Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Kiếm Hiệp >> Quái khách muôn mặt

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 79983 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Quái khách muôn mặt
Từ Khánh Phụng

Hồi 16

Thấy Nhất Thanh nói như thế, quần hùng ở dưới đài đã chứng thực vật báu của con thuồng luồng đã bị người ta lấy mất, nên ai nấy ồn ào muốn hỏi người lấy bảo vật là ai.
Hổ Hùng vừa đắc thắng và đã thử công lực mình thấy mạnh hơn trước nhiều, tính kiêu ngạo lại nổi lên. Y thấy quần hùng ở trên đài và dưới đài đều kêu om sòm, Y không sao nhịn được liền ngửng lên trời rú lên một tiếng nói:
-Vật báu trong hồ là con Tỉ Kim Giao là do ba chúng ta lấy đi đấy, ai không phục cứ việc lên đây thử tài.
Long Uyên thấy Hổ Hùng nói như vậy đành chịu. Phong Lan cũng muốn kiếm vài tay cao thủ đấu chơi.
Nhất Thanh nghe thấy Hổ Hùng tự nhận là đã lấy được vật báu của con Tỉ Kim Giao rồi, y lại thấy công lực của hai người vừa rồi cao siêu như vậy, y mới đoán biết là hai người đã ăn được óc con thuồng luồng rồi nên mới mạnh như thế. Y tự nhận thấy công lực của y không hơn được Thiết Trượng Tú mà bây giờ Phong Lan đánh bại được Thiết Trượng Tú thì y ra tay chỉ có thua, vả lại dù thắng được ba người đi nữa thì óc con thuồng luồng cũng đã mất và chuốc thêm ba cường địch như vậy có ích lợi gì đâu. Cho nên y cân nhắc thiệt hơn xong liền có ý rút lui, nhưng lại không cam tâm buông tha ba người một cách dễ dàng như vậy, y cúi đầu suy nghĩ một lúc, nhân các người ở dưới kêu la om sòm liền lên tiếng nói:
-Ba người này ngấm ngầm lấy trộm vật báu của con Tỉ Kim Giao đã trái luật lệ của võ lâm không nghĩ gì đến lợi ích của đồng đạo võ, tuy bổn tọa không quan tâm đến vật đó, nhưng quần hùng ở dưới đài nào chịu để yên cho những vị đó?
Quần hùng ở dưới đài nghe thấy y nói vậy đều phẫn uất đòi đánh om sòm.
Hổ Hùng thấy vậy tức giận trợn tròn xoe đôi mắt lên quát hỏi:
-Câm mồm, ai dám không phục thì cứ việc lên đây để Hổ gia cho một bài học, chứ đừng kêu la như thế thì có ăn thua gì đâu.
Tiếng quát của y kêu như sấm động khiến quần hùng ở dưới đài đều khiếp sợ không ai dám nói năng gì nữa, nhưng vì lời nói của y quá ngông cuồng nên có một số chính phái tỏ vẻ không phục.
Long Uyên đã trông thấy những võ lâm danh túc ở tả hữu khán đài tỏ vẻ không vui liền đỡ lời nói:
-Sở dĩ ba chúng tôi giết con Tỉ Kim Giao trước giờ hạn định của mọi người như vậy là không muốn trông thấy có trận đấu đến giết chóc nhau ngày hôm nay. Thiết nghĩ chũng ta là người trong võ lâm thì tương trợ nhau mới phải, nếu bây giờ vì một con thuồng luồng mà tổn thương hòa khí thực không đáng chút nào.
Hơn nữa nếu không may vật báu của con thuồng luồng mà lọt vào tay của tên ác ma chúng sẽ mượn sức óc con thuồng luồng ấy mà học thành tuyệt kỹ, không ai còn kiềm chế nổi, như vậy có phải thiên hạ võ lâm bị tai kiếp ngay không? Cho nên anh em tại hạ mới ra tay diệt con ác giao ấy trước, vẫn biết chúng tôi làm như thế có điều không phải thật, nhưng nghĩ các vị là danh túc tiền bối của võ lâm chắc thế nào cũng lượng thứ cho chúng tôi.
Lời nói của Long Uyên không những rất thành khẩn mà chàng lại dùng Vô Thượng thần công, nên người nào có mặt tại đó dù ở trên đài hay ở dưới đài cũng đều nghe rõ hết và dư âm câu đó làm mọi người chấn động.
Mọi người đều là con nhà võ hết nghe thấy tiếng nói của chàng rất mạnh nên đều giật mình kinh hãi , họ không ngờ một ông già vô danh này nội công lại luyện tới mức xuất thần nhập hóa như vậy. Vì thế có một số hiệp chính đạo nhân thấy lời nói của chàng rất có lý.
Đồng thời họ thấy chàng công lực thâm hậu nếu lên đấu với chàng thì làm sao mà thắng được. Vì vậy họ không lên đài nữa để bảo tồn danh dự và cũng tỏ ra mình là người đàng hoàng.
Sự thực lúc bấy giờ Long Uyên chỉ cảnh báo thầm.
Lúc này chàng đưa mắt nhìn hai bên khán đài thấy các nhân vật chính đạo ai nấy đều bình tĩnh trong lòng mới yên, đang định nói thêm vài câu để kết thúc cuộc đại hội này. Đột nhiên dưới đài cất giọng như thanh la vỡ tiếng nói:
-Bạn già kia, xem bề ngoài của bạn thật là tuổi cao vọng trọng, nhưng không biết võ công bạn ra sao, sao bạn không giở vài miếng võ cho mọi người thưởng thức?
Người ấy vừa nói dứt, vì ý kiến đó rất hợp ý của tất cả mọi người, nên ai nấy đều đồng thanh yêu cầu Long Uyên biểu diễn võ công cho họ xem. Đang lúc ấy bỗng có một ông già tuổi trạc năm mươi, mặt tròn và nhỏ, mắt to mồm rộng, mũi lớn như mũi sư tử nhưng cằm không có râu đứng lên cười khì khì. Tiếng y cười thực không xứng với tuổi của y chút nào. Bọn Long Uyên không biết người là ai cả, nhưng Đại Lâu Sơn Chủ Lục Nhất Thanh đã nhận ra người đó nên y cười ha hả và chấp tay chào hỏi:
-Phả huynh giáng lâm thật là hiếm có, mời huynh lên đây.
Trông hình dáng người đó như một tên ăn mày vậy, nghe thấy Nhất Thanh nói như thế y không trả lời chỉ trợn trừng mắt lên khẽ nhún vai một cái người đã lẹ làng nhảy lên đài.
Long Uyên biết nếu ngày hôm nay mình không biểu diễn một vài thế võ, tất nhiên họ không chịu để yên cho đâu. Nhưng nhất thời chàng không nghĩ ra được biểu diễn thế võ gì, cho nên vừa thấy người nọ lên tới lôi đài chàng liền chấp tay chào hỏi:
-Xin hỏi ...
Chàng chưa kịp nói tiếp thì Nhất Thanh đã lớn tiếng át giọng chàng mà nói với các người dưới đài rằng:
-Vị này là Tiếu diện Phả Cái ẩn tích đã lâu, chắc các vị chưa được gặp mặt ông ta bao giờ, nhưng cũng nghe tiếng rồi. Ngày hôm na Phả Cái bỗng xuất hiện ở đây để chủ trì công đạo cho võ lâm. Vậy xin Vân lão tiên sinh hãy biểu diễn tuyệt học ra cho mọi người xem.
