Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trinh Thám, Hình Sự >> Sherlock Holmes mất tích

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17035 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sherlock Holmes mất tích
Jamyang Norbu

Chương 18


Lạt Ma Yonten vội ra lệnh cho một tăng sĩ làm sạch vết thương cho Sherlock Holmes và đắp lên đó một số loại thuốc bằng cây cỏ toả mùi thơm thơm. Mấy người hầu đem trà nóng vào phục vụ cùng những món ăn ngon lành khác và được chúng tôi nhiệt tình chào đón sau một đêm đầy biến cố. Sau khi băng bó xong, Sherlock Holmes thuật lại cho Lạt Ma nghe sự việc kỳ quái bên cầu. Lạt Ma dường như quá lo lắng sau khi nghe chuyện.

"Điều này thật khủng khiếp, khủng khiếp," Lạt Ma vừa nói, vừa lắc đầu quầy quậy. “Nhưng ít nhất thì các ông - cho đến lúc này - cũng đã ngăn cản được một tội ác không thể hình dung được và nếu nó xảy ra thì quả là một thảm kịch quốc gia.

“Trời ơi lạt Lai Lạt Ma vẫn ổn chứ?” Holmes hỏi.

“Vâng. Tôi chỉ vừa ra khỏi phòng Ngài. Ngài không hề hấn gì cả. May mắn làm sao, tên sát thủ hắn đã phạm sai lầm mà chui vào điện thờ của Ngài chứ không vào phòng ngủ".

"Hừm… có lẽ là vậy,” Sherlock Holmes nói, giọng cân nhắc. "Mặc dù có lẽ chuyện này nằm trong dự liệu của hắn".

“Ý ông là gì?” Lạt Ma hoang mang hỏi.

“Khi tôi đuổi theo kẻ đột nhập bất hợp pháp, tôi để ý thấy hắn cầm một cái gì đó trong tay rồi cố trao cho một kẻ nào đó ngồi trong cái kiệu buông rèm kín mít".

“Tôi cũng nhìn thấy nữa, thưa ngài," tôi đánh bạo lên tiếng. “trông nó giống như một bức tranh cuộn hoặc một cuộn giấy da".

"Đúng thế. Có cơ sở hợp lý để cho rằng cái vật đó đã bị lấy ra từ điện thờ. Và bởi kẻ đột nhập không tấn công tôi theo kiểu một tên trộm thuần tuý, ta có thể đi đến kết luận rằng hắn chủ định vào điện thờ lấy trộm cuộn giấy ngay từ đầu".

“Như vậy ông nghĩ hắn không hề có ý định giết người ư?” Lạt Ma thắc mắc.

"Thật ra tôi không thể khẳng định thế,” Holmes nhún vai nói. "Tất nhiên tôi phải công nhận rằng với một kẻ đột nhập được vũ trang bằng hai thanh gươm đáng sợ như vậy thì không thể ngay lập tức mà rút ra kết luận là hắn đến với mục đích hoà bình. Nhưng căn cứ vào các dữ kiện thực tế thì dường như nhiệm vụ hàng đầu của hắn không phải là giết người, mà là ăn trộm thứ gì đó từ điện thờ".

“Nếu vậy, xác minh lại sẽ không có gì quá khó khăn,” Lạc Ma Yonten nói. "Vị trưởng bối trông coi gian thờ hiện đang dọn dẹp đống lộn xộn ở đó. Chắc chắn, nếu có bất cứ thứ gì bị mất thì ông ấy sẽ biết. Tôi sẽ cho mời ông ấy đến".

Ông định lắc cái chuông nhỏ thì Sherlock Holmes đã giơ tay ngăn lại.

"Có lẽ chúng ta đến đó và đích thân xem xét thì tốt hơn!”

"Nhưng ông Holmes ạ, ông đang bị thương mà?”

"Chỉ là một vết trầy ngoài da. Nó không cản trở tôi đi lại”

"Vậy thì được,” Lạt Ma gật đầu nói.

Sherlock Holmes đứng lên khỏi ghế, nét mặt hơi nhăn lại vì đau đớn. Tôi toan bước đến gần để dìu ông nhưng ông đã phẩy tay bảo tôi đi theo.

Gian điện thờ đã được thắp sáng bởi vô số ngọn đèn dầu, mọi thứ ở đây vẫn còn lộn xộn, mặc dù có một vài tuỳ sư đang dọn dẹp và sắp đặt mọi thứ vào chỗ cũ. Một người trong số họ là một ông già - da mặt nhăn nhúm như qua táo khô, miệng móm không còn răng, đôi mắt nhỏ hơi bị lé rúm lại vì vô số nếp nhăn, trên đôi má hõm sâu đâm ra vài cọng râu bạc lơ thơ - đang trong trạng thái bấn loạn.

"Ối trời đất… thiên địa ơi!” ông ta mếu máo, trên tay ông là những gì còn sót lại của một chiếc bình cổ tinh xảo từ đời nhà Minh. “Làm sao tôi có thể sắp đặt mọi thứ sẵn sàng cho buổi lễ sáng mai đây?”

"Đừng quá lo lắng kusho!(1)” Lạt Ma Yonten an ủi. “Đức ngài tin tưởng rằng trong bàn tay ông, mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy thôi. Nào, ông thử coi xem có thứ gì bị mất không?”

"Mất ư?” ông lão râu bạc lại giơ tay lên, than khóc và kể lể lần nữa. "Ôi! Tôi đâu có nhiều mắt như quỷ Za, làm sao mà biết được có những gì trong cái đống lộn xộn này?”

“Có vật gì đó vừa bị lấy ra khỏi chỗ kia không?” Sherlock Holmes hỏi, chỉ tay về góc xa ở bức tường phía sau.

"Ông bảo ở đâu kia?” ông già nheo mắt nhìn chăm chú, trên khuôn mặt nhăn nhúm lộ rõ vẻ bối rối. Holmes đi ngang qua căn phòng và chỉ vào vị trí đó:

"Tôi nghĩ chúng ta có một… tên nó là gì ấy nhỉ ồ, phải, có một thangka(2) treo ở đây".

