Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Cánh Đồng Lưu Lạc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17236 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cánh Đồng Lưu Lạc
Hoàng Đình Quang

ĐOẠN 9

Tôi vẫn không biết, mà cũng không dám hỏi thầy Hoan rằng, trong những ngày hoạn nạn của chị Nga, tức là những ngày chị Nga bồng bế thằng Hận lên Soi Vạt trú ngụ, thì thầy Hoan làm gì, làm thế nào, sống như thế nào? Nhưng những mẩu chuyện vụn vặt trong mối giao tình giữ thầy Hoan và ông lão Tuân thì tôi đã được nghe kể.
Sự đối trọng căng thẳng, quyết liệt và cũng rất cân bằng giữa một bên là thầy Hoan, một ông giáo làng đã hồi hưu, chẳng giữ một vai trò gì trong cái làng Sơn Cốt bé bỏng, nghèo nàn, nheo nhóc..., nhưng thầy Hoan của tôi lại tồn tại như một thứ cây thảo mộc cổ thụ, luôn tiềm ẩn những vị thuốc, tuy không quý giá, mà đôi khi cần người ta vẫn nhớ đến. Bên kia, là ông thông gia, cụ Tuân, một lão nông chi điền chất phác với người ngoài nhưng lại rất uy nghi, pha thêm cái chút láu cá tiểu nông trong cư xử với người thân, trong làng xóm, trong họ mạc. Nếu thầy Hoan là một thứ cây thảo mộc ít rễ, dễ ăn, dễ sống, dễ bị lung lay trước cả những cơn gió heo may... thì ông lão Tuân như một cây ổi già trong vườn tạp bị trẻ con leo trèo, quần thảo, lá cành tơi tả, khiến nó sinh ra những quả chua ngắt, nhưng mà bền chắc, vững chãi đời đời.
Chiến tranh đối với hai ông già chẳng qua chỉ là một cuộc chém giết, đầy đọa, giành phần hơn thua đã... quá quen thuộc. Thế nhưng nỗi đau thì âm ỉ, cứa vào từng mạch máu nhỏ li ti, trong mỗi khoảnh khắc của miếng ăn giấc ngủ. Hai ông già thương nhau như hai con thú già cùng tồn tại trong một cái cũi, một cái đích: đó là anh Kỳ . Chỉ có những con thú già, trải qua bao nhiêu bẫy cạm mới biết thương nhau, nhưng dù sao, vì những biến động của thời cuộc, của con cái, khiến hai con thú già ấy không thể nào nhập vào nhau được.
Một buổi trưa hè nắng gắt, nắng đến nỗi đường làng cũng chẳng thấy một mống người nào. Vào lúc ấy, ông lão Tuân, trên tay cầm một cái gói nhỏ gói bằng giấy báo, phăm phăm đi tắt con lạch nhỏ qua một bãi tha ma vài ngôi mộ vô chủ, vắng ngắt hơi người đến nhà thầy Hoan. Đây là cuộc gặp mặt cuối cùng, là ông lão Tuân dự định như thế. Vì là lần cuối cùng nên ông lão Tuân sẽ dự định nói tất cả những gì cần phải nói cho ông bạn già, một người thông gia và... là gì nữa, cũng phải nói ra, cho bằng được, bằng hết và bằng đúng. Căn nhà lợp lá cọ, dặm lại bằng những mảng lá mía, từng mảng theo thời gian cũng đã gần hòa hợp sắc màu, thả dài xuống giọt ranh cợp xuống như mái tóc tang hiện ra trước mắt ông lão. Phải đến vài phút đồng hồ tần ngần, ông lão mới gọi cửa, tiếng gọi cũng dè dặt, thẽ thọt:
- Ông giáo ơi, ông giáo? Ông giáo có nhà không?
Thầy Hoan, lúc bấy giờ đang giấc ngủ trưa. Trong cái mơ màng của tiếng ve sầu sà sã, thầy có cảm giác như một tiếng gọi từ cõi hoang vu, thăm thẳm vọng đến...
