- Ráng ăn hết chén cháo đi Uyên. Cháo nầy mẹ tao nấu cho mầy đó.
- Miệng tao đắng quá làm sao ăn nổi.
Lam Uyên nhăn mặt ngồi dậy dựa vô vách, cô nhìn chén cháo còn bốc khói với vẻ khổ sở. Lẽ ra Uyên không nên bệnh vào lúc nầy. Tội nghiệp anh Hưng, mấy ngày nay chạy đôn chạy đáo mệt phờ râu với ba, đã vậy còn phải lo thêm phần cô nữa. Lam Uyên lúc nào cũng vô tích sự.
Chậm chạp nhai từng muỗng cháo nấu như bột. Lam Uyên thở than :
- Có mẹ như mầy thật không gì sướng hơn. Tao mất mẹ đã khổ, ba tao rước về bà mẹ ghẻ, anh em tao còn khổ gấp mấy lần.
Vi Lan chép miệng :
- Nhìn vẻ đon đả, ngọt ngào của dì Mai, ai biết dì ấy đối xử tệ với mầy và anh Hưng.
- Đúng ra dì ấy không xử tệ lắm đâu vì dẫu sao dì Mai cũng có ăn học. Dì hành hạ con chồng cũng khác người ta, nhẹ nhàng từng câu từng chữ nhưng nghe thấm và đau vô cùng. Có thể tại tao cố chấp nên bất cứ lời nói nào của dì Mai tao cũng để bụng và chờ có dịp trả lại, nhưng rõ ràng lúc mới về nhà nầy thì dì hoàn toàn khác xa bây giờ.
Lam Uyên nhếch môi :
- Lòng yêu thương quá sức của ba tao đã chắp thêm lông thêm cánh cho bả. Tao có cảm giác bà ấy là chủ gia đình chớ không phải ba tao. Hiện tại ông nằm một chỗ , chuyện gì xảy ra khi ba tao và bà Mai dứt khoát không để anh Hưng nhúng tay vào chuyện quản lý cái nhà hàng mới xây không được bao lâu nay. Nhà hàng Thiên Thai là toàn bộ tài sản, vốn liếng của ba tao, bây giờ một mình dì Mai quản lý, tao thấy đúng là giao trứng cho ác.
- Thôi ăn đi, đừng nghĩ ngợi nhiều quá. Tao gọt cam cho mầy ăn nghen.
Lam Uyên gượng cười. Cô nhìn những nụ hồng Brigit vàng cam trong lọ và thấy lòng dịu lại một chút.
Dường như đoán được suy nghĩ của Uyên, Vi Lan nói :
- Anh chàng Quang ga lăng thật. Đi thăm nhân viện bệnh lại ôm cả một bó hồng, con gái nào không cảm động. Coi chừng chiều nay anh ta lại ghé nữa đó.
Mắt Lam Uyên chớp một cái. Đúng là cô thấp thỏm ngóng chờ, nhưng người cô chờ đâu phải là Quang. Song kẻ làm cô trông ngóng sẽ không tới đâu.
Anh ta đã thẳng thắn nói rằng rất ghét đồ ngu như cô kia mà. Vậy anh ta tới đây làm chi cho tốn thời gian cơ chứ ? Và Lam Uyên nữa, tại sao cô phải chờ người đã mắng mình không chút thương tình như vậy.
Vờ như không thấy nụ cười rất lém của Vi Lan, Lam Uyên nói trớ đi :
- Nằm bệnh buồn quá phải ngóng xem có bạn bè nào tới không, chớ ai trông gã đàn ông ngọt như đường cát, mát như đường phèn đó. Vi mầy biết rồi, tao vốn ghét của ngọt.
- Vậy thì ăn cho hết chén cháo mặn nầy đi.
- Mẹ mầy nấu cháo ngon thật. Anh Hưng tao có phước mới được mầy thương.
Mặt Vi Lan ửng đỏ lên :
- Ăn no rồi nói bậy đi con yêu. Tao sợ cái mồm mầy thật đó.
