Tiễn ông Hiệp về rồi, bà Tú Anh bần thần ngồi một mình trong phòng khách. Tại sao Sơn lại đi quen một con nhỏ buôn bán nào đó nhỉ chẳng lẽ nó u mê đến mức quên béng đi rằng cơ ngơi Đan Thanh mới là chỗ dựa của nó sao?
Bà Tú Anh chợt tức thở. Có lẽ bà phải chặn ngay chuyện này mới được. Đan Thanh vẫn chưa biết cái quầy sách đó. Mà cũng không nên để Thanh chạm trán với con hàng sách rẻ tiền ấy, vì dầu sao Thanh cũng là người có địa vị. Chính bà phải giải quyết vấn đề này một cách âm thầm mới được.
Nhìn đồng hồ, bà gọi người giúp việc, dặn dò đôi ba câu rồi bước ra đường ngoắc xích lô.
Tìm quầy sách ấy cũng không khó, đầu quầy tên báo Tuổi Trẻ như nhiều quầy khác trong thành phố, ông Hiệp đã chỉ chỗ, đã cho bà biết tên con bé, nhất định bà sẽ tìm ra thôi.
Tới công viên bà bảo bác xích lô chạy chậm lại và dừng hẳn trước một quầy báo.
Không vội vàng chi, bà Tú Anh chậm chạp tới gần và chăm chú nhìn cô hàng sách. Con bé đang giải thích gì đó với một lũ con nít.
Thấy bà, Ca Dao ngẩng lên mỉm cười. Bà Tú Anh lạnh tanh. Hừ! Xinh lắm so với Đan Thanh, thảo nào Sơn không thích cho được.
Ca Dao lễ phép:
− Mời bác xem báo ạ.
Bà Tú Anh cầm tờ "Sức khỏe đời sống" lật từng trang. Mắt bà nhìn vào báo, nhưng tai nghe không sót lời nào.
Con bé đang nói huyên thuyên chuyện tranh Subasa gì gì đó bằng giọng trong veo, và lũ trẻ cứ há mồm mà nghe.
Chà! Nó khéo dụ con nít lẫn con trai bằng cái giọng điệu này đây. Nếu nó léo nhéo như vầy hoài, làm sao bà có thể nói chuyện riêng với nó được.
Mà bà sẽ nói gì nhỉ? Mỗi khi xem phim bộ, bà ghét nhất những cảnh đại loại như vầy. Thế mà bây giờ bà phải đóng vai một bà mẹ độc ác nỡ chia cắt tình cảm của con mình với người nó yêu.
Nhưng chắc gì Sơn yêu. Thằng bé đang bị con nhỏ nghèo xơ xác này mồi chài. Hừ! Dầu sao con trai cưng của bà cũng là giám đốc mà. Bà phải cứu con mình khỏi bẫy tình này.
Xếp tờ báo lại một cách dứt khoát, bà Tú Anh ngắt ngang lời con bé:
− Phải cháu là Ca Dao không?
Hết sức kinh ngạc, Dao ấp úng:
− Vâng. Có chuyện chi không ạ?
Bà Tú Anh dõng dạc:
− Tôi muốn nói riêng với cháu một đôi điều. Nhưng cứ như cái chợ thế này thì chả làm sao mở miệng.
Ca Dao vội vàng giải tán đám trẻ trong trạng thái hoang mang. Cô không biết bà khách này là ai, gặp cô để làm gì.
Lẽ nào bà ấy lại là mẹ Tí Nị? Nếu đúng thế thì tàn đời ông Thiện rồi. Nhưng cũng không phải. Thiện đến nhà Tí Nị hà rầm hà rì, mẹ con bé tới làm chi? Hơn nữa, bà khác tìm cô mà.
Như đoán được nỗi hoang mang của cô, bà Tú Anh tự giới thiệu:
− Tôi là mẹ của giám đốc Sơn.
Ca Dao hơi choáng vì câu giới thiệu đầy ấn tượng này. Cô lắp bắp:
− Cháu chào bác ạ.
Bà Tú Anh vụt hỏi:
− Sơn quen cháu ở quầy báo này hả?
Ca Dao gật đầu đại. Bà Tú Anh ngạo nghễ:
− Lãng mạn quá nhỉ? Nhưng sẽ chẳng đi tới đâu đâu. Sơn sắp cưới vợ, cháu đừng bám theo nó nữa. Tội lắm.
Mặt Ca Dao tái xanh như không còn chút máu, cô ráng nói từng tiếng:
− Bác quá lời rồi, cháu không hề bám theo anh Sơn.
Bà Tú Anh điềm tĩnh:
− Cứ cho là như vậy. Tôi chỉ yêu cầu cháu hãy cắt đứt quan hệ với Sơn. Hai tuần nay, đêm nào Sơn cũng kè kè theo cháu về tận nhà. A! Vậy là Sơn bám theo cháu. Nhưng vì sao, cháu biết không?
Ca Dao còn đứng chết lặng, bà Tú Anh đã bồi tiếp:
− Vì Sơn giận cô vợ sắp cưới, nên mới chơi trò cút bắt với cháu cho hả. Chớ nó chẳng có tình ý gì hết. Tôi nghĩ mình có bổn phận cho cháu rõ vấn đề để tránh cho cháu khỏi khổ đau về sau. Con vợ nó ghen lắm đấy. Nó sẵn sàng làm rùm lên, lúc ấy, cháu chẳng bán buôn gì được nữa đâu.
Ca Dao phải bám vào kệ sách để đứng cho vững, nhưng đất vẫn nghiêng ngã dưới chân. Không gian như bồng bềnh quanh đầu. Dao nghe như ai đang bóp nát tim mình. Cô muốn khóc, nhưng nước mắt ráo khô. Đành phải đứng yên để nghe những lời khác nào sỉ nhục.
Mãi đến khi nghe giọng Uy vang lên, Ca Dao mới tỉnh hồn tỉnh vía.
Uy đứng trước mặt bà Tú Anh và cười thật tươi:
− Dì Anh đi mua báo cho anh Sơn à?