"Có phải nó dài khoảng sáu tấc và rộng gần năm tấc?” Holmes hỏi tiếp.

"Làm thế nào ông biết..?” Lạt Ma Yonten mở miệng hỏi tỏ vẻ kinh ngạc, rồi ông bật cười. “Ồ, thưa ông Sherlock Holmes, ông vừa nhận thấy mảng tường bạc màu nơi từng treo bức tranh cuộn.

“Phải, quan sát kỹ và rõ ràng là cơ sở trong mọi cuộc điều tra”.

“Đó là thangka nào vậy?” Lạt Ma Yonten hỏi ông bõ gác điện thờ.

“Để tôi nghĩ xem nào. Phải, đó là một trong những mandala về Đại pháp thời luân. Một mandalarất cổ".

“Nó có bất kỳ giá trị nào quan trọng không?” Holmes hỏi.

"Nói về của cải vật chất thì nó thật sự không có giá trị gì," Lạt Ma trả lời. "Có nhiều bức vẽ giống như nó. Trên thực tế, người ta chỉ cần bỏ ra một món tiền rất nhỏ là có thể thuê một hoạ sĩ đồ lại với độ chính xác tuyệt đối. Nhưng bức này là của Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên - như tôi được biết - vì vậy mà nó có giá trị lớn về mặt tinh thần. Nhưng dẫu vậy tôi thật sự không hiểu nổi tại sao lại có kẻ mạo hiểm cả tính mạng mình để lấy trộm nó?”

Trong khi tất cả chúng tôi rời khỏi điện thờ, Lạt Ma Yonten quay lại chỗ ông già phục vụ để nói đôi lời an ủi và động viên.

“Đừng lo. Ông có thể lấy mấy cái bình và dụng cụ tế lễ ở phía sau phòng họp để thay thế những cái đã vỡ. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi mà".

Khi chúng tôi ngồi yên vị trong phòng tiếp khách, một lần nữa, Sherlock Holmes đốt tẩu thuốc và lại tiếp tục câu chuyện với Lạt Ma Yonten:

“Ngài có thể vui lòng mở rộng tầm nhìn của tôi về chủ đề của cuộn tranh vẽ không? Hiểu biết của tôi về hệ phong biểu tượng trong tôn giáo của ngài hết sức hạn chế”.

“Được thôi, ông Holmes, đầu tiên, hay để tôi giải thích cho ông rõ đại thể mandala là gì, trước khi thảo luận về chủ đề đặc biệt đó".

"Xin ông vui lòng”.

Lạt Ma lấy một dúm thuốc hít từ chiếc hộp thuốc hít bằng ngọc bích và lén lau mũi một cách lịch sự bằng chiếc khăn tay lụa màu vàng. Sau khi hấp háy hai con mắt nhỏ vài lần theo kiểu một người già, ông bắt đầu giải thích chi tiết về khía cạnh vũ trụ luận và thần luận của Lạt Ma giáo. Cách giải thích của Lạt Ma Yonten rất trừu tượng, khó hiểu và chắc chắn những người không quen thuộc với giáo lý của đạo Lạt Ma sẽ hiểu lầm. Do đó tôi xin thuật lại một cách đơn giản hơn (và khoa học hơn).

Mandala(2) là một cấu trúc hình tròn có nhiều màu và nhiều hình phức tạp. Về căn bản, nó là một bản đồ tượng trưng cho một thế giới - thế giới tâm và thức của con người. Các hình tròn và hình vuông trong đó đại diện cho những giai đoạn phát triển tâm, thức khác nhau trong cuộc hành trình dài đi từ vô minh đến giác ngộ. Cảnh giới cao nhất mà con người đạt tới được biểu thị tại tam điểm vòng tròn, nơi thể hiện hình ảnh Đức Phật hay một vị Bồ tát đại diện cho mục đích cuối cùng của cuộc tìm kiếm tâm linh.

Mandala được đề cập tới trong chuyện này là mandala về đại pháp thời luân(3) (Skt. Sri Kala Chakla) và cũng là mandala phức tạp nhất trong những hệ thống như thế, nghe nói cơn thịnh nộ này đã được mang đến Tây Tạng từ vương quốc thần thoại "Shambala Bắc Ấn" vào thế kỷ 11.

Shambala - tương truyền ở Bắc Ấn - trong hệ thống thế giới của Phật giáo Tây Tạng được xem như một xứ sở huyền bí, tương tự như xứ Utopia của Thomas Moore, New Atlantis của Francis Bacon hay Thành phố mặt trời của Campanella(5) nơi đức hạnh và sự thông tuệ là cơ sở để tạo nên một cộng đồng lý tưởng. Vùng đất hoang đường này được xem là ngọn nguồn của tất cả các ngành khoa học phức tạp cao siêu, vượt trên mọi tiến bộ trong khoa học và hiểu biết về kỹ thuật của thế giới con người. Các văn bản thiêng liêng của Tây Tạng tiên báo rằng khi nhân loại cuối cùng bị một thế lực ác ma bắt làm nô lệ, các vị chúa tể của Shambala sẽ đem đội quân vĩ đại của nước này đến tiêu diệt thế lực ác ma này vào thế kỷ 24, năm Ất Dậu(6) (2425). Sau đó, đạo Phật sẽ hưng thịnh một lần nữa và một Kỷ nguyên toàn thịnh sẽ bắt đầu. Tất nhiên, Lạt Ma Yonten toàn tâm toàn ý tin vào huyền thoại đầy sức mê hoặc này cũng như tất cả dân Tây Tạng và Mông Cổ khác.

Nghe xong câu chuyện của Lạt Ma, Sherlock Holmes tựa lưng vào ghế đăm chiêu nhìn lên trần nhà. Sau đó, hơi nghiêng người về phía trước, ông hỏi:

“Có phải hôm qua ngài nói, Đạt Lai Lạt Ma sẽ nhập thất trong một ngôi đền xa xôi nào đó?”

“Đúng như vậy. Tại Ngôi đền băng Shambala. Ngài dự định sẽ nhập thất ở đó trong một tuần”.

"Ngôi đền này có mối liên hệ gì với “Shambala Bắc Ấn” mà ngài vừa miêu tả cho chúng tôi không?”

