Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Phản Trắc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 25654 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phản Trắc
Hoàng Đình Quang

Phần 13 - Chương 8

Người công an mang quân hàm thiếu tá làm công việc thẩm vấn tên sát thủ tỏ ra thất vọng:
-Tôi nói cho anh biết: tội của anh sẽ chỉ càng nặng thêm nếu anh cứ khăng khăng một câu rằng anh bắn ông ta, sếp của anh, bạn của anh, ân nhân của anh rằng anh căm thù ông ta. Nhưng lý do mà anh căm thù không thể thuyết phục.
Tên sát nhân trong bộ quần áo tù với những đường kẻ sọc to bản màu xám, nhầu nhò và có vẻ bốc ra một mùi tử khí vẫn ngửa mặt nhìn lên một cái chấm đen đâu đó trên trần nhà, bên trên cái quạt trần uể oải phát ra những tiếng cọt kẹt, cọt kẹt, đều đặn.
-Tôi đã khai rồi, tôi bắn vì tôi không chịu nổi ông ta. Tôi không chấp nhận ông ta...
Người công an tỏ ra kiên nhẫn, nhìn cái đầu to bè, mái tóc hớt ngắn kiểu "đinh" đã bắt đầu dài ra, xuất hiện những sợi bạc của tên sát thủ. Bằng kinh nghiệm hỏi cung tội phạm lão luyện, nhưng chưa bao giờ ông gặp phải một trường hợp như thế này. Tên sát nhân giống như một con bệnh tâm thần, nhưng lại tỉnh táo, nhận biết mọi chi tiết, thậm chí nhận ra cả những hành vi và động cơ dẫn đến tội ác. Tuy nhiên, ông không thể tin, mãi mãi không bao giờ tin được, một con người, có lý lịch, nhân thân đàng hoàng, đứng đắn, đã được công nhận là "quá tốt", thậm chí "chỉ được cái tốt" lại dám xả súng vào đầu người khác, mà ghê gớm hơn nữa, người đó lại là bạn, là ân nhân của mình. Ông thiếu tá công an quyết định đi theo đường dây tâm lý của kẻ sát nhân :
-Ai bắt anh phải chịu đựng? Anh nói ra xem nào?
Tên sát nhân vẫn lơ đãng:
-Tôi bắt tôi, cuộc đời bắt tôi chịu đựng ông ta.
-Tôi hiểu, cuộc đời lắm khi trớ trêu. Thế nhưng giữa anh và ông ta là hai cá thể độc lập kia mà? Ai cũng cứ không chịu được nhau là vác súng ra bắn, thì còn ra cái gì nữa?
-Lúc nhỏ tôi không biết, cuộc đời là cái gì? Cuộc đời là cái rất chung chung, mơ hồ như tổ quốc, giang sơn. Nó to tát, bao la nhưng chẳng thấy. Đến bây giờ thì tôi biết, tuy hơi muộn...
-Anh biết thế nào? Người công an già vẫn từ tốn.
-Tôi biết rằng cuộc đời không mơ hồ, vâng không mơ hồ tí nào, thưa ông! Cuộc đời là cái gì cụ thể lắm, thấy được, cầm được, sử dụng được, và... trả thù được!
-Hay đấy! Anh học được ở đâu thế?
Tài ngập ngừng, rồi y làm như can đảm:
-Ông với tôi vốn không thù oán, thậm chí chẳng quen biết. Bây giờ ngồi đây, rồi mai mốt các ông đem tôi ra, đòm một phát! Tôi không oán ông, thậm chí chẳng nhớ ông, và ông cũng thế... Nhưng ông chính là pháp luật, là công bằng. Ông đòi công bằng cho Trịnh Quang Tụ, cho vợ con ông ta... Thế còn tôi? Ai đòi công bằng cho tôi? Chẳng có ai, vì thế, tôi đã tự đòi cho tôi rồi!
"Tên này không tâm thần, nhưng, hình như đã có vấn đề về thần kinh, về nhận thức", người công an nghĩ. Vấn đề không phải tâm thần bệnh tật, mà một dạng khác của tâm thần, của nhận thức thấp hèn, còn nguy hiểm hơn nhiều.
-Nói tóm lại là anh thích giết người?
-Không! Tên Tài giãy nảy lên, giọng nói cà lăm, hốt hoảng. Ông... đừng, đừng vu oan cho tôi rằng, tôi... tôi thích giết... giết người! Tôi chỉ giết người khi hắn giết tôi!
