Ân vay nghĩa mượn, lãi ròng không trả được,
Nên suốt một đời nặng nợ cưu mang.
Thẹn phận làm con chữ hiếu mạ vàng,
Duyên tình hai chữ Tào Khang nát nhừ.
Cuối cùng thì Nghêu hiểu rằng cô không thể làm khác hơn là phải nghe lời mẹ. Hơn nữa, kể từ khi cô nhân ra tình thương của bà nội, của bố, của mẹ, Nghêu biết là cô đã mắc nợ quá nhiều ân nghĩa đối với nhà họ Huỳnh.
Thím Biện khóc với con gái:
- Con biết đấy, thằng Ốc nhà mình nó đã say con Hợi lắm rồi. Nếu nó mà không được toại nguyện như lòng nó khao khát. Nó mà điên lên, rồi thì không nghĩ cho kịp điều hơn lẽ thiệt, làm ra điều dại dột, mẹ sẽ không biết ăn nói làm sao với vong linh của các cụ tổ nhà họ Huỳnh.
Nghêu không hề bao giờ có một ý nghĩ nào tiếc rẻ với mẹ. Niềm vui của mẹ bao giờ cũng là lẽ sống của đời cô. Nhưng phải nói với hợi rằng:
- Em hãy hy sinh vì tôi. Em hãy nhận lời lấy thằng Ốc. Tôi xin em đấy.
Xem ra điều ấy Nghêu không thể làm được. Giả dụ như Nghêu có thể làm được điều ấy. Nhưng nếu làm được, Nghêu sẽ chọn cái chết. Vì nghêu không tin là mình có thể sống được khi mất Hợi.
Nghêu sẽ nhai một nắm hạt mã tiền. Hay là Nghêu sẽ mua rượu uống cho thật say rồi nhảy xuống dòng sông Lạch, kết liễu cuộc đời của mình để khỏi sống trong nỗi đau giằng xé. Có thể chỉ cần một sợi dây treo lên một cành sung già, hay là một lần đập đầu vào bức tường đá. Cái chết sẽ đến. Rồi thì Nghêu sẽ được giải thoát.
Nhưng Nghêu biết cô không thể nói như thế với Hợi được. Cô còn nhớ rất rõ cái đêm hai người họ đã trao duyên trên dòng sông Lạch. Nghêu chua xót nghĩ:
Phải chi đêm hôm ấy hai người họ cùng chết, tình hình có lẻ sẽ không phức tạp như ngày hôm nay. Thực ra, suy nghĩ của Nghêu xem ra cũng chẳng phải là thái quá. Khi đứng trước thử thách cay nghiệt của cuộc sống, cái chết đôi khi sẽ trở thành một lối giải thoát rất mời mọc. Chính Hợi hôm ấy đã nhận lời tỏ tình của Nghêu. Họ đã quý mến nhau, và rồi chính cái đêm định mệnh ấy chỉ là một cột mốc để hai người chính thức công nhận tình yêu của mình. Thế mà bây giờ họ phải xa nhau, làm sao Nghêu có thể sống bình an cho được.
Nghêu nhớ mẹ đã khẩn khoản như thế nào khi mẹ đã nói với cô:
- Con biết đấy, rồi thì lần lượt chỉ vài năm sau thì con cũng sẽ về nhà chồng. Mẹ đã suy nghĩ kỹ lắm rồi. Cả cái làng Cối này, mẹ chỉ thấy có mỗi cái Hợi là nhu mì ngoan ngoãn. Nếu như nó chịu lấy thằng Ốc, mẹ có nhắm mắt cũng yên lòng.
Ôi! Sao mà mẹ đặt một điều kiện quá khó khăn đối với riêng bản thân Nghêu như thế. Làm sao Nghêu có thể nhìn vào mắt của người yêu để nói rằng chọn lựa của họ là cách hy sinh duy nhất chỉ vì người thân, vì gia đình.
Trong cuộc sống, người ta có thể hy sinh nhiều thứ, làm nhiều điều tốt đẹp cho người thân và người mình thương yêu. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể làm được tất cả những gì họ không bao giờ muốn. Có những thứ người ta không thể cho đi một cách dễ dàng được.
Có những thứ khi tước giật ra khỏi cõi lòng, chúng ta sẽ chết. Bây giờ nếu Nghêu nghe lời mẹ, bảo cô phải thực hiện một yêu cầu như thế, Nghêu biết mình không có can đảm làm điều đó.