Bà Tú Anh hơi hẫng vì sự xuất hiện đột ngột của Uy.
Quái! Sao nó lại có mặt ở đây nhỉ? Nhìn Uy bà lại nghĩ tới Diễm Quỳnh, đứa phản bạn, mẹ của nó.
Bình tâm lại, bà trả lời:
− Không. Dì không mua báo dì tìm Ca Dao có chút chuyện.
Uy gằn giọng:
− Cháu cũng đoán thế. Ca Dao là bạn cháu. Xin dì đừng làm phiền con bé vì những lời vô bổ vừa rồi mà nên về nhắn lại với Sơn rằng gia đình Ca Dao không muốn anh ta tới mua báo, rồi cà kê tán tỉnh con người ta cả buổi trời cũng như không muốn Sơn kè kè theo Ca Dao những lúc cô bé đi học về.
Mặt bà Tú Anh đanh lại:
− Mày thích chen vào chuyện người khác lắm hả con, Sơn không ưa mày đâu.
Uy thản nhiên:
− Cháu cũng có thích gì ảnh. Bởi vậy dì bảo ảnh hãy coi chừng. Người đạo đức như Sơn không kình nổi dân côn đồ như cháu đâu.
Bà Tú Anh giẫy nẩy:
− Tao không nói chuyện với mày.
Chỉ vào gương mặt thất thần của Ca Dao, bà đe:
− Hãy nhớ những gì tôi vừa nói đó.
Nhìn bà Tú Anh te te bước lên xích lô, Uy lắc đầu:
− Dì Tú Anh là người tốt, nhưng dễ bị kích động và lôi kéo.
Ca Dao ngồi phịch xuống ghế. Cô đã hoàn toàn trở lại. Người đầu tiên cô trút bực là Uy.
− Ai bảo anh nhiều chuyện.
Uy dang tay phân bua:
− Lương tâm anh phải nói thế. Bà Tú Anh không có quyền nhục mạ em.
Dao rên rỉ:
− Nhưng Sơn thì sao? Anh ta sẽ nghĩ gì khi nghe những lời của anh. Ảnh sẽ giận em mất.
Nhìn Dao bằng ánh mắt thương hại, Uy hạ giọng:
− Tới giờ phút này em vẫn chưa hiểu ra vấn đề sao?
Ca Dao ngơ ngác:
− Vấn đề gì?
− Rằng Sơn không thật tình với em. Rằng những lời bà Tú Anh vừa nói là sự thật.
Ca Dao thừ người trên ghế, hai tay máy móc sắp xếp lại các loại báo trên quầy.
Xếp tới xếp lui một hồi, Dao mới lên tiếng:
− Anh biết gì về Sơn mà dám nói thế?
Uy xoa hai tay vào nhau:
− Không nhiều lắm. Nhưng phải nhiều hơn cái sơ biết của em. Mà tìm hiểu hắn làm chi nữa. Những lời bà Tú Anh hoàn toàn chính xác đó.
Ca Dao lắc đầu:
− Em không tin. Sơn từng kể với em rằng mẹ ảnh thích có con dâu nhà giàu, nên hay gán ghép ảnh cho những đám bác ấy ưng ý. Nhưng Sơn chỉ thích cưới người mình yêu.
Ngừng để thở xong, Ca Dao nói tiếp:
− Bà Tú Anh xuất hiện là việc ngoài sự tưởng tượng của em, nhưng những lời bác ấy nó, em đều lường được cả.
− Theo em thì dì Tú Anh đã dựng lên việc Sơn sắp cưới vợ để làm em chùn bước chớ chuyện đó không có thật à?
− Vâng. Dù những gì bác Anh nói có làm em sốc. May mắn sao đó chỉ là giả thuyết.
Uy chép miệng:
− Em đúng là mù quáng.
Ca Dao thản nhiên:
− Em đã nói rồi. Sơn thành thật hơn anh, làm sao em tin anh được.
− Nhưng nên tin dì Anh.
Ca Dao im lặng, cả Uy cũng thế. Lâu lắm cô mới lên tiếng:
− Làm ơn đừng xen vào chuyện của em nếu vì anh ghét Sơn.
Uy sững người ra một lúc mới nói:
− Vâng.
Uy chưa kịp đi thì Sơn tấp xe vào. Thấy anh, mắt Ca Dao sáng ngời hạnh phúc, cảm thấy mình đứng đây là thừa, Uy vào nhà Phương Phi hát karaoke với đám bạn của cô.
Mãi tới khi nghe Thiện gọi, anh mới bước ra.
Hất mặt về phía Sơn, Thiện hỏi:
− Thằng đó phải không?
Uy gật đầu:
− Ca Dao không giới thiệu với mày à?
Thiện chép miệng:
− Tao chưa vào quầy, giờ tính sao đây?
Uy nhún vai:
− Tùy mày, tao là người ngoài mà.
Thiện đá cái lon pepsi không vào góc sân rồi hùng hổ bước ra, giọng trống không:
− Tối nay dẹp quầy sớm nha.
Ca Dao liếc vội Sơn rồi nhìn Thiện:
− Sao vậy anh Hai?
Thiện cộc lốc:
− Vì anh không thích cảnh này.
Quay sang phía Sơn, Thiện nhếch môi:
− Xin lỗi anh bạn, chắc anh hiểu những gì tôi vừa nói chứ. Tôi chính thức yêu cầu anh đừng đùa với Ca Dao nữa. Anh không phải là đối tượng của con bé.
Sơn bất ngờ vì những lời Thiện nói, nhưng anh vẫn điềm đạm:
− Tôi luôn tôn trọng Ca Dao và muốn làm bạn với cô bé. Tôi không đùa.....
Thiện nheo nheo mắt:
− Anh không cần giải thích. Tôi đã nói rồi. Ca Dao không thể có bạn như anh.
− Tại sao chứ?
− Câu hỏi quá thừa. Tôi không muốn lật tẩy anh tại đây. Nhưng nếu anh tiếp tục đeo theo Ca Dao tôi không nể nang đâu.