Bỗng dưng Lam Uyên xìu xuống :
- Hỏi thật nghe! Tao ăn nói vô duyên lắm phải không? Và tao cũng lách chách nhiều chuyện nữa phải không.
- Sao tự nhiên hỏi tao như vậy? Mầy không vô duyên, không nhiều chuyện, nhưng chưa chính chắn khi mở miệng. Ở nhà mẹ tao luôn dặn con gái khi mở miệng nói một lời, thì lời đó phải mang ý của cả một câu.
Lam Uyên nhăn nhó :
- Nghĩa là sao tao không hiểu.
Vi Lan kêu lên :
- Ngốc ơi! Nghĩa là con gái phải nói ít, nhưng lời nói cần phải có trọng lượng. Hiểu chưa?
- Nhưng tao thấy mầy có ít nói đâu.
- Chậc! Mẹ dặn là một chuyện, còn mình làm được hay không là một chuyện khác nữa.
Lam Uyên mơ màng :
- Nếu mẹ tao còn sống, bà dặn điều gì chắc chắn tao sẽ làm được điều đó.
Vi Lan cầm trong tay hai viên thuốc, cô nghiêm trang :
- Tới giờ uống thuốc rồi em à! Đừng mơ nữa.
Uyên lắc đầu :
- Mầy là bà chị dâu số một đó Lan.
- Tao không có chị em gái, có mầy đúng là quý. Ờ, bà con mầy không còn ai sao Uyên ?
- Không! Nếu còn, họ cũng đâu ở Việt Nam.
- Là sao chớ ? Từ trước tới giờ tao chưa hề nghe mầy nhắc tới bà con, họ hàng.
- Tao có biết gì về họ đâu mà nhắc. Trước đây có dì Mười là chị bà con của ba tao ở ngoài xứ vô. Dì ở nhà tao từ hồi tao mới tám chín tuổi. Đến khi tao mười sáu tuổi, ba tao đem bà Kiều Mai về thì dì Mười bỏ đi mất. Tới giờ tao cũng chả biết dì đi đâu. Ngoài dì Mười ra, ba tao không có bà con nào nữa hết. Chỉ nghe ba tao kể chút chút khi ông vui miệng rằng hồi xưa bên ngoại tao giàu lắm. Ông bà ngoại tao là chủ hãng buôn có tàu bè lớn ở Đà Nẵng. Ba tao là người làm công cho ông ngọai, mẹ tao thương quá nên ông ngọai phải gả, chớ trong lòng ông không muốn và luôn tỏ thái độ khinh rẻ bên nội tao.
Ngừng lại một chút, Lam Uyên kể tiếp :
- Dù ông ngọai tao khó chịu như vậy, nhưng ba mẹ tao vẫn sống chung rất hạnh phúc. Cho đến năm anh Hưng được sáu tuổi, còn tao mới hai tuổi thôi. Anh Hưng cũng chẳng nhớ chuyện gì xảy ra, huống chi tao.
Thấy Lam Uyên lòng vòng, Vi Lan hỏi :
- Nhưng chuyện gì xảy ra cơ chớ ?
Lam Uyên nhiu nhíu mầy :
- Ba tao không bao giờ chịu nói rõ, nhưng đại khái là năm đó gia đình ngoại tao tổ chức vượt biên bằng hai chiếc tàu lớn của nhà. Không hiểu vì lý do gì mẹ tao lại không đi chung chuyến tàu với cha con tao mà bà đi chung với gia đình họ hàng bên phía bà. Cuối cùng chuyến đó cha con tao bị kẹt lại vì tàu hư máy. Tuy không bị bắt nhưng đám người đi chung tàu tham lam hăm dọa nhiếc mắng ba tao suốt. Người ta bảo ông ngoại tao tham lam độc ác, đứng ra ăn tiền cho nhiều nhưng đành lòng để họ lên con tàu hư, cha con tao bất quá cũng là con cờ thí để mọi người tin ông ngoại tao thiệt tình với họ mà thôi.
