Nào ai biết lương duyên đâu là mối nợ,
Vùng vẫy ngang tàng, nào ta sợ ai đâu.
Thân lươn chẳng quản lấm đầu,
Tằm sinh ra để lá dâu chịu đòn.
Đúng là vận hạnh nhà họ Huỳnh có lúc tưởng như là đen tối, nhưng cuối cùng thì sau cơn mưa trời lại sáng. Giông tố có hung hăng cách mấy thì có lúc cơn bão cuối cùng cũng sẽ qua đi.
Chả mấy chốc mà cơn mưa đầu mùa vãi xuống, những vạt rau dền, rau đay tranh nhau mọc lên, ngút ngát cả một góc sân. Trông chúng xanh non mơn mởn, lớn nhanh như thổi, bà mẹ chồng nghĩ ngay đến mấy bát canh rau dền nấu với tôm khô mà năm nào bà cũng chờ đợi.
Cây khế cũng buông xuống những chùm hoa màu tím trông rất nhộn nhịp, hình như bọn chúng quá háo hức, quá xăm xắn, muốn được ra quả thật nhiều trong năm nay. Kiến bống cũng hăm hở một cách khác thường. Chúng tranh nhau kéo những chiếc lá khế lại gần nhau, rồi nhả dãi làm thành những cái tổ, nom xa trông như giống những chiếc lồng đèn con con, bé tí xíu, màu xanh nõn nà.
Mưa về đem theo cả giun và sâu. Châu chấu và cào cào cũng tanh tách nhảy. Đàn gà vì thế tranh nhau mổ những con sâu béo mẫm, bỏ hẳn nắm thóc mà vợ Biện vãi ra cho chúng nhặt. Dế cơm và dế mèn thì táo tợn liều lĩnh, bay tràn cả bầy vào trong nhà mỗi khi đèn thắp lên. Biện có hôm bắt được lưng rổ dế, hôm sau đưa cho vợ kho với riềng ăn cơm.
Bà mẹ chồng thì hai con mắt cứ chăm chắm quan sát từng nét biểu hiện trên khuôn mặt cô con dâu. Tuy không nói ra miệng, nhưng bà rất sốt ruột mong ngóng xem bao giờ thì con dâu bà lại có chửa. Lắm lúc quá sốt ruột, bà gần như cau có với cả ông Trời:
- Giời hóa ra thế mà ăn ở bất công. Nhà Thoan con đẻ thòn thòn, nuôi không hết. Chà bù cho vợ Biện hiền lương thế mà chỉ xin lấy một mụn con xem ra mới thấy khó khăn làm sao!
Khi cây khế đã treo những quả bé tí xíu bằng ngón chân cái, lủng là lủng lẳng, cỡn lên mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua; đấy cũng là lúc vợ Biện lại hái lá me sống vào nhai, ăn vã nguyên cả một nắm to đùng.
Bà mẹ chồng tuy khấp khởi vui sướng như có đèn chăng trong bụng. Nhưng hình như bà sợ bày tỏ ra niềm vui của mình sớm quá trong lúc này có khi lại bị ma tà ám khí nó rình rập. Thành ra bà chỉ vừa ẵm con Nghêu, vừa xốn xang, giấu chặt cõi lòng trong ruột tượng, như thể bà mới là người có chửa chứ không phải vợ Biện.
Rồi vợ Biện có chửa đận ấy thật.
Tàn lượt khế đầu mùa rồi thì đến lúc mấy khóm mía mọc lên cao quá mái gianh, dóng mía nào cũng dài, đỏ tía một cách mời mọc. Đám người vẫn hay vào vườn mua hoa quả, chuối, mía... chở ra chợ huyện bán, nhìn vào cái bụng của vợ Biện phưỡn ra, đi đứng rất lách cách, tiện mồm bảo:
- Thế nào cũng đẻ con giai cho mà xem.
