Trời đất thánh thần ơi! Ai có thể nghĩ ra một cụm từ xấu xa và kệnh cỡm hơn thế để miêu tả những hoạt động ngoại giao quan trọng của Cục điều tra Dân tộc học - cái bộ phận quan trọng nhưng ít được biết đến của chính phủ Ấn Độ, nơi mà tôi, với khả năng rết giới hạn của mình, đã có vinh hạnh được phục vụ suốt ba mươi lăm năm qua. Cụm từ trên là sự sáng tạo của nhà văn Rudyard Kipling, người vào giai đoạn cuối của tờ Pioneer tại Allahabad với lối văn phong báo chí khiếm nhã đáng chỉ trích - chỉ với một đòn đã tìm được cách hạ bệ những hoạt động rất quan trọng của Bộ chúng tôi xuống thành một trong những trận bóng cricket được miêu tả rất hùng hồn trong những bài thơ của Sir Henry Newbolt.
Thật tình, tôi cũng không hiểu rõ mọi việc đã xảy ra như thế nào, nhưng thật không may, ông Kipling đã thu thập được những chi tiết trong vụ việc có liên quan đến "Phả hệ của giống ngựa bạch"(1) mà ông điềm nhiên công bố trong tờ Pioneer số Chủ nhật, ra ngày 15 tháng Sáu năm 1891, với nhan đề "Cuộc chơi vĩ đại: lời đáp từ của Sư tử trước mưu đồ của Gấu". Về bản chất, việc này có liên quan đến liên minh của năm vị tiểu vương ở biên giới Tây Bắc Ấn Độ (những người chẳng có lý do chính đáng gì để câu kết với nhau, bọn họ sốt sắng tiến hành những vụ "đi đêm" với một nhà sản xuất súng ở Bỉ, một chủ ngân hàng người Ấn ở Peshawar, một nhà cầm quyền "bán" độc lập có thế lực là lãnh tụ của những người Hồi giáo ở phía Nam, và - hiếu chiến hơn hết thảy - là một thế lực ở phía Bắc, với quyền lợi không thể nói là trùng hợp với quyền lợi của Đế chế.
Bộ chủ quản hoàn toàn bất ngờ trước diễn tiến tình hình như thế, và tôi được cấp trên cử đi biệt phái lên phía Bắc trong vòng hơn một năm, với nhiệm vụ theo dõi nhất cử nhất động của năm vị tiểu vương nói trên. Có lẽ tôi không phải giải thích những việc diễn ra trong thời gian đó; chỉ cần nói rằng bằng cách thiết lập được mối quan hệ hữu hảo với một viên thư ký được trả lương không thỏa đáng và chuyển một lượng lớn những đồng ru-pi, mà tôi đã tìm cách có được một số mursala quan trọng, còn gọi là quốc thư hay công văn chính thức khiến cho tất cả những con mèo chui ra khỏi rọ, có thể nói như vậy. Tôi đã bí mật chuyển những tài liệu mật nói trên qua các nhân viên chìm của bộ như E.23, C.25 và cuối cùng là K.21 để họ chuyển đến cho Đại tá Creighton, người đứng đầu Bộ chúng tôi.
Chính phủ đã có những ứng phó mau lẹ và nhanh gọn khác thường. Một đội quân tám nghìn người trang bị súng ống được phái ngay lên phía Bắc, bất ngờ đánh úp các tiểu vương trước khi họ kịp ra tay. Nhưng cấp lãnh đạo không chủ trương làm lớn vụ này. Quân đội nhận được lệnh rút về, bởi vì chính phủ cho rằng chỉ dừng lại ở mức độ thị uy đối với năm vị tiểu vương kia là đủ; vả lại, cung cấp quân lương cho ngần ấy lính trên vùng cao cũng rất tốn kém. Đó không phải là giải pháp tốt nhất; quả thật, tôi cho rằng đó là sự tắc trách đáng chỉ trích nhất về phía chính phủ, khi cho phép năm tiểu vương kia - nhũng kẻ bội tín như rắn hổ mang bú sữa bò cạp - được sống sót. Nhưng người ta chính thức cấm chỉ tôi không được phê phán bất cứ động thái nào của thượng cấp; và nếu như lúc này đây tôi có mạo muội nhắc đến vụ việc này, thì cũng chỉ là làm sáng tỏ một cách không chính thức về bối cảnh chính trị lúc bấy giờ.