“Chắc chắn là có, thưa ông Holmes. Ngôi đền này lúc bình thường được chôn vùi dưới một tảng băng khổng lồ, cũng chính là nơi sứ giả đến từ Shambala, lần đầu tiên giải thích về khoa học huyền bí của Bánh xe pháp cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên. Từ đó về sau, theo truyền thống, tất cả Đạt Lai Lạt Ma được yêu cầu phải nhập thất tại đây trước khi lên ngôi. Tại đấy, thông qua cầu nguyện và thiền định, họ sẽ thiết lập được mối dây đồng cảm vũ trụ với các lực lượng huyền bí ở Shambala, nhờ thế sức mạnh và trí tuệ tiềm ẩn của họ được đánh thức, nhờ vậy họ mới có đủ năng lực điều hành đất nước này một cách khôn ngoan và bảo vẻ nó khỏi sự đe doạ của những thế lực đen tối".

“Như vậy có ba Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời trước khi đến tuổi trưởng thành ư? Có lẽ họ chưa đến ngôi đền này".

"Than ôi, chưa. Mưu ma chước quỷ của các thành viên xấu xa trong hội đồng phối hợp với áp lực của người Trung quốc đã ngăn cản các ngài ấy làm điều đó. Lúc này, điều quan trọng hơn cả là không được để bất cứ chuyện gì xảy ra ngăn cản Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Ngôi đền băng và nhập thất ở đó".

"Còn sau đó…”

"Sứ mệnh của chúng ta sẽ hoàn tất, ông Holmes ạ - nhiệm vụ của ông và tôi… sau đó tất cả sẽ nằm ngoài tầm tay chúng ta".

Ánh mắt của Lạt Ma Yonten hướng về phía cái cửa ra vào phía sau chiếc ghế lưng thấp tôi đang ngồi.

“Phải cháu không, Tsering?”

“Vâng, thưa Cậu”.

"Vào đây, vào nhà đi, ngồi xuống đây nào".

Tôi quay lại, thấy Tsering đang đứng bên cạnh cửa. Thì ra anh ta là cháu của Lạt Ma Yonten. Điều đó giải thích tại sao viên quận trưởng ở Tholing lại dành cho anh chàng trẻ tuổi này một sự biệt đãi như vậy. Vị Lạt Ma đã rất thận trọng cử người đi tháp tùng hai vị khách ngoại quốc có tầm quan trọng với vận mệnh quốc gia; đó phải là người vừa là chỗ họ hoàng thân thích, vừa đáng cho ta tin cẩn. Tsering ngồi xuống một chiếc đi văng thấp cạnh Lạt Ma và nhấp một tách trà nóng do một tuỳ sư rót cho anh.

"Thế nào?”, Holmes hỏi khi Tsering đặc tách trà xuống.

"Bám theo chúng thì chẳng có vấn đề gì cả, thưa ngài!" Tsering đáp sau khi lau miệng bằng mu bàn tay. "Chúng tôi rất cẩn thận không để chúng phát hiện như ngài đã chỉ dạy. Chúng tôi bám theo chúng đến tận thành phố nơi chúng rẽ vào đường Lingkor(7) nằm ở phía Nam Đồi Sắt. Kiệu tiếp tục đi về hướng Đông, bọn người đi theo luôn nhòm lại phía sau trông chừng cho tới khi chúng đến gần khách sạn lớn Kashgar, ngay cả đến đấy rồi nó vẫn tiếp tục vòng vo đi mãi, cuối cùng mới vào khu vực hàng rào bao quanh yamen - toà công sứ Trung Quổc.

“Cháu chắc chứ?” - Lạt Ma lo lắng hỏi.

"Hoàn toàn chắc chắn. Cổng chính toà công sứ mở sẵn, đích thân Amban cùng đoàn tuỳ tùng và đám lính gác đứng đợi. Tất cả đều cúi đầu thật thấp khi chiếc kiệu đi qua cổng”.

"Thế thì đích thị là hắn rồi!" Khuôn mặt với những nếp nhăn hình giẻ quạt của Lạt Ma Yonten tái nhợt đi. Đôi tay già nua run lên từng hồi.

“Là ai thế?” - Holmes hỏi.

"Vị khách bí ẩn đã đến toà công sứ Trung quốc, người ngồi trong kiệu đã khiến cho gươm bay lên, kẻ có sức mạnh mà đến Amban cũng phải cúi đầu. Đó là hắn ta. Tên ác ma”

"Tên ác ma ư?” - Holmes nhắc lại một cách hoài nghi một bên lông mày phướn lên.

“Phải. Tên ác ma hoặc người bóng tối. Bởi vì hắn đã từ bóng tối bên ngoài trở về để tiêu diệt Đức Đạt Lai Lạt Ma một lần nữa, như hắn đã thề cách đây mười tám năm”.

“Thưa Lạt Ma," Holmes nói, không giấu được vẻ sửng sốt, “từ trước tới nay tôi chỉ giới hạn điều tra trong phạm vi công việc của thế giới đang hiện hữu này. Như tôi đã có dịp nhắc tới một lần, những gì thuộc về thế giới siêu nhiên rõ ràng là nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi.

“Ồ, không, ông Holmes. Ác ma là một người sống hẳn hoi, kẻ tu hành này dám thề với ông như vậy. Sở dĩ hắn có cái tên đó là vì hắn đã tránh xa ánh sáng của Chánh Pháp và sử dụng những kiến thức thiêng liêng để phục vụ cho lòng tham và dục vọng đê hèn của hắn. Đó là một câu chuyện thật ghê tởm xấu xa, nhưng điều quan trọng là ông cần nghe lại từ đầu.