Lời nói của y hiển nhiên là muốn lôi Phả Cái vào vòng, quần hùng có mặt tại đó có phải là ngu ngốc đâu mà sao lại không hiểu. Nhất là họ biết Phả Cái ba mươi năm trước khét tiếng về môn Đàn Chỉ thần công và người lại rất chính trực, diệt bạo phù trợ những người yếu hèn, nên hễ bọn hắc đạo trông thấy ông là nhức đầu váng óc. Mười năm trước ông ta bỗng tuyệt tích giang hồ nhưng tên tuổi vẫn còn lừng lẫy.
Hôm nay bỗng nhiên ông ta xuất hiện tất phải có nhân nguyên. Cho nên mọi người vừa nghe Nhất Thanh nói ai nấy đều bàn tán xôn xao, người hiểu sự lại mong ông ta đấu với Vân Hạc một trận để mình được sáng mắt ra, và thu thập kiến thức môn Đàn Chỉ thần công của ông ta như thế nào?
Phả Cái nghe Nhất Thanh nói xong, biết ngay đối phương đã có ý lôi mình vào trong, liền hớn hở cười một hồi rồi trợn trừng đôi mắt quái dị nhìn Nhất Thanh.
Nhất Thanh đã biết rõ tính nết của Phả Cái, thấy vậy y rùng mình kinh hãi nên không dám nói tiếp nữa.
Phong Lan, Hổ Hùng đã được nghe bề trên nói tới chuyện của Tiêu Diện Phả Cái nên bây giờ thấy ông ta nhảy lên trên đài, tuy không sợ nhưng cũng hơi ái ngại.
Vì vậy Phong Lan vội rón rén đi tới bên cạnh Long Uyên rỉ tai bảo nhỏ chàng hay Đàn Chỉ thần công của Phả Cái này như thế nào.
Long Uyên nghe xong liền nghĩ ra một kế, nhân lúc Nhất Thanh vừa nói dứt, liền chắp tay chào và nói với Phả Cái rằng:
-Tại hạ hâm mộ hiệp danh ngài đã lâu, ngày hôm nay mới được yết kiến thực là tam sinh hữu hạnh, bây giờ được đại hiệp hạ cố cho, tại hạ bằng lòng nhận lãnh những điều không hay trước mặt đại hiệp.
Nói tới đó, chàng ngừng giây lát rồi nói tiếp:
-Nhưng tại hạ tuổi già không tiện múa quyền múa cẳng, theo thiện ý chi bằng làm một trò chơi nho nhỏ để Phả Hiệp với các vị anh hùng cười một phen, chẳng hay Phả Hiệp nghĩ sao?
Phả Cái liền nghiêm nét mặt gật đầu:
-Xin cứ tự nhiên.
Nói xong y liền lại sang bên, quả nhiên y đi khấp kha khấp khểnh và người hơi lảo đảo thực.
Thấy Long Uyên đã nghe lời dặn bảo của mình, Phong Lan khoái chí vô cùng Long Uyên cầm cái thanh la nhỏ để ở mép đài lên rồi chàng dùng phấn vẽ mười mấy cái khuyên nhỏ to bằng đầu ngón tay cái một.
Phả Cái với mọi người không hiểu chàng làm như thế để làm chi, liền trố mắt lên nhìn.
Xong đâu đấy Long Uyên liền đưa thanh cho Phong Lan, nàng vội cầm lấy rồi lui lại chỗ cách xa chàng chừng ba trượng, nàng ta cứ thế mà chạy quanh chàng, càng chạy càng nhanh.
Chỉ trong nháy mắt thân hình của nàng như một cái bóng mờ không còn ai trông rõ mặt nàng nữa, còn Long Uyên thì vẫn đứng yên ở giữa không cử động chút nào, chờ tới khi Phong Lan chạy nhanh tới mức độ rồi chàng mới đột nhiên hai tay lên mồm khẽ quát “khai” và hay tay cùng búng ra mười ngón một lúc. Mọi người chỉ thấy mấy tiếng kếu “loong coong”.
Bỗng Phong Lan dừng chân lại, tà áo của nàng bị gió thổi bay phất phới trông như một tiên nữ, không hiểu chàng làm thế để làm chi?
Lúc ấy Phong Lan đã tủm tỉm cười cầm cái thanh la đến trước mặt Phả Cái với giọng thánh thót nói:
-Mời tiền bối chứng kiến cho.
Phả Cái thoạt tiên cũng không hiểu gì hết cả nhưng khi y cầm cái thanh la lên xem thì mặt biến sắc và không tươi cười như trước nữa, vì cái khoen tròn vẽ bằng phấn ở trên thanh la hồi nãy đều bị thủng hết, có một điều lạ nhất những mảnh thủng đó vẫn còn dính ở thnh la, đủ thấy công lực của chàng cao siêu đến mức nào.
Quí vị nên biết Phả Cái đã khét tiếng về môn búng ngón tay này và mấy năm gần đây ông ta ẩn tích trong núi hoang khổ luyện tất nhiên phải cao siêu hơn trước nhiều, nay ong thấy tài ba của Long Uyên như vậy cũng phải hổ thẹn tự cho mình không sao làm nổi. đừng nói là đứng cách xa ba trượng, ngay đứng gần một trượng và Phong Lan chỉ cầm cái thanh la đứng yên, ông ta cũng chưa chắc làm nổi. Như vậy làm sao mà ông ta không hoảng sợ đến biến sắc mặt.
Long Uyên nhìn sắc mặt của Phả Cái biết công việc làm của mình đã có hiệu quả, chàng không muốn làm cho Phả Cái quá hổ thẹn liền mỉm cười nói:
-Cái trò nhỏ này đáng lẽ khống dám đem ra biểu diễn trước mặt cao nhân, bất đắc dĩ tại hạ mới làm như vậy, mong Phả Hiệp chỉ giáo thêm cho.
Lúc này Phả Cái muốn cười cũng không thể cười được nữa, chỉ hổ thẹn ngửng mặt lên nhìn Long Uyên, thấy mặt ông già đó rất hiền từ mới khoan tâm và bụng bảo dạ rằng:
“Ông già này tài ba như vậy mà mặt lại hiền từ hòa nhã hết sức khiến ta càng hổ thẹn và kính phục thêm.”
Nghĩ tới đó, ông ta vội cung kính vái chào và nghiệm nghị nói:
-Lão tiền bối tài ba thực, khiến kẻ ăn mày quê này kính phục vô cùng.
Nói xong, y quay ra tuyên bố với mọi người rằng:
-Vân lão tiền bối tuổi cao đức trọng, thần công tuyệt thế, ăn mày què không những chịu bái phục và còn nhìn nhận ông là một người dáng được hưởng vật báu của con thuồng luồng nhất. Các vị ở dưới đài nếu ai còn phản đối xin cứ lên đây ăn mày què này sẽ vui lòng tiếp vị ấy liền.
