Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Koudan

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 26970 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Koudan
Miyamoto Musashi

Phần thứ ba mươi ba

     Lại nói về Musashi sau khi rời Edo đi khắp nơi trong nước Nhật, đến nơi nào có võ đường thì xin tỉ thí và cũng không quên truy tìm tung tích Ganryu . Đi mãi đi mãi đến con đường Tokaido, rồi một chiều nọ băng qua vùng núi Hakone vốn nổi tiếng là hiểm trở khó đi. Kẻ bình thường thì đến chiều là nghỉ chân bên sườn núi nhưng Musashi tính hào đảm, bất chấp lời can ngăn của kẻ qua lại mà vẫn tiến sâu vào trong núi. Đến ngày nay thì vùng núi Hakone vẫn còn nổi tiếng hiểm trở, huống hồ là vào những năm Tensho đó, đi đường nào cũng là nan đạo cả. Trong núi dường như chẳng có đường mà phải dẫm lên gốc cây, bám vào vách đá mà đi. Khi vừa đến nơi gọi là thung lũng Địa Ngục thì đúng lúc vầng Dương lặn về Tây, trước mặt chẳng còn thấy gì nữa mà đường đi mỗi lúc mỗi hiểm trở. Đến như Musashi cũng cảm thấy bối rối, tự hỏi không biết mình đã lạc đường từ chỗ nào nên định thầm dừng chân nghỉ ngơi ít lâu rồi quan sát bốn phương.
A, nhìn phía trước độ sáu mét bỗng thấy một người đàn ông nằm ngủ ngay chính giữa đường đi. Trời tối trông không rõ lắm nhưng người này ra dáng là một Kumosuke, kẻ lang thang không nhà cửa chuyên sống bằng nghề khuân vác, khiêng kiệu.
- Haha, ở đây lại có người nằm ngủ thế kia thì hẳn là phía trước có đường đi. Thôi cứ thử đi xem sao.
Nghĩ rồi cất bước đi, vừa đến chỗ gã Kumosuke gối đầu nằm thì, gã đàn ông tưởng chừng như đang ngủ kia đột nhiên giơ tay nắm lấy chân Musashi. Nhưng vốn lúc nào cũng phòng bị nên Musashi nhẹ nhàng bún mình giật lui.
- Ngươi định làm gì ?
- Làm cái gì là cái quái gì ? Chỗ này người ta đang ngủ mà ngươi lặng lẽ bước qua đầu thế kia, là Samurai thì phải biết lễ nghĩa chứ, đồ điên.
Dường như hắn đang nổi đóa.
- A là ta sai. Thấy ngươi đang ngủ nên không tiện đánh thức. Xin hiểu cho.
- Không hiểu quái gì cả. Hãy chuẩn bị đi !
Vừa nói vừa xấn tới, thét to một tiếng và ngay lập tức, thân thể Musashi như bị nhấc bổng lên rồi bị ném văng ra xa. Trong nháy mắt Musashi lộn nhoài đáp xuống nhẹ nhàng.
- Đây là để tạ lỗi à?
- Ahahahaha, cũng khá đấy. Bị ta ném thì những kẻ tầm thường sẽ văng xuống vực hay đập đầu vào đá mà bất tỉnh. Thế mà ngươi vẫn tránh được lại thủ thế thế kia, hẳn là không phải hạng tầm thường. Cảm phục, cảm phục ! Võ nghệ ngươi khá thế kia, ta bỏ qua cho đấy.
Musashi cả kinh, gã Kumosuke này lại nói là cảm phục võ nghệ nên bỏ qua cho. Hóa ra chẳng phải là một kẻ si mê võ thuật đến phát rồ sao. Mà đôi co với người rồ làm gì, nghĩ thế nên dịu nét mặt
- Xem ra ngươi cũng là kẻ chuộng võ nghệ.
- Chuộng võ nghệ làm quái gì, nhưng nếu gặp năm sáu võ sĩ xông đến ta cũng chẳng thua.
Musashi nghe nói lại càng kinh ngạc hơn.