“Viện Khoa học Thần bí của Lhassa là học viện tối cao tại Tây Tạng, truyền bá kiến thức và đào tạo thực hành về các khoa học huyền bí. Chỉ một số ít học gia xuất sắc nhất từ những viện Phật học lớn mới được thu nhận vào; nhưng mỗi ứng viên phải qua một cuộc kiểm tra đầu vào nghiêm ngặt về mọi mặt. Cứ mười hai năm một lần theo tuần hoàn của mười hai con giáp, Viện lại tổ chức một cuộc tổng kiểm tra. Vào năm Ất Dậu(8) (1873), trường đại học này đã đào tạo ra hai người con vĩ đại nhất của khoa học huyền bí mà đất nước này có thể sản sinh được trong vòng hơn một thế kỷ - kẻ từ thời vị Đạo sĩ Yoga Cười của Đỉnh Kền Kền Xám giơ đôi tay trên những cánh đồng lúa mạch Tsetang và cứu chúng sinh thoát khỏi một trận mưa đá”.

"Những vinh dự cao quý nhất đã được ban tặng cho họ. Chính Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười hai - hiện thân của quan Thế âm Bồ tát thiêng liêng - đã tham dự kỳ kiểm tra cuối cùng và ban cho họ (bằng đôi tay chân phúc của ngài) chiếc áo choàng trắng tượng trưng cho việc chinh phục đỉnh cao của khoa học huyền bí. Danh tiếng của hai nhân vật này bắn ra khỏi biên giới của Xứ sở tuyết vĩ đại, thậm chí đến tận triều đình Hoàng đế Trung Hoa. Thế là họ nhận được lời mời đến Bắc Binh phục vụ cho sự thịnh trị của triều đình, cuộc sống yên ấm no đủ của lê dân và bảo vệ non sông gấm vóc của hoàng đế Mãn Thanh.

“Chính tại kinh đô Trung quốc, ông Holmes ạ, một vài tên quan đại thần xấu xa nào đó của Hoàng đế đã cố công mua chuộc một trong hai đại sư rơi vào con đường tội lỗi. Vô cùng tinh vi xảo quyệt họ đã lấp đầy tâm trí ông ta đủ thứ ô trọc và đồi bại sân si, kể cả tham vọng không thể hình dung nổi là tiếm ngôi Đức Đạt Lai Lạt Ma và thống trị Tây Tạng. Khi trở lại Lhassa, cả hai đều được trọng dụng và bổ nhiệm vào những vị trí xứng đáng thích hợp trong triều đình của Đạt Lai Lạt Ma. Với sự gian manh quỷ quyệt của một con rắn, Tên ác ma cố che giấu những âm mưu xấu xa của mình không để cho ai biết, nhưng tình cờ đã làm dấy lên một vài ngờ vực nho nhỏ trong đầu người bạn đồng môn là Gangsar trulku(9) nguyên trưởng tu viện của một tu viện nhỏ phía Nam Tây Tạng. Vị Lạt Ma sắc sảo, tinh tường này đã không bỏ qua một số chuyển biến, dù rất nhỏ nhưng đáng ngại trong cách cư xử của Tên ác ma trong thời gian ở Trung quốc.

"Vào đêm giao thừa tết nguyên đán năm ấy, trong lúc mọi người bận rộn chuẩn bị cho lễ mừng năm mới sắp đến, Gangsar trulku thấy Tên ác ma đi vào điện thờ của Đạt Lai Lạt Ma - cũng giống điện thờ mà tên sát thủ đã đột nhập tối nay - và tấn công Đức Ngài với một thanh gươm. Gangsar trulku trung thành lao vào cứu chủ, nhưng đã quá trễ. Trong cuộc vật lộn dũng cảm với Tên ác ma, ông đã mất mạng. Nhưng không may cho kẻ hiện thân của quỷ dữ này sư phụ của hắn ở Viện khoa học Thần bí đột ngột xuất hiện tại hiện trưởng. Trước khi Tên ác ma có thể ra đòn lần nữa, Đại sư đã phóng một luồng nội khí chứa đựng năng lượng tâm linh kỳ diệu và gần như đã tiêu diệt được hắn. Tâm trí của hắn bị đập tan thành từng mảnh, những mối liên hệ trong ký ức bị cắt đứt và hắn mất đi phần lớn sức mạnh trước đây.

Sau đó, hắn bị nhốt ở một trong những hầm ngục thâm u nhất tại Potala. Nhưng Amban, theo chỉ thị từ triều đình Bắc Kinh - với nỗ lực thông qua nhưng cuộc vận động ngầm, mua chuộc và gây sức ép nặng nề - đã bí mật giải cứu hắn khỏi hầm ngục và đưa về Trung quốc. Từ đấy về sau chúng tôi không biết rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra với hắn, vì khoảng cách quá xa khiến sóng ngoại cảm yếu đi. Cũng có thể hắn đã khôi phục được một phần sức mạnh và đã dựng lên một loại màn che tâm linh nào đó".

"Làm thế nào ngài biết chắc đó là hắn?”

“Tôi không thể đoan chắc, ông Holmes ạ, dù sao đi nữa cũng không ai có thể chắc chắn trong những chuyện như thế này. Nhưng tôi có thể cảm nhận sự hiện diện của hắn với những thay đổi vi tế trong từng đốt xương trong người tôi. Miêu tả của ông về những thanh gươm bay nghe ra rất giống với cách hành sự của hắn”.

"Ông có thể giải thích rõ hơn không?"

“Gangsar trulku đã bị một thanh gươm bay xuyên qua người trong khi đương đầu với Tên ác ma”.

Mặc dù đã tận mắt chứng kiến những chuyện như thể tối nay, nhưng khối óc được đào tạo bao nhiêu năm về khoa học của tôi nổi loạn, chống lại việc chấp nhận những ma thuật siêu hình như vậy mà không ít nhất viện dẫn một số nguyên nhân tự nhiên lý giải sự kiện đó.

“Gươm kiếm không thể nào tự bay lên được, thưa ngài," tôi phản đối. Hẳn phải có lời giải thích khoa học nào đó cho hiện tượng nhưng thanh gươm bay phi tự nhiên này”.

"Năng lượng tâm linh của con người là không giới hạn, thưa ông," Lạt Ma cố giải thích. "Chướng ngại duy nhất ngăn chặn con người làm được những việc mà ông cho là phi thường là sự ngu dốt và lười biếng của chúng ta. Ở đây, trên mảnh đất Tây Tạng, thông qua thiền định và những phương pháp tu tập yoga khác nhau, nhiều người đã thành công trong việc tập trung tâm thức, khai mở đến vô hạn năng lực của tâm thức hầu tiêu diệt con quý của cái tôi - ngọn nguồn của mối bất hạnh và đau khổ của chúng ta".