- Ới, ông giáo! Ông giáo Hoan...
Ai nhỉ? Ai trong cõi u minh đang gọi tên ta. Thôi được rồi, ta đi đây. Ta chẳng còn gì để lưu luyến nữa, ta đã lưu lạc quá nhiều. Ta đã để mất quá nhiều. Ta đã nhận được quá nhiều... Nhưng mà ai đã gọi ta, mà sao không mở mắt ra nổi. Một quầng sáng chói gắt cứ chấp chới tiến gần đến làm cho tay chân tay ta cứng đơ. Phải vật mạnh, phải quẫy mạnh để thoát ra...
- Ông giáo ơi, tôi đây....
Tiếng gọi đã tiến vào đến cửa sổ, thều thào, đứt đoạn, nhưng khá rõ ràng... Thầy Hoan vùng vẫy một cách tuyệt vọng và quyết liệt. Trong một khoảnh khắc thầy hất mạnh được cái quạt bằng mo cau nằm trên ngực ra. Thế là cuộc sống thực tại ùa vào. Nóng bức và mùi ẩm mốc trong căn nhà chật chội nhưng vô cùng yêu dấu thân thuộc đã giúp thầy tỉnh lại. Thầy ngồi dậy ngó cổ ra cửa sổ và không khỏi kinh ngạc khi nhận ra ông lão Tuân. Hơi vội vàng, thầy Hoan đi ra phía cửa cái, lật bật rút thanh then cửa, mở rộng cánh cửa ọp ẹp, hơi cúi xuống, có phần lễ phép:
- Cụ sang chơi? Mời cụ vào nhà...
Ông lão Tuân cũng cúi xuống đáp lễ:
- Ông giáo nghỉ trưa, tôi sang thế này phiền quá...
Thầy Hoan ngạc nhiên thấy ông lão thông gia hôm nay cũng biết trình bày câu nói của mình một cách lịch lãm đáng kể.
- Không có gì đâu cụ ạ. Tôi mệt quá, nằm thiếp đi một chốc. Chứ dạo này ăn uông ngủ nghê kem lắm...
- Vâng! Cánh mình già quá rồi...
Thầy Hoan xúc ấm pha nước, đãi khách, đó là theo lẽ thường mà cũng là theo lệ tục. Càng quý, càng trọng, càng cẩn thận. Trong lúc lúi húi dưới bếp, với ngọn lửa ốm yếu và sức nóng của trời hè, thầy Hoan đầy mồ hôi và nghĩ ngợi. Ờ, mà sao giữa trưa nắng nôi bức bối thế này mà ông lão đến, chắc hẳn phải là điều hệ trọng? Mà hệ trong nhất của ông lão là gì nhỉ? Với ông lão Tuân, cái gì mà không hệ trọng! Bấy lâu nay, không khi nào thầy Hoan không nghĩ về ông lão. Cứ nghĩ đến chị Nga, thầy trào nước mắt, rồi lại nghĩ đến ông bố chồng chị. Cái cuộc trao đổi vắn tắt, với vẻ hỗn xược của cô con dâu và ông bố chồng làm ông giáo già ngạc nhiên. Chuyện gì đã xảy ra? Chuyện gì đã xảy ra giữa hai con người, một cha, một con, một già, một trẻ?