Ca Dao kêu lên:
− Anh Hai? Sao anh lại nói vậy?
Thiện gằn giọng:
− Em nghe đây. Ba mặt một lời. Em và anh ta không được giao du quan hệ với nhau. Nhớ đó.
Thô bạo đẩy mạnh Sơn ra, Thiện hất hàm:
− Mời anh đi cho chúng tôi dẹp quầy.
Sơn mím môi sửa lại mắt kính rồi bước nhanh trong tiếng gọi thất thanh của Ca Dao. Cô mở cửa quầy chạy vụt theo, nhưng Thiện đã kéo tay cô lại.
Ca Dao khóc nấc lên:
− Uy đã to nhỏ gì để anh làm thế chứ?
Thiện nghiêm mặt:
− Uy không nói gì cả. Đây là chuyện của mình, anh không muốn em bị lừa.
Ca Dao chanh chua:
− Anh lừa được Tí Nị nên tưởng ai cũng quen dối trá như mình. Sơn khác hẳn anh và Uy.
Thiện gật đầu:
− Đúng. Hắn khác xa bọn anh. Hắn độc ác và tinh tế hơn trong việc lừa con gái vì mục đích nào đó chớ không phải vì yêu.
Ca Dao ngang ngạnh:
− Em nghèo cũng chẳng đẹp, em chả có gì Sơn lừa em cả.
Thiện nói:
− Nghĩ vậy là lầm. Anh biết chắc một điều hắn không thật tình. Hãy tránh xa hắn ra.
Ca Dao ôm đầu. Cô nhớ những lời của bà Tú Anh. Những lời thì thầm ngọt ngào vừa rồi của Sơn, rồi không biết nghe ai.
Ca Dao không dám cho Sơn biết mẹ anh đã gặp cô. Nãy giờ hai người chỉ trao đổi những chuyện vu vơ. Chưa được bao lâu, Thiện đã xuất hiện. Anh đúng là võ biền thô bạo. Chẳng cần giải thích hành động của mình mà chỉ chứng tỏ quyền huynh thế phụ một cách thô thiển trước một người trí thức, có tầm cỡ như Sơn. Bị Thiện sỉ nhục, chắc chắn anh sẽ giận lây cả Dao, thật là khổ.
Đang thắc thỏm bực bội và cả đau khổ, thấy Uy từ nhà Phương Phi bước ra, Ca Dao hầm hừ:
− Đúng là tiểu nhân.
Mặt đanh lại, Uy gằn giọng:
− Em vừa nói ai vậy?
Dao thách thức:
− Nói anh. Chính anh xúi anh Thiện đuổi Sơn đi và cấm Sơn giao du với tôi chứ gì? Thú thật, tôi khinh bỉ hạng như anh.
Giữ chặt vai Dao đến mức cô phải kêu lên vì đau, Uy nhấn mạnh từng chữ:
− Nè! Em đã lớn nói phải biết suy nghĩ nhé.
Buông Dao ra, anh nói với Thiện:
− Nếu con bé không phải em mày, tao đã bạt tai vài cái cho bỏ tật bộp chộp.
Ca Dao lại rộng mồm:
− Cứ thử xem. Đây là lần thứ hai anh hăm tôi rồi đó.
Thiện quát:
− Im ngay. Đã sai còn ong óng. Xin lỗi Uy đi.
Dao bĩu môi:
− Có chuyện đó nữa à? Anh cứ mắng em vì bạn hiền đi, rồi sẽ tới lúc ân hận vì không biết chọn bạn mà chơi.
Dứt lời, Ca Dao bó gối thút thít khóc. Nước mắt phụ nữ làm hai gã con trai ngớ mặt nhìn nhau.
Thiện nhăn nhó:
− Stop cá phông-tên nước ấy giùm tao. Chỗ buôn bán mà khóc, coi sao được.
− Cứ mặc xác em. Anh đuổi khách cả rồi, còn buôn với bán gì nữa.
Uy đốt thuốc và rít liên tục mấy hơi. Vừa rồi Thiện đúng là nóng vội, cộc cằn. Anh làm thế khiến Ca Dao vừa khó phục vừa oán. Chắc chắn cô bé sẽ rời Sơn, mặc dù Thiện đã "ba mặt một lời". Đã vậy, Uy cũng bị giận oan. Anh biết rất khó để Dao tin mình không dính líu vào hành động của Thiện, dù thâm tâm anh vẫn khoái thấy cậu ta ... ra tay với Sơn. Khổ là Thiện ra tay hơi ... bị dở. Còn Dao lại không sợ ông anh của mình chỉ vì cái tội giả vờ gãy tay trước kia.
Uy thở dài. Trò đùa tai hại do Uy đạo diễn đã khiến Thiện mất uy với em gái. Đó là 1 kinh nghiệm Uy phải nhớ đời, vì trong mắt nhìn của Dao, Uy chỉ là 1 tên tiểu nhân, đáng khinh bỉ.
Thiện chậm chạp dẹp những kệ sách báo treo quanh nhà, Ca Dao vẫn ti tỉ khóc và ngồi làm ... cục nhân ở giữa.
Uy bước tới phụ Thiện và chợt nhận ra hình như mình mắc nợ anh em Ca Dao từ đời kiếp nào.
Chống tay dưới cằm, Ca Dao thẫn thờ nhìn ra đường. Con phố nhỏ đông vui dạo này bỗng trở nên buồn vắng trong mắt cô. Điều đó cũng dễ hiểu vì người buồn cảnh có vui đâu bao giờ? Buồn hơn hết là không ai để Dao trút cạn nỗi niềm. Đứa bạn gái quí nhất của cô đã theo gia đình xuất cảnh. Từ đó, cô khó thân với ai, nhất là với đám bạn chung lớp luyện thi đại học.
Lật tờ Mực Tím, Ca Dao tìm trang Nhí Nhố đọc để cười, nhưng cô không cười nổi khi nhớ tới Sơn.
