Tôi cho rằng, nhất định đến một ngày nào đó, gần đây thôi, người ta phải chịu hiểu rằng một con người được sinh ra là hoàn toàn ngẫu nhiên. Con người đó, sinh mệnh đó, bắt buộc phải có mặt trên cõi đời này hoàn toàn do ý chí của người khác. Và cũng có khi chẳng do ý chí của một ai. Tình cờ thôi! Đó chính là điều bất hạnh.
Rất nhiều người do chậm hiểu hoặc do lợi ích nào đó của mình, cố gắng biện hộ cho vai trò của con người. Đó là điều bất nhẫn, không thể tha thứ được. Sự ngẫu nhiên đến buồn cười của số phận khoác cho ai, buộc cho ai những thứ gì đó… đến bây giờ cũng chẳng có ý thức nào hiểu nổi.
Con người có thể là tổng hoà xã hội, có thể là người chủ vĩ đại của trái đất, có thể là sinh vật văn minh nhất trong vũ trụ… Có thể là tất cả. Nhưng con người trước sau gì cũng chỉ là một sinh vật nhỏ bé, mông muội, không chân tay, cũng chẳng có móng vuốt, không thể nào cựa quậy được với số phận.
Thằng Hận là một ví dụ. Khi nó hai mươi hai tuổi, đi cùng mẹ nó là chị Nga đến nhà tôi trong một đêm mùa hè ngoại ô vàng vọt, tôi không biết nó là một thằng trai bất hạnh. Nó bị bại não, tâm thần, chậm phát triển. Khi nó khoanh tay nhìn những tấm giấy khen của con gái tôi dán trên tường từ hồi cháu học mẫu giáo đến tiểu học và cười một cách ngây ngất, tôi tưởng nó là một người cầu tiến. Những người biết cười với giấy khen, bằng khen, huân chương là người vĩ đại, có chí lớn, họ đã và sẽ làm nên những kỳ tích. Tôi rất hy vọng ở các con tôi. Nhưng khi có một kẻ cứ cười mãi, cười hoài với huân chương, huy hiệu, thì tôi biết đó là một tên bại não. Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng chẳng nguyên nhân nào rõ ràng. Riêng tôi có một cách lý giải mà tôi cho rằng tự nhiên nhất, không mất lòng ai.
Chị Nga ôm con kêu gọi Trời Đất và những người khách đi tàu. Tiếng kêu của chị hoà trộn và lọt thỏm vào tiếng còi tàu lảnh lói và tiếng nghiến rầm rầm của bánh sắt. Không một ai nghe tiếng kêu than, van nài trời đất và lòng người. Họ tiếp tục chen lấn nhau để lên tàu, để đến một nơi định trước. Người, quang gánh, thúng mủng và hàng vạn những lời tục tĩu tuôn ra… nhưng không ai chú ý đến số phận thằng Hận. Họ còn phải sống cho họ vào những tháng năm tất bật ấy.
Trong lúc thất vọng tuyệt đối thì một người đàn ông rẽ đám đông, vươn hai cánh tay dài như tay vượn và vững như thép ra ôm lấy thằng Hận. Giọng anh lạc đi:
- Nó làm sao?
Anh Tĩnh! Chị Nga như người ôm con giữa dòng nước đe doạ chết đuối vớ được bè mảng. Một lần nữa, Tĩnh ôm thằng Hận chạy thẳng vào nhà ga, gặp một người có vẻ là quan chức, anh chìa thằng bé ra trước mặt ông ta:
- Y tế đâu? Thuốc đâu?
Người quan chức áo xám thoạt đầu ngạc nhiên, khi hiểu ra, ông ta lạnh lùng:
- Thuốc gì?
- Cháu bé bị cảm đột ngột, không cứu nhanh nó sẽ chết mất! Các ông có y tá không? Có thuốc không?
- Không có y tá, có thuốc nhưng không phải để cho hành khách. Chúng tôi chỉ có tủ thuốc nội bộ.