-Không đúng! Ông Năm Tụ là ân nhân, là sư phụ của anh...?
Tên sát nhân, tỏ ra vui mừng như vớ được cọc giữa cơn hoảng hốt:
-Vâng! Chính chỗ ấy đấy! Ông ta đã giết tôi bằng cái thứ ấy, cái thứ mà ông vừa nói.
-Tôi không hiểu ý anh, anh thử nói rõ lại xem nào. Như thế là nhẫn tâm, đúng không?
-Không nhẫn tâm tí nào. Bởi vì còn những người như ông Năm Tụ, sẽ còn có người bị giết!
-Thôi được rồi, ta tạm nói với nhau như thế. Nhưng mọi chuyện trên đời đâu chỉ có thể giải quyết bằng súng đạn. Anh có học, chắc anh biết?
-Chính vì biết nên tôi mới hành động như vậy. Ông có thể không tin, nhưng nếu ông cảm thấy chán ngán một cái gì đó, một công việc nào đó, một ai đó, có thể là vợ con ông, cũng có thể là cha mẹ ông, chứ đừng nói gì sếp, ông sẽ sẵn sàng rút súng ra, bóp cò, vì tôi biết, các ông lúc nào cũng có súng.
-Thôi ngay! Người công an đã hết kiên nhẫn, vung tay đấm mạnh xuống mặt bàn bằng gỗ lim đen bóng và nặng chịch. Tôi để anh được đủng đỉnh như thế là quá lắm rồi. Anh có biết đây là đâu không?
Im lặng. Phòng hỏi cung chuyên nghiệp của công an không đến nỗi ghê gớm như Tài, tên sát nhân tưởng tượng. Nó giống như cái phòng họp giao ban của công ty tư vấn CHANDCO, mà ông ta làm giám đốc. Nhiều lần, nhiều lần lắm y đã ngồi như thế này, chuyện to, chuyện nhỏ cùng ông ta. Ông ta cũng ngồi bên kia bàn, và cũng đã từng có lần, không, nhiều lần nổi nóng, quát thượng quát hạ. Và y cũng im lặng. Im lặng là bản chất, năng khiếu, là phương pháp của y. Im lặng, và đôi khi sự ngờ nghệch, dối trá đã đưa y đến những bực tột đỉnh vinh quang, niềm sung sướng hân hoan, lòng tự mãn mà y cho rằng y có thể có được. Giờ đây, y cũng vẫn chỉ im lặng, nhưng sự im lặng này y đã chuẩn bị trước, đã thấy trước. Một cái cọc gỗ mục, một cuộn dây thừng, một mảnh băng đen và... Nhưng bây giờ thì chưa, chưa đến. Y còn phải im lặng để người ta tra vấn y.
Người công an mang quân hàm trung úy vào phòng hỏi cung theo một tín hiệu ngầm nào đó mà Tài không biết, đã hất hàm ra hiệu cho y đứng dậy. Ông thiếu tá nói với anh trung úy:
-Cậu chuẩn bị để chiều nay có người vào thăm anh ta...
Tài giật mình, ngoái lại nhìn ông thiếu tá. Cái nhìn thảng thốt của tên sát nhân không lọt khỏi cặp mắt sáng, sâu thẳm ẩn dưới hàng lông mày đã có vài sợi bạc, vươn dài ra của ông thiếu tá.
Tiếng cánh cửa sắt rít lên và tiếng ổ khóa long coong bởi sợi dây xích còn đong đưa một lúc làm Tài hoang mang. Y nằm vật xuống cái bệ xi măng, mát lạnh, nghĩ thế nào, y ngồi dậy, cởi quần dài cầm lên nhìn nghi hoặc. Chẳng có gì, mọi thứ có thể dùng vào việc tự sát đã bị tịch thu. Hơn thế nữa, bên ngoài cánh cửa song sắt để trống từ trên xuống sát mặt đất, lúc nào cũng có cái nhìn cẩn thận, đầy cảnh giác của một người công an, và một nòng súng! Thừa, Tài thầm nghĩ, súng là thừa, thậm chí canh gác cũng là thừa, vì y có định chạy trốn đâu. Và ngay cả tự sát, tự tử, y cũng không hề nghĩ tới. Nhưng...
