Đang nằm mơ, hình như ông Trân nằm mơ thấy ông đang ở nhà, quê ông, với vợ, với thằng cháu nội. Thằng cháu ông sún mấy cái răng cửa, nhưng lại nhồm nhoàm nhai kẹo. Nó có gương mặt sáng, cái trán gồ và hai tai to. Ông nhớ nó quá, nên ông hay mơ về nó, về ngôi nhà của ông cách xa nơi này những hai ngàn cây số. Bỗng ông mơ thấy nó chạy ra đường, nó chạy nhanh lắm, ông đuổi theo nó nhưng cứ gần tóm được nó, thì nó lại vuột khỏi tay ông, mà hai chân ông thì cứ quíu lại, gỡ ra không được. Ông vừa chạy, vừa réo tên nó, nhưng miệng ông cũng đông cứng. Thì bỗng dưng phía trước thằng cháu ông có một chiếc xe ô tô đang phóng tới. Chiếc xe phóng với tốc độ rất nhanh, ông nhìn mà chóng cả mặt. Thằng cháu ông thì không biết, và cứ thế nó lao thẳng vào chiếc xe. Mà chiếc xe rất quen, hình như ông vẫn thường nhìn thấy nó hàng này. Và thằng cháu đích tôn của ông bị biến vào trong chiếc xe ấy. Từ hai cánh cửa hai bên của chiếc xe quen quen, ông nhận thấy hai khuôn mặt cũng quen thuộc. Đúng rồi, đó là ông giám đốc Năm Tụ và phó giám đốc Tài. Nhưng sao cả hai khuôn mặt lại đều sưng vù, đẫm máu? Ông sợ quá, quên cả thằng cháu vừa bị chiếc xe nuốt vào, ông đến bên ông Năm, thều thào:
-Giám đốc ơi! Sao lại...
Ông giám đốc làm như không nghe lời ông già thăm hỏi, như mọi ngày, ông vung nắm đấm lên khỏi đầu và giáng mạnh xuống nắp ca-pô chiếc xe. Một tiếng "rầm...!" rung lên, làm ông Trân, bảo vệ đêm của công ty CHANDCO giật mình, thức giấc.
Tất cả đều là chiêm bao, ông Trân nghĩ thế, nhưng tiếng động "rầm" một cái thì hình như là thật. Cái gì nhỉ? Không có nhẽ lại kẻ trộm? Vào giờ này, người ta ngủ ngon dễ có trộm lắm, quân ăn đêm, bọn đạo chích cũng rành người đời lắm! Nhưng sự im lặng sau đó ngân nga, ong óng trong đầu ông già hưu trí, bỏ nhà đi làm bảo vệ, kiếm tiền, khiến ông nghĩ, không thể là kẻ trộm được. Đúng là con mèo! Nhưng mà mèo thì không hay lục lọi vào giờ này, dù là mèo hoang, mèo mả, kinh nghiệm cho ông thấy thế. Ông chui đầu ra khỏi mùng nhìn chiếc đồng hồ điện treo trên vách tường: ba giờ năm phút. Còn sớm!
Ông Trân kéo tấm mền mỏng đắp lên ngang cổ, nhắm mắt, ngủ tiếp. Chỉ ít phút sau ông đã ngủ, và lại rơi vào giấc chiêm bao. Ông lại mơ thấy hai ông chánh phó giám đốc công ty của ông, của nơi ông đang làm thuê. Lần này thì hai ông thong dong dắt tay nhau cùng đi vào, ông Trân vội chạy ra mở cửa. Ông lấy làm lạ là sao hôm nay ông giám đốc lại tươi cười, vồn vã với ông mà không lừ lừ, lạnh lùng như mọi ngày? Cả ông Tài cũng thế, cũng cười tươi lắm, cười tươi như hôm đón ông bộ trưởng đến thăm công ty.
Thường ngày, vốn là một ông già hưu non, làm hợp đồng kiếm thêm chút tiền giúp con, giúp cháu, không có được một vị trí chính danh nào trong công ty, ông Trân ít khi dám nhìn vào mặt hai ông này, mà cũng chả cần nhìn làm gì, ông nghĩ thế, họ là những con người danh tiếng, chức trọng, quyền cao, chỉ cần nghe tiếng nói, tiếng cuời, hoặc nhìn dáng đi từ sau lưng cũng biết họ là ai rồi. Cái thần, cái tướng, cái tinh của họ lộ ra không chỉ lời ăn, tiếng nói, mà cả cái cách ngửa cổ, lúc nào cũng nhìn lên trần nhà, hoặc trời xanh, cái cách vung tay, cái kiểu thả gót giầy...