- Quả là không bình thường.... Nếu như ngươi có trình độ đó sao không trở thành Samurai ?
- Ta thích làm một thằng Kumosuke hơn, tự do tự tại. Mà này, ngươi đi đâu ?
- Ta định đêm nay băng qua con núi này nhưng xem chừng đã lạc đường.
- Ờ, đường núi này ngay cả ban ngày còn khó đi, huống chi là giờ này. Nếu như ngươi nghỉ bên sườn núi có phải tốt hơn không.
- À quả là vậy. Hình như ngươi ngụ trung núi này ?
- Ờ, ta có căn nhà nhỏ gần đây. Ta đợi ở đây xem có ai cần khuân vác đồ đạc, hành lý hay dẫn đường gì không, đôi khi còn vác người thay kiệu nữa.
- Thế thì chắc là thông thạo vùng này. Cho ta hỏi xem đi hướng nào thì dễ hơn ?
- Vô ích thôi. Đường nào cũng nguy hiểm cả. Lại còn không biết bao nhiêu vực thẳm nửa.
- Thế thì gay thật.
- Hay là thế này, đến nhà ta ngủ qua đêm nay đi.
- Đa tạ hảo ý, nhưng ta không dám làm phiền.
- Phiền quái gì. Nếu ngủ chung trong nhà ta thì hơi chật, để ta làm cho căn nhà khác.
- Haha, làm nhanh như vậy sao ?
- À, mà thôi. Đi theo ta nhanh lên.
Nói rồi cất bước đi thoan thoắt, Musashi theo sau.
- Đây là nhà ta.
Musashi nghe nói nhìn vào thì thấy một rừng đại thụ xum xuê, giữa những cành cây lại có một cành cây to lớn bắt ngang, bên trên là một căn lều tạm bợ đan từ cành cây với lá rừng có hai tầng.
- Thấy sao, ta thường ngủ ở đây. Để ta làm cho nhà ngươi một căn.
A quả nhiên là vậy, thảo nào lại nhanh đến thế. Gã Kumosuke mang một cành cây lớn tựa lưng chừng vào căn nhà gác sang mấy chạc cây khác. Rồi hắn thoăn thoắt bẻ cành xung quanh lợp thành mái chòi.
- Xong rồi đấy, lên ngủ đi.
- A quả nhiên, đa tạ.
- Nhưng mà phải nằm yên nhé. Ngủ xấu tính xấu nết là coi chừng rơi xuống dưới.
- À nguy hiểm thật... Vùng này có ác thú gì không ?
- Có chứ sao không. Chó sói đến mấy chục con. Đang ngủ là chúng kéo đến, hú tru tru. Thỉnh thoảng bọn vượn khỉ lại đến làm phiền.
- Gay nhỉ.
- Mà sợ quái gì chớ... Thôi, làm một chén.
Nói rồi gã Kumosuke với tay lôi bình rượu treo lủng lẳng trên cành xuống, rót một thứ nước đục ra cái chén mẻ.
- Thôi, ta không uống được...
- Tiếc quá, chẳng có độc đâu mà lo.... Thôi uống một mình vậy.
Rồi gã độc ẩm một mình, trong khi đó Musashi quang sát cảnh tượng này mà lấy làm lạ.
- Thôi ngủ đi, ta cũng ngủ đây.
Nói rồi thoắt cái búng người lên "căn nhà nhỏ" của gã rồi chẳng mấy chốc đã cất tiếng ngáy như sấm.
Musashi cũng leo lên căn nhà mới dựng, nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được. Đầu óc đang suy nghĩ lung tung bỗng nghe có tiếng hú vang vọng từ xa. Định bụng hỏi thầm có phải là chó sói tru trăng hay không, rồi dần dần tiếng hú tiếng hú lại gần. Cho dù là danh nhân kiếm thuật đi nữa thì lần đầu gặp trường hợp này cũng chẳng lấy làm dễ chịu gì.