Ai đến thăm ta nhỉ? Tài nằm vắt tay lên trán, đung đưa cái đầu gối gầy gò lưa thưa những sợi lông mà suy nghĩ cật vấn. Không lẽ, Nhung đến thăm ta? Giữa ta và cô ấy còn gì ràng buộc nữa đâu? Cô ấy đã chẳng coi ta ra gì, và ta cũng coi cô ấy như một cô gái lăng loàn, đàng điếm, đầy hãnh tiến và ngu ngốc. Nhưng sao nghe được cái tin ta đã nã đạn vào đầu Năm Tụ, cô ấy chả cảm động? Biết đâu cô ta chẳng cảm động vì một sự thức tỉnh nào đó giữa hai con người đã từng đầu gối, tay ấp, và hơn thế nữa, một đứa con, tuy dị dạng, chưa thoát khỏi phận khỉ để thành người! Nhung "Mắt nhung" ơi, sao nàng cay nghiệt thế, sao nàng cùng với những đồng lõa của nàng đẩy ta đến nỗi này...?
Đột nhiên y nghĩ hay là công an họ phao tin để mong ta khai ra một cái gì đó? Không, ta với các ông công an, cảnh sát điều tra chẳng có oán thù gì, việc họ họ làm, thế thôi. Nhưng họ có nhiều mưu mẹo lắm, nhiều biện pháp nghiệp vụ lắm. Để làm gì nhỉ? Tang chứng, vật chứng đã có đủ rồi, lời khai cũng đủ cả rồi, cần gì phải điều tra nữa chứ? Ta có giấu giếm hay chối cãi điều gì đâu! Họ cần cái cụ thể, cái thuyết phục, mà ta thì làm gì có những cái đó. Ta chỉ có cái của riêng ta, cái đã mất và cái chẳng có.
Con mắt nhỏ nhưng tinh nhanh của y không thể nào nhắm lại được, mặc dù Tài muốn ngủ lắm. Trong giấc ngủ, từ lâu đã là một thế giới khác, một xã hội khác với những khuôn mặt, những âm thanh, cả những miếng ăn, miếng uống cũng khác, nó gần với y hơn. Con mắt sắc, giảo hoạt đưa một vòng quanh phòng giam trống trơn, thỉnh thoảng mới thấy một con thạch sùng ló đầu ra, nhưng ngay lập tức, nó chỉ còn có cái đuôn ve vẩy, làm Tài khó chịu. Chợt Tài dừng lại ở cái đầu gối gầy gò, mắt mấu của y và nhìn kỹ những tùm lông chân ngoe nguẩy. Khốn nạn, dấu tích của loại khỉ đây! Loài khỉ, tổ tiên của ta đã để lại cho ta những tùm lông, để lại cho ta nỗi thất vọng. Giá khỉ cứ là khỉ, voi cứ là voi, giun dế cứ là giun dế... Như thế có phải hay hơn không? Thế mà bỗng nhiên, lại có con khỉ chết tiệt nào đó trong số tổ tiên cuả Tài lại đột biến, biết kêu lên ú ớ, tiếng kêu khác lạ với bầy đàn, vào lúc bị thương hay khi sung sướng hả hê. U ơ, rồi ú ớ, ê a rồi á ế... cứ thế mà thành người ư? Không, không phải người đâu, mà là một loại khỉ khác, một loại khỉ quái thai, rụng lông, biết nói, biết diễn thuyết, biết tán tỉnh, biết tâng bốc nhau, biết chửi rủa nhau, biết hát Karaoke, và biết những gì nữa...
Tài chìm vào giấc ngủ với giai điệu và lời do những "ca sĩ say sỉn" nghĩ ra theo một ca khúc của nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn, một bài hát mà y đã từng nhiều lần đi "che tàn" với sếp, tay cặp hông, sờ vú một cô gái nào đó, miệng ư ử: "Ta đang ra về lại bắt ta đi, Karaoke cho đời khỏi mệt, trên hai tay ta hai hòn nhật nguyệt, kệ bố nhân dân, dù đói hay nghèo...".

