Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trinh Thám, Hình Sự >> Sherlock Holmes mất tích

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17047 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sherlock Holmes mất tích
Jamyang Norbu

Chương 11


"Này ở kia kìa, Gaffuru". Cái giọng trầm trầm âm vang của Kintup bị bóp méo đi một cách lạ lùng bởi màn sương mù dày đặc lúc sáng sớm. “Giữ chặt lấy đai yên của con la màu hồng, đừng để nó tung hàng xuống đất".

 

Anh đã hoàn thành việc kiểm tra lần cuối hàng hoá trên lưng bầy la và yên cương trên mấy con ngựa lùn, sau đó anh bước đến gần chỗ tôi, đôi ủng dày nhẹ nhàng nghiện trên lớp sỏi rải ở lối đi nhỏ, trung khu vườn trước ngôi nhà gỗ ở Runnymeade.

“Babuji, ông có thể thông báo với sahib rằng tất cả đã sẵn sàng cho cuộc hành trình".

Tôi bước vào nhà, ở đó Sherlock Holmes đang tạm biệt ông già Lurgan. Một tháng trước, Đại tá Creighton đã tiết lộ với ông này danh tính thực của Sigerson, vị du khách người Na Uy và đã chiêu nạp Lurgan để ông này có thể danh chính ngôn thuận giúp một tay trong công việc chuẩn bị cho chuyến đi. Còn lúc này thì già Lurgan quay sang tôi, ngay khi tôi bước vào phòng.

“À, tôi nghĩ ông bạn già Hurree đây muốn thông báo cho ngài biết rằng mọi thứ đã sẵn sàng để lên đường, thưa ông Sherlock Holmes”.

Lurgan thọc tay vào túi, lấy ra một ống tẩu cổ xưa tuyệt đẹp kiểu Tarta, được khảm bạc và có phần ống hút làm bằng ngọc bích. “Người phương Đông chúng tôi có phong tục tặng quà cho khách quý lúc chia tay. Tôi không nghĩ là ông sẽ có cơ hội tiếp tục hút cái tẩu màu đỏ anh đào trông rất Anh Cát Lợi kia trong khi đóng giả một người Ladakh. Làm ơn nhận lấy món quà này, tôi xin ông đấy".

Ông Holmes nhận món quà và cám ơn Lurgan một cách nồng nhiệt. Lurgan quay sang tôi, đưa cho tôi một hộp bút hình trụ bằng sắt, bên ngoài có những hoa văn trang trí của Tây Tạng.

"Tôi được biết cái ống nhòm hiện đại của anh đã khiến nhà cầm quyền Trung Quốc đem lòng nghi ngờ anh trong chuyến đi lần trước, tôi nghĩ lần này chúng ta nên thận trọng hơn. Anh chỉ cần mở cái nắp ra, nhìn qua một cái lỗ nhỏ ở đáy hộp và - hây! Đó là một cái kính viễn vọng. Trông khéo chưa? Tôi nghĩ rằng nó là thứ tốt nhất mà tôi đã làm, có lẽ chỉ sau cái bánh xe cầu nguyện có đáy trũng. Thôi nhé, ông bạn già, chúc may mắn. Đừng có tạo ra một vụ rắc rối ngoại giao nào nữa nhé. Nó chỉ khiến Đại tá lo lắng và anh cũng hiểu rõ bằng, sau những việc như vậy thì rất khó làm việc với ông ta đấy!”

Chúng tôi im lặng cưỡi ngựa ra khói khu vườn. Từ trên yên ngựa, tôi ngoái đầu nhìn lại, cái bóng đen đen của Lurgan hiện rõ như được khắc trong lòng ánh sáng ấm áp dễ chịu của một ngàn mới vừa rọi xuống ngưỡng cửa. Ông giơ bàn tay phải lên chào tạm biệt. Tôi hơi rùng mình, chủ yếu bởi vì trong cái lạnh thấu xương của buổi ban mai đầy sương mù tôi bỗng nhận thức rõ rằng, một lần nữa tôi lại rời bỏ cuộc sống tiện nghi, an toàn để đối mặt với những khó khăn nguy hiểm của những điều xa lạ.

Như đã từng thú nhận trước đó, tôi là loại người dễ hoảng sợ, một điều rất có hại trong nghề nghiệp của tôi, nhưng ở một khía cạnh khác, càng sợ hãi bao nhiêu tôi lại càng có xu hướng bị cuốn vào nhưng chốn nguy hiểm bấy nhiêu.

