Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Phản Trắc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 25641 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phản Trắc
Hoàng Đình Quang

Phần 18

Với chồng, và với gia đình chồng, Hảo hết òng lo toan chu tất. Mỗi tiếng thở dài ngao ngán, mỗi cái nhăn mắt, vỗ trán của chồng, chị đều thấy mình đau quặn. Người đàn bà bất lực, họ khóc, nước mắt trôi đi, gột rửa nỗi niềm; còn người đàn ông bế tắc, vô vọng, họ nung nấu kỹ trong ruột trong gan, như ngọn núi lửa trầm tích, âm ỉ. Tâm sự của người đàn ông trí thức được cất giấu trong cái hộp đen, chỉ khi nào nó nổ tung ra, rời khỏi cái máy bay bị phát hỏa, người ta mới hy vọng hiểu được đôi phần. Nỗi thất vọng buồn bực của chồng chị cũng gánh, dù anh không muốn san sẻ. Đôi khi Hảo thấy chồng mình như cái nồi áp suất Liên Xô, quà tặng của Tụ cho chị ngày lấy chồng, khi đã đậy nắp, xoáy van rồi thì chỉ còn biết canh lửa, canh giờ. Những gì đang vận động, đang chín, đang mục rữa ở trong cái nồi nhôm bít kín ấy làm sao biết được? Chị thương chồng lắm, nhưng Hảo cũng biết, hễ chị can thiệp vào cái van an toàn thỉnh thoảng lại xì ra một luồng hơi nước nóng bỏng ấy, để nói khỏi bức bối, khỏi gây hấn, lộn xộn.. lập tức cái nồi sẽ nổ tung! Lúc ấy, ôi thôi, tình yêu, nghĩa vụ, nhân cách... sẽ văng ra như xương, như gân, như thịt, như cà rốt, khoai tây... xà bần xắng cấu!
Đêm tối bỗng như những ngọn đèn đường cao áp thủy ngân rọi một thứ ánh sáng xanh ngắt, sắc lẻm rọi vào tâm trí Hảo. Ti-vi đã chuyển chương trình, trên màn hình một ông quan to nào đó đang nói về vận mệnh đất nước. Giọng nói lừ đừ, cao đạo của ông khiến Hảo không mấy tin vào những gì sẽ hiện ra sau bàn tay vung lên, xua ngang, chém dọc của ông. Rồi cô xướng ngôn viên có bộ ngực lép, chiếc áo lót ngực nổi cộm lên những đụn vải, xê dịch trong chiếc áo dài quá chật. Hảo bỗng bật cười nghĩ đến một cái trật tự xếp hàng một như đàn kiến trên con đường danh giá. Đứng đầu là ông nguyên thủ quốc gia, thứ tự đến ông bộ trưởng, rồi cứ thế... cứ thế kéo dài mãi ra! Hảo đứng ở đâu? Tụ đứng ở đâu? Chồng Hảo, Ngô Kha, bác bảo vệ? Mà họ hơn nhau ở cái gì để đứng ở những vị trí khác nhau nhỉ? Trí tuệ mẫn tiệp, ý chí kiên cường, sức vóc tráng kiện, hay đơn giản chỉ là sự tình cờ, sự sắp xếp, ngẫu nhiên của người đến trước, đến đúng lúc?
Một sự cố ngẫu nhiên đã đến với gia đình Hảo, hay đúng hơn là với chồng Hảo. Nói ngẫu nhiên là nói với Hảo, với chồng chị, những cái vỏ kén, những cái nồi áp suất âm ỉ, nhưng thực ra sự biến động này thuộc về những vận động ở bề trên, ở những bộ óc đứng hàng đầu về trách nhiệm cũng như quyền lợi. Cùng với sự lùi vào hậu trường của tiếng Nga, sự xuất hiện trở lại đến mê hoặc của tiếng Anh đã là một biến cố mang nhiều điềm may đến cho họ. Hảo vốn thụ động, sợ suy luận nhưng lại có trí nhớ tốt, tốt đến lạnh lùng, nguy hiểm. Khi học tiếng Nga, chị được Tụ truyền cho lòng nhiệt tình bằng câu nói: "Tiếng Nga là tiếng nói của chủ nghĩa xã hội, tiếng của những người bạn, tiếng của đồng chí cùng giai cấp, cùng lý tưởng. Còn tiếng Anh là tiếng nói của thương mại, của con buôn!". Thế rồi, khi tiếng Nga đã mất chỗ đứng trên đất này, tiếng Anh là công cụ, là thời trang, Tụ học tiếng Anh ngày đêm, và tiến bộ rõ rệt. Tất nhiên, một trong những người Tụ coi là thầy dạy tiếng Anh lại là Hảo. Một lần đùa Tụ (dần dà, Hảo cũng biết đùa), Hảo nhắc lại câu chuyện "tiếng Anh là tiếng của con buôn", Tụ trả lời ngay, không đắn đo:
-Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại mình, nhìn bạn bè và nhìn ra thế giới. Và cũng đã đến lúc chúng ta phải xác định lại cơ cấu kinh tế, phương thức làm ăn...