Có lẽ Ca Dao đã mất anh thật rồi. Tự ái của một người đàn ông thành đạt không cho phép Sơn tìm đến với cô. Ca Dao không thể trách anh, Sơn chẳng có lỗi gì cả. Người có lỗi hạng nhất trong truyện này là Uy.
Nghĩ đến hắn, Dao muốn nổi điên. Hừ! Chính hắn thỏ thẻ với Thiện, nên anh mới sỉ nhục Sơn của cô như vậy. Mắng hắn là "tiểu nhân" vẫn còn quá nhẹ. Nhưng để ... nặng hơn, Dao chưa kịp nghĩ ra.
Dạo này Uy lủi đâu mất xác. Chắc anh chàng ngại đụng mặt Dao. Hừ! Xem ra Uy cũng biết quê. Nhưng hắn quê cỡ nào cũng không đau bằng cô.
Ngực Dao lại nhoi nhói vì Sơn.
Có bao giờ tại Dao nói: "Không có gì với anh mà Sơn phải yêu người đàn bà ấy" không?
Có bao giờ vì áp lực của mẹ, cộng thêm những lời hăm he của anh Thiện mà Sơn sẽ chấp nhận cưới vợ giàu cho vừa lòng bà không?
Có bao giờ Sơn là người giả dối, xem cô khác nào một trò đùa, như anh Thiện đã buộc tội không?
Có bao giờ... có bao giờ... Những nghi ngờ âu lo cứ rối nùi trong lòng Ca Dao. Những bối rối này, cả anh Cỏ Cú, anh Bồ Câu, chị Thanh Tâm cũng chưa chắc gỡ cho Dao được. Tự cô phải tháo dần dần thôi. Nhưng biết đầu mối nằm đâu để tháo cơ chứ.
Ca Dao bán cho khách tờ Thanh Niên thứ ba rồi lại ngồi xuống chống cằm chờ Thiện. Sắp đến giờ cô đi học mà anh vẫn chưa xuất hiện.
Lại tới nhà Tí Nị làm ... công quả chứ gì? Trong lòng Dao lại âm ỉ ganh tỵ với anh mình. Thiện đang hạnh phúc, vậy mà chẳng biết thương yêu, thông cảm với em gái. Anh chia cách Dao với Sơn và có vẻ tự hào với việc làm của mình mới ... ác chứ.
Dạo này hai anh em ít trò chuyện cùng nhau. Ca Dao giận Thiện là đương nhiên. Trong lúc đó, Thiện cứ lải nhải mãi câu:
− Anh chỉ muốn tốt cho em.
Tốt đâu không thấy, chỉ thấy Ca Dao thất tình.
Vừa thấy Thiện tấp xe vào, Ca Dao đã mở cửa quầy bước ra ngay. Cô lầm lì dắt xe ra.
Thiện dặn với theo:
− Nhớ đem theo áo mưa đây.
Ca Dao không trả lời, cô về nhà, ăn cơm một mình, buồn bã một mình thêm vài ba phút mới đạp xe đi học.
Mấy hôm nay, mẹ đi Đà Lạt với cơ quan. Nhà đã vắng càng vắng hơn. Dao không hiểu anh Thiện có mách gì với mẹ về chuyện của cô và Sơn không, mà hôm trước khi đi, bóng gió lên lớp cô cả buổi tối về đàn ông, khiến Dao đang buồn phải cộng thêm ngao ngán.
Trong mắt bà hình như chả có người đàn ông nào tốt, kể cả người cha quá cố của cô. May là Dao vẫn giấu chuyện vờ gãy tay của Thiện, nếu không, người duy nhất tốt trong thiểu số đàn ông tốt đã bị mẹ mắng te tua rồi.
Ca Dao và Thiện vẫn không sao hiểu nổi vì lý do nào mẹ lại ác cảm với đàn ông đến thế. Chẳng lẽ bà từng là nạn nhân của họ.
Đã hơn một lần Thiện lén đặt câu hỏi đó với Dao và hai anh em che miệng cười khúc khích thật vô tâm.
Tới trường, ngần ngừ một chút, Ca Dao quyết định gởi xe bên trung tâm tin học vì cô vẫn hy vọng được gặp Sơn để nói lời xin lỗi với anh.
Nhìn đồng hồ, Dao thấy vẫn còn sớm nên thay vì về lớp, cô chạy lên hành lang tìm phòng giám đốc, mà chẳng ... ngu dại gì đến xin phép ông bảo vệ hắc ám.
Phòng của Sơn cũng chả khó tìm. Dao vừa đứng trước cửa phòng thì nghe tiếng tằng hắng sau lưng.
Quay lại, cô gặp ngay đôi mắt soi mói lạnh lùng của người đàn bà ngoài ba mươi mà cô từng gặp đi cạnh Sơn.
Cô ta nhếch môi đầy ngạo nghễ:
− Lại có thứ ... cột đi tìm trâu sao kìa? Đúng là trơ trẽn.
Vờ như không nghe những lời ám chỉ đầy chua ngoa của cô ta, Ca Dao lịch sự:
− Thưa chị, cho em gặp giám đốc Sơn.
Mặt hất lên, cô gái hỏi:
− Chi vậy?
Cao Dao đổ bướng, cô cộc lốc:
− Có việc riêng.
Môi cô gái mím lại:
− Việc riêng gì? Tôi là Đan Thanh, vợ sắp cưới của giám đốc Sơn đây. Em có thể nói với tôi cũng được.
Ca Dao đờ người ra vì những lời sấm sét vừa nghe. Chống tay vào tường ấp úng:
− Chị nói láo.
Đan Thanh cười nhạt:
− Sao cơ? Tôi láo à? Để làm chi cơ chứ? Lần trước em đã tìm Sơn một lần, lần này lại muốn làm phiền ảnh nữa. Một giám đốc trung tâm tin học lớn, chả lẽ có dư thời gian để tiếp em? Thú thật, Sơn không giấu tôi bất kỳ chuyện lớn nhỏ nào. Do đó, dầu hơi ác, tôi vẫn phải nói cho em biết Sơn đùa với em như một cách thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng bên máy tính mà thôi.