Long Uyên và Phong Lan thấy Phả Cái nói vậy liền có cảm tình với ông ta ngay và thấy ông ta quả thực thuộc người bạn hiệp nghĩa.
Riêng có Hổ Hùng là coi thường ông ta, y cho ông ta là người thấy Long Uyên tài ba như vậy đã vội lấy lòng ngay.
Người ở dưới đài xưa nay vẫn biết tính của Phả Cái nói một là một, hai là hai không bao giờ thay đổi hết.
Tuy không hay biết vừa rồi Long Uyên đã biểu diễn những võ công gì nhưng thấy Phả Cái nói vậy ai nấy đều tìm cách rút lui luôn. Bọn anh em Phù Tử phái Hằng Sơn xưa nay vẫn có cảm tình với Phả Cái bây giờ thấy ông ta nói như vậy nhất là bên trong lại có Phong Lan nữa, liền đứng dậy ở đằng xa chắp tay vái chào Phả Cái rồi do Phù Sa Tử đại biểu lên tiếng nói:
-Bạn què nói như vậy phái Hằng Sơn chúng ta quyết không can dự vào nữa và xin từ biệt ngay ở nơi đây.
Nói xong, cả bốn người quay mình đi luôn.
Các đệ tử của phái ấy thấy sư tôn đã đi rồi cũng lần lượt đi theo ngay.
Tiếp theo đó đến người của phái Hoa Sơn cũng do một đạo sĩ đứng lên nói một vài câu rồi quay người đi nốt.
Chỉ còn lại những nhân vật của hắc đạo, tuy không bằng lòng nhưng thấy ván đã đóng thuyền rồi và có người đỡ đầu như vậy, dù chúng có ra tay cũng chưa chắc đã thắng nổi mấy tay cao thủ ấy. Nên chúng cũng đành phải hậm hực đi luôn.
Chỉ trong nháy mắt đã có tám phần mười người bỏ đi rồi, Long Uyên thấy vậy liền cảm ơn Phả Cái, Phong Lan ngẫu nhiên nhìn xuống bên dưới thấy trong đám đông có một bà cụ tóc trắng như bạc đang ngồi ở chân cột lôi đài, hai mắt nhắm nghiền như đang dưỡng thần. Nàng giật mình đánh thót một cái vừa mừng rỡ, vừa kinh hãi không kịp bảo cho Long Uyên biết đã vội lên tiếng kêu gọi:
-Bà ơi!
Rồi nàng nhanh như một luồng khói nhảy xổ xuống chỗ của bà già ngồi.
Hổ Hùng thấy vậy cũng nhảy theo xuống.
Long Uyên quay đầu lại trông thấy Phong Lan đi tới trước một bà già tay ôm ngang lưng bà ta nũng nịu nói:
-Bà cũng xuống núi đấy à...
Nhưng chỉ nhắt mắt không thấy bà già cử động gì hết người đã tránh ra phía sau hơn thước rồi, đôi mắt màu xanh ánh lên nói:
-Cô nương đã nhận lầm người rồi.
Thoạt tiên Phong Lan thấy bà cụ giống hệt Võ Di Bà Bà , tổ mẫu của mình. Ngờ đâu khi bà cụ mở mắt ra nói chuyện, không những tiếng nói khác hẳn mà màu sắc của đôi mắt cũng lạ lùng lắm.
Phong Lan chăm chú nhìn vào bà già trong lòng vừa kinh hãi vừa mừng rỡ, nhưng chỉ trong nhãy mắt nàng tỏ vẻ ngượng nghịu và kinh ngạc vô cùng. Vì nàng nhìn kĩ mới hay tóc của bà già này tuy trắng như bạc thực nhưng da mặt vừa trắng vừa thẳng không có một nếp nhăn nào. Có lẽ bà cụ này rất tinh xảo về nghệ thuật hóa trang cho nên tuổi già như vậy mà mặt vẫn trẻ trung như thế.
Nhưng tại sao bà ta lại mặc áo bà già như thế nầy. Thực đấy xem bộ mặt của bà cụ này trông còn trẻ hơn cả những người ba mươi. Sao bà ta lại không mặc quần áo hợp thời một chút, điều này không những khiến Phong Lan khó hiểu mà ngay đôi mắt của bà ta cũng khác thường. Vì mắt của bà ta xanh vô cùng.
Lúc này bà cụ mở mắt ra nhìn liền có hai luồng ánh sáng xanh tía ra nhưng chỉ thoáng cái đã biến mất liền. Có lẽ bà ta đã luyện được một môn võ công kì dị thì phải
Hổ Hùng theo sau Phong Lan trông thấy thái độ của nàng như vậy, biết nàng đã nhận nhầm người. Y là người rất kiêu ngạo, lại thèm muốn lấy lòng Phong Lan, cho nên y vội lên tiếng trách hỏi bà cụ rằng:
-Này, bà là ai? Ngồi đây làm gì?
Hổ Hùng nhận thấy nếu quả thực bà già không phải làm bộ làm tịch ngồi ở đây, Phong Lan không bao giờ trông thấy bà ta và cũng không bao giờ nhận lầm như thế.
Bà cụ đó đưa đôi ngươi xanh lườm Hổ Hùng một cái nhưng không trả lời mà chỉ hỏi Phong Lan rằng:
-Cô nương muốn kiếm lệnh tổ mẫu ư? Tôi đã gặp bà ta ...
Hổ Hùng thấy vậy giận vô cùng liền quát lớn át giọng bà cụ mà nói tiếp:
-Bà già kia, ngươi là cái thá gì sao lại không trả lời câu hỏi của Hổ gia. Như vậy ngươi đừng trách Hổ gia bắt nạt bà già nhé!
Phong Lan nghe thấy bà cụ nói là đã gặp bà mình rồi, đang định hỏi thăm ngờ đâu Hổ Hùng lại nổi giận như thế nàng bực mình vô cùng định lên tiếng ngăn cản thì bà già đã đứng dậy chỉ thoáng cái đã lướt người tới trước mặt Hổ Hùng vẻ mặt nghiêm nghị mắng:
-Tiểu tử hôi hám này mất dạy thật. Nếu ta không nể mặt của người bạn thì ta sớm phế võ công của ngươi rồi.
Phong Lan thấy bà cụ có thân pháp kì lạ như vậy, mình đứng ở trước mặt bà ta chỉ thấy hoa một cái bà ta đã tới trước mạt Hổ Hùng ngay. Nàng thấy bà ta đứng đối diện với Hổ Hùng cách nhau không đầy hai thước trách mắng mà Hổ Hùng cứ đứng yên mà nghe thôi. Nàng ngạc nhiên hết sức để ý nhìn mới hay Hổ Hùng mặt đã tái mét mồ hôi lạnh toát ra như mưa hai mát tỏ vẻ sợ hãi như thấy ma quỉ vậy. lúc này nàng mới biết chắc y đã bị bà cụ điểm huyệt nên mới không cử động được.
Phong Lan kinh hãi thầm và tự nhủ:
“Võ công của bà này cao siêu một cách kỳ lạ. bà ấy nói nể mặt bạn của Hổ Hùng chẳng hay bà ta nói ai thế?”
Long Uyên đang ở trên đài nghe thấy tiếng mắng chửi liền đưa mắt ra hiệu cho Phả Cái một cái rồi nhảy ngay xuống dưới.