-Nghĩa là phải coi trọng nghề buôn?
-Đúng thế! Buôn bán chính là tác nhân giúp cho xã hội phát triển.
-Thế còn những người bạn, những người đồng chí?
Tụ say đắm nhìn vào lá cờ đỏ sao vàng nhỏ xíu cắm trước mặt (Hảo nghĩ là mốt của những nhà lãnh đạo, trừ ngoại giao và cấp chính phủ, chứ cỡ Tụ, chưa hẳn đã cần đến quốc kỳ bên cạnh), trầm ngâm:
-Chúng ta đã phải trả giá đắt cho những suy nghĩ ấu trĩ của mình, cho cả một hệ thống lý thuyết đầy non nớt, ngây thơ. Trong cơ chế thương trường, khái niệm "bạn" hay "đồng chí" rất tương đối. Bạn hay đồng chí phải là những người có ích cho ta. Cái rõ nhất trong thương trường là "đồng bọn", "đồng lõa" "đồng lợi ích"... và nó chỉ tồn tại trong một thời gian, có vai trò lịch sử của nó...
-Thế còn lại? Hảo băn khoăn nhìn Tụ, hỏi khá gay gắt, đủ biết chị đã hiểu được phần nào về con người này.
-Phần còn lại của thế giới ư? Đó chính là một "bầy đàn tiêu thụ"...
-Ra thế? Hảo thở dài, nhìn lên bức tranh chép vẽ những phụ nữ thời trung cổ, mông to, vú nở... treo trên tường.
Tụ vẫn say sưa theo ý nghĩ của mình:
-Một bầy đàn tiêu thụ, đúng thế. Họ bị lừa phỉnh bằng những món hàng hào nhoáng, những tiện nghi lười biếng, thậm chí cả những ảo tưởng may mắn. Nhưng để có được những thứ đó, để tiêu thụ hàng đống sản phẩm họ phải trả giá bằng sức lao động cật lực và cả sự mông muội của mình...
Hảo thật sự phục Tụ, một con người có lối suy luận rất nhanh, những suy đoán hợp lôgíc một cách chóng mặt. Nhưng trong những sự thông thái mà Hảo nhận thấy ở anh, dần dà chị còn biết được cả sự quay quắt khá linh hoạt, như người ta vẫn hay gọi bằng cái từ bí hiểm: hoạt đầu!
Trong sự thay đổi, những biến động của xã hội, của kinh tế làm mọi người như bừng tỉnh. Tất cả nháo nhào lên, họ lao vào làm ăn, thi đua mở cửa hàng, cửa hiệu, lập công ty. CHANDCO cũng bừng bừng chuyển động, mở thêm nhiều cửa hàng bán lẻ, đại lý, chi nhánh phụ... Hàng hóa chuyển động ầm ầm, kế toán tối mắt tối mũi vì công việc vì chứng từ, công nợ, tiền mặt, chuyển khoản... Bận quá, Hảo bắt đầu có những chiều về muộn. Bé Thúy được ba đón về, ngồi chơi đồ hàng một mình trên giường, đói quá lăn ra ngủ, không cơm nước, không tắm rửa, mặt mũi lem nhem, một ngấn nước mắt trộn bụi bặm, đọng khô dưới mí mắt con bé. Thương con quá, Hảo bế con vào giường ngủ không nỡ đánh thức, nhưng lòng dạ chị quặn thắt, nước mắt ứa ra, tủi hờn. Định nói với chồng câu gì đó cho bớt đi nỗi xót xa, nhưng nghĩ lại, không muốn chạm vào "cái nồi áp suất" đang xì ra luồng hơi nóng đầy vẻ ích kỷ đang âm ỉ ấy, Hảo ôm con đi ngủ luôn, cả mẹ cũng chẳng buồn ăn uống, tắm giăt.
Thấy Hảo về muộn, lại không ăn uống gì, chồng chị vạch mùng ngó vào:
-Sao? Không cho con ăn gì mà lại bắt nó đi ngủ luôn à?
Hảo ôm con thật chặt, đụng phải cái bụng lép kẹp của nó, nuớc mắt chị trào ra, như thác, không sao ngăn nổi. Tiếng chồng:
-Dạo này em hay về muộn quá! Công việc cơ quan thế nào mà quên cả chồng con?