Kể từ khi sinh thằng Hận, rồi bế nó lên uỷ ban xã làm giấy khai sinh, chị Nga chưa một lần đưa con về thăm thầy Hoan. Chị đi như để chạy trốn, để chết. Và kể cả những lúc hai mẹ con chị ẩn náu ở Soi Vạt, chị cũng không về với cha. Thầy Hoan thì không đi đến đó được. Thầy không dám đi và cũng không thèm đi, mặc dù thầy rất muốn đi. Thế rồi một lần duy nhất, chị về nhà một mình, không bế theo con. Đó là lần chị về để từ giã bố, nhưng thầy Hoan không biết rằng đó là lần cuối cùng cha con gặp nhau. Buổi sáng hôm ấy, hai bố con chị Nga đã khóc đến cạn nguồn nước mắt. Không nói, hai cha con đã không nói với nhau một lời nào. Dường như nước mắt đã nói tất cả. Thầy Hoan khóc vì thương con, vì giận con, vì đau cho con. Cứ mỗi lần thầy định cất tiếng nói thì một cái gì đó thê lương cấu cắn lại chẹn lấy ngực thầy. Thầy như nghe thấy tiếng con gái: “Thôi, nói gì nữa, cha ơi!”. Chị Nga đã gục vào lòng cha để khóc, như thể chị muốn giấu đi tất cả nước mắt, và cả tiếng khóc, mà nếu được thả ra nó sẽ kinh động đến kiếp nào. Chị rất muốn kể lể với cha tất cả những gì đã đẩy đưa số phận mình, nhưng lại thôi, lại nuốt đi, cho qua bữa ăn đầy kiêng cữ của số phận dành riêng cho chị. Chị biết rằng, trên đời này, nếu có một người nghe chị kể ra thì đó là người duy nhất: cha mình. Chị không sợ, không xấu hổ, cũng không phải vì muốn giấu. Chị sợ nhất là sẽ làm cho cha mình đau. Cái lần ông lão Tuân đến thăm mẹ con chị trong lúc thằng Hận còn đỏ hỏn, một câu nói của chị với ông lão Tuân, bố chồng chị, cha của đứa bé nằm trong đụn giẻ ấy, làm thầy Hoan đã ngất lịm, vì ngờ vực. Chị biết là cha mình đã nghi ngờ, đã lờ mờ nhận ra người cha của thằng bé. Nhưng chị không thể nào nói ra được. Sự nghi ngờ làm người ta đau khổ, nhưng sự thật còn đau khổ hơn!
Nhìn bóng dáng con gái đi lại, lục lọi tìm kiếm, xăm xoi tất cả mọi ngõ ngách trong căn nhà. Chị có tìm gì đâu, chị chỉ nhìn, chỉ ngửi, chỉ sờ mó mọi thừ trong nhà. Cuối cùng chị chỉ mang đi con dao nhỏ mà người mẹ bí hiểm của chị để lại. Trong lúc thầy Hoan đang ngồi như một vị tu hành thoát xác, thì chị Nga quỳ xuống trước mặt cha, tay nâng con dao được bọc trong một mảnh vải chỉ để hở ra cái chuôi sừng đen bóng, lên ngang mày. Thầy Hoan hiểu ra, thầy hiểu cả, khẽ gật đầu. Lúc đó, chị mới đặt con dao sang một bên, dập đầu xuống nền đất ẩm, lạy cha đủ bốn lạy. Chị ra đi, cầm theo con dao. Chị đi giật lùi, ra đến cửa, chị còn cúi đầu chào cha một hồi lâu. Thầy Hoan vẫn như người vô hồn, nhìn ra giữa nắng. Cho đến lúc, chị Nga khép cánh cửa lại, bóng mờ ùn vào, thì thầy như sực tỉnh. Thầy vụt đứng lên, bước chập choạng ra cửa, nhìn theo tấm lưng áo bạc sờn của con gái. Ngày hôm sau, có tin đồn, chị Nga đã đưa con đi xuôi theo giòng sông Công, trên một bè mảng nứa. Thầy biết, thầy đã mất hẳn người con gái duy nhất, người thân ruột thịt cuối cùng...
Có một câu hỏi cứ chờn vờn, chỉ trực bật ra, nhưng rồi thầy Hoan lại có kìm giữ lại được. Chỉ đến khi biết là chị Nga sẽ không bao giờ trở lại, thì thầy cảm thấy hối tiếc; Thằng bé là con ai? Nó dứt khoát sẽ phải có một người cha, nhưng người đó là ai? Là ai thì chỉ có mẹ nó mới biết được, mới có quyền nói ra. Đu thầy là cha của chị Nga, thầy cũng không có cái quyền căn vặn, nếu chị không muốn nói. Và sẽ mãi mãi chuyện đó không được nói ra... Và, thầy tự nghĩ rằng, nếu không được giải đáp câu hỏi ấy, chắc gì thầy đã đủ can đảm để lìa xa cõi đời này!