Hít một hơi dài để dằn cảm xúc xuống, Đan Thanh nói tiếp:
− Bây giờ trở đi sẽ không còn những trò đùa đó nữa đâu. Chúng tôi sắp cưới nhau và Sơn không thể lông bông vì như vậy sẽ mất uy tín vợ mình.
Ca Dao lắc đầu:
− Em không tin Sơn lấy một người lớn tuổi hơn mình làm vợ.
Mặt Đan Thanh dúm dó vì bị đánh vào chỗ đau, cô gần như gầm lên:
− Tin hay không mặc xác em. Nhưng nếu đến gần chồng tôi thì đừng có trách. Bây giờ cút khỏi đây ngay, nếu không, tôi sẽ gọi bảo vệ đó.
Ca Dao vụt bỏ chạy như một kẻ chiến bại. Cô vào lớp ngồi thu mình trong góc, mặt ngơ ngác như bị ai cướp mất phần hồn. Ráng ngồi hết một tiết, Ca Dao không chịu nổi sóng gió đang diễn ra trong hồn, nên cô xách cặp về.
Vào trung tâm lấy xe, cô vẫn cố nhìn về phía phòng giám đốc, nhưng phòng không bật đèn. Vậy là Sơn đã về rồi, hoặc giả anh không tới.
Những lời hăm dọa đầy căm tức, ghen tuông của Đan Thanh chợt vang lên làm Ca Dao rùng mình.
Có lẽ nào ... có lẽ nào... Những câu hỏi không đầu không đuôi cứ lộn xộn nối tiếp nhau xuất hiện trong tâm trí Dao làm cô đã mệt càng mệt hơn. Cô thua rồi. Cô sắp chết vì vỡ tim rồi. Sơn biết điều đó không?
Mắt cay xè, Ca Dao cứ đạp xe theo quán tính. Tới ngã tư, đèn đỏ cô ngừng xe sát lề. Vô tình liếc sang trái. Dao thấy Đan Thanh kênh kiệu ngồi thẳng lưng trên chiếc Spacy đời mới nhất. Cô ta nhìn Dao bằng nửa con mắt và cười với nụ cười nửa miệng đầy khinh rẻ.
Đèn vừa lóe xanh, Dao vội đạp mạnh pêđan. Cô căm ghét cái gương mặt phù thủy kia tận xương tủy. Cô không muốn nhìn thấy Đan Thanh, nhưng hình như Thanh muốn trêu ngươi Dao. Cô ta cứ tà tà chạy ép một bên Ca Dao. Vừa lúc ấy, một chiếc Su Crystal từ bên kia đường băng qua ngược chiều sát đầu xe của Đan Thanh, cô hoảng hồn lạc tay lái, chiếc Spacy cúp ngang đầu xe đạp của Ca Dao, khiến nó đổ lăn kềnh ra đường. Ca Dao văng ra khỏi xe, lăn sóng soài trên đường.
Đan Thanh xiểng niểng mém té. May nhờ hôm nay cô mang giày đế thấp nên chống chân được, nếu không, chắc xe cô cũng đổ ra đường.
Chẳng cần biết... con quỷ nhỏ ấy ra sao, Đan Thanh rồ ga chạy tiếp, nhưng những người đi đường đã nhanh nhẹn chận cô lại.
Đám đông mau chóng vây thành vòng tròn quanh hai người. Ca Dao vẫn còn nửa nằm nửa ngồi dưới đất, mặt nhăn nhó, đau đớn. Cô không tài nào đứng dậy được.
Đan Thanh bước tới:
− Nè! Định ăn vạ sao hả?
Ca Dao mếu máo:
− Tôi không đứng dậy được.
Đám đông lao nhao:
− Chắc gãy chân rồi. Mau đưa con bé vào bệnh viện đi.
Vẫn vẻ mặt chủ quan khó ưa, Đan Thanh cười khẩy:
− Làm gì mà gãy chân, nó muốn vòi tiền thôi.
Móc trong ví ra một nhúm giấy 50 ngàn, Thanh xòe ngay mặt Ca Dao, đúng lúc có hai người đàn ông đỡ cô dậy.
− Lấy tiền sửa xe, coi như huề.
Người đàn ông lái taxi gạt tay Thanh ra:
− Cô nói vậy mà nghe được sao? Chân con nhỏ sưng tấy lên rồi kìa.
Nghe nói vậy, Ca Dao giật mình nhìn xuống. Bàn chân, cổ chân cô trầy trụa và bắt đầu sưng to.
Ca Dao bật khóc:
− Chị ác lắm nên mới cố tình hại tôi như vậy.
Người ta nhấc Dao lên xích lô, xe đưa cô tới trung tâm chấn thương chỉnh hình.
Những người tốt bụng bắt Đan Thanh phải đi theo tới lúc này, cô không thể chối bỏ trách nhiệm của mình nữa, nhưng cũng không vì thế mà Thanh bớt hợm hĩnh, ngông nghênh.
Mặc cho Ca Dao ngồi xe lăn vào phòng cấp cứu, Thanh ra quầy điện thoại gọi về cho ông Hiệp, nhưng không gọi Sơn. Cô đâu ngu dại gì để anh chứng kiến cảnh con bé vì cô mà què.
Trong lúc đó, Ca Dao mừng quýnh khi gặp Phước, ông bạn quý của anh Thiện vẫn đang thực tập ở đây.
Thấy Dao, anh chàng kêu lên:
− Trời ơi! Thật hay đùa đây?
Ca Dao sụt sùi:
− Em không biết. Nhưng đau lắm, không đi đứng gì được.
− Ở nhà đâu cả rồi, sao có mình em vậy?
− Em đi học về mà.
Mặt Phước ngớ ra:
− Ờ há.
