao ông không xúc động? So với những bộ trưởng tiền nhiệm, Tổng giám đốc Trần Khanh biết rất rõ, ông Đức Hoàn không phải là nhà lãnh đạo có chuyên môn giỏi, bởi ông xuất thân từ quân đội, lại kinh qua công tác quản lý chính quyền, nhưng bù lại Đức Hoàn lại là một chính khách thực thụ. Từ thứ trưởng một bộ khác, mới về nhận chức bộ trưởng chừng vài năm nay, ông biết lắng nghe và hiểu được những gì người khác nói. Có những vấn đề về chuyên môn, ông sẵn sàng hỏi lại, hỏi như một người đi học, chứ không phải hỏi để kiểm tra, thách đố, dù người đó là cấp dưới. Thậm chí chỉ là một cán bộ từ cơ sở, ông cũng cư xử như một người bạn, hoặc người thân, coi họ có tâm hồn và trí tuệ ngang hàng.
-Anh em trong ngành hoạt động ở những địa bàn khác nhau, gặp không ít những khó khăn, nhưng họ vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Một trong những nguyên nhân để anh em tin tưởng và vững tâm công tác, chính là cái Bộ mà chúng ta đang ngồi đây, là cái Sở ở các tỉnh mà các đồng chí đang nắm giữ. Trong một hội nghị quản lý ngành, Bộ trưởng Đức Hoàn đã nói như thế. Anh em làm gì cũng nghĩ đến chúng ta, chúng ta phải làm sao để anh em tin tưởng, làm cho anh em ở dưới luôn cảm thấy "ấm lưng" mà yên tâm công tác!
Nghe đồn ông Đức Hoàn giản dị lắm, và nghèo nữa. Mà hình như ông nghèo thật. Cách đây hai năm, khi được bộ trưởng Đức Hoàn ký bổ nhiệm Trần Khanh làm tổng giám đốc, mấy hôm sau, ông có xin phép đến thăm nhà riêng bộ trưởng:
-Được thôi, tối nay mình không bận gì. Đến chơi đi, ta nói chuyện tào lao cho vui...
Khi bước vào nhà, kể ra nhà bộ trưởng thế cũng thuộc vào loại nghèo. Căn nhà rộng, nhưng trống trải, vẫn còn cái máy hát quay đĩa kim hiệu Rigônđa của Liên Xô. Trước thái độ thân tình, nhưng nghiêm túc, lại rất lãnh đạm của Bộ trưởng, khiến Trần Khanh có đem theo cặp rượu XO định biếu ông, đành để lại ngoài xe, chỉ có một hộp trà sâm Cao Ly. Thấy thế, Bộ trưởng cười:
-Tớ cũng có cái này, nhiều lắm, đang định đem tặng các cậu để bồi dưỡng sức khỏe. Cũng người ta cho ấy mà, mình lấy tiền đâu mà mua...
Trần Khanh không tài nào hiểu được câu nói hai mặt này của ông, đành cười trừ:
-Cái thứ này mà làm việc đêm có lợi lắm. Vừa lại sức, lại vừa tiện, anh ạ!
-Hồi anh em mình ở chiến trường mà có những thứ này là có thể cứu sống được cả mạng người đấy. Bây giờ thì thành ra xa xỉ phẩm đem biếu tặng nhau như kẹo, như bánh... dành cho con trẻ!
-Vâng! Quà cáp cốt ở tấm lòng...
-Thôi được rồi, tớ nhận của cậu. Giá có cân đường để pha vào mà uống thì vừa có chất lại vừa dễ uống!
Trần Khanh lại ngạc nhiên, thậm chí hoang mang. Không lẽ nhà bộ trưởng lại không có cả đường? Hay ông trách mình không tặng đường? Thật quỷ quái!
Ông Đức Hoàn hỏi chuyện tỉ mỉ về ngành, về Tổng công ty của Trần Khanh. Thậm chí, có chỗ ông còn bào: "Đợi tớ tí, tớ lấy bút ghi lại ý kiến của cậu! Có lý lắm!".
Khi chia tay, ra đến ngoài sân, Bộ trưởng vỗ vai Trần Khanh:
-Này, chỗ anh em, tớ có câu này muốn nói với cậu, cũng là để cám ơn cậu đã đến thăm.
-Vâng! Anh cứ nói.
-Nghe lời tớ, khoan hãy làm giàu nhé! Mà có làm thì cũng làm cho kín. Chúng mình làm lãnh đạo, làm quan, đứng trên cả ngàn vạn người, thế là mãn nguyện rồi, cần gì nhiều tiền bạc. Đủ dùng để khỏi đói rách là được. Cái danh của con người mới là to, mới là quý... Đừng làm mất nó, uổng cả một đời phấn đấu... Tiền bạc ai chẳng thích, nhưng nếu phải đem đổi bằng giá trị của mình thì nên thôi!