Ấm trà đã được đem lên bày trên chiếc bàn gỗ mọt sứt sẹo. Cái bàn thì ghẻ lở là thế nhưng bộ ấm chén thì lại sáng bóng, và hương chè thì lại càng thơm lừng. Dân làng tôi may mắn trời cho có thói quen uống chè ngon, chè tự tay mình sao lấy, gọi là sao suốt. Sao suốt nghĩa là rang chè bằng chính bàn tay mình, rang ngay từ khi chè vừa được hái từ ngoài vườn đem vào, không chậm trễ, và cũng không hề trải qua bất kỳ một động tác nào. Chè như thế mới là tinh khôi. Khi chè đã bắt đầu héo, chảo đã nóng ran thì dùng một cái móc sắt thay cho bàn tay để tiếp tục sao, khi nào nghe có tiếng vang, nghĩa là búp chè đã khô, rơi vào lòng chảo nghe “roong roong”, thì đem ra xảo trên một cái rổ bằng cật tre đan thưa, để lựa ra cái phần trên rổ sao tiếp. Cái phần đã lọt rổ thì đem sàng trên một cái sàng gạo, để lấy phần chè tốt, còn cái phần lọt khỏi sàng là loại chè thứ phẩm, gọi là chè ban.
- Cụ xơi nước! Nhà neo quá, tôi chỉ có chè ban, bên nhà ông Quang cho!
Nhà ông Quang, tức là nhà tôi, chè do mẹ tôi sao, thỉnh thoảng đem sang biếu thầy Hoan, nhưng thầy không lấy chè búp sao, loại tốt nhất ấy, bảo để bán mà đong gạo. Thầy chỉ xin nhận chè ban, nếu không, thầy Hoan sẽ không bao giờ lấy. Còn mẹ tôi, tôi chưa bao gờ thấy bàn tay bà trắng trẻo, lúc nào cũng thâm đen, đấy là do nhựa chè bám vào, rồi sáng mai lại ra cánh đồng đi cấy, sục vào bùn, lập tức trở nên đen xậm.
- Che ngon quá ông giáo ạ! Ông lão Tuân khen một câu, vừa chân tình, vừa khách sáo. Vì chè ban chẳng bao giờ là thứ chè ngon, cũng ngon, nhưng chẳng bao giò ngon lắm, vì nó lẫn cả những búp chè đã bị cháy. Dứt khoát, khi uống, phải có mùi khét khét. Nhưng là lời khen chân tình thì cũng đúng, vì nhà ông lão Tuân còn neo người hơn, từ khi chị Nga đi, vườn chè đã bỏ hoang, vả lại cũng chẳng có người hái, sao. Từ lâu, ông lão chỉ còn uống nước chè tươi...
Hai ông già vừa kê cái chén vào miệng vừa nhìn nhau, như thể hai đối thủ đang lừa nhau trên xới vật, cho đến khi cả hai cùng đặt chén xuống mặt bàn, đều đến nỗi, hai tiếng cạch nhỏ, khô khan cùng hoà làm một. Rốt cuộc, vẫn là tiếng thầy Hoan cất lên trước, phá tan cái bầu không khí im lặng, ngột ngạt:
- Cụ bà bên nhà đỡ nhiều chưa hả cụ?
Ông lão Tuân đáp lại câu hỏi của thầy Hoan bằng một giọng ngùi ngùi: - Vâng, cám ơn ông giáo, bà nhà tôi cũng đỡ được đôi chút, nhưng xem ra, càng ngày bệnh tình của bà ấy càng trầm trọng.
- Cũng gay go đấy cụ nhỉ. Thế mọi chuyện cơm nước trong nhà bây giờ ai lo hả cụ?