Nhiệt tình, nhanh nhẩu, Phước đẩy Ca Dao đi chụp hình chân rồi lẹ làng gọi điện thoại cho Uy để anh ta nhắn Thiện. Riêng Đan Thanh cứ ngồi tréo ngoảy chân trên ghế chờ ba mình tới mà trong lòng hả hê chớ không mảy may ân hận hay xúc động vì tai nạn mình vừa vô tình gây ra.
Mà sao con quỷ nhỏ ấy không bị nặng hơn nhỉ? Hừ! Nó dám bảo cô già so với Sơn. Nó đã đâm vào tim cô, nó phải trả giá. Chỉ gãy giò, quả là còn nhẹ so với nỗi đau cô phải gánh chịu suốt thời gian qua. Cái thời gian dài đăng đẳng có tuyên bố "chia tay" với Sơn, làm anh có cớ để đeo theo con ... hàng báo kiết xác này đâu có ngắn.
Dù cho bây giờ Sơn đã giải thích hơn ... trăm lần rằng anh làm thế để chọc tức Thanh, cô vẫn không thể an tâm để Ca Dao lượn lờ trước mặt anh.
Vậy sao không nhân cơ hội này cô bảo ba mình dùng tiền hay một thủ đoạn kế sách nào đó vứt hẳn con nhỏ này khỏi tâm trí Sơn. Trong khi cô đã dùng danh vọng, quyền lực để lôi kéo anh về với mình, thì tại sao Thanh không dùng chính những thứ đó tống khứ đối thủ cho khuất mắt chứ.
Thời buổi này có gì qua khỏi được đồng tiền. Đan Thanh chợt mỉm cười khi thấy ông Hiệp hấp tấp đi vào với vẻ kiếm tìm.
Thấy con gái, ông hỏi ngay:
− Con có sao không?
Đan Thanh lắc đầu:
− Nhưng đúng là xui.
Ông Hiệp thở dài:
− Xui xẻo gì cũng mặc, miễn con bình an là hên rồi. Làm ba điện gọi cả thằng Sơn.
Đan Thanh giậm chân:
− Để làm gì? Mất công anh ấy quá.
Không để ý lời con gái, ông Hiệp nhìn quanh:
− Người bị con đụng đâu?
− Đang chụp hình chân. Chắc bị gãy xương.
− Già hay trẻ?
Đan Thanh nhếch môi:
− Là một con bé. Cũng không ai xa lạ, ba nhìn xem phải oan gia ngõ hẹp không?
Ông Hiệp bất ngờ khi thấy Ca Dao ngồi trên xe lăn. Mặt con bé tái mét, nhưng mắt lại đỏ hoe vì khóc, trông mới tội làm sao.
Tim ông chợt nhói lên một nhịp bất thường khi nghĩ Đan Thanh đã mang đến cho con bé ấy cả nỗi đau tinh thần lẫn thể xác.
Ông Hiệp vội vàng bước tới gần Ca Dao, giọng xúc động:
− Cháu thấy trong người thế nào?
Ngước lên nhìn ông, Ca Dao mệt mỏi:
− Dạ, chỗ nào cũng ê ẩm hết cả ạ.
Dao chưa kịp thắc mắc tại sao ông Hiệp lại có mặt thì Phước đã đẩy cái xe lăn chở cô vào phòng bó bột.
Đứng bên ngoài cửa sổ nhìn vào, bỗng dưng ông Hiệp cứ sốt ruột như chính Đan Thanh là người bị nạn, trong lúc đó cô lại ngồi ngáp dài trên ghế đá kề gần đấy.
Dường như con gái ông chẳng có một cảm xúc nào khi đã gây ra tai nạn cho người khác. Mặt Thanh cứ trơ ra. Hay vì tại Ca Dao là tình địch của nó? Bỗng dưng ông thoáng rùng mình.
Hai thanh niên hớt hải chạy tới. Họ đẩy cửa phòng bó bột và đến ngay chỗ Dao đang nằm chờ. Chắc là anh của con bé. Ông Hiệp nóng lòng đi tới đi lui. Đến chỗ Đan Thanh ngồi, ông hỏi:
− Nãy giờ con đã nói lời phải quấy với người ta chưa?
Thanh vắn tắt kể lại tai nạn và kết luận:
− Đúng ra người phạm lỗi không phải là con. Tại xui con mới quẹt phải nó.
Ông Hiệp xua tay:
− Bây giờ không nó tới vấn đề hên xui nữa, chúng ta phải có trách nhiệm với con bé.
Cửa phòng bật mở, Thiện bước ra. Ông Hiệp đi tới bên cạnh, giọng trầm xuống:
− Cậu là người nhà của Ca Dao?
Thiện gật đầu:
− Dạ vâng.
Ông Hiệp liền nói:
− Chúng tôi rất tiếc đã để xảy ra vụ va quẹt làm cháu ấy bị thương. Chúng tôi sẽ chịu toàn bộ chi phí thuốc men.
Thiện nhìn ông trân trối:
− Bác đụng phải em cháu à?
Ông Hiệp ngập ngừng nhìn về phía Đan Thanh:
− Con gái tôi đã làm ngã Ca Dao.
Ông ta vừa dứt lời cũng là lúc Sơn vào tới. Anh ta hối hả đến bên Đan Thanh, giọng đầy lo lắng:
− Em không sao chứ? Nghe ba gọi điện, tim anh muốn rớt ra ngoài vì sợ em có gì ...
Nghe cách nói của Sơn, bỗng dưng Thiện nổi điên lên, anh chửi đổng:
− Mẹ kiếp!
Rồi quay trở vào phòng vì nghe Ca Dao la thất thanh bên trong. Ông Hiệp cũng vội đến nhìn qua ô cửa sổ.
Các bác sĩ, y tá đang đắp bột vào chân Dao, họ vừa làm vừa giữ chân cô nên Dao hét lên vì đau.
Sơn sững sờ, anh không ngờ người bị nạn lại là Ca Dao. Nghe cô nức nở, trán Sơn túa cả mồ hôi.
Giọng Đan Thanh cay như gừng vang bên tai Sơn:
− Hừ! Xót quá nhỉ?
Sơn giả lả:
− Anh ngại nhìn nỗi đau của người khác lắm.
