Rồi cái ngày quyết đấu đã đến. Đó là ngày mồng hai tháng ba năm Bunroku. Trận quyết đấu sinh tử trên đảo Nadajima giữa một bên là kiếm hào vô song đất Nhật Bản, khai tổ phái song kiếm Shinmen, Miyamoto Musashi Masana và một bên là kiếm sĩ võ nghệ bạt quần, Sasaki Kentosai Ganryu. Nghe tin này thì dân chúng, những kẻ hiếu kỳ ở khắp các nơi trong ngoài thành Kokura đều đổ về đây xem cho bằng được. Không khí trong thành bỗng nhiên sôi động ồn ào hẳn lên.
Chúa Yamaguchi cho bố trí người giám sát trận đấu trên đảo. Musashi, Ganryu hai người ngồi hai con thuyền nhỏ rẽ sóng ra đảo Nadajima. Quả nhiên là Ganryu không hề bỏ trốn, dù gì hắn cũng là kẻ đứng đầu một phái kiếm. Nhưng hôm đó thuyền của Ganryu lại đến đảo trước thuyền Musashi. Kẻ báo đi báo thù lại đến sau kẻ mang tội. Cũng là vì người chèo thuyền của Ganryu hãy còn trẻ, ra sức chèo lái thì chẳng mấy chốc đã đến đảo. Khi xuống thuyền Ganryu bảo
- Đa tạ quan bác. Hãy cầm lấy cái này xem như là lễ vật của ta.
Nói rồi lấy trong túi ra một con dao bằng đồng chạm trổ tinh mật và món tiền tùy thân năm lượng trao cho ông lái. Người này nhận phẩm vật và năm lượng tiền của Ganryu rồi trở về cố hương Hiroshima, nhờ món tiền này mà sau phất lên thành một ông chài giàu có.
Khi Musashi đến nơi thì đã thấy Ganryu lên đảo rồi. Thật là thất sách. Thuyền vừa đến, người ta thấy Musashi trong tay mang một mái chèo.
- Yatt !!
Thét rồi búng mình từ mạn thuyền lên đảo. Lúc này Ganryu đang ngồi tựa lưng nơi một tảng đá, vừa thấy Musashi nhảy lên liền thét lớn
- Eitt !!
Nhanh như ánh chớp, lưỡi kiếm vút ra chém vào Musashi đang nhảy tới. Pặc, mái chèo trong tay Musashi đứt làm đôi.
- Ganryu, thật là hèn hạ !
- Không phải là hèn hạ. Ngươi vì muốn báo thù mà tỉ thí với ta nên ta chỉ thử xem tài nghệ nhà ngươi đến đâu. Bằng chứng là ta vẫn ngồi trên tảng đá này mà rút gươm chứ chưa hề đứng dậy.
Quả đúng là kẻ quỷ quyệt, vì chém không thành nên mới xuất lời nói điêu như thế.
Phía trên kia là quan giám sát trận đấu của chúa Yamaguchi. Chung quanh đảo là thuyền bè của bọn hiếu kỳ vây lấy đông nghịt.
Hai kiếm sĩ lui về chuẩn bị. Lần này là trận đấu sinh tử. Musashi tuốt vỏ hai thanh tả kiếm hữu kiếm vào thế thủ. Phía kia Ganryu sử một thanh trường kiếm dài hai thước tám thốn năm phân do một nhà rèn kiếm danh tiếng là Sakon Shogen Kunitsuna chế tác.
- Eitt !!
Hắn vào thế thủ trung đoạn. Musashi tả kiếm đâm thẳng, hữu kiếm giương cao lầm lũi tiến tới. Keng keng, ba kiếm vừa chạm nhau độ hai lần thì Ganryu bỗng ới một tiếng rồi ngã ra đất.
- Eitt!!
Musashi thừa cơ xấn tới, bỗng sực nhớ ra lần trước trong núi Hakeno thì Sekiguchi Yataro đã cảnh báo mình về tuyệt chiêu chém én Tsubame Gaeshi của Ganryu. Vừa bước tới thì vụt, Ganryu bật dậy, một ánh chớp quét ngang vào người Musashi. Dường như bọn giám sát phía trên chẳng nhìn thấy gì cả. Nhanh quá. Cứ tưởng rằng thân thể Musashi đã bị chém đứt lìa, nào ngờ
- Eitt !!