Tĩnh tiến lên áp sát viên quan chức nọ:
- Ông hãy cứu lấy cháu bé! Hãy cứu lấy một con người. Thuốc nào cũng được, nội bộ hay bán cũng được. Chúng tôi có tiền…
Thằng Hận tiếp tục co giật. Hai mắt nó trợn trắng dưới ánh đèn đỏ rực! Hinh như điều đó có làm cho viên quan chức đường sắt mủi lòng. Ông ta quay lưng:
- Đem nó vào trong này…
Một căn phòng kín gió, vài viên thuốc cảm, một hộp dầu “Con Hổ”, một ly nước đường đã giúp thằng Hận thoát khỏi bàn tay lạnh lùng của Thần Chết. Tĩnh nhai trệu trạo những viên thuốc cảm, mớm vào miệng thằng Hận. Rồi anh xoa dầu khắp người nó, đến nỗi đang từ cứng ngắc, toàn thân nó đần dần mềm lại. Nó nguội dần, và thở khò khè, khoé miệng nó hơi giật giật, một dòng nước trộn lẫn bột thuốc cảm trắng toát đọng lại, khô dần.
Bấy giờ chị Nga mới hoàn hồn, hay đúng hơn, mới nhìn thấy cái gì trước mắt mình. Thằng Hận đang nằm co quắp, Tĩnh ngồi dưới chân bộ ván bất động. Người cán bộ đường sắt thỉnh thoảng đi lại, vẻ sốt ruột. Những con thạch thùng bò thoăn thoắt trên bức tường vôi. Và chị ngạc nhiên thấy mình không khóc. Không khóc được mà chỉ nhìn. Đôi mắt chị dường như không hề chớp, lúc nào cũng mở trừng trừng. Bất kỳ cái gì lọt vào tầm mắt chị, cái thùng sắt tây, cái ghế gỗ cập kễnh, một người đi ngang qua, hai thanh ray song song hun hút về mãi tận vô cùng… cũng đều trở thành mối đe dọa đến sinh mạng con chị. Chị nhìn chúng, sợ hãi và căm hờn…
Đến lúc này, người cán bộ đường sắt mới hỏi Tĩnh:
- Anh chị đi đâu mà không phòng bị cho cháu? Ghê quá, nhỡ chẳng may nó chết ra ở đây thì khổ chúng tôi.
Tĩnh trợn tròn mắt nhìn ông ta:
- Chết thế nào được! Ông chỉ vớ vẩn. Mạng người đâu có dễ thế?
- Thì là tôi nói vậy. Bây giờ nó đỡ rồi, các người ra ngoài trả phòng cho tôi chứ!
Tĩnh thấy máu trong người sôi lên. Anh cố nén giận, hai hàm răng nghiến chặt, quai hàm bạnh ra. Thời buổi cơ khổ, anh có thể nện cho tên áo xám này một trận dễ dàng. Mà thế nào cũng có ngày phải nện cho chúng một trận. Nhưng bây giờ thì chưa, hãy cô nhũn nhặn. Dù sao mình cũng còn đang phải nhờ vả nó.
- Bác cho hỏi thăm, mấy giờ lại có tàu chạy Phú Thọ?
- Cái gì? Anh có vé đi Phú Thọ chuyến nãy à?
- Vâng! Hai mẹ con cháu. Cũng may, nếu lên tàu rồi không biết sẽ xoay xở ra sao. Thật phúc đức, nhờ được các bác…
Hình như ông cán bộ nhà ga cũng cảm thấy được phần nào an ủi. Ừ thì ra ta cũng đã làm phúc…
- Nếu cháu còn nặng thì tôi khuyên anh chị chưa nên ra tàu.
- Vâng! Xin các anh cho cháu nghỉ nhờ đến khi có tàu ngược. Chuyến tàu sau, chắc khỏi phải mua vé, các bác cho cháu lên nhé!
Người cán bộ áo xám nhìn Tĩnh khinh khỉnh:
- Vé chuyến nào đi chuyến ấy.
- Nhưng mà hãy còn nguyên, chưa xé. Tĩnh giải thích.
- Làm gì có chuyện. Lên tàu nhân viên nó tống xuống chứ yên với nó đấy…
Tĩnh đuối lý:
- Vậy cũng được! Thế là lại mất toi hai đồng. Mấy giờ mới lại có tàu hả bác?
- Sáng mai mới có tàu. Rồi ông ta lầu bầu: “Thế thì còn ngủ nghê chó gì”.