- Có con bé cháu con gái nhà mẹ Diệu nó sang nó trông đỡ. Phải cái con bé còn non quá, mới có mười ba tuổi đầu, còn đoảng lắm. Nhưng cơ mà có nó cũng đỡ đần được đôi việc...
- Thế cháu nó không đi học à?
- Có. Nó vẫn đi học buổi sáng, buổi chiều về trông nom con gà, con lợn, giúp bà nó giặt giũ, cám bã...
Thầy Hoan thấy thật sự ái ngại. Đến đây, thầy lại thấy cần phải oán trách chị Nga, nỡ lòng nào bỏ ra đi được kia chứ? Ừ, nó có thể bỏ ta mà đi cũng được, nhưng với một hoàn cảnh như thế...
- Ông giáo ạ, hôm nay tôi sang đây, trước là thăm ông, sau là để có câu muốn nói.
Còn nói gì nữa nhỉ. Mà thôi, thầy Hoan nghĩ bụng, mọi chuyện cũng là bởi tại con gái ta, đã không biết giữ mình, đã không biết hầu hạ phụng dưỡng bố mẹ chồng. Nó đã đi rồi, nó đã bỏ đi với cả một nỗi niềm của nó. Thôi thì, con dại cái mang, ta sắp phải nghe những lời oán trách nặng nề đổ xuống đây.
- Vâng! Xin cụ có chuyện gì cứ bảo, tôi xin nghe...
- Chả là thế này, ông lão đắn đo, lâu nay ông giáo có nghe được tin tức gì về... mẹ con cô giáo Nga không?
Đã đoán được trước câu hỏi, thầy Hoan trả lời ngay:
- Không, cụ ạ. Từ ngày nó bỏ đi, tôi nào có được biết tí tin tức gì. Đến cả nói một lời trước lúc ra đi nó cũng chẳng nói để tôi biết. Thế cụ có nghe được gì không?
Ông lão Tuân hơi nhớm người trên ghế, như muốn ghé sát vào thầy Hoan để thông báo một cái tin quan trọng:
- Hôm nọ, tôi có gặp anh Định, giao thông xã, cái nhà anh khiểng chân ấy, ông giáo có biết anh ấy chứ...?
- Vâng, tôi biết.
- Anh ấy nói với tôi là có biết tin về mẹ con nhà cô Nga...
Quả là một cái tin quan trọng, khiến thầy Hoan lặng đi trong phút chốc. Như chợt tỉnh ra, thầy hỏi:
- Thế anh Định, anh ấy gặp nó à?
- Không gặp, nhưng cơ mà anh ấy nói với tôi, là anh ấy có một người bạn cũng làm cái việc đưa thư, phát báo nói là gặp được mẹ con người bên ta. Theo như anh ấy kể lại thì anh Định bảo đúng là cô Nga thật rồi.
- Nó ở tận đâu hả cụ?
- Phú Thọ. Cái ngày đi dân công Điện Biên, tôi cũng đã đi ngang qua Phú Thọ.
Thầy Hoan lặng đi trong một cơn choáng thất thần. Thế là người ta đã biết về nó, về cái nơi nó đang sống tha hương.
- Vâng, tôi cũng đã ở Phú Thọ. Nhưng đất bên ấy cũng rộng lắm, biết nó ở ngõ ngách nào?
- Chính thế đấy. Tôi đã nhờ anh Định đưa đến nhà anh giao thông ở Thuận Thành, là người lấy vợ bên Phú Thọ. Bên ấy là quê vợ của anh ta. Anh ấy cũng đã kể cho tôi mọi chuyện. Hiện thời, cô ấy làm thuê cho một cửa hàng ăn uống. Công việc là nắm than quả bàng cho nhà bếp...