Thở dài Lam Uyên nói :
- Chuyến tàu kia đi trót nhưng lại gặp bão. Sóng đánh tan tành, xác người ta trôi tấp ngoài cửa Thuận An. Ba tao ra tìm, tuy không gặp ai trong gia đình bên ngoại nhưng chắc chả ai còn sống sót. Ba tao vừa buồn, vừa khổ nên bỏ Đà Nẵng vào đây đó chứ. Ngoài dì Mười, họ hàng bên nội tao cũng còn vài người ngoài xứ mà họa hoằn lắm tao mới nghe nhắc đến.
Vi Lan bâng khuâng :
- Mầy có tin bác gái còn sống không?
- Tin thì sao, không tin thì sao? Mẹ có sống cũng đâu ở bên tao. Càng nghĩ càng buồn vì câu hỏi không có câu trả lời ấy.
Im lặng một chút, Lam Uyên trầm giọng :
- Dạo nầy Việt Kiều về thiếu gì. Tao nghĩ, nếu còn sống và còn nghĩ tới chồng con, mẹ tao đã trở về tìm rồi.
- Vật đổi sao dời, biết đâu bác có về tìm nhưng không ra.
Lam Uyên nhăn mặt :
- Lạ thật, hôm nay tự nhiên lại gieo vào đầu tao những chuyện xa vời nghe khốn khổ quá. Hiện tại tao lo cho ba là đã muốn khùng rồi mầy biết không?
Tiếng chuông ngoài cổng dòn dã vang lên ngắt ngang lời Uyên. Vi Lan nhanh nhẹn bảo :
- Chắc là anh Quang của mầy tới.
- Không dám của tao đâu! Nếu là anh ta, mầy nói tao mệt lắm, mới vừa chợp mắt và không biết chừng nào dậy.
Vi Lan cười :
- Mầy dặn nhiều thứ quá, tao không nhớ để truyền đạt lại hết đâu.
Nằm một mình trong phòng Lam Uyên cứ thắc thỏm. Có bao giờ là anh không Duy, chắc không đâu nhỉ ? Anh đã có Tố Nga … canh giữ rồi, cô ta lo cho anh từng li từng tí, điên hay sao anh phải tìm đến thăm con nhỏ ngu ngốc hay quậy nầy.
Hưng bước vào với một bịt giấy trên tay. Anh đưa cô và nói :
- Anh không nói phần quà nầy, em thừa biết mà, đừng giả vờ ngây thơ nữa.
Lam Uyên ngang ngược :
- Anh nhờ người ta, thì anh mang ơn chớ đâu ăn thua gì tới em.
- Nói thật đấy hả nhóc ?
Lam Uyên nhịp nhịp chân :
- Thật chứ. Em ghét ông Duy, làm sao có thể mang ơn ổng được.
Hưng cười trừ :
- May phước anh có mình em, nếu thêm một đứa như vậy nữa, chắc anh… lớn không nổi. Nhưng tại sao em ghét Duy vậy ?
- Tại anh ta chẳng có điểm nào đáng ưa hết.
- Ít ra cũng có được một điểm đáng ưa chớ. Và biết đâu vì điểm nầy em đâm ra ghét người ta. Anh hiểu thói ngược đời, thích chơi trội của em quá mà. Nhưng ghét hay ưa, chuyện đó không quan trọng. Quan trọng nhất là cách sống, cách thể hiện nhân cách của mình. Dĩ nhiên anh đã đãi Duy một chầu đích đáng khi nó xin được việc cho em. Đó là phần của anh. Còn em thì sao đây? Anh đâu muốn mang tiếng có đứa em gái đẹp nhưng không biết điều lại vô ơn nữa phải không Uyên?
Lam Uyên nín khe. Bao giờ cũng thế. Anh Hưng rầy như giỡn chơi, nhưng ngẫm lại thì đau lắm. Lẽ ra cô không nên nói về Duy như thế với anh. Nhưng sao cô cứ buột miệng là ra những lời ngược với lòng mình vậy? Rõ ràng Duy rất tốt với mọi người trong gia đình cô kia mà.