Nói rồi bộ trưởng cười rất vang, rất hiền. Trần Khanh bối rối, không hiểu bộ trưởng nói đùa hay nói thật đây? Ông cũng cười:
-Vâng! Anh dặn chúng tôi cũng không thừa! Với lại, thỉnh thoảng anh cứ kiểm tra, nhắc nhở cấp dưới chúng tôi. Không nên không phải, anh cứ mắng thật lực!
Tổng gám độc Trần Khanh ngả mình trên nệm xe, lơ đãng nhắm hai mắt lại, nhưng đầu óc đang rất căng thẳng. Từ lâu ông đã biết Tụ là một tay ngạo mạn, cũng có thể do tính cách và cũng nhờ một phần hắn là đệ tử của ông bộ trưởng. Sự phát triển, trên con đường thăng tiến của Tụ trong nhiều năm không được suôn sẻ lắm, chứng tỏ hắn không lợi dụng được mối quan hệ thầy trò của Bộ trưởng, cũng như ngài bộ trưởng quả thật là một con người của công việc, của đạo đức. Nhưng như người ta thường nói: một khi vận đến thì "cờ đến tay", nhưng anh cũng phải biết chớp lấy. Thời cơ thì có, thậm chí sự tuần tự nhi tiến cũng có nhưng không phải dễ dàng.
Bắt đầu là sự ra đi của vị Tổng giám đốc, tiền nhiệm của Trần Khanh. Vị phó Tổng giám đốc kiêm giám đốc chi nhánh miền Nam được điều ra để thế chân Tổng giám đốc bị "biếm"! Thế là ở trong ấy, Trịnh Quang Tụ được bổ nhiệm làm giám đốc. Chỉ một năm sau đó, vị Tổng giám đốc mới đã xin nghỉ hưu về với vợ con ở miền Nam, thế là Trần Khanh chính thức được đề bạt làm tổng giám đốc. Trong ấy, Tụ là giám đốc, nhưng chưa được làm phó tổng. Một cuộc hiệp thương được đưa ra giữa Trần Khanh, vị Tổng giám đốc xin nghỉ hưu và Trịnh Quang Tụ. Ba con người, kẻ ở người đi, người vừa lên, kẻ đang lên tỏ ra thân thiện như Lưu - Quan - Trương trong bàn tiệc vườn đào. Trần Khanh không thích Tụ, đúng hơn là không yên tâm về Tụ, nhưng dù sao cũng phải có một phó tổng trong đó. Ngoài Tụ sẽ chẳng còn ai hơn, vì anh ta đã là giám đốc chi nhánh CHANDCO. Hơn nữa, việc này có đưa lên Bộ, thông qua ban cán sự, có lẽ bộ trưởng kiêm bí thư cũng không phản đối. Quả nhiên, sự việc được diễn ra đúng như cuộc hiệp thương. Trần Khanh bay vào trao quyết định cho Tụ, rồi sau đó, Tụ bay ra Trung ương để ra mắt anh em văn phòng, và chào các quan chức trên bộ. Có điều Trần Khanh sau này mới biết, bộ trưởng Đức Hoàn tuy không phản đối bổ nhiệm Tụ, nhưng ông đã nói với Tụ trước mặt một vị thứ trưởng phụ trách công tác tổ chức, cán bộ rằng: "Cậu không giỏi chuyên môn như cậu tưởng đâu, nên cậu phải chú ý về công tác chính trị, phải có phương pháp làm việc để thu phục những chuyên gia...". Trịnh Quang Tụ "vâng dạ" trước mặt vị thứ trưởng. Riêng ông thứ trưởng đã kịp hiểu ý bộ trưởng. Ông nói thế có nghĩa là, cần phải ưu ái trong công tác cán bộ, nếu Tụ có yêu cầu! Khi Tụ đề xuất nhận Đỗ Thành Tài từ một tỉnh miền Bắc vào miền Nam để củng cố chuyên môn cho Tụ, chính vị thứ trưởng đã nói với Trần Khanh những điều trên. Tất nhiên Trần Khanh chẳng phải băn khoăn gì khi đặt bút ký nhận và điều động Đỗ Thành Tài cho Tụ.