Nhưng trong giấc mơ ngủ nướng, ông Trân lại mạnh bạo nhìn vào hai khuôn mặt lớn nhất của công ty. Ông Trân bỗng giật mình nhận ra: hai khuôn mặt này đều sưng tấy lên, méo mó, nhăn nhó. Họ cười, càng cười ông thấy họ càng nhăn nhúm, vẻ đau khổ, uất hận, nuối tiếc cứ giằng co trên từng thớ thịt trên mỗi bộ mặt của họ, nhất là ông Năm, ông giám đốc khả kính của ông!
-Trời ơi! Ông giám đốc ơi! Ông phó giám đốc ơi! Các ông làm sao thế này?
Ông Năm cúi xuống nhìn sát vào mặt ông, và nói bằng cái giọng đanh thép, trầm tĩnh mẫu mực như thường thấy:
-Ông Trân ơi! Tôi đi vắng một thời gian, ông ở nhà thay tôi làm giám đốc công ty nhé! Ông cười rất vang, hào sảng, tự tin như thường ngày ông vẫn cười.
Ông Trân sợ hãi, xua tay:
-Không! Tôi có ở trong biên chế đâu, tôi về hưu rồi, sao ông lại bắt tôi giữ cái chức vụ to thế? Tôi không làm nổi đâu! Ông bảo ông phó giám đốc Tài ấy, ông ấy là phó của ông, ông ấy phải thay ông mà làm chứ!
-Tài ư? Không tin nó được đâu! Nó là một con rắn, ông ạ! Ông đừng lo, làm giám đốc không khó đâu! Làm giám đốc tốt, được mọi người yêu mến, tâm phục, khẩu phục thì mới khó, chứ làm như tôi thì dễ thôi. Ở công ty này, ông là người tốt nhất. Ông phải làm giám đốc thay tôi.
Ông Trân kinh ngạc, bởi ông đã từng được nghe những lời này ở đâu rồi? Ai nói nhỉ, ai nói chứ không phải ông Năm giám đốc nói. Thôi đúng rồi, cậu Kha, cái cậu kỹ sư "dở người", không thích tiền ấy nó nói với ông thế đấy. Nhưng sao hôm nay, chính ông giám đốc cũng nói thế nhỉ? Chả còn biết ra làm sao nữa, chắc là ông Năm này sắp đi đâu xa thật! À mà có gì đâu, mơ mòng ấy mà. Người ta bảo, ban ngày anh nghĩ đến cái gì, là ban đêm anh chiêm bao thấy nó!
Ông Năm Tụ càng nói càng ghé sát mặt vào mặt ông Trân, một giọt máu nóng bỏng rớt vào mặt ông! Ông Trân hốt hoảng, giật mình, tỉnh cơn ác mộng.
Lần này thì ông Trân không dám ngủ lại nữa. Ông bần thần nhìn ra cửa, hai cánh vẫn đóng kín, không những thế, cái cửa sắt cuốn bên ngoài cũng vẫn chốt chặt. Nhưng trong bóng tối lờ mờ, hình như bóng dáng của hai con người, hai khuôn mặt to lớn nhất công ty vẫn đang ở đâu đây. Ông Trân, một con ngưới dày dạn sống với quỷ ma, chưa từng thấy ma quỷ bao giờ, nhưng, như mọi con người từng trải, kinh nghiệm đời cho ông biết, không tin vào ma, vào quỷ thần, vào mê tín, đồng cốt là không được. Nó là số phận! Số phận đã khoác vào ai rồi, người đó phải chịu. Như ông, ông làm thuê, làm thêm, ai bảo trách nhiệm không nặng, nghĩa vụ không cao cả? Như các ông giám đốc mà ông biết, quyền cao chức trọng, đi mây về gió, nói năng một tiếng là một chân lý, một cái gật đầu là một xấp tiền, nhưng ai bảo là sướng, là thảnh thơi?