Duy tốt không vụ lợi như Quang. Anh ta vào thăm ba, đến thăm Uyên với bó hồng cam tuyệt đẹp vì anh ta muốn chinh phục một con búp bê hơi khó tính như Uyên.
Bỗng dưng cô thấy mình lố bịt vô cùng. Uyên thẫn thờ hiểu ra, cô không còn trẻ con nữa để nói thật thành đùa, nói đùa thành thật như lâu nay cô vẫn hay nói.
Vi Lan bưng tới cho Hưng ly nước cam vắt. Cô ân cần hỏi :
- Hôm nay bác khỏe hơn chưa anh?
Lam Uyên thấy gương mặt đang xụ xuống đầy bực dọc của anh chợt tươi rói lên. Hưng uống một ngụm nước và nói :
- Ba anh đã đỡ nhiều, một phần nhờ thuốc, một phần cũng nhờ bác sĩ tận tình.
Âu yếm nhìn Vi Lan, Hưng khẽ khàng :
- Còn em thì sao? Mấy hôm nay em cực với gia đình anh nhiều quá, em có mệt không?
Vi Lan lắc đầu nhè nhẹ, hai người như đang chìm trong cõi riêng của họ. Lam Uyên nằm dài xuống giường xoay lưng vào vách và đắp mền lên đến tận cổ, cố vờ ngủ để khỏi phải nghe tiếng Lan cười khúc khích.
Có những nỗi cô đơn mà không người thân nào có thể chia sẻ cùng ta được hết.
Lam Uyên thấm thía hơn bao giờ sự cô đơn của mình. Cô ngóng mãi mà chuông cổng không vang lên. Mọi người đã quên cô, một con bé lóc chóc không đáng để ai nhớ cả.
o0o
Lam Uyên đi ngược chiều gió băng ngang công viên khi mưa bắt đầu ập xuống. Cô vừa vuốt mặt vừa chạy vội chạy vàng vào quán café gần đó.
Dầu nổi tiếng bướng và lì, Lam Uyên cũng không giấu được vẻ bối rối khi nghĩ trong quán toàn là thanh niên và họ đang dán mắt vào cô.
Vòng tay trước ngực như để tự bảo vệ, Uyên chợt thấy lạnh và bơ vơ kỳ lạ.
- Lam Uyên.
Giật mình quay lại, cô ngỡ ngàng khi thấy Duy đang bước ra.
- Ướt hết rồi! Vào đây ngồi cho ấm cô bé.
Rồi làm như không thấy vẻ ngại ngần của Uyên, anh tự nhiên nắm tay cô siết nhẹ. Uyên cảm nhận được hơi ấm từ Duy truyền qua mình. Một hơi ấm làm người ta bâng khuâng, xao xuyến. Tự nhiên cô trở nên rụt rè, e ấp đi theo Duy, Uyên để mặc anh kéo ghế cho mình ngồi, nhất định hôm nay Uyên sẽ là cô gái dịu dàng và dễ yêu nhất trong quán café nầy.
Hình như quan sát người khác là thói quen … xấu ở Duy hay sao ấy, và anh thường không giấu thói quen của mình. Chẳng đợi cô ngồi ngay ngắn, Duy tự nhiên nghiêng đầu ngó Uyên chăm chú rồi nói :
- Em mặc đúng bộ quần áo của ngày anh gặp em lần đầu. Anh nhớ đúng không?
Lam Uyên chớp mắt :
- Vậy hôm nay em có phải “chúc mừng sinh nhật” nữa không?
Duy tủm tỉm :
- Nếu như có sinh nhật anh sẽ có em xuất hiện, thì anh mong ngày nào cũng là sinh nhật hết.
Dứt lời anh lấy ra chiếc khăn mù-soa trắng tinh đưa cho Uyên :
- Lau mặt đi ! Lau luôn cả tóc nữa. Em vừa hết bệnh, mắc mưa không nên chút nào.
Thấy cô nắm chiếc khăn với thái độ ngần ngừ, Duy thêm :
- Khăn sạch bóng hà! Anh không có thói quen dùng khăn tay.