******


Tử vi của Tài nhằm vào cung xấu thì thật xấu, mà tốt thì cũng thật tốt, ông đồ Nho trong làng đã nói thế với bà mẹ y khi y mới được ba tuổi. Thái dương chính ngọ kia mà, có chất làm quan, nhưng lại kém đức, kém tài. Cương thì thắng mà đổ, nhu thì thành mà nhục. Bà mẹ Tài là một người đàn bà lam lũ, cả một đời đau khổ vì chồng, vì con, vì sinh đẻ, máu me, đầu nhau, cuống rốn... Có lẽ trong cuộc đời bà chẳng bao giờ có một niềm hy vọng, khi người đàn bà chỉ biết cắm mặt xuống mà làm lụng với bùn, với đỉa, để rồi quanh năm tứ thời bụng mang dạ chửa. Một con, một của, tội gì không đẻ? Ông chồng đã nói thế, người là vốn quý nhất trên đời! Bà đã đẻ tất cả mười một bận, Tài là đứa con sau cùng, vớt vát, từ cái bụng mềm nhẽo và rỗng tuếch của mẹ y. Mười người anh chị của y, chỉ sống được có năm, còn một nửa kia đã chết vì bệnh tật và đói khát. Tài được ba tuổi thì mẹ chết, để lại cho y một cái bụng đầy giun sán và nước lã. Bố Tài, cũng qua đời sau bà mẹ y hai năm. Từ đó là một quãng đời lang thang, bất trị và mất dạy của tên sát nhân tương lai. Nhưng, như các cụ vẫn nói: giàu con út, khó con út, Tài được thừa hưởng tất cả cái danh tiếng của dòng họ, tất cả sự hắt hủi của các anh chị, tất cả sự cười cợt của dân làng... Từ một đứa trẻ du thủ du thực, y học được một bài học đắt giá: đó là bài học của kẻ yếu! Tử vi nói nhu thì thành, kẻ yếu phải nhu, tất có ngày thành đạt. Bài học của những đứa nghèo khó, đồng đẳng với y dạy y phải im lặng để tồn tại; còn bài học của những đứa trẻ con nhà khá giả, có thế lực, luôn sử dụng y như một công cụ, một con chó săn, thì dạy cho y hãy im lặng, ngoan ngoãn để được ăn, được tiến thân!
Y cũng được đi học như bao đứa trẻ khác, nhưng càng học, Tài càng tủi thân. Chỉ mỗi một điều, khi những đứa khác có "phụ huynh" đi họp theo giấy mời của nhà trường để đến nghe những lời khen, hoặc những điều trách cứ của cô giáo chủ nhiệm... thì y không có. Y không có "phụ" đã đành, y còn không có cả "huynh" nữa, mặc dù y biết y có khá nhiều "huynh đệ". Y học không khá cũng không dốt, đủ để lên lớp và để tốt nghệp. Nhưng học để làm gì thì Tài không biết, y chỉ cốt đi học để được ăn, để khỏi phải làm lụng những công việc mà y không thích.
Đến tuổi nhập ngũ, xung phong ngay, quyết chí tiến thân theo nghiệp binh. Nhưng vốn bản tính lạnh lùng, a dua, nhát gan, cầu lợi, nên sau ba năm, người ta cho y về. Quân đội không chấp nhận một kẻ khôn lỏi.
Trở về, với một tấm huy hiệu, rồi trong một lần may mắn của ngôi sao thái dương khi lên đến chính ngọ, y được nhận vào làm bảo vệ cho một công ty. Y thấy công ty mà y làm bảo vệ có một cái gì đó hợp với khẩu vị của mình, Tài quyết tâm sửa mình, bằng cách đi học. Chăm chỉ ngày đêm, và biết cách làm vừa lòng các thầy nên y cũng có được một mảnh bằng cử nhân đại học tại chức.
Thành tựu của Tài không chỉ làm cho y thành một người có tri thức, gia nhập vào đội ngũ trí thức, mà còn chứng tỏ cho y là một con người ham học, có nghị lực phi thường. Từ bảo vệ viên, y lên tổ trưởng, được kết nạp Đảng rồi làm phó phòng, rồi trưởng phòng tổ chức. Y biết, sao Thái dương đã lên đến chính ngọ. Đây là thời kỳ Tài tỏ ra có tính độc lập nhất, nếu không kể đến khi y xả súng bắn vào Trịnh Quang Tụ, đại ca, sư phụ, anh Năm, sếp, đồng chí... của y ngày hôm qua!
Tài không thể nào ngủ được, và y bắt đầu hoang mang. Tự dưng muốn chết quá! Y hối hận là tại sao sau khi bắn Tụ rồi, súng còn đạn, y không nổ vào thái dương mình một phát, như thế có phải gọn ghẽ không? Như thế sẽ không làm y phải nghĩ ngợi, y phải nhìn thấy, nghe thấy những lời oán trách xâu xé, những khuôn mặt đau khổ căm hờn. Nhưng mà... có gì đâu kia chứ, y đã quyết tâm đối mặt với những gì y căm hận, không phải chỉ một hai lần, mà cả trăm lần, không phải một hai năm, mà cả cuộc đời y phải trả giá!

<< Phần 12 -Chương 7 | Phần 14 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 620

Return to top