Bà cụ trông thấy Long Uyên tới bỗng ngắt lời ngay cười nhạt một tiếng rồi quay mình đi xuống núi liền.
Thoạt tiên Long Uyên không để ý tới nhưng chàng vừa xuống tới Phong Lan đã vội gọi:
-Long đại ca xem này bà cụ đã điểm huyệt y.
Long Uyên đưa mắt nhìn Hổ Hùng giật mình kinh hãi vội hỏi:
-Có phải mắt của bà ta màu xanh không?
Phong Lan ngạc nhiên hỏi lại:
-Sao đại ca biết ... đại ca quen biết bà ta chăng?
Long Uyên khong kịp trả lời vội giơ tay ra vỗ vào hai nơi yếu huyệt ở sau lưng của Hổ Hùng một cái.
Hổ Hùng kêu kêu hừ một tiếng đi loạng choạng mấy bước khạc một đống đờm ra người mới tỉnh táo, nhưng đã mệt nhọc khôn tả.
Long Uyên đã giải huyệt cho Hổ Hùng rồi và đặt y ngồi xuống ghế của bà cụ lúc nãy, rồi quay mình đuổi theo bà cụ ngay.
Phong Lan lại tưởng chàng định kiếm bà cụ để trả thù cho Hổ Hùng vì sợ chàng thất thế nên cũng vội theo luôn. Long Uyên không cần quay đầu lại cũng biết ý muốn của Phong Lan nên chàng nói:
-Lan muội cứ ở đây chờ trong chốc lát, ngu huynh có việc làm lát nữa sẽ trở lại ngay.
Phong Lan nghe nói ngừng chân lại quay nhìn Hổ Hùng và hỏi:
-Hổ đại ca khỏi chưa?
Vì nhất thời sơ ý Hổ Hùng mới bị người ta điểm trúng yếu huyệt một cách bất ngờ, tuy đối phương ra tay rất có mực thước nên y mới không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng bị mất sĩ diện rồi.
Và trong người cũng thấy hơi khó chịu một chút, đáng lẽ chỗ y bị điểm là tử huyệt. nếu bà cụ không điểm chệch sang một chút thì y đã bị chết rồi.
Thủ pháp điểm huyệt của bà cụ rất kỳ lạ khiến Hổ Hùng không sao cử động được, và trong người cảm thấy trống rống tựa như trượt chân ngã xuống vực thẳm vậy. Tuy y có nội công tuyệt đỉnh như thế mà cũng không sao giải được nổi và y còn đến chết là khác.
Tuy y đã được Long Uyên giải huyệt cho, sức lực đã khôi phục như thường, nhưng y hãy còn hoảng sợ nen chân tay hãy còn run lảy bẩy. Sự thực không phải là y nhát gan mà đó là hậu quả của môn điểm huyệt kia, môn điểm huyệt này người giang hồ chưa ai biết cả, đó là tuyệt học trong Đơn thư huyết quyền, cho nên Long Uyên vừa trông thấy Hổ Hùng bị điểm huyệt như vậy đã biết ngay Vân Tuệ ra tay.
Cho nên chàng hỏi Phong Lan người đó có phải là mắt xanh không, khi Phong Lan cho chàng biết người đó mắt xanh thực thì chàng đoán chắc là Vân Tuệ rồi chứ không còn ai vào đây nữa. vì thế chàng lo âu vô cùng, bụng bảo dạ:
“Chị Tuệ đã xuất hiện ở nơi đây, tại sao không gặp ta.”
Nên chàng mới vội đuổi theo như thế
Hãy nói Phong Lan thấy Long Uyên đã mất dạng liền quay lại thấy Hổ Hùng cũng đã chỉnh thương rồi.
Lúc ấy các người ở trên núi đã bỏ đi hết, cả Phả Cái lẫn Nhất Thanh cũng vậy.
Hổ Hùng rầu rĩ vô cùng, bỗng thấy Phong Lan tới gần mặt đỏ bừng vội đứng dậy nói:
-Lan muội, chúng ta xuống núi đi.
Phong Lan chỉ kêu ừ một tiếng, rồi quay người đi lên trên núi liền.
Hổ Hùng liền đuổi đi theo sát cánh, càng ngượng nghịu nói:
-Tiểu huynh công lực hãy còn non nớt nên bị bà ấy đánh lén, Lan muội đừng có chê cười.
Phong Lan chỉ lườm y một cái không trả lời. Y thở dài một tiếng và nói tiếp:
-Tục ngữ có câu người giỏi có người giỏi hơn, thực không sai chút nào! Tiểu huynh tự biết công lực hãy cò kém quá, quyết tâm phải tìm một nơi thanh tịnh để khổ luyện hai năm. Lan muội trong hai năm ấy muội định làm gì?
Hổ Hùng muốn thử lòng của Phong Lan nên mới hỏi như thế mong muốn rằng cũng đi thanh tu với mình, tuy y không dám nói trắng ra nhưng thực tình y rất mong được như vậy.
Ngờ đâu lúc này Phong Lan không còn tình ý gì với y hết và còn chán ghét y là khác, nhưng vì nể tình giao hảo bấy lâu nay nên nàng không muốn để lộ ra mặt. Cho nên nàng chờ Hổ Hùng nói xong, liền lạnh lùng đáp:
-Anh hỏi tôi làm gì ư? Tôi sẽ trở về nhà thăm cha mẹ, rồi tiếp tục hành hiệp giang hồ, muốn làm gì thì làm... tùy theo hứng thú của mình mà thi hành.
Đáng lẽ nàng muốn nói là tùy theo ý kiến của Long Uyên nhưng nàng nghĩ lại nếu nói như thế không những Hổ Hùng nổi ghen và mất sĩ diện của mình nữa cho nên nàng mới đổi giọng như vậy.
Hổ Hùng thấy nàng đã thay lòng như vậy, vừa tức giận vừa hậm hực. trước kia tuy nàng chưa tỏ tâm sự với mình bao giờ, nhưng ít ra việc gì nàng cũng quan tâm đến mình nhưng bây giờ không những nàng không muốn đi theo mình luyện võ công, thậm chí nàng định đi đâu làm gì cũng không muốn cho mình biết nữa.
Việc như thế thì y chịu nhịn sao được? Nhưng y vẫn phải nghiến răng mím môi chịu đựng và đồng thời nghĩ cách làm thế nào đểchinh phục được người đẹp.
Trong lúc suy nghĩ y không nói gì cả chỉ lẳng lặng theo sau.
Phong Lan về đến khách sạn thấy phòng của Long Uyên hãy còn đóng kín, tưởng chàng chưa về nên bảo tiểu nhị mang cơm lên phòng mình thôi.
Hổ Hùng đang nghĩ cách đối phó nên cùng bảo làm đồ ăn và mang lên phòng mình.
Hai người cơm nước xong ngủ trưa giây lát, khi tỉnh dậy trời đã tối và mưa phùn còn lác đác ngoài trời.
Phong Lan thì thấy phòng của Long Uyên vẫn đóng kín, nàng tuy nghe như không có tiếng người trong phòng, nàng ngạc nhiên vô cùng không hiểu sao giờ này mà chưa thấy chàng về tới? Nàng không tin liền đẩy cửa phòng vào xem, thì thấy hành lý của chàng mất hết.