“.… Và cũng đồng thời làm cho không thanh gươm bay xuyên qua không khí?” - Holmes nói, giọng lạnh lùng.

"Sức mạnh tâm linh là nguồn năng lượng thuần khiết như không khí và do đó, về bản chất là trung tính - không tốt mà cũng chẳng xấu. Ngoài ra, trước khi cho phép bất cứ ai bước chân vào lĩnh hội và thực tập về khoa học thần bí, chúng tôi đều có trách nhiệm làm thấm nhuần trong anh ta - thông qua học tập giáo lý và thiền định - mục đích sống vì tha nhân trong những cuộc tìm kiếm sức mạnh kỳ bí như vậy. Rất hiếm khi chúng tôi thất bại trong việc giáo hoá về những động cơ cao đẹp này”.

“Những nó đã thất bại trong trường hợp Tên ác ma?" - Holmes nói.

“Không may lại đúng là như vậy".

Sherlock Holmes rút tẩu thuốc ra khỏi miệng và nhìn chăm chăm vào khoảng không xa xăm nào đó trong vài phút đoạn quay lại với thực tế lần nữa.

“Nếu chúng ta giả định rằng người bạn bí ẩn trong kiệu tối nay với Tên ác ma đã giết vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ mười hai là một, vậy thì cái tên lấy trộm bức tranh cuộn kia đã thực hiện một nhiệm vụ độc ác và ghê gớm hơn nhiều”. Holmes nhìn Lạt Ma Yonten vẻ trang nghiêm. “Có lẽ ngài đã nhầm chăng, thưa đức ngài đáng kính. Chắc chắn phải có một cái gì đó không bình thường trong cuộn giấy kỳ lạ đó".

"Có lẽ việc đánh cắp bức tranh chỉ là một đòn tung hoả mù hoặc đánh động để bằng cách này hay cách khác phá hỏng chương trình nhập thất tại ngôi đền băng của Đức Đạt Lai Lạt Ma chăng?" - tôi dành bạo nêu ra một giả thuyết khác. "Rất có thể Ngài cần một bức vẽ mandala trong khi thiền định ở đó?

“Đúng thế, Babuji,” Lạt Ma trả lời. “Nhưng không nhất thiết phải là một bức tranh gốc. Bất cứ phiên bản chính xác nào của nó cũng có thể dùng trong trường hợp này. Mandala đơn giản là một bản sơ đồ đối với người toạ thiền như một bản hướng dẫn giúp cho năng lượng tâm linh đi vào đúng kênh trong suốt thời gian thiền định. Bởi vì, Ngôi đền băng ấy là một mandala lớn bằng đá - với kích cỡ lớn gấp ba lần - về Đại pháp thời luân. Chỉ có vậy mới đủ giúp cho Đức Ngài sớm đạt được chính niệm và tỉnh giác”.

"Như vậy chỉ còn một lý do duy nhất đứng vững, ấy là hẳn phải có một cái gì đó rất đặc biệt ở mandala bị trộm tối nay," giọng Holmes hơi sẵng.

“Đúng vậy, thưa ngài”. Cậu bé mà chúng tôi thấy ngày hôm trước giữa bày thú lên tiếng, cậu đang đứng một mình, nhỏ bé và cô độc nơi hành lang. Cả thân hình cậu quấn trong chiếc áo choàng dày màu đỏ sẫm giống như chiếc áo mà Lạt Ma Yoten đang mặc. Lạt Ma Yonten và Tsering vọi vã đứng dậy. Tôi và Sherlock Holmes cũng làm theo cho phải phép.

"Thưa Đức Ngài vào giờ này Ngài nên ở trên giường rồi mới phải,” Lạt Ma Yonten nói, giọng lo lắng.

"Nhưng làm sao ta cỏ thế ngủ trong khi diễn ra những chuyện như thế này cơ chứ? Dù sao thì ta cũng muốn được gặp người ngoại quốc". Cậu bé tiến tới gần, chăm chú nhìn chúng tôi với vẻ tò mò cao độ, nhưng cũng rất thân thiện. “Có phải ông đến từ Vùng đất cao quý (Arya-Varta hay còn gọi là Ấn Độ?)” Cậu lịch sự hỏi tôi bằng chợt giọng kim trong vắt của trẻ con.

"Phải, thưa Đức Ngài. Tôi đến từ tỉnh Vangala, nước Bengal, nơi Atisha(10) uyên bác vĩ đại được sinh ra”.

“Ta hy vọng một ngày nào đó sẽ làm một cuộc hành hương đến tất cả những nơi thiêng liêng trong Vùng đất cao quý ấy dĩ nhiên sau khi tất cả những vấn đề hiện tại đã được dẹp yên". Rồi cậu quay sang phía Sherlock Holmes cúi đầu chào. “Ta muốn cám ơn ngài. Thưa quý ông đáng kính, vì đã cứu mạng ta tối nay”. Lạt Ma Yonten đã sớm nói cho ta biết, nếu không có sự đề phòng và lòng dũng cảm của ngài thì tên sát nhân có thể đã… làm hại ta”. Giọng cậu hơi run rất một chút, nhưng sau đó bản tính của một thiếu niên trong cậu lại trỗi dậy với tất cả sự hiếu kỳ và cậu lại đặt ra nhiều câu hỏi. “Nhưng trông ông không giống người phương Tây”.

“Thưa Ngài, là vì tôi đang đóng giả người Ladakh mà," Holmes nói, hơi mỉm cười.

"Ông nên giả vờ mang một nửa dòng máu Kazakh thì có lẽ tốt hơn. Như vậy mới giải thích được việc mắt ông có màu sáng".

“Đức Ngài thật là người tinh mắt,” Holmes nói. "Có lẽ, đó là lý do tại sao ngài thấy cái gì đó đặc biệt về thangka bị lấy trộm”.