Musashi bật dật thì thấy bên dưới là năm sáu đầu sói, hai mắt sáng như điện, vừa tru tréo vừa nhe nanh, trèo lên cây như muốn chồm tới chỗ căn nhà. Lạ lùng là bọn chúng không hề đến chỗ gã kia mà chỉ tập trung chỗ mình, chực xông vào. Musashi bật dậy, nhanh như chớp ánh thép lóe lên, một đầu sói ngay trước mặt rơi lăn lóc xuống dưới. Thấy một con bị chém, thế lũ sói như hăng hơn, chúng trừng mắt, gầm gừ, tru tréo đến là dễ sợ. Musashi nhảy bật khỏi cành cây, vừa đáp xuống đất là chém liền hai đầu sói nữa. Rồi không biết tự bao giờ đã có hai, ba chục con tụ tập sẵn, nhen nanh tru tréo lao về trước. Musashi trông thấy cũng hãi, vội rút đoản đao vào thế thủ thập tự. Tuy nhiên lũ súc sinh vốn chẳng biết gì nên cứ thế mà xông vào, Musashi thét to rồi chém tiền hậu tả hữu, lũ sói tru tréo. Tiếng ồn làm Kumosuke tỉnh giấc.
- A, lũ súc sinh. Này, ngươi chém sói đấy à. Chúng nó chẳng biết sợ đâu. Cứ để chúng tru tréo, mình lờ đi thì nó cũng bỏ đi thôi. Nếu giết thì nó chỉ có đến đông hơn thôi. A, đông đủ rồi, để ta giúp một tay.
Nói rồi nhảy vọt khỏi căn nhà.
- Lũ súc sinh, chúng bây dám quấy phá khách quý của ta. Xem đây !
Nói rồi cứ tay không mà xông vào giữa bầy sói. Trong chớp mắt một con đã bị đôi tay lực lưỡng kẹp chặt cổ rồi đập đầu vào đá. Lại một con khác bị ném xuống vực. Lũ sói trông thấy lộ vẻ sợ hãi, dường như muốn nói
- Không xong, lại là thằng cha Kumosuke đó. Địch không lại đâu chúng bay, thôi rút quân.
Rồi bọn sói bỏ chạy tán loạn.
- Ahahahahahaha, chạy cả rồi. Ngươi không sao chứ?
Musashi chùi máu, tra kiếm vào võ rồi đến bên Kumosuke cúi đầu thi lễ
- Xin đa tạ tráng sĩ đã ra tay cứu giúp. Lúc trước đã thấy qua tuyệt học, vừa rồi lại chứng kiến võ nghệ siêu quần của tráng sĩ. Đây quyết chẳng phải là một Kumosuke tầm thường mà hẳn là một vị võ gia phương nào. Vậy kính xin tráng sĩ cho hay cao danh, hà cớ gì phải ẩn mình trong vỏ bọc Kumosuke. Tiểu sinh là gia thần chúa Kato Kazue Kiyomasa, thành chủ Kumamoto xứ Higo, tên là Miyamoto Musashi Masana...
Kumosuke nghe nói giật mình, nhìn kỹ mặt Musashi rồi nói
- Hóa ra đây là tiên sinh Miyamoto sao. Thật kỳ lạ, không ngờ lại được diện kiến chốn này. Cũng không dám giấu, tiểu sinh là gia thần nhà Kishu, tên gọi Sekiguchi Yataro.
- Ồ, là tiên sinh Sekiguchi sao. Ngưỡng mộ cao danh đã lâu nay mới được diện kiến. Lúc nãy đã thất lễ với tiên sinh, xin bỏ qua cho.
- Không không, đây mới chính là kẻ thất lễ. Ăn nói cứ như hạng điền phu dã nhân, xin tiên sinh đừng để bụng.
- Mà tại sao tiên sinh lại cải trang thành như vầy, hẳn là có nguyên do?
- À cũng không phải nguyên do gì. Như vầy khi thấy có bọn võ sĩ qua lại thì bày trò khiêu khích. Chẳng qua chỉ là một cách rèn luyện mà thôi.