Khi tờ Pioneer đăng tải bài viết thiếu thận trọng (nói vậy là nhẹ nhất rồi) của ông Kipling, nó gây ra một sự phán ứng khác thường trong Bộ chúng tôi. Ngài Đại tá Sahib nhận định rằng cảm hứng cho bài viết của ông Kipling nhất định đã bắt nguồn từ trong nội bộ mà ra, ngay từ bên trong có thể nói như vậy và Ngài nổi trận lôi đình đối với hành động bội phản đê hèn hết mức đó. Là một người thường ngày khá lãnh đạm và kín đáo, ông xộc qua hành lang tổng hành dinh của Bộ tại Umballa trong "cơn giận chính đáng của một Juvenal(2)". Những cuộc thẩm tra nghiệt ngã diễn ra ngay trong phòng làm việc của ông với tất cả những người có liên quan ít nhiều đến vụ này ngay cả tôi cũng phải trải qua một giờ đồng hổ không lấy gì làm dễ chịu trước cái nhìn như muốn ăn sống nuốt tươi của ngài Đại tá. Tất nhiên, tôi gắng sức làm tốt phận sự của mình, tuy vậy để tỏ ra chân thực tuyệt đối, tôi phải thừa nhận rằng tôi đã hơi toát mồ hôi lạnh trước khi cuộc tra hỏi kết thúc, sine die(3), và cuối cùng tôi cũng được phép rời khỏi phòng.
Kết luận của cuộc điều tra lộ ra một chút thiếu sót then chốt gây ảnh hường đến sự toàn vẹn của Bộ, hơn là như lúc ban đầu chúng tôi đã lo ngại. Hai nhân viên bản xứ trong phòng lưu trữ bị đuổi việc ngay lập tức, một viên đại úy trẻ tuổi người Anh ấp ủ tham vọng văn chương (anh ta thường gửi thơ cùng những thứ đại loại như vậy cho tờ Pioneer) bị thuyên chuyển đến một đơn vị vận tải đóng quân ở Mewar để chăn lạc đà và bò thiến cho đến hết đời binh nghiệp. Ông Kipling nhận được thông báo - thông qua chủ bút của Pioneer - rằng cách hành xử của ông trong vụ việc này không được hoàn toàn chính nhân quân tử, nhưng chính phủ sẽ không đưa ra cách thức "xử lý" vấn đề nếu như ông Kipling không tiếp tục hành nghề nhà báo ở Ấn Độ và quay trở về nước Anh, như sau đó ông đã chấp nhận.
Về phía những sĩ quan như chúng tôi, thật nhẹ cả người khi mọi chuyện đã được làm sáng tỏ, mặc dù C.25 cảm thấy uy tíncá nhân của mình bị đặt thành dấu hỏi bởi sự nghi ngờ của Đại tá. Một quý ông người Pathan(4) bao giờ cũng rất nhạy cảm trong những vấn đề liên quan đến danh dự cá nhân và ngựa nghẽo.
Rồi một ngày nọ người ta tìm thấy cái xác gầy gò, dơ bẩn của E.23 trong một cái rãnh tối om phía sau những chiếc dù mạ vàng của Chatter Munzil ở Lucknow. Hơn một chục vết dao đâm, cùng vài bộ phận bị cắt xẻo nghiêm trọng khác đã gây nên cái chết yểu cho anh chàng xấu số đó.
Tôi hy vọng mình được gọi là một môn đồ xứng đáng của Herbert Spencer(5), đủ dũng cảm để đương đầu với một chuyện nhỏ nhặt như cái chết, mà đó lại là điều có ýnghĩa sống còn ở vào hoàn cảnh tất yếu của tôi. Vậy nhưng, những cánh tay vươn dài của năm vị tiểu vương bên ngoài những con đường độc đạo, cả viên quan thái thú Ấn Độ ở lãnh địa Hồi giáo nào đó tại miền Nam vượt ra ngoài vòng pháp luật của Nữ hoàng (người đã hoàn toàn thỏa hiệp một cách đáng xấu hổ trong vụ "Phả hệ của giống ngựa bạch" đã nói ở trên), đâu chỉ dừng lại ở cái chết. Trước khi thực hiện hành vi giết người đê tiện, bọn họ thường tra tấn nạn nhân một cách man rợ, thậm chí chỉ nhìn thôi cũng đủ khiến người ta đau đớn.