Phong Lan kinh ngạc vô cùng, mặt biến sắc, thoạt tiên nàng còn tưởng hành lý của chàng đã bị kẻ trộm lấy mất, nàng liền bảo tửu bảo và hỏi đồng thời nàng còn thấy một tờ giấy trắng để ở trên bàn , nàng vội chạy lại cầm tờ giấy ấy lên xem mới hay đó là thư của Long Uyên để lại:
“Hổ huynh, Lan muội
Đệ có việc phải đi ngay, không thể đợi chờ hai vị trở về để từ biệt, xin hai vị lượng thứ cho. Cổ nhân đã nói: trên thiên hạ không có bữa tiệc nào mà không có sự tàn cả, đệ với Hổ huynh và Lan muội ở gần nhau hơn tháng trời, duyên hạnh ngộ của chúng ta chỉ có bấy nhiêu thôi. Giang hồ rất lớn rộng thật nhưng thế nào cũng có ngày tái ngộ, tới lúc đó đệ chỉ mong vui vẻ được thấy ác chất của con thuồng luồng trong người Hổ huynh bị bức ra, võ công tiến bộ nhanh, ngày cang anh tuấn thêm.
Vội vàng lên đường đệ chỉ có thể viết lại bấy nhiêu lời thôi, xin chào hai vị trong tinh thần thượng võ.
Ký tên
LONG TINH VÂN”
 
Chưa đọc hết lá thư Phong Lan đã ứa nước mắt ra rồi, khi đọc xong, nàng bỗng cảm thấy bàng hoàng như kẻ mất hồn mất vía không sao cầm lòng được, liền nằm lên giường Long Uyên mà khóc.
Nàng càng khóc càng thương tâm, vì câu chuyện này xảy ra quá đột ngột. nàng không tin Long Uyên lại vô tình mà bỏ đi một cách âm thầm như thế. Nàng chỉ mong chàng đã gặp được một việc gì rất nguy hiểm vì bắt buộc mà phải đi như vậy thôi.
Nếu đọc kỹ lá thư thì đã thấy Long Uyên làm như thế là đã có kế hoạch, định rời khỏi hai người, chàng không tiện nói bỏ rơi nàng nên dùng có việc cần như thế.
Phong Lan không ngờ Long Uyên bạc tình như thế. Với bộ mặt xinh đẹp của mình mà không lấy được lòng chàng, hay chàng là người sắt đá, hoặc giả chàng đã có người yêu rồi? Nghĩ tới đó nàng giật mình đánh thót một cái và cũng đau lòng khôn tả. Phần vì oán giận phần vì ghen tuông khiến nàng càng khóc lớn tiếng. rồi nàng ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Nàng mơ nàng một mình đi tới một khu rừng, bốn bề không có hình bóng một ai cả, chỉ có tiếng dễ kêu buồn thảm mà thôi. Phong Lan cảm thấy mình như bệnh nặng, mình mẩy chân tay như không có một hơi sức nào hết, miệng cứ lẩm bẩm kêu gọi Long Uyên, nàng hoảng sợ đi lửng thững trong lòng trống rỗng như tuyệt vọng, thì đột nhiên cảm thấy một bàn tay ấm áp sờ vào người, trong lòng nàng cả mừng gọi:
-Long đại ca.
Rồi nàng mở mắt ra tỉnh dậy. Nhưng thật ra trước mắt làm gì có rừng rậm, làm gì có Long Uyên mà chỉ có Hổ Hùng.
Phong Lan mơ màng nhìn thẳng vào mặt Hổ Hùng thấy y cười nói với vẻ xảo trá đứng ở trước giường mà đèn thì sáng, các cửa phòng đóng chặt, Hổ Hùng thấy Phong Lan đã tỉnh liền khẽ nói:
-Lan muội, sao em ngủ ở đây?
Phong Lan cảm thấy người mềm nhũn, trong lòng vừa lo âu vừa xâu hổ đẩy tay Hổ Hùng ra thử vận khí xem mới hay mình đã bị điểm trúng yếu huyệt tê liệt. Nàng cả kinh muốn lên tiếng nói nhưng không tiện ,đưa mắt ra hiệu cho Hổ Hùng giải huyệt cho mình.
Ngờ đâu Hổ Hùng không giải cho nàng thì chớ lại còn ngồi thấp xuống dưới mép giường năm tay mình mắt cứ chòng chòng nhìn vào mặt mình tỏ vẻ yêu thương, rồi thở dài một tiếng và nói:
-Lan muội thấy khó chịu ư? Được cứ nằm một lát cho khỏe liền!
Nói xong y lại thở dài một tiếng rồi xuống giọng nói tiếp:
-Lan muội, em có hiểu anh gần gũi em tuy chưa đầy nửa năm nhưng trong lòng anh lúc nào cũng không muốn rời xa em nửa bước. vì em mà anh cam tâm xông vào chỗ chết chẳng e ngại gì cả.
Phong Lan nghe Hổ Hùng noi càng lo lắng và xấu hổ thêm. Nhưng khốn nỗi nàng không lên tiếng được cả gật đầu hay lắc đầu cũng không được. Vì thê nàng liền nhắm mắt lại.
Hổ Hùng với giọng rất cảm động nói tiếp
-Lan muội huynh thề với trời là huynh yêu muội hết sức, bây giờ huynh đi khổ tâm tu luyện hai năm để hóa giải độc chất của con thuồng luồng, việc này khiến huynh đau lòng lắm. Lan muội thực anh không muốn rời em nửa bước. Nếu em vui lòng đi với anh thì có phải sung sướng biết bao nhiêu.
Phong Lan nghe thấy y càng lộ liễu chỉ muốn đánh cho y hai cái tát, hay tìm một cái lỗ để chui cho khuất mắt. Nhưng tình thế bây giờ không cho phép, nên nàng chỉ nhắm mắt lại cho đỡ bực mình.
Ngờ đâu Hổ Hùng thấy nàng không nói gi lại nằm xuống cạnh nàng để tay lên ngực. Nàng tức giận vô cùng liền trợn trừng mắt lên nhìn nhưng tiếc thay nàng không sao quay đầu lại để nhìn Hổ Hùng được.
Hổ Hùng dí má vào tay nàng nói:
-Lan muội thực anh không nỡ rời em! Thằng tiểu tử họ Long kia có gì bằng được anh nào. Lan muội lại yêu nó thế? Mấy hôm trước anh tức đến chết đi được nhưng bây giờ tiểu tử đó đã đi rồi, Lan muội đi đến một chỗ vắng vẻ tu luyện võ công nhé.
Lúc ấy y vừa nói vừa cởi từng nút áo một của Phong Lan, trong lòng y mừng rỡ và hồi hộp vô cùng vì đã từ từ đi tới mục đích rồi. Trái lại Phong Lan lại tưởng mình sắp sửa té ngã vào chốn bi đát không thể tưởng tượng được,vì nàng nghe câu hỏi cuối cùng của Hổ Hùng đã biết chính mình bị điểm huyệt chứ không còn ai vào đây nữa.
Vì đã bị Hổ Hùng điểm huyệt tê mình và thấy mình lạnh lùng với y như thế cho nên y mới cố y làm nhục thân mình.