Không một con rùa nào muốn nó sẽ bị lột đi cái mai của nó. Nghêu cũng thế, cho dù tình yêu của nó và Hợi có thể là không bình thường; có thể xấu xí như cái mai rùa, nhưng đấy là mạng sống của Nghêu và của Hợi. Lột cái mai đi, con rùa sẽ chết. Cũng như tình yêu là cái mai bảo vệ cho Nghêu sống được.
Nghe mẹ nói, Nghêu đã nhớ lại cái lần Hợi thức dậy thì Nghêu đã ngất xỉu. Sau này Nghêu nghe Hợi kể là cô gái đã thảng thốt khóc giữa đêm khi Hợi nghĩ là Nghêu đã chết:
- Chị Nghêu ơi! Chị tỉnh lại đi. Chị mà chết, em cũng sẽ chết theo chị.
Hợi đã oà lên khóc khi biết Nghêu đã tắt thở. Hợi nhận ra là Nghêu đã chết mà không nói một câu nào. Ra đi vĩnh viễn mà không chờ Hợi đi cùng. Giữa đêm lạnh giá, trơ trọi một mình, Hợi tủi thân khóc oà lên nức nở. Hợi tuy vẫn còn thở đấy những không còn thiết sống nữa. Tại sao Nghêu lại ích kỷ như thế. Nghêu đã hứa là sẽ bảo vệ cho Hỡi mãi mãi. Thế mà trong lúc Hợi thiếp đi, Nghêu đã lặng lẽ một mình bỏ đi trước.
- Sao Nghêu lại nở bỏ em mà đi. Hả Nghêu ơi...
Có nỗi đau thổn thức trong câu nói của người con gái. Hợi càng chua xót hơn khi nghĩ rằng Nghêu chết oan cũng chỉ vì cô. Nếu không vì hợi nóng nảy sốt ruột về nhà lo cho mẹ, Nghêu đã không lao theo để cứu, để rồi cuối cùng rơi vào cảnh vong thân, thiệt mạng như thế này.
- Nghêu ơi, Nghêu chết cũng là vì em. Vì em tất cả...
Hợi lần tay tìm đến với khuân mặt của Nghêu, cô gái không hiểu vì đâu mà hai cánh tay của Nghêu đã khoá chặt vào rễ của gốc si già. Con sông Lạch có lẻ cảm động nên dòng nước lũ đã dịu hẳn lại. Đêm vẫn rét, nhưng da thịt của Hợi đã tê cóng, cảm giác lạnh thấu buốt hình như cũng đã biến mất khi nỗi đau tủi hờn vì nhận ra Nghêu đã tắt thở.
Hợi cay đắng nhận ra cái chết của Nghêu là một lần chít khăn tang khi cau trầu chưa được trao nhau để câu duyên chồng vợ trở thành lạt buột của nghĩa trăm năm. Hợi tin là ở bên kia thế giới, sẽ không có những khắc khe định kiến. Mặc dù Hợi chẳng biết định kiến là cái gì cả, cô chỉ biết là cô đã thương Nghêu từ lâu, chính xác tình cảm ấy bắt đầu từ khi nào thì Hợi cũng không biết rõ lắm. Hợi chỉ biết ban đầu là một cảm giác nhớ nhớ thương thương, rồi thì ra ngơ và ngẫn, cuối cùng cái da cái diết nó trở thành một nỗi niềm tương tư ray rứt. Chỉ khi nào được nhìn thấy Nghêu thì Hợi mới cảm thấy hết buồn.
Tương tư không khổ cũng sầu,
Con ruồi đậu mép không đau cũng buồn. Cô đã thương người con gái hơn mình năm tuổi. Tình yêu của họ thật đơn sơ trong cách nghĩ của hai nguời, nhất là mỗi khi họ cùng nhổ cỏ, cùng cấy hái, cùng cuốc luống khoai, hái củi, hái nấm, hoặc được tắm chung. Nhưng đấy là một cuộc tình không thể dễ dàng nói ra bằng lời được. Nhất là Hợi biết cô không thể nào nói với mẹ là cô chỉ thương có mỗi một mình chị Nghêu con thím Biện. Cô biết mình chỉ có thể nói dối, chối quanh là nó không thích lấy chồng.
Cứ thế, đêm hôm ấy biết bao nhiêu tình cảm ray rứt ùa về, chẳng có mảnh tình nào vuông vức thành tấm, thành miếng, tất cả cứ mủn vữa ra, vụn như cám, bổi như trấu, nhão nhoét, nát nhừ, dây dính, không thể nào gắp lên bằng đôi đũa tỉnh táo của ngôn từ.
