Chị kể đến đó thì dừng lại. Trời lại rắc mấy hạt mưa lộp độp trên mái lá. Chúng tôi ngồi lui vào trong để tránh những giọt nước lạnh buốt rơi xiên xiên xuống người và cũng để tránh gió tạt từ một phía. Từ vạt đất ải ở phía dưới, mưa làm bốc lên một mùi thơm nồng nồng, ngai ngái. Tôi bỗng ao ước vô cùng được bẻ cành sắn khô đốt lên một ngọn lửa, ao ước vô cùng có một củ sắn, một bắp ngô nướng thơm lựng, cầm nóng rãy tay để đưa lên miệng mà nhấm nháp, mà xuýt xoa. Có vẻ lạnh, chị Hai Thanh thu nhỏ người lại, đầu cúi thấp xuống gối để kìm mấy tiếng ho húng hắng. Chị ngồi đó nhỏ nhắn và bất động. Thỉnh thoảng đôi vai gày mảnh của chị lại khẽ rung lên trước một luồng gió, ràn rạt thổi thốc vào lều. Tôi để yên cho chị ngồi, không hỏi thêm gì nữa. Có thể chị đang nóng lòng chờ chuyến giao liên, có thể chị đang phác họa trong đầu những kế sách đối phó với âm mưu thâm độc của kẻ thù trong toàn vùng và cũng có thể giây phút này, chị tự cho phép đầu óc mình trở lại một chút với những ký ức xa xăm… Có thể như thế và cũng có thể không là như thế. Riêng tôi, tôi rất thích những giờ khắc im lặng đó – Im lặng để nghĩa về cuộc đời, về con người, về cái sống và cái chết; im lặng để được nghe, được thu tất cả mọi âm thanh yên hàn và mọi âm thanh khắc nghiệt vào lòng.
Rồi chú bé giao liên cũng tới. Sau một ám hiệu khô nhỏ ở đầu lưỡi giả làm tiếng cú rúc, chú xuất hiẹn như từ trên trời rơi xuống với cái quần xà lỏn, súng AR.15 cầm tay, cái bồng đựng đầy giấy tờ bên trong và với khuôn mặt già đi vì vừa phải vượt qua một đoạn đường chết chóc…
Nửa tiếng sau, chú giao liên khẽ chào chị Hai, chào tôi để quay trở lại cho kịp lúc trời chưa sáng. Nhìn theo cái bóng bé nhỏ chìm lẫn trong cánh đồng bưng mờ mịt, chị khẽ thở dài mà không có cách nào đi theo bảo vệ được. Nghe tiếng thở dài đó, trong tôi bật lên một mối băn khoăn: Thì ra người đàn bà nức tiếng can tráng này cũng có lúc mềm yếu đến thế ư? Và cái gì đã khiến chị vượt qua được mình, vượt qua được hoàn cảnh để đứng bên trên vị trí của một người lãnh đạo tỉnh Đảng bộ?
Điều băn khoăn này đã đẩy chị ra xa tôi một chút. Cho đến bây giờ, đối với tôi, chị vẫn còn là một ẩn số. Cái ẩn số náu kín trong dáng ngồi mềm mại im lìm kia.
Sương mù không rõ từ nơi nào lan tỏa tới giăng kín cánh đồng. Cảnh vật chìm trong màu khói loãng bồng bềnh. Căn lều chúng tôi ngồi nhòa đi, hơi nhô cao một chút tạo dáng dấp của một cô đảo. Hòn đảo nỏ giữa bộn bề rối rắm của cuộc chiến tranh vùng giáp ranh. Giá đêm cứ tối mãi như thế này, giá màn sương kia đừng bao giờ tan loãng và giá suốt cuộc đời được ngồi bình yên nhìn ra xa xôi, nghĩ tới xa xôi, không phải vật lộn, không phải chém giết gì hết!.... Ngày mai. Khi nắng lên, cuộc sống người bám trụ lại quay về với mọi nỗi nhọc nhằn ghê gớm. Lại chui hầm mật, lại từng phút giây hồi hộp nghe tiếng thuốn sắt nạo vào lòng đất, nạo vào nắp hầm; lại công việc tìm kiếm mục tiêu tác chiến đè nặng vào giấc ngủ ngày chập chờn…
Ở vùng đất ta và địch rình nhau từng phút, lừa nhau từng miếng này đã thành một thông lệ, như một phương tiện tồn tại tất yếu, người chỉ huy bộ đội phải ém chung hầm với người đứng đầu xã. Còn lại, chia ra ém cặp đôi với du kích. Hầm này không được phép biết hầm kia; để nếu một căn hầm nào đó bị khui trúng thì chỉ một căn hầm đó hứng chịu; ngay cả trong trường hợp không chịu nổi đòn tra, có muốn khai ra các điểm khác cũng không biết đường nào mà dẫn lối. Làm vậy thoạt nghe tưởng như tàn nhẫn, thiếu tin nhau. Nhưng những bài học đau thương, những cái giá vô cùng đắt phải trả đã giúp cho con người ở đây mặc nhiên chấp nhận qui luật ngặt nghèo này. Tàn nhẫn trong tiểu tiết để giữ được cái nhân đạo trong tổng thể. Rời rạc trong một ngày để giữ được đội hình trong nhiều ngày. Thực tiễn nghiệt ngã đã tạo ra niêm luật nghiệt ngã.