Tuy vậy, nỗi sợ hãi ít nhất cũng có được một chức năng có ích, nó làm cho người ta trở nên cẩn trọng hơn. Tôi đã chuẩn bị vô số biện pháp đề phòng để đảm bảo rằng bất cứ ai quan tâm quá mức đến hoạt động của chúng tôi đều không biết được gì nhiều. Cả cuộc ra đi im lặng, lén lút trong buổi sáng mờ sương này cũng là một trong những cố gắng của tôi để "làm vẩn đục cái giếng điều tra bằng cây gậy của sự đề phòng," như người ta vẫn dùng cách nói khoa trương như vậy ở Afghanistan.

Chiếc khafìla(1) nhỏ của chúng tôi mỗi lúc một rời xa Choa Simla, lăn bánh đều đặn trên con đường Ấn Độ-Tây Tạng, một con đường giao thông huyết mạch được lên kế hoạch và bắt tay xây dựng từ năm 1850 do chiếu tá Kennedy chỉ huy - ông là thư ký của nam tước Charles Napier, người đã thực hiện thành công cuộc chinh phục người Punjab và người Sikh. Quả là một ký tích đáng tự hào của Đế chế, bởi vì để làm được con đường hùng vĩ này, người ta phải vượt qua những chướng ngại vật tưởng chừng như không thể khuất phục của dãy Himalaya, kéo dài suốt 230 dặm cho đến điểm kết thúc ở Shipki giáp biên giới với Tây Tạng.

Trời mỗi lúc một sáng hơn, mặc dầu làn sương mù vừa lạnh vừa ẩm ướt vẫn nhằng nhẵng bám vào các sườn núi làm cho quang cảnh nhuốm một màu u ám. Trong làn sương mù ẩm ướt, khó có thể phản biệt được cánh vật hai bên đường, đám vật thồ và kỵ sĩ lẫn vào nhau, hệt như những vết ở ẩm ướt trên nền những hình dáng lờ mờ đen đen của cây cối và những lùm cây bụi ven đường. Trong không gian tĩnh lặng vang lên tiếng móng guốc gõ lộp cộp tiếng nghiến của những sợi dây đã bị kéo căng, tiếng thở phì phò và chốc chốc lại rộ lên tiếng khụt khịt của những con vật đang nhẫn nại kéo đi một gánh nặng, nhưng trong làn sương mù tất cả những âm thanh này trở nên hư hư thực thực đến nỗi có cảm giác như chúng vang lên tử một giấc mơ đã nữa phần chìm vào quên lãng.

Lha Gyalo! Lha Gyalo!”(2)

Cái giọng trầm trầm của Kintup, lúc này đang cưỡi ngựa vượt lên dẫn đầu đoàn người, hò lên dội lại về phía sau vang đến chỗ chúng tôi. Câu thần chú Lạt Ma giáo này nhìn chung thường được người Tây Tạng hò to lên khi bắt đầu một cuộc hành trình, lúc ở trên đỉnh một ngọn đèo hai trên một ngọn núi cao lúc này đây nó được lặp lại một cách nhẹ nhàng bơi người cùng tôn giáo với anh ta, Jampsel, tay đầu bếp người Ladakh của chúng tôi. Tôi cưỡi ngựa chạy bên cạnh cái thân hình cao lêu đêu của Sherlock Holmes, ông quấn mình trong chiếc áo choàng bằng da cừu Ladakh, ngồi trong một tư thế gò bó vì phải giạng đôi chân dài sang hai bên khi cưỡi con ngựa vùng núi thấp, nhỏ.

“Thưa ngài, thế là chúng ta đã bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình”. Tôi bày tỏ ý nghĩ của mình.

“Caelum non animum mutant qui trans mare current(3). Horace thật sự không tin tưởng vào những lợi ích của việc đi du lịch đâu, nhưng hãy cầu nguyện để cho cuộc hành trình vượt qua những ngọn núi chọc trời này đem lại cho chúng ta nhiều cảm hứng hơn ông ta đã nhận được từ cuộc hải hành". Holmes đáp, giọng ngân nga đầy vẻ triết lý.