Một sự phát hiện kinh người không những khiến Phong Lan run sợ nhưng không sao tỏ rõ sự phản kháng được nên nàng chỉ còn một cách là ứa nước mắt ra thôi, nước mắt của nàng chảy cả hai bên gối.
Hổ Hùng thấy vậy tuy biết nhưng vẫn giả vờ ngạc nhiên hỏi:
-Lan muội, tại sao lại khóc thế ? À anh hiều rồi, có lẽ em không rời anh phải không? Hà... anh cũng thé anh cũng muốn rời khỏi em lúc nào đâu.
Nói xong y quả thực không xấu hổ mặc cho Phong Lan tức giận cứ cúi đầu hôn má nàng.
Phong Lan cảm thấy như con rắn độc hôn má mình, nàng vừa hổ thẹn vừa tức giận quá chết giấc.
Lúc ấy Long Uyên đang đi trên đường cái tối như mực, trong lòng nóng như thiêu, sự thật chàng có việc gì vội vàng đâu, chàng làm như thế là để Phong Lan rời khỏi mình thôi. Thì ra lúc trưa ở trên núi Bạch Thạch, Long Uyên phát hiện Vân Tuệ liền hóa trang thành bà cụ ẩn núp một bên bị Phong Lan tưởng nhầm là Võ Di Bà Bà, nên nàng không đợi chở Long Uyên tới gần và cũng chưa kịp nói nốt cho Phong Lan hay thì đã quay mình đi ngay.
Từ khi chia tay với Vân Tuệ đến giờ, lúc nào Long Uyên cũng nhớ nhung nàng chỉ muốn sớm ngày tái ngộ để giãi bày tâm sựt thôi. Bây giờ phát hiện như vậy, chàng mừng rỡ vô cùng, khi nào lại bỏ lỡ dịp may cho nên chàng chỉ dặn Phong Lan một câu rồi giở khinh công tuyệt đỉnh đi luôn.
Khinh công của hai người tuy Long Uyên thắng hơn Vân Tuệ nửa mức nhưng vì Vân Tuệ đã đi một quãng xa rồi chàng mới đuổi theo, nên mặc dầu chàng đuổi thực nhanh mà vẫn không kịp.
Kể ra Vân Tuệ cũng lạ thực, mặc cho chàng ở phía sau lớn tiếng kêu gọi mà vẫn giở toàn lực ra chạy. nên Long Uyên càng lo âu thêm không hiểu vì sao nàng lại không muốn gặp mình như thế.
Chỉ trong nháy mắt hai người đã chạy thẳng xuống dưới núi tiến thẳng vào trong huyện Bạch Thạch rồi lại tiến ra cánh đồng. hai người cách nhau ngày càng gần Long Uyên mừng thầm, ngờ đâu trước mặt lại xuất hiện khu rừng rậm.
Vân Tuệ vội chạy vào trong khu rừng, nên khi Long Uyên đuổi vào tới nơi thì không sao tìm thấy tung tích của Vân Tuệ.
Long Uyên tìm không thấy hoảng chí vô cùng vừa lục soát vừa lớn tiếng gọi:
-Chị Tuệ..
Tiếng của chàng vừa run vừa trong, đó là tiếng thực của chàng, nếu có một người khác trông thấy một ông già tóc bạc phơ như vậy mà có giọng trong như thế, thế nào cũng phải phì cười.
Tìm một hồi không thấy Vân Tuệ đâu cả Long Uyên lại ra khỏi rừng, trong lúc thất vọng vô cùng thì bỗng thấy trên cành cây có treo một khăn lụa trắng. Chàng vội giật cái khăn đó xuống thấy có mùi thơm rất quen thuộc xông vào mũi, chàng mừng rỡ như lượm được vật báu, chàng vội giở ra xem thấy đó có một bài thơ viết bằng bút lông, nét bút thanh tú chính là bút tích của Vân Tuệ. Nhưng chàng đọc xong lá thư đó như bị kim chạm vào lưng và cũng tựa như bị một chậu nước lạnh dội từ trên đầu xuống và kêu oan thầm,
Thì ra bài thơ ấy đại khái nói rằng: chàng đã có nàng đẹp như hoa ở bên cạnh vui vẻ biết bao nên đã quên hết người xưa tiều tụy đau lòng. Tình ân ái mười năm đã theo giòng nước trôi đi rồi, vậy nghĩa đã tàn, chỉ mong trả thù xong là thiếp trở về làm bạn với ngọn đèn xanh với chuông mõ qua ngày. Ý của nàng là Long Uyên đã có người yêu mới rồi... tất nhiên phải quên người cũ, trước kia những tâm huyết và ân tình của nàng thực là…, chỉ đợi chờ trả thù cho sự phụ xong nàng sẽ trở về đi tu niệm sống những ngày tàn tạ.
Như vậy Long Uyên không lo âu sao được, sự hiểu lầm nặng nề như thế thực là oan uổng cho nàng.
Tuy Long Uyên giả dạng ông già, nhưng lúc này vì quá đau lòng mà chàng không sao nhịn được, nước mắt cứ tuôn ra như mưa, khóc la kêu gào:
-Chị Tuệ ơi! Chị hiểu lầm em quá?
Nhưng Vân Tuệ làm như tức giận đi xa rồi, không trả lời chàng nửa câu.
Vì quá cảm động nên Long Uyên vừa khóc vừa đi không phân biệt đông tây nam bắc, cứ thấy đường là tiến thôi. Chàng đã quyết tâm thế nào cũng tìm cho được Vân Tuệ để tỏ lòng tâm sự của mình. Ngờ đâu chàng đã đi được một lúc tới chỗ mình đang ở rồi. người đi lại trong thị trấn rất đông đúc mà chàng không sao tìm thấy tung tích của Vân Tuệ hết. chàng thất vọng vô cùng định thuận đường tìm kiếm, nhưng bỗng động lòng bụng bảo dạ:
“Bây giờ chị Tuệ hiểu lầm ta tất nhiên sau này ta không thể gần gũi Phong Lan nữa. có lẽ lúc này quay trở lại lấy hành lý đi có hơn không?”
Nghĩ đoạn, chàng liền đi vào trong điếm, không kịp thay quần áo thu xếp hành lý xong... để lại lá thư ở trên bàn và dặn tửu bảo tính tiền luôn cho cả ba người một lúc. Tuy bụng thấy đói nhưng cũng lên đường đi ngay.
Chàng ra khỏi thị trấn nhất thời không biết đi đâu,chần chừ hồi lâu cũng không biết giờ mình nên đi đâu. Sau chàng mím môm bụng bảo dạ rằng:
“Bất cứ đi tới đâu trước hết ta cũng phải xa cách Phong Lan đã rồi hãy nói chuyện sau, bằng không thì nàng cũng làm quấn chân quấn cẳng mình...”
Nghĩ tới đó, chàng liền phóng ngựa tiến thẳng về phía đường cái quan, nhưng nghĩ đến Phong Lan chàng lại có vẻ quyến luyến. Chàng nhận thấy mình làm như thế này thực hổ thẹn với nàng.
Nàng một thiếu nữ đẹp như hoa nở lại yêu một người xấu xí như mình thế này, dù mình có lòng gan dạ sắt cũng phải rung động bởi sự yêu đương trái ngược ấy của nàng.