Gió theo hành lang chạy rào rào, hun hút luợn theo những góc khuất, tạo ra những tiếng u u thầm thì quen thuộc. Ông Trân không ngủ nữa, mà cũng không dám ngủ lại nữa, ông sợ ông lại chiêm bao như hai lần mơ khi nãy. Ông không bật đèn mà lần mò đi vào bếp, cầm lấy cái bình thủy, lắc lắc, hãy còn đầy, nhưng có nhẽ đã nguội. Ông dốc bình thủy vào cái ca nhựa màu đỏ xậm, đã sứt sẹo, lởm khởm, thô ráp như bàn chân của một con thạch thùng. Tiếng nước ồng ộc, vài giọt âm ấm bắn vào mu bàn tay, làm ông Trân giật mình nhìn lên vách tường và càng giật mình hơn khi nhìn thấy cái bóng người lù lù lay động. Chết thật, bóng mình đấy mà, ông lẩm bẩm. Nhưng sao mọi ngày không thấy nhỉ? Đèn ở đâu hắt vào thế không biết? Ông Trân nghển cổ lên đứng vào đúng chỗ cái bóng, thì ra một ngọn đèn bóng tròn ở bên kia đường, một cái quán cà phê hay điểm tâm gì đó mới lấn ra vỉa hè.
Ông Trân đun nước bằng bếp ga, ngọn lửa xanh như cái lưỡi rắn thở phì phì, rồi chuyển sang đỏ bầm. Nước sôi, ông pha một bình trà rồi ngồi chờ ngấm...
Thế mà cũng đã sáu giờ, sáng rồi! Ông Trân ngồi uống nước một mình, lòng vẫn cứ băn khoăn về giấc mơ lúc rạng sáng. Giấc mơ vào nửa đêm trước là giấc mộng ảo, nhưng nếu chiêm bao vào nửa đêm về sáng thường là giấc mộng báo, ngày còn nhỏ, mẹ ông đã từng giảng giải cho ông như thế. Ông không còn nhớ, trong đời mình có dịp nào trải nghiệm giấc chiêm bao của mình chưa, nhưng lời bà mẹ ông từ thuở thiếu niên, thỉnh thoảng ông vẫn nhớ lại. Thế còn thằng cháu ông? Ông cũng mơ thấy nó gặp tai nạn vào lúc ba giờ sáng mà? Ông Trân bồi hồi quá, rít thuốc lá đến bỏng môi.
Ông đứng dậy đi xoay từng nắm đấm cánh cửa các phòng, không có gì suy suyển. Đến trước phòng giám đốc, ông dừng lại hơi lâu, rồi lại bồi hồi quay sang phòng phó giám đốc Tài kế bên. Nghĩ thế nào, ông đưa tay cầm vào cái nắm đấm bằng đồng. Một cảm giác lành lạnh của kim khí qua đêm. Ông nghĩ nó cũng sẽ nằm cứng như những phòng khác, nhưng thật bất ngờ, bàn tay ông hụt hẫng, và ông bị chúi theo đà đẩy, bất ngờ, chạy tọt vào phòng phó giám đốc Tài. Sao ông ta không chốt cửa trước khi ra về? Thì ra, ông phó này có tiếng là cẩn thận, chín chắn đến khó chịu, hai hàm răng nhỏ và đều, xít lại, rất khỏe mà cũng có lúc lơ đễnh. Quay ra, ông Trân định bấm chốt quả đấm, nhưng nghĩ thế nào, lại thôi. Ông thoáng nghĩ, biết đâu, ông phó lại chả thử xem, trong lúc ông ta không có mặt ở công ty, có ai lẻn vào không thì sao? Ai chứ ông Tài, dám lắm. Ông Trân lủi thủi bỏ xuống tầng dưới. Có tiếng chuông gọi cửa, tiếng chuông nghe gắt gỏng lắm, ai thế nhỉ?