Một tiếng thét vang lên, thân thể Musashi búng lên trên không. Đây chính là thuật Tengusho Tobikiri đã học được từ Tsukahara Bokuden. Ống quần Musashi bị chém đứt khoảng hai thốn. Bình thường, nếu ống quần bị chém thì cũng có nghĩa là cổ chân cũng không còn nhưng vì đang thế nhảy lên, chân co lại nên ống quần bị chém mà chẳng hề gì.
Musashi đáp xuống cát, tả kiếm đâm thẳng, hữu kiếm chực bổ xuống toan xông vào thì bất giác Ganryu quẳng kiếm nói lớn
- Thật là lợi hại. Ganryu này xin thua. Ta không thể địch lại. Xin hãy mau chóng chặt đầu cho.
Quan giám sát của chúa Yamaguchi chẳng thể hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chỉ thấy vai phải Ganryu đột nhiên ứa máu. Không rõ đã bị Musashi chém trúng lúc nào mà tả kiếm cũng loang vết máu. Thì ra lúc Ganryu bật dậy chém ngang thì Musashi đã nhảy lên, tay trái cầm thanh kiếm ngắn Hikoshiro Sadamune chém vào vai phải hắn. Không ai kịp nhìn thấy điều gì xảy ra. Vừa lúc tưởng rằng Musashi đã bị Ganryu chém trúng thì đã triển khai tuyệt học Nami Gaeshi như làn sóng rút ra biển rồi dội ngược vào bờ hội đắc từ tiên sinh Takemitsu Ryufuken chém ngược vào Ganryu.
Quả nhiên là ác nhân Ganryu cũng tới lúc ngộ ra rằng đã không còn lối thoát.
- Xin hãy mau chóng mà chém đầu cho.Ganryu khẩn khoản nài nỉ, Musashi cười nói - Nếu suy nghĩ đã thông thì hãy tự mổ bụng như một võ sĩ chân chính. Musashi này sẽ cắt đầu giúp.Ganryu vui mừng, quỳ ra nền cát, rút thanh đoản đao tự mổ bụng mình. Musashi lần ra sau lưng giương kiếm chém xuống giúp hắn mau thoát khỏi cảnh đau đớn.Rồi sau này đảo Nadajima được gọi là đảo Ganryu.
Lúc trước khi chết Ganryu có thệ nguyện - Những ai muốn tinh tấn về mặt võ nghệ thì hãy hướng đến ta mà cầu khấn. Nhất định sẽ trở thành danh nhân thiên hạ.Tính cách Ganryu lúc nào cũng kiêu ngạo, tuy khôn ngoan giảo quyệt nhưng đích thị là võ nghệ xuất chúng. Vì thế sau này người ta dựng bia đá thờ Ganryu trên đảo, các võ sĩ giang hồ cũng thường đến đây cầu nguyện.Vậy là mối thù của phụ thân, nỗi khổ tâm trong nhiều năm đã được rửa sạch. Rồi Musashi trở về thành Kokura diện kiến chúa Yamaguchi lễ tạ rồi dẫn theo Arima Kihei Nobuyoshi trở về thành Kumamoto xứ Higo.
Mối thù đã được trả, nhưng lúc này thì dòng họ Yoshioka đã tuyệt diệt, trông thấy cảnh đó không thể không chấn hưng. Nhưng bản thân mình đã là dưỡng tử nhà Miyamoto thì không thể quay lại nhà cũ được. Mà kẻ nối dõi họ Yoshioka thì không có ai xứng đáng hơn người đã phá thế thập tự là Arima Kihei. Musashi dạm hỏi thì Arima mừng rỡ đồng ý. Rồi Arima trở thành người họ Yoshioka nối dõi dòng tộc này. Nhân vật Kihei Nobuyoshi này sau bị một ác nhân là Osawa Dangoemon đánh chết. Người báo thù cho Kihei chính là đứa con giữa Musashi và Ogura ở Sakushu Tsuyama và chuyện này trở thành đề tài cho phần Koudan về họ Miyamoto sau này. Nhưng đấy là chuyện sau này. Còn phần truyện Koudan về Miyamoto Musashi đến đây là kết thúc.
Hết.