Hảo tràn cơn uất ức, chị ngồi dậy:
-Anh cũng vừa phải thôi chứ! Em về muộn vì công việc nhiều quá, thì anh cũng làm cái gì cho con nó ăn chứ...
-Làm cái gì? Em biết là anh không biết làm cái gì cả mà! Từ lâu rồi, anh đã là thằng đàn ông vô dụng, chỉ ăn hại cơm trời, làm khổ vợ con... Chả có lần em đã bảo thế rồi còn gì?
Hảo nhấc bỗng bé Thúy lên, ôm chặt nó vào lòng, nức nở:
-Em không nói thế! Em có nói thế bao giờ đâu? Em chỉ nhờ anh những việc nhỏ như cho con ăn, khi em bận. Anh đừng nghĩ oan cho em. Em biết là để con đi mẫu giáo anh không bằng lòng, nhưng em còn phải đi làm. Nếu em nghỉ ở nhà thì...
Hảo chợt thấy mình lỡ lời, như thể lỡ tay đụng vào cái lỗ xì hơi bên dưới cái van an toàn của chiếc nồi áp suất đang ninh hầm, ùng ục.
Cuộc thay đổi vĩ đại, như một cuộc cách mạng đã đột nhập vào ngôi nhà của Hảo. Anh Kiệm chồng chị bỗng dưng tất bật hẳn lên, đi sớm hơn, về muộn hơn, và thu nhập cũng nhiều hơn. Thoạt đầu Hảo hơi ngạc nhiên, nhưng cũng không dám hỏi chồng, nhưng rồi chị cũng hiểu ra:
-Nhu cầu học hành của mọi người bỗng dưng tăng lên ghê gớm, đôi khi như những kẻ phát rồ. Kiệm đã giải thích như vậy. Học vi tính, mọi người cố gắng bằng mọi cách để tìm hiểu cái máy tính. Em nhớ chứ? Hồi em học đại học, cũng có hẳn một học phần về vi tính, nhưng toàn là những câu chữ và hàng loạt thuật ngữ mơ hồ, chưa được sờ vào cái máy tính, thậm chí còn chưa được trông thấy cái máy tính. Tự nhiên thiên hạ nhao nhao lên, cố chứng tỏ mình không phải là những người lạc hậu. Học gõ bàn phím, học chương trình DOS, học soạn thảo văn bản trên những phần mềm sơ luợc. Rồi cũng chứng chỉ A, B, C... Rồi học tiếng Anh, thứ tiếng mà có một dạo bị coi như bỏ xó, bây giờ thì ai cũng cố biết lấy vài chữ, vài tiếng. Ứng dụng, sử dụng vào đâu chưa biết, nhưng có thể nổ chơi, với bạn, với đời... Nào "Gút-bai", rồi Ô-kê, "Si-du-ờ-ghen"...
Hảo nhìn chồng say sưa kể lể bằng một giọng đầy chất châm biếm, rồi mỉm cười thêm vào:
-Chuyện học hành là muôn thuở, Lê-nin đã từng nói "Học! Học nữa! Học mãi!...", đấy thôi! Với lại, có thế thì nghề dạy học của anh mới có cơ hội!
-Đúng! Quá đúng! Hoan hô bà xã! Sao hôm nay em bỗng thông thái đột xuất thế? Nghĩ lại mà hay, ngày xưa mình vượt biên chót lọt thì bây giờ đâu còn cơ hội! Kiệm nhìn vợ khoái chí như vừa phát minh ra được một điều gì kỳ thú hoặc quái đản lắm.
Đôt nhiên Hảo nghĩ đến Tụ, và cả những người đàn ông quanh đời mình. Họ thông minh, sâu hiểm, nhưng bao giờ cũng nhanh chóng để lộ ra cái chân tướng bất nhẫn, đắc chí, nhất là khi cảm thấy mình bỗng trở thành thông thái.