Đan Thanh châm chọc:
− Nhưng lại thích nhìn nỗi đau của em, phải không?
Sơn nhăn mặt:
− Trời ơi! Đây là bệnh viện mà Thanh.
− Đúng vậy, và anh không có bổn phận trách nhiệm gì ở đây hết, anh về đi.
Ông Hiệp nghiêm giọng:
− Con vừa phải thôi. Sơn tới đây là vì con mà.
Đan Thanh rú lên:
− Vì con hay vì con nhỏ nằm trong đó?
Sơn phân bua:
− Bác làm chứng cho cháu nhé. Cứ thế này mãi, cháu không chịu nổi đâu.
Ông Hiệp nhìn anh:
− Hay cháu đưa Đan Thanh về đi. Bác ở lại dàn xếp chuyện này được mà.
Đan Thanh tán thành ngay:
− Ba nói phải đó. Em muốn về cho rồi. Ở lại đây, vừa mệt vừa bực. Cái không khí bệnh viện ớn quá.
Sơn nhếch môi:
− Cũng may người bị nạn không phải là em.
Đan Thanh sa sầm mặt:
− Anh nói vậy với ngụ ý gì?
Sơn quay đi, không trả lời. Đan Thanh tức tối bước theo anh.
Cửa phòng lại mở, người bước ra là Uy. Thấy Sơn và Đan Thanh đi về hướng cửa, anh hấp tấp chạy theo nắm theo vai Sơn kéo lại:
− Nè! Chuyện chưa ngã ngũ đâu. Anh định đưa bà chị này chuồn mất hả?
Hất mạnh tay Uy ra, Sơn chỉ vào mặt anh:
− Nói năng cho đàng hoàng nghe ... đồ lưu manh.
Uy định tống cho Sơn 1 đấm thì ông Hiệp đã chen vào giữa:
− Xin cháu đừng nóng. Chúng tôi biết trách nhiệm của mình mà.
Uy hất mặt:
− Bác biết nói trách nhiệm, sao lại để chị ấy đi về. Đâu phải chúng tôi cần tiền bồi thường là đủ. Chúng tôi muốn làm rõ vấn đề này hơn.
Sơn gằn giọng:
− Đủ rồi Uy. Đừng vì ghét tao mà gây khó dễ cho Đan Thanh. Cô ấy chẳng muốn chuyện này xảy ra. Hơn nữa, mày cũng đâu liên quan gì tới Ca Dao. Đừng xen vào chuyện không phải của mình.
Uy cười nhạt:
− Dân lưu manh như tôi thấy chuyện bất bình là không bỏ qua được. Anh nói chị ta chẳng muốn chuyện này xảy ra à? Hừ! Đúng là dối trá. Nãy giờ Ca Dao vừa khóc, vừa cho biết Đan Thanh cố tình ép xe cho con bé té. Hừ! Khi lên cơn ghen, thiên hạ có thể giết người, quả không sai.
Đan Thanh cứng họng vì những lời buộc tội của Uy. Miệng mồm vốn đanh đá không thua ai, vậy mà nghe Uy nói thế, Thanh chỉ biết ú ớ thanh minh.
− Tôi không hề có ác ý như thế. Đừng đổ oan cho tôi.
Uy mím môi:
− Vậy tại sao chị cứ kè sát Ca Dao cả một đoạn đường dài?
− Tại trùng đường.
Uy nhấn mạnh:
− Chị chạy chiếc Spacy cáu cạnh, còn Ca Dao đi xe đạp. Chẳng lẽ xe của Dao có cánh nên mới bay kịp xe chị? Nói thật, gia đình Ca Dao không để yên chuyện này đâu.
Ông Hiệp và Sơn im lặng nhìn nhau, ông Hiệp lên tiếng trước:
− Không có chuyện Đan Thanh cố tình đâu cháu. Bác không bênh vực con mình, nhưng bác dám đem danh dự của mình ra bảo đảm như thế?
Cửa phòng mở, Thiện đẩy xe chở Ca Dao ra.
Sấn tới trước mặt Sơn. Thiện quát:
− Tất cả cũng tại mày. Đồ đểu!
Ca Dao đầm đìa nước mắt:
− Em muốn về nhà ngay bây giờ.
Phước vội lên tiếng:
− Cũng khuya rồi. Mọi người giải tán đi. Chuyện đâu còn có đó. Ca Dao cũng mệt, con bé cần được nghỉ ngơi.
Dứt lời, anh đẩy chiếc xe lăn ra cổng. Ngồi trên xe, nước mắt Dao xóa mờ tất cả. Bây giờ cô chỉ muốn được ngủ một giấc. Nhưng cô biết chắc đêm nay giấc ngủ bình thường cũng sẽ không đến với mình.
Nghe tiếng động vang lên ngoài phòng khách, Ca Dao vội hỏi:
− Ai vậy?
− Uy đây. Anh mua phở cho em ăn sáng nhé.
Ca Dao làm thinh. Cô nhấc cái chân nặng chịch đang kê trên một chồng gối cao xuống thấp, nhưng không được.
Nước mắt thương thân lại ứa ra, cô sụt sùi một lúc mới trả lời:
− Em không ăn đâu.
− Sao thế? Lại khóc nữa rồi à?
Im lặng một chút, Dao lại nghe giọng Uy ngập ngừng:
− Anh vào nhé.
Cô thở dài:
− Vâng.
Uy leo lên mở chiếc mùng chính tay anh và Thiện mắc hồi tối. Ngồi xuống bên mép giường, anh chăm chú nhìn cái chân bó bột của Dao và hỏi:
− Cử động thử những ngón chân xem?
Dao làm theo anh. Uy lại hỏi:
− Có bị tê không?
Cô lắc đầu. Uy gật gù phán:
− Không sưng, không bầm, vậy là tốt.
Ca Dao nhăn nhó:
− Nhưng nhức lắm.
Uy trợn mắt:
− Dĩ nhiên. Gãy chân chớ bộ đùa sao.