"Từ lúc ta có thể nhớ được thì nó đã được treo ở đó và ta chưa bao giờ đặc biệt chú ý tới nó. Cho đến một hôm, một con khỉ từ ngoài vườn tìm cách trèo vào điện thờ, không chỉ làm vỡ một vài món, nó còn cố giật bức tranh ra khỏi tường. Sau khi đã xua được nó đi, ta nhặt cuộn giấy lên treo vào chỗ cũ thì nhìn thấy có những dòng chữ ghi ở phía sau bức tranh”

“Chữ viết ư?” Sherlock Holmes hỏi dồn dập với giọng kích động. "Chính xác nó viết cái gì?”

“À, chỉ có một vài dòng giải thích rằng thangka này đã được uỷ thác cho hiện thân đầu tiên của ta sau chuyến trở về từ vương quốc Shambala Bắc Ấn. Ta nghĩ chỉ có vậy thôi. À mà không. Chờ một phút, có một vài dòng thơ lạ lùng, được chính Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất chấp bút".

"Ngài có thể nhớ lại không”.

"Không. Ta chỉ nhìn thoáng qua một lần. Ngôn từ rất rối rắm và ta không thể nào hiểu được. Đó là tất cả những gì ta nhớ”. Cậu bé hẳn phải nhận ra chúng tôi thất vọng như thế nào với câu trả lời đó, vì cậu nhìn Holmes lo lắng. “Nó quan trọng đến vậy ư? Ước gì ta có thể nhớ. Ứớc gì ta có thể giúp được”.

“Đức Đạt Lai Lạt Ma đừng lo,” Holmes ân cần. “Ngài đã giúp chúng tôi bằng cách cho chúng tôi biết có sự tồn tại của những dòng thơ đó, thế là đủ rồi".

"Vâng, và ông Holmes đây sẽ đánh bại kẻ thù của chúng ta bằng năng lực phi thường của mình, thưa Ngài". Lạt Ma cố làm cho cậu bé ỉu xìu vui vẻ lên. "Giờ thì Ngài phải đi nghỉ thôi. Tu viện trưởng đáng kính kiêm quan ngự y đã có khuyến cáo rất rõ rằng Ngài cần nghỉ ngơi nhiều nếu muốn hồi phục sức khỏe hoàn toàn sau cơn bệnh”. Lạt Ma Yonten ngước nhìn vị tu sĩ cao lớn để râu đang đứng ở ngưỡng cửa. “Thưa Ngài, quan Thị thần đang đợi Ngài ạ”.

Tất cả chúng tôi cùng cúi đầu thi lễ khi Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi lịch sự tạm biệt và rời khỏi phòng cùng với thị thần. Tôi không thể ngăn được ý nghĩ rằng làm thế nào mà cậu thiếu niên bất chấp vẻ ngoài ốm yếu thì vẫn là một cậu bé thông minh đĩnh ngộ - lại không bị làm hư hỏng bởi vị trí đọc tôn cao hơn hẳn mọi người để có được cốt cách hoà ái, cao thượng, bất chấp cả sự phản bội và bạo lực bủa vây xung quanh. Tôi cảm thấy lòng mình se lại, e sợ cho những gì mà cậu bé mới ngần ấy tuổi đầu lại sớm phải đối phó. Sherlock Holmes dường như cũng chia sẻ những cảm nghĩ ảm đạm của tôi, bởi vì ông im lặng, nhìn sững về phía trước, nét mặt nghiêm nghị buồn buồn, đôi lông mi dày rủ xuống càng làm thành một quầng tối dưới hai mắt. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ mạ càng vang lên rõ mồn một trong căn phòng lặng như tờ.

"Chúng ta phải lấy nó lại!" Sherlock Holmes đột ngột lên tiếng, tay nọ đấm vào lòng bàn tay kia rất mạnh.

“Gì cơ?” tôi ngạc nhiên, hỏi.

"Ông muốn nói đến thangka ư, ông Holmes?" Lạt Ma Yonten hỏi.

“Đúng. Tôi tin rằng đó chính là mối chỉ tuột ra mà nếu lần theo ta sẽ tháo gỡ được điều bí ẩn này”

"Nhưng, thưa ngài, quả là mọi thứ trong vụ này thật quá kỳ lạ và phức tạp," tôi nói.

"Như một quy luật," Holmes đáp, "phàm một việc bề ngoài càng kỳ lạ bao nhiêu thì nó càng chứng tỏ điều ngược lại rằng mọi việc đơn giản hơn ta tưởng rất nhiều. Loại tội ác tầm thường không có gì đặc biệt mới là cái thật sự khiến người ta bối rối, cũng vậy, một gương mặt tầm thường là cái khó nhớ hoặc khó nhận dạng nhất”.

“Nhưng làm thế nào cuộn giấy da lại là giải pháp cho vản đề phức tạp này?”

“Điều quan trọng nhất trong nghệ thuật điều tra là khà năng nhận diện, giữa vô số sự việc, cái gì chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và cái gì là quan trọng. Nếu không thì công sức và sự chú tâm của ông sẽ chẳng dẫn đến đâu hết, bất chấp mọi nỗ lực của người trong cuộc. Nào, nếu chúng ta dẹp sang một bên, trong giây lát, tất cả những chuyện có vẻ kỳ quặc xảy ra trong đêm nay - kể cả cái chết bất hạnh của vị binh sư dũng cảm - thì những gì chúng ta còn lại là vụ lấy trộm thangka. Đó là nguyên nhân đơn giản hơn mọi nguyên nhân khác, dù nó có kỳ lạ đến mấy đi chăng nữa”.

"Nhưng làm cách ông lấy lại nó được?”

"Rất đơn gian. Đến lượt mình, tôi cũng muốn thử làm một tên trộm đến thăm toà công sứ Trung quốc một phen” - Holmes nói, giọng bình tĩnh. Tôi hơi giật mình trước câu trả lời, mặc dù rất kính nể tài xoay xở và sự táo bạo vô song của người bạn đồng hành.

"Nhưng ông không thể làm điều đó," Lạt Ma Yoten kêu lên.

“Tôi không thấy rõ lý do tại sao lại không được làm điều đó. Hãy lật lại vấn đề một cách khách quan. Họ đã đột nhập vào điện thờ của Đạt Lai Lạt Ma ăn trộm một vật, vì thế dường như cũng là công bằng và hợp lý nếu chúng ta đến lấy lại cái vật thuộc về mình".