Nhân vật Yataro này về sau chính là Sekiguchi Hachiro Zaemon Ujimune, gia thần của nhà Kishu và giữ chức Nhu Thuật Chỉ Nam, dạy nhu thuật cho nhà chúa. Yataro bỏ nhà ra đi, trở thành Kumosuke quả nhiên là có nguyên căn sâu xa. Con trai Yataro sau này cũng đặt tên là Sekiguchi Yataro rất nổi tiếng trong thời Kan Ei cùng với Shibukawa
Hangoro.
Hai người Miyamoto, Sekiguchi không hẹn mà gặp, không định mà hội nên lấy làm vui mừng, đêm đó cùng nhau trò chuyện đến sáng.
- Thì ra là tiên sinh đi lang bạt thiên hạ cũng chỉ vì muốn tìm tông tích của kẻ thù sát phụ, Sasaki Ganryu. Nhưng hắn cũng chẳng phải là kẻ tầm thường, gần đây nghe nói đã hội đắc kiếm chiêu Tsubame Gaeshi. Đây là bí kiếm ra đòn cực nhanh vô cùng lợi hại, khó mà tránh được nó. Để phá giải được chiêu này chỉ còn cách học thuật Tengusho Tobikiri, mà hiện nay chỉ có một người duy nhất đạt được cực ý của nó mà thôi. Đó là tiên sinh Tsukahara Bokuden đã về ẩn cư trong núi Nori Kuragatake xứ Shinshu. Hay là ngài thử đến chỗ tiên sinh Bokuden học thuật Tengusho Tobikiri xem sao.
Musashi nghe nói rất đỗi vui mừng
- Thế thì tiểu sinh xin phép đến chỗ tiên sinh Bokuden ngay.
Rồi lễ tạo cáo biệt Sekiguchi Yataro, rời núi Hakone nhằm hướng biến giới giữa Hida và Shinano mà đến vùng núi Norigatake học hỏi cao nhân. Vị cao nhân này họ Tsukahara tên Takamoto, nhập đạo lấy hiệu là Bokuden. Khi Musashi đến học hỏi thuật Tengusho Tobikiri thì xảy ra trận đấu nổi tiếng bên nồi lửa.
( * )Năm sinh và năm mất của bậc cao nhân này không ai biết rõ nhưng theo một thuyết thì Bokuden sinh năm thứ nhất niên hiệu Entoku (1489) và mất năm Genki thứ hai ( 1571).
Bokuden là con trai một viên tư tế của đền thờ Kashima ở Kashima xứ Hitachi được đặt tên là Shin Emon, Tosanokami hay Tosa Nyudo. Sau được nhận làm con nuôi nhà Tsukahara nên lấy họ Tsukahara và tên là Takamoto.
Bokuden theo học kiếm thuật của phái Kashima (còn gọi là Kashima Chuko) với cha ruột và được dưỡng phụ truyền dạy kiếm pháp của phái Tenshin Shoden Katori Shintoryu, sau lại được Matsumoto Bizen Nokami truyền thụ cho kiếm pháp "Hito no Tachi" mà tinh túy là chiến thắng đối thủ chỉ với một chiêu kiếm. Cũng có thuyết nói Bokuden tự hội đắc "Hito no Tachi" mà không học ai. Sau này Bokuden đi lang thang khắp nước Nhật, tu hành võ nghệ, rèn luyện kiếm pháp và có đến học kiếm chỗ Kiếm Thánh KamiIzumi Isenokami Nobutsuna và có quan hệ mật thiết với các danh tướng đương thời như Takeda Shingen, Kitabatake Tomonori. Bản thân Bokuden cũng được người đời xưng tụng là Kiếm Thánh với 39 lần đối đầu mà không hề thua trận nào, trong đó có 19 lần quyết đấu bằng kiếm thật. Bokuden được sinh ra ở vùng Kashima được coi là đất của võ nghệ lúc đương thời, và đây cũng là nơi thờ phụng thần võ Takemikazuchi nên kiếm sĩ các vùng khác thường kéo về đây. Bokuden là người thuộc dòng quý tộc nên trên đường đi có nhiều người theo hầu và kéo theo rất nhiều môn đệ. Phần lớn môn đệ của ông sau đều là những người thành danh hay là khai tổ của nhiều môn phái khác như Morooka Tsunenari. Sau này Bokuden lập ra phái kiếm Kashima Shintoryu và có một thời gian ông gọi tên môn phái của mình là Mute Katsu Ryu, nghĩa là môn phái dùng tay không vẫn chiến thắng.