"Cẩn thận khi dùng súng, cũng như cẩn thận khi dùng người". Trần Khanh nhớ lại câu nói của bộ trưởng, quả là một nhận xét tinh tế, chính xác có tính tiên tri về một con người như Trịnh Quang Tụ. Trần Khanh không thích Tụ, đúng hơn là không thích típ người như Tụ, ngược lại ông cũng biết Tụ không hợp với ông. Ở ông, Trần Khanh biết mình có một chút gì đó như vị tha, mềm yếu, bản chất của một nhà nghệ sĩ, thích suy xét sâu hơn vào bề sâu của con người, sự việc, thậm chí cả những yếu tố không có mối quan hệ trực tiếp tới vấn đề trong phạm vi. Tụ phê bình ông thiếu quyết đoán, đôi khi dông dài, buông lỏng, nhưng lại khen ông một cách trắng trợn rằng: "Anh có một nhược điểm là... quá tốt". Cái cách đưa đẩy ấy của Tụ đôi khi cũng hiệu nghệm. Ngược lại, Tụ là một con người thực tế, thậm chí trở thành quá thực dụng, lý tài. Đành rằng kinh doanh là phải biết tận dụng mọi thời cơ, mọi sự biến động thậm chí cả những sự sơ xuất, non yếu của đối thủ, cũng như đối tác. Thương trường là chiến trường, thậm chí độ ác liệt và nguy hiểm của nó còn tiềm ẩn sâu trong mỗi con mắt của đồng đội. Nghe Tụ định nghĩa như thế, Trần Khanh thấy rõ anh ta là một con người không tầm thường. Thế mà, súng lại nhằm vào ngực anh ta, từ một ngón tay bóp cò của một trong những "chiến hữu" thân cận nhất của mình. Trần Khanh thở dài, ngoẹo đầu hé nhìn cảnh phố sá vẫn đang tấp nập như chẳng có gì sảy ra.
Chiếc xe chạy chậm lại, tiếng cậu tài xế:
-Bây giờ đi đâu hả sếp?
Trần Khanh giật mình, ngồi ngay ngắn lại:
-Về cơ quan, cậu chờ mình để ra sân bay ngay!
Một trong những lý do mà Tụ cố chấp đưa ra (tất nhiên là giữ kín với ông) là "tuổi ông Khanh không hợp với tôi". Trần Khanh lại quay lại với những suy nghĩ về Trịnh Quang Tụ. Tụ tuổi Dần, theo anh ta "tam hợp" của Tụ phải là Dần - Ngọ -Tuất(!), còn Trần Khanh tuổi Hợi, là xung khắc với Tụ, theo luật tứ hành xung: Dần - Thân - Tị - Hợi là "tứ hành xung". Mỉa mai thay, chính tên Đỗ Thành Tài, tuổi Tuất hẳn hoi, đó là một trong những lý do khiến Tụ cố tuyển cho được Tài về bên mình, để rồi, chính Tài lại là kẻ nã súng vào ngực Tụ. Khi nghe được chuyện này, Trần Khanh bỗng buồn trĩu lòng! Không ngờ Tụ lại có suy nghĩ hẹp hòi đến thế? Đâu phải chỉ có Trịnh Quang Tụ mới cố chấp, mới tin tưởng vào cái hành xung, hành hợp của anh ta. Ngày nay trong dân gian đã đành, ngay cả cơ quan nhà nuớc, họ, những người có quyền vẫn có những suy nghĩ đơn giản, hẹp hòi như thế. Vậy thì, nếu Khanh không hợp với Tụ cũng là tuân theo luật "tự nhiên" của năm sinh tháng đẻ mà thôi.
Nhưng sao giữa Tụ và Trần Khanh vẫn có sự cư xử với nhau tốt đẹp như lâu nay? Quả thật, có những việc Tụ làm, Trần Khanh không thể nào chấp nhận được, nhưng rồi ông cũng sẵn lòng bỏ qua cho anh ta, thậm chí ông còn chấp thuận cho Tụ những quyền hành khá lớn, trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc nhận người vào làm và sa thải người ra, bố trí những vị trí trọng yếu trong công việc. Vì sao? Ông nghĩ là mình nên nhân nhượng, để công việc được trôi chảy. Nhưng... dần dần Trần Khanh đã hiểu ra. Đó chính la sự thỏa hiệp! Sự thỏa hiệp ngấm ngầm giữa ông và Tụ đã được hình thành từ khi nào mà chính ông cũng không biết! Thỏa hiệp chia quyền lực, chia ảnh hưởng, chia cả quyền lợi... theo nguyên tắc rất vô nguyên tắc để "cùng nhau tồn tại"! Bằng kinh nghiệm sống, bằng cả cảm nhận, linh tính của mình, Trần Khanh biết mình đã bước "nửa bàn chân" vào con đường của chủ nghĩa cơ hội!