Hợi càng khóc, tấm thân của Nghêu càng lạnh giá, tê cóng lại, biểu hiện của một xác người đã chết. Đêm tàn nhẫn. Trăng bất lực. Lũy tre xanh mọi hôm vẫn hay đú đởn với gió, giờ quay ra giả điếc giả câm. Tiếng chuông chùa cũng bặt. Có lẻ còn sớm quá. Không một tiếng chó cắn, không một ánh đèn bập bùng thổi cơm, đun cám. Chỉ còn lại Hợi cô quạnh, đơn độc, đau khổ một mình.
Hợi muốn chết theo Nghêu. Nhưng hình như cô vẫn còn hy vọng là Nghêu chỉ bất tỉnh.
Giữa lúc khi con người không còn một tia hy vọng nào nữa, số phận gần như cấm chắc phần thắng trong tay, thì ngay lúc ấy duyên phận bỗng nhiên không chịu khoanh tay đứng nhìn. Duyên phận có một nhiệm vụ phải làm, nó giúp hai con người đang yêu nhau có cơ hội được trả những món nợ ân tình tiền kiếp.
HỢi nghe được một tiếng nói cất lên trong đầu mình:
- Hãy cố lên. Trời sẽ sáng. Nghê chỉ đang bất tỉnh mà thôi
Quả thật đúng là như thế. Sáng ra, người làng Côi rủ nhau mang dây, mang võng, họ đem theo cả cọc nữa. Thì ra trong lúc ban đêm, sau khi nhìn thấy hai đứa con gái đã bàm vào một rễ cây, người ta bảo nhau Trời có lúc ăn ở bạc nhưng vẫn còn chút đức hiếu sanh. Thế là những người kẹt lại ở bờ sông Lạch hôm ấy bảo nhau là chỉ cần trời hưng hửng sáng là họ sẽ đi cứu hai người con gái.
Nghêu hồi tưởng lại và nhận thấy mối tình của hai người họ đã nồng nàng như thế, giờ bảo Hợi đi lấy thằng Ốc làm chồng, có khác nào người ta bảo Nghêu:
- Tự mày hãy lấy tay rồi moi quả tim ra để đặt lên chiếc đĩa sành có vẽ hình chữ Hiếu đi!
Nhưng Nghêu chẳng còn làm sao khác hơn được. Cô không thể tìm đến một lựa chọn để rồi lấy con dao ích kỷ đâm chết một lựa chọn khác. Cô không thể từ chối mẹ được. Nhưng cố biết mình cũng không có can đảm hy sinh mối tình trắc trở của mình. Nhưng rồi thì đã sao nào. Chả lẽ cô và Hợi có thể thành vợ thành chồng hay sao chứ. Giá như cả hai cùng chết dưới dông hôm nào có phải là sẽ đơn giản và dễ xử biết bao nhiêu. Giá như thằng Ốc thích một con Cua hay con Tép nào đó trong làng Cối có phải dễ xử cho Nghêu và Hợi hay không? Tại sao cứ phải là con Hợi? Hả Ốc ơi...
Thì ra đấy là sự trả thù bỉ ổi nhất của số phận. Bao giờ nó cũng chỉ muốn tàn phá hạnh phúc của con người. Nó chỉ thích gây sự, thích chia rẻ, thích chia cắt tình yêu đôi lứa. Nếu như duyên phận vì cảm động mà can thiệp vào, và nếu như số phận vì kém sức so với duyên phận, nó sẽ đành tạm thời ngậm đắng nuốt cay, nhưng nó thề độc là sẽ có một ngày báo thù, đòi bằng được cả lời lẫn gốc.
Thế mới biết số phận là đứa tiểu nhân. Khát khao cả con người trong hành trình mưu cầu hạnh phúc bao giờ cũng là một thách thức gai mắt nhất đối với nó. Thành ra số phận sẽ tìm đủ mọi cách để trả thù. Cuối cùng khát khao ham sống của hai con người yêu nhau lại trở thành một nguyên cớ để họ hối hận vì mình đã dám chống lại với sự ương gàn của số phận. Dám đòi quyến sống để được yêu nhau.
Và...
Cuối cùng...
Nghêu đã phải cay đắng nhận ra là cô đã có một sự chuẩn bị. Cô sẽ đi tìm gặp riêng Hợi. Trong vạt áo của cô đã có một nắm hạt mã tiền. Cô sẽ chấp nhận hy sinh. Cô sẽ mượn cái chết để giải phóng mình khỏi những ràng buộc khốn nạn nhất của thân phận con người.