Kể từ độ người bỏ ta, đi vào miền thiên cổ,
Ta còn gì để níu kéo nữa người ơi?
Duyên tình hai mảnh hai nơi,
Mảnh tình ở lại rã rời nỗi đau.
Người làng Cối thường hay nhiều chuyện, cái gì họ cũng muốn biết, cái gì họ cũng thích nói chen vào. Mặc dù họ chẳng bao giờ nhận được bất cứ một điều lợi lộc gì trong đó cả.
Tâm lý chung, người ta bao giờ cũng muốn câu chuyện của mình là chính xác nhất. Họ không muốn câu chuyện của mình đã được người khác kể trước. Thế mới biết, bên trong mỗi một con người, ai ai cũng có cái máu đưa truyện. Mà phải là truyện còn nóng. Bẩm sinh ra, ai cũng có tố chất ấy, nếu không là nhà văn thì cũng là nhà báo. Chuyện nghe đến bật cười.
Người ta bắt đầu nói rất nhiều chuyện về nhà họ Huỳnh. Ai ai cũng muốn câu chuyện của mình là câu chuyện sốt dẻo giật gân nhất, cho nên tuy không nói ra miệng, người ta tranh đua nhau nghe ngóng để rồi câu chuyện của mình luôn có tính thời sự, vừa nóng, vừa nhanh, vừa đạt được tính năng lôi cuốn. Nếu không thế, họ sẽ cảm thấy thiếu thốn một cái đó. Mặc dù có khi phải mang tiếng là người nhiều chuyện, họ vẫn bị cuốn vào hấp lực của câu chuyện của nhà họ Huỳnh.
Một người đàn ông đã thề rằng:
-Tôi cam đoan với cái vị có cái may mắn được nhìn thấy cái bực tượng Quan Thế Âm của nhà chị Nghêu tạc. Các vị sẽ phải phục sát đất cho mà em.
Đám đàn bà, kẻ cho con bú, người xỉa răng, người gãi rốn, nhao nhao hỏi:
-Có gì mà ghê thế!
Người đàn ông kể tiếp:
-Không ghê là không ghê làm sao. Nhìn mặt của mấy bức tượng Quan Thế Âm, nom giống y như là khuôn mặt vợ Ốc.
Đàm đàn bà đồng thanh nói:
-Tưởng chuyện gì. Nhạt thế mà cũng kể.
Một người đàn bà khác nói ngay vào:
-Thế tôi hỏi các bác, chị chồng kiểu gì mà chiều nào cũng ra mộ em dâu thì có bình thường hay không?
Một bà khác nói chõ ngay vào:
-Chuyện ấy thì có liên quan gì đến nhà bác. Nhà người ta có phúc họ mới như vậy. Chứ còn ai như những nhà hết phúc khác. Chị chồng rủa cho em dâu đẻ non với sảy thai. Nghe góm chết. Chuyện như thế thì có gì là lạ.
Một cô gái răng vổ tưởng câu chuyện của mình là hay, nói vào:
-Ngày xưa hai người họ hay chơi với nhau lắm. Rồi cả chuyện nhảy sông cứu nhau. Cô Nghêu thì cả đời không chịu lấy chồng. Cô Hợi nhà chú Ốc thì chỉ đẻ mỗi một đứa con là thằng Sinh. Hình như là hai người họ đồng tính…
Mẹ cô gái vung tay lên đe:
-Tiên sư con bé này. Câm ngây. Tát cho một cái vỡ mồm ra bây giờ. Bé nất mắt thế, đã học nói leo à…
Một cô gái khác có khuôn mặt hao hao giống cái dùi đục, bảo:
-Cơ mà nom cái nhà cô Nghêu ấy tướng cứng thế kia, không khéo chẳng thích đàn ông đâu. Mà có khị lại chỉ thích đàn bà thôi.
Một thím khác trả đũa, chêm ngay cho một câu:
-Tướng mày thì mềm mại lắm đấy. Cứng như gỗ thế kia mà cũng đòi chê bai người khác. Thế tao cũng bảo mày thích đàn bà thì mày bảo làm sao? Đúng là lắm mồm.
Cứ thế người ta thay phiên tiếp nối nhau những câu chuyện. Nào là ngày xưa hai người hay ra sông tắm chung. Lại còn cái khoản kỳ cọ cho nhau nữa. Rồi người ta nhắc đến chuyện cái hôm nhảy sông cứu nhau, chuyện hai người to tiếng với nhau rồi một người bỏ làng, người kia quay ra ốm liệt giường liệt chiếu. Nào là chuyện có người nhìn thấy chị chồng vuốt mắt em dâu, chuyện chị Nghêu phục lên xác em dâu khóc như cha chết, mẹ chết. Rồi chuyện chị Nghêu ngày xưa vui vẻ, bây giờ hoá ra như người dại. Chuyện chị ta chiều nào cũng ra ruộng mả ở miết ngoài ấy cho đến tối mịt mới về. Lại còn cả chuyện chi Nghêu hay ra bến sông chỗ hai người ngày xưa bị kẹt cả đêm giữa dòng nước lũ, khuôn mặt bần thần như người hoá dại…
Cứ thế, những mẫu chuyện chắp vá lại, tạo thành một câu chuyện tuy không hoàn chỉnh nhưng tinh ý có thể nhận ra đâu là đào đâu là mận. Chỉ có những người ngây ngô là thắc mắc tại sao Nghêu chiều chiều hay đi ra ngoài ruộng mả. Nhưng mà họ thắc mắc cũng phải, chuyện của Nghêu làm, nhìn chẳng tự nhiên chút nào. Nếu không nói là người đời chướng mắt.
Thì ra chẳng phải ai cũng có con mắt tinh đời để nhận ra những oan tình, những uẩn khúc chìm sâu dưới đáy dòng sông Lạch. Một con sông đã chứng kiến lời thề keo sơn từ mối tình của hai cô gái.