Thường ngày, anh chàng Kha là hay đến cơ quan sớm lắm, có khi cậu ta còn để nguyên bộ đồ thể thao, đến cơ quan. Cậu ta bảo: "Nhà tôi ở lầu chung cư, xuống rồi ngại lên lắm! Tôi chạy buổi sáng, rồi đi làm luôn, đây, cứ thay cái áo sơ mi này vào là thành công chức chứ gì nữa, bác Trân nhỉ? Đến cửa, cậu ta cũng nhấn chuông rối rít, rồi ngồi lại làm với ông mấy tách trà, chuyện nhiều lắm, không hiểu cậu ta lấy đâu ra chuyện nhỉ. Cậu ta bảo đọc báo, đọc sách, đi nhậu, chịu khó nghe, về nghĩ lại, sửa lại đôi chút cho hợp với mình, như là mình, rồi in-téc-nét... thiếu gì chuyện. Đó là một người đàn ông mạnh bạo, xốc vác, tự tin, nhưng ác khẩu. Ông vừa thích, lại vừa không thích người như Kha. Nó cứ ào ào thế, có gì tội nó chịu, nhưng cứ chơi với những người như thế, dễ mang họa lây... Có điều lạ, mà ông Trân biết, nhưng không sửa được. Kha kém ông đến hơn chục tuổi, ông gọi hắn bằng cậu, cậu em, là phải phép, ấy thế mà ông giám đốc, cũng trạc tuổi Kha chứ mấy, mà ông cấm có dám gọi bằng tên, chỉ một hai ông giám đốc, hay ông Năm. Ông hay thằng, hóa ra nó lại phụ thuộc vào cái chức vị. Nếu một ngày nào đó giả dụ (giả dụ thôi đấy) Kha có làm giám đốc, không biết ông có gọi cậu ta bằng ông không nhỉ?
Chuông nhưng không phải Kha, ông Trân quả quyết, chuông của Kha gọi, vẫn có cái gì mạnh bạo, nhưng từ tốn, biết điều, thân mật hơn. Chuông này? Hay là của giám đốc? Chết rồi, ông ta mà đến sớm thì thế nào cũng có "vấn đề" rồi. Ông Trân chạy vội xuống cầu thang tối lờ mờ ra mở cửa. Vừa tra chìa khóa vào ổ khóa, ông vừa lên tiếng:
-Dạ... Xin chờ cho một chút...! Tôi ra ngay đây...
Ông Trân giật bắn người khi nhìn thấy anh công an đứng chắn ngay cửa. Đằng sau anh ta còn hai người nữa mặc thường phục, nhưng ông Trân biết chắc họ cũng là công an. Ông lắp bắp:
-Các... các đồng... chí... hỏi.... gì ạ?
Cả ba người không đợi mời đã nhanh nhẹn, thoắt cái bước vào phòng tiếp khách của công ty. Người mặc sắc phục công an lên tiếng:
-Công ty mấy giờ làm việc?
-Dạ, báo cáo anh, bảy rưỡi ạ!
Anh ta nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn hai người đi cùng, cũng nói một câu trống không:
-Còn sớm!
Rồi quay sang ông Trân:
-Có một mình bác ngủ lại tai văn phòng thôi à?
-Vâng! Có mình tôi. Ông Trân dần bình tĩnh lại, ông hiểu được họ muốn gặp ai rồi:
-Các đồng chí muốn gặp lãnh đạo chúng tôi phải không ạ? Vâng, quả là còn sớm! Ông cười.
Người mặc thường phục có mái tóc rất nghệ sĩ, nói bằng một giọng cũng du dương:
-Bác này, anh em chúng tôi đây là công an trên đội cảnh sát hình sự, có việc muốn gặp lãnh đạo cơ quan. Thế công ty ta, ngoài anh Tụ và anh Tài, ban lãnh đạo còn ai nữa không bác nhỉ?
Ông Trân thấy có cảm tình với con người này, mặc dù theo ông, cảnh sát điều tra hình sự mà đã đến, lại đến sớm thế này thì chẳng có việc gì lành rồi!
-Dạ, báo cáo các anh, có chuyện gì hệ trọng không ạ? Ngoài hai ông chánh phó giám đốc ra, chỉ còn các trưởng phòng...