Ngày đầu tiên sau khi rời khỏi Simla, đoàn chúng tôi hướng về một rặng núi thường được gọi là Fagu, cách đó mười bốn dặm. Ở đây và ở một vài khu vực lân cận, trong chừng mực con đường còn nằm trong lanh địa của người Anh, ta có thể nhìn thấy rải rác một số ngôi nhà gỗ một tầng của chính phủ, được dựng lên với mục đích phục vụ nơi nghỉ chân tạm bợ cho lữ khách lỡ độ đường, họ chỉ phải trần một khoản tiền thuê không đáng kể mỗi ngày. Mặc dù thường không được bảo quản và chăm sóc tốt nên khá bất tiện trong mùa mưa bão, những ngôi nhà như vậy vẫn là một địa điểm đáng mơ ước cho những người mệt mỏi vì những nỗi dọc đường; ít nhất nó cũng cho người ta một mái nhà, một ánh lửa mà không cần dùng đến lều trại.

Đoạn đường từ Simla đến Fagu đi theo hướng dãy núi chính, không phải bao giờ cũng chạy qua những chỏm núi nhưng hiếm khi ở cách xa nó. Ra khỏi Simla chừng bốn dặm, dãy núi dột nhiên tăng độ dốc, đồng thời nó đột ngột rẽ ngoặt về hướng Đông. Con đường trèo lên mặt dốc đứng của dãy núi theo hình chữ chi. Lên đến gần đỉnh dốc, nó thình lình xuất hiện sau một màn sương mù dày đặc, phơi bày trước mắt chúng tôi ngọn núi Shali, mặt trời như dát vàng lên chóp núi tạo cho nó một vẻ đẹp khiến người ta phải sững sờ: ôm trọn thung lũng hướng Đông Bắc, những vách đá dốc đứng của nó dường như treo lơ lưng trên thung lũng Sutlej.

Chúng tôi đến nhà nghỉ ở Fagu vào lúc chiều muộn, trong khi trời đổ mưa như trút. Tuy vậy, một tách trà nóng bên ngọn lửa cháy sáng rực trong lò giúp chúng tôi nhanh chóng quên đi cái khó chịu của chuyến đi lướt thướt dưới mưa. Suốt hai ngày sau đó, chúng tôi cưỡi ngựa đi qua đỉnh dãy núi chính, băng ngang thôn xóm của người Matiana, Narkhanda và Kortgarh; đó là khu vực cuối cùng có một cơ sở truyền giáo của người châu Âu nơi đang chực hiện nhưng công việc từ thiện cao quý và truyền dạo cho những người dân miền núi chất phác suốt dời chưa rời khỏi nhưng ngọn núi này.

Từ Kotgarh chúng tôi bắt đầu đi xuôi phía bên kia dãy núi chính xuống lưu vực sông Sutlej. Đường đi rất dốc và chúng tôi chứng kiến sự thay đổi đầy kịch tính của các hệ thực vật, vừa mới gặp những cây thông vùng ôn đới đã lại thấp hoa cỏ rực rỡ xứ nhiệt đới. Càng xuống thấp nhiệt độ càng nóng lên cho đến khi con đường dẫn tới bờ con sông Sutlej tại làng Kepu. Chúng tôi tiếp tục chặng đường kéo dài khoảng 70 dặm từ thung lũng đến Nirat. Ngày hôm sau chúng tôi đến Rampur, thủ phủ của Bushair, quận Bushair là một lãnh thổ vùng cao độc lập dưới quyền cai trị của một tiểu vương người Ấn. Lãnh địa của ông vua này cũng trải rộng sang đến tận Kunawar, khu vực nằm xa xa phía trên thung lũng, cư dân của nó thuộc dòng dõi người Tarta và là tín đồ trung thành của Lạt Ma giáo.

Thị trấn Rampur nằm trên một vùng đất khá thấp chỉ cao hơn 30 mét so với con sông uốn lượn chảy dưới chân nó. Nhà cửa ở đây được xây dựng kiên cố, nhưng đa số là nhà một tầng với loại mái nghiêng lợp bằng ngói đen. Thị trấn Rampur có mối quan hệ thông thương buôn bán tốt đẹp với Tây Tạng, hàng hoá trao đổi chủ yếu la khăn choàng len và có một đơn vị sản xuất với quy mô nhỏ sản phẩm khăn quàng nhẹ bằng len trắng. Bắc ngang con sông là một cây cầu treo bằng dây cáp. Nó gồm có chín nhịp dây cáp căng từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia. Chiều rộng của sông Sutlej ngay tại chỗ cây cầu vào khoảng hơn 60 mét.