Khi bị đồng tiền hắt hủi người ta tìm đến tình yêu, làm như tình yêu là người bạn đồng hành, là pháo đài cố thủ, là cứu cánh của cuộc đời, nhưng khi tiền bạc mỉm cười với anh, một nụ cười có ma lực mãnh liệt, thì anh bị cuốn hút theo nó, nó mới là người bạn chân thành, chí cốt. Kiệm, chồng Hảo cũng không thoát ra ngoài cái quy luật có tính định mệnh ấy. Khi những quý ông, quý bà, có chức, có quyền và có tiền bỗng có nhu cầu học tập để tiến thân, để giữ ghế, và cũng không thể loại trừ những người hiếu học thật sự, phải bỏ tiền ra để mua kiến thức, thì nghề dạy tiếng Anh của Kiệm có cơ hốt bạc. Có tiền nguời ta nghĩ ra nhiều thứ, có những thứ bị lãng quên, bị chôn vùi thì nay bỗng sống lại, ngọ nguậy rồi nhảy lên địa vị độc tôn. Chẳng hạn như tình yêu... đa hệ, một thứ tình vừa chân thực, vừa ngụy biện. Lấy cớ bận rộn, Kiệm luôn luôn vắng nhà, và thế là một... chủ thuyết "mới" đã ra đời:
-Trong thế giới hiện đại, mọi khái niệm đều được gọi bằng tên của nó và đều được đo lường bằng những đại lượng đặc thù. Đồng thời với những đại lượng đo được ấy, người ta biết được cách điều tiết nó...
Hảo chẳng hiểu chồng định nói gì, muốn gì, nhưng chị cũng không muốn hỏi lại. Tranh luận, hay thậm chí trao đổi với chồng những điều vụn vặt trong đời sống hàng ngày, Hảo cũng thấy là không cần thiết, không nên, không được phép. Với một kiểu giáo dục phong kiến đậm tính hủ nho trong gia đình từ bé thơ, dù có học hành theo kiểu mới, thì Hảo vẫn luôn tỏ ra cam chịu, nhất là trong gia đình, trong quan hệ vợ chồng. Thấy vợ im lặng, Kiệm cho rằng Hảo sẵn sàng lắng nghe, anh tiếp:
-Tình yêu giữa đàn bà và đàn ông là một thứ tình nhạy cảm nhất trong các lọai tình cảm, đồng thời cũng khó dự đoán những diễn biến của nó nhất. Tuy thế, trong đời sống hiện đại mà khoa học phát triển như bão táp, người ta vẫn có thể đo được, đếm được liều lượng và cường độ của tình yêu, và qua đó... qua đó... Kiệm im lặng đột ngột như thể để thăm dò phản ứng của vợ. Nhưng thực ra Kiệm đang bí. Cái điều anh muốn nói thẳng ra thì rất khó nói. Hảo thở dài:
-Em hiểu anh muốn nó đến cái gì rồi.
-Em hiểu thế nào?
Hảo thấy cần phải tỏ thái độ:
-Anh muốn nói đến tình yêu của chúng ta đang lạc hậu?
Kiệm làm như bị xúc phạm:
-Anh không nói thế, sao em lại hiểu lầm anh đến vậy? Anh chỉ muốn nói đến sự phức tạp nhưng đơn giản của tình yêu, của...
-Anh không nói thế nhưng anh nghĩ thế.
-Em bảo anh nghĩ thế nào?
-Anh nghĩ thế nào thì chỉ có mình anh biết. Anh lại nghĩ về tự do, về sự ràng buộc, về trách nhiệm... phải không nào? Em cũng nói để anh biết, em mệt mỏi lắm rồi, chỉ muốn mọi cái được rõ ràng, sáng tỏ.
-Chính vì thế, Kiệm bỗng trở nên hào hứng như được gợi ý đúng mạch. Tự do là một khái niệm tương đối, nhưng lại luôn luôn hướng tới sự tuyệt đối. Chẳng hạn như anh và em ràng buộc bằng tình yêu, bằng tình nghĩa, thậm chí bằng luật pháp, nhưng biết đâu trong ý nghĩ, mỗi đứa vẫn có những khao khát tự do một cách tuyệt đối. Đó là một khoảng trời riêng cho cánh chim ý nghĩ được tung cánh...
-Khoảng trời riêng? À, em hiểu rồi. Thì ra lâu nay anh vẫn có ý nghĩ ấy? Hảo cảm thấy nhịp tim mình đập nhanh hơn, hối hả hơn, nhưng da thịt lại lạnh toát. Tùy anh, nhưng em nói để anh biết, em không hẹp hòi đâu, anh muốn thế nào cũng được, em không cản anh...
Kiệm nhìn theo tấm lưng tròn lẳn, đang độ mặn mà của vợ khuất sau cánh cửa phòng ngủ. Ngoài trời đột ngột đổ mưa, tiếng xe máy vội vã lao trên đường. Kiệm đứng dậy khép cánh cửa sổ, anh nhìn thấy một bóng người đàn bà lặng lẽ đội mưa, rẽ gió đi trong ánh đèn mờ tỏ... Anh chợt nghĩ: trên đầu người thiếu phụ ấy, hẳn có một khoảng trời riêng, nặng nề hay thanh thoát, tự giác hay bắt buộc... thì chỉ có người ấy mới biết được.

<< Phần 17- Chương 10 | Phần 19 - Chương 11 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 755

Return to top