Định mở miệng hỏi: “vậy anh đem khăn theo làm gì?” Nhưng Uyên đã ngăn mình lại được. Cô lau sơ những mảng tóc ướt và nghe mùi nước hoa đắt tiền thoang thoảng…. Anh chàng nầy đỏm dáng gớm! Nhưng tệ nhất vẫn là mình, đi ra phố mình không mang ví, không đội nón y như một thằng con trai bụi đời.
Cô ngắm chiếc khăn trắng xung quanh móc viền bông dâu còn nguyên dấu ủi, gấp thẳng thớm rồi nhỏ nhẹ :
- Khăn vừa đẹp vừa thơm y như của con gái.
- Em thích không ?
- Nếu thích thì sao ?
- Thì em cất dùm anh.
Nheo nheo mắt Duy bảo :
- Biết đâu chừng có chiếc khăn nầy trong túi, em trông giống thiếu nữ hơn, vì đó là khăn con gái.
Lam Uyên cong môi :
- Em không phải mẫu người dễ đổi thay, nhất là đổi thay vì một vật không phải là của em, cũng không phải là của anh.
Duy dựa người ra ghế, mắt anh ánh lên những tia thích thú. Duy hỏi :
- Em uống gì ? Sữa nóng cho ấm người vậy.
Lam Uyên lắc đầu bướng bỉnh :
- Em không thấy lạnh. Cho em ly café đá thì tốt hơn.
Duy khẽ lắc đầu :
- Em đúng là em! Thích làm chuyện ngược đời. Nhưng anh năn nỉ em đừng uống café đá, em có nể tình bạn của anh mình mà đồng ý không ?
Giọng Lam Uyên hùng hồn :
- Được chớ! Vậy anh gọi cho em một ly sữa Milo, thứ trong tivi quảng cáo em mới chịu.
Duy nhìn Lam Uyên chun mũi hít hít chiếc khăn mù-soa mà buồn cười. Cô bé nầy thật lạ , bao giờ cô ta cũng tạo cho anh một ấn tượng mạnh khi xuất hiện. Và lần nào Lam Uyên cũng xuất hiện đột ngột, gây cho anh cảm giác bất ngờ để phải nhớ, phải nghĩ tới khi đã chia tay.
Lần đưa Lam Uyên về nhà vừa rồi, anh vẫn tức khi nhớ tới thái độ và hành động gàn bướng cố chấp vì một lời nói của Uyên. Anh nghe Hưng bảo cô bệnh, nhưng không tới thăm. linh cảm cho Duy biết nếu gặp Lam Uyên vài ba lần nữa, trái tim anh sẽ thay đổi nhịp đập. Duy không muốn thế vì anh đã có Tố Nga rồi…
- Sao anh ngồi yên vậy? Hay là anh cũng không muốn em uống sữa Milo? Anh muốn em uống café đen giống anh phải không ?
Duy hơi chồm người về phía Lam Uyên, anh buột miệng nói :
- Muốn uống sữa Milo thì Uyên phải ngồi thật ngoan ở đây, không được đi đâu hết nghe chưa. Anh sẽ gọi sữa cho em.
Lam Uyên gật đầu khoanh tay tựa lưng vào ghế, giọng cô ríu rít :
- Có cần phải nhắm mắt lại cho anh đếm một hai ba mở mắt ra uống sữa không ?
Bất ngờ vì giọng nói và gương mặt của Uyên dễ thương như mặt con nít, Duy gật đầu :
- Cần chứ! Em nhắm mắt lại đi. Ba giây thôi sẽ có sữa Milo ngay.
Lam Uyên nhắm hờ mắt và mỉm cười. Duy ngẩn ngơ nhìn, tâm hồn anh rối bời với ý nghĩ quái quỷ…. phải chi mình được cắn bờ môi hay trề kia một cái nhỉ.
Rồi như để dứt ra khỏi rúng động bất ngờ vừa rồi, Duy đứng dậy băng băng bước ra khỏi quán. Mưa vẫn không ngớt, và Lam Uyên vẫn ngồi vòng tay trước ngực, mắt nhắm chờ anh.