Tĩnh đã nghe thấy, và dường như ông ta lẩm bẩm cũng cốt để Tĩnh nghe thấy. Anh mỉm cười vì được dịp trêu tức ông ta;
- Làm nghề đường sắt như các bác vất vả thật. Mất ăn, mất ngủ, mà dễ có mấy ai thông cảm…
- Thì đấy! Ngày cũng như đêm…
- Nhưng mà các bác cũng có cái sướng. Vi vu suốt, nhỉ?
- Suốt đời chết dẫm ở đây, anh bảo đi đến đâu mà vi vu?
Tĩnh thân mật:
- Bác bảo thế nào chứ, cán bộ ngành đường sắt là có quyền lợi lớn lắm. Chả biết chỗ các bác đây thế nào, chứ ở Hà Nội, hay trong Nam, mỗi người hàng năm có vé đi tầu suốt không mất tiền…
Ông cán bộ áo xám bỗng trở nên linh hoạt:
- À, cái đó thì có. Năm nào tôi cũng có suất. Nhưng mà năm vừa rồi… túng quá, bán lại cho người ta!
Nghề nào cũng có cái cực, cái khổ của nó, Tĩnh nghĩ. Nhưng mỗi nghề cũng có cái hậu của nghề. Anh nhớ hồi từ miền Nam ra, dân tình xếp hàng đăng ký mua vé cơ khổ. Có người xếp hàng cả chục ngày trời mà vẫn không mua được vé. Những nhân viên nhà ga tách từng nhóm xếp hàng đầu lùa hành khách như lùa gà vịt vào trong phòng, có rào lưới mắt cáo kín mít để… xếp hàng tiếp. Tĩnh cũng ở trong số đó, quần áo bật cúc, tơi tả, mồ hôi đầm đìa như thú vật. Ấy thế nhưng tất cả những nhân viên ngành đường sắt trong cả nước, từ cán bộ lãnh đạo, đến anh công nhân, chị cấp dưỡng… đều được ưu tiên hai “giấy đi tàu” (hai giấy, một công chức đường sắt và một người thân), không những không mất tiền mà còn không phải xếp hàng. Đúng là một người làm quan cả họ được nhờ! Cái thời quan quyền đáng nguyền rủa. Vậy mà hễ cứ có dịp là hạch sách!
- Mẹ kiếp! Tĩnh bất thần đập tay xuống ghế, quát to.
Người cán bộ đang lơ mơ, giật mình:
- Anh chửi cái gì?
Tĩnh lúng túng:
- Dạ không! Là nhỡ mất chuyến tàu…
Hình như quá bức xúc vì bị chiếm mất căn phòng, ông ta nghĩ ra một kế:
- Từ đây vào thị trấn hơn cây số, có bệnh viện huyện. Thằng bé có vẻ nặng đấy. Hãy cho cháu vào đó khám, điều trị.
Chị Nga nãy giờ vẫn đứng ngoài sân, vì căn phòng quá nhỏ, giờ len vào ngồi thụp xuông chân giường, hai tay nắn chân thằng Hận.
- Không cần phải vào viện đâu, anh ạ. Chắc nó sốt nóng rồi cũng khỏi thôi.
Thế nhưng, lời khuyên của ông cán bộ nhà ga đã đúng. Thằng Hận đã sốt lính bì, liên tục kéo dài hơn một tuần lễ. Tất cả số tiền chị Nga dành dụm cùng với số tiền kiếm được trong chuyến xuôi mảng đã đổ vào cho nó. Tại bệnh viện huyện, đến ngày thứ tám, chị Nga phải năn nỉ các thầy thuốc cho nó xuất viện, vì nếu ở lại chị Nga sẽ không còn tiền.
Thằng Hận sống được là nhờ một phép màu. Nhưng sau trận sốt ly bì đó nó trở thành một đứa trẻ khác. Nó bắt đầu lớn nhanh như thổi, không bệnh tật và hầu như cũng chẳng biết khóc. Nó chỉ cười, và cười một cách vô tư, hồn nhiên, không cần lý do. Nhưng đó lại là một điều may mắn cho chị Nga. Trong những ngày đầu đặt chân lên đất Phú Thọ, chị bế nó đi kiếm ăn, tìm việc, nó là đứa trẻ rất ngoan, không gây phiền nhiễu gì cho mẹ. Và vì thế, nó được mọi người không ghét bỏ.