Sutlej là một trong bốn con sông chính bắt nguồn từ ngọn núi Kailash linh thiêng và những hồ nước đôi huyền thoại ngay ở chân núi. Người Tây Tạng có những truyền thuyết mang tính thần thoại, rằng dòng nước của nó được chảy ra từ miệng một con công và lấy sự tích này mà đặt tên cho nó. Các sông Indus, Bramhaputra và Karnali cũng bắt nguồn từ cùng một khu vực và được người Tây Tạng lần lượt đặt tên là “Chảy ra từ miệng sư tử” "Chảy ra từ miệng voi” và “Chảy ra từ miệng ngựa” biểu lộ thái độ tôn kính với những con sông này. Người Tây Tạng, cũng như phần lớn các dân tộc châu Á khác, giải thích các vấn đề khoa học bằng nhưng truyền thuyết và sự tích hoang đường.

Chúng tôi ở lại Rampur trong hai ngày làm khách trong nhà một tiểu vương già rất khoái rượu whisky. Sở dĩ ông hoàng này quan tâm và biểu lộ thiện chí với tôi là vì lần trước, khi đi qua thị trấn (đóng giả làm một viên quan toà), tôi đã chữa khỏi bệnh gút cho ông cùng nhiều căn bệnh lặt vặt của đám dân chúng nghèo khổ ở vùng này. Khi chạy đến gần thị trấn Rampur, thung lũng Sutlej dường như bị thắt lại khá nhiều, những ngọn núi vươn lên cao hơn và cũng khó trèo hơn. Sau bốn ngày đường, khi chúng tôi đến được thị trấn Chini thì những bụi cây sum sê xanh tốt ở thung lũng dưới kia chốc chốc lại nhường chỗ cho loại cây bách xù bị gió thổi cho xơ xác và những đám cây bụi khô héo.

Những cơn gió nhẹ dưới kia lên được đến đâu thì biến thành những lưỡi dao bén nhọn khiến tôi phải kéo hai miếng che tai của chiếc mũ cũ mòn làm bằng dã thỏ xuống cho đỡ lạnh. Gian khổ là vậy nhưng hình như chẳng có gì trên đời này có thể làm ông Holmes phiền lòng và không gì làm vẩn đục niềm hứng khởi đang bừng bừng trong ông. Tâm trạng của ông tỷ lệ nghịch với những ngọn gió mỗi lúc một tai ác hơn, cái lạnh khắc nghiệt hơn và quang cảnh hoang vắng đìu hiu khi chúng tôi tiến đến gần Tây Tạng. Phải, càng đi xa bao nhiêu, Sherlock Holmes càng vui vẻ, phấn chấn, hoạt bát và có thể sinh khí bấy nhiêu.

Những lúc không đặt ra cho tôi những câu hỏi bất tận về ngôn ngữ và phong tục Tây Tạng thì ông lại ngâm nga khe khẽ một giai diệu nào đó và mỉm cười tư lự, đầy vẻ bí ẩn.

Từ Chini trở đi, kinh nghiệm về cuộc hành trình chẳng có gì ngoài một bộ sưu tập lớn về những ngôi nhà đá thô kệch của những người dân miền núi, ai ở đâu cũng có nước da vàng bủng thân mình béo ủng trong nhưng bộ quần áo bằng vải len thô, họ chăn dắt những đàn cừu cũng mập tròn như thế. Chúng tôi đi lên bản Poo, ngôi làng cuối cùng và duy nhất trước khi đặt chân đến vùng Shipki và Tây Tạng. Bình thường chỉ mất năm ngày đường từ Chini đến Poo, nhưng chúng tôi phải mất đến sáu ngày. Bạn biết đấy vào ngày thứ tư chúng tôi rơi tõm vào một cái mạng giăng ra gồm toàn nhưng chuyện rắc rối không thể nào lường trước được.

 

Chú thích:

(1) Khafila: loại xe tải có mui do các con vật thồ kéo

(2) Lha Gyalo: Vinh danh các thánh thần

(3) Caelum non animum mutant qui trans mare current (tiếng Latinh - thơ của Horace) Những người băng qua biển thì có thể thay đổi trời nhưng không thay đổi được lòng người.

<< Chương 10 | Chương 12 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 355

Return to top