Không đợi để thầy Hoan nói gì, bất thần, ông lão Tuân, bằng sức mạnh tiềm tàng của một lão nông, lại được trợ giúp bởi lòng tự tin cũng rất nông dân, đứng bật dậy, chắp hai tay trước ngực:
- Thưa ông giáo! Tôi có câu chuyện này muốn thưa cùng ông. Xin ông cho tôi mượn cái đĩa, tôi cũng muốn có chút lễ mọn, xin được thắp nén hương lên bàn thờ tiên tổ nhà ta. Để rồi, tôi sẽ nói...
Thầy Hoan bàng hoàng thật sự. Chuyện gì sẽ xảy ra nữa đây, nhưng hình như sắp có một sự thật được bộc lộ. Nếu mà đúng như cái sự mà thầy vẫn ngờ vực thì... Thầy không hỏi lại ông lão, đứng dậy vào trong bếp lấy ra một cái đĩa sắt tráng men đưa cho ông lão. Bấy giờ ông Tuân mới mở cái bọc giấy báo, từ trong đó hiện ra: một phong bánh khảo, ba quả cau, mấy lá trầu không và một tờ giấy bạc màu đỏ mười đồng. Tất cả được ông lão bày biện lên cái đĩa, thong thả đặt lên bàn thờ nhỏ nằm cheo leo trên bức vách. Đoạn ông quay xuống rót một chén nước chè, cũng cung kính đặt lên bàn thờ. Ông sửa lại bộ điệu, vuốt thẳng nếp áo, vươn tay thắp ba nén hương. Tất cả những việc làm của ông lão khiến thầy Hoan cứ dán mắt vào, trong khi toàn thân bất động. Ông lão khấn, nhỏ to, thủ thỉ, thẽ thọt, bổng trầm. Thầy Hoan ngồi cách đó mấy bước chân, nghe như không nghe. Mà quả thầy chỉ còn nhìn, chứ không nghe được gì. Mùi hương khói trong cái nóng he bức bối đã đưa đầu óc của thầy đến một phương khác mất rồi. Chỉ đến khi, ông lão quay lại chắp tay cung kính trước mặt thầy Hoan:
- Thưa ông... xin ông ngồi lên cho con... vâng, cho con xin lạy ông...
Lần này thì thầy Hoan chết lặng thật sự. Thầy không chết lặng về cung cách thái độ của ông lão Tuân, mà thầy điếng người đi vì một sự thật mà thầy đã dự đoán từ trước, nhưng cứ mong rằng nó không phải là như thế. Thầy cố lắp bắp
vài câu, chống chọi yếu ớt:
- Kìa cụ, cụ làm gì thế?
- Thưa ông giáo, thưa thầy. Con là Trần Tuấn Tuân, con đã làm một điều vô luân, vô đạo. Xin thầy tha lỗi cho con được nhờ. Thằng Hận con cô Nga, không phải là đứa con hoang, cô Nga không phải là người đàn bà hư hỏng, như bấy lâu nay người ta vẫn đồn đại. Thằng Hận chính là giọt máu của con...
Xoảng! Cái bàn gỗ ghẻ lở rung lên bần bật, ấm chén xô nhau rơi xuống nền nhà. Thầy Hoan đã giáng một quả đấm bằng tất cả sức nặng tủi hờn xuống nó. Lạ thay, thầy không ngất lịm, trái tim thầy vẫn đập, chỉ có phần hối hả lên hơn thôi. Mà nó vốn đã đập hối hả như thế từ cách đây nửa giờ, từ khi ông lão Tuân xuất hiện. Khốn nạn thật! Bố chồng ngủ với con dâu thế thì còn ra thể thống gì nữa, hả Trời? Trời già thật đã trêu gan! Và cũng lạ lùng thay, ông lão Tuân vẫn đứng trơ ra đón nhận cơn giận dữ, mà có lẽ rồi ông cũng đã đoán trước. Ngay cả điều này, ông cũng tiên liệu trước khi đôi mắt thầy Hoan long lên, miệng hét một tiếng nhỏ, khô cằn, nhưng quyết liệt:
- Ông! Ông cút ngay ra khỏi nhà tôi!

<< ĐOẠN 8 | ĐOẠN 10 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 462

Return to top