Long Uyên vốn dĩ là người đa tình đa cảm, cho nên chàng vừa rời khỏi thị trấn nghĩ tới điểm đó chắc Phong Lan đọc lá thư của mình để lại thế nào cũng đau lòng khôn tả.
Vì vậy chàng đau lòng hết sức, nếu không phải sự hiểu lầm của Vân Tuệ thì chàng đã quay ngựa lại giả thích cho Phong Lan rồi.Vì chàng đối với Phong Lan tuy không có ý muốn chiếm cứ trái tim của nàng nhưng giữa chàng và nàng đã có một tình cảm thân mật như anh em rồi, tình cảm rất trong sạch, nhưng chàng nghĩ đến chị Tuệ lòng lại đau như cắt,chỉ muốn tìm thấy nàng ta ngay để bày tỏ tấm lòng cho nàng thấy rõ.
Vì thế chàng không dám quay lại giải thích cho Phong Lan hay nữa, vì sợ sẽ mất nhiều thì giờ. Chàng cũng biết tình cảm của nàng phức tạp hơn mình nhiều, nếu mình trở lại thế nào cũng đòi theo mình đi. Chàng vừa phóng ngựa vừa nghĩ ngợi, lúc mừng lúc lo, không bao lâu trời đã tối. Mây đen kéo đến u ám một vùng và mưa lại đổ xuống lác đác thật là buồn bã.
Tuy chàng có đem theo Tỵ Thủy châu mưa không bắn vào người được, nhưng con ngựa của chàng phải nghỉ ngơi ăn uống. chàng ngửng đầu nhìn thấy nơi đó không có một bóng người nào đi lại và một nhà nào cả, phía bên trên cách không xa có một khoảng núi cây cối um tùm, trông tình thế rất quái dị, chàng liền bụng bảo dạ rằng:
“Chắc trên núi thế nào cũng có miếu hay chùa, bất cứ trong đó có hòa thượng hay không ta cũng vào lánh mưa để cho con ngựa của ta nghỉ ngơi đã.”
Nghĩ đoạn chàng phóng ngựa tiến về phía đó liền, không bao lâu đã tới chân núi, quả nhiên chàng thấy trên lưng chừng núi có một ngôi chùa thực. Chàng thúc ngựa phi lên, chỉ trong chốc lát đã tới trước chân chùa.
Long Uyên đưa mắt nhìn thấy đằng trước có một ngôi chùa rất đồ sộ, nhưng vì lâu ngày không sửa chữa nên cửa long tường đổ mái sụp quá nhiều.
Chàng thở dài một tiếng nghĩ thầm:
“Ngôi chùa cổ này chắc xưa kia lộng lẫy lắm, nhưng tại sao bây giờ lại điêu tàn thế này?”
Nghĩ đoạn, chàng liền đẩy cửa vào bên trong. Sau cửa là một cái vườn lớn, giữa vườn có một lối đi xây bằng đá thẳng vào trong đại điện, nhưng vì bỏ hoang lâu ngày nên cỏ lau mọc cao tới đầu gối và đường đã cũng bị rêu phủ đầy, chàng còn cảm thấy chùa âm u như có ma vậy, ngay cả con ngựa báu của chàng cũng không dám tiến lên nữa. hình như nó có vẻ hãi sợ. bình sinh chàng không sợ ma quỷ bao giờ, nhưng thấy con Mạc Long tỏ vẻ sợ hãi như thế, khiến chàng cũng phải sờn lòng. Chàng vội rút thành Đơn Huyết bảo kiếm ra, bạo dạn và bụng bảo dạ rằng:
“Bảo kiếm này linh dị lắm, nếu có nguy hiểm thể nao cũng biết chui ra khỏi bao mà vo vo. Bây giờ không thấy nó phản ứng gì, chắc bên trong không có việc gì đâu.”
Nghĩ đoạn, chàng vỗ vào đầu con ngựa một cái, rồi quay người đi vào trong điện.
Đại điện không có cửa, nhưng bên trong tối om, Long Uyên có thẻ trông thấy những vật gì ở trong xó tối, nên chàng không sợ hãi chút nào. Chàng trông thấy rõ trong điện đâu đâu cũng có mạng nhện chằng chịt, nhưng không có vẻ gì khả nghi hết. Chàng liền dắt ngựa đi vào trong điện, cởi yên ngựa ra khỏi cho nó nhẹ nhõm, rồi chàng đi kiếm một bó cỏ đến cho nó ăn.
Còn chàng thì di tới bên cạnh bàn thờ, quét sạch mạng nhên, đặt hành trang lên, rồi ngồi vận công điều tức.
Ngờ đâu chàng vừa nhắm mắt một cái đã nghe thấy hai cánh cửa ở phía sau điện kêu kèn kẹt rồi bị một luồng gió mạnh thổi tung ra. Chàng vừa nghe thấy tiếng kêu dó liền giật mình đánh thót một cái, vội lướt tới cạnh cửa nhìn ra sau điện, thấy trong hành lang có đển mười cỗ quan tài một lượt.
Ngoài hành lang là một cái vườn hoang, trông thật âm u đáng sợ. Chàng cảm thấy trời mưa phùn, gió lạnh thổi vào luôn luôn, tựa như có ma quỷ xuất hiện thực. nhưng chàng nghĩ lại mình chưa làm việc gì trái lương tâm cả, tục ngữ có câu: tà bất thắng chính, dù có mà thì làm gì nổi mình nào? Vì vậy chàng lại can đảm như cũ, trở về chỗ cạnh bàn thờ mà ngồi xuống. Trong lòng vẫn hiếu kỳ, chỉ mong ma quỷ xuất hiện để xem hình dáng nó thế nào? Tuy vậy chàng đã rút thanh Đơn Huyết bảo kiếm ra, đặ trên đầu gối để đề phòng, rồi mới tiếp tục vận công điều tức.
Một lát sau chàng đã phản thần hoàn hư, quên cả vạn vật chung quanh. Sự thực chàng làm như thế không phải là khinh địch, nhưng vì lúc này Đơn thiết thàn công của chàng đã luyện tới chính thành hỏa hầu rồi, chỉ cần nhập định một lúc thì không cần sợ ngoại địch xâm phạm nữa.
Chân khí trong chàng từ từ vận chuyển, không những có thể giữ cho thính giác rất mẫn cảm và nếu có ngoại vật xâm lấm, chân khí đó có thể nảy nở ra sức phản chấn và phòng bị nghiêm mật lắm.
Trải qua không biết bao lâu, chàng bỗng nghe thấy con Mạc Long vừa hí lên nửa chừng đã ngã lăn ra đất, và người chàng cũng có vật gì tấn công vào ba nơi yếu huyệt. chàng vẫn nhắm mắt như thường, chân khí ở trong người có một sức phản chấn đột nhiên bắn trở ra, cả thanh bảo kiếm ở trên đùi cũng đánh coong một tiếng. tiếp theo đó, chàng chỉ nghe thấy một tiếng hú thực thảm khốc và ngày càng đi xa, đi vào trong hậu viện thì biến mất. Tuy chàng biết không là việc gì nhưng vẫn bị tiếng hú làm cho chân khí tản mát. Chàng đang định đứng dậy xem sao, bỗng thấy người của mình sụp xuống bên dưới.