Bị thúc đẩy bởi những suy nghĩ bất an như vậy, tôi vội vã đệ đơn lên Đại tá, xin ông chuẩn yviệc nghỉ phép vô hạn định, được hưởng lương đầy đủ cho những ai trong số chúng tôi đã bị phương hại vì bài viết vô ý của ông Kipling, để chúng tôi có thể mai danh ẩn tích cho tới khi chuyện này lắng xuống phần nào. Đại tá phê duyệt đề xuất của tôi, trừ một điểm mà ông muốn sửa đổi để tiết kiệm cho ngân sách. Theo đó, K.21 được đưa tới chỗ một Lạt Ma(6) mà anh ta quen biết để tạm thời nghỉ việc trong một tu viện tại biên giới Tây Tạng, C.25 đến Peshawar sống dưới sự che chở của một người họ hàng. Còn tôi, chỉ được thanh toán nửa lương thì nhanh chóng từ giã những chốn thường xuyên lui tới của mình ở vùng trung du để tới thành phố cảng Bombay rộng lớn, giấu giếm thân phận của mình trong một biển người gồm đủ các dân tộc: người Cuiurati, người Mahharati, người Sikh, người Bengal, người xứ Goa, người Anh, người Trung Quốc, người Do Thái, người Ba Tư, người Armenia, người A rập vùng Vịnh và nhiều dân tộc khác tạo thành một cộng đồng đa sắc tộc nơi "Cửa ngõ Ấn Độ".
Tuy vậy, bất chấp mọi chuyện có thể xảy ra, tôi vẫn phải chịu ơn ông Kipling, vì chính việc lưu đày bí mật của tôi tới Bombay lại là duyên khởi cho cuộc hạnh ngộ may mắn của tôi với một quý ông người Anh nào đóvà cùng với ông tôi đã dấn thân vào cuộc phiêu lưu lớn nhất trong đời, bởi vậy mà (nhờ vào việc xuất bản sau đó cuốn sách về các khía cạnh dân tộc học chọn lọc của cuộc hành trình) tôi đã thực hiện được giấc mơ lớn nhất và bền bỉ nhất là trở thành hội viên của Hội Khoa học Hoàng gia.
Nhưng, còn lớn hơn cả niềm vinh dự lớn lao này là việc tôi sẽ mãi mãi nâng niu tình bạn thật sự và sự quý mến mà quý ông này dành cho tôi, người mà tôi bao giờ cũng đánh giá là con người tốt đẹp nhất và thông thái nhất mà tôi từng biết(7).
Chú thích:
(1) Kipling đã phát triển tinh thần của bài viết này trong tiểu thuyết Kim được xuất bản vào năm 1901.
(2) Decimus Junius Juvenalis (A.D. 60?-140?): phiên âm tiếng Anh là Juvenal, nhà thơ châm biếm người La Mã chuyên đả kích sự thối nát và thói ngông cuồng của những tầng lớp đặc quyền đặc lợi trong thời gian trị vì của hoàng đế La Mã Domitian.
(3) Sine die (tiếng Latinh): vô thời hạn
(4) Pathan: Thành viên của nhóm người dân tộc thiểu số miền núi sông ở miền Đông Afghanistan nói tiếng pashto (còn gọi là tiếng Afghan). ngôn ngữ chính thức của Afghanistan và là thổ ngữ chính của các khu vực miền Tây Pakistan
(5) Herbert Spencer (1820- 1903), nhả tư tưởng nổi tiếng thế giới và có sức ảnh hưởng lớn dưới thời Victoria, người đưa ra luận thuyết "triết học tổng hợp" để áp dụng cho khoa học, đặc biệt là thuyết tiến hóa không chỉ trong sinh vật học mà cả trong tâm lý học. xã hội học, nhân loại học, giáo dục và chính trị
(6) Lạt Ma (Lama): theo Phật giáo Tây Tạng. Lạt Ma là hiện thân của giáo pháp. Danh từ Lạt Ma cũng tương tự như guru (đạo sư) của Ấn Độ. Nhưng trong Kim cương thừa Lạt Ma không chỉ là người giảng giải giáo pháp mà còn là người thực hành các nghi lễ, thường lãnh đạo các đại trường và được xem là thuộc về dòng tái sinh. Danh lừ Lạt Ma chỉ những vị cao tăng Tây Tạng: không kể trình độ chứng đạo của các vị đó. Lạt Ma được xem là hiện thân của Phật, trong khi tăng sĩ (nhà sư) chỉ là người tu học trong chùa chiền hay tu viện.
(7) Như một sự trùng hợp có hậu, Watson kết thúc phần niêu tà về cái chết của Holmes tại thác Reichenbach (Điệp vụ cuối cùng) bằng một câu tương tự. Rất có thể: cả Watson và Mookerjee đều nhắc lại một cách vô thức câu nói của một nhà viết tiểu sử thời xưa về cái chết của người bạn và người thầy lừng danh của mình. Plato trong Phaedo đã viết: "Echecrates, bạn tôi, đã chết như thế, người mà tôi thật sự có thể nói rằng trong tất cà những người mà tôi biết trên thế giới này. Ông là người khôn ngoan nhất, công bằng nhất và tốt nhất".