"Có thể nói là ăn miếng trả miếng, ông Holmes ạ," tôi nói.

"Chính xác".

“Sẽ là một vụ xì căng đan đáng xấu hổ về mặt ngoại giao, nếu như ông bị bắt,” Lạt Ma lo lắng nói.

“Phải, chúng ta không thể xem nhẹ khả năng đó, đúng không nào? Nhưng xin hãy cân nhắc nó theo một hướng khác. Biện pháp duy nhất giúp chúng ta khám phá âm mưu của kẻ thù là qua cái thangka đó. Vì vậy hoặc là chúng ta tránh những rắc rối và ngồi yên đợi cho tới khi chúng đến tấn công, hoặc chúng ta chấp nhận rủi ro, đồng thời có thể nhiều cơ hội đập tan những mưu ma chước quỷ của chúng!”

"Một khi ông đã nêu vấn đề theo cách đó, tôi không thấy chúng ta còn có thể làm gì khác nữa” - Lạt Ma Yonten rầu rĩ nói.

"Tuyệt lắm!” - Holmes thốt lên, xoa hai bàn tay vào nhau. “Giờ hãy vạch ra từng đường đi nước bước cho kế hoạch của chúng ta. Việc ông nhắc đến một vụ xì căng đan về ngoại giao đã gợi cho tôi một ý tưởng nhỏ. Mọi việc sẽ như thế nào nếu tin tức về vụ việc đêm nay bằng một cách nào đó, lại đến tai bàn dân thiên hạ nhỉ”.

"Sẽ có vô số vụ náo loạn trước toà công sứ Trung Quốc, thưa ngài," Lạt Ma kêu to, giơ hai tay lên vì kinh hoàng.

“Chính xác. Và một chuyện như thế chắc chắn sẽ khiến cho lính gác cùng đám người bên trong đổ xô đến trấn giữ chúng trước của toà công sứ".

“Tạo điều kiện cho chúng ta đột nhập qua cổng sau," tôi thốt lên, bị kích động không kém. “Một tiểu xảo tài tình nhất, thưa ngài".

“Ông quá khen, Hurree ạ,” Holmes trả lời. "Ông sắp trở thành một người biết đọc suy nghĩ của người khác cũng giỏi như tôi rồi. Nhưng ông đã mắc một sai lầm nhỏ trong những nhận định của mình. Ông sẽ không đi cùng với tôi”.

“Nhưng, thưa ngài," tôi phản đối, “Chắc chắn ngài sẽ cần sự hỗ trợ”.

“Hai mũi tên trong ống tên bao giờ cũng tốt hơn một," Tsering trang nghiêm, "và ba mũi tên sẽ còn tốt hơn nữa".

"Không, Tsering ạ,” Sherlock Holmes cương quyết. “Nhiệm vụ của anh sẽ là “châm ngòi" cho một cuộc đại náo loạn diễn ra ngay trước chúng toà công sứ, vào đúng thời điểm mà tôi yêu cầu".

"Nhưng cơn giận dữ của đám đông cũng có thể vượt khỏi tầm kiểm soát," Lạt Ma Yonten gãi gãi cái đầu trọc một cách lo âu.

“Hoàn toàn chính xác," Holmes nói giọng ngọt như không. “Đó là lý do tại sao Tsering phải có mặt ở đó. Nhiệm vụ của anh ta là trông chừng sao cho đám đông, dù ồn ào và kích động đến mấy cũng không có hành vi bạo động mà phá huỷ toà công sứ hay ném vào đấy một mồi lửa”.

"Nếu vậy thì chỉ tạo ra cái cớ cho Hoàng đế Trung Hoa phái đại quân đến, đè bẹp Tây Tạng ngay lập tức," Lạt Ma lẩm bẩm giọng râu rĩ.

“Cần tăng cường thêm quân thiện chiến, mặc thường phục để bảo vệ nơi này” Holmes tiếp tục hướng dẫn Tsering, lờ đi lời than van của Lạt Ma Yonten, "và để họ trà trộn trong đám đông. Cần phải đưa ra cho họ những chỉ thị cương quyết, chính xác tuyệt đối không được để đám đông vượt khỏi tầm kiểm soát".

"Vâng, tôi nghĩ mình có thể kham nổi việc đó” - Tsering tự tin nói. “Ngài muốn vụ bạo động xảy ra lúc nào?”

"Ngày mai cũng tốt như bất cứ ngày nào. Tôi cần bóng tối làm đồng minh, vì thế nó phải diễn ra vào buổi tối. Để tôi xem…" quay sang Lạt Ma Yonten, ông hỏi: "Nhân đây xin hỏi, có phải ngày hôm qua ngài đã nói rằng ngài có một “Chân gỗ” ở toà công sứ, trong vai một người hầu cận phải không ạ”.

“Đúng vậy”.

“Ngài có thể triệu anh cả đến đây ngày mai không? Tôi cần một số thông tin về sơ đồ, đường đi bên trong khu vực hàng rào phía sau toà công sứ và chỗ ở chính xác của Tên ác ma”

"Tôi có thể mời anh ta đến đây vào trưa ngày mai. Sớm hơn ư?… Không. Tôi nghĩ điều này khó thực hiện lắm".

“Tôi nghĩ từ lúc mặt trời lặn cho đến khoảng sáu giờ sáng hôm sau sẽ là thời điểm thuận lợi cho một cuộc bạo động theo ý của chúng ta. Tôi sẽ đột nhập vào phủ trong khi nổ ra một cuộc biểu tình diễn ra trong tầm kiểm soát".

“Được rồi, thưa ngài Holmes”. Tsering đứng lên khỏi đi văng. "Tôi sẽ đi khắp thành phố và loan truyền tin tức tại các quán rượu chang(11). Các ngài cũng sẽ quay lại thành phố chứ?”

"Tôi nghĩ rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu ông Holmes và người đồng hành ở lại bên trong những bức tường của Châu Viên” Lạt Ma góp ý "Hiện họ đã bị Tên ác ma trông thấy. Hãy cư ai đó đến thành phố lấy đồ đạc của họ mang về đây”.