Mãi một phút sau, Lam Uyên mới hốt hoảng bật dậy. Duy đi đâu mất rồi, cô nghẹn người khi nghĩ anh bỏ cô ngồi đây một mình để trả thù thái độ ngông nghênh, vô ơn bất cần từ trước đến giờ cô đã đối với anh.
Cho tay vô túi, Uyên càng hoảng hơn khi nhớ ra mình không còn tiền, lúc nãy ở bệnh viện cô đã đưa hết phần tiền có trong túi cho Hưng và lững thững đi bộ về. Cơn mưa bất chợt nầy không phải là một tình cờ hữu duyên như Uyên vừa nghĩ lúc lim dim chờ Duy đâu.
Uyên càng hoảng hơn nữa khi người phục vụ tiến lại và hỏi :
- Xin lỗi cô cần dùng gì?
Lam Uyên lắp bắp :
- Không.
Cô thoáng thấy anh ta nhún vai trước khi bỏ vào trong quầy. Uyên vừa khốn khổ vừa đau đớn với suy nghĩ bị Duy cho ngồi đồng ở đây. Nhưng không lẽ Duy nỡ đối xử với cô như vậy, dầu sao cô cũng từng học chung với Hồng Linh và là em của anh Hưng mà.
Mười phút rồi! Đưa tay lên xem giờ, Lam Uyên cay đắng thầm nghĩ… cô vẫn có thể lột chiếc đồng hồ nầy ra thế chấp, nếu như …. Hic! Hic! Quả thật là ê chề, nếu như Duy cố tình chơi cô một cú đau điếng thế nầy.
Nhìn ra ngoài phố, trời vẫn mưa. Trong quán, khói thuốc lá mù mịt Lam Uyên chớp mắt khi nhận ra Duy vừa dựng chiếc Win ngay vỉa hè. Anh chạy vội vô, quần áo, đầu tóc ướt mem.
Trái tim Lam Uyên như nhũn ra khi thấy trên tay anh là một lọ thủy tinh màu xanh lá cây.
Vừa vuốt tóc, Duy vừa nói :
- Sữa Milo về tới rồi đây. Ráng chờ thêm một phút nữa, anh bảo người ta pha mỗi đứa một ly.
Đợi người phục vụ mang lọ sữa đi, Lam Uyên lí nhí :
- Tại sao anh làm như vậy? Em chỉ vòi vĩnh để đùa thôi mà.
Duy trầm giọng :
- Nhưng anh đã hứa. Và lời hứa của anh đâu thể nào là lời đùa chơi được.
Trống ngực Lam Uyên đập thình thịch trước mắt nhìn của Duy. Cái đôi mắt đáng sợ làm sao, dường như đôi mắt ấy đã làm cô choáng ở lần đầu gặp gỡ thì phải. Để rồi sau đó Uyên tự dối mình mỗi khi… lỡ nghĩ tới anh. Bao giờ cô cũng tỏ thái độ ghét Duy nếu cô nghe Hưng hồ hởi khen anh. Xưa kia Uyên không nghe anh hai nói đến tên Duy bao giờ, nhưng dạo nầy thì cô thường nghe lắm. Và lần nào nghe, Uyên cũng trề môi, đến nỗi Hưng dí dỏm bảo rằng Duy đồng nghĩa với trề môi, dễ ghét!
Còn bây giờ thì sao? Anh đang ngồi rất gần cô, mặt tái đi vì lạnh trông đáng yêu thế kia, Lam Uyên còn tự dối lòng được không.
Đưa khăn cho Duy, cô ân hận :
- Tại em mà anh ướt hết, nếu biết như vậy em… em…
- Em làm sao ?
- Em sẽ không nhắm mắt chớ sao! Nãy giờ chả thấy anh đâu, em lo muốn chết.
Duy hóm hỉnh :
- Lo và rủa thầm anh phải không ?
Mặt Lam Uyên đỏ lên khi thấy Duy đoán được suy nghĩ của mình.