Chàng giật mình kinh hãi vội tung người lên nhưng đã muộn rồi, đầu chàng va chạm phải một tấm sắt và rớt xuống ngay bên dưới.
Chàng vội mở mát nhìn mới hay mình đã rớt xuống một cái hầm bốn bên là vách đá dưới đất toàn là rắn bò lúc nhúc.
Long Uyên nghe thấy nhiều độc xà như vậy liền giật mình kinh hãi, mặt hơi biến sắc, vội vận khí ngừng thân ở chỗ lưng chừng đó. May thay chàng vận khí nhanh một chút nên người chưa rớt xuống đáy. Những con rắn ngửng đầu lên định cắn nhưng không sao cắn nổi Long Uyên biết nếu mình không nhanh mà để rớt xuống bên dưới thì có lẽ bị những rắn độc này cắn chết chứ không sai. Chàng định thần giây lát rồi vận khí, giở thế Thần Long Bàn Không bay tà tà lên.
Tiếp theo đó, chàng lại ngửng đầu lên trên, hai chân đạp mạnh vào nhau một cái người bắn lên trên cao hơn trượng, rồi dựa lưng vào sát vách ngừng thân luôn tại chỗ, chỗ chàng ngừng chân đó cách dưới đáy hang chừng trượng rưỡi, chàng biết lũ rắn không sao bò lên được nữa nên mới cảm thấy yên tâm phần nào. Chàng đưa mắt nhìn bốn phía xung quanh thấy bên trên toàn xây bằng đá, chỗ mình rơi xuống không còn một vết tích nào hết và bốn bề chung quanh vách đá đều trơn tuột không thấy cửa ngõ nào cả. Chàng ngạc nhiên nghĩ thầm:
-Chả lẽ có ma chắc? Bằng không sao có thạch thất này và những rắn ở đâu chui vào nhiều thế?
Từ dưới đất lên tới đỉnh cao trừng ba trượng nếu ở trên cao ném cát độc xuống thì những con rắn thể nào cũng chết, hiển nhiên phải có cửa ngõ khác. Vừa rồi chàng ngồi đã tọa bảo kiếm để ở trên đùi vốn dĩ đề phòng bị, vạn nhất có gì xảy ra là mình cầm kiếm tấn công luôn. Ngờ đâu lại để cho người ta thừa cơ lấy trộm mất đi. Bây giờ trong người chàng không còn một lưỡi dao hay kiếm nào hết, nếu dùng chân khí, chân lực mà phá vách này quả là rất khó. Chàng cau mày nghĩ ngợi giây lát rồi nhận thấy phải nghĩ ra một cách rời khỏi ngay nơi này bằng không dù khong bị rắn cắn chết thì cũng chết đói. Đơn Thiết thần công với chỉ chưởng của chàng tuy có thể giết được những con rắn bên dưới nhưng đem xử dụng thần công đó tốn rất nhiều sức vả lại số rắn quá nhiều sức người giết sao xuể, cho nên thể nào cũng phải kiếm một võ khí mới được. nghĩ đến võ khí chàng bống nhớ đến cái đuôi con thuồng luồng hiện đang cột ở ngang lưng. Chàng cả mừng vội rút chiếc roi mềm và dài hơn trượng ấy ra rồi chỉ thẳng đầu roi vào đàn rắn.
Hình như đàn rắn vừa trông thấy cái roi ấy đã sợ hãi liền. Chúng chen nhau tránh ra ngoài xa, để dành một khoảng giữa trông hơn ba thước. Chàng bỗng phát hiện roi duôi thuồng luồng có thể khắc được rắn độc, liền mừng rỡ vô cùng vội nhảy xuống bên dưới. múa roi quanh một vòng lũ rắn lại tránh ra xa năm thước! Chàng nhảy xuống đất vận Đơn Thiết thần công bảo vệ toàn thân, rồi múa roi đuổi lũ rắn.
Sau đó, chàng đi quanh thạch thất một vòng, đột nhiên thấy góc tường đối diện bên trái có hai tảng đá vuông dài hai thước, mới thoáng trông thì hai hòn đá ấy màu cũng như vách đá vậy, nhưng chàng có đôi mắt thần, khi nhìn kĩ mới hay hòn đá này được lấp vào chỗ đó chứ không phải liền với vách. Chàng không cần hỏi cũng biết nơi đó là cửa mà đối phương dùng để dồn rắn vào.
Chàng dùng roi xua đuổi đàn rắn xa ra vội vận chưởng lực nhằm hai hòn đá đó ấn mạnh một cái. Chỉ nghe thấy kêu ùm một tiếng, hai hòn đá đó nát ra như cám và hiện ngay ra một hang động tối om. Chàng khỏi cần biết bên ngoài là đâu hết, vội giở Túc Cốt Thuật ra khiến người nhỏ lại nhảy qua lỗ hổng ấy. Khi ra được ngoài hang rồi, chàng thấy nơi đó là một đường mòn rộng ba thước, không biết đi tới đâu, nhưng yên lặng như tờ không một bóng người nào hết. chàng đứng dậy khôi phục nguyên hình, đang định bước đi, bỗng thấy mặt đất hơi khác lạ. Chàng nhìn kĩ mới hay trên mặt đất giải bằng gạch mài và lát hoa, hoa ty giản dị nhưng chắc thế nào cũng dụng ý gì. Vừa rồi chàng đã bị một mẻ kinh hoàng rồi đâu dám sơ ý như trước nữa, nên chàng vận công khiên roi đuôi thuồng luồng cứng ngắt, lấy roi làm kiếm mà điểm vào một hòn gạch đỏ thử xem. Chàng khẽ nhân sức một cái những hòn gạch ở bốn chung quanh đột nhiên ngửa lên, bên dưới đều có những câu liêm dài dừng thước rưỡi nhô lên và nhằm vào viên gạch đỏ móc luôn. Chàng thè lưỡi ra,bụng bảo dạ:
“Nguy hiểm thực, nếu ta đường đột bước lên thì thể nào cũng bị lưỡi câu liêm ấy chặt đứt chân.”
Vì thế chàng lại cẩn thận thêm và dùng roi điểm vào tới, những mũi tên bắn ra như mưa. ở trong một đường hẻm nhỏ như vậy mà bị nhiều mũi tên bắn ra như thế quả thực không sao tránh né được.
Chàng lại thử tới những hòn gạch tía đen trắng mới hay hòn nào cũng đều có ám khí bắn ra cả. như vậy không còn một hòn nào có thể đi lên được, mà đường hẻm lại cong queo, chàng chỉ thấy quãng đường dài hai trượng thôi, còn đằng trước ngẹo sang bên là gì thì chàng không sao thấy được. Nên chàng không mạo hiểm thử thách. Chàng nghĩ mãi không sao nghĩ ra được kế gì hoàn hảo cả. Sau chàng định giở khinh công tuyệt thế ra mạo hiểm thử xem, nhưng chàng bỗng nghĩ ra một kế, trong lòng mừng rỡ vô cùng, vội chui vào trong hang rắn.

<< Hồi 15 | Hồi 17 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 984

Return to top