Ít phút sau tôi và Holmes được dẫn vào một dãy phòng tiện nghi nằm ở phía đông toà nhà chính. Cuối cùng, lúc chúng tôi có thế nghỉ ngơi thì đã ba giờ sáng, nhưng chẳng thấy Holmes chuẩn bị ngủ nghê gì cả. Than vào đó ông tự rót cho mình một ly whisky từ cái chai bẹt du lịch màu bạc và nhồi đầy tẩu thuốc lấy từ cái túi da màu xám. Ông quay sang nhìn tôi.

Ông không định đi ngủ ư, Hurree?”

“Không ông Holmes ạ," tôi trả lời bằng một giọng tổn thương. "Tôi hy vọng mình không phải là kẻ vô tích sự, vì vậy tôi muốn hỏi xem ông có bất kỳ lý do gì để không hài lòng về sự phục vụ của tôi không".

“Dĩ nhiên là không, Hurree. Ngược lại…"

"Vậy thì chuyện quái quỷ nào đang diễn ra thế này, sao ông không muốn tôi đi cùng với ông trong cuộc phiêu lưu ngày mai?”

"Ông bạn thân mến. Nó sẽ vô cùng nguy hiểm".

"Nguy hiểm ư, ông Holmes?" tôi giận dữ nói. "Tôi đã ở trong hoàn cảnh nguy hiểm chết người từ lâu rồi, từ khi tôi bám theo ông trên chiếc tàu thuỷ đó: ở khách sạn Taj Mahal với con đỉa khổng lồ kinh tởm; trên xe lửa với Những kẻ sát nhân xấu xa; và trong suốt cuộc hành trình dài với những tên cướp gớm ghiếc cùng tất cả những chuyện đại loại thế. Vậy thì với tôi, liệu còn có điều gì nguy hiểm hơn trong cuộc chơi này chứ?”

"Ông có thể có ích ở đây”.

“Và tôi thật sự là một sự giúp đỡ vô giá, thưa ngài," tôi vội vã nói, cố khai thác chỗ núng đầu tiên trong thái độ cương quyết của Holmes. "Tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc đột nhập phi pháp vào các toà nhà được bảo vệ nghiêm ngặt, trong những lần ăn trộm tài liệu mật".

“Được thôi, Hurree," Sherlock Holmes nhún vai nói "xét cho cùng thì chúng ta đã luôn ở cùng nhau trong suốt cuộc hành trình dài này, có lẽ sẽ là một niềm an ủi với cả hai - trong trường hợp xấu nhất - nếu được tiếp tục đồng hành với nhau trong những cuộc hành trình xa xôi hơn nữa".

 

Chú thích:

(1) Kusho: từ tôn xưng với những người được tôn trọng vì địa vị hoặc tuổi tác

(2) thangka: tranh vẽ trong Phật giáo Tây Tạng, thường là vải lụa cuộn tròn, đa số thể hiện nội dung và giáo pháp hay cuộc đời Đức Phật.

(3) Mandala là một khái niệm quan trọng của phật giáo Tây Tạng và Kim cương thừa. Đó là biểu tượng của vũ trụ và lực lượng trong vũ trụ, diễn tả bằng những tranh vẽ. Người ta sử dụng mandala để tập trung thiền định, nó là xuất phát điểm của nhiều phương pháp quán định (một nghi thức tôn giáo trong những buổi lễ quan trọng. Tại Tây Tạng người ta hiểu mandala là “Trung tâm và ngoại vi”, là cơ sở để hiện tượng hợp nhất với bản chất. Vì vậy, trong mandala, người ta thường thấy vô số cảnh vật, hình tượng khác nhau, nhưng chúng vẫn nằm trong một tranh vẽ duy nhất với thứ tự trên dưới rõ rệt. (Từ điển Phật học, NXB Thuận Hoá, Huế, 1999)

(4) Thời luân (Wheel of time): Tiếng Phạn là Khacakra hay Kalachakra: một trong các khái niệm nằm trong hệ thống vũ trụ luận phức tạp của Phật giáo Tây Tạng. Không nên nhầm với Pháp luân hay Bánh xe pháp (dharmacakra (trong Phạn), dhammacakka (tiếng Pali). Phật pháp tương ứng với ba cấp độ: Tiểu thừa (Hinayana), Đại thừa (Mahayana) và Kim cương thừa (Vajrayanay) mỗi cấp độ là một lần chuyển pháp luận

(5) Utopia là tên một cuốn sách của Thomas More (1478-1535), một luật sư, nhà chính trị, nhà tư tưởng người Anh. Nhà thờ Thiên Chúa giáo phong thánh 400 năm sau khi qua đời. Đó là một cuốn sách mang tên một đảo quốc giả tưởng trong đó một nhà tu hành tưởng tượng đã miêu tả về thể chế chính trị lý tưởng của nó. Francis Bacon và Campanella là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng thuộc dòng Utopia. Utopia đã được Trịnh Lữ dịch ra tiếng Việt, Nhã Nam ấn hành năm 2006

(6) Trong nguyên tác viết Water-Sheep Year of Twenty-four cycle (2425) tức là năm Mùi, có lẽ là nhầm, vì năm đó phải là năm Ất Dậu.

(7) Hệ thống giao thông của người Tây Tạng xoay tròn trong thành phố thần thánh. Con đường xoay quanh thánh đường chính tên là Jokang - tuy ngắn hơn nhưng cũng thiêng liêng và nổi tiếng như đường Barkor.

(8) Nguyên văn: Water Monkey (1873).

(9) trulku Trulku: hiện thân của một Lạt Ma

(10) Atisha (Skt Dipankarajan, Tib Jowo-je) 982-1055, là một người thầy lớn trong việc truyền giảng những giao lý của đức Phật. Ông là người Bengal đến Tây Tạng vào thế kỷ 11, có công làm sống lại đạo Phật đã bị suy tàn và thoái trào từ sau sự sụp đổ của đế quốc Tây Tạng.

(11) chang: một loại thức uống có cồn, nồng độ khá nhẹ làm bằng lúa mạch lên men

<< Chương 17 | Chương 19 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 329

Return to top