Rồi anh hạ giọng:
− Hỏi thật, em đừng ngại gì hết nhé. Em cần làm vệ sinh cá nhân không?
Câu hỏi quá thực tế của Uy làm Ca Dao sượng cứng cả người vì đúng là cô đang rất cần.
Phải gần sáng Dao mới chợp mắt được. Khi giật mình dậy Thiện đã ra quầy. Không có mẹ ở nhà, đúng là khó. Khổ nhất là những vấn đề cá nhân này.
Uy lại ân cần:
− Để anh đỡ em dậy.
Thật nhẹ nhàng Uy nâng chân Dao lên và đặt nhẹ xuống giường. Trán nhíu lại, như suy nghĩ gì đó, anh bảo:
− Chờ một tí.
Uy ra ngoài và bước vào với một bao nilon và một mớ dây thun. Anh tròng bao vào chân Dao, cột dây thun lại và giải thích:
− Cần phải giữ sạch, giữ kỹ cái chân này. Cũng may em bị gãy phần gần cổ chân, nên dù bó bột vẫn còn cử động ngay đầu gối được. Vài hôm nữa bột khô, chân em sẽ không nặng nề như bây giờ, em sẽ dễ xoay trở hơn.
Uy ngần ngừ lựa tư thế đỡ Dao dậy. Trông cô mềm nhũn như con chi chi. Cũng phải thôi. Dao vừa trải qua một cú sốc tinh thần lẫn thể xác, bảo sao không phờ phạc.
Ca Dao đã đứng dậy bằng chân phải, nhưng cô không nhấc mình lên được dù đã bám vào vai Uy.
Anh chép miệng:
− Vòng tay ôm cổ anh vậy.
Ca Dao cúi xuống nhìn chân mình. Bỗng dưng cô buột miệng:
− Em căm thù họ ...
Uy dịu dàng:
− Điều đó không quan trọng bằng việc phải thương thân mình. Chuyện gì rồi cũng qua, rồi cũng quen và rồi cũng quên.
Vừa nói, Uy vừa vòng tay ngang eo Ca Dao, tay còn lại anh nâng đùi bên chân bó bột và từ từ dìu cô đi.
Cả người Ca Dao như được Uy bế trong tay. Cô xấu hổ, ngượng ngùng nhưng chưa biết phải làm cách nào khác để có thể tự di chuyển ngay lúc này, nên đành nhắm mắt ôm anh mà trống ngực đập thình thịch.
Đưa Dao tới nhà vệ sinh xong. Uy vào bếp lấy cái cà mèn đi mua phở.
Tối hôm qua, anh ngủ với Thiện trên gác. Sáng sớm anh phụ Thiện giao báo rồi mới trở về. Lo cho Ca Dao xong, Uy sẽ đến lớp.
Bỗng dưng Uy nhớ lời Phước nói hồi tối:
− Mày đúng là mắc nợ anh em thằng Thiện từ kiếp trước.
Không hiểu có đúng như vậy không, nhưng Uy vẫn thích trả nợ Ca Dao. Con bé vừa lì vừa bướng ấy làm anh xốn xang trong lòng quá.
Về nhà, Uy nhanh nhẹn bế Dao vào giường. Vừa sớt phở ra tô, anh vừa bảo:
− Phải tìm một đôi nạng, để em tự xoay sở.
Ca Dao nhìn Uy, giọng trầm xuống:
− Cám ơn anh đã quan tâm đến em.
Uy nhún vai:
− Chuyện nhỏ.
Đặt chai nước chín, ly, thuốc lên bàn kế bên giường, Uy bảo:
− Anh đi học đây. Trưa, anh sẽ mua cơm hộp về cho em và Thiện.
Ca Dao gật đầu. Ngoài Uy ra, chả ai giúp cô vào lúc này cả. Dao thấy như mình chìm trong đống mền gối Thiện chất xung quanh cô hồi tối, và cô cũng muốn mình bị chôn vùi như thế. Cô muốn chết cho rồi vì những gì vừa xảy ra.
Nhăn mặt, kê chân lên cao, Ca Dao không muốn những hình ảnh Sơn và Đan Thanh vẫn hiển hiện trong tâm trí cô. Anh đúng là dối trá, vậy mà Ca Dao đã tin tưởng, đã tôn sùng anh như một thần tượng.
Ca Dao nhức nhối trong hồn. Nỗi đau bị lừa dối càng lúc càng đè nặng lên ngực cô. Tuy thế, nhưng Dao vẫn ngóng trông anh. Cô hy vọng Sơn sẽ tìm đến thăm mình và giải thích phân bua gì đó với cô.
Nhưng còn giải thích phân bua gì nữa cơ chứ? Tổng hợp lại những chuyện liên tiếp xảy ra thì rõ ràng những lời mẹ Sơn nói là đúng. Đan Thanh là vợ sắp cưới của anh, cô ta là con gái người thành lập trung tâm tin học bề thế, mà Sơn đang giữ chức giám đốc.
Sơn chấp nhận vợ lớn tuổi hơn mình vì anh cần địa vị, danh vọng. Những thứ đó, Ca Dao làm sao có được.
Bỗng dưng cô nhếch môi, chua chát. Với Sơn, tình không là gì so với tiền tài danh vọng. Tình yêu chỉ là lời đầu môi chót lưỡi mà Sơn nói cho Ca Dao nghe nhằm giải tỏa cơn ức chế khi anh và Đan Thanh giận nhau.
Rõ ràng cô chỉ là một trò đùa không hơn không kém. Khi Ca Dao nhận ra bề trái sự việc thì tất cả đã muộn. Lòng cô hằn vết thương sâu, có lẽ còn rất lâu mới lành.
Ca Dao lấy gối đắp lên mặt mình và nghe tiếng tíc tắc đều đặn của đồng hồ.
Ngày dài ghê gớm. Ca Dao cựa quậy trong thời gian chết dằng dặc.
Dù rất căm hận Sơn, nhưng cô vẫn nhắm mắt chờ với hy vọng anh sẽ đến