Chia tay mẹ con chị Nga ở nhà ga đêm ấy, Tĩnh lặng lẽ xuôi tàu về quê. Lòng anh bịn rịn và đau đớn khi phải xa mẹ con chị Nga. Anh nói với chị Nga một, nhưng nói với lòng mình mười rằng: “Tôi không bỏ mẹ con Nga đâu! Tôi sẽ đi tìm!”.
Câu chuyện của chị Nga ở Phú Thọ là một chuỗi những đắng cay. Đôi lúc, chị đã bất lực, quay đi mắc núi trở lại mắc sông. Không thể quay về được nữa. Cái thị xã nhỏ bé toàn nhà lá này, không ai biết thầy giáo Hà Đức Hoan.
Một buổi chiều mùa đông giá, hai mẹ con chị Nga đánh liều vào một cửa hàng ăn uống quốc doanh. Ở đây người ta dễ dãi, để cho hai mẹ con chị ngồi vào bàn mà không hề hạch hỏi. Cái của hàng ăn uống này bán theo phương thức xếp hàng. Nghĩa là người mua cần người bán, chứ người bán không cần người mua. Vậy thì chị Nga cũng chẳng phải là người cần mua. Cứ ngồi đấy mà đợi, chẳng ai ỏ ê đến đâu mà lo. Nói vậy thôi, chị cũng đứng dậy cúi khom lưng vào cái cửa sổ tò vò mua một bát phở “không người lái” với giá năm hào cho thằng Hận. Nó ăn ngon lành, chị Nga húp phần nước với một cái bánh mì cứng như đá, giá hai hào. Ăn xong thằng Hận gà gật rồi ngoẹo đầu lên đùi chị mà ngủ. Ngoài kia lất phất mưa bay, sụt sùi bùn vữa trên con đường vắng bóng người đi. Gió bấc ù ù thổi trong những tàu lá cọ, thỉnh thoảng lại rú lên những âm thanh tần số cao như tiếng rít của con mèo lên cơn giận dữ. Và trời dần ngả vào đêm. Mùi than đá bay phảng phất gợi lên một căn phòng ấm cúng.
- Này chị kia! Tiếng một người đàn bà lạnh lùng ngay sau vai chị Nga, khiến chị giật mình. Chị ngoảnh lại, bắt gặp cái nhìn đầy vẻ chủ nhân của người đàn bà.
- Dạ, chị gọi em.
- Chị chứ còn ai. Tối rồi, ra ngoài cho chúng tôi đóng cửa!
Chị Nga nhìn thằng con đang ngủ say, không nỡ đánh thức nó, ngẩng lên nói với bà chủ cửa hàng:
- Vâng! Tại cháu nó đang ngủ, em nhờ các chị. Lúc nào cửa hàng đóng cửa, chúng em ra…
Người đàn bà toan nói câu gì đó để đuổi được mẹ con chị Nga, nhưng lại bước vào. Nhưng dường như không yên tâm, bà ta quay lại hỏi:
- Nhà chị không phải người ở thị xã này phải không? Ở đâu mà giờ này còn ngồi đây?
- Vâng! Em ở xa lắm…
Chị Nga định nói rằng nhà chị không phải ở đây, rằng tí nữa hai mẹ con chị sẽ lại trở về với cái lều ngoài chợ. Nhưng người đàn bà bán hàng ăn uống đã tiếp:
- Thế không có họ hàng bà con gì hay sao?
- Dạ, có nhưng em không tìm được. Có lẽ họ chuyển đi rồi mà em không biết.
Bà chủ kéo cái ghế đẩu ngồi xuống trước mặt chị Nga:
- Phải rồi đấy. Từ ngày giải phóng miền Nam nhiều gia đình đã chuyển cả về trong ấy. Chắc người nhà cô cũng thế?
- Vâng! Em cũng đoán thế… Chị Nga thấy người đàn bà này cũng có vẻ dễ chuyện.
- Cô tìm hết chưa? Thế không thấy thì quay về chứ? Quê cô ở đâu?