Có ở hầm mật mới rõ tại sao con người ở đây mang màu da trắng xanh thiếu máu. Suốt ngày ngồi trong bóng tối âm u mà không khí chỉ là những giọt sáng li ti rơi qua lỗ thông hơi, khi có thể lên khỏi hầm thì lại chìm vào thứ bóng tối mầu khác của đêm. Chỉ cần sống trong hầm liên tục ba tháng là người có nước da đen nhất cũng trở thành màu nhợt. Người vùng sâu sống không có ngày, chỉ cảm nhận dấu hiệu của thời gian qua giọt nắng hiếm hoi chuyển động trong hầm, chuyển động trên thân thể người kề cạnh. Tôi và chị nằm kề cạnh theo cái cách tráo trở đầu đuôi, tức là đầu người này đặt ở phía chân người kia cho dễ thở, dễ bớt nóng. Hầm mật nóng lắm! Nằm cùng hầm với phụ nữ càng nóng. Hình như thân nhiệt của họ nóng gấp rưỡi, gấp đôi mình. Sáng và chiều còn đỡ, buổi trưa nóng như một lò gang. Nhưng phía trên thì khô rang, phía dưới lại ẩm ướt nhớp nháp. Lò gang còn có thể đi lại được, ở đây đành chịu nóng trong cái thế nằm chết dí, muốn trở mình cũng không phải đơn giản. Nực nội như thế nhưng thằng con trai khả dĩ còn dễ chịu hơn vì còn có thể mặc quần đùi, cởi trần. Còn con gái lúc nào cũng phải quần chùng áo dài.
Tất nhiên chúng tôi vượt ba mươi ngày đường khổ ải xuống đây không phải chỉ nhằm nếm trải cái mùi trần ai của hầm mật, để sau này còn sống, sẽ có chuyện kể cho cháu con. Và chị, một cán bộ Tỉnh ủy xuống đây cũng không phải để thay đổi màu da cho nó thêm trắng. Chúng tôi có nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất phải nghiên cứu và diệt được cái chi khu ác ôn của quận Châu Thành, cái căn cứ mà suốt từ bao năm nay chưa có ai sờ được đến nó một cách kỹ lưỡng, để tạo thế tạo lực, tạo niềm tin cho các lực lượng mở mảng, mở vùng, gây lại phong trào trong toàn huyện. Còn chị, bên cạnh hàng núi những công việc khác đòi hỏi tầm nhìn và năng lực của một người lãnh đạo ở tuyến xung yếu nhất, chị giúp chúng tôi việc ăn ở, nắm địch, nắm dân để tiếp cận mục tiêu được suôn sẻ. Nói chung là hai nhiệm vụ gắn chặt với nhau, hỗ trợ cho nhau. Như vậy, vô hình chung chị là chính trị viên, là chính ủy, là linh hồn của các mũi luồn sâu. Điều đó khiến chúng tôi không những tôn trọng chị, hoàn toàn dựa vào chị mà còn phục tùng chị.
Do tính chất công việc căng thẳng và gấp gáp như thế nên có một đêm như đêm nay, ngồi giữa sương mù và cỏ cây là quý giá biết dường nào. Cũng có lẽ vì thế mà chị trở nên đằm thắm hơn, cởi mở hơn. Cứ sợ đêm chóng qua đi, cứ sợ sương mù không còn nữa, cứ sợ cỏ cây hoa lá kia chỉ là hư ảo và từ trong thâm tâm lại nơm nớp lo rằng đây là đêm cuối cùng được tiếp xúc tận cùng với thiên nhiên, ngày mai… biết đâu!