Khi mấy cây hồng sát hàng rào trái đã chuyển sang màu xanh thẫm, vợ Biện bảo chồng là chị gần đến ngày sanh. Thế là bà mẹ chồng sai Biện đi chợ mua cho bà mấy thẻ hương và một mớ giấy vàng mã. Bà định sẽ chống gậy ra ruộng mả nhà họ Huỳnh để đốt cho người dưới cõi âm, giúp bà đuổi xa mấy cái ma cô lảng vảng quanh nhà, giúp cho vợ Biện lần này mẹ tròn con vuông, cho bà khỏi rơi vào cái cảnh tuổi già mong cháu vò võ mà chẳng được một mụn cháu nào để ẵm.
Vợ Biện sinh nở đầu xuôi đuôi lọt, thuận buồn xuôi gió, đứa trẻ vừa chào đời đã cất tiếng oa oa khóc. Bà mụ lần nãy ẵm đứa trẻ ra trao cho bà nội nó, miệng ti toe, ra như thể tất cả đều là công lao của bà ta:
- Này bác nom xem. Hai cái bìu dái mẩy thế kia. Chim cò thì cứ gọi là ngồn ngộn như thế, nhà ta dẫu chỉ có một mụn đinh nhưng mà sau này thì cứ gọi là con đàn cháu đống, sướng nhá!
Mẹ Biện định bịt miệng bà mụ lại, nhưng không kịp. Chả là bà nội đứa trẻ không muốn nói lớn về đại hỷ sự này, tà ma chướng khí, oan hồn lảng vảng mà nghe được, rất có thể sẽ đeo bám theo thằng bé. Như thế sẽ chả tiện chút nào. Nên bà nội thằng cu chỉ nói khẽ:
- Cô cho tôi mượn thằng cò...
Khi bà mụ trao đứa bé cho bà nội nó, người đàn bà đang mỏi mòn ngóng trông cháu nội gần như ôm chặt đứa trẻ, gồng cái vai của mình khom xuống để che chắn bảo vệ cho thằng cháu nội. Bất chợt như nghĩ ra điều gì đó, bà gọi Biện vào, bảo:
- Anh chạy ngay đi kiếm mấy khúc xương rồng rồi treo bên ngoài hai chái nhà cho tôi!
Biện không hỏi vì sao vì mẹ bảo anh làm thế. Anh biết mẹ muốn anh treo xương rồng để xua tà. Mỗi lần lợn đẻ, mẹ anh vẫn hay có thói quen treo một khúc xương rồng ở cột chuồng lợn. Có lẽ mạng người quan trọng hơn nên mẹ mới bảo anh treo cả hai bên chái nhà.
Bà mụ tay bưng ra một chậu nước, lưng chậu là một thứ nước có màu đỏ khá đậm, cho thấy vợ Biện sinh con ra máu chảy hơi nhiều. Lều bều nổi bên trong cái chậu là cái nhau của đứa trẻ. Có cả giẻ rách đã ướt sũng trong chậu nữa.
Vợ Biện sinh con khỏe mạnh. Sữa lại nhiều nên đứa trẻ trông bụ bẫm khác thường. Nom cứ như một quả bí đao phổng phao trồng ngay sát sàn rửa bát, nước nhiều, quả bí ắt là phải đẫy.
Giống như con chị tên Nghêu của nó, thằng bé được bà nội đặt tên cúng cơm cũng rất có ý nghĩa: Huỳnh Văn Phúc. Bà nội đứa trẻ chỉ mong muốn là sự ra đời của nó sẽ đem lại phúc lộc cho nhà họ Huỳnh và cho cả riêng bản thân đứa trẻ. Nhưng bên ngoài thì cả nhà gọi nó là Ốc. Bà nội bảo bố thằng cu:
- Gọi cái tên xấu như thế cho dễ nuôi.