- Dạ không! Quê em ở xa lắm, mãi bên Thái Nguyên cơ. Em cũng chẳng còn ai bên ấy. Em có quay về thì cũng như ở đây…
- Thế? Thế… cô? Bà ta ngạc nhiên, nhìn chị Nga như một con bệnh, miệng lắp bắp. Chị Nga tuy rất tuyệt vọng, nhưng đã quen rồi, lại mỉm cười:
- Vâng! Em ở đây, tìm xem có việc gì ai thuê mướn, khổ mấy cũng được…
- Cô muốn làm việc? Bà ta bỗng dịu giọng.
- Vâng! Chị có biết ai cần thuê mướn không? Chỉ cho em với…
Người đàn bà mà sau này, chị Nga biết chị ta tên là Thắm, thở dài:
- Rõ cơ khổ!
Rồi không nói không rằng, chị ta vào trong.
Chị Nga không biết mình vừa nói những gì và cứ thế trôi đi trong triền miên lạnh giá. Bỗng có tiếng kéo ghế sát bên. Chị Nga choàng tỉnh ngước lên, bắt gặp một khuôn mặt đàn ông đứng tuổi, có dáng vẻ của một người lãnh đạo bởi vẻ tự tin thường trực:
- Chào cô! Tôi nghe chị Thắm nói, cô muốn có việc làm ở đây? Ở thị xã này?
- Dạ, vâng! Chị gì khi nãy có hỏi em…
- Cô ở Thái Nguyên sang à? Lâu chưa? Có hai mẹ con à?
Chị Nga lúng túng trước những câu hỏi dồn dập của người đàn ông:
- Vâng ạ!
- Cô biết làm gì? Mà trông cô cũng là người có học đấy nhỉ? Đi tìm người nhà không gặp phải không? Ai thế?
Chị Nga cảm thấy có một chút vận may đang đến, khiến chị tự tin hơn:
- Tuy bố em có làm nghề dạy học, nhưng em làm gì cũng được ạ.
- Thế cô có biết nắm than quả bàng không? Than đá ấy…
- Dạ, biết! Chị Nga gần như reo lên. Than đá trộn bùn rồi nắm thành từng nắm để nấu bếp lò?
- Phải đấy. Ừ… Ông ta ngưng lại như để tìm lời. Lát sau ông dứt khoát. Tôi là cửa hàng trưởng ở đây. Tôi nhận cô vào làm công nhật. Công việc là nắm than quả bàng cho cửa hàng. Ngày công mỗi ngày, xem nào… một đồng hai một ngày. Cô có thằng con, tôi cho thêm ba hào là một đồng rưỡi. Ăn uống thì tuỳ…
Chị Nga ngẩn người ra, không hiểu gì. Bỗng chị ngồi thụp xuống cúi đầu:
- Đội ơn bác đã thương mẹ con em… Thế này thì còn gì bằng.
- Thôi nào, đứng dậy. Còn chỗ ngủ? Chưa có phải không? Bên trong kia cạnh kho than có một cái chái, cô có thể ngủ ở đấy. Còn trống lắm, mai rồi quây mấy tàu lá cọ vào cũng tốt…
- Dạ! Ơn này sống để dạ, chết em mangtheo, chứ không dám quên…
Ông cửa hàng trưởng cười:
- Ơn huệ gì. Tôi là Thức, cửa hàng trưởng, nhớ chưa? Mà cô chưa trả lời tôi: cô học lớp mấy rồi? Bố là thầy giáo, tôi trông cô cũng có vẻ là cô giáo đấy mà sao lưu lạc thế này? Thôi, cô bế cháu vào trong kia tôi chỉ chỗ cho. Mọi chuyện thủ tục gì nữa, mai làm tiếp.
Lần đầu tiên trong những ngày lưu lạc, rời khỏi cái túp lều ở Soi Vạt, chị Nga mới biết được cái cảm giác thế nào là ngôi nhà “của mình”, mặc dù cũng chẳng phải của chị.
Cái chái cạnh đống than đá, ba mặt trống hoang, chỉ có mỗi một phía liền với vách bếp đựơc đắp bằng gạch vỡ, sần sùi, làm chỗ dựa cho mẹ con chị. Đêm ấy chị ngủ được một giấc dài và chị lại mơ về cái làng Sơn Cốt bé bỏng và người cha đang lom khom bên mảnh vườn côi cút.