Bầu không khí im lặng đến ngột ngạt, mỗi khi tiếng còi xe hơi gắt gỏng từ ngoài đường phố lọt vào, ông Trân lại giật mình: ông giám đốc tới! Nhưng, ông Trân chưa biết rằng, ông giám đốc của ông sẽ không bao giờ tới được nơi này, đi vào cái cửa kính bốn cánh lúc nào cũng bóng loáng, thả gót giày thong thả, vang lên những tiếng bước chân uy nghi, ngồi vào chiếc ghế bành xoay, tựa lưng cao khỏi đầu, thư giãn nheo cặp mát sáng, linh lợi sau cặp kính gọng vàng, ngắm nhìn ngọn quốc kỳ xinh xinh được cắm trong một chiếc bình bạc, sang trọng. Ông Trân không biết, nhưng những người công an ngồi đây đã biết, có thể chưa biết cụ thể, chi tiết, nhưng hình như họ đã biết số phận của ông Năm Tụ. Một trong hai người mặc thường phục, ngồi ngọ ngoạy trên ghế tỏ vẻ sốt ruột:
-Cơ quan dân sự làm việc thoải mái nhỉ? Anh ta nhìn đồng hồ tay. Bảy rưỡi cơ à? Nhưng mà anh chị em đến sớm hơn hay trễ hơn giờ làm?
Ông Trân tự biết trách nhiệm của mình là phải trả lời câu hỏi trên:
-Dạ vâng! Có cậu Kha, kỹ sư thường hay đến cơ quan sớm lắm, cậu ta son rỗi mà...
Người kia sốt sắng:
-Cậu Kha giữ chức vụ gì trong công ty?
Ông Trân cười:
-Chức vụ gì đâu cái cậu "dở hơi" đó...
-Cậu ta dở hơi như thế nào, bác?
-À, là anh chị em trong công ty vẫn thường nói lén cậu ta thế thôi! Làm cái chân "gác-đờ-co" ăn lương hợp đồng như tôi thì biết gì mà nói. Nhưng tôi thấy cậu ấy cũng bình thường như mọi người. Có lúc, có chuyện tôi thấy cậu ấy thông minh lắm...
Người ngồi kế bên xen vào câu chuyện:
-Thông minh lắm thành ra dở hơi! Bác thử "đơn cử"" một "hành vi dở hơi" của anh ta xem nào?
Ông Trân gãi cái đầu tóc bạc xơ cứng, húi, cố hiểu những từ ngữ của anh công an. Rồi ông cũng hiểu ra, lúng túng:
-Họ bảo... họ bảo cậu ấy không thích tiền!
Cả bốn người cùng cười, ông Trân cười dè sẻn hơn, mấy người khách cười thoải mái, để giết thì giờ.
Ông Trân đổ bã pha ấm trà khác. Có tếng người ngoài cửa:
-Làm gì mà hôm nay có khách sớm thế, bác Trân ôi...?
Tiếng của Kha, nghe cái tiếng "ôi", ông thấy yên tâm hơn, vì có đồng minh. Anh ta trong bộ quần áo thể thao, quần xanh có kẻ sọc trắng hai bên ống, áo thun cháo lòng, khăn mặt vắt vai, người đẫm mồ hôi. Thấy có mấy người khách lạ, lại có cả công an, Kha chững lại, nhìn ông Trân dò hỏi. Không có ai lên tiếng, Kha hơi khó chịu, nhưng anh vẫn cúi chào kiểu cách, thấy rõ vẻ giả tạo:
-Xin kính chào các ông!
Bấy giờ ông Trân mới chỉ vào khách:
-Các anh đây là công an hình sự đến tìm ông giám đốc công ty. Đến từ sớm lắm!
Kha giật mình: "Thế là cái gì phải đến, đã đến!". Ông Trân quay qua giới thiệu với các chiến sĩ công an, cũng bằng một giọng kiểu cách:
-Dạ, thưa các anh đây là cậu Kha, người mà các ông vừa hỏi!
Cả ba anh công an đều ngạc nhiên nhìn Kha. Một người đàn ông gầy gò, nhưng chắc chắn, đồ chừng tuổi năm mươi, dáng mạnh mẽ, mái tóc hoa râm, muối nhiều hơn tiêu và đôi mắt ánh lên vẻ diễu cợt. Đúng là một người dở hơi đây sao? Nghe ông Trân nói thế, Kha cười tươi:
-Thế ạ? Các vị vừa nói về tôi à? Tôi lại gặp rắc rối gì đây với pháp luật chăng? Hèn nào, tử vi của tôi nói...