Trong dân gian vẫn còn lưu truyền một giai thoại như thế này. Một hôm trên hồ Biwa, có kiếm sĩ giang hồ nói chuyện với Bokuden và khi được hỏi về môn phái thì Bokuden bảo : Mute Katsu Ryu. Người kia bật cười và thách thức Bokuden đánh bại được hắn mà chỉ dùng tay không. Bokuden chấp nhận rồi nói vì chung quanh có nhiều người tập trung nên không tiện nên chuyển địa điểm quyết đấu ra giữa hồ. Người kia đồng ý và khi vừa mới đặt chân lên thuyền thì Bokuden cắt dây, đẩy ra giữa dòng mặc cho gã võ sĩ giang hồ la hét ý ới. Bokuden cười rồi nói : đây chính là phái kiếm không dùng kiếm mà vẫn thắng!
Trong phần này diễn giả Ito cho Musashi gặp Sekiguchi Yataro và nhân vật này chính là Hachizaemon Ujimune. Nhưng sự thực có khác so với diễn thuyết. Sekiguchi là một trong những phái nhu thuật cổ nhất Nhật Bản và đã đặt nền móng cho sự phát triển của nhu thuật ở đất nước này. Sekiguchi không chỉ nổi tiếng với nhu thuật mà còn thành danh với thuật rút kiếm cực nhanh, Iai jutsu.
Khai tổ của phái này là Sekiguchi Yorokuuemon Ujimune hay còn gọi là Sekiguchi Jushin. Jushin thuộc tộc Imagawa và dì ông ta được gã cho Tướng Quân Tokugawa Ieyasu. Vì vậy mà họ Sekiguchi có quan hệ mật thiết với nhà Tokugawa và sau này trở thành Nhu Thuật Chỉ Nam cho Tokugawa Yorinobu vùng Kishu. Khi Oda Nobunaga diệt họ Imagawa thì Jushin lang bạt kỳ hồ tu hành võ nghệ, phát triển nên phái nhu thuật Sekiguchi cùng với con trai là Hachiro Zaemon Ujinari.
Có một giai thoại như thế này về Sekiguchi Jushin: một hôm khi đang đi qua chiếc cầu trong sân của chúa Kishu, Jushin bị chúa dồn về một bên cầu với ý định thử tài nghệ Jushin. Đến khi gần ngã xuống nước thì Jushin trượt qua phía bên kia cầu và chộp lấy chúa Kishu đang luống cuống mất thăng bằng và sắp ngã, nói: Ngài hãy cẩn thận hơn. Chúa Kishu cố tình chọc ghẹo Jushin hóa ra mình lại bị trêu nên thẹn lắm. Sau đó một thời gian thì một gia thần khác của chúa chê cười Jushin vì đã kéo chúa lại. Nếu chúa là kẻ địch thì sẽ có đủ thời gian giết chết Jushin. Nhưng Jushin đáp rằng mình cũng có ý nghĩ tương tự, nên dù là phạm thượng nhưng khi nắm chúa lại, mình đã thủ sẵn một lưỡi dao nhỏ trong tay áo, nếu chúa là địch thủ thì sẽ đâm liền.
Phái Sekiguchi không chỉ phổ biến ở vùng Kishu mà còn lan rộng ra khắp Nhật Bản và có nhiều ảnh hưởng lớn đến sự ra đời của nhiều môn phái khác. Tướng Quân Tokugawa qua nhiều đời cũng rất chuộng phái Sekiguchi này.

<< Phần thứ ba mươi hai | Phần thứ ba mươi tư >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 881

Return to top