Cô phụng phịu :
- Anh đáng bị rủa lắm đó.
Đẩy ly sữa người phục vụ vừa đem ra về phía Uyên, Duy bảo :
- Uống đi bé con.
- Anh cùng uống một lượt, em mới chịu.
Duy cầm ly của anh chạm nhẹ vào ly của Lam Uyên, giọng anh trầm xuống xúc động :
- Bây giờ và mãi mãi.
Lam Uyên xoay xoay chiếc ly trong tay. Cô bậm môi :
- Anh thích bây giờ hay mãi mãi.
Duy nghiêm trang đáp :
- Anh thích mãi mãi, vì bây giờ đang là của anh, đang thuộc về anh kia mà.
Lam Uyên trấn tĩnh lại ngay :
- Thời gian có thể thuộc về anh, nhưng con người, cụ thể là em thì không đâu à nha.
Duy im lặng đốt thuốc, Lam Uyên nhấp một ngụm sữa và bảo :
- Chị Tố Nga quả là người hạnh phúc.
- Anh cũng nghĩ vậy vì cô ấy có vẻ đơn giản. Những người đơn giản thường hạnh phúc hơn những kẻ phức tạp.
Lam Uyên buột miệng ngơ ngẩn :
- Theo anh thì em đơn giản hay phức tạp.
- Anh không trả lời được.
Cô kêu lên :
- Em đáng ghét dữ vậy sao ?
Duy nhả từng ngụm khói tròn và chờ nó tan loãng vào không gian rồi chậm rãi đáp :
- Chính vì em đáng yêu nên anh mới không thể trả lời. Lam Uyên, em là một cô bé lạ lùng. Anh ganh tỵ khi nghĩ đến gã đàn ông nào đó được em yêu.
Lam Uyên cười gượng, cô buồn bã vì lời nói như đùa chơi đầy ẩn ý của Duy. Nếu Uyên không nhắc đến Tố Nga, có lẽ anh cũng không nói câu vừa rồi. Rốt cuộc chính Uyên khơi sâu nỗi buồn lâu nay vẫn giấu kín của mình.
Cô se sẽ nói :
- Em muốn về.
- Ngồi với anh chút nữa đi. Đâu phải lúc nào chúng ta cũng có được những buổi chiều mưa như vầy.
Lam Uyên bắt sang chuyện khác :
- Dạo nầy Hồng Linh làm gì hả anh Duy ?
- Con bé đã sang Canada thăm ông bà ngoại cả tuần nay rồi. Anh ở nhà một mình cũng buồn nên mới ra quán như vầy đấy chớ.
- Sao anh không đến thăm “người tình trăm năm” cho vui ?
- Dĩ nhiên phải có đến thăm rồi, nhưng anh vốn tham lam, nên vẫn thấy chưa đủ … vui, thế là anh lại lang thang đi tìm…
Lam Uyên ngập ngừng :
- Anh đã gặp niềm vui nữa chưa ?
- Anh không gặp nhưng lại tìm thấy cái đáng giá hơn niềm vui rất nhiều.
Tò mò Lam Uyên hỏi :
- Là cái gì vậy ?
- Hạnh phúc! Anh đã thấy chút hạnh phúc mong manh như mưa. Như mưa chiều nay vậy.
Lần nầy thì Lam Uyên không chịu nổi ánh mắt da diết của Duy, cô vội nhìn xuống mặt bàn nâu sậm, chăm chú như đang tìm vật gì đó. Chắc cô không dám tìm chút hạnh phúc mong manh như Duy đã tìm thấy đâu. Với Uyên, cái gì mong manh cũng dễ vỡ hết, vì cô vốn vụng về cơ mà.
Nuốt tiếng thở dài rất khẽ vào lòng, Lam Uyên nói nhỏ nhưng cương quyết :
- Mưa đã tạnh rồi, em phải về thôi.
Cô thấy Duy dụi điếu thuốc hút dỡ, rồi bảo :
- Anh không là cơn mưa, nên chẳng giữ được chân em. Nhưng nhất định anh sẽ đưa em tới nhà.