Nghêu và Ốc lớn lên trong tình thương yêu đằm thắm của bà nội và của cha mẹ. Theo lẽ thường, trẻ con khi có đứa em mới chào đời kế mình thường hay dễ tủi thân. Nhưng Nghêu thì không thế. Nó quý em lắm. Bà nội con bé vì thế càng vui hơn. Thành ra cứ mỗi lần đút bột cho Ốc, bao giờ bà cụ cũng không quên đút cả cho Nghêu. Tiếng cười đùa của ba bà cháu nghe líu ríu rất vui. Cảnh nhà họ Huỳnh vì thế không thể bảo là không đề huề ấm cúng cho được.
Cắc cũm mãi rồi thời gian cũng trôi qua thật nhanh. Khi Ốc đã biết nghịch phá ngoài sân, biết đòi chị bắt chuồn chuồn cho chơi thì cũng là lúc bà nội cảm thấy mệt mỏi trong người. Có hôm bà còn bảo Nghêu:
- Con đưa em ra ngoài kia chơi cho bà nằm nghỉ một chốc.
Bố mẹ Nghêu và Ốc bận rộn hơn.
Làng Cối vài năm trở lại đây mùa màng kém hẳn. Nạn sâu cắn lúa chưa qua, nạn còng lại đến phá phách. Rồi thì đang lúc lúa giỗ đòng thì lại bão. Phấn không thụ được, thành ra lúa chỉ có bông mà không có hạt. Người làng Cối lấy rơm lợp nhà, thấy nguyên cả thóc lép nằm cả trên mái rạ.
Thành ra Nghêu phải trông em cho bố mẹ đi vợ đất giồng khoai. Thằng Ốc bao giờ cũng nghịch phá. Nên hay đòi chị dẫn ra ngòai đường chơi. Lại vốn không có bà nội trông nom, thế là hai chị em rủ đi ra ngoài ngõ rồi lững thững đi về phía bác Thoan.
Nhà ấy có con chó cái đẻ, rất dữ. Vô phúc cho hai chị em Nghêu và Ốc hôm ấy lại đi về ngả ấy. Thấy hai đứa trẻ sớ rớ đi ngòai ngõ, con chó mẹ xông ra sủa rất gắt. Ốc mặt tái mét cắt không còn một hạt máu. Nghêu thì khác, bản tánh con chị này chẳng hiểu sao lại bình tĩnh từ thuở bé. Nghêu hai tay vòng lấy che chở cho em, miệng sủa gâu gâu lại như tiếng chó, hai con mắt nhìn thẳng vào mắt chó mẹ chứ không sợ sệt. Nhà bác Thoan gái khi chạy ra trông thấy Nghêu đang sủa với con chó nhà bác ấy nên không nhịn được cười. Bác ta quát chó:
- Quýt! Không được cắn người ta.
Con chó thấy chủ quát nên không dám làm dữ nữa. Nghêu lúc này mới thả em ra. Rồi nó nhanh tay dắt em về nhà. Thằng Ốc vẫn đang khóc thút thít vì quá sợ.
Đấy chỉ là một câu chuyện điển hình mà con Nghêu luôn bảo vệ cho em nó.
Rồi thì bà nội hai đứa qui tiên. Kể từ đó, con Nghêu bao giờ cũng nhớ lời bà nó dặn:
- Con là chị, phải biết thương em, bênh em. Đừng để cho người ta bắt nạt nó. Bà kém phúc không còn khỏe để lo cho chị em chúng mày. Nhưng nếu bà có làm con ma thì bà cũng sẽ không cho người ta bắt nạt hai đứa đâu. Nhớ lời bà dặn đấy nhá. Chị em phải thương yêu quấn túm lấy nhau.
Lần ấy, Nghêu lên mười hai tuổi đầu. Nó đã cầm tay bà nội và hứa:
- Con sẽ không để cho ai bắt nạt em con đâu. Con sẽ cho nó tất cả những gì con có. Bà nội cứ an tâm nhé.
Đấy cũng chính là một lời hứa mà con Nghêu đã sống bằng chính cuộc đời của nó với thằng em tên Ốc của mình.