Anh công an mặc sắc phục cười:
-Mời anh Kha ngồi chơi... uống nước! Anh Kha năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?
Kha làm ra vẻ rầu rầu:
-Báo cáo các anh, tôi năm nay ở vào cái tuổi người ta gọi là "về hưu thì non, mà công tác thì già". Năm mươi hai... chẵn! Bằng tuổi anh Tụ! Này, các đồng chí, xin hỏi thật nhé, các anh đến bắt ai thế?
-Thế anh nghĩ là chúng tôi đi đến đâu cũng chỉ để bắt người thôi à?
Kha châm điếu thuốc, phả khói dày đặc, một anh công an phất tay, tránh đám khói từ hai lỗ mũi Kha bay ra. Thấy thế, Kha vội "Xin lỗi, tôi vô ý", rồi dập tắt điếu thuốc xuống đế giày:
-Đó là chức năng, là nhiệm vụ chuyên chính vô sản. Bắt những kẻ xấu, kẻ phá hoại là một việc làm nhân đạo, phải không ạ? Các anh nên bắt, càng nhiều càng tốt...
Đúng là một ông dở hơi! Anh công an còn trẻ có bộ ria mép lờ mờ, cố tình để cho oai, thầm nghĩ, rồi nói ra miệng:
-Người ta bảo anh không thích tiền phải không?
-Bậy! Ai nói với anh thế? Lại bố Trân phải không? Tiền thì ai mà chẳng thích. Con chó nó cũng thích tiền kia mà!
-Không đúng! Anh công an trở nên vui tính, cãi lại nhận định của Kha. Con chó biết gì mà thích tiền?
-Có đấy, để tôi kể cho các anh nghe. Ông bạn tôi nuôi một con chó, suốt ngày xích nó ở cửa, để nó trông nhà. Có khách nào vào nó sủa lên đúng ba tiếng, không hơn, không kém để báo hiệu cho chủ nhà. Thế nhưng một hôm nó sủa vang rền, hàng chục tiếng. Mà tiếng sủa nghe như mừng rỡ, reo vui. Ông bạn tôi vội chạy từ nhà trong ra, thì thấy con chó đang lấy một chân đè lên tờ giấy bạc năm trăm đồng, còn mõm thì ngửa lên trời mà sủa một cách sung sướng! Chuyện có thật đấy! Con chó ấy, nếu ta ném cho nó một tờ giấy báo, nó bỏ qua, nhưng nếu đó là đồng tiền, nó lấy chân chặn lên, giữ chặt, mừng rỡ...
-Đúng! Có con chó khôn lắm, mình biết! Anh công an ngồi kế bên gật gù.
-Con chó nó còn thế, huống là con người, là tôi? Phải không bác Trân? Nhưng tôi biết vì sao có người bảo tôi "không thích tiền" rồi. Tôi đã hơn một lần từ chối kiếm tiền bằng cách phải hạ nhục, năn nỉ, thậm chí bán rẻ cả giá trị của cá nhân tôi, tập thể công ty tôi! Họ chỉ nhìn thấy có thế thôi, chứ không bao giờ thấy được bản chất của sự việc, mà có khi chỉ xảy ra ngay sau đó, sau lưng ta. Bác Trân chỉ nghe nói thôi chứ chưa biết được những việc cay đắng lắm đâu!
Một chiếc xe ô tô cũ kỹ, cũ cả về chất xe và mô-đen, rà sát vào lề đường rồi dừng hẳn. Từ trên xe có hai người đàn ông bước ra, vẻ mặt long trọng, rầu rĩ.
-Đây rồi! Anh công an mặc sắc phục nói thế rồi đứng dậy, đi ra bắt tay hai ông. Chúng tôi chờ anh lâu quá!
-Có chuyện gì mà các anh triệu tập chúng tôi sớm thế?
Anh công an không trả lời, đi vào nói với ông Trân và Kha:
-Đây là hai đồng chí trên đảng ủy khối, cùng xuống làm việc với chúng ta. Tôi ở phường, còn hai đồng chí này ở đội điều tra hình sự quận. Nào chúng ta bắt đầu vào việc...
Ông Trân, Kha và hai ông đảng ủy đứng như trời trồng, miệng mấp máy, nửa muốn hỏi, nửa không dám!