Nhưng cũng đã đến lúc phải tạm biệt tất cả để trở về cân hầm nằm ven bìa ấp. Khi đã đứng lên rồi, đã lắc mạnh đầu cho rơi rụng đi những xúc cảm bâng khuâng, đã thảng thốt nghe tiếng gà gáy, tan canh và tiếng súng cắc đọ cầm canh trên trục lộ, tôi mới chợt thấy thấm thía nuối tiếc những khoảng khắc thanh bình vừa qua, và điều kỳ diệu hơn là bỗng thấy được cái ý nghĩa sâu xa của việc mình có mặt ở đây, bên người đồng đội và người chị dịu hiền.
*
* *
Khoảng mười ngày sau, tôi và chị lại có dịp đi ra căn chòi nằm chơ vơ như cô đảo. Vẫn là đón giao liên để nhận những chỉ thị và nộp những báo cáo thường kỳ. Chỉ khác đêm nay có trăng. Trăng vùng ven sáng như nắng, người đi xa một cây số cũng có thể nhìn rõ. Cảnh vật hiện lên gồ ghề, gai góc đến trần trụi. Chính vì thế mà tôi không thích. Đã ra tới đây, tôi chỉ muốn mọi thứ đều mông lung, mờ ảo để làm dịu đi những chịu đựng quá sức của mười ngày qua. Trần trụi từng phút, từng giờ, ra đây còn đập mặt vào sự trần trụi nữa thì chịu sao nổi. Mười ngày… Khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, để công việc tiến triển thêm được một bước, chúng tôi đã hy sinh mất một người, một người nữa bị thương phải vượt đường khiêng về tuyến sau.
Đêm nay giao liên xuống sớm, nhưng không phải chú bé dễ thương ấy. Người từ trong vùng trăng sáng đi ra là một cô gái khỏe mạnh, quần xắn cao, dây lưng giắt kín tạc đạn Mỹ. Cô thông báo chú bé giao liên đã hy sinh hai ngày trước đây ở vườn xoài Hòa Lợi, trong một chuyến đưa khách qua lộ 2. Từ nay cô đảm nhiệm đường dây xuống tuyến xung yếu này. Cả tôi và chị đêu lặng đi một chút. Nhưng trong chiến tranh ngay những phút lắng đi như thế cũng không thể kéo dài. Cũng như cô gái khỏe mạnh kia, khi thông báo chú bé không còn nữa, giọng cô vẫn bình thản như thông báo mọi tin tức chiến sự khác. Trái tim cô chai sạn rồi chăng? Hay cô đã quá quen với cái chết? Hoặc trong ác liệt, cong người không đủ thì giờ nhấm nháp tận cùng nỗi đau thương hay sự mừng vui? Có lẽ điều cuối cùng là đúng. Bởi lẽ ngay bây giờ, chút nữa hay ngày mai, cô cũng có thể chết, chúng tôi cũng có thể chết. Chuyện thường tình, trải qua nhiều thì thành quen. Đến hôm nay, thỉnh thoảng được đọc trên sách báo hay nghe trên đài mô tả về một cái chết nào đó mà ngượng chín cả người. Nó giả tạo, nó thống thiết quá, chứng tỏ người viết không hiểu chết có nghĩa là gì.
Khi cô giao liên đã ngoăn ngoắt đi trở lại, tôi đem những suy nghĩ trên nói lại với chị. Chị cười, cười lặng lẽ. Lúc sau, chị nói:
- Có lẽ Thắng nói đúng, tuy rằng chưa hoàn toàn đúng hẳn. Cái chết ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào cũng khủng khiếp lắm. Đời tôi cũng đã trải qua những lần chứng kiến cái chết của người thân, tưởng như không còn chịu nổi nữa…
Thế là lần này tôi không phải làm động tác gợi nhắc, chị đã chủ động kể tiếp cuộc đời chị cho tôi nghe. Vẫn cái giọng khẽ khàng như tâm sự với đêm. Lần này chị kể đến sáng. Kể tỉ mỉ, gần trọn vẹn cuộc đời chị. Kể như có một sự thôi thúc ở bên trong, như ít có dịp hoặc không bao giờ có dịp được kể nữa.